[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


16 tháng 11 2009

Đặt tên cho con

Sinh con thì phải đặt tên,
Tên hay, tên đẹp tạo nguồn đời con.

1.Ý nghĩa văn hoá và tâm lý :

Khởi nguồn cái tên là biệt hiệu riêng của mỗi người dùng trong giao dịch, khẳng định tư cách thành viên xã hội của người đó. Đồng thời nó cũng biểu thị tình cảm, ý chí, mong muốn, tâm tư...của người đó. Việc đặt tên có ý nghĩa vô cùng quan trọng, cái tên có vai trò ảnh hưởng rất nhiều đến vận mệnh của cả một đời người. Vận số mỗi người ngoài sự chi phối của Giờ, Ngày, Tháng, Năm, Nơi sinh, dáng người… và yếu tố gia đình còn chịu ảnh hưởng của danh tính 姓名 (chiếm 4%). Cái tên của mỗi người chính là biểu tượng phản ánh toàn bộ chủ thể bản thân con người ấy, dùng rất nhiều trong giao tiếp, trong học tập, sinh hoạt, công việc hàng ngày. Vì lẽ đó, cái tên tạo thành một trường năng lượng có ảnh hưởng vô cùng quan trọng đến vận mệnh mỗi con người.
Do vậy, người xưa có quan niệm rằng kỵ đặt tên phạm huý, tức là tên trùng với tên họ của vua quan quý tộc. Ngoài ra, cũng kỵ đặt những tên quá mỹ miều, sợ quỷ thần ghen ghét làm hại nên lúc nhỏ sẽ khó nuôi.
Những người có học hành, chữ nghĩa thì đặt tên con cháu theo những ý nghĩa đặc trưng của Nho Giáo như Trung, Nghĩa, Hiếu, Thiện,…hay tên theo bộ chữ Hán. Xu hướng chung là đặt tên theo vần (của cha, mẹ hay anh chị), theo năm sinh (can, chi), theo địa danh, gắn với kỉ niệm, hoài niệm, theo tính cách...
Ngày nay việc đặt tên có xu hướng phóng khoáng hơn xưa nhưng cái tên vẫn có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, không những chỉ mang yếu tố mỹ cảm mà về yếu tố Âm Dương, Ngũ Hành cái tên còn có vai trò rất quan trọng trong việc cải tạo vận mệnh của mỗi người.

2. Ý nghĩa dịch lý :

Khoa học dự đoán Đông và Tây đều chia ý nghĩa của Danh tính bằng 5 yếu tố (Thiên vận, nhân vận, địa vận, ngoại vận và tổng vận) đều quan trọng:

- Phần họ là Thiên cách, tức yếu tố gốc rễ truyền từ dòng họ. Thiên vận được tính trên tổng số nét chữ của họ cộng với 1 nếu là họ đơn còn nếu là họ kép tức là họ được ghép từ 2 họ đơn thì thiên cách là số nét chữ của họ ghép đó.
- Phần đệm là Địa cách, tức yếu tố hậu thiên hỗ trợ cho bản mệnh còn gọi là Tiền vận cho biết thời thanh niên cùng mối quan hệ với bạn bè, con cái. Nó được xác định bởi số nét của chữ cuối của họ và chữ đầu của tên.
- Phần tên là Nhân cách, tức là yếu tố của chính bản thân nên còn gọi là Chủ vận và được xác định bằng số nét của tên. Nếu tên là đơn thì cộng thêm 1. Khi tính nếu gặp được các số 3, 5, 6, 11, 15, 16, 21, 23, 24, 31, 32, 37 là may mắn ; rủi ro ở số lý 4, 9, 10, 19, 20, 26, 34, 44. Kết hợp với Thiên cách sẽ cho cái nhìn về mức độ thành công, với Ngoại cách đoán được tính cách và tình hình chung cuộc đời, kết hợp với Địa cách đoán xem vận vững hay không.
- Ngoại cách được xác định bằng hiệu của Tổng cách và Nhân cách, nó chỉ mối quan hệu của đương số với xã hội nên còn gọi là Phó vận.
- Tổng cách là tổng số nét của họ, chữ lót và tên, chủ vận mệnh từ trung niên trở đi nên gọi là Hậu vận.

