[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


18 tháng 8 2009

Về ngày RẰM THÁNG BẨY

Tháng 7 âm lịch tháng mưa Ngâu – gắn với sự tích ông Ngưu Lang - Chức Nữ. Ngày Rằm tháng này, người Việt có một ngày lễ tục gọi tết Trung nguyên mà giới tăng ni Phật tử gọi là ngày lễ Vu Lan, một đại lễ báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã khuất đồng thời cũng là ngày xá tội vong nhân mà dân gian gọi nôm na là ngày cúng chúng sinh.


1. Tín ngưỡng dân gian với ngày Rằm và mồng Một

Ngoài việc ngày Rằm, mồng Một nào dân gian cũng thắp nhang thì trong 12 cái Tết của người Việt thì nửa số đó là vào mồng Một và ngày rằm: 1. Tết Nguyên Đán đúng mồng một tháng giêng âm lịch là ngày tết lớn nhất; 2. Tết Khai hạ vào ngày mùng Bảy kết thúc Tết Nguyên Đán ; 3. Tết Thượng nguyên (Tết Nguyên tiêu) vào đúng rằm tháng Giêng; 4. Tết Hàn thực nghĩa là ăn đồ nguội, vào ngày mùng Ba tháng Ba ; 5. Tết Thanh minh – thường vào tháng Ba âm lịch – trở thành lễ tảo mộ; 6. Tết Đoan ngọ (Tết Đoan dương) vào mùng Năm tháng Năm ; 7. Tết Trung nguyên vào Rằm tháng Bảy; 8. Tết Trung thu vào Rằm tháng Tám; 9. Tết Trùng cửu vào mùng Chín tháng Chín; 10. 10. Tết Trùng thập của các thầy thuốc vào Mười tháng Mười. 11. Tết Hạ nguyên (Tết Cơm mới) vào Rằm hay mùng Một tháng Mười; 12. Tết Táo quân vào ngày 23 tháng Chạp .

1.1. Nhìn từ góc độ lịch sử

Ăn chay như là một pháp môn tu đầu tiên, tối thiểu cho các Phật tử tại gia, mỗi tháng ăn chay 2 ngày. Các nhà Đại thừa thực hiện rất đúng tôn ý của Đức Phật, hạn chế nghiệp sát và phát triển bi tâm, trong buổi đầu tu học Phật, chư Tăng Đại thừa đã chọn các ngày trong tháng như mùng 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29 và 30 để tiêu chuẩn hoá các ngày ăn chay tuỳ theo sự phát tâm của mỗi người (2 ngày, 4 , 6, hoặc 10 ngày). Theo truyền thống, vào ngày đầu tháng (朔,Sóc, mùng một) và ngày trăng tròn (望,Vọng, rằm) chư Tăng tụ họp tại một nơi nào đó gần nhất để lắng nghe vị cao đức trùng tuyên giới luật và để phát lồ sám-hối những điều sai lầm mà đã lỡ tạo. Đây là truyền thống có từ thời Phật còn tại thế. Do đó hai ngày này trở thành ngày hội của chư Tăng lúc bấy giờ. Và cũng từ đó, hai ngày này có ý nghĩa quan trọng trong Phật giáo không những cho hàng xuất gia mà cả cho hàng cư sĩ tại gia.

Hơn nữa, cổ nhân rất chú trọng đến ngày mới của một năm, một mùa hoặc một tháng, thậm chí giờ mới của một ngày, đó cũng là lý do tại sao các vị Tổ Sư lại chọn ngày mùng một không chọn ngày 30. Còn ngày rằm cũng vậy, gần như các nước trên thế giới, đều lấy ngày trăng tròn là ngày vui chơi, lễ hội, những ngày trao đổi tình duyên, v.v... .

