[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


19 tháng 10 2024

Nhớ MỘT BÀI THƠ

         Mấy hôm nay, bỗng dưng thấy nhiều người trích và cả miềng cũng mượn nhiều ý trong bài ĐỪNG TƯỞNG mà nhiều người bảo là của Cố Thi sĩ Bùi Giáng (1926 - 1998, nhà thơ, dịch giả và là nhà nghiên cứu văn học với một số bút danh là: Trung niên thi sĩ, Thi sĩ, Bùi Bàn Dúi, Bùi Văn Bốn, Vân Mồng... Ông nổi tiếng từ năm 1962 với tập thơ Mưa nguồn (gồm có 139 bài, sáng tác từ thập niên 1950 tới năm 1963), thi hài ông được chôn cất tại nghĩa trang Gò Dưa, thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh. Xin sưu tầm và đưa lại bài “đừng tưởng” và cho rằng do Thi nhân Bùi Giáng sáng tác:

Đừng tưởng cứ núi là cao.

Cứ sông là chảy, cứ ao là tù.

Đừng tưởng cứ dưới là ngu.

Cứ trên là sáng, cứ tu là hiền.

Đừng tưởng cứ đẹp là tiên.

Cứ nhiều là được, cứ tiền là xong.

Đừng tưởng không nói là câm.

Không nghe là điếc, không trông là mù.

 

Đừng tưởng cứ trọc là sư.

Cứ vâng là chịu, cứ ừ là ngoan.

Đừng tưởng có của đã sang.

Cứ im lặng tưởng là vàng nguyên cây.

 

Đừng tưởng cứ uống là say.

Cứ chân là bước, cứ tay là sờ.

Đừng tưởng cứ đợi là chờ.

Cứ âm là nhạc, cứ thơ là vần.

 

Đừng tưởng cứ mới là tân.

Cứ hứa là chắc, cứ ân là tình.

Đừng tưởng cứ thấp là khinh.

Cứ chùa là tĩnh, cứ đình là to.

 

Đừng tưởng cứ quyết là nên.

Cứ mạnh là thắng, cứ mềm là thua.

Đừng tưởng cứ lớn là khôn,

Cứ bé là dại, cứ hôn… là chồng !

Đừng tưởng giàu hết cô đơn.

Cao sang hết ốm, tham gian hết nghèo.

Đừng tưởng cứ gió là mưa.

Bao nhiêu khô khát trong trưa nắng hè.

Đừng tưởng cứ hạ là ve,

Sân trường vắng quá ai khe khẽ buồn…

Đừng tưởng thu lá sẽ tuôn,

Bao nhiêu khao khát con đường tình yêu…

Đừng tưởng cứ thích là yêu,

Nhiều khi nhầm tưởng bao điều chẳng hay…

Đừng tưởng trong lưỡi có đường,

Nói lời ngon ngọt mười phương chết người.

 

Đừng tưởng cứ chọc là cười,

Nhiều khi nói móc biết cười làm sao ?

Đừng tưởng khó nhọc gian lao,

Vượt qua thử thách tự hào lắm thay !

 

Đừng tưởng cứ giỏi là hay,

Nhiều khi thất bại đắng cay muôn phần.

Đừng tưởng nắng gió êm đềm,

Là đời tươi sáng hóa ra đường cùng.

 

Đừng tưởng góp sức là chung,

chỉ là lợi dụng lòng tin của người.

Đừng tưởng cứ tiến là lên,

Cứ lui là xuống, cứ yên là nằm.

 

Đừng tưởng rằm sẽ có trăng,

Trời giăng mây xám mà lên đỉnh đầu.

Đừng tưởng cứ khóc là sầu,

Nhiều khi nhỏ lệ mà vui trong lòng.

 

Đừng tưởng cứ nghèo là hèn,

Cứ sang là trọng, cứ tiền là xong.

Đừng tưởng quan chức là rồng,

Đừng tưởng dân chúng là không biết gì.

Đời người lúc thịnh, lúc suy,

Lúc khỏe, lúc yếu, lúc đi, lúc dừng.

Bên nhau chua ngọt đã từng,

Gừng cay, muối mặn, xin đừng quên nhau.

 

Ở đời nhân nghĩa làm đầu,

Thủy chung sau trước, tình sâu, nghĩa bền.

Ai ơi, nhớ lấy đừng quên…

 

Bài thơ vui về sự "vi diệu" bất ngờ của cuộc sống. Trong cái đúng có thể lại ẩn chứa cái sai. Cái sai của hôm nay có thể lại là cái đúng của ngày mai. Trong cái dở hoàn toàn có thể có cái hay, điều tưởng xấu biết đâu lại là tốt… Chính điều đó tạo nên sự "vi diệu" bất ngờ của cuộc sống....

Một số thông tin cho rằng tác giả bài thơ hoàn toàn không phải là Bùi Giáng mà là của 1 người tên là Hà Sĩ Liêm đã được cấp GCN Quyền tác giả vào năm 1995, rồi sau đó có 1 ông khác tên Trần Văn Sỹ nhảy ra tranh chấp nói mình là  tác giả đã khởi tạo bài thơ này từ năm 2008....

Do vậy, chưa tìm được thòi điểm ra đời của bài thơ!

Nhấn vào đây để đọc toàn văn...

11 tháng 10 2024

50 NĂM ẤY

Ngày 12, 13, 14/10/2024 này sẽ có buổi gặp mặt và một số hoạt động liên quan nhân kỷ niệm 50 năm ngày nhập trường của những SV K 69 ĐHQY (mà nay là DH9 HVQY), 1974-2024 ở Khu vực Thanh Thủy (Phú Thọ), Ba Vì (Hà Nội) mà mở đầu là tại Hotel Kim Cương trên Đảo Ngọc xanh thuộc Thanh Thủy, Phú Thọ (nơi lưu trú và diễn ra hoạt động giao lưu của những người về dự). Trên Hội trường lớn, tôi có bài phát biểu (thay mặt những SV CAND, khi đó do Bộ Nội vụ nay là Bộ Công an quản lý gửi đào tạo thành BS trong ĐHQY thuộc Bộ Quốc Phòng) như sau:

Trong buổi gặp mặt Chí tình và hiếm có này (kỷ niệm 50 năm tựu trường, có đông các Cựu SV và cặp đôi tham gia nhất trong 36 buổi Gặp mặt vừa qua) tôi xin có 5 ý kiến như sau:

Thứ Nhất: Kiểm lại chúng tôi, những SV từ trường CSND và ANND chuyển sang đã hoàn thành được nhiệm vụ mà Bộ Giao phó: Trở thành một Bác sĩ đa khoa (nói sau); thành một Sĩ quan chỉ huy cấp phân đội mà nhiều kiến thức đã được áp dụng thực tế công tác; thành Đảng viên ĐCSVN nhiều đc trở thành Ủy viên, người đứng đầu cấp ủy cơ sở, dưới cơ sở mà Kỹ năng công tác Đảng, công tác chính trị được học tại trường ĐHQY.

