Bố tôi tuổi Quý Hợi (SN 1923),
có tới 4 cháu (SN 1983) ẩn tuổi Cụ.
Nay các cháu đã phương trưởng cả. Tôi sinh ít con hơn Cụ (2/7) và tuổi Ất Mùi nhưng và đầu năm Nhâm Thìn này cả con gái và
con dâu đều đơm nụ chờ ngày khai hoa. Mặc dù đã trả lời các con: “Tên bé, bố cháu đặt rồi, “Song Long đáo hải”,
ông ngồi làm thơ” nhưng lắm phương án quá (Nội, Ngoại, bạn bè, mạng…), đành phải nhập cuộc cùng bàn.
1. Tổng quan về “Họ và tên” :
Là sản phẩm hoàn thiện nhất của sinh giới, con
người sống trên quả đất, chịu tác động của các quy luật tự nhiên giống như các
sự vật khác. Quan điểm “Nhân thân-tiểu Vũ
trụ” 人身小宇宙, “Thiên-Địa-Nhân” 天地人 là quan điểm cơ bản trong thuật dự báo vận số và từ đó ta có thể ước lượng số mệnh con người
qua hàm số:
“Số mệnh = Thiên mệnh + Địa mệnh +
Nhân mệnh”.
Vận số mỗi người ngoài sự chi phối của Giờ, Ngày, Tháng, Năm, Nơi sinh, dáng người…
và yếu tố gia đình còn chịu ảnh hưởng của danh tính 姓名.
Tên
một người hoàn chỉnh bao gồm 3 phần là phần họ, đệm và tên. 3 phần này
trong tên đại diện cho Tam Tài Thiên - Địa - Nhân tương hợp. Khoa học dự đoán Đông và Tây đều chia ý
nghĩa của Danh tính bằng 5 yếu tố (Thiên
vận, nhân vận, địa vận, ngoại vận và tổng vận) đều quan trọng:
- Phần họ là Thiên cách, tức yếu tố gốc rễ truyền từ dòng họ. Thiên vận được
tính trên tổng số nét chữ của họ cộng với 1 nếu là họ đơn còn nếu là họ kép tức
là họ được ghép từ 2 họ đơn thì thiên cách là số nét chữ của họ ghép đó.
- Phần đệm là Địa cách, tức yếu tố hậu thiên hỗ trợ cho bản mệnh còn gọi là Tiền vận cho biết thời thanh niên cùng mối
quan hệ với bạn bè, con cái. Nó được xác định bởi số nét của chữ cuối của họ và
chữ đầu của tên.
- Phần tên là Nhân cách, tức là yếu tố của chính bản thân nên còn gọi là Chủ vận và được xác định bằng số nét của
tên. Nếu tên là đơn thì cộng thêm 1. Khi tính nếu gặp được các số 3, 5, 6, 11,
15, 16, 21, 23, 24, 31, 32, 37 là may mắn ; rủi ro ở số lý 4, 9, 10, 19,
20, 26, 34, 44. Kết hợp với Thiên cách
sẽ cho cái nhìn về mức độ thành công, với Ngoại
cách đoán được tính cách và tình hình chung cuộc đời, kết hợp với Địa cách đoán xem vận vững hay không.
- Ngoại
cách được xác định bằng hiệu của Tổng cách và Nhân cách, nó chỉ mối quan hệu
của đương số với xã hội nên còn gọi là Phó
vận.
- Tổng
cách là tổng số nét của họ, chữ lót và tên, chủ vận mệnh từ trung niên trở
đi nên gọi là Hậu vận.
Xét luận giải phải đặt chuỗi họ tên trong mối
quan hệ chặt chẽ với nhau trong đó Nhân
cách là chủ đạo. Mối quan hệ số lý của Thiên - Địa – Nhân phối hợp nằm
trong thế tương sinh là tốt. Mỗi phần mang một ngũ hành khác nhau, việc phối hợp
phải tạo thành thế tương sinh, kỵ tương khắc. Trong đó, họ là Thiên vận, tên Đệm là Địa vận
có tác dụng tới Tổng vận của danh tính.
