[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


03 tháng 6 2012

Họ Lương đất Việt mọi nhà chung nôi

Tên tộc danh “Lương” họ ta đang mang là mượn của người Hán. Nhưng những người mang họ Lương Việt Nam đâu phải “gốc gác” từ bên kia biên giới mà có Tổ tiên hẳn hoi. Có điều lần tìm được không dễ bởi chiến tranh liên miên và bởi cả những người trong họ! Không rõ từ bao giờ trong họ Lương đã có lời truyền “Nam bang Lương tính giai ngã tử tôn南邦梁姓偕我子孙, tức là “họ Lương ở nước Nam đều là con cháu ta cả”. Nhưng “con cháu ai”?, phát xuất nguyên thủy từ đâu không thể xác định được. Đúng là “Tiền tiền vô thủy” (前前無始, Không biết điểm bắt đầu). Nhưng không phải không có tia hi vọng.
Trong nghìn năm Đại Việt dưới chế độ Bắc thuộc 北屬時代, mưu đồ của các triều đại phong kiến phương Bắc không chỉ dừng lại ở việc thủ tiêu chủ quyền quốc gia, chia nước ta thành các quận, huyện, bóc lột nhân dân, vơ vét của cả, mà còn tiến tới đồng hóa dân tộc Việt, sát nhập đất đai vào Trung Quốc cho di dân Hán sang ở lẫn với dân Việt, lấy vợ Việt, ép theo văn hóa Hán. Đây cũng là thời kỳ mà nền văn minh Trung Quốc, chữ nho 漢字, đạo Khổng (do Khổng Tử Khâu 孔子邱 sáng lập 551 tCn), tục đặt “Họ” du nhập vào Việt Nam.
Tôi đã có dịp tìm hiểu và chép lại những tư liệu về cội nguồn chữ chỉ tộc danh, điều đó không có nghĩa đó là nguồn gốc dòng họ! Lịch sử và thực tế minh chứng rằng: nguồn gốc khởi phát họ Lương, các chi phái họ Lương nói riêng cũng như các họ khác của người Việt thì còn nhiều điều chưa rõ, chỉ tồn tại trong truyền ngôn, trong các bản Long văn... và giả thuyết của người nghiên cứu. Truyền ngôn, giai thoại, dã sử có cốt lõi của sự thực nhưng không phải là sự thật. Do vậy nhiều việc làm, nhiều nỗi éo le, uẩn khúc của tiền nhân chắc chắn chúng ta đã vĩnh viễn không còn được biết. Trong mịt mờ quá khứ, trong mối quan hệ chằng chịt, đan xen, che dấu, tô hồng, bội nhọ…có liên quan đến việc hình thành, phát triển các chi phái của dòng họ mà ít ai chép lại, càng không có ghi âm, chụp ảnh, quay phim… thì hậu thế làm sao lần mò ra được?
Trong mớ bòng bong ấy, cố chắt lọc kiếm tìm cũng hé ra đôi điều về nguồn gốc tộc Lương, dù có thể không bao quát được tất các các chi phái họ này.
1. Thuyết cho rằng di cư từ Trung Quốc sang:
Khi soạn Gia phả dòng họ tôi đã từng đặt giả thiết cho rằng: trừ những người mà quan lại gán họ cho để quản lý thì họ Lương Việt Nam có lẽ là hậu duệ của những quan lại, thổ tù thuộc Bách Việt vùng Hoa Nam[1] do bất mãn hay chống đối Hán triều phải di cư xuống hay các quan cai trị đã lấy vợ người Việt, định cư ở Đại Việt[2]. Ngày đó việc di cư dễ dàng bởi khái niệm quốc gia, quốc giới chưa rõ ràng; chưa có “Luật Cư trú”, “Luật Quốc tịch”, “Sổ Hộ khẩu” và quan hệ với lân bang chưa có Hòa ước Westphalia (1648, các nước có chủ quyền tối cao trong vùng lãnh thổ của mình, và do đó là ngang nhau trên trường quốc tế).
Ngược dòng thời gian, thấy có các nhân vật mang họ Lương vùng phía nam núi Ngũ Lĩnh liên quan đến nước ta từng được chép trong chính sử trong những sự kiện hồi thế kỷ II, thế kỷ IV. Trong đó có 2 nhân vật nổi tiếng là:
Lương Long 梁龍, người vùng núi Giao Chỉ, nhân lúc loạn đảng nổi lên khắp nơi, vào năm Quang Hòa thứ Nhất (Mậu Ngọ 戊午, 178) đời Hán Linh Đế (漢靈帝, 156 – 189) đã lãnh đạo dân vùng Hợp Phố, Giao Chỉ,…chống lại đầu mục nhà Đông Hán (東漢, 25–220) là Chu Ngung 朱喁. Năm Tân Dậu (辛酉, 181), Hán Đế phái Huyện lệnh Lan Lăng 蘭陵 là Chu Tuấn 朱儁 sang cứu nguy và Lương Long bị giết, những người đi theo đầu hàng đến vài vạn người.
