[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


13 tháng 5 2009

Một số cuộc ĐỔI HỌ trong Lịch sử

Dưới chế độ phụ hệ, con cái lấy họ của người cha. Nhưng nhiều trường hợp con cháu phải "mai danh ẩn ích" hay "thay tên đổi họ"

Do vô vàn nguyên nhân mà hậu duệ phải cải họ. Nhưng đa phần vẫn giữ được những dấu tích của họ cũ. Ví dụ: bên Trung Hoa có họ Vi 韋, cha ông trước kia là họ Hàn 韓, nhưng vì có tội với triều đình nên đã tách chữ Hàn làm đôi, bỏ đi nửa trái, giữ lấy nửa phải, thành ra họ Vi 韋. Cũng như ở nước ta nhiều người họ Mạc đã đổi thành họ Phạm vì Mạc 莫 và Phạm 范 đều có bộ thảo đầu (艹) như nhau. Hay như họ Trần đổi ra Đặng bởi 2 chữ (Trần 陳, Đặng 鄧) đều có bộ ấp 阝. Thế là «bỏ thì thương, vương thì tội» đành giữ lấy ít là một nửa vậy. Sau đây là vài ví dụ sưu tầm được:
1. Từ họ Lý ra họ Nguyễn
Sau loạn Qúach Bốc năm Kỷ Tỵ (1209), trong triều Lý, thế lực họ Trần ngày một mạnh. Trần Thủ Độ ép vua Lý Huệ Tông (1211-1224) nhường ngôi cho người con gái mới sáu tuổi là Chiêu Thánh công chúa tháng Mười năm Giáp Thân (cuối 1224), tức Lý Chiêu Hoàng (1224-1225). Lý Huệ Tông lên làm Thái Thượng hoàng, xuất gia đi tu tại chùa Chân Giáo, pháp danh là Huệ Quang thiền sư. Trần Thủ Độ sắp đặt cho con cháu của mình là Trần Cảnh, mới tám tuổi, cưới Lý Chiêu Hoàng. Đến đầu năm 1226 (tháng 12 năm Ất Dậu), Chiêu Hoàng lại nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh tức Trần Thái Tông (1226-1258), lập ra nhà Trần (1226-1400).
Để củng cố Vương triều, Trần Thủ Độ kiếm cách tiêu diệt tất cả con cháu nhà Lý. Việc đầu tiên là bức tử Thượng hoàng Lý Huệ Tông. Một hôm ngang qua chùa Chân Giáo gặp thiền sư Huệ Quang đang nhổ cỏ trong vườn, Trần Thủ Độ nói rằng: “Nhổ cỏ phải nhổ hết rễ cái”. Nghe thế thầy Huệ Quang trả lời: “Lời nhà ngươi nói ta hiểu rồi”. Sau đó, Trần Thủ Độ cho người mời thầy Huệ Quang vào triều bàn việc. Huệ Quang biết ý, vào sau chùa thắt cổ tự vận.
Trần Thủ Độ ra lệnh đem gả các cung nhân và con gái họ Lý cho các tù trưởng các bộ tộc ít người ở các vùng núi xa xôi miền biên viễn. Tháng Tư năm Nhâm Thìn (1232), nhân việc ban chữ húy về tiên tổ họ Trần và lấy cớ ông nội của Trần Thái Tông tên là Trần Lý, nên Trần Thủ Độ đưa ra biện pháp quyết liệt là buộc con cháu họ Lý phải đổi thành họ Nguyễn. Việc này còn nhằm để dân chúng dứt lòng với cựu triều.
Gần cuối năm Nhâm Thìn (1232), tôn thất nhà Lý tập trung làm lễ tế tổ tiên ở thôn Thái Đường, xã Hoa Lâm (nay thuộc Bắc Ninh). Trần Thủ Độ cho làm nhà tế lễ bằng tre lá trên một cái hầm, khi con cháu nhà Lý tập trung hành lễ, Trần Thủ Độ ra lệnh chôn sống hết con cháu nhà Lý để dứt điểm một vấn đề làm cho Trần Thủ Độ lo lắng bấy lâu nay. Sau cuộc thanh trừng khủng khiếp này, con cháu nhà Lý không còn dám về Bắc Ninh làm lễ tế hàng năm, và họ thay tên đổi họ sống lẫn khuất trong dân gian để tránh bị tiêu diệt.
Đặc biệt hoàng tử Lý Long Tường, con trai thứ của Lý Anh Tông đã bỏ nước ra đi năm 1226, cùng đoàn tùy tùng khoảng 40 người vượt biên sang lập nghiệp ở Triều Tiên hay Cao Ly tức Korea, lập ra dòng họ Lý Hoa Sơn. Tám trăm năm sau, hậu duệ đời thứ 31 của Hoàng tử này là ông Lý Xương Căn đã về Việt Nam thăm lại đất Tổ.
