[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


03 tháng 5 2009

Đệ Nhất Tổ: LƯƠNG CÔNG NGHỆ

Tuy cụ Lương Công Nghệ là người họ Lương đầu tiên đưa vợ con từ Tiên Lãng sang lập nghiệp ở vùng mà nay gọi là xã Chiến Thắng nhưng cụ đã trở lại quê cha đất tổ nên đời sau suy tôn cụ là Thượng tổ còn đệ Nhất Tổ chính là người con mà Cụ để lại ở bên An Lão.


Lương[1] Thị Còi 𣔞(Ngỗi) hiệu Diệu Cần 妙勤, quê Quan Bồ 關蒲, tổng Kinh Lương 涇涼, Tiên Lãng là con gái của cụ Lương Công Cảnh. Kị ngày 29/9, Mộ táng tại Đại Phương Lang 大芳榔, An Thọ, An Lão, Hải Phòng (gần Văn Khê 文溪) trên vai trái mảnh đất hình con rùa[2]. Tổ tỷ tính hiền hậu, đảm đang, cần kiệm, nuôi dạy con giỏi .

Việc thờ cúng Tổ tiên vốn có từ lâu trong người Việt. Đó không phải là một tôn giáo bởi không có giáo chủ, giáo điều và người truyền giáo. Thực chất đó là việc con cháu tỏ lòng biết ơn và thành kính với người đã khuất. Hơn nữa, “trần sao, âm vậy” và “sinh ký, tử quy” nên Tổ tiên luôn ngự trị nơi bàn thờ, dõi theo con cháu hằng ngày, giúp dập phù hộ khi cần thiết. Trong thời hiện đại, nếp nghĩ ấy cũng không phai mờ:

Thà đui mà giữ đạo nhà,
Còn hơn sáng mắt ông cha không thờ”. (Nguyễn Đình Chiểu)

Thế kỉ XV, trong Quốc triều hình luật 國朝刑律 nhà Lê đã thể chế hóa việc này bằng Điều 399 quy định: “con cháu phải thờ cúng Tổ tiên 5 đời” và Điều 400 quy định về ruộng hương hỏa, ruộng đèn nhang. Thời phong kiến việc thờ cúng rất được nhà nước coi trọng, triều đình nghiêm cấm việc bán ruộng hương hỏa. Họ nào con cháu phiêu cư bạt tán hết thì ruộng đó có thể bán, nhưng là bán tạm, con cháu có thể chuộc lại khi có điều kiện. Tuyệt đối cấm bán đoạn. Gần 4 thập niên (1945-1984) dưới chính thể mới, do toàn dân phải dốc lực cho 2 cuộc kháng chiến cứu nước, từng người phải lo cái ăn, cái mặc; những gì tốt đẹp nhất, những người tiên tiến nhất phải giành cho cuộc chiến nên nhiều giá trị chuẩn mực đạo đức bị sao nhãng, méo mó. Toàn quốc cũng như từng làng, từng họ, mỗi gia đình đã hiểu sai lạc nên gây những xáo trộn không cần thiết về chữ Hiếu, về Từ đường, việc thờ cúng Tổ tiên, trách nhiệm gia đình, dòng họ. Từ sau 1986 tình hình đã có nhiều đổi khác. Những giá trị, tập quán tốt đẹp, chân chính đã được phục hồi, phát huy. Trong xu thế đó, Việc họ của Lương tộc cũng dần đi vào nền nếp hơn.

Nội Tổ Lương Công Nghệ mất ngày 19 tháng 5 năm (?), được con cháu suy tôn là Đệ Nhất Đại Tổ họ Lương ở Cao Mật và tưởng niệm bằng nhiều hình thức để ghi nhớ và tri ân vị Tổ khai sinh ra dòng họ. Nhưng ngày đó đúng vào dịp thu chiêm, cấy mùa bận rộn của nhà nông nên khó tập trung đông đủ. Hơn nữa theo nguyên tắc “Ngũ Đại mai Thần chủ” 五代埋唇主 thì 5 đời tống giỗ và đều dồn vào “Chạp” hết, không nhất thiết phải cúng vào ngày kị. Do đó quan viên họ đã lấy ngày kị của Thượng Ngoại Tổ làm ngày Chạp Tổ.

