[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


09 tháng 10 2009

Tưởng niệm Đức Viễn Tổ LƯƠNG THẾ VINH

Nói đến Trạng Lường Lương Thế Vinh, những ai từng nghiên cứu văn học sử, đặc biệt là những người mang họ Lương đều biết đến câu đối của Bảng nhãn Thượng thư Lương Đắc Bằng: “Trạng nguyên tổ, bảng nhãn tôn, Lương tộc danh đằng lưỡng quốc; Đô đốc tiền, thượng thư hậu, quốc triều vị liệt tam công”.

Ngày 12/10-13/102009 tức là ngày 24 và 25 tháng 8 Kỷ Sửu Ban Tổ chức Lễ hội làng Cao Phương (xã Liên Bản, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) long trọng Kỷ niệm lần thứ 513 năm mất của Trạng nguyên Lương Thế Vinh (1496-2009) và khánh thành giai đoạn 1 đền thờ con trai ông là Tướng quân Lương Trinh Túc (tức Thánh Hiến).
Ban liên lạc Họ Lương Việt Nam có gửi giấy mời cho người soạn bài này. Giấy mời do ông Lương Thế Chủng (Phó Trưởng ban Tổ chức Lễ hội) ký và người gửi là ông Lương Đức Kỳ, Phó trưởng BLLHLVN (ở 104/C50, tổ 36. phường Mai Động, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội). Nhưng vì mắc vài cuộc họp cuối năm và bận chuẩn bị cho con gái Vu quy nên tôi không về dự được.

Tôi bắt tay vào sưu tầm tư liệu
[1], soạn lại và đưa lên trang này như là MỘT NÉN TÂM NHANG thay cho việc dâng hương trực tiếp tại Đền thờ Đức Tổ.

Lương Thế Vinh (梁世榮, tên chữ Cảnh Nghị, tên hiệu Thụy Hiên; 1442–1496) là một nhà toán học, nhà giáo dục học, Phật học, nhà thơ, nghiên cứu hát chèo, người Việt. Ông đỗ Trạng nguyên dưới triều Lê Thánh Tông và làm quan tại viện Hàn Lâm. Ông là một trong 28 nhà thơ của hội Tao Đàn do vua Lê Thánh Tông lập năm 1495.

1. Tiểu sử:

1.1. Gia thế và tuổi thơ:

Lương Thế Vinh sinh ngày mồng 01 tháng 8 năm Tân Dậu (1441) trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Cao Hương, huyện Thiên Bản, trấn
Sơn Nam Hạ (nay là thôn Cao Phương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Từ nhỏ Lương Thế Vinh đã tỏ ra thông minh, ham học. Thấy vậy, tuy nhà nghèo, nhưng bố mẹ cố lo cho Thế Vinh được học hành. Càng học càng giỏi , ngay từ bé Lương Thế Vinh đã nổi tiếng “thần đồng làng Hương” về sự mau thuộc, nhanh hiểu, và khả năng sáng tạo trong các trò chơi như đá bóng, thả diều, câu cá, bẫy chim.
Ông là học trò của Tiến sĩ đệ nhất giáp, Hàn lâm học sĩ, Điện nho học huấn đạo Lương Hay sau lại là thày dạy của con Lương Hay là Lương Đắc Bằng
[2].

Năm 21 tuổi, Lương Thế Vinh đi thi Hương, đậu Giải nguyên khoa Nhâm Ngọ (1462). Năm 1463, về kinh thi Hội, Lương Thế Vinh đậu thứ hai trong số 44 vị tân khoa chọn từ 1400 cống sĩ dự thi. Tiếp theo đó là cuộc thi Đình, Vua
Lê Thánh Tông tay ra đề thi với đề văn sách hỏi về “Đạo trị nước của các bậc đế vương”, ông Nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (狀元, trạng nguyên) khoa Quý Mùi niên hiệu Quang Thuận thứ 4.

Vua Lê Thánh Tông ban tặng Cờ hoa Tam Khôi cho ba vị đỗ đầu:


Trạng nguyên Lương Thế Vinh
Bảng nhãn Nguyễn Đức Trinh[3]
Thám hoa Quách Đình Bảo[4]
Thiên hạ cộng tri danh.



1.2. Quan trường:

Các năm sau đó, ông làm Quan Kim tử vinh lộc đại phu, Hàn lâm viện thị độc. Khi cha (Thế Triệu) chết, ông về cư tang. Hết tang Ông trở lại làm quan "Chưởng hàn lâm viện sự Nhập thị kinh diên, Bồi tụng Hộ bộ tả thị lang, Hương lãnh Hầu. Do có công mở rộng 2 Quảng, soạn sách "Toán pháp đại thành", tiếp sứ có công nên được gia phong Đông các đại học sĩ, Dương quận công rồi thăng Trung thư môn hạ sự, Bình chương sư, Thái sư quốc công.