Nhà Trần buộc họ Lý 李 đổi thành họ Nguyễn 阮 vì muốn họ Lý hòa lẫn trong số đông người Việt rải rác khắp nước bởi họ Nguyễn có nhiều và có sớm ở nước ta ?
2. Họ Trần sang họ Trình
Để quân Minh chóng rút về nước, cuối năm 1427, Lê Lợi chấp nhận giải pháp hòa bình trong danh dự cho cả hai bên: trước đây quân Minh xâm lăng nước ta dưới chiêu bài “phù Trần diệt Hồ”, nay Lê Lợi đồng ý đưa Trần Cao lên ngôi, xem như quân Minh viễn chinh đã đạt được mục đích ban đầu là đưa người họ Trần trở lại ngôi báu, nay rút về nước trong vinh quang.
Sau khi quân Minh về nước, Trần Cao biết thân phận mình, bỏ trốn về châu Ngọc Ma (Nghệ An), nhưng bi bắt lại, và uống thuốc độc chết. Lê Lợi lên ngôi vua, tức Lê Thái Tổ (1428-1433).
Lê Thái Tổ được nước không do một cuộc đảo chính cung đình mà do công lao chiến đấu của chính ông và gia đình, nên ông ít có thái độ kỳ thị với họ Trần là họ cầm quyền trước đó. Ông có một sách lược rất khôn khéo là ban quốc tính rộng rãi cho các công thần. Ngay khi vừa lên ngôi năm 1428, Lê Thái Tổ ra sắc chỉ cho ghi chép công trạng của những người đã theo vua khởi nghĩa, ban chức tước và quốc tính (họ của nhà vua) cho 221 người. Đây là đợt ban quốc tính nhiều nhất trong lịch sử nước ta mà vua Tự Đức đã lên tiếng chê rằng “... cho quốc tính nhiều quá như thế nầy thì nhàm lắm”.
Việc làm nầy của Lê Thái Tổ bề ngoài xem ra là một đặc ân, nhưng thật sự là một thủ đoạn chính trị ràng buộc các công thần bằng cách đồng hóa các quan vào họ nhà vua để dễ kiểm soát nhằm tránh hậu hoạ. Lê Thái Tổ là một người rất đa nghi. Những công thần đã cùng ông dày công đóng góp cho công cuộc giải phóng đất nước mà có bất cứ một biểu hiện nào khả nghi tức thì bị Lê Thái Tổ tiêu diệt ngay.
Nạn nhân đầu tiên là Lê Hãn tức Trần Nguyên Hãn. Trần Nguyên Hãn dòng dõi Trần Nguyên Đán, lập nhiều chiến công thời kháng Minh, được phong Hữu tướng quốc và họ Lê năm 1428, sau khi Lê Thái Tổ cầm quyền. Lê Hãn cho rằng “nhà vua có tướng như Việt Vương Câu Tiễn, không thể cùng hưởng yên vui sung sướng được”, nên ông bắt chước Trương Lương, xin rút lui về hưu dưỡng tại ấp Sơn Đông (Sơn Tây ngày nay). Nhưng ông vẫn bị gièm pha là mưu toan làm phản. Lê Thái Tổ ra lệnh cho người đến bắt. Khi thuyền đến bến sông Sơn Đông, Lê Hãn tự trầm mình qua đời.
Sau đó Lê Văn Xảo tức Phạm Văn Xảo, bị Lê Thái Tổ nghe lời gièm pha ra lệnh phải chết và tịch thu nhà cửa cuối năm 1430. Dưới triều Lê Thái Tông (1434-1442), thêm ba vị đại công thần bị giết là Lê Nhân Chú (1434), Lê Sát (1437), và Lê Ngân (1437). Ngoài ra còn có Lê Khả và Lê Khắc Phục bị triệt hạ vào năm 1451 thời vua Lê Nhân Tông (1443-1459).
Sau khi Lê Nghi Dân bị các tướng lãnh phản đảo chính và lật đổ năm 1460, Lê Thánh Tông (1460-1497) được sử sách đánh giá là một minh quân, nhưng lại đi vào vết xe của nhà Trần. Vừa cầm quyền được hai tháng, Lê Thánh Tông hạ chiếu ra lệnh đổi tên những họ nào đã phạm vào chữ huý của Cung Từ hoàng thái hậu. Bà nầy tên huý là Phạm Ngọc Trần, người làng Quần Lai, huyện Lội Dương (Thanh Hóa), vợ của Lê Thái Tổ, mẹ của Lê Thái Tông, tức bà nội của Lê Thánh Tông. Nhà vua cho rằng bà nội của mình tên Trần nên năm 1435 yết thị cho dân chúng khắp nước, nơi nào có họ 陳 “Trần” đều phải đổi chép thành chữ 程 “Trình”.
