[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


26 tháng 8 2012

Bổ túc VỀ NGÀY RẰM THÁNG BẨY

Tháng 7 âm lịch là tháng Ngâu, gắn với sự tích Ngưu Lang - Chức Nữ. Ngày Rằm tháng này, với người Việt gọi là tết Trung nguyên mà giới tăng ni Phật tử gọi là ngày “lễ Vu Lan”, một đại lễ báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã khuất đồng thời cũng là “ngày xá tội vong nhân” mà dân gian còn gọi nôm na là ngày “cúng chúng sinh”, “cúng cô hồn”. Mấy ý nghĩa dồn trong một ngày vậy chúng giống hay khác nhau; việc sắm lễ hay thực hiện “lễ”, “cúng” thế nào, đâu phải ai cũng tường.
Khi thay cha làm chủ gia tộc mình, tôi để tâm học hỏi và những điều biết  đó đã từng chép trong bài Về ngày RẰM THÁNG BẨY trong đó chép rõ về:  Tín ngưỡng dân gian với ngày Rằm và mồng Một, Rằm tháng Bẩy, Lễ Vu Lan, Lễ cúng cô hồn, Tục đốt mã, Nét văn hóa ngày Rằm tháng Bẩy, Văn cúng Rằm tháng Bẩy tại gia. Song xem ra nhiều người vẫn chưa nhớ. Nay xếp lại và bổ sung thêm nhiều kiến thức mới, kinh nghiệm tích cóp được.
1. Nhắc lại tín ngưỡng dân gian với ngày Rằm
Trong tháng âm lịch có 2 mốc quan trọng đó là: Ngày Rằm là ngày trăng tròn, chữ Hán là Vọng nhật 望日 và ngày Mùng Một không trăng là Sóc nhật 朔日. Do vậy trong 12 cái Tết của người Việt thì nửa số đó là vào mồng Một và ngày Rằm:
1. Tết Nguyên Đán đúng mồng một tháng Giêng[1] âm lịch là ngày tết lớn nhất;
2. Tết Khai hạ vào ngày mùng Bảy kết thúc Tết Nguyên Đán;
3. Tết Thượng nguyên (Tết Nguyên tiêu) vào đúng rằm tháng Giêng;
4. Tết Hàn thực nghĩa là ăn đồ nguội, vào ngày mùng Ba tháng Ba;
5. Tết Thanh minh, thường vào tháng Ba âm lịch, trở thành lễ Tảo mộ;
6. Tết Đoan ngọ (Tết Đoan dương) vào mùng Năm tháng Năm;
7. Tết Trung nguyên vào Rằm tháng Bảy;
8. Tết Trung thu vào Rằm tháng Tám;
9. Tết Trùng cửu vào mùng Chín tháng Chín;
10. Tết Trùng thập của các thầy thuốc vào Mười tháng Mười.
11. Tết Hạ nguyên (Tết Cơm mới) vào Rằm hay mùng Một tháng Mười;
12. Tết Táo quân vào ngày 23 tháng Chạp.
Trong 12 tháng có 3 tháng mà dân gian phương Đông chú tâm cúng lễ vào ngày Rằm nhất nhưng tùy theo Tôn giáo mà có những quan niệm và cách tưởng lễ khác nhau:
Theo Nho giáo:
Rằm Thượng nguyên là ngày 15 tháng Giêng âm lịch, cúng tế vua Nghiêu[2] với tôn hiệu là: Thiên Quan Tứ Phước.
Rằm Trung nguyên là ngày 15 tháng 7 âm lịch, cúng tế vua Thuấn[3] với tôn hiệu là: Địa Quan Xá Tội.
Rằm Hạ nguyên là ngày 15 tháng 10 âm lịch, cúng tế vua Hạ Vũ[4] với tôn hiệu là: Thủy Quan Giải Ách.
Theo Phật giáo:
Theo nghi lễ Phật giáo trong một năm có năm ngày rằm quan trọng:
Rằm tháng Giêng: Lể Cầu phúc, cầu an, hành hương;
Rằm tháng Hai: Lễ Phật nhập Niết bàn;
Rằm tháng Tư: Lễ Phật Đản;
Rằm tháng Bẩy: Lễ Vu Lan tại các chùa, cúng dường chư tăng ni, đại đức, để cầu xin chư tăng ni chú nguyện, giải thoát cha mẹ đã chết khỏi các khổ hình nơi cõi Âm phủ và được siêu thăng, hoặc cầu cho cha mẹ còn sống được tăng Phúc Thọ;
Rằm tháng Mười: Lễ Cúng rằm Hạ nguyên.
Theo Đạo Cao Đài:
Ba ngày Rằm Thượng nguyên, Trung nguyên và Hạ nguyên đều thiết đại lễ cúng Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu và các Đấng Thần, Thánh, Tiên, Phật nơi Tòa Thánh, Thánh Thất, Báo Ân Từ và các Điện Thờ Phật Mẫu, để dâng sớ cầu nguyện cho các đẳng chơn hồn vừa mới qui liễu vì đau bịnh hay vì tai nạn, cùng với các chiến sĩ vị quốc vong thân vừa tử trận, tất cả đều được siêu thăng lên miền tịnh độ. Việc Cầu Siêu Hội được tổ chức nơi Khách Đình.
2. Rằm tháng Bẩy:
Nước ta là nước đa tôn giáo và nhiều nghi lễ tôn giáo đã trở thành tín ngưỡng dân gian. Dù không theo Phật giáo hay Nho giáo nhưng dân Việt đều sắm lễ, thắp hương, dâng lòng thành  cầu mong cho những người đã khuất, thoát khỏi cảnh tam đồ, siêu sinh Lạc quốc; người còn sống nương theo sự hành xử hiếu hạnh này mà cởi trói phiền não, thân tâm an lạc, vạn sự an lành. Bởi thế mới có câu: “Rằm tháng Bảy người quảy khắp nơi”.