Nói về chuyên môn, xin khoe tí: Khi khi học xong Lớp Chuyên khoa BS Pháp y đầu tiên trong nước của ngành (20/4/1981-30/8/1981), trừ vài người “nhanh nhạy” còn đa phần chờ và do tổ chức phân công[1]. Từ đó 20 BS được chia ra về các đơn vị, địa phương: Làm công tác pháp y tại các CA địa phương và Viện KHHS; Làm nhiệm vụ y tế trong CAND; Chuyển sang lực lượng trinh sát và Chuyển ngành sang Y tế.

Ngoài số Bs do Bộ Công an gửi, nhiều Bs trong Khóa 9 ĐHQY từ bộ đội đi học đã chuyển ngành sang Công an, công tác tại các Bệnh viện thuộc BCA (198 ở HN, 304 ở tf HCM). Sau 30 năm phấn đấu, công tác, trừ bạn Trương Sỹ Thành (Thanh Hóa) mất sớm, các bác sĩ K9 HVQY trong LLCA đều đã trưởng thành, có những đóng góp nhất định cho sự nghiệp BVSK, bảo đảm ANTT nên đã được Nhà nước, ngành CA ghi nhận.

Về chức vụ: 1 Giám đốc, 1 Phó Giám đốc BV thuộc ngành; 7 Trưởng (Phó) Phòng, Khoa thuộc CA tỉnh và BV ngành; 5 Đội trưởng,...

 Số còn lại công tác và chiến đấu trong LLCA đến khi hưu, về cấp hàm có 1 Thiếu tướng, 7 Đại tá, 5 Thượng tá. Tất cả đến năm 2017 đã nghỉ hưu, không còn ai đương chức!

Học vị: 2 Tiến sĩ: Phạm Hữu Văn[2], Đỗ Thế Lộc; 1 Ths (Hoàng Xuân Lập). Danh hiệu: 1 TTND (Lộc), 2 TTUT (Lập, Nhâm). Học hàm: không.

Khen thưởng: Nhiều người được tặng thưởng Huân, Huy chương, Kỷ niệm chương của Nhà nước, Chính phủ, Bộ và Bằng, Giấy khen các cấp.

Thứ Hai Dù có rất khiêm tốn, chúng tôi cũng xin nói rằng: Trường ĐHQY đã trang bị kiến thức vững vàng của một Bác sĩ đa khoa, đào luyện các bác sĩ trở thành những sĩ quan, cán bộ chính trị, chỉ huy[3] cấp Đại đội đến Trung đoàn trong LLVT; đồng đội K69 đã rèn cặp, trau dồi giúp nếp sống quân ngũ, biết yêu thương, căm giận!

Thời gian qua và hiện nay cũng như mãi về sau, dù bất kể đang ở đâu, thì trong trái tim mỗi cựu sinh viên K69 ĐHQY đều cháy bỏng một niềm khát khao được trở về thăm lại mái trường xưa, gặp gỡ bạn bè cái thuở “6 năm làm một gạch sao”!

Đã 50 năm trôi qua nhưng chắc chẳng ai quên cái cảm giác lần đầu tiên bước chân tới cổng trường ĐHQY: vừa lạ lẫm vừa xen chút choáng ngợp bởi nhiều lý do. Nhưng được sự quan tâm, dẫn dắt của cán bộ khung, của các thầy cô giáo, sự kèm cặp giúp đỡ nhau trong “Tổ tam tam”, của các đc đi trước, của những “Thượng sĩ lâu năm nằm trong cấp ủy”  (Hôm nay tôi đã gặp lại 2 đc và họ còn nhớ tên thằng em còi dí này!) mà chúng ta trở nên gần gũi nhau và ngày một trưởng thành hơn. Bao kỷ niệm vui có, buồn có, hài có đã phản ánh một phần trong Kỷ yếu và một số chuyên san, bài viết của tôi cũng như một số bạn khác đã và chuẩn bị ra mắt,... nhưng gợi cho mỗi người nhớ lại kỷ niệm khác và suy ngẫm nhiều!.

Thứ Ba: Dù thuộc biên chế Bộ Quốc phòng hay thuộc Bộ Công an, trong tâm khảm mỗi người luôn giành vị trí xứng đáng cho những năm tháng sống, học tập và rèn luyện trong đội hình K69 Đại học Quân y, tức Khóa dài hạn 9 Học viện Quân y!

Tuy còn có những điểm chưa thực bằng lòng với tổ chức, với ngành, với bản thân nhưng có thể nói: các Bác sĩ từ cái nôi 69 Đại học Quân y (nay gọi là Khóa 9 Học viện Quân y) đã từng biên chế trong CAND (tiếp tục công tác trong lực lượng hay đã chuyển sang dân y) đều trưởng thành và hoàn toàn không có gì phải hổ thẹn với nhà trường, các thầy, các bạn!.

Do nhu cầu kết nối, giao lưu mà trong toàn khóa, ngoài Hội chung còn có nhiều Ban Liên lạc các Chi hội hoạt động khá hiệu quả. Hoạt động của các Chi hội thường xuyên trong việc giao lưu, tình nghĩa,...mỗi dịp lễ Tết, gia đình có sự kiện.

Từ lâu, một số bạn được Bộ Công an gửi sang đào tạo Bác sĩ tại Khóa Dài hạn 9 Đại học Quân y (1974-1980) có nguyện vọng giao lưu, thường xuyên gặp gỡ, ôn lại tình đồng đội một thời gắn bó.