Tại sao thời Lê Thái Tổ, rồi đến Lê Thái Tông và Lê Nhân Tông, các vua không kỵ huý bà Cung Từ mà Lê Thánh Tông lại kỵ huý ? Phải chăng sau những biến động của triều đình kể từ khi Lê Thái Tông bất đắc kỳ tử năm 1442, và Lê Nhân Tông bị Lê Nghi Dân lật đổ và bắt giết năm 1459, Lê Thánh Tông đã dùng cách kỵ huý (như Trần Thủ Độ trước đây) để tách ảnh hưởng của họ Trần, hoặc để ngầm đe dọa con cháu họ Trần đừng kiếm cách lợi dụng tình hình để phục hồi triều đại cũ.
Dầu sao, Lê Thánh Tông chưa đi đến chỗ quyết liệt như Trần Thủ Độ, nghĩa là Lê Thánh Tông vẫn chưa tận diệt họ Trần, và để cho những người họ Trần giữ những chức quan nhỏ như trong đoàn sứ thần gởi sang nhà Minh năm nhâm ngọ (1462) có Trần Bàn, hoặc trong viện Khâm hình của triều đình lúc đó có Trần Phong, nhưng không thấy có nhân vật nào họ Trần giữ chức vụ quan trọng mãi đến thời kỳ loạn lạc sau khi Mạc Đăng Dung đảo chính (1527) mới thấy vài nhân vật họ Trần xuất hiện trở lại trên sân khấu chính trị nước ta.
Trước đó, một vài chi nhánh của con cháu nhà Trần 陳 đã đổi sang họ Đặng 鄧, ví dụ như họ Đặng làng Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định. Đây là những họ (Nguyễn 阮, Trần 陳, Đặng 鄧, Đào 陶,Châu 邾, Quách郭...) lấy tên đất hoang khai khẩn được làm tên họ và tên họ này, khi viết ra Hán tự, đều có bộ ấp 阝đi kèm
3. Họ Mạc đổi thành nhiều họ
Mạc Đăng Dung thuộc dòng dõi Mạc Đĩnh Chi, làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương (Hải Dương), đỗ cử nhân võ và làm Đô chỉ huy sứ năm 1508 (Mậu Thìn), nhờ thời thế dần dần được các vua nhà Lê tin dùng, thăng đến chức Thái phó Tiết chế các doanh quân thủy bộ, tước Nhân Quốc Công triều vua Lê Chiêu Tông (1516-1522). Quyền hành càng ngày càng lớn, Mạc Đăng Dung lấn ép vua Lê và cuối cùng đảo chính lật đổ vua Lê Cung Hoàng (1522-1527), tự mình lên làm vua tức Mạc Thái Tổ (1527-1530) lập ra nhà Mạc.
Nhà Mạc cầm quyền từ Mạc Thái Tổ đến Mạc Mậu Hợp (1562-1592), truyền được năm đời trong 65 năm. Trong lịch sử, họ Mạc bị lên án về các lỗi lầm sau đây:
-Tổ chức đảo chính lật đổ nhà Lê (1527) là không trung quân. Nhưng “ở đời muôn sự của chung”, một triều đại yếu đuối, kém khả năng cần được thay thế bằng một triều đại khác hữu hiệu hơn để cai trị nước, đó là lẽ tự nhiên, nên việc đảo chính của Mạc Đăng Dung không đáng bị lên án như các sách vở trước đây đã làm.
-Đầu hàng nhà Minh và cắt đất chia cho nhà Minh (1540).Việc này cần được xét lại trong hoàn cảnh lúc bấy giờ. Sau khi nhà Lê mất ngôi, hai vị cựu thần nhà Lê là Trịnh Ngung và Trịnh Ngang chạy qua nhà Minh tố cáo hành động của Mạc Đăng Dung và xin nhà Minh đưa quân qua hỏi tội họ Mạc năm 1529 (Kỷ Sửu).
Năm 1533 (Quý Tỵ), Nguyễn Kim tìm được con của Lê Chiêu Tông là Lê Duy Ninh, lập lên làm vua là Lê Trang Tông (1533-1648) trong lúc đang lưu vong tại Ai Lao. Lê Trang Tông sai Trịnh Duy Liễu cùng hơn mười người đi đường biển từ Chiêm Thành theo thuyền buôn Quảng Đông tới Trung Hoa xin thỉnh cầu nhà Minh xuất quân đánh nhà Mạc. Năm 1536 (Bính Thân), một lần nữa Lê Trang Tông sai Trịnh Viên yêu cầu nhà Minh đánh họ Mạc.