Ví dụ như Thiên = Mộc, Địa = Hoả, Nhân = Thổ tạo
thành thế Mộc sinh Hoả, Hoả sinh Thổ, Thổ sinh Kim là rất tốt. Nếu Thiên = Mộc,
Địa = Thổ, Nhân = Thuỷ tạo thành thế tương khắc là rất xấu. Yếu tố này cũng có
thể nói gọn là tên phải cân bằng về Ngũ Hành. Ngoài ra còn đảm bảo hài hoà về
Ngoại vận (điềm báo do sự kết hợp ý nghĩa
bên ngoài tên và họ) cùng Tổng vận (điềm
giải đoán chung trên toàn thể tên và họ).
Cái tên như là “thương hiệu” của mỗi người, để phân biệt người này
với người kia. Do vậy từ xưa đến nay việc đặt tên cho con cái được các bậc cha
mẹ luôn quan tâm. Có thể sử dụng một số từ đặc biệt, theo quy tắc của gia đình[1],
theo kỷ nơi sinh, đặc tính bé…Để đặt tên cho con hay và hợp lý, có ý nghĩa đẹp,
hợp Ngũ Hành hay âm luật… tạo nên những thuận lợi không ngờ cho tương lai sau
này. Một cái tên có ấn tượng tốt sẽ giúp con được may mắn, thời vận dễ dàng và
thành công vượt bậc. Nhưng việc dựa vào danh tính để dự đoán vận số …là cội nguồn
từ Trung Hoa và chính chữ Hán, thứ chữ tượng hình ấy mới có điều kiện để “chiết
tự”. Nhưng khó là ở chỗ một âm Hán Việt của chúng ta đang đọc lại được ghi bởi
nhiều chữ Hán mà trong đó có chữ có Ngũ hành, Âm Dương trái nhau!. Do vậy việc
chọn tên, “bói” qua tên họ là phải xem bằng Hán tự.
Việc chọn tên và kiêng kị trong đặt tên đã từng được tìm hiểu và chép lại. Nhưng không nên quá cầu
toàn, hãy dành thời gian đó để chăm sóc em bé, quan tâm đến gia đình và để ý đến
sức khỏe bản thân.
2. Tên em bé sinh năm Nhâm
Thìn 2012:
Dân gian cho rằng người sinh năm Nhâm Thìn thường thông minh, có
tài và có nhiều tiềm năng lớn, đặc biệt là Nam. Năm Nhâm Thìn 2012 có mệnh Trường Lưu Thủy (长流水, nước sông dài). Đây là biểu tượng tốt “Rồng gặp nước dài, lớn” nên
nếu được khai thác hết tiềm năng thì sẽ “vùng vẫy” và thành đạt. Căn cứ vào
cung mệnh năm sinh, gợi ý tên phù hợp:
2.1. Theo bản mệnh
Bản mệnh Trường Lưu Thủy hợp với tên có các chữ thuộc hành Kim, Thủy hay Mộc, như: Thủy, Băng, Cầu, Giang, Thẩm, Tuyền, Thái, Vịnh, Lâm, Thanh, Hải, Triều…. Ngược lại các bộ chữ gắn với Thổ, Hỏa thì ít nhiều khắc kỵ với tuổi Nhâm Thìn, nhất là Thổ bởi “đất ngăn nước”!.
2.2. Theo Địa Chi
- Thìn thuộc Tam hợp Thân – Tí – Thìn và Nhâm, Quý hợp với Thìn, lại
có và Lục hợp Thìn – Dậu. Vì vậy những tên có bộ Tí, Nhâm, Quý, Thân, Ái, Viên
hay bộ chữ có liên quan đều có thể coi là tốt đẹp, như: Hưởng, Mạnh, Học, Lý,
Nhâm, Quý, Thân.
- Thìn còn hợp với Ngọ, Sửu nên những cái tên như Phùng, Mã, Tuấn…
thì tiền đồ của người đó sẽ rất tốt đẹp.
- Những chữ có bộ Mã, Ngọ nên dùng đặt tên cho con tuổi Thìn vì Rồng
hợp với Ngựa.
Ngược lại nếu liên quan tới Mão (lục hại), Thìn (tự hình), Tuất (lục
xung) thì đều không hợp và nên tránh.
2.3. Theo quan hệ Xung, Khắc:
- Thìn xung với Tuất,
Mão. Vì vậy, tên của người tuổi Thìn nên tránh những chữ có chứa chữ Tuất 戌, Khuyển 犭(犬), Mão 卯 …
- Thìn, Tuất, Sửu 丑, Mùi 未 là tứ hành xung nên những tên chứa
bộ Dương 羊 không hợp với người tuổi
Thìn.
