[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


06 tháng 3 2010

Cuộc Khai thác thuộc địa với Gia tộc


Do nhiều nguyên nhân, sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918), Pháp tiến hành công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ Hai ở Đông Dương. Chính việc này mà nhiều nông dân dồn đến thế cùng, phải bỏ làng ra đi, trong đó có ông nội tôi.

1. Công cuộc khai thác thuộc địa:
Năm 1857 chính phủ Pháp thông qua quyết định đánh chiếm Việt Nam. Nhưng do sự đánh trả quyết liệt của những người yêu nước Việt Nam, phải sau 30 năm, thực dân Pháp mới thiết lập được quyền thống trị của họ trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Sau đó, bằng Kế hoạch do toàn quyền Đông Dương Đume (P. Doumer) vạch ra ngày 22.3. 1897, quá trình khai thác thuộc địa Đông Dương của thực dân Pháp bắt đầu. Nhưng nó bị gián đoạn bởi Chiến tranh thế giới (1914-1918).
Sau thế chiến thứ nhất, dù thắng trận, Pháp vẫn bị thiệt hại nặng nề. Để cứu vãn nền kinh tế, Pháp ra sức vơ vét các thuộc địa. Pháp tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Tổng số vốn được đầu tư vào Việt Nam từ 1919 đến 1929 lên đến 8 tỷ FF. Ngân hàng Đông Dương mà ban Giám đốc bao gồm các nhà kỹ nghệ, các nhà tài phiệt thực sự cai trị Việt Nam. Hoạt động đầu tư chú trọng vào việc khai thác mỏ, đồn điền cao su. Tất cả lợi nhuận đều được đưa về Pháp. Các đồn điền cao su được mở rộng. Diện tích trồng cao su từ 15.000 hecta vào năm 1924 lên đến 120.000 hecta vào năm 1930. Hoạt động mỏ cũng phát triển tăng vọt. Vào năm 1923 có 496 mỏ được khai thác thì đến năm 1929 có đến 17.685 mỏ. Đa số các mỏ ấy tập trung ở Bắc Kỳ. Ngành sản xuất chế biến thì không có phát triển gì nhiều, vì Pháp muốn duy trì sự độc quyền của mình trong sản xuất cũng như trong việc tiêu thụ hàng hóa.
Kết quả công cuộc này là bộ mặt xã hội Việt Nam nói riêng, Đông Dương nói chung có nhiều biến đổi về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, lối sống. Sự phân hoá giai cấp diễn ra sâu sắc: giai cấp địa chủ được củng cố, phát triển; giai cấp nông dân ngày càng bị bần cùng, thương nhân phát triển; một lớp người lao động mới xuất hiện và ngày càng đông trong quá trình hình thành một giai cấp riêng, tiền thân của giai cấp công nhân sau này. Đông Dương trở thành thị trường tiêu thụ sản phẩm của Pháp; thành nơi các nhà tư sản Pháp đầu tư khai thác mỏ, mở đồn điền. Do vậy tài nguyên, của cải bị vơ vét; người dân lao động bị đưa đi làm phu đồn điền ở trong nước và ở các thuộc địa khác của Pháp (Tân thế giới...); hàng chục vạn thanh niên bị đưa sang chiến trường Âu, Phi.
Bởi việc mở mang đồn điền mà nhiều nông dân rời làng ra đi, trong đó có ông nội tôi đi Tân thế giới khoảng 1927-1929 mà không trở về.
2. Ông Nội tôi:
Cụ thuộc Đời thứ Năm, tên là Lương Đức Trính 梁德楨. Tuy là con trai thứ hai, nhưng anh là Quýnh mất sơm, khuyết tự thành trưởng.
Thủa nhỏ được học hành do bác là cụ Giáo Chinh dạy. Nhà khá.
Ông bà tôi làm bạn với nhau khá sớm. Bà người cùng làng ở xóm trong: bà Đặng Thị Chỉ (1889-1982), trong khi chị gái ông lại lấy anh ruột bà. Sự “đổi dâu” này cùng với nhiều cặp khác nữa một phần tăng tình thân nhưng nhiều khi cũng gây phiền phức, có lần 2 họ Đặng-Lương cùng làng đã “giàn trận” đánh nhau máu thấm ruộng cày.
Do có chữ nên Cụ được họ giúp đưa ra làm Lí trưởng 里長. Chuyện còn kể rằng cụ làm ông Lý nhưng bênh dân. Có lần “Tây đoan” về bắt rượu “lậu” ông hô cướp và huy động cả làng ra vây. Tây sợ chạy và từ đó “cạch” không sách nhiễu làng Hương nữa. Về sau do ham mê cờ bạc và cũng như đa phần quan chức thời đó, cụ nghiện ma tuý trở nên nghèo túng.