Vì vậy có câu: “Cúng quanh năm không bằng Rằm tháng Bẩy” bởi nó gắn với Lễ Vu lan, Cúng Cô hồn và Xá tội vong nhân. Đây là các nghi lễ khác nhau có ý nghĩa và lễ thức khác nhau được tiến hành trong cùng một ngày. Do vậy với các ngôn ngữ khác nhau cũng không thống nhất như người Việt. Ví dụ người Hoa gọi là 中元節與盂蘭盆 (Trung nguyên tiết dữ Vu Lan Bồn Tiết), dịch sang Anh ngữ là: Ghost Festival, Pháp ngữ: Fête des fantômes (tức Tiết Quỷ, guijie 鬼節).
2.1. Lễ Vu Lan :
Vu Lan 盂蘭 là viết tắt của Vu Lan Bồn 盂蘭盆, cũng được gọi là Ô-lam-bà-noa 烏藍婆拏. Thực chất đây chỉ là ba tiếng dùng để phiên âm từ danh từ ullambana, cho nên từng tiếng một (vu, lan, bồn) hoàn toàn không có nghĩa gì trong Hán ngữ. Ullambana có gốc từ động từ ud-√lamb, nghĩa là “treo (ngược) lên”[5]. Thế nên các dịch giả Trung Quốc cũng dùng từ Đảo huyền 倒懸, “treo ngược lên” cho từ Vu lan, chỉ sự khổ đau kinh khủng khi sa đoạ địa ngục, sau chuyển nghĩa thành “giải đảo huyền” 倒懸 tức là “cởi trói cho người bị treo ngược”, cũng có nghĩa là “cứu vớt người đau khổ”.
Xuất phát từ sự tích về Bồ tát[6] Mục Kiền Liên[7] đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ của Đạo Lão.
Theo kinh Vu Lan thì ngày xưa, Ma Ha Một Ðặc Già La (tức Mục Kiền Liên), vốn là một tu sĩ khác đạo, về sau đã quy y và trở thành một đệ tử lớn của Phật, đạt được sáu phép thần thông rồi được liệt vào hạng thần thông đệ nhất trong hàng đệ tử của Phật. Mẫu thân ông là bà Thanh Đề đã qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt nhìn (huệ nhãn, mắt đạo) khắp trời đất để tìm. Thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sinh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở tại cõi A Tì, ông đã dụng phép thần thông, đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi tranh không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng thức ăn đã hóa thành lửa đỏ.
Mục Liên đau đớn vô cùng, khóc than thảm thiết rồi trở về bạch chuyện với Ðức Phật để xin được chỉ dạy cách cứu mẹ. Phật dạy rằng: “dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để vận động chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó”. Phật lại dạy Mục Liên sắm đủ các món để dâng cúng các vị ấy, nào là thức thức thời trân, hương dâu đèn nến, giường chõng chiếu gối, chăn màn quần áo, thau rửa mặt, khăn lau tay cùng các món, đồ dùng thường dùng hằng ngày khác. Ðúng vào ngày rằm tháng 7 thì lập trai đàn để cầu nguyện, thiết trai diên để mời chư tăng thọ thực. Trước khi thọ thực, các vị này sẽ tuân theo lời dạy của Ðức Phật mà chú tâm cầu nguyện cho cha mẹ và ông bà bảy đời của thí chủ được siêu thoát. Mục Liên làm đúng như lời Phật dạy. Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này.
Từ đó ngày lễ Vu Lan ra đời và đây thực chất là ngày Lễ Báo hiếu đầy tính nhân văn: báo hiếu cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên các đời. “Lễ Vu Lan báo ơn cha mẹ, không những cúng cho những người đã khuất mà còn là dịp để chúng ta nhìn nhận lại những việc mình đã làm với người còn sống...”. Nhưng ý nghĩa này người miền Bắc ít chú ý mà thịnh hành hơn ở miền Nam.
Lễ Vu Lan vào dịp Rằm tháng Bẩy đã trở thành truyền thống báo hiếu của phật tử và đông đảo người Việt. Vào lễ, người ta lập đàn cầu nguyện cho các oan hồn siêu thoát. Lễ phẩm cúng dường không phải là điều quan trọng.  chỉ cần gạo, muối và nước uống sạch. Điều quan trọng bậc nhất chính là cái tư cách của người cúng và ý nguyện thành tâm của thân nhân. Trong lễ cúng lại phải tụng danh hiệu Phật và Bồ Tát, đồng thời đọc lời sám hối cho cô hồn.
Lễ Vu Lan tổ chức tại chùa có ý nghĩa về nội dung “mở cửa ngục” nhằm xóa tội cho vong người đã mất. Trên bàn cúng vong thường có bầy “lục cúng”, gồm: hương, nến, hoa, quả, oản và nước. Còn có một bát úp trên bàn, bên trong có đặt tờ giấy ghi chữ “Ngục” , có kèm theo tờ sớ ghi rõ tên tuổi, quê quán của vong cùng lễ vật dâng cúng.
2.2. Ngày xá tội vong nhân:
Nho giáo chọn ngày rằm tháng 7 âm lịch làm ngày kỷ niệm Thánh đản của vua Thuấn (虞舜, 2294-2184tCn). Chuyện rằng: Vua Nghiêu (唐堯, 2377-2257 tCnnghe ông Thuấn là trang hiếu thảo đệ nhất nên tìm đến gặp ông Thuấn, rồi đem hai con gái là Nga Hoàng  娥皇 và Nữ Anh  女英 gả cho. Sau 3 năm xem xét cách ăn ở của ông thấy quả thật Thuấn là người hiền nên vua Nghiêu quyết định truyền ngôi cho ông Thuấn. Khi đã ở ngôi cao vẫn hiếu thảo, Đức của vua Thuấn ban rải khắp thiên hạ, dân chúng đều được thái bình an lạc.