Như vậy, phong tục cúng rằm và mồng một (hay tập tục cúng sóc vọng) là do ảnh hưởng của ba nguồn tôn giáo Nho, Lão, Phật dung hợp mà ra. Theo Nho và Lão thì ngày Sóc và ngày Vọng là ngày “Thiên Địa khai thông”, tất cả những chướng ngại giữa ba cõi Tam Tài: Thiên, Địa, Nhân không còn, nên trời đất sẽ chứng giám cho hành vi của con người, ông bà tổ tiên sẽ cảm thông với lòng thành của con cháu qua lễ vật cúng dường, và quỉ ma ám chướng sẽ không tác hại ai. Còn đối với Phật giáo, hai ngày Sóc Vọng là ngày “Trường tịnh” hay ngày thanh tịnh nhất nên các hàng tu sĩ thì làm lễ Bồ Tát để tự kiểm điểm mình có giữ giới luật không, còn các phật tử thì làm lễ Sám hối cầu nguyện bỏ dữ làm lành. Do đó, phần lớn Phật tử thuần thành có tục ăn chay vào hai ngày này.

Trong tiểu sử của Phật Thích Ca, ngày rằm là một ngày quan trọng: Ngài đản sinh vào ngày rằm tháng Tư và qua bốn lần đi du lãm ngoại thành đến vườn Thượng uyển, mỗi lần cách nhau ba tháng, để chứng kiến những cảnh làm động tâm ngài mà xuất gia đều trúng vào ngày rằm: lần 1: vào ngày rẳm tháng 6 thì thấy người già ; lần 2: vào ngày rằm tháng 10, nhìn thấy người bệnh; lần 3: vào ngày rẳm tháng 2, nhìn thấy người chết; lần 4: vào ngày rẳm tháng 6, nhìn thấy một bậc xuất gia.

Khi cúng sóc vọng, bốn lễ phẩm cúng dường chính cho bàn thờ là: hương, đăng, hoa, quả. Tục cúng phẩm xôi chè và hoa quả là một nét thăng hoa văn hoá về ẩm thực vì đó là thành phẩm của nền kinh tế nông nghiệp cổ truyền của dân Việt.

1.2) Nhìn từ góc độ vũ trụ học

Đức Phật dạy, con người do các duyên mà thành, thế giới vạn hữu này cũng do các duyên mà thành, tất cả đều cộng trụ tương sinh và tương diệt. Sự hiện hữu của cái này cũng là sự hiện hữu của cái kia, sự vắng mặt của cái này cũng là sự vắng mặt của cái khác, đây là định lý “duyên khởi pháp”. Mọi sự vật hiện tượng đều tác động và chịu ảnh hưởng lẫn nhau.

Các nhà đại thần y Trung Hoa xa xưa đã đưa ra lý thuyết sự vận hành các nhâm mạch của con người cũng như sự vận hành 4 mùa của Trời Đất để vận dụng trong cách trị liệu của mình và khuyên con người nên sống đúng theo vận hành trời đất để tăng thêm tuổi thọ và làm đẹp cuộc đời. Ngày nay các nhà y khoa phương Tây đã tính ra được nhịp sinh học của mỗi người, vào giờ nào con người có thể hưng phấn nhất trong một ngày, tương tự giờ nào có thể xuất hiện những âm tính như quạu, cáu, gắt, khó chịu, buồn, giận, v.v... nhiều nhất.

Khoa học cổ đại và hiện đại đều khẳng định nhịp sinh học của trái đất, của mặt trăng và mặt trời, nói chung là các thiên thể, con người cũng có những chu kỳ nhất định. Nhịp sinh học trên Trái đất nói chung, nhịp điệu sinh học của con người nói riêng có nguồn gốc từ nhịp điệu của vũ trụ, những ảnh hưởng của Mặt trời và Mặt trăng là yếu tố chính, chủ yếu, trực tiếp. Ít có nhịp điệu nào của vũ trụ bỏ qua con người và đời người. Phải chăng khoa học đương thời đã gặp lại những trí tuệ mà một thời từng huy hoàng ở phương Đông?

