Nghỉ hưu, tưởng nhàn hóa ra “nhàn không tưởng” trong đó “đúng giờ” và “thường xuyên” nhất là việc đón cháu từ trường về cũng như “tháp tùng” các “xếp nhí” đi “trải nghiệm”. Qua mấy bận như vậy mới thấy thương các cháu và thương cả lứa tuổi mình!
Tranh "mượn" trên MXH |
Do hoàn cảnh và điều kiện sống mà “chặng đường học tập” của tôi khá gian nan! Nó trải dài trên không gian từ cố hương Hải Phòng (làng tôi, làng Hạ và làng Hầu) đến tân quê Lào Cai (Sơn Hải, Phong Niên, Phố Lu thuộc Bảo Thắng) và Hà Tây (Suối Hai, Hà Đông) rồi Hà Nội! Nó kéo dài theo thời gian từ 1961 tới tận 1981!
Những chuyện đó tôi đã nhớ, gom, viết lại và từng đưa lên lưu tại trang Blog này: ở đây, ở đây và đây nữa!
Tuy không thể “đại diện” cho tất cả những người sinh sau hòa bình 1954 đến trước khi Thống nhất đất nước 1976 song nhận thấy lứa này có một số điểm chung về đường học hành nên nay gộp lại trong bài này:
1. Điều phổ quát:
- Học đường cũng như toàn xã hội đã dứt hẳn việc học theo nền giáo dục “khoa cử” của nhà nước phong kiến với chữ Nho và tuy cùng học chữ La tinh nhưng cũng không học bằng hệ thống tân học theo lối Pháp (áp dụng từ 1919) mà chuyển sang học lối mới theo mô hình Liên Xô. Cụ thể học hoàn toàn bằng tiếng Việt với chữ quốc ngữ ở tất cả các môn học, nhưng “ngoại ngữ” thì lỗ mỗ: có thời học tiếng Hoa, thời thiên về tiếng Nga và “dị ứng” với tiếng Anh;
- Chương trình học, ngoài lớp Vỡ lòng học ở làng là 10 năm học phổ thông, gồm: 4 năm Cấp 1 (lớp 1,2,3,4) học tại xã, 3 năm Cấp 2 (lớp 5,6,7) học tại trường liên xã và 3 năm cấp 3 (lớp 8,9,10) học tại trường huyện. Sau đó là theo học Đại học hay Cao dẳng tại các trường Trung ương ở Hà Nội;
- Học sinh trong cùng một lớp chênh nhau nhiều về tuổi tác nhưng giống nhau ở hoàn cảnh và cách ăn mặc, trang bị. Tổng kết học kỳ, cả năm, toàn lớp chỉ 1, 2 học sinh giỏi, 3,4,5 đạt khá, còn đại đa số chỉ đạt trung bình, có 2,3,4,5 yếu kém và hầu như lớp nào cũng có học sinh “lưu ban” (ở lại học lớp sau). Họ rất kính trọng thầy cô và thương yêu nhau;
-Vệ sinh lớp học là việc của học trò thay nhau trực nhật;
- Xây dựng cảnh quan nhà trường, lớp lọc hay những việc đơn giản cũng của thầy trò tiến hành vào chiều thứ Năm;
- Việc truyền thụ kiến thức, chấm điểm, xếp hạnh kiểm, cho học sinh lên lớp hay “lưu ban” (ở lại học tiếp) là quyền riêng của các thầy cô chủ nhiệm;
- Việc thi đua giữa các lợp, các trường là do học sinh và thầy cô giáo. Mỗi năm thường có 3 lần tuyên dương, phát thưởng vào các dịp: Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo (nay là Ngày Nhà giáo Việt Nam, 20/11), Sơ kết học kỳ 1, Tổng kết năm học. Các thầy cô ngày đó rất mực thước và là tấm gương cho học sinh noi theo;