Xét luận giải phải đặt chuỗi họ tên trong mối quan hệ chặt chẽ với nhau trong đó Nhân cách là chủ đạo. Mối quan hệ số lý của Thiên - Địa – Nhân phối hợp nằm trong thế tương sinh là tốt. Mỗi phần mang một ngũ hành khác nhau, việc phối hợp phải tạo thành thế tương sinh, kỵ tương khắc. Ví dụ như Thiên = Mộc, Địa = Hoả, Nhân = Thổ tạo thành thế Mộc sinh Hoả, Hoả sinh Thổ, Thổ sinh Kim là rất tốt. Nếu Thiên = Mộc, Địa = Thổ, Nhân = Thuỷ tạo thành thế tương khắc là rất xấu. Yếu tố này cũng có thể nói gọn là tên phải cân bằng về Ngũ Hành. Ngoài ra còn đảm bảo hài hoà về Ngoại vận (điềm báo do sự kết hợp ý nghĩa bên ngoài tên và họ) cùng Tổng vận (điềm giải đoán chung trên toàn thể tên và họ).

Bảng 1. Ngũ hành theo tổng số nét chữ
Σ= 1,2,11,12,21,22,.... có ngũ hành thuộc Mộc
Σ= 3,4,13,14,23,24,.... có ngũ hành thuộc Hỏa
Σ= 5,6,15,16,25,26,..... có ngũ hành thuộc Thổ
Σ= 7,8,17,18,27,28,... có ngũ hành thuộc Kim
Σ= 9,10,19,20,..... có ngũ hành thuộc Thủy

Tên gọi nếu viết theo chữ Hán phụ thuộc vào số nét và ý nghĩa của các bộ thủ cấu thành. Vì không thạo nên tôi dùng Phần mềm Việt Hán Nôm Phiên bản FreeWare 2.0 - 2004 của Phan Anh Dũng để gõ và đếm số nét. Trường hợp viết theo mẫu tự Latin thì phụ thuộc vào ý nghĩa của các con chữ tạo nên. Theo nhà huyền bí học Kyserling thì đó là những con số của cuộc đời mà cha mẹ khi sanh ra đã tự nhiên đặt tên cho đứa con mình nên đã quy 26 chữ cái thành 10 số để dự đoán cuộc đời và sự nghiệp trong tương lai của người mang tên đó. Các nguyên âm ă, ô, ơ, ư, ê và các dấu thanh (huyền, sắc, ngã, hỏi , lặng: ̀ ́ ̃ ̉ ̣ ) trong tên Việt không có trong bảng này và được quy như chữ gốc cấu tạo nên nó.

Bản số các mẫu tự Latin

0 1 2 3 4 5 6 7 8 9
A B C D E F G H I J
K L M N O P Q R S T
U V W X Y Z

Cách sử dụng: viết tên ra rồi tính theo con số theo bản trên đây rồi cộng lại được “Số” của tên, nếu >9 cộng tiếp các chữ số cấu thành. Riêng trường hợp số 0 chỉ áp dụng cho những số nào sẽ gặp trong trường hợp mà tổng số các con số cộng lại sẽ gồm có 2 con số là số 1 và 9 hoặc ngược lại (9+1) thì thay vì là 10, coi tên đó là trường hợp của số 0. Khi được số ≤ 9 đối chiếu lời giải ở những phần dưới để biết cuộc đời, sự nghiệp, tình duyên, tài lộc, thọ yểu!

Người Phương Tây giải đoán định mệnh của tên bằng môn khoa học Thần số (Numerology), dựa trên Nhân sinh quan của Thần tam giác (Divine Triangle). Trong đó chuỗi tên được được quy ra quẻ của ngoại và nội theo Bát quái. Dựa vào quy luật Sinh-Xung-Hợp-Khắc-Hình của Ngũ hành mà suy ra vận số người mang tên. Theo đó được coi là tốt khi khi tổng điểm > 5. Tức là Ngũ hành của bản mệnh và của tên tương sinh, tương hợp (3 điểm); Ngũ hành của Họ (First Name), Đệm (Middle Name) đến Tên (Last Name) không khắc xung (2 điểm) và Ngũ hành của tên con với Ngũ hành năm sinh Bố, Mẹ (2 điểm) không xảy ra các mối quan hệ tương khắc; quẻ tên theo Kinh dịch hợp nhau (3 điểm).