Khi làm quan ông nổi tiếng về tính thẳng thắn, cảnh báo hiểm hoạ “loạn cung đình” cho vua và từng nhiều lần răn đe quan tham, dâng kế sách cải cách giáo dục.

Đến năm Quý Tỵ (1473), Thái sư phụng chỉ đi sứ sang Minh quốc (明朝,1368-1644). Sau khi viết bài phú "Đông phong thiên lãnh" do Hoàng đế nhà Minh Hiến Tông thử tài, Ông đặc cách Trạng nguyên, trở thành “Lưỡng quốc Trạng nguyên”[5]. Thuần Đế Chu Kiến Thâm (1464-1487) mến tài lưu lại dạy Thái tử và phong tước “An Nam Vương quốc công”.

1.3. Qua đời:

Khi ông qua đời, ngày 26 tháng 8 năm Bính Thìn (1496) ở Bắc quốc, Lê Thánh Tôn sai Lê Bá Lộc đến Bắc Kinh rước hài cốt về. Bá Lộc đem loan giá rước linh thần, thần tượng về đến cửa ải, vua thân nghinh về đến Thăng long, triều đình phụng tế, Lê Thánh Tông viết một bài thơ khóc Trạng:

Chiếu thư thượng đế xuống đêm qua
Gióng khách chương đài kiếp tại nhà
Cẩm tú mấy hàng về động ngọc
Thánh hiền ba chén ướt hồn hoa
Khí thiên đã lại thu sơn nhạc
Danh lạ còn truyền để quốc gia
Khuất ngón tay than tài cái thế
Lấy ai làm Trạng nước Nam ta.



1.4. Vợ và con:

Ông lấy 2 vợ:

- Chính thất sinh hai trai: Con lớn huý Trinh Túc, tự Thế Côi (Cốc)[6] làm Ái châu Hiến sát sứ. Con thứ huý Thế Khôi tự Chiêu Trưng[7] làm Hoan châu Đô đốc.

- Thứ thất (là con gái Như tướng công, lấy khi ông lưu sứ bên Tầu) sinh được 3 trai: Thế Oánh, Thế Oanh, Thế Huỳnh, lưu cư ở Trung Quốc.

Hậu duệ:

Trưởng nam: Lương Trinh Túc (Thế Cốc) sinh 2 trai là Thế Thời và Thế Hùng. Thời sinh Thế Thái. Thái sinh 4 trai: Thế Hoà, Thế Thuận, Thế Bật, Thế Hựu. Vào thời nhà Mạc, vua Mạc nghe Lương Hữu Nhược (tức Thế Thuận) cực kỳ thông minh đang phò Lê Trang tôn ở Ailao làm trung lương danh tướng, Mạc tróc nã, Thế Hựu bị Mạc bắt, tôn tộc ly cư, có những chi nhánh khác chẳng biết ở đâu. Chỉ có Thế Hoà dời về Bắc Ninh sinh 4 trai: Thế Đạt (Quỳ?), Thế Hiển, Thế Tá, Thế Định. Ba đời ở Bắc Ninh, Thế Đạt sinh một trai là Thế Dụ. Đến đời Hậu Lê về quê cũ Cao Hương, phụng thủ từ đường, tu tạo cửa nhà, soạn phả ký để lại cho con cháu. Nay thôn Cao Hương, xã Liên Bảo, Vụ Bản, tỉnh Nam Định được suy là đại tôn vì vậy.

Thứ nam: Lương Thế Khôi (Chiêu Trưng) con của chính thất: Thế Kỳ, Thế Phụ, Thế Dực ly cư chẳng biết ở đâu; con thứ thất là Thế Khải lưu cư tại Hội Triều sinh ra dòng họ Lương tại đây.

Trong số hậu duệ, nổi danh có Lương Đắc Bằng là tằng tôn của Đô đốc Hoan Châu Lương Thế Khôi[8].

2. Giai thoại:

Có nhiều giai thoại về cụ Trạng, sau đây là một vài giai thoại sưu tầm được:

2.1. Về thế đất:

Ông nội Lương Thế Vinh là Lương Thế Nghệ (Ngại), người nhân hoà, thuần phát, biết nhiều về cầm, hoạ. Cụ sinh một trai là Lương Thế Triệu. Sau khi Cụ mất Công Triệu đặt mả cha ở Cao Hương. Một hôm có người khách phương Bắc đi qua biết sau khi quan sát âm phần và dương cơ nhà họ Lương liền nói: mộ tọa Càn hướng Tốn có Văn tinh cát huyệt, dương cơ sơn thuỷ hữu tình, trước có “tốn bút lâm giang” lại có “sơn thuỷ trùng trùng”, cuộc này " kế thế anh hùng" lại có âm phần đời đời khoa giáp, đại phát tam khôi. Rồi khách bảo ông Triệu "Ông nhiều phúc hậu, sau sinh quý tử". Ấy là chỉ vào việc ngày mồng Một tháng Tám Tân Dậu sinh Lương Thế Vinh - "Hoa tiên thần đồng", "Lưỡng quốc Trạng nguyên" sau này.