 Đốc quân Lương Thạc 梁硕, nguyên là Thái thú Tân Xương (gồm 6 huyện: Mê Linh, Gia Ninh, Ngô Định, Phong Sơn, Lâm Tây, Tây Đạo). Sau khi thoát chết do bị truy sát, vào năm Đại Hưng thứ Nhất (Mậu Dần 戊寅, 318) đời Nguyên Đế (晉元帝, 317 – 323) đã nổi lên giết Cổ Thọ (con Thứ sử Cố Bí) không chế Giao Châu. Năm Nhâm Ngọ 壬午 322, Vương Đôn 王敦 nhà Đông Tấn (東晉, 317-420) lấy Vương Lượng 王諒 làm Thứ sử, sai đánh Lương Thạc. Thạc họp quân vây, hành hạ Vương Lượng ở Long Biên 龍編 đến chết rồi tự quản Giao Châu (交州, bao gồm cả Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam). Năm Quý Mùi 癸未 323 Lương Thạc bị thuộc hạ của Đào Khản 陶侃 là Cao Bảo 高寶 chém chết.
Lương Long, Lương Thạc thất bại trên chính trường họ bị mạng vong nhưng hậu duệ của họ phải đâu đã tuyệt diệt? Đây có thể là những Viễn Tổ đầu tiên của họ Lương ở Việt Nam? Nhưng chi phái nào là hậu duệ của những nhân vật này thì chưa thấy tài liệu nào đề cập đến hoặc chính con cháu họ còn đấy nhưng gia phả thất lạc hoặc chưa từng có nên vô tình không biết!
Theo lời truyền trong một số dòng họ thì: vào thế kỷ thứ XIV, khi người Mông Cổ (元朝, 1271-1368) diệt nhà Tống (宋朝, 960-1279), cai trị Trung Quốc, một số quan lại nhà Tống chạy sang Việt Nam, trong số đó có hai anh em nhà họ Lương[3] ở tỉnh Chiết Giang 浙江[4] nam du và sang Đại Việt sinh sống, lập nghiệp ở Cao Hương[5] (dòng Lương Thế Vinh) Phượng Lịch[6] (dòng Lương Đắc Bằng). Từ hai nơi này xuất phát ra nhiều chi phái họ Lương trên mọi miền đất nước, trong đó dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng nhà tôi. Điều này sẽ bàn kỹ ở phần khảo cứu về Viễn Tổ.
2. Thuyết cho rằng quan đô hộ đặt họ:
Khi Hán triều hoàn thành việc chiếm Âu Lạc, người Việt vẫn chưa có họ. Thời Đông Hán (東漢, 25-220) Sĩ Nhiếp (, 187-226) làm Thái thú 太狩 cai trị  Giao Chỉ Bộ 交趾步 đã đưa chữ, khuôn phép, văn hóa Hán vào thực hiện ở nước ta và cải Giao Chỉ 交趾 thành Giao Châu (交州, 203).
Để tiện cho việc quản lý, cai trị (theo dõi hộ khẩu, nhân khẩu, quân dịch, thu thuế), Sĩ Nhiếp lấy những họ đã có sẵn ở chính quốc đặt cho người Việt. Bên cạnh đó, do chính sách “dĩ Man chế man” 以蠻制蠻 của các Thái thú Bắc triều sinh ra một lớp người Việt học chữ Hán, làm việc với quan nhà Hán như lang đạo, thổ ty, tù trưởng, chức dịch… đã nhiễm và bắt chước văn hoá Hoa Hạ. Khi đó những người này đã lấy họ có sẵn bên Bắc quốc đặt cho mình và con cháu theo ý của người chung một ông tổ hay ý chỉ vẽ của người học cao để gọi họ của mình, trong đó có họ Lương. Những dòng họ hình thành sau này ở miền núi phía Tây hay miền Nam thời Lê Nguyễn không cùng nhóm này.
Như vậy, họ Lương đã có trên đất Giao Chỉ (sau là Giao Châu rồi An Nam) từ thế kỷ III. Lịch sử còn ghi nhiều người họ Lương làm quan thời Lý, Trần, trước thế kỷ XIV. Ví dụ: Lương Nguyên Bưu 梁元厖 làm tới chức Hành khiển đồng tri Đại tông  行遣同知大宗正寺 thời Trần là người gốc Tuyên Quang, tiên tổ là Thế Sung 世充 làm Toát Thông Vương 撮通王 kiêm phụ đạo ở triều Lý, cha và ông đều làm quan[7]. Lại có Ngự sử đại phu Lương Nhậm Văn 梁任文 làm tới Thái sư  太師 hay Lương Mậu Tài 梁茂才 giữ chức Ngoại lang 外郎 thời Lý Thái Tôn (太宗, 1028-1054). Thời Trần có Lương Uất 梁蔚 là trấn thủ châu Lạng Giang 諒江 vào tháng 8 năm 1282 đã có công cấp báo tình hình quân Nguyên về triều...Phải chăng đó là một số vị Tổ của các dòng họ Lương khác trên đất Việt không cùng chung Thủy tổ với dòng Lương Cao Hương và Lương Hội Triều mới sang Đại Việt từ thế kỷ XIV?.