Thân phụ tổ tỉ là Lương Công Cảnh 梁公景 quê ở Quan Bồ 關蒲, Tiên Lãng[3]. Trong họ truyền rằng: Tổ thường được cử đi dẹp giặc[4], có công với nước. Một lần, trước khi xuống thuyền trên sông Văn Úc[5], Người dặn: Nếu Cụ không về thì nhớ ngày này làm ngày Giỗ. Và lần ấy cụ bị trận vong. Việc này có được chép trong cuốn Gia phả Chi thứ Ba do Lương Đức Bình 梁德平, Lương Đức Chiểu 梁德沼 soạn 19/3/1997 kèm theo bài Vịnh Hạ Thập kì (咏賀拾祺, tức bài thơ ghi lại những việc hay) của người con thứ 5 của Đệ Nhất Đại tổ Chi Đệ Tứ là Lương Công Thiệu 第四宗枝 梁公劭. Cụ Thiệu là cháu cụ Cảnh, lại có chữ, dạy học nên bài thơ đó được chép lại, con cháu nhớ và lưu truyền. Bài thơ như sau :

Thành rồng vâng lĩnh ấn[6] Nguyên nhung[7] ,
Đây đó vang lừng tiếng nhạc Ông.
Đuốc quý sáng loà doanh Tả nhuệ
[8] ,
Hương tào thơm nức cõi Đông Dương
[9] .
Mưa nhuần Bẩy huyện
[10] lòng dân thoả,
Sóng bật ba vầng mát lòng trung.
Rạng núi Đồ Sơn công hãy tạc,
Thư son khoán sắt
[11] biết bao cùng
.

Sau này cả họ lấy ngày Tổ ra đi đánh trận không về (Rằm tháng Giêng) là ngày Chạp Tổ[12]. Việc đó vừa linh thiêng tưởng niệm người có công, vừa đúng tháng hội hè, ít ảnh hưởng đến việc sản xuất của cháu con[13]. Tuy nhiên Bài vị 牌位 Bách thế bất diêu chi chủ 百世不祧 支主 ở Từ đường vẫn là Lương môn lịch đại tổ tôn thân Thần chủ 梁門歷代祖宗唇主 (tức Thần chủ các đời của tổ tiên họ Lương) của Nội Tổ 梁皋密肇祖 梁公宅. Do đó, cùng với Núi Voi, sông Văn Úc gắn với quê hương và dòng tộc :

象山德基門戶詩禮憑舊蔭: Tượng Sơn đức cơ môn hộ thi lễ bằng cựu ấm
郁江人脈亭皆芝玉惹莘香: Úc giang nhân mạch đình giai chi ngọc nhạ tân hương
.

(Tạm dịch: “Núi Voi xây nền đức, gia tộc dòng dõi bởi nhờ ơn đời trước; Sông Úc tạo nguồn nhân, cả nhà giỏi tài vì sức gắng lớp sau”)

Trong bản Gia phả Lương Hoàn thì hoàn cảnh và nội dung bài thơ có khác. Nguyên văn (đã phiên âm) như sau: “Gia Long Lục niên Đinh Mão, công nhất thí bất đệ, Bát niên Kỷ Tỵ sung vi bản tổng, tổng trưởng. Thập nhất niên đặc cách. Minh Mệnh thất niên Mậu Tuất, Minh Mệnh Nam Định minh giám nhân danh Ba Vành tác loạn, Công phụng phái củ, tập thôn hào ứng phó, phỉ bình.Công hữu thi hạ thập cơ quan vân. Thơ như sau":

Thành rồng tự lĩnh ấn Nguyên nhung,
Đâu đấy vang lừng quắc thước Ông.
Kiếm quý sáng loà doanh Tả nhuệ,
Hương tào thơm lức cõi Đông ngung.
Mưa nhuần Bẩy huyện lòng dân thoả,
Sóng dập ba vành mặt nước trong.
Trỏ núi Đồ Sơn công hãy tạc,
Thư son khoán sắt biết bao cùng[14]
.