Những hồi kinh tụng niệm, những tiếng mõ, tiếng chuông qua hương khói và ánh nến lung linh là những lời mời gọi huyền diệu tìm về nơi Phật Pháp cho một triết lý cứu khổ trong cõi vô thường.

1.3. Nguồn gốc chữ “rằm” được Mai Liêu giải đáp là: Rằm là sự biến dạng của “Lăm” trong “mười lăm” do sự đắp đổi giữa hai lưu âm L và R và giữ hai thinh ngang (không dấu) và huyền. Trong tiếng Việt, sự chuyển đổi này rất thông thường. Ví dụ: Lỗ/mặt Rỗ; Lép/ thóc Rẹp; Lạch/ Rạch (sông); Rạng/ sáng Lạng; Rọi/ chói Lọi; Lấp/ rào Rấp; Lắm/ rối Rắm ";)

2. Rằm tháng Bẩy:

Theo lịch trình nghi lễ Phật giáo trong một năm 12 ngày Vọng thì có năm ngày rằm quan trọng: “Rằm tháng giêng: Lể Cầu phúc, cầu an, hành hương; Rằm tháng hai: Lễ Phật nhập Niết bàn; Rằm tháng tư - Lễ Phật Đản; Rằm tháng bẩy - Lễ Vu Lan, Rằm tháng mười - Lễ Cúng rằm hạ nguyên. Khi đạo Phật được du nhập vào đời sống văn hóa nước ta thì người theo đạo Phật hay không theo đạo Phật, cứ đến ngày rằm tháng Bảy hàng năm, đều có tục lệ lên chùa, sắm sửa chút lễ vật, dâng tấm lòng thành của mình cầu mong cho những người đã khuất, thoát khỏi cảnh tam đồ, siêu sinh Lạc quốc; người còn sống nương theo sự hành xử hiếu hạnh này mà cởi trói phiền não, thân tâm an lạc, vạn sự an lành:

“Rằm tháng Giêng ai siêng thì quảy,
Rằm tháng Bảy người quảy khắp nơi”.

Trong đó Rằm tháng Bẩy thường được coi là “Cúng quanh năm không bằng Rằm tháng Bẩy” bởi nó gắn với Lễ Vu lan, Cúng Cô hồn và Xá tội vong nhân

3. Lễ Vu Lan :

Vu-lan (chữ Hán: 盂蘭; sa. ullambana) là từ viết tắt của Vu-lan-bồn (盂蘭盆), cũng được gọi là Ô-lam-bà-noa (烏藍婆拏), là cách phiên âm Phạn-Hán từ danh từ ullambana. Ullambana có gốc từ động từ ud-√lamb, nghĩa là "treo (ngược) lên". Thế nên các dịch giả Trung Quốc cũng dùng từ Đảo huyền (倒懸), "treo ngược lên" cho từ Vu-lan, chỉ sự khổ đau kinh khủng khi sa đoạ địa ngục.

Xuất phát từ sự tích về về Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung) - cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước.Vu Lan là dạng nói tắt của " Vu Lan bồn " nhưng chỉ là ba tiếng dùng để phiên âm, cho nên từng tiếng một (Vu, Lan, bồn) hoàn toàn không có nghĩa gì trong Hán ngữ cả.

Theo kinh Vu Lan thì ngày xưa, Ma Ha Một Ðặc Già La (tức Mục Kiền Liên), vốn là một tu sĩ khác đạo, về sau đã quy y và trở thành một đệ tử lớn của Phật, đạt được sáu phép thần thông rồi được liệt vào hạng thần thông đệ nhất trong hàng đệ tử của Phật. Mẫu thân ông là bà Thanh Đề đã qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt nhìn (huệ nhãn) khắp trời đất để tìm. Thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sinh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở tại cõi A Tì, ông đã dụng phép thần thông, đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi tranh không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng thức ăn đã hóa thành lửa đỏ.