2.4. Do đặc tính linh vật Rồng:
Con Rồng, biểu tượng năm Thìn là linh vật vì vậy những cái tên thể
hiện sự dũng mãnh, can đảm, vị thế tột bậc… sẽ rất hợp với tuổi Thìn. Ngược lại
những cái tên làm hạ thấp vị thế của con Rồng thì nên tránh. Cụ thể cần tránh:
- Tên mà chữ thuộc bộ Sơn 山, Cấn 艮, Dần 寅, Hô 虍, Khâu 丘… bởi liên tưởng đến việc Rồng
và Hổ ở thế “long hổ đấu”.
- Chữ thuộc bộ Khẩu 口 bởi sự vây hãm khiến Rồng vùng vẫy được.
- Những chữ thuộc các bộ Xước 辶, Cung 弓, Xuyên 巛, Ấp 阝, Tỵ 巳, Tiểu 小, Thiếu 少 vì chúng gợi liên tưởng đến rắn hoặc
những vật nhỏ bé, đối nghịch với Rồng.
- Những chữ thuộc bộ Miên 宀, Nghiễm 广 bởi Rồng ở trên trời, không
thích ở trong nhà.
- Những chữ thuộc bộ Thảo 艹, bộ Điền 田, Thạch 石, Y 衣 bởi Rồng không phát huy được uy lực ở chốn thảo nguyên, đồng ruộng
hay đồng cỏ hoặc hang đá, bó buộc.
- Tên thuộc bộ Trùng 虫, bộ Dương 羊 vì Rồng không hợp với Rắn,
Dê
- Những chữ thuộc bộ Tâm 心, Nhục 月, 肉 bởi Rồng không
ăn thịt.
3. Một số tên phù hợp với bé sinh năm Nhâm Thìn 2012:
Năm 2012, lịch âm là Nhâm Thìn, là năm đặc biệt bởi có “nhuận kép” với nạp âm là Trường Lưu Thủy nên:
- Chữ Hán ghi tên thuộc Hành Kim 金, chỉ mầu Vàng 金, Trắng 白, Đỏ 赤: Bách, Bảo, Cẩm, Châm, Chinh,
Cương, Chí, Hiền, Cường, Kim, Linh, Loan, Ngân, Hoàng, Giáp, Đồng, Liêm, Luyện,
Phong, Quân v.v….biểu thị sự công bằng, giỏi giang, uyên bác.
- Chữ Hán ghi tên thuộc Hành Thủy
水: Băng, Bích, Bình, Giang, Hà, Hải, Hiệp, Lam, My, Nguyên, Thanh,
Tuyết, Thắng, Triều, Vũ v.v…như rồng gặp nước sẽ rất khí thế, thành công rực rỡ,
phúc lộc, may mắn.
- Chữ Hán ghi tên thuộc Hành Mộc 木: Đỗ, Đông, Bách, Dương, Hạnh, Mai, Lê, Liễu, Kiệt, Lâm, Phương,
Lương, Thư, Xuân v.v…
- Những chữ Hán ghi tên có bộ
Nguyệt 月, đặc biệt là nữ thì sẽ vui vẻ,
ôn hòa, hiền thục, lương thiện tích đức, con cháu hiển đạt.
- Các chữ Hán ghi tên có bộ
Dậu 酉, Ngư 魚, Nhân (亻đứng) sẽ được quý nhân phù trợ, gia
thanh vang dội.
- Những tên thuộc bộ Nhật
日, đặc biệt con trai sẽ luôn sáng suốt,
rõ ràng, thông minh, nhanh nhẹn.
- Những tên thuộc bộ Tinh 星, Vân 雲 giúp công danh hiển đạt, sự nghiệp
hạnh thông.
- Những tên có bộ Vương 王, Đại 大, Chủ 主, Lệnh 令 , Trường 长… sẽ thêm khẳng định vai trò lãnh đạo,
sức mạnh và quyền .
4. Đặt tên bé trai họ nhà:
Thuật chọn tên hợp hay không theo mệnh, Ngũ
Hành…là kinh nghiệm đúc kết từ ngàn xưa của văn hoá Trung Hoa. Do vậy việc xem,
tính phải căn cứ vào chữ Hán và là chữ phồn thể.