Sau thời gian với hoạt động tích cực của các bạn Hoàng Quang Vinh (Nam Định), Lê Đức Sản (Thái Bình), Cao Quang Hồng (Vĩnh Phúc), Chử Trọng Thành (Phú Thọ),  Lương Đức Mến (Lào Cai), đến 5/2017 các yếu tố đã hợp đủ nên sáng 14/5/2017 tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định 13 Bác sĩ, tiến hành CUỘC GẶP MẶT ẤM TÌNH ĐỒNG ĐỘI lần thứ Nhất. Sau đó chúng tôi tiến hành được 4 buổi gặp mặt khác. Đó là:

Cuộc GẶP MẶT ẤM TÌNH ĐỒNG ĐỘI lần thứ 2 tiến hành vào ngày 23, 24/9/2017 tại Lào Cai

Cuộc GẶP MẶT ẤM TÌNH ĐỒNG ĐỘI lần thứ 3 tiến hành vào ngày 25, 26/9/2019 tại đảo Cát Bà, thành phố Hải Phòng.

Cuộc GẶP MẶT ẤM TÌNH ĐỒNG ĐỘI lần thứ 4 tại Cố đô Hoa Lư ngày tháng 9 năm 2022.

Cuộc GẶP MẶT ẤM TÌNH ĐỒNG ĐỘI lần thứ 5 tại  Tam Đảo, Vĩnh Phúc ngày 20/9/2023

Ngoài ra, do một số lý do khách quan mà một số cuộc gặp mặt ở thời điểm và nơi khác phải đình hoãn…

Thứ Tư Theo quy luật tự nhiên, chúng ta ngày càng xa quá khứ, xa ngày đầu nhập học, những tháng năm bình đẳng học tập, luyện rèn trong cái lò K69 ĐHQY, xa ngày nhận bằng và tỏa đi muôn nẻo nên mọi sự kiện, nhân vật sẽ quên và rơi rụng dần. Nay đã vào tuổi “nhi nhĩ thuận” nên trong mỗi chúng ta càng tăng lên nỗi nhớ lẫn với ăn năn, tiếc nuối !

Nhưng thời gian trôi qua đi sẽ không bao giờ trở lại, chúng ta mong muốn mỗi thành viên của Khóa và Ban Liên lạc thống nhất quy chế hoạt động, mọi người cùng chung tay góp sức để lần gặp mặt này sẽ không phải là lần cuối, tin rằng chúng ta còn được sum vầy bên nhau, được ôm nhau gọi “tao, mày”, nhắc lại kỷ niệm xưa.

Thứ Năm, về cá nhân: nhớ mãi hồi tháng 3 năm 2024 này, khi mắc bệnh hiểm nghèo, đã điện hỏi và được nhiều bạn đồng khóa tư vấn rất có chuyên môn và tâm. Ví dụ Thượng tá BSCK1 Tuấn Bình (trước công tác tại BVHQ), Đại tá  CK1 Tạ Thị Tình (trước công tác tại QYV 108), Đại tá Tiến sĩ Trần Các (nguyên Trưởng khoa Tiết Niệu VQY 108), Đại tá Kiều Văn Khai (trước công tác tại HVQY), …mà trong buổi Gặp mặt này tôi đã được gặp lại, trừ Ts Trần Các.

Từ đó tôi đã về BVTWQĐ 108 điều trị tại Khoa mà một đồng môn của chúng ta từng làm Trưởng khoa (anh Trần Các) và hiện tại lãnh đạo khoa, Bs điều trị trực tiếp cho tôi là TS PTK Kiều Đức Vinh, con trai một đồng môn khác (Kiều Văn Khai). Trước hiệu quả điều trị bản thân tôi và gia đình rất Cảm động về tay nghề và thái độ phục vụ. Qua đó càng tin: có học có hơn, mà học ĐHQY khi thân nhân mắc, quen biết càng tốt!

Tôi còn muốn phát biểu, tâm sự nhiều, nhiều hơn nữa nhưng công việc của những ngày Hội khóa còn nhiều và còn nhiều bạn muốn phát biểu và thời lượng Ban Tổ chức (TBLL, Gs Nguyễn Văn Đàm; TBTC, TTUT Hoàn Minh Cự) cho phép đã gần hết, trước khi dừng lời xin phép nhà thơ” đất Nam Định @Nguyễn Nhật Tiến, Bà Chúa thơ Nôm quê xứ Nghệ @Nguyễn Thị Thái,... trình diễn mấy vần nôm na:

Anh già, tôi tuổi đã cao,

Đến đây gặp gỡ, gửi trao tâm tình.

Sân chơi chung của chúng mình,

Đẹp đời lính chiến, vẹn tình hưu nhân.

Bài này cơ bản đã phát biểu trong buổi Gặp mặt sáng 13/10/2024 tại Hội trường lớn Hotel Kim Cương được nhiều người nhớ, đánh giá cao và không làm ai sợ “dài” và “động chạm”, kể cả các GsTs, NKH có cấp hàm Trung tướng, Thiếu tướng, Đại tá đến các BS thường, cấp Thượng úy,... !.

-          Lương Đức Mến, ngày 13 (chỉnh sửa bài dự thảo trước khi đi ngay 09) /9/Giáp Thân-



[1] Bản thân tôi nhớ mãi chuyện “cái giường gỗ lát” và “Hoàng Liên Sơn chứ không phải Lạng Sơn”!

[2] Ủy viên BCH Phân hội Điện sinh lý học, tạo nhịp tim VN-PCT Hội nhịp tim học TPHCM, Trưởng khoa Nhịp tim học Bệnh viện 115 tf Hồ Chí Minh

[3] Chính những kiến thức khi học về Chiến thuật Quân y giúp tôi xử lý nhiều vụ việc mình gặp phải ngoài  lĩnh vực y khoa. Nhớ nhất là kỹ năng đọc hiểu bản đồ quân sự khi làm việc với CA Trung Quốc trong vụ án xẩy ra giáp đường biên (vụ tại bãi cây Tống Quá Sủi ở Pha Long, Mường Khương ngày 06/5/2002).



Nhấn vào đây để đọc toàn văn...

