Dựa vào truyền ngôn chép trong Gia phả (chữ Hán, phiên âm hay đã dịch nghĩa) của một số dòng họ Lương vùng Tiên Lãng, An Lão thuộc Hải Phòng được tiếp xúc, đối chiếu với lịch sử và tham khảo ý kiến các chuyên gia, người cao tuổi, tôi tóm lược nguồn gốc và mối quan hệ họ Lương vùng này như sau:
Thời Lê – Mạc (南北朝, 1533-1592), một trong những con cháu họ Lương Thanh Hoá đã ra gặp học trò Bảng nhãn Lương Đắc Bằng (梁得朋, 1472 – 1516) là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (阮秉謙, 1491-1585) ở Vĩnh Lại[1] xứ Đông. Trạng Trình đã đưa con cháu thầy học mình về lập nghiệp và gây dựng cho Lương Đắc Cam ở thôn xã Lao Chữ 牢渚, tổng Dương Áo 陽襖, huyện Tân Minh[2] 新縣, phủ Nam Sách 南策, trấn Hải Dương 海陽 (nay là thôn Chử Khê, xã Hùng Thắng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) vào khoảng cuối thế kỷ 16.
Sau đó, theo thời gian, do di cư, bốc cư có tổ chức hay tự phát, bởi sinh kế hay nhiều lý do khác đã hình thành nên các chi phái họ Lương tại các nơi quanh vùng ngay từ thế kỷ 17, 18, như: Trung Lăng 中陵, Dư Đông 余東, La Cầu 羅梂 thuộc tổng Phú Kê 富鷄 (nay là thị trấn Tiên Lãng); Xuân Úc 春郁, Văn Úc 文郁 thuộc tổng Dương Áo 陽襖 (nay là xã Hùng Thắng); Đăng Lai 登來, Phương Lai 方來, Quan Bồ 關蒲 thuộc tổng Kinh Lương 涇涼 (nay là xã Cấp Tiến)… thuộc Tiên Lãng; có nhánh vượt sông Văn Úc sang Hương Lạp[3] 香粒, thuộc tổng Cao Mật[4] 高密,huyện An Lão 安老,phủ Kiến Thụy 建瑞, trấn Hải Dương 海陽 (nay là xã Chiến Thắng, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng)[5].
Từ Lao Chữ, đến đời thứ 10 (khoảng 1848 – 1884), Cụ Ngân cho con cả là Lương Ngọc Củng về lập nghiệp và đã sinh ra chi họ Lương ở Bạch Đằng; con út là Lương Đắc Phúc về khai khẩn vùng cửa sông Văn Úc, góp phần lập nên xã Thái Bình và sinh ra chi họ Lương ở Vinh Quang (Thái Bình xưa).
Đến 2012, tính từ Tổ Thượng đã được gần 20 đời[6] và con cháu họ Lương ở các xã: Hùng Thắng, Vinh Quang, Bạch Đằng, Đại Thắng, Tự Cường, Tiên Cường, Cấp Tiến… thuộc Tiên Lãng và Chiến Thắng thuộc An Lão nhất tâm xác định Lao Chữ (Chử Khê nay) là phát nguồn các chi phái với Tổ Thượng Lương Đắc Cam và tổ Đời thứ Hai là Lương Đắc Nhân, gốc từ Thanh Hóa ra.
Do Gia phả thất lạc bởi Thủy 水, Hỏa 火, Đạo 盜, Tặc 賊 nên thế thứ chưa phân minh nhưng theo truyền ngôn, con cháu các chi phái vẫn theo về Tổ đường 祠堂 ở thôn Chử Khê xã Hùng Thắng giỗ Tổ vào ngày 15 tháng 8 âm lịch.
Đó là ngôi nhà thờ Tổ được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX, năm 1940 trùng tu lần 1. Năm 2007 trùng tu lần thứ 2 vẫn trên nền móng cũ và giữ nguyên các vì gỗ theo kiểu 4 hàng xà, 3 hàng cột, kẻ truyền, tiền tàu hậu bẩy, nhà 3 gian có hậu cung. Cũng tại đây, cách nhà Tổ khoảng 500m là Lăng mộ cụ Tổ Thượng Lương Đắc Cam và tổ đời thứ Hai là Lương Đắc Nhân. Năm 2000, khi sửa móng, xây lại Lăng mộ Tổ đã phát hiện 2 bia đá ghi tên hai cụ tổ Lương Đắc Cam và Lương Đắc Nhân bằng chữ Hán, có thể đã khắc cách đây trên 300 năm.