Hành động của vua Lê, kêu gọi người nước ngoài về đánh nước mình, trong đó có ý kiến cố vấn của Nguyễn Kim, không bị một sử gia nào lên án. Việc làm nầy đưa đến kết quả cụ thể là nhà Minh cử Cừu Loan làm tổng đốc, Mao Bá Ôn làm tán lý quân vụ đem binh mã sang ải Nam Quan năm 1540. Ngược lại, trong thế yếu, muốn tránh một cuộc chiến mà mình nắm chắc phần thất bại, đồng thời dân Việt sẽ một lần nữa bị đặt dưới ách thống trị trực tiếp của ngoại nhân như thời Mộc Thạnh, Trương Phụ, Mạc Thái Tổ, lúc đó đã lên làm thái thượng hoàng, đành chấp nhận đầu hàng và chấp nhận hy sinh danh dự cá nhân, lên ải Nam Quan (Lạng Sơn) chịu nhục. Nhờ sự nhẫn nhục của Mạc Thái Tổ, nước ta trên danh nghĩa là lệ thuộc Trung Hoa, nhưng trong thực tế vẫn độc lập một phương, vua Mạc vẫn cai trị đất đai từ Lạng Sơn trở xuống, đâu có viên tướng Tàu nào bén mảng sang cai trị. Ai cũng bảo Mạc Đăng Dung đầu hàng nhà Minh vì quyền lợi gia đình họ Mạc, nhưng giả thiết, một giả thiết không bao giờ có thể quay lại được, Mạc Đăng Dung chống cự quân Minh như họ Hồ, nước ta bị tái đô hộ, thì nhân dân ta còn khổ biết bao nhiêu nữa. Đàng nầy, Mạc Đăng Dung một mình chịu nhục cho trăm họ bình yên. Người ta ưa ca tụng Hàn Tín khi nghèo khổ đã lòn trôn tên bán thịt chợ Hoài Âm (Trung Hoa) như là một gương nhẫn nhục đáng noi theo, nhưng chẳng một ai chịu chia xẻ với nỗi nhẫn nhục vĩ đại của Mạc Đăng Dung. Mạc Đăng Dung rất buồn tủi về sự kiện Nam Quan (Lạng Sơn) nên về nhà chưa được một năm, ông nhuốm bệnh từ trần năm 1541.
Cuối cùng việc cắt đất thực ra chỉ là năm động của những sắc tộc ít người nằm ở vùng biên giới Hoa Việt: Ty Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, và La Phù thuộc châu Vĩnh An, ở Yên Quảng. Chúng ta cần chú ý là những sắc tộc ít người sinh sống trong các động dọc biên giới Hoa Việt không nhất định về theo chính quyền Trung Hoa hay Đại Việt, mà chỉ bên nào mạnh thì họ triều cống để được yên thân. Do đó, việc cắt đất nầy chỉ có tính cách giấy tờ chứ trên thực tế là bên nào mạnh họ theo.
Trong khi đó, sau khi trở về Thăng Long, năm 1596 vua Lê Thế Tông ( 1573-1599) cử người đem hình dạng hai quả ấn của nhà Mạc và vua Lê lên Nam Quan cho đại diện nhà Minh khám xét, nhưng quan nhà Minh không chịu, bắt vua Lê phải thân hành đến gặp. Vua Lê phải chấp hành, nhưng khi đến nơi đợi lâu quá không được gặp quan nhà Minh, vua Lê đành trở về, rối năm sau (1597) lên một lần nữa mới được hội kiến. Sự kiện nầy chẳng khá gì hơn việc Mạc Đăng Dung lên Nam Quan năm 1540.
Vì quá ham lên án nhà Mạc, sử sách lơ là những công trạng đáng nhớ của nhà Mạc. Sau khi Trịnh Tùng chiếm lại Thăng Long, nhà Mạc chạy lên Cao Bằng, rồi chạy sang Trung Hoa. Trước khi từ trần năm 1594, đại tướng nhà Mạc là Mạc Ngọc Liễn để thư lại dặn vua Mạc Kính Cung: “... Họ Lê lại trung hưng, đó là số trời. Còn như dân ta là người vô tội, sao lại nỡ để cho dân mắc vào vòng mũi tên hòn đạn lâu mãi như vậy! Chúng ta nên lánh ở nước khác, cốt phải cẩn thận giữ gìn, đừng lại cố sức chiến đấu với họ nữa. Lại dứt khoát chớ có đón rước người Minh kéo sang nước ta để đến nỗi dân ta phải lần than khốn khổ ...”