Lại truyền rằng : “Tử vu ha tặc trận vong. Hậu hữu linh dị, mỗi phùng tật dịch thiết đàn phụng sự đắc an”. Sau khi tử trận, Cụ rất linh thiêng, con cháu ai có tật bệnh bày hương án cầu xin sẽ qua khỏi. Cũng vì thế mà ngày giỗ của cụ được chọn làm ngày Chạp Tổ. Khi thịnh vượng, có ruộng họ (嗣田, Tự điền, 忌田 Kỵ điền) nên tổ chức Giỗ rất to, được quan viên họ coi trọng và nhiệt tâm, có lần còn mời cả phường trò về hát diễn cho con cháu xem. Trước đó ngày 14 là ngày Yết Tổ, làm quần áo, thuyền giấy đặt vào nong nia. Khi tế lễ xong rước ra bến Khuể thả xuống sông Văn Úc trôi ra bể, hôm sau mới làm Giỗ Tổ chính thức. Cỗ bàn thường sắm lễ tam sinh (Lợn, Gà, Cá). Chỉ con trai và con dâu được dự Giỗ Tổ ; mỗi xuất đinh đều phải đóng góp tùy thời giá. Khi hành lễ đọc Chúc văn; Trưởng tộc, Bồi tế, các bậc Trưởng Chi đều khăn đóng, áo dài[15]. Tế xong hạ cỗ bàn ăn uống vui vẻ. Sau đó các chức sắc, đại diện các chi phái họp công khai tài chính, bàn bạc, quyết định các công việc tiếp theo[16].

Bởi nhiều lí do (người tổ chức, kinh phí, người hiểu biết…) mà có thời kì (những năm 60 thế kỉ XX) việc Giỗ Tổ bị xao nhãng. Sau 1975 phong trào giỗ Tổ của các họ dần được phục hồi và duy trì. Thời kì trước đổi mới, quỹ họ được đóng bằng thóc sau đó, khi nền kinh tế ổn định, lạm phát được khắc chế thì việc đóng góp của các trai đinh (trên 18 tuổi) được tính bằng tiền cho vay, gửi tiết kiệm, gái được miễn, nhưng những người có lòng muốn đóng bao nhiêu tùy tâm. Trưởng Họ sẽ trích lãi hàng năm để cúng. Theo thông lệ: Mỗi năm một ngành luân phiên nhau làm “bếp trưởng” lo phục vụ, nấu nướng cho quan viên họ. Trong ngày đó, con cháu Nội, Ngoại về trước 10 giờ đều được dự, kinh phí góp theo xuất ăn, tuỳ thời giá. Lâu rồi chưa tiến hành được kì Giỗ Tổ lần nào cho toàn vẹn như lệ cũ .Việc bầu ra Hội đồng tộc biểu, lập Tộc ước, định Qui chế làm việc, soạn Gia phả, đặt Tộc kỳ, cử các Tiểu ban, gây và sử dụng Quĩ họ... chưa bàn đến[17].

Theo lệ cũ của người Việt: hàng năm, trong gia tộc và gia đình có các ngày giỗ và ngày Tết. Ngoài ngày giỗ Tổ, là ngày kỵ huý riêng của các vị tiền nhân và các ngày thanh minh, tuần tiết, hoặc mỗi khi trong nhà trong họ có việc hiếu hỷ đều làm lễ cáo gia tiên tại Từ đường 祠堂. Đó là ngôi nhà dành riêng cho việc thờ cúng tổ tiên của một dòng họ hay từng chi họ tính theo dòng cha (phụ hệ) nên thường gọi nôm là nhà Tổ 茄組. Nếu xác định được Thái Thuỷ Tổ 太始祖 thì xây nhà thờ cụ này gọi là Khởi nguyên đường 起元堂.

Nhà được xây cất với quy mô phụ thuộc vào khả năng đóng góp của các suất và địa vị xã hội của những người có vai vế trong họ. Phần nội thất, gian giữa thường kiến trúc kiểu có “chuôi vồ” (mở rộng ra phía tường hậu) để xây bệ thờ. Trên bệ đặt giá gương hoặc linh toạ (long ngai). Trên ngai để bài vị tổ tiên hoặc một ống quyển hay một khối hộp chữ nhật đứng được sơn son thiếp vàng, trong đó đựng gia phả tộc họ, bên ngoài phủ nhiễu điều. Phía dưới, trước mặt long ngai bày đồ tự khí và đặt lễ phẩm. Hằng năm, ngày giỗ tổ là dịp hội họp lớn nhất của tộc họ.Vì việc thờ phụng tổ tiên quan trọng như vậy, nên các nhà khá giả thường để ruộng giỗ (嗣田Tự điền) giao cho trưởng tộc hoặc trưởng chi để lo việc tế tự tổ tiên. Dù khó khăn đến mấy, nếu không có biến cố chính trị lớn, cũng không ai bán, cầm cố, phá bỏ Từ đường và đồ Tự khí 祀器 (như bát hương, lư trầm, độc đỉnh, quả bồng, hương án, tam sơn, tay ngai, long khám).