Dòng họ Lương xã Vinh Quang[7] đã xây dựng nhà thờ Tổ ở thôn Đông Trên và từng soạn Tộc phả từ 1938, nhưng năm 1952[8] bị Tây đốt cháy. Bản Gia phả (gốc là Phú úy) dòng họ Lương vùng này bằng chữ Hán do anh Lương Ngọc Tự từ Hải Phòng gửi lên cho tôi là bản sớm nhất còn lại mà tôi được tiếp cận.
Năm 1990, cụ Lương Kim Thành đã xây dựng lại phả họ. Đến năm 2000, sau khi phát hiện bia đá tại khu Mộ tổ, một người con gái họ Lương ở đây là Lương Thị Vân cùng em là Xuân đã cố gắng phục chế bản Phả úy cũ, sờn rách và nhờ dịch, hiệu đính. Sau đó tháng 11/2005 ông Lương Văn Nhạn tu chỉnh.
Bản Photocoppy anh Lương Ngọc Tự ở Hải Phòng gửi cho tôi có 2 trang đánh máy Computer: trang đầu là bài viết ngày 20/10/2000 của Lương Thị Vân nói về quá trình phục tác và biên dịch Phú úy, trang cuối là bài viết tháng 8/2004 ghi nhận công lao Cụ Lương Thị Vân của ông Lương Kim Thành. 9 trang ruột là bản photocoppy chữ Hán và phiên âm bên cạnh. Họ tên các vị Tổ và Tổ tỷ không ghép vào các đời[9], mối quan hệ trực hệ; không có chữ đệm thống nhất (Đắc, Văn, Đức, Hữu, Xuân, Phú, Trọng), không theo quy luật liên kết các đời, các chi; tên đa số bằng chữ Hán, có người ghi chữ Nôm. Đồng thời chỉ có Thủy tổ ghi ngày mất (Rằm tháng Tám) và không có một ai ghi mộ phần[10].
Nên biết, theo lệ cổ thì thường Phả xưa chỉ chép Nam, không chép Nữ; quan tâm nhiều đến dòng Trưởng và cũng chỉ dòng Trưởng mới được thờ tại Từ đường nên bản Phú úy trên thực chất không liệt kê hết các thành viên trong một thế hệ mà chỉ là đại diện. Do vậy việc thiếu là đương nhiên, tức là các chi phái theo truyền ngôn là cùng gốc nhưng không tìm thấy tên Tổ tiên mình trong Phả úy đó cũng dễ hiểu và phải chấp nhận theo tục truyền. Cụ Thượng tổ nhà tôi: Lương Công Trạch 梁公宅 cùng với vợ “bên nồi, bên con” gồng gánh từ bản quán là Đăng Lai 登來 (sau cải là Phương Lai 芳來), Tiên Minh 先明 sang Cao Mật 密肇, An Lão 安老 không thấy ghi nên chưa rõ thuộc nhánh nào, đời thứ mấy và sang năm nào? Cũng như Thượng Ngoại tổ là Lương Công Cảnh 梁公景 quê ở Quan Bồ 關蒲 thuộc nhánh nào, đời nào, quan hệ họ tộc ? Vì sao Cụ Tổ Lương Công Nghệ (con cụ Trạch, quê Đăng Lai) lại kết hôn với Tổ tỉ Lương Thị Còi 𣔞(Ngỗi, hiệu Diệu Cần 妙勤, con Cụ Cảnh, quê Quan Bồ) cùng họ Lương 梁姓, cùng tổng Kinh Lương 涇涼 (nay là xã Cấp Tiến) được ?
Dù còn sơ lược nhưng bản Phú úy họ Lương Hùng Thắng-Vinh Quang vẫn là văn bản gốc quý và xa nhất có chép tên các bậc Tiên liệt dòng họ mà tôi được biết. Hơn nữa bản này đã được kiểm chứng bằng Bia mộ nên đáng tin cậy. Các Chi phái họ Lương quanh vùng nếu chưa bản cũ hơn nên căn cứ vào bản này (đến đời cụ Lương Phú Ngân) để xác định thế thứ phả hệ, truy nhận cội nguồn. Làm được như vậy tình đồng tộc càng cơ cơ sở thắm thiết hơn.