Trong sách Trung Dung, Đức Khổng Tử rất khen ngợi vua Thuấn: “Hạnh hiếu của vua Thuấn lớn lắm vậy! Luận về đức, Ngài là bậc Thánh nhơn; luận về sang thì Ngài ở ngôi Thiên tử; luận về giàu thì gồm bốn biển, ông bà cha mẹ được hưởng cúng tế trong tông miếu (đó là quang ư tiền), con cháu được triều đình ban cho phước lộc (đó là dụ ư hậu)”
Vì hiếu của Ngài rất lớn nên được đời sau tôn là Thánh vương, đứng đầu Nhị thập tứ Hiếu. Người đời cho rằng: Đức của vua Thuấn rộng lớn như Đất, nghĩa là gánh chở tất cả thiên hạ, bao dung không phân biệt hạng người, nên mới tôn xưng Ngài là Địa Quan Xá Tội 地官赦罪.
Trong tín ngưỡng Đông Á, địa ngục 地獄 là tù ngục trong lòng đất, nơi đó tội nhân phải chịu mọi loại tra tấn do kết quả của mọi việc ác đã làm trong tiền kiếp và sự tra tấn đó rất đau đớn cho vong nhân. Do đó, trong ngày rằm tháng 7, người nào nhớ tưởng đến ông bà cha mẹ quá vãng mà thực lòng cầu khẩn cho ông bà cha mẹ được siêu thăng thì được vua Thuấn cảm ứng, xem xét lòng hiếu thảo của người con mà xá tội cho ông bà cha mẹ khỏi chịu hình phạt cõi Âm phủ[8].
Như vậy, theo Nho giáo, ngày rằm Trung nguyên là ngày kỷ niệm Thánh đản của vua Thuấn. Ngài là Địa Quan Xá Tội, cảm ứng với những người nào có lòng thành cầu khẩn cho ông bà cha mẹ quá vãng bị đọa đày nơi cõi Âm được siêu thăng.
Một số người Việt Nam tin rằng Lễ Xá tội vong nhân bắt nguồn từ công việc đồng áng của người nông dân trước kia. Hằng năm, cứ đến tháng 6-7 âm lịch là vào vụ thu hoạch mùa màng. Để công việc được may mắn, không gặp trắc trở, người dân thường cầu xin thần linh, thổ địa... bắt giam những yêu ma, oan hồn lại cho khỏi quấy nhiễu. Đến đúng ngày 15/7, mọi việc phải được hoàn tất, đó cũng là lúc “ông thần tha ma, chủ nhà tha thợ cấy”, “mở cửa ngục xá tội vong nhân”. Và cũng vào ngày này, người ta thường làm một lễ cúng tạ ơn các thần linh, và một mâm tưởng nhớ ông bà tổ tiên để cầu nguyện cho các vong hồn siêu thoát và cầu bình an cho gia đình. Vì vậy nên đa phần các gia đình thường cúng cơm mặn, nhưng cúng chay tốt hơn. Ngày Rằm tháng bảy hàng năm thì mọi tội nhân cõi Âm, trong đó có những vong linh của gia đình, họ tộc mình đang bị giam cầm nơi địa ngục được xá tội và ra khỏi Âm phủ lên Dương gian. Bởi vậy, các gia đình ở cõi trần làm cỗ bàn, vàng mã cúng gia tiên, cầu siêu độ trì cho họ.
Dù theo thuyết nào thì cũng vẫn là sự báo hiếu, cầu mong cho tiền nhân được an lành nơi địa phủ.
2.3. Lễ cúng cô hồn
Người Việt cổ và cả nay đều tin rằng con người gồm có một phần xác và một phần hồn. Khi phần xác chết thì phần hồn sẽ lìa khỏi xác và phần này được gọi là linh hồn. Nếu linh hồn đó không có cơ hội đầu thai hoặc nơi trú ngụ, mà còn vương vất ở những nơi có liên quan đến họ khi còn sống,  thì  từ ngữ bình dân thường gọi là: Ma, Hồn ma, Quỷ, Cô hồn[9]...Cần phải được người sống cúng mới siêu thoát được. Nhưng có phải ai cũng có con, có con trai đâu nên những người vô tự, khiếm tự hay chưa rõ chết ngày nào, ở đâu dễ rơi vào tình trạng vất vưởng lại càng cần được mọi người nhớ đến. Phật giới chia ra làm nhiều loại (10, 12) cô hồn nhưng đó chỉ là sự phân chia mang tính khái quát, đại diện cho các thành phần xã hội. Về chi tiết, trong mỗi loại cô hồn có vô vàn cá biệt, tùy theo nghiệp dĩ của mỗi người. Nói chung, những loại cô hồn này chịu nhiều khổ đau, vất vưởng và luôn bị đói khát hành hạ. Vì vậy, với từ tâm và tuệ giác, Đạo Phật thiết định khoa nghi Chẩn tế nhằm cứu độ cô hồn, nguyện cầu âm siêu dương thái.
Cứ theo “Phật Thuyết Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni Kinh” thì chuyện này có liên quan đến câu chuyện giữa ông A Nan Ðà, thường gọi tắt là A Nan, với một con quỷ miệng lửa (diệm khẩu) cũng gọi là quỷ mặt cháy (diệm nhiên). Có một buổi tối, A Nan đang ngồi trong tịnh thất thì thấy một con ngạ quỷ thân thể khô gầy, cổ nhỏ mà dài, miệng nhả ra lửa bước vào. Quỷ cho biết rằng ba ngày sau A Nan sẽ chết và sẽ luân hồi vào cõi ngạ quỷ miệng lửa mặt cháy như nó. A Nan sợ quá, bèn nhờ quỷ bày cho phương cách tránh khỏi khổ đồ. Quỷ đói nói: “Ngày mai ông phải thí cho bọn ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc thức ăn, lại vì tôi mà cúng dường Tam Bảo thì ông sẽ được tăng thọ mà tôi đây cũng sẽ được sanh về cõi trên”. A Nan đem chuyện bạch với Ðức Phật. Phật bèn đặt cho bài chú gọi là “Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni”, đem tụng trong lễ cúng để được thêm phúc. Do vậy Trung Hoa gọi lễ cúng này là Phóng diệm khẩu, tức là cúng để bố thí và cầu nguyện cho loài quỷ đói miệng lửa, nhưng dân gian thì hiểu rộng ra và trại đi thành cúng cô hồn, tức là cúng thí cho những vong hồn vật vờ không nơi nương tựa vì không có ai là thân nhân trên trần gian cúng bái. Vì vậy, ngày nay mới có câu: “Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân”.