-Hội Cha mẹ học sinh, lãnh đạo địa phương, không/ ít can dự vào việc nội bộ các việc học hành, kiểm tra, thi đua, đóng góp,…Phụ huynh chỉ lo cho con mình cái ăn, cái mặc phổ thông và thường nhắc con ôn bài: “Cố mà học lấy cái chữ, kẻo lại con trâu đi trước cái cày đi sau!”;
-Nền giáo dục ổn định lâu dài, Sách giáo khoa cả miền Bắc chung 01 bộ (các tỉnh thuộc Liên khu Việt Bắc có sách riêng nhưng chỉ có tính chất tham khảo), dùng được nhiều năm nên các anh chị học trước để lại cho em lớp sau, ai không có thì mượn của bạn bè, nhà trường, nên ngày ấy không có chuyện in sẵn lời giải vào SGK và cuốn nào cũng được bọc bìa cẩn thận bằng báo, họa báo. Trong SGK tuyền những bài tuỷển trong vốn dân gian hoặc của các nhà thơ, nhà văn lớn;
-Việc học hành nhẹ nhàng, thầy cô chấm điểm các bài kiểm tra, bài thi đúng trình độ học lực của tửng học sinh, có học có thi, nghiêm túc. Không có chuyện “học thêm”, “luyện thi” đại trà,…Cuối mỗi cấp (lớp 4, lớp 7 và lớp 10) đều phải thi tốt nghiệp với đề trong chương trình do Ty (Sở) Giáo dục ra, giáo viên các trường đi coi thi được bố trí “chéo”, học sinh ngồi thi có mã số hẳn hoi. Kết quả được cấp Giấy Chứng nhận hay Bằng Tố nghiệp. Lớp nào cuối cấp có thi Tốt nghiệp thì có thi chọn học sinh giỏi (cấp huyện, tỉnh, toàn miền Bắc);
- Tất cả học sinh đến tuổi đều được đi học tại các trường công lập và phải đóng một khoản cố định gọi là “học phí” (khá khiêm tốn), việc miễn giảm học phí, xét cấp “học bổng” chặt chẽ, vô tư và rất dân chủ;
- Những bạn trai đủ 17 tuổi trở lên, có sức khỏe, lý lịch đảm bảo đều sẵn sàng đi lên đường tòng quân, giải phóng miền nam thống nhất đất nước, gác lại sự học hành.
- Đi học chuyên nghiệp, học xong, ra trường, nhận công tác cũng đều do “tổ chức phân công”, nghiễm nhiên có “công ăn việc làm”.
2. Riêng bản thân tôi:
Dù chưa sưu tầm được đầy đủ tư liệu và hạn chế của khuôn khổ bài viết nhưng cũng có thể khái lược lại thế này:
2.1. Học cấp 1 với thang điểm 10, bắt buộc dùng bút ta (quản gỗ, ngòi sắt) chấm mực tím đựng trọng lọ viết trên vở giấy kẻ ngang tự đóng và chỉ học một thầy tất cả các môm, suốt năm học. Đây là cấp học tôi trải qua cả việc học ở miền xuôi (Hải Phòng) và miền ngược (Lào Cai)!
-Tháng 9/1961-5/62 học Vỡ lòng tại Đình làng với Thầy giáo là anh Yên con bác Thịnh, anh họ 4 đời với tôi. Tại đây tôi được học chữ “o, a, c, cô, ca,…” và cách ghép vần cùng các con số đầu tiên.
-Tháng 9/1962-5/63: Học Lớp 1 ở Đình Hạ làng bên cùng xã. Sau này, năm 1966 khi gia đình tôi đã lên Lào Cai, Hạ và Hương hợp nhất thành Phương Hạ. Học Khá nên không hay bị thầy (quên tên) “thưởng” thước vào mu bàn tay.
-Tháng 9/63-2/64 : Học lớp 2 ở Đình làng Hầu (Mông Tràng Thượng, cùng xã Chiến Thắng, huyện An Lão, tf Hải Phòng) do thầy Dương Tảo dạy, HK I được GK, được Nhà trường cho đi tham quan Tx Kiến An ! Nhưng đến Tết (02/1964) gia đình tôi chuyển lên Lào Cai nên việc học tại quê bị bỏ nửa chừng.