2.2. Tài năng thiên bẩm:

Từ bé, Lương Thế Vinh đã nổi tiếng trong việc học, việc chơi. Vinh học rất mau thuộc, mau hiểu mà chơi cũng rất tài tình, sáng tạo.

Cậu rất thích thả diều, nhưng diều của Vinh thường vẫn lên cao hơn, có hình dáng khác lạ. Không hẳn "cánh thoi" mà cũng không giống "cánh tiên". Vinh cắt một khúc dây mướp đã già cỗi, chẻ và vót mỏng thành một cái mang rồi căng trên một thanh tre mảnh uốn cong hình chữ U thành một cái "Ve". Buộc chiếc ve này lên diều rồi thả lên trời. Gió thổi, màng rung lên kêu ve ve nghe rất thích. Cậu còn làm hai, ba cái "ve" to nhỏ khác nhau buộc thành một bộ. Khi thả diều, tiếng trầm xen kẻ tiếng bổng rất du dương vui tai, người lớn cũng say mê lắng nghe.

Cùng đi câu cá với bạn bè , nhưng bao giờ cậu cũng được nhiều cá hơn, cá to hơn. Nhìn chiếc bẫy người lớn bẫy chuột, cậu liền nghĩ ra chiếc bẫy nhỏ xíu để bẩy chim trả khá tinh vi làm người lớn phải ngạc nhiên, thán phục.

Người thời đó gọi cậu là "thần đồng", tiếng dùng để chỉ những người giỏi như "thần" ở tuổi nhi đồng. Nhưng bọn trẻ chả hiểu "thần đồng " là gì. Chúng ngỡ Thế Vinh hay câu cá, thả diều, bẫy chim, chăn trâu ngoài đồng nên người ta gọi là "thần" ở ngoài "đồng". Rồi một chuyện sau đây xảy ra, khiến bọn trẻ tưởng cậu là "thần thánh " thực sự .

Hôm đó cậu đem một trái bưởi ra bãi tha ma làm quả bóng để các bạn cùng chơi. Bổng quả bưởi lăn xuống một trong những cái hố bên mép bãi người ta đào để ngăn trâu bò khỏi phá lúa. Cái hố rất hẹp lại rất sâu không xuống mà cũng không với tay lấy lên được. Bọn trẻ tưởNg thế là mất đồ chơi. Nhưng Lương Thế Vinh nghĩ một lát, rồi mới hớn hở rủ bạn ra chỗ nong nước bên ngòi mượn vài chiếc gầu giai đi múc nước đổ xuống hố. Bọn trẻ không hiểu Vinh làm thế để làm gì. Nhưng lát sau, thấy Vinh cúi xuống cầm quả bưởi lên, chúng rất sửng sốt phục tài Vinh.

Từ đó, trẻ con trong làng truyền nhau rằng Lương Thế Vinh là thần, có một câu "thần chú" hay lắm, có thể gọi được những vật vô tri như quả bưởi lại với mình.

Thực ra thì khi Vinh trèo cây hái bưởi bên bờ ao, sẩy tay cậu làm rơi quả bưởi xuống nước tưởng mất. Nhưng khi nhìn thấy bưởi nổi lên trên mặt ao. Vinh đã lấy cành che chòi vào và đem ra bãi chơi. Lúc quả bưởi lăn xuống hố, cậu đã chợt nhớ lại và nghĩ ra cách lấy nước đổ xuống cho bưởi nổi lên. Vốn thích thơ, ca hò, vè. Khom cúi xuống chờ bưởi, cậu vui miệng ứng khẩu đọc lẩm nhẩm : “Bưởi ơi bưởi , Nghe tao gọi , Lên đi nào , Đừng quên lối , Đừng bỏ tao...” Và bọn trẻ nghĩ răng Vinh đọc "thần chú ". Thực ra, Lương Thế Vinh đã nghĩ ra cách lấy bóng lên bằng việc đổ nước vào hố và lợi dụng việc bóng nổi trên nước theo định luật về lực đẩy Archimedes (Αρχιμήδης, 287 tCn-212 tCn) để lấy lại quả bóng.