19 tháng 9 2024

Tản mạn về CỨU TRỢ và ĐỒ CỨU TRỢ

           Phải nói thẳng ra rằng, cho đến hôm nay, càng thấy rõ sức mạnh ghê gm của Mẹ Thiên nhiên! Cơn bão số 3 (Yagi) đi qua đã để lại nhiều thiệt hại về người và tài sản, nhiều căn nhà (có khi cả một xóm. một bảnđược lũ (ống, quét) tràn qua hỏi thăm nên bị bùn, đất, nước nhấn chìm, nhiều người phải chịu cảnh đói rét, đau thương mất mát tột cùng, có người đến nay vẫn “bặt vô âm tín”,…cả với toàn miền Bắc nói chung và Tây Bắc, Lào Cai nói riêng chưa từng gặp (mà 60 năm sống trên giải đất biên cương này, nay tôi mới thấy lần đầu)!.

  Cổng TTĐT tỉnh cho biết:  Theo thống kê, rà soát của các địa phương trên địa bàn tỉnh Lào Cai, đến 17 giờ ngày 18/9/2024, bão số 3 và hoàn lưu bão đã làm 236 người chết, mất tích, bị thương; ước thiệt hại trên 5.900 tỷ đồng. Thiệt hại về người: 236 người. Trong đó 128 người chết, 22 người mất tích, 86 người bị thương (tăng 01 người chết tại huyện Bảo Yên, giảm 01 người mất tích tại huyện Bảo Yên). Hiện có 23 người đã ra viện, sức khỏe ổn định. Sau khi các địa phương rà soát lại, có 11.289 nhà ở bị ngập nước, sạt lở, lũ cuốn trôi, di dời khẩn cấp, hư hỏng công trình phụ; trong đó 1.234 nhà thiệt hại hoàn toàn >70%. Diện tích ruộng lúa bị sạt lở, mất đất không có khả năng khôi phục để sản xuất gần 48 ha và bị sạt hoàn toàn, phải cải tạo để gieo cấy trở lại gần 499 ha. Ngoài ra diện tích lúa, ngô, hoa màu, cây ăn quả, cây trồng, dược liệu, hoa… thiệt hại khoảng 6.160 ha; 45.000 giống cây chuối, 400.000 giống cây quế và 353 ha thủy sản, 800 m3 cá nước ngọt bị thiệt hại; 3.050 tấn cá thương phẩm và 123.200 con cá giống bị chết, lũ cuốn trôi. Chăn nuôi thiệt hại 43.295 con gia súc, gia cầm; hư hỏng 1.009 chuồng trại. Quốc lộ 4, 4D, 4E, 279 sạt taluy dương 703 vị trí; sạt taluy âm 68 vị trí; 65 vị trí hư hỏng mặt đường. Tỉnh lộ 151 - 162 sạt taluy dương 1.249 vị trí; sạt ta luy âm 181 vị trí; hư hỏng mặt đường 57 vị trí. Đường do huyện, xã quản lý bị sạt lở, hư hỏng 1.119 tuyến, sạt taluy dương 2.644 vị trí; sạt taluy âm 230 vị trí. Còn ách tắc giao thông Tỉnh lộ 08 vị trí, 47 thôn chưa lưu thông được, đi lại khó khăn.

Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã cấp điện cho 100% trụ sở UBND xã; còn 42 thôn chưa có điện (huyện Bảo Yên 10 thôn, huyện Bắc Hà 08 thôn, huyện Bát Xát 15 thôn, huyện Si Ma Cai 08 thôn, huyện Văn Bàn 01 thôn). Hiện tại còn 05 tuyến cáp bị đứt, 01 trạm BTS bị mất liên lạc đang sửa chữa, khắc phục. Cơ bản khắc phục xong 152/152 xã, phường, thị trấn đã có sóng liên lạc. Có 9 chợ đã hoạt động trở lại, 02 chợ chưa khắc phục được. Các cửa hàng, siêu thị, nhà phân phối, các chợ giá cả các mặt hàng ổn định, không có mặt hàng tăng giá bất thường do thiên tai.

Số lượng công trình hạ tầng bị thiệt hại sau rà soát tiếp tục tăng lên. Mưa lũ làm 322 công trình thủy lợi bị hư hỏng, thiệt hại; 28 trạm, phòng khám, bệnh viện bị ngập lụt, cuốn trôi một số điểm. 138 điểm trường học bị ảnh hưởng, thiệt hại. 20 nhà văn hóa bị ngập lụt, sạt lở đất. 10 trụ sở cơ quan huyện, xã; 04 trụ sở ngân hàng, phòng giao dịch; 26 dự án thủy điện; 07 dự án khai thác khoáng sản bị ảnh hưởng, thiệt hại và nhiều thiệt hại khác. Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo đến sáng 17/9/2024 còn 59 trường, điểm trường chưa tổ chức dạy học trở lại do còn ngập nước, chưa sửa chữa, khắc phục xong hoặc đang sử dụng làm nơi tránh trú tạm thời cho Nhân dân.

Theo số liệu ước của các huyện, thị xã, thành phố; tổng thiệt hại trên địa bàn tỉnh do bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra đến chiều ngày 18/9/2024 hơn 5.900 tỷ đồng.” (hết trích).

Phong trào cứu trợ đồng bào lũ lụt tuy chẳng ai, cơ quan cụ thể nào thúc đẩy mà tự dưng lên cao. Đặc biệt những nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tinh thần đoàn kết, cùng nhau dành sự quan tâm sâu sắc và tình cảm chân thành hướng về đồng bào vùng bão lũ cứ ùn ùn dâng lên! Đó cũng là nguyện vọng chính đáng là toàn xã hội, mong muốn góp thêm nguồn lực cùng với Đảng, Nhà nước khôi phục cơ sở hạ tầng, hỗ trợ tái sản xuất, đảm bảo đời sống của nhân dân khi cơn lũ đi qua.

Là người đi lại nhiều và có mối quan hệ khá rộng với bà con người họ Lương, người gốc Hải Phòng, gia đình có liên quan đến HVQY và Cựu CAND…ở thành phố và các huyện trong tỉnh Lào Cai nên tôi càng “mục kích sở thị” sự thiệt hại cũng như sự cứu trợ của bà con!

 Một lần nữa, tinh thần “bốn tại chỗ”, “tương thân tương ái”,… được dịp tỏ rõ tính ưu việt của nó. Nhưng qua đó cũng thấy nhiều vẫn đề nổi cộm!