Trước kia Từ đường thế nào, ở đâu, dựng bao giờ chưa rõ[18]. Gia phả Lương Hoàn có chép là cụ Quản (1806-1886) có “hưng công xây dựng Từ đường” nhưng không ghi năm. Đồng thời đoạn chép về cụ Tuần Ngoạn (đời thứ Tư, 1840-1905) sau khi được phong Chánh Tuần huyện (Giáp Thân 1884) đã trùng tu Từ đường vào năm sau. Đến tháng 10 Bính Tuất (1886), Từ đường bị “phỉ đảng” thiêu phá và bắt đi một người con gái 6 tuổi tên Thôi năm sau gian đảng lại phá tiếp. Đến năm Thành Thái thứ 7 (Ất Mùi 1895) cụ hợp cùng các Chi tái tạo Từ đường.

Gia phả ngành Ba chép: Truyền rằng vào đời thứ Năm, Cụ Bá Ổn cùng họ mạc đã dựng lên ngôi nhà gỗ Lim 3 gian dùng làm nơi tưởng vọng tổ tiên của dòng họ. Đầu kháng chiến trong một trận càn[19], Pháp đã đốt cháy. Trong CCRĐ nền Từ đường được chia cho từng hộ. Từ đó, do hoàn cảnh kinh tế và xu thế chung nên việc thờ cúng đều tiến hành tại nhà Trưởng họ mà không có Từ đường. Đồ Tự khí đã sắm cũng bị cháy, thất lạc không còn giữ được. Riêng ngành Lương Hoàn còn giữ được đất và dựng nhà thờ họ từ đời thứ ba bởi cụ Lương Công Quản (thân phụ Cụ Tuần Ngoạn)[20] và bảo tồn được trong CCRĐ sau 1954 .

Từ khi đất nước thống nhất, đặc biệt từ sau 1986, nhu cầu cả họ có nơi thờ phụng, gặp mặt con cháu để tưởng niệm Tổ ngày càng trở nên bức xúc và có điều kiện thực hiện hơn. Trong dịp Chạp Tổ Rằm tháng Giêng Kỉ Mão (1999) toàn họ đã nhất trí thực hiện việc xây Nhà thờ Tổ. Đây là sự Tái thiết Từ đường chứ không phải Trùng tu, Phục chế hay Tôn tạo. Địa điểm được chọn là gần nền Từ đường cũ (phía sau nhà Trưởng họ). Kinh phí do con cháu đóng góp theo xuất trai đinh và Công Đức tự nguyện. Nhìn chung trong họ chưa mấy ai giầu trội và việc huy động chưa được đều khắp tới các chi phái ở xa quê nên kinh phí thu được còn hạn hẹp.

Sau một thời gian chuẩn bị, tháng 3/1999 công trình được khởi móng, nhiều con cháu ở quê đã trực tiếp góp sức thi công. Ngày 12 tháng 3 Canh Thìn (16/4/2000) khánh thành với tổng chi phí khoảng 25 000 000,0đ. Đó là một ngôi Từ đường còn khiêm nhường so với Từ đường của ngay một số họ trong khu vực cả về quy mô và hình thức. Do đất chật nên không đủ xây Tam quan, Bình phong. Riêng Tiền sảnh và Chính tịch đều chung trong một ngôi nhà ngói 3 gian. Song như vậy cũng mang nhiều ý nghĩa và đáp ứng được nguyện vọng tâm linh của quan viên họ. Trong Từ đường đã có: Hương án, Tay Ngai, Long khám, Câu đối; nhưng chưa có Hoành phi; Tự khí thì còn tương đối sơ sài, riêng Phả đồ dòng họ chưa đầy đủ, thiếu một số Chi, Phái. Sổ Vàng Công Đức ghi tên nhiều con cháu xa quê, nhiều cháu gái, có cả những cháu Ngoại 2-4 đời. Việc xây Từ đường khơi mào bởi các bậc cao niên nhưng có sự đóng góp chung của bao người, từ giầu đến nghèo, từ xa đến gần:

Trọng kẻ góp công, nhớ người góp của cùng lo chung đạo Hiếu,
Ơn người khai phá, khuyên lớp đời sau mãi giữ trọn lòng Nhân
.