Việc cúng cô hồn[10] 孤魂 có thể chính thức lan rộng từ đời nhà Đường (唐朝, 618 – 907) bên Trung Quốc khi Huyền Trang (玄奘, 602–664)[11] trở về sau chuyến Tây Du sang Ấn Độ[12], lập đàn siêu độ cho tứ sinh đang luân hồi trong lục đạo. Qua đời Tống (宋朝, 960-1279), Bất Khinh Tam Tạng chuyên tu Mật Giáo ở Mông Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, quán biết các cô hồn đang vất vưởng, đòi hỏi những nhu cầu cần thiết, nên Ngài vận dụng pháp lực để cung ứng và siêu độ cho họ.
Do vậy, ngoài cúng gia tiên ngày Rằm tháng Bẩy mọi nhà còn bầy lễ cúng chúng sinh ngoài sân, trước thềm nhà để cúng cô hồn, ma đói là những vong linh “không nơi nương tựa”. Xưa, tại các cầu quán, đình chùa, đều có tổ chức “cúng cháo” để cúng các cô hồn không ai cúng giỗ. Tiếp theo lễ cúng vong là lễ “thí thực”[13], còn gọi là “chúc thực” (mời ăn, hưởng lộc). Lúc này, thầy chùa đọc những câu chú (Mông Sơn thí thực) chuyển thức ăn cho các vong nhân được hưởng. Mặt khác, để cụ thể hóa việc “thí thực vong linh”, vào dịp này, nhà chùa thường nấu những nồi cháo hoa lớn, lấy lá mít, lá đa làm thành những chiếc bồ đài nhỏ đựng cháo, rồi đem đặt ở mọi nẻo đường tới chùa cùng các mẹt đựng lễ phẩm khác như trái cây, oản… Người nghèo, trẻ em đến dự lễ được tự do hưởng lộc. “ Tục cướp cháo lá đa” diễn ra ngày xưa cũng là một cách hưởng lộc của Phật trong dịp lễ Vu lan. Lễ kết thúc bằng kinh A Di Đà, cầu siêu cho mọi vong hồn, kể cả những cô hồn bơ vơ, nhân ngày này mà được siêu thoát.
Tại nhà riêng, cổ truyền thường có 4 lễ: cúng Phật, cúng Thần linh, cúng Gia tiên, và cúng Thí thực cô hồn. Họ bày cúng ở trước cửa nhà. Ðồ lễ đặt trên một cái mẹt thường gồm có cháo hoa, những nắm cơm nhỏ, hoa quả, bánh bỏng, trầu cau, xôi chè cùng với đồ mã, vàng hương. Mọi người tin rằng các cô hồn những cô nhi yểu vong, những người chết đường chết chợ, những người chết không ai biết, không ai cúng giỗ sẽ đến hưởng lễ cúng làm phúc trong ngày "xá tội vong nhân" này.
Lễ cúng tại đình, chùa, cầu , quán, tổ chức có quy mô hơn. Ở những nơi này, cháo được múc ra những bồ đài lá mít cắm ở hai bên đường trước lễ đài. Ngoài ra còn có một nồi cháo lớn. Khi cúng lễ xong những người nghèo đem liễn tới xin cháo, các mục đồng và trẻ con xô nhau vào cướp những hoa quả, bánh trái, tục gọi là cướp cháo.
Người ta cũng thả chim lên trời, thả cá xuống sông, để làm điều phúc đức.
Vậy lễ Vu Lan và lễ cúng cô hồn là hai lễ cúng khác nhau: Một đằng thì liên quan đến chuyện ông Mục Liên, một đằng lại liên quan đến chuyện ông A Nan; Một đằng là để cầu siêu cho cha mẹ và ông bà bảy đời, một đằng là để bố thí cho những vong hồn không ai thờ cúng; Một đằng là báo hiếu, một đằng là làm phúc.
3. Tục đốt mã
Tục đốt mã từ bên Trung Hoa truyền sang ta. Nguyên đời xưa dùng đồ bạch ngọc để cúng tế. Ðời sau, vì bạch ngọc đắt và hiếm, người ta dùng tiền để thế cho bạch ngọc. Những tiền này cúng xong đều bỏ đi, rất phí tổn. Trước sự phí phạm này, vua Huyền Tôn nhà Ðường ra lệnh dùng tiền giấy thay cho tiền thật.
Những thoi vàng, thoi bạc giấy được cúng thay cho vàng bạc thật, những hình đồng tiền vẽ trên giấy được cúng thay cho tiền quan. Ðến đời vua Ðường Thế Tôn, quan Từ tế sứ, lo việc tế tự là Vương Dữ, đã cho cúng toàn tiền giấy rồi đốt đi. Về sau, từ đời Ngũ Ðại, có thêm tục cúng quần áo, mũ và đồ dùng bằng giấy. Ta theo ảnh hưởng đó, cũng có tục đốt mã.