Trước hết là về tổ chức cứu trợ: Ban Vận động cứu trợ Trung ương/Tỉnh/Huyện do Mặt trận Tổ quốc chuyên nghiệp làm nòng cột hẳn hoi nhưng mà sao việc tập trung về đấy rồi phân bổ đi các nơi cần đến chưa được sự đồng thuận của toàn xã hội ?. Phần nhiều những cá nhân/nhóm/cơ quan, tổ chức đã không quản ngại đường xa, đến tận nơi để ủng hộ trực tiếp người dân bị hại tại Nhà Văn hóa thôn bản, hay nơi tập trung đông người với tình cảm, nguyện vọng được đóng góp nguồn lực giúp đỡ trực tiếp người dân sớm vượt qua khó khăn. Do vậy dẫn đến tình trạng “nơi thừa, nơi thiếu”, nơi thiệt hại lớn thì chẳng được ngó ngàng, nơi thiệt hại không đáng kể thì các đoàn ùn ùn kéo đến,…(chắc do có người thân vốn quen biết rộng, biết sử dụng điện thoại thông minh chèo kéo, giới thiệu)!

Đặc biệt dịp này truyền thông ít nói đến các văn nghệ sĩ, người nổi tiếng và việc hô hào, quyên góp của họ mà đưa nhiều tin, hình ảnh đẹp về các đồng chí lãnh đạo (cơ sở hay cấp cao), về người lao động (trực tiếp hoặc gián tiếp), về các chiến sĩ QĐND, CAND (chỉ huy hay người thừa hành),…, khi người đó có những quyết định kịp thời, táo bạo, hợp lòng dân, có hành động xả thân vì đồng bào, vì làng bản, núi rừng!. 

Việc sao kê, giám sát chuyện phân bổ hàng cứu trợ đã rất kịp thời, có tiến bộ,... song chưa thực sự tạo lòng tin của quảng đại, vì sao?

Khá chạnh lòng trước một số phát ngôn hơi thái quá, khá khó nghe của người được cứu trợ và người đang cứu trợ!

...

Sau nữa về mặt hàng cứu trợ:

Trang phục: Đã qua những ngày lụt, lũ nhưng vẫn kìn kìn áo phao; Lẫn trong mớ hàng cứu trợ là những “áo ba dây”, “Giầy cao gót”,… để làm gì!?

Sách vở: liệu những quyển Sách Giáo khoa chuyên biệt, những quyển vở lòe loẹt,…có ích hơn nhưng bộ sách Giáo khoa “bắt buộc” hay những bộ truyện tranh, sách tham khảo,... các cháu ưa thích đang đọc dở ?

Lương thực thực phẩm: Mì tôm liệu ai dùng mãi được ? Bánh chưng thiu, giò mốc,...chất đống ăn sao đây? Trong khi cái người dân cần bây giờ là gạo, muối, nước mắm, bột ngọt,…

Vật dụng thiết yếu: Bị trôi, vùi lấp (như: đồ dùng nhà bếp, chạn, bếp, nước sạch, dụng cụ lao động thiết thực,…) thì hầu như không có mặt trong danh mục hàng cứu trợ, các gia đình không có phải tự mua nhưng tiền đâu ra, mua ở đâu?

...

Dù hoàn cảnh nào, yêu cầu sử dụng đúng mục đích và công khai theo đúng quy định của pháp luật, đáp ứng thiết yếu,…luôn được đề cao. Mặt khác, việc phân bổ kịp thời, minh bạch, đến đúng người, đúng địa chỉ tại các địa phương đang chịu ảnh hưởng bởi bão lũ, đồng thời thực hiện giám sát việc sử dụng nguồn lực ủng hộ đúng mục đích, có hiệu quả, …luôn là những yêu cầu cao.

Về những người/đoàn đi cứu trợ: Cần có khảo sát cả về nơi cần cứu trợ cũng như cách tiếp cận; đảm bảo cứu trợ “3 đúng”: đúng cách, đúng người, đúng địa điểm; cần thiết thực, đúng nhu cầu, tránh lãng phí và nhất là biết “tự bảo vệ mình” để khỏi phải “cứu trợ lại” hay “cứu hàng cứu trợ”; cần trao đổi thông tin về các khu vực bị ảnh hưởng, nhu cầu và hoạt động tiếp nhận trước đó của nơi cần cứu trợ,....

...

Về những người/địa phương nhận cứu trợ: Lắm chuyện tế nhị và...khó nói nên tốt nhất là không viết ra đây mà bài cũng đã dài dài rôi!

...

Sự giúp đỡ về tinh thần, vật chất (kể cả tiền bạc) kịp thời, đúng cách là thiết thực nhất để giúp người dân vùng lũ sớm khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống. Điều đó trong tầm tay mỗi người dân, cơ quan, đơn vị, địa phương,… cứu trợ!

Đây là việc làm sẽ còn tiếp tục. Mong sao có chuyển biến hơn dù chả ai mong mình, quê mình cần và phải, được cưú trợ khảo sát cả về nơi cần cứu trợ cũng như cách tiếp cận; đảm bảo cứu trợ “3 đúng”!

-         Lương Đức Mến, 17/8/Giáp Thìn-

Nhấn vào đây để đọc toàn văn...

29 tháng 8 2024

MỘT TẤM GƯƠNG TIÊU BIỂU, CÂY ĐẠI THỤ NGÀNH Y

(Có sử dụng ảnh và tư liệu của Bác sĩ Nguyễn Vân Sáu, nguyên Chánh Văn phòng HVQY, trong những ngày chuẩn bị Hội Khóa 69 ĐHQY tại Đảo Ngọc và thăm quan K9)

Thầy tôi, Giáo sư Bác sĩ Đỗ Xuân Hợp sinh ngày 8 tháng 7 năm 1906, mất ngày 17 tháng 12 năm 1985; là một thầy thuốc, một tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam (phong thiếu tướng năm 1985); Giáo sư là Đại biểu Quốc hội từ khoá II đến khóa VII; Uỷ viên Thường vụ Quốc hội khoá IV, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Y tế xã hội của Quốc hội khoá VI; Uỷ viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khoá III, Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội khoá IV, Uỷ viên Liên minh Quốc hội thế giới của Việt Nam; Uỷ viên Trung ương Đảng Xã hội Việt Nam (sáng lập), Bí thư Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Xã hội Việt Nam Thành phố Hà Nội; Giáo sư là Anh hùng LLVTND.