Mục Liên đau đớn vô cùng, khóc than thảm thiết rồi trở về bạch chuyện với Ðức Phật để xin được chỉ dạy cách cứu mẹ. Phật dạy rằng: "dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để vận động chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó”. Phật lại dạy Mục Liên sắm đủ các món để dâng cúng các vị ấy, nào là thức thức thời trân, hương dâu đèn nến, giường chõng chiếu gối, chăn màn quần áo, thau rửa mặt, khăn lau tay cùng các món nhật dụng khác. Ðúng vào ngày rằm tháng 7 thì lập trai đàn để cầu nguyện, thiết trai diên để mời chư tăng thọ thực. Trước khi thọ thực, các vị này sẽ tuân theo lời dạy của Ðức Phật mà chú tâm cầu nguyện cho cha mẹ và ông bà bảy đời của thí chủ được siêu thoát. Mục Liên làm đúng như lời Phật dạy. Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp).

Từ đó ngày lễ Vu Lan ra đời và hiện nay thịnh hành hơn ở miền Nam.

4. Lễ cúng cô hồn

Vu Lan và cúng cô hồn 孤魂 là hai lễ cúng khác nhau được cử hành trong cùng một ngày.
Việc cúng cô hồn có liên quan đến câu chuyện giữa ông A Nan Ðà, thường gọi tắt là A Nan, với một con quỷ miệng lửa (diệm khẩu) cũng gọi là quỷ mặt cháy (diệm nhiên). Có một buổi tối, A Nan đang ngồi trong tịnh thất thì thấy một con ngạ quỷ thân thể khô gầy, cổ nhỏ mà dài, miệng nhả ra lửa bước vào. Quỷ cho biết rằng ba ngày sau A Nan sẽ chết và sẽ luân hồi vào cõi ngạ quỷ miệng lửa mặt cháy như nó. A Nan sợ quá, bèn nhờ quỷ bày cho phương cách tránh khỏi khổ đồ. Quỷ đói nói : " Ngày mai ông phải thí cho bọn ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc thức ăn, lại vì tôi mà cúng dường Tam Bảo thì ông sẽ được tăng thọ mà tôi đây cũng sẽ được sanh về cõi trên ". A Nan đem chuyện bạch với Ðức Phật. Phật bèn đặt cho bài chú gọi là "Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni", đem tụng trong lễ cúng để được thêm phúc. Do vậy Trung Hoa gọi lễ cúng này là Phóng diệm khẩu, tức là cúng để bố thí và cầu nguyện cho loài quỷ đói miệng lửa, nhưng dân gian thì hiểu rộng ra và trại đi thành cúng cô hồn, tức là cúng thí cho những vong hồn vật vờ không nơi nương tựa vì không có ai là thân nhân trên trần gian cúng bái. Vì vậy, ngày nay mới có câu : " Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân ".


Việc siêu độ cô hồn có thể phát xuất từ đời nhà Đường bên Trung Quốc khi ngài Huyền Trang trở về sau chuyến Tây Du, lập đàn siêu độ cho tứ sanh đang luân hồi trong lục đạo. Qua đời Tống, Bất Khinh Tam Tạng chuyên tu Mật Giáo ở Mông Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, quán biết các cô hồn đang vất vưởng, đòi hỏi những nhu cầu cần thiết, nên Ngài vận dụng pháp lực để cung ứng và siêu độ cho họ.

Vậy lễ Vu Lan và lễ cúng cô hồn là hai lễ cúng khác nhau: Một đằng thì liên quan đến chuyện ông Mục Liên, một đằng lại liên quan đến chuyện ông A Nan; Một đằng là để cầu siêu cho cha mẹ và ông bà bảy đời, một đằng là để bố thí cho những vong hồn không ai thờ cúng; Một đằng là báo hiếu, một đằng là làm phúc.