Chính nhờ thông minh, láu lỉnh của Thế Vinh đã làm một chủ nợ nể phục và xoá nợ cho bố mẹ ông. Chuyện rằng, có lần, người bố là Lương Thế Thiện đi vắng, chủ nợ đến đòi tiền, thấy cậu bé Vinh đang chơi trò nặn đất ở sân, liền hỏi:
- Bố mẹ đi đâu?
Vinh làm thinh không trả lời. Chủ nợ hỏi lại, cậu mới đáp:
- Bố, mẹ tôi đã đi khắc có việc, ông hỏi làm gì?
Chủ nợ cứ gặng hỏi đi đâu, bao giờ về... Cuối cùng, Vinh mới trả lời, giọng tỉnh khô:
- Bố tôi đi giết một người sống. Mẹ tôi đi cứu một người chết.
Chủ nợ ngơ ngác, không hiểu đầu đuôi thế nào, nên cứ hỏi mãi. Thấy Vinh im lặng, chủ nợ dỗ:
- Nếu mày nói thật, ta sẽ trừ cho khoản nợ trước kia bố mẹ mày vay.
Bấy giờ Vinh mới vui vẻ đáp:
- Nếu vậy thì ông in ngón tay vào bánh đất này để làm bằng.
Người chủ nợ vì tò mò muốn biết, nên cũng thử chiều ý cậu bé xem sao.
Lúc ấy Vinh mới vừa mỉm cười, vừa nói:
- Bố tôi đi nhổ mạ. Mẹ tôi đi cấy lúa!
Lúc này chủ nợ mới vỡ lẽ, trong lòng thầm thán phục Lương Thế Vinh là đứa trẻ khôn ngoan.

Ngày hôm sau chủ nợ lại đến đòi. Bố mẹ Vinh chưa biết nói sao, thì Vinh đã giơ đồ chơi bằng đất cho mọi người xem và nói:
- Hôm qua ông đã hứa xoá nợ cho nhà tôi rồi kia mà? Dấu tay ông in còn đây này?
Người chủ nợ giật mình, nói với ông Thiện:
- Tôi mừng cho ông bà có cháu bé rất thông minh. Tôi xin biếu khoản nợ để gia đình lo cho cháu học sớm, sau này chắc thế nào cũng chiếm được khôi nguyên.

2.3. Phương pháp học khoa học:

Vốn rất thông minh, Lương Thế Vinh biết kết hợp rất khéo giữa chơi và học, nên từ nhỏ Vinh học rất thoải mái lại đạt kết quả cao. Vinh học đến đâu, hiểu đến đấy, học một mà biết mười. Khi đã ngồi học thì tập trung tư tưởng rất cao, luôn muốn thực nghiệm những điều đã học vào đời sống. Trong khi vui chơi như câu cá, thả diều, bẫy chim, Vinh luôn kết hợp với việc học. Lúc thả diều, Vinh rung dây diều để tính toán, ước lượng chiều dài, chiều cao. Khi câu cá, Vinh tìm hiểu đời sống các sinh vật, ước tính đo lường chiều sâu ao hồ, chiều rộng sông ngòi... và kiểm tra lại bằng thực nghiệm. Vinh nghĩ ra cách đo bóng cây mà suy ra chiều dài của cây.

Chuyện rằng thuở còn nhỏ, một lần Lương Thế Vinh cùng chúng bạn ngồi hóng mát dưới một gốc cây cổ thụ. Cả bọn thách đố nhau làm thế nào để biết được cây cao - thấp. Một số cho rằng chỉ có cách là trèo lên ngọn cây, rồi dùng dây thòng xuống đất mà đo. Riêng Lương Thế Vinh cho rằng không cần trèo, đứng dưới đất vẫn có thể đo được. Cậu lấy chiếc gậy cầm ở tay đo xem dài ngắn bao nhiêu, đoạn dựng gậy lên mặt đất và đo chiều dài bóng gậy. Tiếp đến cậu đo bóng cây và sau một lát nhẩm tính, cậu đã tìm được chiều cao của cây. Bọn trẻ không tin bèn dùng thừng nối lại, buộc hòn đá phía dưới, rồi trèo lên tít ngọn cây dong thừng xuống đất để đo. Kết quả, đúng như Vinh đã tính[9].