Với ý nghĩa đó, vào ngày Rằm tháng Bẩy đồ mã cùng trái cây và đồ lễ cũng nhiều hơn. Những vàng mã được đem hoá và có khi có tụng kinh để cầu siêu độ cho những vong hồn vô thừa tự. Những gia đình có người thân mới mất thì Rằm tháng Bẩy đầu tiên thực hiện việc đốt “mã cho”, tức biếu những ma cũ để họ đỡ quấy nhiễu vong hồn thân nhân mình; Rằm thứ hai đốt “mã nhận”, tức sắm đồ cho thân nhân mình.
4. Nét văn hóa ngày Rằm tháng Bẩy
4.1. Thời điểm cúng:
Lễ Vu Lan theo đúng nghi lễ truyền thống của Phật Giáo trong 3 ngày, từ 11/7 âm lịch. Mỗi ngày 6 khóa lễ, các tăng ni, phật tử thành tâm tụng kinh niệm Phật, cầu cho quốc thái dân an. Hàng nghìn Phật tử từ khắp các tỉnh đã đến dự lễ. Kết thúc lễ Vu Lan, tối 13 nhà chùa đã làm lễ đàn Mông Sơn chẩn tế cô hồn để thỉnh Phật về bố thí cho tất cả chúng sinh.
Tại gia, không giống như các Rằm khác, nhiều người thường cúng Rằm tháng Bảy từ rất sớm, có khi mới 10 âm lịch đã thấy có nhà đốt mã nghi ngút. Có nhiều quan niệm khác nhau, người thì cho rằng nếu cúng hết vào ngày Rằm, nhà nào cũng gửi hàng mã như vậy thì sợ “tắc đường” hoặc “thất lạc”, ông bà sẽ không nhận được. Lại có người muốn cúng trước để ngày Rằm ông bà tổ tiên còn đến chùa hưởng lộc...
4.2. Sắm lễ:
+ Lễ cúng gia tiên gồm: Hương, hoa, rượu, xôi và mâm cỗ mặn với nhiều món ăn được chế biến cẩn thận, trình bày đẹp, vàng mã, quần áo, hài giấy...
+ Lễ cúng chúng sinh gồm các lễ vật: Bánh đa, bỏng, ngô, khoai lang luộc, trứng luộc, kẹo bánh, xôi chè và cháo hoa. Vàng mã, tiền giấy, quần áo chúng sinh... Ngày xá tội vong nhân, ở địa phương nào cũng cúng chúng sinh, nhưng cách cúng và đồ lễ mỗi nơi, mỗi nhà mỗi khác. Theo tôi, các gia đình chỉ cúng gia tiên, còn việc cúng chúng sinh được các cụ già tập chung cúng ở chùa. Đồ lễ gồm có vàng mã, gạo muối (cúng xong rắc ra sân), cháo trắng đổ vào lá đa rải khắp sân chùa, các loại bỏng, ngô khoai, chè lam, bánh đa, kẹo vừng, kẹo bột, hoa quả, xôi oản. Việc phóng sinh nên làm đúng cách.
Nhưng hiện nay có xu hướng đốt vàng mã quá nhiều, có nhà sắm cả xe hơi, nhà lầu, đốt cả hình nộm người hầu, rồi tiền Đô la, Nhân dân tệ…rất lãng phí đôi khi gây hỏa hoạn. Hoặc chim mua về gia chủ “phóng sinh” lại bị người vừa bán bắt lại đi bán tiếp…Như vậy còn đâu ý nghĩa tốt đẹp thủa ban đầu?
Dù thế nào, khi tâm ta thuần thiện, nó sẽ trở nên trong trẻo, và tất nhiên ta được hạnh phúc. Chỉ khi đó ta mới có thể xây dựng nên một cuộc sống tốt đẹp cho mình và người. Đừng làm vong nhân chờ xá tội.
5. Rằm tháng Bẩy Nhâm Thìn:
Năm nay theo Phật lịch (H: 佛曆,A: Buddhic calendar, P: Le calendrier bouddhique)  là năm 2556 và Rằm tháng Bẩy ứng với Dương Lịch là ngày 31/8/2012, gần đến 02/9 là ngày “Đại xá” của CHXHCN Việt Nam. Theo lịch Can Chi thì ngày này là ngày Giáp Tý (Hải Trung Kim) tức Chi sinh Can (Thủy, Mộc), là ngày Cát (nghĩa nhật); kị tuổi: Mậu Ngọ, Nhâm Ngọ; thuộc hành Kim khắc hành Mộc, đặc biệt tuổi: Mậu Tuất nhờ Kim khắc mà được lợi; lục hợp Sửu, tam hợp Thìn và Thân thành Thủy cục; xung Ngọ, hình Mão, hại Mùi, phá Dậu, tuyệt Tỵ; có Trực: Định và Sao: Quỷ (hung) trong bộ Nhị Thập Bát Tú. Ngày này có Cát Thần là: Dân Nhật, Hội Đồng, Lâm Nhật, Mãn Đức, Ngũ Đế Sinh, Phúc Sinh, Tam Hợp, Thanh Long, Thiên Ân, Thần Tại, Thời Âm, Thời Đức.  Do vậy hợp với nhiều việc.
Do nghi lễ cúng Rằm tháng Bẩy được tổ chức từ 11 đến 15 tháng Bẩy âm, lại bận nên năm nay tôi quyết định thực hiện lễ thức này tại nhà mẫu thân tôi vào thứ Ba ngày 13 tháng Bẩy, Dương lịch là 28/8/2012. Đây là ngày Tân Dậu (Thạch Lựu Mộc); Can Chi tương đồng (Kim), là ngày Cát; kị tuổi: Ất Mão, Kỷ Mão; thuộc hành Mộc khắc hành Thổ, đặc biệt tuổi: Tân Mùi, Kỷ Dậu, Đinh Tỵ thuộc hành Thổ không sợ Mộc; lục hợp Thìn, tam hợp Sửu và Tỵ thành Kim cục; xung Mão, hình Dậu, hại Tuất, phá Tý, tuyệt Dần; có Trực: Trừ và Sao: Chủy (hung) trong bộ Nhị Thập Bát Tú với Cát thần là: Cát Kì, Hội Đồng, Minh Phệ, Quan Nhật, Thiên Quý, Thất Thánh, Thần Tại, Trừ Thần, Vượng Nhật, Âm Đức, Đại Minh, Đại Thâu. Đây là ngày “bách sự nghi dụng”, tiến hành các công việc: tu lí phần mộ, tu phần, tế tự, tống lễ…tốt.