Hôm khánh thành con cháu gần xa có khoảng 180 người về dự[21] .Vì có Tân ước của Cộng đồng Vatican II (1968) nên nhiều con cháu theo Công giáo cũng tham gia Giỗ họ, Công Đức xây dựng Từ đường. Con cháu các Chi đã rước các vị Tổ Chi 第支祖 về Hợp tế 合祭.

Rằm tháng Giêng (丁亥年 正月大 丙申日, tức là vào Thứ Bẩy, ngày 03 tháng 03 năm 2007), đại diện 15 hộ Lương tộc trên Lào Cai tiến hành việc Giỗ vọng 望拜 thủy tổ Lương tộc 粱皋密肇祖 粱公宅 tại nhà Lương Đức Thân ở thôn An Phong. Những người dự họp đã nhất trí là sẽ cùng Cung tiến từ đường Lương tộc tại quê bức Hoành phi mang dòng chữ 海德山功 (“Hải Đức Sơn Công” có nghĩa là “Công Đức Tổ tiên dài cao như núi, rộng sâu như biển. Trong đó vừa có chữ 功 “Công”, chữ 德”Đức” là tên lót trước kia và hiện nay của dòng tộc, lại có chữ 海 “Hải” chỉ nơi quê gốc, chữ 山”Sơn” chỉ một phái con cháu khai hoang ở Lào Cai). Mọi người cùng góp tiền được 1.100.000,0 đ. LĐM nhận và có trách nhiệm thực hiện việc đặt làm và cung tiến. Sau đó một số con cháu nghe tin đã cung tiến tiếp, được 2.180.000,00đ. LĐM báo cáo Trưởng họ và nhờ LĐ Vương đặt Xưởng đồ thờ Quốc Tuấn thực hiện. Mọi việc hoàn tất vào 16/5 (30/3/Đinh Hợi). Các chi ở quê có cử đại diện đón nhận trang trọng[22]. Ngày 03/6/2007 (18/4) LĐM trên đường đi công tác từ Nam Định đã về thanh toán đủ. Cùng thời kì này Trưởng họ cũng đã nhận công đức của một chi bên Tiên Lãng và đã hoàn thành bức với dòng: Quang tiền dụ hậu 光前裕後 tức “Rạng đời trước, sáng cho đời sau” kèm đôi câu đối: “Mộc xuất thiên chi do hữu bản, Thuỷ lưu vạn phái tố tòng nguyên” (Chữ và nghĩa xem ở PL.2.3. dưới đây).

Chưa Chi, Ngành nào lập được nhà thờ chi mình, trừ chi Lương Hoàn ở làng Hạ, Chiến Thắng. Cũng vì nghèo nên không gia đình nào trong họ lập Gia từ 家祠 riêng mà đặt bàn thờ Tổ tiên, Thổ công tại gian giữa ngôi nhà đang ở. Năm 1989, 1993 Lương Đức Thân cùng một số gia đình có ý định tạo dựng một Từ đường Lương tộc trên Lào Cai nhưng vì nhiều lí do, chủ yếu là kinh phí nên chưa thực hiện được .

Mộ[23] Thượng Tổ táng tại Kim Đới 金帶 (Tiên Lãng, Hải Phòng); Thượng Ngoại Tổ là Thủy táng 水葬 bởi tử trận trên sông.

Mộ Tổ táng tại Dư Đông (Đông Cầu, Minh Đức, Tiên Lãng, Hải Phòng). Nhưng đều chưa được tôn tạo[24].