Người đời còn truyền lại câu chuyện so sánh ông với Quách Đình Bảo cũng là người nổi tiếng về thông minh, học giỏi ở vùng Sơn Nam (ngày nay thuộc Thái BìnhNam Định). Khi sắp đến kỳ thi của triều đình, Quách Đình Bảo thì ngày đêm dùi mài kinh sử quên ngủ, quên ăn; còn Vinh thì thư giãn, thả diều cùng bạn bè. Một hôm, sắp đến kỳ thi, Lương Thế Vinh tìm sang làng Phúc Khê bên Sơn Nam hạ để thăm Quách Đình Bảo, toan bàn chuyện cùng lên kinh ứng thí. Đến làng, Vinh ghé một quán nước nghỉ chân. Tại đây Vinh nghe người ta nói là Quách Đình Bảo đang ngày đêm dùi mài kinh sử quên ngủ, quên ăn. Chắc chắn kỳ này Bảo phải đứng đầu bảng vàng. Vinh cười nói:

- Kỳ thi đến nơi mà còn chúi đầu vào quyển sách, cố tụng niệm thêm vài chữ. Vậy cũng gọi là biết học ư? Ta có đến thăm cũng chẳng có gì để bàn bạc .
Vinh nói thế rồi bỏ ra về.
Quách Đình Bảo nghe được chuyện trên, gật gù:
- Người đó hẳn là Lương Thế Vinh, ta phải đi tìm mới được!

Thế là Quách Đình Bảo chuẩn bị khăn gói, tìm đến Cao Hương thăm Lương Thế Vinh. Chắc mẩm đến nhà sẽ gặp ngay Vinh đang đọc sách, nhưng Vinh đi vắng, người nhà bảo Vinh đang chơi ngoài bãi. Quách Đình Bảo ra bãi tìm, quả thấy Vinh đang thả diều, chạy chơi cùng bạn bè, rất ung dung thư thái. Bảo phục lắm tự nói với mình: "Người này khôi ngô tuấn tú, phong thái ung dung, ta có học mấy cũng không thể theo kịp".

Quả nhiên, kỳ thi đó Quách Đình Bảo đỗ đầu nhưng đến khoa thi Đình (kì thi Quốc gia) Quý Mùi năm Quang Thuận thứ tư, đời vua Lê Thánh Tông (1463) Lương Thế Vinh đỗ trạng nguyên (đỗ đầu), Quách Đình Bảo chỉ đỗ thám hoa (đỗ thứ 3). Năm ấy Lương Thế Vinh mới hăm hai tuổi.

2.4. Ứng dụng toán học giữ thể diện quốc gia:

Ông có tài ngoại giao, thường giúp cho nhà vua việc văn từ bang giao với nước ngoài. Ngày xưa, vua quan Trung Quốc thường cậy thế nước lớn, coi thường nước ta, cho nước ta là man di, mọi rợ. Về tinh thần bất khuất của cha ông ta thì chúng đã được nhiều bài học. Nhưng về mặt khoa học thì chúng chưa phục lắm. Chính Cách cân voi và Đo bề dày tờ giấy độc đáo của ông khiến sứ thần Hán tộc phải nể phục.

Một lần sứ nhà Minh là Chu Hy sang nước ta, vua Thánh Tông sai Lương Thế Vinh ra tiếp. Hy nghe đồn Lương Thế Vinh không những nổi tiếng về văn chương âm nhạc, mà còn tinh thông cả toán học nên mới hỏi:

- Có phải ông làm sách Đại thành toán pháp, định thước đo ruộng đất, chế ra bàn tính của nước Nam đó không?
Lương Thế Vinh đáp:
- Dạ, đúng thế!
Nhân có con voi rất to đang kéo gỗ trên sông, Chu Hy bảo:
- Trạng thử cân xem con voi kia nặng bao nhiêu!
- Xin vâng!
Dứt lời, Vinh xăm xăm cầm cân đi cân voi.
- Tôi xem chiếc cân của ông hơi nhỏ so với con voi đấy! - Hy cười nói.
- Thì chia nhỏ voi ra! Vinh thản nhiên trả lời!
- Ông định mổ thịt voi à? Cho tôi xin một miếng gan nhé!
Lương Thế Vinh tỉnh khô không đáp. Đến bến sông, trạng chỉ chiếc thuyền bỏ không, sai lính dắt voi xuống. Thuyền đang nổi, do voi nặng nên đầm sâu xuống. Lương Thế Vinh cho lính lội xuống đánh dấu mép nước bên thuyền rồi dắt voi lên. Kế đó trạng ra lệnh đổ đá hộc xuống thuyền, thuyền lại đầm xuống dần cho tới đúng dấu cũ thì ngưng đổ đá.
Thế rồi trạng bắc cân lên cân đá. Trạng cho bảo sứ nhà Thanh:
- Ông ra mà xem cân voi!
Sứ Tàu trông thấy cả sợ, nhưng vẫn tỏ ra bình tĩnh coi thường. Khi xong việc, Hy nói:

- Ông thật là giỏi! Tiếng đồn quả không ngoa! Ông đã cân được voi to, vậy ông có thể đo được tờ giấy này dày bao nhiêu không?