3. Truyền thống:

Nhận thức được ý nghĩa của danh tính, từ xa xưa cha ông ta đã lưu ý rất nhiều khi đặt tên cho con cháu mình. Quan niệm dân gian đứa con là do “Trời cho” và “Bắt được”, do “mụ nặn”, hoàn toàn do mệnh Trời hoặc ý Chúa. Con người không biết và không dám thực hiện việc sinh đẻ có kế hoạch, đình sản hay triệt sản. Mặt khác do nghèo đói, lạc hậu nên tình trạng phổ biến là “hữu sinh vô dưỡng”. Do vậy con người luôn đặt tên xấu cho con, để quan ôn, quan dịch không chú ý đến, ma quỷ quên dòm ngó; cúng mụ chu đáo mong mụ sẽ bảo vệ, chăm sóc hài nhi được ăn no, ngủ kỹ, mau lớn. Những cái tên xấu như: Cu, Đĩ, Cún, Bòi, Tít, Bi, Bờm, Cò, Hĩm... được lưu hành và đó là tên “mụ”.

Do đại đa số không được học hành, thiếu hiểu biết, sợ đủ thứ (thần quyền, phạm huý,…) nên khi xưa, các cụ đặt tên con cháu rất “dễ dãi” hay ngẫu hứng. Ví dụ đẻ rơi đặt ngay là “Rơi”, gặp lúc mất mùa gọi là “Đói”. Những thứ tên như thế không mấy khi trùng danh với thành hoàng, các vị chức sắc, hoặc cao tăng tổ khảo, cao tằng tổ tỉ nhà ai!

Có nhà đặt tên theo thứ tự như: đứa thứ nhất gọi là Trưởng, Thủ, Nhất, Đại, Lớn; đứa thứ hai gọi là Thứ, Nhị, Nhì, Tiếp, Kế...; đứa thứ ba là Tam, Ba, Đệ, Nối...; đứa thứ tư là Tứ, Tư, Bốn, Vuông (4 cạnh). Đến khi đông con rồi thì gọi tên con là Thêm, Nếm, Mãi, Còn... Cuối cùng vẫn đẻ thì có tên ngay là Bé, út, Tí, Hon, Cửu, Thập, Mười, Dư...

Hoặc khi mong chờ mãi mới đẻ được thì gọi là Bòn, Mót…

Có người lại theo năm sinh đứa trẻ mà đặt tên con. Chẳng hạn đẻ năm Đinh Hợi đứa trẻ sẽ có tên là Đinh hoặc Hợi; sinh năm Mậu Tý sẽ có tên là Mậu hoặc Tý; sinh năm Kỷ Sửu sẽ có tên là Kỷ hoặc Sửu. Hoặc đặt tên theo mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, theo tháng thì có Mạnh, Trọng, Quý.

Những người có vốn chữ nghĩa thì đặt tên con theo “bộ” của chữ Hán , giống như tên các chúa Trịnh (Kiểm, Tùng, Tạc, Căn, Cương, Giang, Doanh, Sâm, Cán, Khải) đều thuộc bộ
Mộc 木 (检,松,柞,根...) còn tên các chúa Nguyễn (Hoàng, Nguyên, Lan, Tần, Trăn, Chu, Trú) đều thuộc bộ Thủy 氵(潢,沅,澜...)..
.
Một phương thức đặt tên nữa là dùng hệ thống ngôn từ hay một câu thành ngữ, một ước mong. Thí dụ: Đứa con thứ nhất là Thuận, thì đứa thứ hai phải là Hoà, thứ ba sẽ là Nhã, đứa thứ tư chắc chắn phải là Nhặn. Hoặc con cả là Sâm, con thứ hai sẽ là Nhung, thứ ba là Quế, thứ tư là Phụ.