Họ ta vốn trước
là Lương Công 梁公, từ đời thứ Ba đổi thành Lương Đức 梁德 nên sẽ đi sâu vào phân tích ý nghĩa dịch lý của cặp họ-chữ đệm này.
- Tộc danh “Lương” ghi bởi
chữ Hán là 梁 thuộc bộ Mộc 木 (氵刃丶木), với nghĩa là “cây cầu, cái xà nhà”, Bính âm 拼音: li áng, chú âm 註音:ㄌ ㄧ ㄤ gồm 11 nét (Thiên cách=11), UniCode:U+6881, thuộc hành Hỏa 火[2], Ý Cát 吉, có Nam tính 男性. Nếu theo ký tự Latinh sẽ là LUONG = 1+0+4+3+6=14 nên số lý=1+4=5.
- Tên đệm “Đức” chữ Hán là 德 thuộc bộ Sách 彳(彳十罒一心) và có nghĩa là “Đạo đức, cái đạo để lập thân”, Bính âm 拼音:dé, chú âm 注音:ㄉㄜˊ, UniCode:U+5FB7, gồm 15 nét (Địa cách=15), thuộc hành Hỏa 火, ý Cát 吉, có Nam tính 男性. Nếu theo ký tự Latinh sẽ cho số lý của tên lót
là: DUC=3+0+2=5.
Trên cơ sở đó :
- Xét về Ngũ hành cần chọn tên (Nhân cách) sao cho có Thuỷ (để cân bằng
và cho phù hợp (sinh Hoả) sao cho
tránh xung, khắc với Mộc (khắc Thổ).
- Xét về Hán tự không nên đặt con trai mà khi
viết có số nét ≤ 5. Ví dụ : Đinh (丁), Thất
(七 ), Ất (乙) bởi qúa chênh về số nét.
- Nay dùng quốc ngữ chớ nên đặt tên con mà chỉ
cần 1-2 chữ cái dễ tạo cảm giác “mất cân đối, đi xuống”, như: Lương Đức A,
Lương Thị Na...
- Nếu đặt tên bằng âm Hán Việt thì vì một âm
có thể ghi bởi nhiều chữ Hán, có chữ hợp chữ không nên cần chú ý.
- Ví dụ nếu bé trai đặt là Hải Nam, nhưng phải chọn chữ chữ “Hải” 海 với
nghĩa “biển” trong 5 chữ “hải” và “Nam”
南 với
nghĩa “phương Nam”
trong 10 chữ “nam”[3]. Cụ
thể:
+ Chữ 海 thuộc bộ Thuỷ 水 (氵母), gồm 11 nét, bính âm là “hǎi”, chú âm: ㄏㄞ, UniCode:U+6D77, thuộc hành Thuỷ 水, tính Cát 吉.
+ Chữ 南 thuộc bộ Thập 十(十冂干丷), có 9
nét, bính âm là “nā nán”, chú
âm: ㄋㄚ ㄋㄢ, UniCode:U+5357, thuộc hành Hoả 火, tính: Cát 吉.
Do vậy cái
tên Lương Đức Hải Nam,
viết bởi Hán tự là: 梁 德 海 南 (Liáng Dé Hǎinán) là một
cái tên mà họ Lương Đức có thể áp dụng để đặt cho bé trai sinh năm Nhâm Thìn
2012. Nhất là, theo phong thuỷ Ngũ hành, khi viết dưới dạng chữ Hán thì bộ chữ
của tên 海 南 (có Thuỷ, có Hoả) không khắc với bản mệnh của năm (长流水, Thuỷ).
Nếu đặt là “Khánh”, phải dùng chữ “Khánh” 磬 chỉ “cái Khánh”, thuộc hành Kim, phù
hợp. Không được dùng chữ “Khánh” 慶 trong “vui mừng” bởi chữ
này có bộ “tâm” 心. Mà bộ Tâm (心,忄), bộ Nhục 肉 kiêng đặt cho người sinh năm
Thìn bởi linh vật Rồng không ăn thịt!