 Ông là con thứ năm của cụ Đỗ Xuân Đạt - một gia đình nghèo có truyền thống hiếu học và yêu nước ở  phố Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Khi cụ Lương Văn Can cùng những chí sĩ yêu nước lập ra trường Đông Kinh Nghĩa Thục thì cụ Đạt dù không ra dạy, nhưng vẫn bí mật giúp đỡ tài chính cho trường.

Ngay từ nhỏ, cụ Đỗ Xuân Hợp đã nổi tiếng là cậu học trò giỏi nhất trường. Khi đậu ưu kỳ thi Tiểu học thì phần thưởng là những cuốn sách đã được ông chất đầy trong một tủ lớn! Sau này theo học trường Bưởi, ông cũng là học sinh giỏi, chăm chỉ và khiêm tốn giúp bạn học kém hơn mình. Mỗi tháng được nhận học bổng 8 đồng, ông dùng để nuôi hai em tiếp tục ăn học như mình.

Tốt nghiệp trung học với bằng Thành chung loại Uu, ông theo học trường Cao đẳng y dược Đông Dương (médecin indochinois) đến năm 1929.

Lúc này tình yêu đến với ông. Người yêu là bà Nguyễn Thị Thịnh - một nữ sinh trường Sư Phạm Hà Nội. Khi nên duyên thì người vợ đã cùng chồng lên đường nhận nhiệm sở. Là Y sĩ, Đỗ Xuân Hợp được phân công về nơi rừng thiêng nước độc ở Bắc Hà (Lào Cai) và gắn bó với nơi heo hút này 3 năm liền (1929-1932).

Trở về Hà Nội, ông theo học trường Y khoa Đông Dương. Nếu Bác sĩ Hồ Đắc Di là người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp bác sĩ phẫu thuật tại Pháp thì Đỗ Xuân Hợp là người đầu tiên trợ giảng và hướng dẫn cho sinh viên thực tập trong khoa phẫu thuật của trường Y khoa Đông Dương. Từ năm 1934, y sĩ Đỗ Xuân Hợp bắt đầu làm việc với tư cách là trợ lý giải phẫu cho GS Pierre Huard, Giám đốc Viện Giải phẫu, Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội.

Năm 1942, ông cùng với thầy giáo của mình - GS Pierre Huard hoàn thành và cho xuất bản cuốn sách tiếng Pháp Morphologie humaine et anatomie artistique (Hình thái học nhân thể và giải phẫu học nghệ thuật). Ngay sau khi ra đời, cuốn sách đã tạo ra một tiếng vang lớn trên các diễn đàn y học thế giới lúc bấy giờ. Cuốn sách trở thành tài liệu tham khảo cơ bản, gối đầu giường cho nhiều nhà nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khác nhau như y học, mỹ thuật, nhân chủng học, khảo cổ học...

Ngay trong năm đó, ông có công trình nghiên cứu khoa học đầu tiên về lĩnh vực giải phẫu. Cùng năm 1944, ông bảo vệ thành công luận án bác sĩ y khoa “Recherches sur le système osseux des Annamites” (Nghiên cứu bộ xương của người Việt Nam), trở thành bác sĩ chuyên khoa Giải phẫu học đầu tiên của nước ta. Tính từ 1942 đến năm 1944, ông công bố 88 công trình trên các tạp chí, chuyên san y học của Pháp.

1932-1945, ông là Giảng viên Trường Y dược Đông Dương.

Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nghe theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ, ông đã hăng say đem khả năng chuyên môn cống hiến cho cách mạng, tích cực tham gia hoạt động của các tổ chức xã hội: ngày 27/3/1946 Bác sĩ Đỗ Xuân Hợp làm Chủ tịch cơ quan Cứu tế xã hội Bắc bộ, kiêm chức Giám đốc Nha Cứu tế Trung ương, Bộ Xã hội. Ngày 28 tháng 6 năm 1946, Bác sĩ Đỗ Xuân Hợp xin từ chức Giám đốc Nha Cứu tế Trung ương, được chấp thuận vào ngày 14 tháng 9 năm 1946 (thay thế là Nguyễn Hữu Viên, Chánh Văn phòng Bộ Xã hội từ 27/3/1946) và ông được bầu là Chủ tịch Hội Cứu đói toàn quốc, Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến khu phố Chợ Hôm, Chủ tịch Hội Hồng thập tự,...

Khi toàn quốc kháng chiến nổ ra thì Bác sĩ Đỗ Xuân Hợp bỏ lại sau lưng căn Biệt thự số 69 phố Trần Xuân Soạn ở Hà Nội, bỏ lại những tiện nghi vật chất để lên đường tòng quân vì Tổ quốc (bấy giờ ông đang giảng dạy ở Đại Học Y khoa, chữa bệnh ở bệnh viện Phủ Doãn và còn có cả phòng mạch tư ở phố Chợ Hôm).

  Tập sách “Giải phẫu tứ chi và Thực hành y khoa” được xuất bản năm 1952 tại Việt Bắc (bằng tiếng Việt in trên giấy dó ở chiến khu) là tài liệu chính giảng dạy trong các trường Y mà còn là cẩm nang quý báu cho cán bộ quân y tham khảo để phục vụ thương binh ngay tại chiến trường. Với tác phẩm này, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi và Chính phủ tặng Huân chương Kháng chiến Hạng ba.

Khi Hòa bình lập lại, Giáo sư, ngoài việc giảng dạy, nghiên cứu còn từng bước hoàn chỉnh, bổ sung, viết mới thành một bộ sách giải phẫu, bao gồm 4 cuốn: Giải phẫu đại cương, giải phẫu đầu mặt cổ, Giải phẫu thực dụng ngoại khoa tứ chi, Giải phẫu ngực, Giải phẫu bụng và chúng được nhiều lần tái bản. Đây là những cuốn sách “gối đầu giường” của SVYK. Đó là một trong những cống hiến để Bác sĩ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và kỹ thuật đợt đầu tiên (Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I do Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký quyết định số 991 KT/CTN ngày 10/9/1996  trao cho 33 công trình, cụm công trình khoa học công nghệ và 44 cụm tác phẩm thuộc lĩnh vực Văn học – Nghệ thuật trong đó: Khoa học y - dược 13 giải).