Đây không phải lời nói suông trong cảnh trà dư tửu hậu, nhưng đây là tâm huyết của một con người sắp nằm xuống trong cơn hoạn nạn cùng cực vì mất nước. Suốt trong lịch sử Việt Nam, chúng ta thường được nghe những lời nói của Trần Hưng Đạo, Trần Bình Trọng, Đặng Dung, hào hùng như vó ngựa tổ tiên, nhưng ít khi được đọc những dặn dò như Mạc Ngọc Liễn, nhân bản, đầy tình tự dân tộc không khác gì lời ru êm ái trong những câu ca dao mộc mạc.
Điểm quan trọng nhất là con cháu nhà Mạc đã không kêu nài van xin người Minh đem quan sang đánh nước ta giống như nhà Lê đã làm. Họ chỉ yêu cầu nhà Minh can thiệp cho họ về sinh sống đất Cao Bằng. Chính họ đã góp công phát triển Cao Bằng, tạo thế đoàn kết Kinh Thượng và biến Cao Bằng thành một vùng biên giới vững chắc. Công trạng này tuy không rực rỡ như đường về phương nam của chúa Nguyễn, nhưng sử sách cũng không thể quên tuyên dương họ Mạc.
Khi Trịnh Tùng chiếm được Thăng Long, trung hưng nhà Lê (1593), con cháu họ Mạc tẩu tán khắp nước, một số lên Cao Bằng, một số chạy vào Thanh Hóa, Nghệ An ẩn trốn, và một số vào Nam theo chúa Nguyễn. Con cháu họ Mạc đổi ra rất nhiều họ khác nhau. Danh tướng Đàm Quang Trung của Quân khu Việt Bắc thời hiện đại lại chính là hậu duệ của dòng họ này. Tổng đốc Hoàng Diệu và Uỷ viên Xứ uỷ Nam Kì Phan Đăng Lưu cùng là con cháu vua Mạc. Hay một số người dân tộc Tầy họ Mạc ở vùng Cao Lạng ngày nay lại chính là con cháu người Kinh vùng Cổ Trai, Hải Phòng xưa. Sách Thế phả ghi rõ là con của Mạc Đăng Doanh, em của Mạc Kính Điển là Mạc Cảnh Huống vào Nam theo Nguyễn Hoàng, sau con là Mạc Cảnh Vinh đổi là Nguyễn Hữu Vinh. Chi họ Vũ - Tiến ở xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình cũng chính là hậu duệ của họ Mạc. Ngày một số chi họ Hoàng, họ Phạm (vì Mạc 莫 và Phạm 范,Hoàng 黃 đều có bộ thảo đầu 艹 như nhau) vùng Chiến Thắng, An Lão vốn cũng gốc họ Mạc Cổ Trai và mấy năm nay đã về nơi phát tích nhà Mạc giỗ Tổ. Không những vậy, mà chắc chắn còn nhiều họ khác nữa.
Tuy vậy vẫn có một chi họ Mạc không hề phải đổi họ. Đó là chi của Mạc Hữu Đạo ở đất Hùng Khê, Hải Dương. Ông là con trai Mạc Thuần Trực, cháu Mạc Phúc Tư, chắt Mạc Đăng Doanh. Sở dĩ con cháu ông được bảo đảm bởi ông là con nuôi Quận chúa Trịnh Thị Nhân (vợ của Mạc Đạo Trai tức thím của Hữu Độ).
Trước đây, những họ nầy không lên tiếng vì một mặt sợ các chính quyền quân chủ trả thù, và một mặt việc sử sách lên án triều đại nhà Mạc ít nhiều gây những ưu phiền cho con cháu. Hy vọng sẽ có một ngày nào đó, con cháu những họ nầy thấy rõ rằng nhà Mạc không đáng bị lên án như người ta đã làm xưa nay, bỏ qua những ưu phiền không đáng, sẽ lên tiếng để tìm về gốc gác ông bà mình.
Qua ba cuộc đổi họ trên đây, lý do chính đưa đến việc đổi họ là do tiên tổ các họ nầy đã lên nắm chính quyền, lập triều đại, sau bị truất phế và bị nghi ngờ nên con cháu bị bắt buộc phải đổi họ. Ngược lại, trong lịch sử nước ta, có một dòng họ lớn từ thời Ngô Quyền lập quốc cho đến nay không thay đổi mà mỗi ngày một hưng thịnh. Đó là họ Nguyễn Phúc ở Gia Miêu ngoại trang, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.
