[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


21 tháng 11 2012

Nghĩa Tào khang còn không trong thời kinh tế mở?

LĐM vẽ lại để minh họa
Hôm nọ, nhân chuyện có người vừa qua lần Đại phẫu nhưng vợ đi đâu không rõ, nhà cửa vắng lạnh, tôi viết trên Facebook:
“Vợ chồng là nghĩa Tào khang,
Cớ sao bỏ bẵng khi chàng đang đau”.
Con gái tôi hỏi “Tao khang chứ bố!”. Để tranh luận với cô Thạc sĩ Ngữ văn này, tôi lục tìm tư liệu mới thấy chữ này gắn với một câu chuyện rất hay, rất cảm động về tình nghĩa vợ chồng, về sự thủy chung.

Thuật ngữ này xuất phát từ một Điển cố / Điển tích (H: 典故 / 典跡  , A: Classic allusions / Classic examples, P: Allusions classiques / Exemples classiques, chỉ  những việc có chép trong các sách vở thời xưa, được cô đọng lại trong một từ ngữ hay một thành ngữ) từ hai nghìn năm trước mà có nhiều di bản khác biệt chút ít. Đấy là chuyện về ông Tống Hoằng (宋弘, ?? thời Đông Hán (東汉, 25 - 220). Dựa vào Hậu Hán Thư (後漢書 do Phạm Diệp (范曄, 398 – 445) biên soạn vào thế kỷ thứ 5) và vài bản dịch khác có thể tóm lược như sau:
Tống Hoằng 宋弘, tự là Trọng Tử 仲子, người Trường An 长安 (nay thuộc Thiểm Tây 陕西) từng làm Thị trung 侍中 dưới triều Hán Ai đế  (漢哀帝, 26 tCn – 1 tCn), Hán Bình đế (漢平帝,1tCn-5). Khi Vương Mãng (王莽,45 tCn - 23) lật nhà Hán lập nên  nhà Tân (新朝,8-23) ông làm Cộng công 共工 (?). Sau này, khi một hậu duệ  xa của nhà Hán là Lưu Tú (劉秀,  6 tCn 57) nổi lên chng li chính quyền Vương Mãng, đánh bại các lực lượng cát cứ và thống nhất quốc gia tái lập nhà Hán, sử gọi là Đông Hán ông được bổ giữ chức: Thái trung Đại phu 太中大夫, Đại ti không 大司空, được phong Tuyên Bình hầu 宣平侯. Ông nổi tiếng là người ôn thuận, trung nghĩa, chính trực và chung thủy. Tống Hoằng có người vợ ở nhà bị bệnh, mù lòa nên ngoài giờ làm việc quan, hằng ngày ông săn sóc vợ tận tình và tới bữa cơm thì tự tay bón cơm cho vợ.
Khi ấy, Hán Quang Vũ Lưu Tú (漢光武帝,6 tCn – 57) có người chị là Hồ Dương Công chúa Lưu Hoàng 湖陽公主劉黃, sớm góa chồng. Công chúa rất ái mộ Tống Hoằng cho rằng: 宋公威容德器, 群臣莫及 và thường nói: Nếu ai được như Tống Hoằng thì Công chúa mới chịu ưng làm chồng. Vua Quang Vũ biết thế nên cho gọi riêng Tống Hoằng vào Điện lại để Công chúa chị cả đứng sau rèm nghe. Khi Tống Hoằng đến, nhà Vua ướm hỏi :
- 谚言贵易交,富易妻,人情乎” (Ngạn vân: Quí dịch giao, phú dịch thê, hữu chư?), nghĩa là: Ngạn ngữ nói rằng: “Sang đổi bạn, giàu đổi vợ, có chăng?”
Tống Hoằng liền tâu rằng:
- 臣闻贫贱之知不可忘,糟糠之妻不下堂” (Thần văn: Bần tiện chi giao mạc khả vong, tao khang chi thê bất khả hạ đường), nghĩa là “Thần nghe: Bạn bè lúc nghèo hèn chớ nên quên, người vợ tấm cám chớ để ở nhà sau”, ý nói: không thể bỏ người vợ tình nghĩa thuở ban đầu nghèo khổ để cưới người vợ mới trẻ đẹp lúc giàu sang.