Tuy không ủng hộ nhiều việc đốt vàng mã, nhưng theo lệ chung và để yên lòng mẹ, vợ và các em cũng sắm mã đủ cho Cụ, Ông, Bà, Bố, Tổ Cô, các anh chị tôi chất yểu, chúng sinh. Tôi dặn vợ nhớ sắm Tầu hoặc thuyền, batoong bởi Ông tôi Thủy táng và từng là Lý trưởng, sắm dụng cụ hút thuốc lào, đọc sách biếu Bố tôi, mua quần áo, hài cho các anh chị tôi…
6. Văn cúng Rằm tháng Bẩy tại gia:
Nam mô a di Đà Phật! (3 lần)
- Con lạy chín phương Trời, mười phương Phật;
- Con lạy Ngài Kim niên Đương cai Nhâm Thìn niên Chí đức Tôn thần: Thái Tuế[14] Bành Thái Đại Tướng Quân, ngài Đương niên chi Thần: Sở Vương Hành Khiển, Hỏa Tinh chi Thần, Biểu Tào Phán quan[15];
- Con lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân và Chư vị thần linh cai quản xứ này.
- Con kính lạy Tổ tiên nội ngoại và chư vị Hương linh
Tín chủ con là:................sinh năm 1955, tuổi Ất Mùi cùng vợ, các con;
Cư trú tại:.............................................. ...........
Hôm nay là ngày Rằm tháng Bảy năm Nhâm Thìn 2012, nhân tiết Vu Lan vào dịp Trung Nguyên, chúng con nhớ đến Thổ thần, Thổ địa đã phù hộ độ trì; nhớ ơn Tổ tiên ông bà cha mẹ đã sinh thành, dưỡng dục chúng con gây dựng cơ nghiệp, xây đắp nền nhân, khiến nay chúng con được hưởng âm đức. Chúng con cảm nghĩ ơn đức cù lao khôn báo, cảm công trời biển khó đền.
Do vậy chúng con thành tâm sửa biện hương thơm, hoa tươi, nước trong, quả ngọt, trà thuốc, trầu cau, kim ngân, lễ phẩm, vật dụng, thắp nén tâm nhang, bày lên trước án:
Thành tâm kính mời:
Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát, ngày Mục Kiền Liên Tôn Giả,
Ngài Kim Niên Đương cai Thái tuế chí đức Tôn thần,
Ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương,
Ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân và hội đồng các vị thần linh cai quản trong khu vực này
hợp cùng tiên tổ và các bậc phụ thờ theo tiên tổ của Lương tộc, Phạm tộc.
Cúi xin :
các Ngài giáng lâm trước án, xét xoi chứng giám,
bày tỏ lòng thành nguyện mong nạp thụ,
phù hộ toàn gia: mạnh khoẻ bình an, lộc tài vượng tiến, vạn sự tốt lành, mọi việc hanh thông, gia đạo hưng long, điều lành đem đến, điều dữ mang đi, thêm của thêm người, thẳng đường tấn tới.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin thấu tỏ, độ trì.
Nam mô a di Đà Phật! (3 lần) .
-          Lương Đức Mến (BS dùng trong Gia tộc, từ nhiều nguồn TK)-


[1] Trong cách gọi tên tháng của Âm lịch hiện nay, tháng mở đầu một năm, chữ gọi là Khai đoan 开端, tên gọi tháng Dần 寅月 (con Hổ ) là tháng đầu Xuân 孟春 gọi là “chính sóc” 正朔. Ta quen đọc là chữ “chính”, tháng đó gọi là Chính nguyệt. Đó là tháng đi chinh chiến và người Việt đọc trệch từ “chiêng” thành “giêng” ra tháng Giêng, không phải tháng “Một” như nhiều người tưởng.
Tháng trong âm lịch gọi là “tháng Một” là tháng Tý (tức tháng thứ 11 âm lịch và do Tý đứng đầu nên gọi là “một”) là tháng bắt buộc phải có ngày Đông chí. Tháng này còn gọi là tháng trọng đông 仲冬, nên gọi là Đông nguyệt 冬月và theo lịch kiến Tý đây là tháng Tý 鼠月 (tháng con chuột). Các nhà lập lịch còn thêm Can vào tên gọi của tháng nên có tháng Giáp Tý, Bính Tý, Mậu Tý, Canh Tý, Nhâm Tý tùy theo từng năm âm lịch.
Tiếp theo là tháng Chạp, chứ không có tháng 11, 12 âm lịch như nhiều người, nhiều sách viết sai.
[2] Đế Nghiêu (帝堯, 2337 tCn–2258 tCn) là một vị vua huyền thoại của Trung Quốc cổ đại, một trong Ngũ Đế thời Tam Hoàng Ngũ Đế  (三皇五帝, 2852 tCn- tới 2205 tCn). Ông, cùng với các vua Thuấn và Vũ sau này, được Khổng giáo xem là các vị vua kiểu mẫu và các tấm gương đạo đức.
[3] Đế Thuấn 帝舜 là một vị vua huyền thoại thời Trung Quốc cổ đại, nằm trong Ngũ Đế. Tên khi sinh của ông Diêu Trọng Hoá 姚重華) Ông cũng được gọi là Hữu Ngu Thị 有虞氏, Đại Thuấn 大舜 hay Ngu Thuấn 虞舜.