Xưa, tại các cầu quán, đình chùa, đều có tổ chức "cúng cháo" để cúng các cô hồn không ai cúng giỗ. Các tư gia, ngoài lễ cúng Thổ Công, cúng gia tiên cũng có cúng cháo cho các cô hồn. Họ bày cúng ở trước cửa nhà. Ðồ lễ đặt trên một cái mẹt thường gồm có cháo hoa, những nắm cơm nhỏ, hoa quả, bánh bỏng, trầu cau, xôi chè cùng với đồ mã, vàng hương. Mọi người tin rằng các cô hồn những cô nhi yểu vong, những người chết đường chết chợ, những người chết không ai biết, không ai cúng giỗ sẽ đến hưởng lễ cúng làm phúc trong ngày "xá tội vong nhân" này.

Lễ cúng tại đình, chùa, cầu , quán, tổ chức có quy mô hơn. Ở những nơi này, cháo được múc ra những bồ đài lá mít cắm ở hai bên đường trước lễ đài. Ngoài ra còn có một nồi cháo lớn. Khi cúng lễ xong những người nghèo đem liễn tới xin cháo, các mục đồng và trẻ con xô nhau vào cướp những hoa quả, bánh trái, tục gọi là cướp cháo.
Người ta cũng thả chim lên trời, thả cá xuống sông, để làm điều phúc đức.

5. Tục đốt mã

Tục đốt mã từ bên Trung Hoa truyền sang ta. Nguyên đời xưa dùng đồ bạch ngọc để cúng tế. Ðời sau, vì bạch ngọc đắt và hiếm, người ta dùng tiền để thế cho bạch ngọc. Những tiền này cúng xong đều bỏ đi, rất phí tổn. Trước sự phí phạm này, vua Huyền Tôn nhà Ðường ra lệnh dùng tiền giấy thay cho tiền thật.

Những thoi vàng, thoi bạc giấy được cúng thay cho vàng bạc thật, những hình đồng tiền vẽ trên giấy được cúng thay cho tiền quan. Ðến đời vua Ðường Thế Tôn, quan Từ tế sứ, lo việc tế tự là Vương Dữ, đã cho cúng toàn tiền giấy rồi đốt đi. Về sau, từ đời Ngũ Ðại, có thêm tục cúng quần áo, mũ và đồ dùng bằng giấy. Ta theo ảnh hưởng đó, cũng có tục đốt mã.

Với ý nghĩa đó, vào ngày Rằm tháng Bẩy đồ mã cùng trái cây và đồ lễ cũng nhiều hơn. Những vàng mã được đem hoá và có khi có tụng kinh để cầu siêu độ cho những vong hồn vô thừa tự. Những gia đình có người thân mới mất thì Rằm tháng Bẩy đầu tiên thực hiện việc đốt “mã cho”, tức biếu những ma cũ để họ đỡ quấy nhiễu vong hồn thân nhân mình; Rằm thứ hai đốt “mã nhận”, tức sắm đồ cho thân nhân mình.

6. Nét văn hóa ngày Rằm tháng Bẩy

6.1. Ý nghĩa: Theo tín ngưỡng truyền thống của người Việt Nam Tiết Trung Nguyên là tiết của dịp ''Xá tội vong nhân'' nơi Âm Phủ. Người xưa cho rằng: Ngày Rằm tháng bảy hàng năm thì mọi tội nhân cõi Âm, trong đó có những vong linh của gia đình, họ tộc mình đang bị giam cầm nơi địa ngục được xá tội và ra khỏi Âm Phủ lên Dương Gian. Bởi vậy, các gia đình ở Dương Gian làm cỗ bàn, vàng mã cúng gia tiên, cầu siêu độ trì cho họ. Ngoài cúng gia tiên ngày ''Xá tội vong nhân'' mọi nhà còn bầy lễ cúng chúng sinh ngoài sân, trước thềm nhà để cúng cô hồn, ma đói là những vong linh ''không nơi nương tựa''.