3. Thuyết cho rằng chính quyền gán họ cho dân bản địa:
 Nước Việt có cương vực như ngày nay là trải qua một quá trình xác lập chủ quyền tại các vùng “đệm” ở miền núi biên giới và quá trình mở mang lãnh thổ về phía Nam. Để tiện cai quản, nhà nước phong kiến Việt Nam khi xác lập xong quyền làm chủ đã cải hay gán họ giống họ người Việt với dân bản địa tại các vùng đất mới.
Vùng biên giới phía Bắc, Tây Bắc vốn là vùng “độn” giữa các triều đại của Bắc quốc và Nam triều. Đây là các châu 羈縻 Kimi (dung dưỡng, duy trì để cho không đến nỗi tuyệt hẳn) lúc thuộc Đại Việt, khi thuộc Nam Chiếu (南詔 đến 902) hay Đại Lý (大理, 937-1253) lúc lại về Bồn Man (1369-1478). Đầu thế kỷ XI vua Lý Thái Tổ (李太祖, 1010-1028) sai con là Dực Thánh Vương đi đánh loạn vùng biên giới sát nhập luôn khu vực ngày nay là Hà Giang, thu phục vùng đất của các tù trưởng dân tộc thiểu số người Bạch ở bắc Yên Bái, nam Lào Cai vào lãnh thổ Đại Việt.  Khi xác lập chủ quyền vùng này, các vua Lý, Trần đều đem Công chúa gả cho các tù trưởng những vùng phên dậu để thắt chặt họ với triều đình trung ương. Để quản lý, những nhóm dân chưa có họ được triều đình đặt họ.
Tiếp theo quá trình Nam tiến của các triều đại trước, các chúa Nguyễn tiếp tục chèn lần và thâu tóm vùng đất phía Nam của Chiêm Thành Chân Lạp. Vào Năm 1693 Nguyễn Phúc Chu (阮福周, Chúa Quốc, 1691-1725) sai quan tổng binh là Nguyễn Hữu Cảnh đem binh đi đánh Phan Rang, Phan Thiết, bắt được Bà Tranh cùng thân thuộc về Phú Xuân (Huế). Chúa Nguyễn lấy đất Chiêm Thành đổi làm Thuận Phủ, nay thuộc Bình Thuận. Tại những vùng này Nguyễn Phúc Chu cho người Chăm cơ chế tự trị theo Ngũ điều Nghị định 五条議定 ký năm 1712  nhưng đến năm 1832, khi thực hiện cải thổ quy lưu (改土归留, giải thể khu tự trị) vua Minh Mạng (明命, 1820-1840) đã xóa bỏ cơ chế này, đổi Thuận Thành thành phủ Ninh Thuận và đặt quan lại cai trị trực tiếp. Việc này đồng nghĩa với việc Vương quốc Chăm Pa chính thức không còn tồn tại.
Trước kia, người Chăm bình dân vốn không có họ. Người ta lấy Ja (nam) hay M (nữ) được đặt trước tên để phân biệt giới tính, như Văn (nam) Thị (nữ) của người Kinh. Khi cai quản vùng đất mới, nhà Nguyễn buộc người Chăm Panduranga (Phan Rang, Phan Rí ngày nay) phải đặt tên Việt và lấy các họ qui định như  Bá, Châu, Đàng, Lưu ... ai có công với triều đình được mang họ Nguyễn. Đây là những tộc danh nhà Nguyễn đặt cho cùng với những tộc danh mà trước đó vào năm 1490, 1492 nhà Hậu Lê đã gán cho người Chiêm theo Sắc chỉ của Lê Thánh Tông (洪德, 1460-1497), như họ: Phạm, Phan, Ðặng, Ðinh... là những tộc danh không phải họ của cư dân di vào mà họ do triều đình gán cho dân bản địa.