Chúng ta biết rằng: hệ thống tôn ti trong gia tộc được cổ nhân phân biệt rất chi li trong 9 thế hệ gọi là Cửu đại 九族 hay Cửu huyền 九玄, gồm: cao 高, tằng 曾, tổ 祖, cha 父, mình 我, con 子, cháu 孫, chắt 曾孫, chít 玄孫. Cụ thể:
TRÊN MÌNH
|
BẢN THÂN
|
DƯỚI MÌNH
| ||||||
Kỵ
|
Cụ
|
Ông
|
Cha
|
Con
|
Cháu
|
Chắt
|
Chút
| |
暨
|
具
|
翁
|
吒
|
命
|
昆
|
𡥙
|
𡦫
|
拙
|
Cao tổ
|
Tằng tổ
|
Tổ
|
Phụ
|
Ngã
|
Tử
|
Tôn
|
Tằng tôn
|
Huyền tôn
|
高祖
|
曾祖
|
祖
|
父
|
我
|
子
|
孫
|
曾孫
|
玄孫
|
Great-great-grandfather
|
Great-grandfather
|
Grandfather
|
Father
|
I
|
Child
|
Grandchild
|
Great-grandchild
|
Great-great-grandchild
|
Do vậy, nếu người chép Gia phả hay đề chữ trên Bia mộ ghi Cụ mình là Tằng Tổ khảo, ghi Ông nội mình là Tổ khảo, ghi Bố là Hiển khảo… vài đời con cháu mình sau không hiểu, khi Tục biên, bổ sung Gia phả cứ chép lại nguyên văn thì lẫn hết thế thứ (cháu chắt xếp chung đời với Cụ, kỵ…).
Ngày nay nên ứng dụng cách đánh số hiện đại để chép Gia phả sẽ tốt hơn[11] và người còn sống (trên, ngang hay dưới người chép) vẫn vào Phả được. Sau này khi con cháu nối nhau bổ sung tiếp chỉ tăng số đời lên.
Cá nhân, chi, phái, ngành Lương tộc nào có tư liệu cung cấp, bổ sung thêm hay trao đổi, đính chính, sửa chữa những điều cảm nhận của tôi đã nói ở trên cho gần sự thật hơn thì hân hạnh quá.
Lương Đức Mến, mùa Vu Lan báo hiếu Nhâm Thìn 2012.
[1] Tức huyện Vĩnh Bảo, giáp với tỉnh Thái Bình. Nguyên xưa là đất Đồng Lị 同利. Thời thuộc Minh là huyện Đồng Lợi 同利縣 thuộc châu Hạ Hồng. Vì kiêng húy tên Lê Thái Tổ nên đầu đời Lê đổi là Đồng Lại 同賴. Năm 1469 Lê Thánh Tông cho đổi thành huyện Vĩnh Lại 永賴縣 đặt thuộc phủ Hạ Hồng. Năm 1838, Minh Mạng cắt 3 tổng (Thượng Am, Đông Am và Ngải Am) của Vĩnh Lại cùng với 5 tổng (An Bồ, Bắc Tạ, Đông Tạ, Viên Lang, Hu Trì) thuộc Tứ Kỳ lập huyện mới Vĩnh Bảo 永寶縣.
Xã Cổ Am 古庵 (quê Trạng Trình) cùng với 6 xã khác nằm trong tổng Đông Am 東庵.
[2] Vốn xưa là Xứ Bàng La 旁罗处, năm 1460 được tách thành hai huyện Tân Minh 新明 và Bình Hà (Thanh Hà nay). Sau đó, do phép kỵ húy nên năm 1600 đổi Tiên Minh 先明 đến 1884 thành Tiên Lãng 先朗.
[4] Gồm các xã (thôn) Kim Côn 今崑, Côn Lĩnh 崑嶺, Mông Tràng Thượng蒙場上, Hương Lạp 香粒, Mông Tràng Hạ 蒙場下, Tôn Lộc 尊祿 Cốc Tràng 谷場 và Cao Mật 高密. Sau năm 1950 thành xã Chiến Thắng, riêng Cao Mật nhập về các xã thuộc tổng Đại Phương Lang 大方榔 mà thành xã An Thọ ngày nay.
[5] Nhưng chưa tập hợp đủ tư liệu Gia phả để chắp nối. Việc hình thành các chi phái trên các vùng quê mới tiếp diễn trong thời hiện đại và cả ngày nay cũng như mai sau: từ bản quán, sau một thời gian quần cư sẽ có nhiều người, nhiều gia đình tỏa đi nơi khác sinh cơ lập nghiệp tạo ra các chi phái mới. Do vây, việc soạn, lưu truyền Gia phả, chắp nối dòng họ vì thế ngày càng quan trọng và cần duy trì. Điều này đòi hỏi sự đồng tâm hiệp lực của mọi quan viên họ, của các ngành, các chi, phái nhất là các vị huynh trưởng.