Thầy cũng là người có công “Việt hóa” các từ Y khoa, đưa tiếng Việt vào giảng dạy trong các trường Đại học…

Tính từ năm 1934 đến năm 1985, tức là từ khi bắt tay vào nghiên cứu khoa học đến khi rời cõi tạm, GS Đỗ Xuân Hợp đã công bố 125 công trình về nhân trắc học và hình thái học người Việt Nam.

Ông còn là một trong những người sáng lập ra Đảng Xã hội Việt Nam và ở trong Ban chấp hành Trung ương Đảng Xã hội từ năm 1946-1985. Trên lĩnh vực chuyên môn, GS Đỗ Xuân Hợp là người sáng lập ra Hội Hình thái học Việt Nam (27/10/1967) và giữ chức Chủ tịch kiêm Tổng biên tập của tờ báo Hình thái học liên tục trong 18 năm liền.

GS Đỗ Xuân Hợp là Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và không đứng trong hàng ngũ của Đảng như chính Bác Hồ nắm tay người bác sĩ chân tình: “Chú Hợp là người cộng sản không ở trong Đảng”.

 Riêng với Quân y:

 - Năm 1950-1960, ông là Viện trưởng Viện Quân y Liên Khu X (đóng ở Quế Trạo); Hiệu trưởng kiêm Chủ nhiệm Bộ môn giải phẫu Trường Quân y sĩ Việt Bắc, Trường Sĩ quan quân y (được thành lập ở cánh rừng Liễn Sơn, xã Hồng Hoa, huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Phú); Bác sĩ Đỗ Xuân Hợp nhận thêm nhiệm vụ Chủ nhiệm Bộ môn giải phẫu Đại học Y khoa Hà Nội do Bác sĩ Hồ Đắc Di làm hiệu trưởng ban đầu (1954-1985). Ngoài sách về Giải phẫu đã dẫn ở trên còn có thể kể đến những tác phẩm y học ông viết trong thời gian chống Pháp như Triệu chứng học, Dược học, Thực hành bệnh viện...

-Đầu năm 1950, Bác sĩ thôi giữ chức Viện trưởng Viện Quân y liên khu X và được cử làm Trưởng phòng Huấn luyện Cục Quân y. Ông cho thành lập Ban Tu thư và Ấn loát tài liệu, giáo trình của Cục.

 - Năm 1951, bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ lúc bấy giờ đang là Hiệu trưởng Trường Quân y sĩ được cử sang Liên Xô học bổ túc chuyên môn, bác sĩ Đỗ Xuân Hợp được cử làm Hiệu trưởng nhà trường. Bắt đầu từ đây cho tới lúc nghỉ hưu (năm 1978) gần 30 năm, ông gắn bó với sự nghiệp đào tạo của trường Quân y sĩ (1951-1957), rồi Trường Sĩ quan quân y (1957-1962), Viện Nghiên cứu Y học quân sự (1962 – 1966), Trường Đại học Quân y (1966 – 1981) và sau nhiều lần đổi tên, ngày nay là Học viện Quân y. Thầy là Hiệu trưởng trường này từ tháng 01/1951 đén tháng 3 năm 1979. Đây là quãng thời gian khóa DH9 chúng tôi học (1974-1981), là khoá đầu tiên có SV là CAND học bên trường thuộc BQP. Khóa chúng tôi ngày đó mang mật danh 69 ĐHQY có khá nhiều kỷ niệm, ấn tượng với Giáo sư. Khi chúng tôi nhập trường, giáo sư là Hiệu trưởng và là người giảng bài học đầu tiên về “Chính trị” và “Giải phẫu” tại Hội trường lớn cho sinh viên toàn Khóa! Chính vì vậy, trong cuốn KỶ YẾU BÁC SĨ QUÂN Y DÀI HẠN 9 HỌC VIỆN QUÂN Y vừa ra mắt 3/2020 có hẳn 1 trang (T16) viết về Thầy với bức ảnh thầy mặc quân phục “gặp gỡ các Dược sĩ, Bác sĩ trước khi lên đường nhận nhiệm vụ”!

Trước đó chúng tôi đều từng nghe danh, được thụ giảng và ngưỡng mộ GsBs Đỗ Xuân Hợp. Cụ không chỉ là một cây đại thụ của ngành y Việt Nam và cũng là cây đại thụ của ngành Giải phẫu học Việt Nam mà còn là cây đại thụ, người thầy của bao thế hệ Bs Quân y. Vì vậy ngay từ 1955, cùng với 10 nhà Y, Dược xuất sắc, bác sĩ Đỗ Xuân Hợp được phong hàm Giáo sư đợt đầu tiên của Việt Nam.

Với cấp hàm Thiếu tướng, Danh hiệu cao quý AHLLVTND (năm 1985) nên Cụ cũng là một trong những người có cấp hàm cao, vị trí quan trong trong ngành Quan y nhưng lại là người không có tên trong danh sách đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông là Phó Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam từ khi thành lập; sáng lập viên và là Chủ tịch Hội Hình thái học Việt Nam (1965-1985)

 Ngoài ra, Giáo sư còn được giải thưởng Testut của Viện Hàn lâm Y học Pháp năm 1949 về cuốn sách mà ông và thầy Pierre Huard viết từ năm 1942 (một giải thưởng lớn về y học của Pháp cũng như của ngành giải phẫu quốc tế mà ông là người Việt đầu tiên, người thứ 10 trên thế giới được nhận nhưng cũng chính ông lại từ chối việc đến Paris nhận giải thưởng Testut cùng với số tiền thưởng 32000 USD để ở lại phục vụ kháng chiến. Hơn 30 năm sau (1980) GS Tôn Thất Tùng là người Việt Nam thứ 2 đồng thời là người thứ 10 trên thế giới được nhận giải thưởng cao quý này. Sau này, khi Tổng thống Pháp Francois Mitterrand sang thăm Việt Nam có gặp vợ cố Bác sĩ Đỗ Xuân Hợp. Trong trò chuyện thân mật, bà có nhắc đến chuyện này, điều chúng ta không ngờ là chỉ thời gian sau, Viện hàn lâm y học Pháp đã gửi đến cho gia đình cố bác sĩ tấm bằng này).

  Trong nước, Giáo sư còn nhận được nhiều phần thưởng: Anh hùng LLVTND,  Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập hạng nhì; Hai Huân chương Quân công hạng nhất; Huân chương Quân công hạng ba; Huân chương Chiến thắng hạng nhất; Huân chương Chiến công hạng nhất, hạng ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất; Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba; Huy chương Quân kỳ Quyết thắng.