Sứ nói rồi xé một tờ giấy bản rất mỏng từ một cuốn sách dày đưa cho Lương Thế Vinh, Hy lại đưa luôn một chiếc thước.
Giấy thì mỏng mà li chia ở thước lại quá thô, Vinh nghĩ giây lát rồi nói:
- Ngài cho tôi mượn cuốn sách!
- Sứ đưa ngay sách cho Lương Thế Vinh với vẻ không tin tưởng lắm.
Lương Thế Vinh lấy thước đo cuốn sách, tính nhẩm một lát rồi nói bề dày tờ giấy.

Kết quả rất khớp với con số đã viết sẵn ở nhà. Nhưng sứ chưa tin tài Lương Thế Vinh, cho là ông đoán mò. Khi nghe Vinh nói việc đo này rất dễ, chỉ cần đo bề dày cả cuốn sách rồi chia đều cho số tờ là ra ngay kết quả thì sứ ngửa mặt lên trời than: "Danh đồn quả không sai. Nước Nam quả có lắm người tài!"

2.5. Với vua Lê Thánh tông:

Lương Thế Vinh thuở bé nghịch ngợm nổi tiếng. Ông hay tắm sông hồ thành thử bơi lội rất giỏi. Lê Thánh Tông nhà Lê biết rõ chuyện ấy, nên một hôm đi chơi thuyền có Lương Thế Vinh và các quan theo hầu, Vua liền giả vờ say rượu ẩy Vinh rơi xuống sông, rồi cứ cho tiếp tục chèo thuyền đi. Không ngờ khi xuống nước Lương Thế Vinh lặn một hơi đi thật xa, rồi đến một chỗ vắng lên bờ ngồi núp vào một bụi rậm chẳng ai trông thấy. Lê Thánh Tông chờ mãi không thấy Vinh trồi đầu lên, bấy giờ mới hoảng hồn, vội cho quân lính nhảy xuống tìm vớt, nhưng tìm mãi cũng chẳng thấy đâu. Vua hết sức ân hận vì lối chơi đùa quá quắt của mình, chỉ muốn khóc, thì tự nhiên thấy Vinh từ dưới nước ngóc đầu lên cười ngất. Khi lên thuyền rồi, Vinh vẫn còn cười. Thánh Tông hỏi mãi, cuối cùng Vinh mới tâu:

"Thần ở dưới nước lâu là vì gặp phải một việc kỳ lạ và thú vị. Thần gặp cụ Khuất Nguyên[10], cụ hỏi thần xuống làm gì?. Thần thưa dối là thần chán đời muốn chết”.
Nghe qua, cụ Khuất Nguyên tròn xoe mắt, mắng thần:
"Mày là thằng điên!. Tao gặp Sở Hoài Vương và Khoảng Tương Vương hôn quân vô đạo, mới dám bỏ nước bỏ dân trầm mình ở sông Mịch La. Chứ mày đã gặp được bậc thánh quân minh đế, sao còn định vớ vẩn cái gì?". Thế rồi cụ đá thần một cái, thần mới về đây!".

Lê Thánh Tông nghe xong biết là Lương Thế Vinh nịnh khéo mình, nhưng cũng rất hài lòng, thưởng cho Vinh rất nhiều vàng lụa.

Một lần Vua đi kinh lý vùng Sơn Nam hạ, ghé thăm làng Cao Hương, huyện Vụ Bản, quê hương của Trạng, lúc bấy giờ Lương Thế Vinh cũng đang theo hầu Vua. Hôm sau vua đến thăm chùa làng gặp lúc sư cụ đang bận tụng kinh. Bỗng sư cụ đánh rơi chiếc quạt xuống đất. Vẫn tiếp tục tụng, sư cụ lấy tay ra hiệu cho chú tiểu cúi xuống nhặt, nhưng một vị quan tùy tòng của Lê Thánh Tông đã nhanh tay nhặt cho sư cụ. Vua Lê Thánh Tông trông thấy vậy, liền nghĩ ra một vế đối, trong bữa tiệc hôm đó đã thách các quan đối. Vế ấy như sau:
“Ðường thượng tụng kinh sư sử sứ”...Nghĩa là: Trên bục tụng kinh nhà sư sai khiến được quan. Câu nói này oái ăm ở ba chữ “sư sử sứ”. Các quan đều chịu chẳng ai nghĩ ra câu gì.