4. Thuyết cho rằng người dân tự đặt tộc danh:
Nguyễn Khôi trong cuốn “Các Dân tộc ở Việt Nam, cách dùng Họ và đặt Tên” do Nhà Xuất bản Văn hoá Dân tộc, Hà Nội xuất bản năm 2006 đã viết: “Các họ phổ biến của người Thái là:  Bạc , Bế, Bua, Bun, Cà, cầm, Chẩu, Chiêu, Đèo, Hoàng, Khằm, Leo, Lều, Lềm, Lý, Lò, Lô, La, Lộc, Lự, Lường, Mang, Mè, Nam, Nông, Ngần, Ngu, Nho, Nhọt, Panh, Pha, Phia, Quàng, Sầm, Tụ, Tày, Tao, Tạo, Tòng, Vang, Vì, Sa, Xin. Trong đó 12 họ gốc là Lò, Lường, Quàng, Tòng, Cà, Lỡo, Mè, Lù, Lềm, Ngần, Nông”. Ông cũng viết rằng “Họ Lường còn gọi là họ Lương” và chép một huyền thoại về dòng Họ là:
Sau nạn hồng thuỷ, chỉ còn sống sót một cặp vợ chồng. Người vợ có một thỏi đồng liền đem ra nấu và đúc thành dụng cụ. Quá trình đúc đồng được chia làm mấy giai đoạn như: lúc đầu làm đồng nguyên, sau nấu gọi là lô, muốn tăng sức nóng thì phải quạt, rồi đảo quấy đều, sau đó thành nước loãng, đem luyện lại, tô luyện thành công cụ rắn chắc. Vì vậy khi sinh con, họ đặt cho con đầu lòng mang họ Tông (đồng), con thứ hai là Ló nay gọi là Lò (lô), con thứ ba họ Ví (quạt), con thứ tư họ Quá (quàng), con thứ năm họ Đèo (đồng thành nước), con thứ sáu họ Liếng (đã luyện) nay gọi chệch là Lường, con thứ bảy họ Cả (tôi luyện rắn thành công cụ), nay gọi là Cà”.
Như vậy họ Lường (tức Lương) của người Thái Tây Bắc là họ bản địa.
Không biết còn có cội nguồn nào khác không?
-Lương Đức Mến (trích trong cuốn sách đang soạn)-


[1] Là từ chỉ miền Nam Trung Quốc. Theo truyền thống, vùng đất từ sông Hoài  淮河 và dãy Tần Lĩnh 秦嶺 xuống gọi là Hoa Nam. Cũng có trường hợp phân vùng này thành vùng nằm giữa hai sông Hoàng Hà và Trường Giang gọi là vùng Hoa Trung và vùng phía Nam sông Trường Giang gọi là Hoa Nam hoặc Giang Nam. 
[2] Ví như họ Hồ đều là hậu duệ của Trạng nguyên Hồ Hưng Dật 胡興軼. Ông này vốn thuộc tộc Bách Việt ở Chiết Giang sang làm Thái thú Diễn Châu đời Hậu Hán (947-950) rồi định cư ở Nghĩa Đàn, Nghệ An.
[3] Không biết anh em họ có liên quan đến các danh nhân nhà Tống có tên trong chính sử như: Nữ tướng kháng Kim Lương Hồng Ngọc (梁红玉, 1102-1135, ở vùng Sở Châu, Hoài An, Giang Tô 江苏淮安市楚州区 ngày nay); cha con Trạng nguyên 父子状元 Lương Hạo (梁灏, 963-1004), Lương Cố (梁固, 985 – 1017, ở vùng Đông Bình, Sơn Đông 山东东平 ngày nay) hay không?
[4] Đây là một tỉnh ven biển phía đông của Trung Quốc. Tên gọi Chiết Giang (gọi tắt là “Chiết” ) lấy theo tên cũ của con sông Tiền Đường chảy qua  tỉnh lị Hàng Châu. Về địa giới: giáp giới với tỉnh Giang Tô và thành phố Thượng Hải về phía bắc, An Huy và Giang Tây về phía tây và Phúc Kiến về phía nam, phía đông giáp Biển Đông Trung Quốc. Những cư dân nơi này thời cổ được gọi chung là người Việt, như là Đông Việt hay là Âu Việt. Chiết Giang thuộc quyền kiểm soát của Trung Hoa từ thời nhà Tần (秦朝, 221 tCn-206 tCn).
[5] Cao Hương xưa là Cao Tra, một làng cổ thuộc huyện Thiên Bản, phủ Nghĩa Hưng, trấn Sơn Nam, nay là thôn Cao Phương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
[6] Nay là thôn Hội Triều, xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa
[7] Các con của Thế Sung là là Văn , Hiến , Quế đều được phong hầu. Con của Quế là Hiếu Bão vì có công đánh Toa Đô được phong Quan phục hầu 冠服侯; Hiếu Bão sinh ra Thế Tắc 世則 được phong Lặc Thuận hầu 勒順侯; Thế Tắc sinh ra Cúc Tôn 菊孫 làm Quan sát sứ 觀察使; Cúc Tôn sinh ra Nguyên Bưu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!