Nhưng chính tôi, 1 thành viên của K9 HVQY, sau này mới biết, người thầy của mình từng 3 năm (1929-1932) làm việc rất có uy tín tại một huyện miền núi ở Lào Cai quê tôi, huyện Bắc Hà khi mới là Y sĩ!

Bài viết sau đây trích từ bài “Giáo sư ĐỖ XUÂN HỢP, VỊ ANH HÙNG QUÂN Y NGOÀI ĐẢNG’ đăng trên http://khampha.vn/.

*

Xuất thân trong một gia đình trí thức ở Hà Nội và chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền giáo dục Nho học nhưng Đỗ Xuân Hợp lại sớm chịu tác động của Tây học. Tốt nghiệp Y sĩ Đông Dương năm 1929 được chính quyền Pháp phân công làm Quan Đốc tại Bắc Hà, Lào Cai.

Công việc thường ngày của ông là buổi sáng khám chữa bệnh cho các bệnh nhân là sĩ quan và binh lính người Pháp, buổi chiều dành cho nhân dân sở tại. Cũng có khi ông làm việc ở đồn binh của Pháp.

Không những nhận được cảm tình của binh lính Pháp, Quan đốc Đỗ Xuân Hợp cũng được người dân yêu mến, tin tưởng. Quan đốc khám bệnh cho người dân tộc thiểu số không lấy tiền, thường chỉ lấy tiền thuốc, có nhiều trường hợp bệnh nhân không có tiền ông lại phải bỏ tiền túi ra cho, hoặc phát thuốc miễn phí.

Cuộc sống ở Bắc Hà tưởng chừng rất bình yên, vị Quan đốc cũng không nghĩ đến việc sẽ thay đổi nơi làm việc vì điều kiện sinh hoạt ở đây rất tốt, tình cảm nhân dân và chính quyền dành cho ông cũng rất trọng vọng thì một biến cố bất ngờ xảy ra. Tháng 2-1932, một nhóm cướp nổ súng tấn công vào cơ sở y tế nơi Quan Đốc Đỗ Xuân Hợp làm việc và cướp đi rất nhiều thứ. May mắn lắm vợ chồng ông mới trốn thoát được lưỡi hái của tử thần. Kể từ đó, ông nhen nhóm ý định xin về Hà Nội để làm việc. Ông bàn bạc với vợ đăng ký học hàm thụ từ xa để thi lấy bằng tú tài toàn phần.

Những tâm sự của vị Quan đốc lúc bấy giờ được vợ - bà Nguyễn Thị Thịnh ghi lại trong hồi ký sau này: “Bây giờ chỉ có cách học, học thêm rồi chờ thời. Trước kia nhà anh nghèo, không có tiền sang Pháp học. Bây giờ có tiền rồi, anh sẽ học thêm, học hàm thụ ở trường đại học hàm thụ Pháp ở Paris. Em sẽ cùng học với anh, hai chúng mình thi đua nhau cho vui, học một mình buồn lắm”.

Được sự động viên của vợ và có chút tiền do chính quyền bảo hộ bồi thường sau vụ cướp, vị Quan đốc trẻ tuổi gửi điện sang Pháp mua các tài liệu cần thiết để hai vợ chồng cùng ôn thi tú tài. Những năm 1930, dưới thời thuộc Pháp, những ai không có điều kiện học trực tiếp thì có thể học hàm thụ từ xa thông qua con đường bưu điện. Sau nửa tháng gửi điện sang Paris, Đỗ Xuân Hợp đã nhận được đầy đủ tài liệu hướng dẫn học.

Đỗ Xuân Hợp cùng vợ dành thời gian, tập trung ôn luyện. “Chúng tôi học rất nghiêm chỉnh. Sáng anh lên đồn sớm hơn để trưa về sớm hơn, chiều ở nhà học, góp ý kiến với nhau làm bài. Đều đều hàng tuần chúng tôi gửi bài sang Paris chấm (gửi mở như các tài liệu in, rẻ tiền hơn là gửi kín) và đều đều nhận được những bài làm trước của mình đã được chấm, có điểm, có phê phán tỉ mỉ, kèm theo các bài mẫu hướng dẫn cách làm hoàn hảo”.

Ít lâu sau, có thông báo tuyển trợ lý giải phẫu cho trường Đại học Y ở Hà Nội. Đó là thời cơ để ông về Hà Nội công tác và cũng là ngã rẽ quan trọng bậc nhất trong cuộc đời. Đó là động lực giúp Đỗ Xuân Hợp cố gắng học tập, không quản khó khăn. Bà Thịnh ghi lại: “Việc học của anh vất vả quá: vừa đi làm, vừa học thi tú tài, vừa học thi giải phẫu. Anh học cả chiều, cả tối”.

Sau gần một năm miệt mài với sách vở, cuối năm 1932, hai vợ chồng trở về Hà Nội để thi tuyển. Bấy giờ, toàn Đông Dương có 5 người dự thi, trong đó có 2 người Pháp mà chỉ tiêu thì chỉ lấy có 1. Đỗ Xuân Hợp đỗ đầu và là người duy nhất được nhận vào vị trí trợ lý giải phẫu cho GS Pierre Huard - Giám đốc Viện Giải phẫu, Hiệu trưởng trường Y khoa Đông Dương.

Sau khi thi đỗ, vợ chồng ông từ biệt Bắc Hà trở về Hà Nội bắt đầu một chương mới trong sự nghiệp. Công việc trợ lý cho GS Pierre Huard diễn ra vào các buổi chiều, còn buổi sáng Đỗ Xuân Hợp lên Bệnh viện Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Việt - Đức) làm trợ lý cho GS Solier (người Pháp) về chuyên khoa Tai - Mũi - Họng. Vào buổi tối, ông vẫn tiếp tục học tập theo chương trình hàm thụ ở Pháp để chờ đến kỳ thi tú tài sẽ diễn ra vào mùa hè năm 1933. Do có chứng nhận của trường đại học hàm thụ Pháp ở Paris, Đỗ Xuân Hợp và vợ được dự thi tự do và đỗ trong kỳ thi tú tài năm ấy.

-         Lương Đức Mến, BS từ nhiều nguồn TK-

Nhấn vào đây để đọc toàn văn...

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!