Trạng nguyên Lương Thế Vinh cứ để họ suy nghĩ, ung dung ngồi uống rượu chẳng nói năng gì. Vua Lê Thánh Tông quay lại bảo đích danh ông phải đối , với hy vọng đưa ông đến chỗ bí. Nhưng ông chỉ cười trừ. Một lúc ông cho lính hầu chạy ngay về nhà mời vợ đến. Bà Trạng đến, ông lấy cớ quá say xin phép vua cho vợ dìu mình về. Thấy Vinh là một tay có tài ứng đối mà hôm nay cũng đành phải đánh bài chuồn, nhà vua lấy làm đắc ý lắm, liền giục:

- Thế nào? Ðối được hay không thì phải nói đã rồi hẵng về chứ?.
Vinh gãi đầu gãi tai rồi chắp tay ngập ngừng:
- Dạ... muôn tâu, Thần đối rồi đấy ạ!
Vua và các quan lấy làm lạ bảo Vinh thử đọc xem. Vinh cứ một mực:" Ðối rồi đấy chứ ạ!" hoài.
Sau nhà vua gạn mãi, Vinh mới chỉ tay vào người vợ đang dìu mình, mà đọc rằng:

“Ðình tiền túy tửu, phụ phù phu”.Nghĩa là: Trước sân say rượu, vợ dìu chồng và cái chỉnh của vế đáp là ở 3 chữ: “phụ phù phu”.

Nhà vua cười và thưởng cho rất hậu.

Lại hôm khác, lúc chầu trong triều, vua hớn hở nói với Vinh:
- Trẫm có nhiều con trai, việc thiên hạ không việc gì phải lo ngại nữa!Lương Thế Vinh tâu:
- Lắm con trai là lắm giặc. Không lo sao được!
Vua lấy làm lạ hỏi:
- Ta không rõ sao lại thế?
Trạng tâu không úp mở:
- Ngôi báu chỉ có một. Bệ hạ có nhiều con trai càng có nhiều sự tranh giành ngôi báu. Như vậy phải lo lắm chứ!

Đúng như lời tiên đoán của ông. Sau đó con cháu nhà vua tranh giành ngôi thứ, chém giết lẫn nhau, làm cho triều chính đổ nát, trăm họ lầm than. Chỉ ba chục năm sau khi Thánh Tông mất, Mạc Đăng Dung đã nhân cơ hội mà cướp ngôi nhà Lê.

2.6. Răn dạy các quan:

Lương Thế Vinh rất ghét những viên quan hống hách, hà hiếp nhân dân. Ra làm quan, Lương thế Vinh là một bậc đại sĩ phu thanh liêm cương trực, chỉ trong 4 năm làm quan trong triều đã ba lần viết hặc tấu khiến nhà vua phải cách chức ba tên ba đại thần vì tội tham nhũng, ăn hối lộ, và vô luân.

Bữa ấy, ông đi thăm bạn bè, ngồi nghỉ chân ở quán nước bên đường. Bỗng thấy một đoàn rước quan huyện đi qua. Dân trong vùng đều biết viên quan này thường hay bắt người dọc đường khiêng cáng, bèn bảo nhau trốn chạy cả. Vì không biết lệ đó nên ông cứ ung dung ngồi nghỉ đến khi tên lính hầu của quan huyện bắt ra khiêng cáng.

Lương Thế Vinh khúm núm bước lại ghé vai khiêng cáng. Khi cáng quan đi đến chỗ bùn lội, ông làm như vô tình trượt chân văng cáng, hất quan huyện ngã chỏng gọng giữa vũng, áo, mũ, cân đai bê bết bùn.

Quan huyện đỏ tím mặt mày vì giận, đang toan định đổ cơn thịnh nộ lên đầu kẻ hầu hạ mình thì trạng vẫy người đi đường, nói lớn:

- Bác gọi hộ anh học trò tôi là thám hoa Văn Cát ra khiêng hầu võng quan huyện thay thầy.
Quan huyện xanh xám mặt mày, cuống quýt quỳ mọp xuống bùn lạy như bổ củi, xin quan trạng tha tội cho.
Lương Thế Vinh nhẹ nhàng lấy lời răn dạy, từ đó viên quan huyện chừa thói hống hách với dân.

3. Nhà giáo dục tâm huyết:

Lương thế Vinh còn là một nhà giáo dục giỏi. Ông có nhiều học trò giỏi đỗ cao, làm quan lớn. Với học trò nào ông cũng dạy về lòng yêu dân, đức khiêm tốn. Ông đã đề nghị nhà vua cải cách việc học hành thi cử, đưa việc học xuống tận nông thôn, cần quan tâm đến cả việc dạy tri thức và đạo đức. Ông là người đứng đầu Viện Hàn lâm, đồng Bí thơ giám trông coi kho sách của nhà vua, dạy học ở Quốc tử giám, còn là Tư huấn của Sùng văn quán và Tú Lâm cục, là những trường đào tạo nhân tài. Đặc biệt, vượt lên lối học “tầm chương trích cú” thông thường hồi đó, Lương Thế Vinh rất chú trọng đến môn toán, đến việc dạy toán và học toán. Bản cửu chương và bàn tính của ông rất thông dụng trong công sở và trong nhân dân. Dân quý mến gọi ông là Trạng Lường, tức là ông Trạng giỏi tính toán, đo lường.