Mặc dù được chị gái là Lương Thị Huân chu cấp nhưng không đủ chi tiêu, ruộng vườn cứ hao dần. Mâu thuẫn vợ-chồng ngày một tăng. Sau khi bà tôi sinh 2 cô (Lương Thị Ri, 1912-1945 và Lương Thị Thị, 1914-1992), khi các cô còn nhỏ, vào khoảng năm 1914-1916 ông bỏ ra ngoài Vàng Danh, Cẩm Phả làm trong mỏ Than. Mãi khi cụ Mạo sai con là Liêm ra tìm, mới về. Sau đó ông bà sinh tiếp 2 Nam là bố tôi (Lương Đức Thân, 1922-1997) và chú tôi (Lương Đức Dật, 1924-1977).
Đến khoảng 1926-1927, khi chú tôi hơn 2 tuổi, ông cùng với mấy người trong Tổng lại bỏ nhà ra đi, nói là đi “Tân Thế giới” theo số đông nông dân quê tôi khi đó. Anh, em, các cháu đóng cổng làng nhưng không ai can được. Hôm đó là ngày 29 tháng Giêng. Từ đó không về và cũng không tin tức gì.
3. Ngày giỗ và mộ phần Nội Tổ :
Về sau có người cùng tổng Cao Mật, cùng đi với ông ngày đó kể lại là: ông định đi vào Nam tới đồn điền cao su làm phu, nhưng chuyến đó tầu bị đắm (người kia ốm ở lại không đi nên thoát). Nhưng chuyến tầu định mệnh đó, ngày ấy gia đình cũng không kịp hỏi xem đắm ngày nào. Khi lập Gia phả tôi đã cố công lục tìm mọi tư liệu có thể nhưng chưa thấy thông tin về ngày giờ những con tầu ra đi từ Hải Phòng bị dắm trong thời gian đó. Nên ngày giời mất của Ông tôi vẫn không xác định chính xác được.
Chờ 6,7 năm sau, biết cụ đã mất, gia đình tổ chức “chiêu hồn nạp táng” 招魂納葬, theo nghi thức Phật giáo mong cho linh hồn người đã mất siêu thoát. Mời 7 sư làm chay, cầu siêu trong mấy ngày đêm liền. Cúng xong dùng cành dâu làm xương, vỏ dừa làm sọ (xương dâu, đầu gáo) mà mai táng. Về sau, gia đình lấy ngày 29/Giêng làm ngày Giỗ hàng năm.
Phần mộ do « Chiêu hồn nạp táng » mà có đó vào năm 1964 trước khi lên Lào Cai, bố và chú tôi đã cho chạy cùng với những ngôi mộ thuộc gia đình tôi gọn vào một chỗ. Nhưng hồi đó không khắc bia đánh dấu gì nên khi Quy tập (do Song thân, Vợ, các em tôi thực hiện tháng 12/1994) đặt gần Nghĩa trang LS xã Chiến Thắng chỉ biết đấy là Mộ nhà mình chứ không rõ đích thực là mộ phần của ai. Do vậy viẹc đặt mộ cũng không theo nguyên tắc “chiêu mục” là đời lẻ đặt bên trái, đời chẵn bên phải. Khu mộ này nếu đứng từ đường Kiến An đi Tiên Lãng nhìn vào thì ở bên trái Nghĩa trang, cách tường bao Nghĩa trang 5-7m, qua mộ bác Nghóe là vợ bác Nhỡ. Các mộ được đặt theo hướng đầu quay về Nghĩa trang nhìn ra Sông Văn úc. Đến khi Tôi và Tràng về thọ tang Cậu Kiển đã cho khắc và gắn bia vào tháng 8/1997. Tất cả gồm 06 Mộ. Tên khắc trên bia là theo thứ tự vai vế, chứ không phải theo thứ tự mộ. Trong Bia đá có một chỗ bỏ trống, vì khi đó tôi hỏi các anh ở quê không ai nhớ ra. Mãi đến khi vợ chồng tôi về quê (1999), thông qua cuốn Lược thuât... mới biết tên bà cô của bố tôi là Huân. Từ đó mỗi dịp đi công tác, du lịch hay thăm quê anh em con cháu tôi đều đến đây thắp hương, nhận mộ. Vì xây từ sớm nên các ngôi mộ xây sau cao hơn chúng tôi có ý định tôn tạo chứ không xây lại.
Chính vì ông Nội tôi rời làng khi bố tôi còn nhỏ nên bà Nội tôi khá vất vả, bù lại cụ đảm nên vẫn lo được, lại lo cho cháu ruột, cháu họ nữa. Nhưng thiệt là chuyện về Cụ Nội tôi và Ông Nội tôi ít được truyền kêt lại nên khi lập Gia phả rất khó. Hơn nữa có người nói : bởi mộ cụ chỉ là « xương dâu đầu gáo » nên con, cháu tôi hầu như đều hơi bẹp đầu cả và do cụ « Thuỷ táng » nên con cháu có số tha phương. 
          Đúng là chuyện lịch sử không chỉ ảnh hưởng đến một dân tộc, một quốc gia mà đến cụ thể từng dòng họ, gia tộc, con người cụ thể.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!