Tục truyền rằng: Có thày Địa lí nói: theo thế đất mả Tổ thì ngành trên Tiến sĩ đồng khoa, ngành út tuyệt tự[25]. Con cháu Cụ Linh đang đêm đào xoay lại mả Tổ (không dám rời hẳn nơi khác).Về sau các ngành trên học tuy giỏi, có 2 cụ nổi tiếng thần đồng lại chết yểu; có cụ học giỏi, đi thi bị phạm huý nên trượt hoài[26]. Cụ đã bẻ bút vứt xuống sông Văn Úc và thề độc nên ứng nghiệm: con cái sau ít đỗ đạt[27], còn ngành út đời nào cũng độc đinh[28] .
-*-

[1] Do đó Lương tộc quan Bồ là ngoại tộc của Lương tộc Chiến Thắng.
[2] Đấy là theo truyền ngôn, qua các bản Long văn, chứ con cháu nay, theo tôi biết, chưa có ai cất công đi tìm và xây đắp lại mộ Tổ ở nơi phát tích đó.
[3] Nay là một huyện ở phía Nam thành phố Hải Phòng. Diện tích 189,4 km2. Gồm 1 thị trấn (Tiên Lãng - huyện lị), 22 xã (Đại Thắng, Tiên Cường, Tự Cường, Tiên Tiến, Quyết Tiến, Khởi Nghĩa, Tiên Thanh, Cấp Tiến, Kiến Thiết, Đoàn Lập, Bạch Đằng, Quang Phục, Toàn Thắng, Tiên Thắng, Tiên Minh, Bắc Hưng, Nam Hưng, Hùng Thắng, Tây Hưng, Đông Hưng, Tiên Hưng, Vinh Quang). Dân số 155.100 (2003). Địa hình đồng bằng ven biển, đất phù sa bị nhiễm mặn, có rừng ngập mặn ở ngoài đê bao. Sông Văn Úc, Thái Bình chảy qua, có nhiều đầm, hồ. Trồng lúa, cói, thuốc lào. Chăn nuôi gia cầm, tôm, cá. Đánh bắt hải sản. Nghề thủ công dệt chiếu cói, đặc sản thuốc lào. Giao thông: quốc lộ 10, tỉnh lộ 221, 212 chạy qua, đường thủy trên sông Văn Úc, Thái Bình.
[4] Giữa thế kỷ XVIII, vùng Hải Dương có khởi nghĩa nông dân của anh em Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ phối hợp với Vũ Thác Oánh ở vùng Thất huyện Hải Dương, nơi đầu tiên là Chí Ninh và giương cao cờ Ninh Dân. Cùng thời còn có khởi nghĩa nổi tiếng của Quận He Nguyễn Hữu Cầu (1741-1751) từng chiếm Đồ Sơn, Vân Đồn.
[5] Tôi đoán chứng Người xuôi thuyền ra cửa bể Kiến Thuỵ để ngược lên phía Đồ Sơn thời đó có nhiều “phản loạn” và phải chăng có liên quan đến các cuộc khởi nghĩa ghi ở chú thích trên.
[6] "Ấn" 印 = con dấu. Phép nhà Thanh định, ấn của các quan thân vương trở lên gọi là "bảo" 寶, từ quận vương trở xuống gọi là "ấn" 印, của các quan nhỏ gọi là "kiêm kí" 鈐記, của các quan khâm sai gọi là "quan phòng" 關防, của người thường dùng gọi là "đồ chương" 圖章 hay là "tư ấn" 私印.
[7] Đây có lẽ là từ ước lệ trong thơ cổ, chứ nếu Ngoại Tổ làm tới chức đó thì hẳn trong sử sách có nêu.
[8] Chữ “doanh Tả nhuệ” không được hiểu là ca ngợi chiến công “vùng trái sông Nhuệ”, vì như vậy không hợp địa-lịch sử quê tôi thời đó. Theo tôi, chữ đó đúng là 營左銳 với nghĩa là “cánh quân bên tả lợi hại” nghĩa là “xứng danh tâm phúc, sắc sảo như cách tay trái của Chủ tướng”. Dịch thơ “Danh tướng giỏi”. Nguyên văn cha tôi có chép lại và tôi đã nhìn thấy nhưng không rõ chữ Nôm hay chữ Hán, sau ngày cha mất, tôi tìm không ra.