6.2. Thời điểm cúng: Không giống như các rằm khác, ở Hà Nội nhiều người thường cúng rằm tháng bảy từ rất sớm, có khi mới 10 âm lịch đã thấy có nhà đốt mã nghi ngút. Có nhiều quan niệm khác nhau, người thì cho rằng nếu cúng hết vào ngày Rằm, nhà nào cũng gửi hàng mã như vậy thì sợ " tắc đường" hoặc "thất lạc", ông bà sẽ không nhận được. Lại có người muốn cúng trước để ngày Rằm ông bà tổ tiên còn đến chùa hưởng lộc...

6. 3. Sắm lễ: Ngày Rằm tháng Bẩy theo tục xưa, mọi gia đình đều sắm hai lễ

+ Lễ cúng gia tiên gồm: Hương, hoa, rượu, xôi và mâm cỗ mặn với nhiều món ăn được chế biến cẩn thận, trình bày đẹp, vàng mã, quần áo, hài giấy...

+ Lễ cúng chúng sinh gồm các lễ vật: Bánh đa, bỏng, ngô, khoai lang luộc, trứng luộc, kẹo bánh, xôi chè và cháo hoa. Vàng mã, tiền giấy, quần áo chúng sinh... Ngày xá tội vong nhân, ở địa phương nào cũng cúng chúng sinh, nhưng cách cúng và đồ lễ mỗi nơi mỗi khác. Ở Hà Nội rất nhiều gia đình bên cạnh việc cúng gia tiên còn cúng chúng sinh, mâm cúng thường được đặt ngoài trời. Trong khi các nơi khác, các gia đình chỉ cúng gia tiên, còn việc cúng chúng sinh được các cụ già tập chung cúng ở chùa. Đồ lễ gồm có vàng mã, gạo muối (cúng xong rắc ra sân), cháo trắng đổ vào lá đa rải khắp sân chùa, các loại bỏng, ngô khoai, chè lam, bánh đa, kẹo vừng, kẹo bột, hoa quả, xôi oản. Ở một số vùng của Hà Tây như Phú Xuyên còn cúng chúng sinh bằng cá chép sau đó phóng sinh. Ở Bắc Ninh ngoài cúng chúng sinh ở chùa thì mỗi xóm lại cúng tập trung ở một nhà nào đó. Trước đây, lễ xá tội vong nhân ở miền Bắc diễn ra vào mùa lụt nên mọi người thường thả mã thuyền rồng, voi ngựa kích thước lớn ra sông để dân tránh nạn lụt lội.

6.4. Lễ nghi trên Chùa:

Từ ngày 11 âm lịch, nhiều chùa miền bắc tổ chức cầu lễ Lễ Vu Lan theo đúng nghi lễ truyền thống của Phật Giáo trong 3 ngày, từ 11/7 âm lịch. Mỗi ngày 6 khóa lễ, các tăng ni, phật tử thành tâm tụng kinh niệm Phật, cầu cho quốc thái dân an. Hàng nghìn Phật tử từ khắp các tỉnh đã đến dự lễ. Kết thúc lễ Vu Lan, tối 13 nhà chùa đã làm lễ đàn Mông Sơn chẩn tế cô hồn để thỉnh Phật về bố thí cho tất cả chúng sinh.

Cũng có khi, những người con mời Chư Tăng về nhà riêng, hoặc đến chùa để tụng kinh, cầu nguyện cho cha mẹ mình thoát khỏi cảnh đọa đày. Chính vì vậy mà "Lễ Vu Lan báo ơn cha mẹ, không những cúng cho những người đã khuất mà còn là dịp để chúng ta nhìn nhận lại những việc mình đã làm với người còn sống...".