[4] Hạ Vũ (帝禹; 2205 tCn – 2198 tCn hoặc 2200 tCn - 2100 tCn) là một vị vua huyền thoại ở Trung Quốc cổ đại nổi tiếng với về việc chống lũ, xác lập chế độ cha truyền con nối ở Trung Quốc bằng cách thành lập nhà Hạ và nhân cách đạo đức ngay thẳng của mình. Tên khi sinh của ông là Tỉ Văn Mệnh 姒文命, thường được gọi là Đại Vũ 大禹.
[5] Không được ăn uống, chịu hình phạt nặng nề nhất ở cõi âm, theo quan niệm Ấn Độ.
[6] Bồ Tát 菩薩 là lối viết tắt của Bồ-đề-tát-đóa (菩提薩埵, bodhisattva), cách phiên âm tiếng Phạn bodhisattva sang Hán-Việt, dịch ý là Giác hữu tình 覺有情, hoặc Đại sĩ 大士. Trong Phật giáo Đại thừa, Bồ Tát là một hành giả sau khi hành trì các Ba-la-mật-đa đã tựu Phật quả, nhưng nguyện không nhập Niết-bàn khi chúng sinh chưa giác ngộ.
[7] Mục Kiền Liên 目犍連 hay gọi tắt là Mục Liên (目連, tên latinh hóa: Maudgalyayana, Mahamaudgalyayana hay Mahāmoggallāna; tiếng Pali: Moggallāna; Tạng ngữ: མོའུ་འགལ་གྱི་བུ་) là một trong những đồ đệ thân tín nhất của Thích Ca Mâu Ni.
[8] Trong tín ngưỡng và thần thoại, địa ngục hay âm phủ gần giống một nơi mà các linh hồn tội lỗi sẽ bị đày đến sau cuộc sống dương gian, người cai quản địa ngục thường gọi là Diêm Vương. Tuy nhiên, ý nghĩa cụ thể của từ này phụ thuộc vào từng nền văn hóa. Trong Phật giáo, địa ngục ( naraka) được xem là nơi nhiều khổ ải, nhưng sau khi Nghiệp ác chấm dứt có thể tái sinh trên những thiện đạo. Ta cần hiểu địa ngục không phải là một thế giới có vị trí địa dư thông thường mà đó là một trạng thái của tâm thức, nên hiểu Tịnh độ cũng là như thế. Địa ngục chỉ là một trong ba ác đạo, song song với Ngạ quỉ (quỉ đói) và súc sinh.
[9] Theo Phật giáo, Ma  gọi đúng hơn là ngạ quỷ (Pettivisaya), là một trong lục đạo luân hồi, xếp trên súc sinh (Tiricchānayoni) và địa ngục (Niraya). Loài ngạ quỷ có hai nơi ở, một là nước Diêm La của nó, hai là sống trên dương gian cùng với người, vì vậy người ta hay nói đi đêm có khi gặp quỷ.
[10] Thập loại cô hồn được phân loại như sau :
1. Thủ hộ quốc giới: Loại oan hồn vị quốc vong thân;
2. Phụ tài khiếm mạng: Loại oan hồn chết vì trái chủ oan gia, trụy thai, sẩy thai;
3. Khinh bạc Tam Bảo: Loại oan hồn vì tạo nghiệp bất hiếu, phụ nghịch, vô đạo;
4. Giang hà thủy nịch: Loại oan hồn chết sông, chết biển;
5. Biên địa tà kiến: Loại oan hồn ở nơi biên ải hẻo lánh xa xăm;
6. Ly hương khách địa: Loại oan hồn phiêu bạc tha hương, chết đường, chết bụi;
7. Phó hỏa đầu nhai: Loại oan hồn chết vì tự tử, trầm mình xuống sông, núi, chết đâm, chết chém;
8. Ngục tù trí mạng: Loại oan hồn chết vì bị tra tấn, khổ nhục trong lao tù;
9. Nô tì kết sử: Loại oan hồn chết vì bị nô lệ, hành hạ, đày đọa;
10. Manh mung ám á: Loại oan hồn lúc sống bị đui, què, câm, điếc, cô quả không ai chăm sóc.
[11] Ông tên tục Trần Huy (Trần Vĩ hoặc Trần Y 陳褘) sinh năm 596, năm thứ 16 đời Tùy Văn Đế Dương Kiên tại Lạc Châu 洛州, huyện Câu Thị 緱氏縣, tỉnh Hà Nam, trong một gia đình có truyền thống quan liêu. Đến cha của Huyền Trang là Trần Huệ thì dốc tâm vào Nho học, từ khước làm quan. Theo các truyện kí thì từ nhỏ Sư nổi danh thông minh đĩnh ngộ, sớm được thân phụ chỉ dạy những nghi thức Nho giáo. Từ nền móng đó ông trở thành một Cao tăng Trung Quốc, một trong bốn dịch giả lớn nhất, chuyên dịch kinh sách Phạn ngữ ra tiếng Hán. Nhà sư cũng là người sáng lập Pháp tướng tông (zh. fǎxiàngzōng 法相宗), một dạng của Duy thức tông (zh. 唯識宗, sa. yogācāra, vijñānavāda) tại Trung Quốc. Vì tinh thông Kinh điển Phật giáo nên nhà sư còn mang danh hiệu là Tam Tạng (pháp sư), là người tinh thông cả Tam tạng.
[12] Là cảm hứng để Ngô Thừa Ân  (吳承恩, 1500? hoặc 1506?-1581) sáng tác ra tác phẩm Tây Du Ký 西遊記 nổi tiếng từ thế kỷ 16.
[13] Thí thực là bố thí thức ăn và ý nghĩa ăn của Phật Giáo như sau:
1) Ðoạn thực: thức ăn cứng, có thể chia thành phần như cơm, cháo, rau, canh, thịt, cá v.v. & các thức vật có hương vị làm xúc cảm tâm thức.
2) Xúc thực: Ăn với thức quan hay biết mùi vị, tức là cách ăn của Quỷ, Thần thọ hưỡng hương vị mà thôi.