Lưu Tú và Lưu Hoàng nghe Tống Hoằng nói như vậy thì biết rằng dù vợ bị mù lòa, không giúp đỡ được gì lại phải chăm sóc nhưng ông một lòng thương yêu chung thủy, không muốn cưới vợ khác, giầu sang quý trọng hơn. Biết Tống Hoằng là người trung nghĩa và rất chung thủy, nên chị em nhà Vua rất kính phục và bỏ ý định kéo ông về làm rể Hoàng tộc.
Từ đó từ “Tao Khang” lấy từ ý Tao Khang Chi Thê 糟糠之妻 trong câu nói trên của Tống Hoằng được đi vào cuộc sống. Trong cụm từ này chữ  có phiên thiết là 作曹切 (tác tào thiết) đọc là “tào” nhưng cũng có âm là “tao”, nghĩa là cặn bã rượu 酒滓也 được cấu tạo bởi chữ “mễ” , chữ “tào” (从米曹聲). Còn chữ có phiên thiết là 苦岡切 ( khổ cương thiết), đọc là “khang”, nghĩa là Trấu (vỏ hạt thóc) được cấu tạo bởi chữ “mễ” , chữ  “khang” 康 (从米康聲). Đây là hai sản phẩm dư thừa của con người, dùng để nuôi lợn, nhưng đối với người quá nghèo khổ đây là hai thứ cứu đói, nuôi sống người. Do đó hai chữ Tào khang là để chỉ lúc nghèo khổ.
Từ đó, thành ngữ “Tao khang chi thê” hay “Tào khang chi thê” dùng để chỉ người vợ lấy lúc ban đầu khi còn nghèo khổ, là vợ cả. Ngược với từ “Cát lũy” mà trong đó “cát” là dây sắn, mọc quấn quýt nhau còn “luỹ”  là cây leo quấn theo dùng chỉ người vợ lẽ  񠅀, thiếp .
Nhớ lại trong Truyện Kiều (傳翹,hay Đoạn Trường Tân Thanh 斷腸新聲) cụ Nguyễn Du (阮攸,1766–1820) để Thúy Kiều khi đang ấm tình nồng đã cảnh báo chàng Thúc:  𪉽情葛藟𤁕情糟糠Mặn tình cát lũy, nhạt tình tao khang” mới biết điển cố này đã đi vào đời sống thế nào!
Tiếc thay, ngày nay mấy ai theo được Tống công và Hoàng gia thời đầu Đông Hán! Hiện tượng “sang đổi vợ”, đôi khi núp dướ chiêu bài “kiếm tí mấu tre” không hiếm và đặc biệt hiện đại hơn, nhiều người lẽ ra phải là “thê hiền” 妻賢, “hiền phụ” 賢婦 cũng lại quên thời khốn khó, khi có “của ăn của để” đã phá cách làm dữ hơn trở thành những “ác phụ” 惡婦 làm cho “phu bại” 夫敗, “họa tăng” 禍多. Như thế còn đâu là “Tình thâm nghĩa trọng” 情深義重?. Những đôi vợ chồng ấy khi xưa cũng yêu nhau tha thiết, tức họ có cái tình , gặp nhau bởi cái duyên và trước khi bước vào cuộc sống vợ chồng 婚配 họ cũng tổ chức hôn lễ 婚禮 rinh rang lắm. Nay có khi họ chẳng thuộc loại Gian dâm  (H: 奸淫,A: Adultery, P: Adultère) hay “Dâm phụ gian phu” (H:  淫婦奸夫 , A: The adulteress and adulterer, P: La femme adultère et l'homme adultère) gì. Nhưng cái “duyên” không màng, cái “tình” đã hết, cái “nghĩa” chẳng còn chỉ còn cái “nợ” thì sao giữ được mái ấm gia đình!
Nếu chẳng ai còn nhớ đến cái “nghĩa tào khang” thì ai sẽ chăm lo tới cái đảm bảo cuộc sống (như nuôi lợn ), ai che chở bảo vệ như cái mái (khởi bộ Miên ) cho thành cái nhà ? và như vậy lâu đài “Gia đình” sẽ rất mong manh!
-Lương Đức Mến, mùa Cưới 2012-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!