Tên được đặt phải phù hợp với truyền thống của mỗi dòng họ. Từ xưa đến nay trong văn hoá Việt Nam nói riêng đề cao vai trò của gia đình, dòng họ. Con cháu phải kế thừa và phát huy được những truyền thống của tổ tiên gia tộc mình. Điều này thể hiện trong phả hệ, những người cùng một tổ, một chi thường mang một họ, đệm giống nhau với ý nghĩa mang tính kế thừa đặc trưng của mỗi chi, mỗi họ như họ Phạm Công, Đặng Văn, Lương Đức…Trường hợp họ kép của con được đặt ra do lấy họ bố ghép họ mẹ thì các cháu không phải theo.

4. Một số điều nên kiêng kỵ :

- Không lấy tên quốc gia, giang sơn mà đặt để tránh coi như vô danh.
- Không lấy tên lãnh tụ, thần thánh (Tứ Bất tử: Sơn Tinh, Thánh Gióng, Trần Hưng Đạo, Liễu Hạnh) đặt tên.
- Không dùng tên cha, mẹ, ông bà, tổ tiên đặt tên con.
- Không dùng lại những tên mà trong dân gian hay đời sống văn học để lại ấn tượng không tốt đẹp, như: Bờm, anh Pha, chị Dậu, Thị Nở, Chí Phèo…
- Không đặt tên trùng tên từ chỉ chức (Trưởng Phòng, Bác Sĩ), cấp (Trung Tướng) để tránh thất nghiệp.
- Không dùng từ chỉ vai vế đặt tên: Ông, Cha, Bố, Bác, Dì…
- Không dùng từ chỉ bệnh, hạn, tai ương đặt tên (Ách, Thũng...) .
- Không đặt tên gia súc (chó), gia cầm (vịt).
­- Không dùng từ chỉ dụng cụ, đồ tế lễ đặt tên (Khói, Nhang...).
- Tránh một số điểm về tính cách quá trội, ngoa ngôn: Phạm Mãnh Liệt, Trần Bất Tử, Nguyễn Mỹ Mãn, Lương Thuận Lợi, Kim Ngân, Phát Tài, Trạng Nguyên, Diễm Lệ, Bạch Tuyết, Vô Địch, Vĩnh Phát…
- Không nên đặt tên con theo nổi niềm riêng, bức xúc trong cuộc sống như: Dương Thị Ly Tan, Lê Thị Vô Lý, Trần Uất Hận...hay như PTT đặt tên con là Hoá vì bực chồng ngoại tình...
- Tên khó phân biệt nam nữ Ví dụ: con gái tên Minh Thắng, con trai tên Thái Tài, Xuân Thủy…
- Tên gây khó chịu, phản cảm : tên là Vui thì khi chết, họ hàng hang hốc sẽ khóc mà than: “Vui ơi là Vui!” còn ra nỗi gì.
- Không đặt tên trùng vần, trùng điệu (Lương Trường Dương, Phạm Khắc Thụ), trúc trắc khó đọc (Ngoạch, Lương Quách Quềnh).
- Tránh đặt tên tạo với họ, chữ lót mà khi nói lái sẽ tạo nghĩa xấu (Tiến Tùng -->Túng Tiền; Thiện Đức thành Đực Thiến, Mộng Dung thành Rụng Mông…).
- Tránh những tên hay đối với tiếng Việt nhưng lại xấu với âm của một số ngoại ngữ thông dụng: Tuyết Lê là Vú đàn bà, Ngọc Dương là dái con dê, Khánh Ly là từ biệt niềm vui, Lệ Quyên là khóc mà tự vẫn (theo Hán Việt); Minh Thu là Mặt Rỗ (tiếng Pháp: Mille trous), Vũ Minh Năng là Nhai lại (tiếng Pháp: Ruminants), Đăng Xinh là nhẩy đầm, tiệm nhẩy (tiếng Pháp: Dancing)…
- Không đặt tên con mà khi phối hợp với tên ông bà cha mẹ, anh em tạo nghĩa xấu. Ví dụ bố, anh là Giang hay Thảo không đặt tên con, em là Mai.
- Tránh đặt tên mà tên đó khắc với mệnh năm sinh. Ví dụ bé sinh năm 2008 là Mậu Tý, 2009 là Kỷ Sửu đứa trẻ mạng Tích Lịch Hoả, thuộc hành Thổ, khắc Thiên Hà Thuỷ nên không đặt tên mà chữ có bộ Thuỷ (氵)mà cần đặt tên có bộ Hoả (火灬). Ví dụ: Chước, Phong, Diễm, Luyện, Thục, Liệu, Yến, Chúc, Huy, Hồng, Gân, Ohúc, Quýnh, Đăng, Tiếp, dược, Diệp…Còn sinh con năm 2010 Canh Dần, đứa trẻ có mạng Tùng Bách Mộc, thuộc hành Mộc, khắc Lộ Bàng Thổ, nên tên phải có bộ “Mộc” 木, tránh dùng bộ “Thổ” 土 Ví dụ: Mộc, Vị, Bản, Phác, Đoá, Can, Lý, Hạnh, Tài, Kỷ, Giang, Hàng, Đông, Tùng, Bách, Lâm, Mai, Chi, Liễu, Quế, Bổng, Tảo, đường, Châm, Dương, Du, Lưuk. Lư, Tranh, Kiều…
- Một số tên tuy được coi là “đẹp” nhưng tôi thấy hay gặp trong Trại: Dũng, Tuấn Anh (Nam), Lan, Mai (Nữ).