-Tháng 9/1964-05/1965: sang Sơn Hải (bên hữu ngạn sông Hồng, nơi cô ruột tôi lên Lào Cai khai hoang từ 1962), học lại lớp 2 từ đầu trong lớp ghép 2-3 do thầy Chin dạy, học tại nhà kho của Đội An Lão (thôn An Tiến nay).
-Từ tháng 9-1965 đến 05-1967 trở lại Phong Niên học lớp 3, 4 cũng trong lớp Ghép tại Trường Cấp 1 Phong Niên, huyện Bảo Thắng do thầy Nông Khải Hồ dạy. Đây là thời kỳ khá cơ cực với tôi bởi phải “đốt đuốc đến trường” trong cảnh nhà túng quẫn, đông các em nhỏ trong cảnh nhà luôn thiếu đói và máy bay Mỹ đe dọa trên bầu trời!. Chúng tôi học ở cả trường chính và trong nhà dân ở thôn Cốc Tủm.
2.2. Sang học cấp 2, chúng tôi làm quen với việc mỗi nhóm môn (tự nhiên, xã hội) có một thầy cô dạy. Khi đó thầy cô cho chúng tôi với thang điểm 5 theo kiểu Liên Xô (điểm 4, 5 là khá giỏi, 3 là trung bình, dưới 3 là yếu, kém). Tuy chỉ có 3 năm học nhưng bọn tôi trải qua 2 trường:
-Lớp 5, 6 (9/1967 -5/1969) học tại Phong Hải vì khi đó ở Phong Niên (2 xã tách ra năm 1966 bới Quyết định số 307/QĐ-NV ngày 20/9/1966 của Bộ Nội vụ) không có Cấp 2. Trường (cấp 1, 2 Phong Hải) xa nhà 7 cây nên phải đi học rất sớm. Lúc này cuộc chién tranh phá hoại miền Bắc đang ác liệt nên có khi trường phải sơ tán vào tận bản người Dao cách đường 7 nay gần 2 cây số!
-Tháng 9/1969-5/1970: Trường Cấp 2 Phong Hải và Xuân Quang hợp nhất, đặt tại Km 33+400 thuộc xã Phong Niên. Thế là tôi lại được đi học gần hơn. Hồi nay đã ra vẻ Trường Cấp II thực thụ vì có đủ 3 lớp. Khoá lớp 7 đầu tiên đó của 3 xã có 22 học sinh, toàn đứa to ngộc, tôi thuộc loại nhỏ con nhất, nhưng vẫn đứng đầu về học tập. Chúng tôi tự làm Ký túc xá để cùng nhau “trọ học”.
Đầu năm lớp 7 có việc “để tang Bác Hồ” khá cảm động, cuối năm là Trồng cây ơn Bác trên quả đồi ngay sau lớp học. Cuối năm tôi đi thi HSG đạt giải Nhất môn Toán của tỉnh. Sau khi thi Tốt nghiệp, một số trượt ở nhà XD gia đình, 4 bạn đi Sư phạm cấp 1, 2 của tỉnh, 3 bạn đi CAVT, 2 bộ đội. Chỉ có tôi và Phùng Thế Hùng ra Phố Lu vào học cấp 3.
2.3. Học cấp 3 Khi đó nhà trường đã chuyển sang thang điểm 10 (từ 1969) nhưng vẫn là vách trát, nền đất, lợp nứa. Do quá trình học và thi Tổt nghiệp cấp 2 đạt loại Khá nên tôi vào thẳng học Khóa 5, Hùng phải thi và đã vượt qua. Theo sự chỉ đạo của anh Dũng chúng tôi vào rừng (ngay Km 2) lấy vầu, nứa dựng 2 gian nhà ở, 1 gian bếp trên đất Ủy ban Nông nghiệp huyện làm chỗ ở và tự nấu lấy ăn.