[9] Thực ra từ “Đông Dương” này (東洋) là chỉ Đông bộ Á châu-Nhật Bản, nhưng về sau xứ Indochina (Việt Nam, Lào, Campuchia) cũng được gọi là Đông Dương: Liên bang Đông Dương, Union Indochinoise thành lập 17/10/1887. Trong các năm 1804, 1808 sách báo Pháp đã dùng từ này chỉ các nước Indo-Chine hay vương quốc Tonquin, Cochinchine, Lào..Không hiểu Cụ Đồ Thiệu (1769-1833) đã biết và sử dụng đến danh xưng này chưa hay chép như bản của Lương Hoàn chính xác hơn ?
[10] Thời Lê-Nguyễn: các huyện An Lão, An Dương, Nghi Dương, Kim Thành, Đông Triều, Giáp Sơn, Thủy Đường thuộc phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương thường gọi là vùng “thất huyện” 七縣.
[11] “Thư son khoán sắt” 書朱券鐵 tức chữ viết bằng son, khế ước chế bằng sắt, tỏ ý “Thư khế” 書契 bền vững hay được lưu truyền, hưởng lộc dài lâu.
[12] Hai điểm trùng hợp: -Ngày Giỗ Tổ chung (Rằm tháng Giêng) và Tổ Ngành 3 (19/2) đều không phải ngày kị của Nội Tổ, -Ngày Giỗ Tổ (Rằm tháng Giêng) và ngày Kị ông Nội tôi (29-Giêng) chỉ là ngày tưởng nhớ khi Người rời nhà ra đi,cả 2 cụ đều “Thuỷ táng”.
[13] Đáng tiếc là các cụ không truyền lại việc đó xẩy ra năm nào nên hiện nay khó định cấp giỗ cho từng năm. Bản phiên âm Gia phả Lương Hoàn có ghi “đệ niên Chính nguyệt Thập Ngũ nhật”, tôi đồ chừng thiếu một chữ chỉ thứ tự (niên hiệu vua) ở sau chữ “đệ”. Nếu tìm thấy bản gốc có thể đoán định được năm Ngoại Tổ hy sinh.
[14] Như vậy cùng một tác giả nhưng ở 2 bản Gia phả của cùng một dòng tộc mà khác nhau ở 15 tiếng. Vì cả 2 bản đều là phiên âm ra quốc ngữ không có bản chữ Hán (hay Nôm) nên khó kết luận. Song, như chú thích trên đã ghi: thuật ngữ “Đông Dương” mãi 1887 mới thông dụng ở Việt Nam, chắc thời cụ Thiệu sống (1769-1833) chưa chắc đã biết đến danh xưng này và đặt nó liên quan đến cuộc khởi nghĩa Nguyễn Hữu Cầu (1741-1751) lại càng không có lý. Đặt nó thành "đông ngung", giống như "hải ngung" 海隅 với nghĩa "ngoài góc bể" có lý hơn. Đồng thời tiếp sau lại có câu “Sóng dập ba vành” gắn với cuộc khởi nghĩa Phan Bá Vành (1821-1827) và Ba Vành bại trận vào 3/1827, đúng là năm Đinh Hợi Minh Mạng thứ 7 như Gia phả Lương Hoàn chép “ Minh Mệnh thất niên Mậu Tuất..phỉ bình” (năm Minh Mạng thứ 7 Mậu Tuất (?), loạn tan).
[15] Giỗ Tổ họ khác với Tế Tổ nghề (thực hiện vào Xuân Tế rằm tháng Ba hay Thu Tế Rằm tháng Bẩy) có Điển tế, nhạc, trống, chiêng. Đủ: Chủ tế, 2 bồi tế là Đông xướng và Tây xướng, 4 Nội tán dẫn lễ, 2 Nghinh lễ.
[16] Nghe bố tôi nói các cụ xưa kể lại. Khi còn nhỏ tôi được dự 1 lần . Từ khi lên Lào Cai, chưa có dịp.