5. Quy tắc đặt tên trong thời mới:

- Tên phải có ý nghĩa cao đẹp, gợi lên một ý chí, một biểu tượng, một khát vọng, một tính chất tốt đẹp trong đời sống nhưng không nên quá đà. Có thể đặt tên con là Thành Đạt hy vọng người con sẽ làm nên sự nghiệp, đặt tên con là Trung Hiếu hy vọng người con giữ trọn đạo với gia đình và tổ quốc.
- Bản thân tên phải có ý nghĩa tốt lành, đã được đúc kết và nghiệm lý theo thời gian như tên Bảo, Minh, Vinh thường an lành hạnh phúc. Kỵ những tên xấu như Lệ, Tài,…vì những tên này có ý nghĩa không tốt đẹp đã được kiểm chứng trong nhiều thế hệ. Nhưng nếu là Phú Vinh cũng không hay bởi quá toàn vẹn !
- Chú ý những từ dễ ngọng dành riêng cho Nam, Nữ phải dùng đúng. Ví dụ nam đặt Trung, nữ là Chung.
- Tên phải ghi chính xác, ổn định suốt đời ngay từ khi làm Giấy khai sinh. Trường hợp viết sai, nhầm lẫn phải làm thủ tục cải chính theo đúng quy định của Nghị định 158/2005/NĐ-CP và điều 27 của bộ Luật Dân sự năm 2005.
- Họ tên cần cân bằng về mặt Âm Dương, những vần bằng thuộc Âm, vần trắc thuộc Dương. Trong tên phải có vần bằng, trắc cân đối, kỵ thái quá hoặc bất cập. Ví dụ như Đặng Phú Quốc quá nhiều vần trắc, Dương cường, Âm nhược nên là xấu. Tên Đặng Phú Minh có Âm Dương cân bằng nên tốt hơn.
- Đảm bảo yếu tố hỗ trợ cho bản mệnh. Ví dụ, bản mệnh trong Tứ Trụ thiếu hành Thuỷ thì tên phải thuộc Thuỷ để bổ trợ cho mệnh, vì thế tên phải đặt là Thuỷ, Hà, Sương,…
- Tên còn cần phối hợp tạo thành quẻ trong Kinh Dịch, quẻ phải tốt lành như Thái, Gia Nhân, Càn ; tránh những quẻ xấu nhiều tai hoạ rủi ro như quẻ Bĩ, Truân, Kiển,…Quẻ cũng cần phối hợp tốt với Âm Dương Bát Quái của bản mệnh.
- Họ, đệm, tên cần cân đối về mặt số lượng chữ cái Latin: các họ ít chữ cái như Lê, Lý, Tạ...không nên đặt tên quá dài (Nghiêng, Trường) và ngược lại các họ Nguyễn, Lương, Trường không nên đặt tên mà chữ quá ít (A, La, Lê...)...