4. Từ họ Lê sang họ Bùi:
Đa phần hậu duệ các vua, quan khi thất thế phải cải họ, hoặc thường dân có công được vua ban họ. Nhưng ngược lại có Thân vương lại đổi sang họ thứ dân.
Dòng họ Bùi ngày nay ở xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc là dòng hậu duệ của vua Lê Lợi. Theo Gia phả đang lưu trữ thì cụ sơ tổ của dòng họ này là Lê Chân, con của Cung vương Lê Khắc Xương, cháu của Lê Nguyên Long, chắt của Lê Lợi. Vua Lê Thánh Tông đổi họ cho Cung vương Lê Khắc Xương sang họ Bùi, Lê Chân là con của Lê Khắc Xương được mang họ Bùi gọi là Bùi Chân. Bùi Chân về ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc tới nay đã 528 năm (1480-2008), hình thành ra một dòng họ Bùi là hậu duệ của Lê Lợi ở đây.
Lý do vua Lê Thánh Tông đặc ân đổi họ cho Cung vương Lê Khắc Xương
Bà Phạm Thị Ngọc Trần, vợ thứ hai của Lê Lợi, sinh ra Lê Nguyên Long ngày 20 tháng 11 Quý Mão (1423). Bà mất ngày 24 tháng 3 năm Ất Tỵ (1425), khi đó Nguyên Long mới 3 tuổi. Nguyên Long được giao cho Giám quan Bùi Cầm Hổ nuôi dạy. Sau này Nguyên Long lên ngôi (Lê Thái Tông) đã lấy con gái giám quan Bùi Cầm Hổ để trả cái ơn đó. Lê Thái Tông và thần phi Bùi Quý nhân sinh ra Cung vương Lê Khắc Xương ngày 4 tháng 5 năm Canh Thân (1440).
Lê Thái Tông có bốn người con trai với bốn bà cung phi là:
• Bà cả: Chiêu nghi Dương Thị Bí, sinh ra Lệ Đức Hầu Lê Nghi Dân
• Bà hai: Bùi Thần phi, sinh ra Cung vương Lê Khắc Xương
• Bà ba: Thần phi Nguyễn Thị Anh, sinh ra Lê Bang Cơ (Lê Nhân Tông)
• Bà tư: Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao, sinh ra Lê Tư Thành (Lê Thánh Tông)
Năm Nhâm Tuất (1442), Lê Thái Tông bị cảm, băng hà tại Lệ Chi Viên, Lê Băng Cơ mới 2 tuổi được lên ngôi hoàng đế, tức là vua Lê Nhân Tông. Vì là dòng đích mà không được lên ngôi nên mùa đông năm Kỷ Mão (1459) Lê Nghi Dân đã giết vua Lê Nhân Tông và Thái hậu Nguyễn Thị Anh, tự mình lên làm vua và phong cho em là Lê Khắc Xương làm Cung vương, và Lê Tư Thành là Gia vương.
Các đại thần là Nguyễn Xí, Đinh Liệt xướng nghĩa giết phản nghịch giáng Nghi Dân xuống tước Hầu. Trong triều có người muốn đưa Lê Tư Thành lên làm vua, quan Tư Đồ Lê Lăng can rằng: Lê Tư Thành còn có người anh là Lê Khắc Xương, không nên bỏ anh lập em để lại dẫm vào vết xe đổ Băng Cơ - Nghi Dân. Ngày 7 tháng 6 Canh Thìn (1460) quan tư đồ Lê Lăng cùng triều thần đến đón Cung vuơng Lê Khắc Xương tôn lập hoàng đế, nhưng Lê Khắc Xương khước từ. Triều thần liền tôn lập Gia vương Lê Tư Thành lên ngôi hiệu là Lê Thánh Tông (1460-1497). Sau khi lên ngôi Lê Thánh Tông không hài lòng về chuyện này nên đã gán tội giết chết quan tư đồ Lê Lăng, bức hại Cung vương Lê Khắc Xương, để lại người con trai duy nhất là Lê Chân.
Nhân chuyện quan Ngự sử Bùi Cầm Hổ có liên quan đến vụ án Lệ Chi Viên, nên năm Kỷ Hợi (1479), khi xét lại vụ án này và minh oan cho các trung thần bị hại, vua Lê Thánh Tông đã ban chiếu truy liệt cho Ngự sử, như sau:
Công sử Ngự - Nhân minh quang đại hiếu-Trung liệt
Toa qua nghị giáo trừng Tiên Đế-trĩ đồng từ
Vân thiên quang - đạt Lý đức hiền nhân - Tuấn khuê
Kim huynh Vương - Phụng đức trung Bùi Tính.