Riêng các tỉnh phía nam lại có phong tục rất riêng trong ngày lễ Vu Lan. Người dân thường lên chùa làm lễ, và trên ngực họ bao giờ cũng có một bông hồng. Nếu hoa màu thồng là người đó còn có mẹ, còn cài hoa trắng là mẹ đã không còn. Chính vì vậy mà tại các cổng chùa, có rất nhiều hàng bán bông hồng nhựa cài áo và chim phóng sinh.

Tuy phong tục nỗi nơi, mỗi thời có khác nhau nhưng ngày rằm tháng bảy từ lâu đã trở thành một phong tục đẹp, mang ý nghĩa nhân văn sấu sắc. Giáo sư Hoàng Như Mai từng nhận xét: " Ngày lễ Vu Lan, ngày Rằm tháng Bẩy, ngày xá tội vong nhân có thể được coi là ngày tình thương Việt Nam, vì con người, vì cuộc sống hiền hòa an lạc, tiến bộ cho nhân loại".

Nhưng hiện nay có xu hướng đốt vàng mã quá nhiều, có nhà sắm cả xe hơi, nhà lầu, đốt cả hình nộm người hầu, rồi tiền Đô la, Nhân dân tệ…rất lãng phí đôi khi gây hỏa hoạn. Hoặc chim mua về gia chủ “phóng sinh” lại bị người vừa bán bắt lại đi bán tiếp…Như vậy còn đâu ý nghĩa tốt đẹp thủa ban đầu?
Dù thế nào, khi tâm ta thuần thiện, nó sẽ trở nên trong trẻo, và tất nhiên ta được hạnh phúc. Chỉ khi đó ta mới có thể xây dựng nên một cuộc sống tốt đẹp cho mình và người. Đừng làm vong nhân chờ xá tội.

7. Văn cúng Rằm tháng Bẩy tại gia:
Nam mô a di Đà Phật! (3 lần)
- Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư vị Phật, Chư Phật mười phương.
- Con kính lạy Tổ tiên nội ngoại và chư vị Hương linh
Tín chủ (chúng) con là:....................................
Cư trú tại:.............................................. ...........
Hôm nay là ngày Rằm tháng Bảy năm Kỷ Sửu (….) nhân gặp tiết Vu Lan vào dịp Trung Nguyên, chúng con nhớ đến Thổ thần, thổ địa đã phù hộ độ trì; nhớ ơn Tổ tiên ông bà cha mẹ đã sinh thành ra chúng con gây dựng cơ nghiệp, xây đắp nền nhân, khiến nay chúng con được hưởng âm đức. Chúng con cảm nghĩ ơn đức cù lao khôn báo, cảm công trời biển khó đền.
Do vậy:
Chúng con thành tâm sửa biện hương hoa, trà quả, kim ngân, vàng bạc lễ vật và các thứ , thắp nén tâm nhang , bày lên trước án:
Thành tâm kính mời:
Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát, ngày Mục Kiền Liên Tôn Giả
Ngài Kim Niên Đương cai Thái tuế chí đức Tôn thần,
Ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương,
Ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân và hội đồng các vị thần linh cai quản trong khu vực này
hợp cùng tiên tổ và các bậc phụ thờ theo tiên tổ của lương tộc, Phạm tộc.
Cúi xin :
các Ngài giáng lâm trước án, xét xoi chứng giám,
bày tỏ lòng thành nguyện mong nạp thụ,
phù hộ cho con cháu mạnh khoẻ bình an, lộc tài vượng tiến, vạn sự tốt lành, công tác hanh thông, gia đạo hưng long, học hành tấn tới.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô a di Đà Phật! (3 lần) .

1 nhận xét:

  1. Năm Giáp Ngọ 2014:
    - Thái tuế tinh quân là Chương Thành
    - Quan Hành Khiển, Hành Binh và Phán quan là: Tấn Vương Hành Khiển, Thiên Hao chi Thần, Nhân Tào Phán quan.

    Trả lờiXóa

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!