[17] Xưa gọi là Hợp tế 合祭, tức là giỗ “Vĩnh thế thần chủ”, 永世辰主 hay giỗ Cụ Tổ khai sáng, 梁皋密肇祖. Theo tôi nên lập lại những tập tục tốt đẹp để răn dạy cháu con, phát huy truyền thống Tổ tiên. Nhưng do tình hình thời nay đã khác nên có thể thay lễ Tế tự kéo dài, lắm nghi thức bằng việc Tưởng niệm Công Đức Tổ tiên được thực hiện toàn Gia tộc trong những năm Giỗ chẵn, Giỗ tròn. Còn những năm khác hoặc với các gia đình, chi ở xa có thể Giỗ vọng, cúng riêng mà không Hợp tự. Do đó cần nhất là tìm được năm mất hay năm khởi nghiệp của Tổ để định ra cấp độ các Kì Giỗ, con cháu xa tiện theo. Nhưng cũng tránh những phiền phức do “rượu vào lời ra”, tị nạnh sự đóng góp, “bao nhiêu nước xáo đổ đầu trưởng nam”; kính chẳng bõ phiền !
[18] Trong Gia phả Lương Hoàn có chép việc dựng Từ đường của cụ Quản nhưng không rõ đây là nhà thờ Họ hay nhà thờ riêng của ngành cụ Thiệu?
[19] Có lẽ đây là trận càn vào Khu Hoàng Diệu hồi 14 tháng 7 Đinh Hợi (29/8/1947).
[20] Cố là con thứ Tư của Tổ Thiệu, lấy 11 bà, sinh 8 Nam, 13 nữ và cũng là người nhận cụ Nội tôi là Lương Đức Trính làm dưỡng tử. Cố thọ 80 tuổi (1807-1887) và từng tòng chinh đánh dẹp Lê Duy Phụng
[21] Dịp này ở Lào Cai tôi đưa:Mẹ tôi, Thường, Thức, Luận, Quang về dự và công đức1. 100.000đ.
[22] Tôi đặt kích thước vào cung Quan Lộc” nên chiều dài không khít giữa 2 cột do vậy có ý chưa vui !
[23] Trên thế giới vốn có nhiều hình thức táng khác nhau, như: Hỏa táng, Thủy táng, Thổ táng, Không táng, Điểu táng, Điện táng…Nhưng người Việt miền Bắc chủ yếu là Thổ táng. Lúc mới mất, thi thể đặt trong quan tài gỗ, chôn dưới Mả gọi là hung táng, 3 năm sau cải táng đặt xương trong Tiểu sành rồi xây Mộ, tức Cát táng.
[24] Do điều kiện kinh tế nên Lương tộc chưa có Nghĩa trang dòng họ và Mộ Tổ lại đặt ở xa, chưa tôn tạo xây cất và có lẽ cũng đã thất lạc. Có người nói, hồi trước Cụ Nhu đã bí mật đào trộm đem về bên Hương Hạ, nhưng không đặt bia, ghi dấu gì nên cho tới 2007 quan viên họ qua nhiều lần bàn vẫn chưa xác định chính xác thực hư nên dùng dằng chưa quyết. Trăm sự bởi tại nghèo và loạn lạc mà ra! Họ ta nên lấy đôi câu đối của Cụ Cử Phan Cự Lượng viết từ đầu thế kỉ XX để tự động viên mình: “Phúc hay họa cũng tự trời, xương kẻ thác sao cầu được Phúc. Yên hay nguy không tại Đất, bụng người còn cứ vững là Yên”. Vào cuối những năm 90 của thế kỉ XX, các chi phái trong họ đều đã xây được mộ đến đời Cụ mình.
[25] Ngay chú Vóc khi sinh 2 nam phấn khởi lắm nhưng rồi Lan (bằng tuổi tôi) hi sinh khi chưa kịp lấy vợ nên chú cũng chỉ 1 con,1 cháu.
[26] Chắc hàm ý chỉ Cụ Thiệu, Cụ Quản từng “ứng thí bất đệ”.
[27] Có lẽ đây chỉ là sự lý giải cho việc con cháu sau này bỏ bê việc học, không theo được Tổ tiên.
[28] Lời bàn: Địa linh sinh nhân kiệt, điều đó đâu có sai. Nhưng chỉ là tiềm năng và cổ nhân đã từng dạy: “Tiên tích Đức, hậu tầm long” (先積德後尋龍). Mỗi thành viên phải tự cố gắng mới phát huy được cái thế mà tiền nhân đã trao gửi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!