[6] Trong thời Nam Bắc triều (南北朝, 1533-1592) từ năm 1555, nhà Mạc đã nhiều lần cất quân đánh vào bản doanh của nhà Lê ở Thanh Hoa (Thanh Hóa nay) làm dân Thanh Hóa nhiều phen chạy tứ toán. Trong đó đáng kể là các trận tấn công do Mạc Kính Điển (莫敬典, ? - 1580) cầm quân là vào: tháng 7 năm 1557, tháng 8 năm 1570, tháng 8 năm 1573, tháng 9 năm 1577, tháng 8 năm 1579 và tháng 8 năm 1583. Trận tháng 8/1573 đánh cả vào dinh Yên Trường. Như vậy nhiều khả năng hậu duệ cụ Đắc Bằng ra Bắc là vào khoảng 1583 khi đó Lương Khiêm Hanh đã 20 tuổi (sinh năm 1563) và chắc đã có con! Đến nay đã được hơn 400 năm, mỗi đời trung bình 25 năm và khoảng 18-20 đời là hợp lý!
[7] Trưởng tộc hiện nay là ông Lương Kế Chuyên (đời thứ 5). Họ có 122 hộ, hiện sống ở 5 thôn thuộc xã Vinh Quang là 81 hộ, tập trung đông ở 2 thôn Đông Trên và Đông Dưới
[8] Thời kỳ đó Tiên Lãng thuộc tỉnh Vĩnh Ninh (gồm: Ninh Giang, Hà An, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng và Phủ Dực, Tứ Kỳ, Thuỵ Anh) do Pháp thành lập tháng 4/1951 sau trận càn “Con sứa” (Méduse) nhằm tạo vành đai bảo vệ Tf Hải Phòng và khu quân sự miền Đông Bắc. Nhưng chính quyền VNDCCH vẫn giữ nguyên đơn vị hành chính cũ.
[9] Theo ông Hoàng Đình Khảm cung cấp: các cụ cao cao Tổ khảo xếp thành 3 đời, các cụ tằng Tổ khảo được cắt ra và xếp nối tiếp từ thứ 5 đến đời thứ 10. Có lẽ, dòng họ còn căn cứ vào các tài liệu khác để chia các đời. Như vậy, tuy đời khác nhau, nhưng vẫn đề cao cao Tổ (3 đời đầu tiên) và tằng Tổ (6 đời sau).
[10] Như vậy theo tôi, bản Phú úy (賦諱 = bài kỵ) này thực chất không phải Gia phả 家譜 hay Phả hệ 譜系. Đây có thể là bản Long văn chép tay hay lưu truyền trong trí nhớ. Khi Cúng Tổ đem ra khấn và do Gia phả bị cháy năm 1952, các Cụ nhà ta dựa vào đó mà chép lại tên các Cụ Tổ. “Tam sao thất bản” là vậy!
[11] Cách chép Gia phả chính xác, khoa học lại thuận cho đời sau chép tiếp là biết được cụ nào khai sinh ra dòng họ thì xếp là Đời thứ Nhất (Đệ Nhất đại tổ 第一代祖), các Thế hệ sau chép thứ tự là Đời thứ Hai, thứ Ba… Với các cụ Tổ xa đời hơn về trước nên ghi như sau:
Nguyên Tổ 元祖 và Triệu Tổ: 肇祖 là Đức Tổ đầu tiên nhất sinh ra những người chung một họ trong một nước. Ví dụ Hồ Hưng Dật được suy tôn là Đức Nguyên Tổ họ Hồ Việt Nam , Hùng Vương là Nam bang Triệu tổ 南邦肇祖.
Thuỷ Tổ 始祖: Ông tổ, vị tổ đầu tiên của một họ. Ví dụ một số dòng họ Lương ở miền Bắc suy tôn Cụ Lương Đắc Bằng là Thuỷ Tổ.
Thượng Tổ 尚祖: là Cụ Tổ sinh ra Đệ Nhất đại Tổ mà dòng họ ở khu vực đang thờ phụng. Ví dụ Lương Công Trạch được suy tôn là Thượng Tổ 上祖梁公宅 của họ Lương xã Chiến Thắng, Hải Phòng còn con trai cụ là Lương Công Nghệ là Đệ Nhất đại Tổ 第一代祖梁公羿.
Các vị Tổ Chi theo thứ bậc anh em mà gọi là Tổ Chi Nhất, Chi Nhị…. Ví dụ: Tổ Chi thứ Nhất: Lương Công Tuấn 第一宗枝 梁公俊; Tổ Chi thứ Nhì: Lương Công Chiêu 第二宗枝 梁公昭; Tổ Chi thứ Ba : Lương Công Tú 第三宗枝 梁公秀; Tổ Chi thứ Tư : Lương Công Thiệu: 第四宗枝 梁公劭; Tổ Chi thứ Năm: Lương Công Linh: 第五宗枝 梁公怜.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!