Cửu truyền lưu nhân chí - Thấu quốc Đế Nhân tứ tông - tỳ phương”.
Nghĩa là: “Ngự sử công Bùi Cầm Hổ thực là Đại thần trung liệt đã đùm bọc và nuôi dạy Tiên đế ta từ thuở ấu thơ. Nay được đèn trời soi tỏ đức hạnh của người sáng như sao Khuê. Từ nay huynh Vương được đặc ân mang họ Bùi để mãi mãi tỏ rõ lòng ân quốc tính của Tiên Đế đối với dòng dõi người oan khuất”.
Như vậy Vua Lê Thánh Tông đã đổi họ cho anh của mình là cung vương Lê Khắc Xương sang họ Bùi, thực chất là loại bỏ dòng dõi hoàng tộc của Lê Khắc Xương.
Sự định hình và phát triển
Năm Canh Tý (1480), Lê Chân (lúc này là Bùi Chân) đưa bà và mẹ về quê ngoại là làng Thượng Trưng phủ Bạch Hạc trấn Sơn Tây, nay là xã Thượng Trưng huyện Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Phúc. Vào thời nhà Mạc, Đức trai Bùi Hoằng là hậu duệ đời thứ 3 Bùi Chân, đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Tuất niên hiệu Đại Chính thứ 9 (1538) đời vua Mạc Đăng Doanh, đã hiến cho Thái thượng hoàng Mạc Đăng Dung kế sách giải pháp hoà bình trước sự thúc ép của nhà Minh. Tháng 8 năm Canh Tý (1540) Mạc Đăng Doanh tặng cho Tiến sĩ Bùi Hoằng “Kim tử vinh lộc đại phu” lấy chữ “Thủ” làm gương, và phong tước An Thủy bá. Vua Mạc tặng:
Tiến sĩ Bùi Hoằng An thủy bá là Thủ Ước
Hiển đức khảo tiên liệt Đức Nghị là Thủ Chính
Hiển đức tổ khảo tiên liệt là Thủ Chân.
Từ đây Lê Chân được gọi là Bùi Thủ Chân, là sơ tổ của dòng họ. Họ Bùi là hậu duệ của Lê lợi hiện nay đang tồn tại và phát triển ở Thượng Trưng, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc và hai nhánh ở Tiểu Quan, Phùng Hưng, Khoái Châu, Hưng yên và Gia Viễn, Hoa Lư, Ninh Bình.
Một số khoa bảng
Theo gia phả thì dòng họ này có 5 tiến sĩ đại khoa, hiện nay tìm và khớp được với 3 bia trong Văn miếu và có trong sách “Các Nhà Khoa Bảng Việt Nam”gồm:
• Bùi Hoằng: 33 tuổi đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) Khoa Mậu Tuất niên hiệu Đại chính 9 (1538) đời Mạc Đăng Doanh, làm quan đến Thừa chính sứ tước An Thủy bá.
• Bùi Công Tốn: 37 tuổi đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) Khoa Ất Sửu niên hiệu Chính hòa 6 (1685) đời vua Lê Hy Tông.
• Bùi Quang Vận: 28 tuổi đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Quý Sửu niên hiệu Dương Đức 2 (1673) đời Lê Gia Tông làm quan đến chức Giám sát, Ngự sử.