Trong điều kiện chiến tranh thiếu thốn chúng tôi vẫn được học đủ các môn: Toán, Vẽ Kỹ thuật (thầy Kim, thầy Hào), Lý (thầy Quân), Hóa (cô Hà), Sinh (cô Vân), Văn (thầy Tôn), Sử, Địa (thầy Nhân) nhưng không được học Ngoại ngữ!. Cũng là lần đầu tôi được học về ngũ pháp, nhớ mãi bài “Tu từ vè từ” tôi đọc thành TU TU VE TU!
Từ ngày Mỹ tái ném bom miền Bắc, trường sơ tán vào sát chân núi ở khu Lò gạch, cách trường đang học 1 km nhưng ăn nghỉ, ngủ vẫn đi về trung tâm.
Tiếng là trọ học nhưng mỗi chủ nhật về, gia đình nhà chỉ cấp gạo. Còn thức ăn bọn tôi lo bằng mướp, đỗ và rau tự trồng, gà, lợn tự nuôi, lấy củi bán cho bếp tập thể. Ngoài ra còn từng đi trộm cả muối ở bếp tập thể và hái lá sắn, ngọn rau ở vườn mà chẳng “kịp” hỏi xin. Tuy chiến tranh không lan tới đây nhưng 3 năm học cũng sơ tán đến 3 lần.Có mấy sự kiện đáng nhớ: trận lũ năm 1971 (nước sông Hồng ngập cả PL, đến tận Km 2, sau lũ đường tầu, các ruộng thấp lấp kín phù sa), ngày 20/11/1971 tôi được kết nạp vào Đoàn.
Khi vào lớp 8 có tói 2 lớp và ngót 60 học sinh, qua 2 năm: một số bỏ nửa chừng, một số đi tòng quân, chuyển học chuyên nghiệp, chuyển trường nên đến khi thi tốt nghiệp chỉ còn 19 người (trong đó có 2 từ khóa trước lưu lại). Năm ấy, chúng tôi thi TN 4 môn: Toán, Vật Lý, Văn, Địa lý mà trùng hợp là đề Văn hồi cấp 2 và cấp 3 đều phân tích đoạn thơ: “Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta…”
Sau khi thi có kết quả thi Tốt nghiệp mà Bằng tốt nghiệp trường phổ thông số 461 của tôi do thầy Trần Long, Q/Trưởng Ty Giáo dục Lào-Cai ký ngày 20/8/1973 (ngày ấy không có việc đăng kí nguyện vọng thi vào ĐH mà do Ban Tuyển sinh huyện tự áp đặt cũng chả có việc “luyện thi”), có 2 đi Công an, 01 đi ĐH Y Thái Nguyên, 01 đi ĐH Lâm nghiệp, 01 đi Trung cấp y , 01 đi Sư phạm và 3 “gác nghiệp bút nghiên” về nơi quê nhà, có 4 tiếp tục học để “sang năm thi tiếp”!
Nhớ lại chuyện nay, thấy quá trình học tập của chúng tôi khá gian nan nhưng lại yên tâm học, sống. Chúng tôi thiếu thốn dủ thứ, tự lực mọi việc nhưng được thầy, cô và cha mẹ, xã hội thực lòng quan tâm không áp đặt, kể từ việc chọn lớp, chọn trường, quá trình học cũng như chọn việc. Vì vậy, khi trưởng thành, chúng tôi ít gần và phụ thuộc vào cha mẹ! Ngược lại chúng tôi gần con và bên cháu nhiều hơn thế hệ sinh ra chúng tôi!
Hiện nay, bầu không khí “dân chủ” hơn, học sinh giỏi về tin học, về tiếng Anh,…hơn, được trang bị tốt hơn nhưng lại bớt chất Á Đông hơn và gia đình tốn kém hơn, bị áp lực hơn!
-Lương Đức Mến, ngày đầu năm 02/01/2024-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!