Thông thường nên có vài cách chọn tên, như :

- Tận dụng từ ghép, thành ngữ, điển cố, văn thơ, các từ chúc phúc, mong ước (Phúc, Lộc, Thọ, Đoan, Trang, Tuyết, Trinh, Hiền, Thương, Hùng, Dũng, Bảo, Trân, Trọng, Châu...) ...để đặt tên.
- Mượn họ người khác đặt tên nếu thấy họ đó hay, có ý nghĩa.
- Dùng tên các loại hoa (Hồng, Lan, Đào, Cúc, Huệ..), mầu sắc đẹp (Tuyết, Hồng, Lam...), các danh thắng để đặt tên.
- Dựa vào dung mạo, nghề nghiệp đặt tên : Tuyết, Hồng, Sĩ, Nông, Công, Thương; Cột, Kèo, Rui, Mè...
- Theo thời gian sinh như Xuân, Hạ, Thu, Đông; hoặc Tý, Sửu, Dần ... hoặc; Giáp, Ất, Bính...

Song dù theo kỹ thuật nào cũng cần chú ý nghĩa của từ khi ghép họ, đệm, tên tránh tạo phản cảm. Ví dụ không nên đặt tên Thiếu trong khi họ và đệm là Lương Tâm, không đặt Nhân khi họ đơn là Phạm...

6. Phân tích về Họ và tên Đệm của Gia tộc:

Họ là Thiên vận, tên Đệm là Địa vận có tác dụng tới Tổng vận của danh tính. Trong khoảng 100 họ của người Kinh, dựa vào đặc điểm và loại hình nghĩa của chữ chỉ “Họ” trong cụm danh tính có thể chia ra :

- Có ý nghĩa rõ ràng, như các họ Vương, Cao, Hà, Phạm...
- Có ý nghĩa không cụ thể, như Hồ, Đặng, Tô...
- Hình tượng cụ thể, như Lê, Lương, Dương, Hoàng...

Họ ta vốn trước là Lương Công 梁公, từ đời thứ Ba đổi thành Lương Đức 梁德 nên sẽ đi sâu vào phân tích ý nghĩa dịch lý của cặp họ-chữ đệm này.

- Họ “Lương” ghi bởi chữ Hán là 梁 thuộc bé Mộc 木, với nghĩa là “cây cầu, cái xà nhà”, gồm 11 nét (Thiên cách=11). Nếu theo ký tự Latinh sẽ là LUONG = 1+0+4+3+6=14 nên số lý=1+4=5.
- Tên đệm “Đức” chữ Hán là 德 thuộc bộ Sách 彳và có nghĩa là “Đạo đức, cái đạo để lập thân”, gồm 15 nét (Địa cách=15). Nếu theo ký tự Latinh sẽ cho số lý của tên lót là: DUC=3+0+2=5.

Từ đây có thể thấy:

- Nếu không hiểu sâu sẽ viết họ bằng chữ 涼 sẽ thành nghĩa “mỏng lạnh” và khi kết hợp với tên lót sẽ cho Lương Đức thành chữ 涼德 cho nghĩa “đức bạc” hay “ít đức” làm hỏng ý nghĩa tốt đẹp của dòng họ.
- Về Ngũ hành của họ: Không xác định, Ngũ hành của đệm (Đức) là Mộc. Nếu nữ đệm Thị thì Ngũ hành chữ lót cũng là Mộc.

Trên cơ sở đó :

- Xét về Ngũ hành cần chọn tên (Nhân cách) cho phù hợp (sinh Hoả) sao cho tránh xung, khắc với Mộc (khắc Thổ).
- Xét về Hán tự không nên đặt con trai mà khi viết có số nét ≤ 5. Ví dụ : Đinh (丁), Thất (七 ), Ất (乙) bởi qúa chênh về số nét.
- Nay dùng quốc ngữ chớ nên đặt tên con mà chỉ cần 1-2 chữ cái dễ tạo cảm giác “mất cân đối, đi xuống”. Ví dụ Lương Đức A, Lương Thị Na...

1 nhận xét:

  1. Những tên nên, tên không nên đặt căn cứ vào tuổi bố và ngày tháng năm sinh của con đang nghiên cứu. Sẽ đưa lên sau.

    Trả lờiXóa

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!