Khổ nỗi đâu phải ai cũng biết chữ Hán và rành về phân tích dịch lý
của chữ đó. Nhờ thầy thì thầy toàn “cho” tên có sẵn, rất dễ trùng nhau. Hỏi anh
“Gúc” thì anh ta đưa ra loạt tên rất kêu và “máy móc”! Tốt nhất, “gia sự hà cớ
vấn ngoại nhân” nên cứ thấy tên hay hay, dễ gọi, hợp với gia cảnh và đừng vướng
vào điều cấm kị là đặt.
Cái tên tuy quan trọng nhưng không quyết định tất cả nên đừng quá cầu
toàn hay đua đòi. Cốt ở việc chăm sóc, nuôi dạy bé chu đáo, đúng cách để cháu
nên người.
-Những ngày “tập” làm ông (nội+ngoại) 2012-
[1] Ví
dụ: cháu gọi vợ tôi là cô ruột khi sinh bé muốn đặt là Giang nhưng mỗi người
tham gia một ý. Tôi nói cái tên đó hay, hợp phong thủy. Song ông Nội cháu là
Hường, bố cháu là Hồng, các chị cháu là Huyên, Huyền, cháu là Hiến, em cháu là
Hằng, con gái lớn cháu là Hương đều bắt đầu bởi phụ âm Hát (H) nên, theo chú
đổi đặt bé là “Hà”. Việc này vừa giữ được nghĩa sông nước, vừa lấy được yếu tố
“H”. Các cháu và cả nhà vui vẻ đồng ý.
[2] Việc
xác định ngũ hành của Hán tự 汉字五行 khá phức
tạp, nhiều tài liệu viết khác nhau. Có người bảo đựa vào phụ âm đầu của bính âm,
người nói dựa vào tổng số nét…Tốt nhất là dựa vào Tự điển.
[3] Không
chọn chữ 喃 trong nói thầm, chữ 囝 Cậu bé (kiêng, vì có bộ khẩu 口, vây
hãm, Rồng không phát triển được). Chữ 男 nghĩa Con trai cũng kiêng vì có bộ điền
田, không phải nơi dụng võ của Rồng.
Có người mách nên đặt là “Khuê”. Xét trong Hán tự có 18 chữ mà âm Hán Việt đọc là “Khuê”, gồm: 刲 (cắt, nghĩa không hay), 喹 (Chất quinolin (C6H4 (CH)3N), nghĩa xấu, có bộ khẩu), 圭 ( Ngọc khuê), 奎 (Sao Khuê), 娃 (Gái đẹp, dùng được cho bé gái), 暌 (trái, nghĩa xấu), 珪 (Ngọc Khuê), 睽 (ngang trái, nghĩa xấu), 硅 (Silicium, nghĩa không hay), 聧 (lảng ra, nghĩa xấu), 蝰 (Rắn độc, bộ trùng không dùng), 袿 (Áo cánh dài phụ nữ, bao bọc không dùng), 邽 (tên đất, bộ Ấp không dùng), 閨 (Cửa, chỗ ở con gái, không dùng), 闋 (Rỗng hết, không dùng), 闺 (Nhà trong, bó hẹp không dùng), 鮭,鲑 (tên một loài cá, lại có bộ Điền, không dùng). Vậy với nghĩa đẹp chỉ có thể dùng được chữ 圭 trong Ngọc khuê, 奎 trong Sao Khuê. Chữ này thuộc bộ 大, có 9 nét (大土土), UniCode:U+594E, bính âm: kuí, chú âm ㄎㄨㄟ , hành Thổ 土, tính Cát 吉. Mà “Đất ngăn Nước” khắc với bản mệnh năm sinh là Thủy, không dùng được.
Trả lờiXóaNhững người có tên gọi đơn giản, dễ phát âm sẽ có khả năng được thăng tiến cao.
Trả lờiXóaNên dự đoán trước tâm lý của đứa trẻ để đặt tên (theo di truyền của cha mẹ). Đặt tên kiểu này chú ý vần chữ cái abc. Tên các vần cuối bảng chữ cái hay bị xếp dưới các danh sách, cơ hội sẽ ít hơn. Tên vần đầu bảng chữ cái nếu gặp phải trẻ tính nhút nhát sẽ phản tác dụng. Trẻ thôg minh, muốn tự khẳng định mình dần dần nên đặt tên các vần giữa bảng chữ cái
Trả lờiXóa