5. Một họ lớn không thay đổi
Theo Thế phả, “Đức Định Quốc Công huý là Nguyễn Bặc, thân phụ và thân mẫu của ngài không được rõ, ngài được xem là thuỷ tổ của dòng họ Nguyễn Phúc.” Nguyễn Bặc (阮匐,924-979) là bạn chí thân từ thuở hàn vi và là cận thần của Đinh Bộ Lĩnh tức Đinh Tiên Hoàng (丁先皇,968-979). Khi Đinh Tiên Hoàng lên ngôi vua, Nguyễn Bặc được phong Định Quốc Công, đứng đầu các công thần. Năm 979, Đinh Tiên Hoàng bị ám sát, Nguyễn Bặc bắt giết ngay kẻ thích khách là Đỗ Thích 杜釋, và tôn phò con của Đinh Tiên Hoàng là Vệ Vương Đinh Tuệ 衛王丁穗. Lê Hoàn có ý làm phản nhà Đinh, Nguyễn Bặc chống đồi, cầm quân đánh Lê Hoàn, nhưng bị Lê Hoàn bắt giết. Theo sách Thế phả, từ thời Nguyễn Bặc cho đến ngày nay, thời nào họ Nguyễn ở Gia Miêu ngoại trang (Thanh Hóa) cũng đều có người giữ những địa vị cao trong các triều đại, và thường được phong tước công. Chỉ có một thay đổi nhỏ so với lúc ban đầu là họ nầy lót thêm chữ 福 “Phúc” vào thế kỷ 16. Tương truyền rằng khi sắp sinh, vợ của Nguyễn Hoàng 阮潢 nằm mộng thấy thần nhân cho một tờ giấy viết đầy chữ 福 “Phúc”. Có người đề nghị bà lấy chữ “Phúc” đặt tên cho con, thì bà trả lời rằng: “Nếu đặt tên cho con thì chỉ một người được hưởng phúc, chi bằng lấy chữ “Phúc” đặt làm chữ lót thì mọi người đều được hưởng phúc”. Bà liền đặt tên con là Nguyễn Phúc Nguyên (阮福源,1563-1635, cầm quyền 1613-1635 gọi là Chúa Sãi). Từ đó, họ Nguyễn ở Gia Miêu ngoại trang đổi thành họ Nguyễn Phúc. Dù có người nghĩ rằng các tác giả Thế phả đương nhiên tâng bốc tổ tiên mình, nhưng không ai có thể phủ nhận những khuôn mặt lớn trong quá trình lịch sử dân tộc như Nguyễn Bặc, Nguyễn Nộn (?-1229), Nguyễn Trãi (1380-1442, nhà chính trị đại tài thời Hậu Lê), Nguyễn Kim (1468-1545), Nguyễn Hoàng (1525-1613, người mở đầu nghiệp Chúa xứ Đàng Trong), Nguyễn Phúc Tần (1620-1687, cầm quyền 1648-1687), Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700, một tướng lĩnh tài ba, một nhà quản lý hành chính xuất sắc; người mở nước về phía Nam và cũng là người có công xây dựng nền móng cho Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh), các vua nhà Nguyễn, Nguyễn Văn Cừ (sinh 9/7/1912, nguyên Tổng Bí thư Đảng ta giai đoạn 3/1938-01/1940) ...
Thời điểm cực thịnh của họ Nguyễn Phúc là việc lên ngôi năm 1802 của Nguyễn Phúc Ánh 阮福映 tức vua Gia Long (嘉隆,1802-1819), đóng đô tại Phú Xuân, cai trị một đất nước rộng lớn nhất so với các triều đại trước, từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Các vua Nguyễn rất đông con nên ngoài việc lập Tôn nhân phủ như các triều đại trước để quản lý người trong hoàng gia, vua Minh Mạng (明命,1820-1840) còn làm một bài đế hệ thi và mười bài phiên hệ làm chữ lót cho con cháu Nguyễn Phúc để phân định thứ bậc các hệ phái từ con cháu của Gia Long trở xuống.
Năm 1945, vua Bảo Đại (保大,1925-1945) thoái vị tại Huế, chấm dứt chế độ quân chủ tại nước ta, nhưng họ Nguyễn Phúc, vốn rất đông người từ thời các vua Nguyễn, vẫn cứ phát triển vững vàng, và có nhiều nhân vật nổi tiếng trong khắp các lãnh vực chính trị, quân sự, văn hóa, học thuật, kinh tế, khoa học ... chẳng những ở trong nước mà cả trên thế giới.
Danh nhân Nguyễn Trãi (阮廌,1380-1442), Đệ nhất Công thần trong Khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh, giải phóng Thăng Long (1418-1427) lập ra nhà Lê (黎氏,1428-1788) cũng là hậu duệ của tướng quân Nguyễn Bặc. Nhưng ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Tuất, 1442 vị Khái quốc Công thần này và gia đình bị “tru di tam tộc” trong “Nghi án Lệ Chi viên” nhân cái chết đột ngột của Lê Thái Tôn Nguyên Long (黎太宗元龍, ngày 04 tháng 8 năm đó). Rất may một người thiếp khác của Nguyễn Trãi là Phạm Thị Mẫn, đang mang thai được một học trò của ông đưa trốn sang Lào, đẻ ra Nguyễn Anh Vũ 阮英武. Khi lên ngôi Lê Thánh Tông (黎聖宗思誠, 1460-1497) đã minh giải, truy tặng những công thần bị giết oan, hậu duệ Nguyễn Trãi ra công khai, được cấp 100 mẫu ruộng thờ tổ tiên. Đ/c Nguyễn Văn Cừ sinh 9/7/1912, nguyên Tổng Bí thư Đảng CSVN (3/1938-01/1940), tác giả cuốn “Tự Chỉ trích” nổi tiếng vào tháng 7/1939, chính là hậu duệ (dòng Tiên Du, Bắc Ninh) của Ức Trai Nguyễn Trãi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!