3) Tư thực: ăn với sự kiện thần giao tư tưởng, là phép ăn của bậc Thiên trên cỏi sắc giới, ăn với phương thức thuyền duyệt tức là không chủ về vật phẩm ăn mà chỉ thọ hưỡng hơi hương, luôn luôn xem việc ăn là đạo vị, thanh tịnh.
4) Thức thực: ăn qua sự giao cảm của thức thứ 8, phép ăn nầy bậc Thánh, Phàm có khác nhau, bậc Thánh hưỡng thụ một cách hồn nhiên không phân biệt, còn bậc phàm phân biệt là ngon, dở; do chỗ phân biệt mà có tham muốn rồi khởi lên tư tưởng tham ăn đến bị vào vòng sinh tử, luân hồi.
[14] Vòng luân phiên các Thái Tuế tinh quân 太歲神是年歲之神 ứng với vòng Lục thập Hoa giáp tính từ Giáp Tý đến Quý Hợi. Khi cầu an năm nào cần khấn đúng tên vị Thái tuế năm đó.
[15] Đây là kíp Thần trực ban năm Nhâm Thìn 2012. Có Mười hai vị Đại vương, mỗi năm một vị cai quản cõi nhân gian là Thập nhị Hành Khiển đại vương, tính theo Thập Nhị Địa Chi 十二地支, bắt đầu là năm Tý, cuối cùng là năm Hợi. Hết năm Hợi cũng quay lại năm Tý với Đại vương Hành Khiển 行譴大王 mười  hai năm về trước. Mỗi Đại vương Hành Khiển đều có một vị Hành Binh 行兵尊神 là quan Võ lo giữ an ninh, trật tự địa phương. Đồng thời còn có một Phán Quan 判官尊神 là Thư ký giúp việc, việc ghi chép công, tội của mọi người, mọi gia đình, mọi thôn xã, mọi quốc gia. Do vậy mỗi năm phải khấn một khác.

1 nhận xét:

  1. ...Mục Liên không phải tên thật mà chỉ là hiệu. Tên thật của Mục Liên là La Bộc.
    ... La Bộc là con ông Phổ Tướng và bà Thanh Đề. Vì gia đình túng thiếu, La Bộc phải đi buôn bán ở tỉnh Kiên Liên. Khi đã giàu có, La Bộc nhớ tới mẹ già liền cho người về quê biếu tiền mẹ. Bà mẹ ăn xài hết nhẵn số tiền đó rồi, lại sai người giết chó làm nhân bánh biếu sư. Đến lúc La Bộc về thì bà mẹ lại chối và nói rằng bao nhiêu tiền con gửi về cho đã đem cúng cả vào đền chùa miếu vũ rồi. Chẳng bao lâu bà mẹ chết.
    Chịu tang mẹ 3 năm, La Bộc đi qua nước Ki Đô là nơi Phật ở, La Bộc xin ở lại tu luyện. Phật thương tình ưng thuận, sai thầy Kha Na cắt tóc ông và đặt tên là Đại Mục Khiên Liên (Mục Liên) và cho vào tu ở chùa Lã Bí trong rừng Quýt Sơn. Muốn đến rừng Quýt Sơn phải đi qua ngôi chùa Thiên Giai là nơi có những âm hồn nghe kinh. Mục Liên chỉ nhận ra người cha là Phổ Tướng còn mẹ là Thanh Đề thì không. Mục Liên ôm mặt khóc, Phật hiện lên bảo cho biết là Thanh Đề vì khi sống điêu ngoa gian ác nên bị đầy xuống ngục A Tỳ rồi. Mục Liên nghe vậy liền lặn lội xuống ngục A Tỳ tìm mẹ. Nơi đây bà mẹ Mục Liên phải chịu trăm ngàn cực hình, thấy con tới bà khóc lóc nhờ con tìm cách cứu. Mục Liên thấy mẹ bị như vậy liền lấy bình bát, đem cơm dâng mẹ. Mẹ ngài được cơm nhưng chưa vào miệng cơm đã hoà ra than lửa đỏ hồng.
    Tôn giả Mục Liên thấy mẹ như thế gào khóc bi thảm, về bạch Đức Phật. Phật dạy phải nhờ tới uy lực mười phương Chúng Tăng, cách cứu độ để những bà mẹ hiện đang đau khổ đều được giải thoát. Ngày rằm tháng 7 là ngày tự thứ của mười phương Tăng, tất thảy đều tư bi, ứng thọ. Ai được cúng đường Thánh Tăng thì tất cả đều vượt ác đạo, ứng niệm giải thoát. Cũng thế chiếc chậu Vu Lan đựng những tu lực chứng tâm hậu nhất của những đệ tử Đức Phật có thể chuyển nghiệp ác thành nghiệp lành của con người. Mục Liên làm đúng lời Phật dạy, quả nhân mẹ ông được giải thoát. Mục Liên theo mẹ bay lên trời cầu xin Đức Phật xoá tội cho bảy đời họ hàng nhà mình.
    Cũng xuất phát từ tư tưởng “nhân- hiếu- trung- tín” của Nho giáo và Đạo giáo bên Trung Quốc, ngày rằm tháng 7 còn gọi là tết Trung Nguyên có tục tế lễ tổ tiên. Đạo giáo còn cho rằng Trung Nguyên một trong ba “nhật kỳ” của tam cung thần cai quản họa phúc của con người chính là ngày Địa cung xá tội. Theo tín ngưỡng dân gian thì ngày này ở âm phủ khảo chiếu sổ sách để đại xá cho các linh hồn ma quỷ cô đơn ngoài đồng nội. Vì vậy ngày này cùng với cúng tổ tiên nhân dân còn nấu cháo hoa, bỏng ngô, tiền giấy cúng chúng sinh mong họ siêu thoát cũng để tích công đức cho bản thân.

    Trả lờiXóa

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!