Ông đã biên soạn cuốn “Toán pháp đại thành” dày 160 trang, là cuốn sách giáo khoa toán đầu tiên ở nước ta. Cuốn sách đã tổng kết kiến thức tính toán của thời đó và cả những phát minh của chính bản thân ông. Lương Thế Vinh đã viết đề tựa, nêu mục đích của cuốn sách như sau

“ Trước thời cho biết cách đo lường
Tính toán bình phân ở cửu chương
Thông hay mọi nhẽ điều vinh hiển
Học lấy cho tinh giúp thánh vương!”.

Đặc biệt, ở mỗi phần, mỗi phương pháp, ông đều có bài thơ Nôm cho người đọc dễ nhớ. Chẳng hạn, cách tính diện tích hình thang, ông viết:
Tam giác bị cụt đầu
Diện tích tính làm sao?
Cạnh trên, cạnh dưới cộng vào
Đem nhân với nửa bề cao khắc thành.

Hay khi cộng hai phân số cùng mẫu số, ông viết:
Cộng hai phân số cùng số dưới (mẫu số)
Cứ cộng phần trên (tử số) lại với nhau.

Ngoài ra còn cuốn “Khải minh Toán học” và nhiều ý kiến về toán, cải cách giáo dục.

Một trong những học trò của ông là Bảng nhãn[11] Lương Đắc Bằng và chính Lương Đắc Bằng là thày học của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (阮秉謙, 1491-1585) nổi tiếng.

4. Nhà Toán học tài năng:

Có lần Lương Thế Vinh đến một khúc sông, thấy mấy người đang bàn tính nhau tìm cách đo chiều rộng của con sông để bắc cầu. Hôm đó nước sông rất to và chảy xiết, nên không thể bơi qua. Lương Thế Vinh bèn góp ý:

- Không cần sang sông làm gì. Các ông tìm cho tôi mấy cái cọc, tôi sẽ đo giúp.

Lúc đầu mấy người tưởng ông nói đùa, không tin. Nhưng chỉ sau một lúc đóng cọc, ngắm nghía và tính toán, ông đã cho họ biết khúc sông rộng bao nhiêu thước. Thì ra từ thời đó, Lương Thế Vinh đã biết đến kiến thức về tam giác đồng dạng...

Chính Lương Thế Vinh đã đặt ra bài toán, nguyên văn: “Kim hữu gia kê nhất đại quần Đình tiền tụ thực tẩu phân phân Nhất bùng tam phụ, phụ ngũ tử Nhất bách thất thập nhất đầu thân Số nội kỷ đa hùng, phụ tử Vấn quân bổ toán đắc tường vân?”. (Nghĩa là: Nay có gia đình nhà gà quây quần đông đủ, tụ tập ăn thóc trước sân, chúng chạy nhảy lung tung. Cứ một con gà trống có ba con gà mái, một con gà mái có 5 con gà con. Đếm đi đếm lại tất cả được 171 vừa đầu vừa thân. Trong số đó có bao nhiêu gà trống, gà mái, gà con, hỏi anh có tính toán rõ ràng được không?).

Ông từng nói: “Thần cơ diệu toán vạn niên sư” (nghĩa là: Ai tính toán giỏi là người thầy muôn đời)[12]. Với suy nghĩ đó, ông đã dành nhiều tâm huyết để biên soạn sách Đại thành toán pháp – tổng kết những kiến thức toán của thời đó và cả những phát minh của ông.

Về bàn tính cổ ở Việt Nam, những nhà nghiên cứu đều cho rằng chính Trạng nguyên Lương Thế Vinh là người đã chế ra bàn tính gẩy đầu tiên. Những chiếc bàn tính gẩy đầu tiên được ông chế ra lúc đầu bằng đất rồi bằng trúc, sau làm bằng gỗ, sơn mầu khác nhau vừa đẹp,vừa dễ tính, dễ nhớ.

Lần đầu tiên ở thế kỷ XV, có cuốn sách dạy các kiến thức về số học như các phép cửu chương (nhân) các phép bình phương (khai căn), đồng phân (chia đều), phương pháp đo lường bóng (phương pháp tam giác đồng dạng), hệ thống đo lường (cách cân, đong, đo, đếm…); cách đo điền, đo diện tích các hình vuông, chữ nhật, tam giác, hình tròn…

5. Nhà văn hoá lớn:

Ngoài chức quan giáo dục, ông còn làm Hàn Lâm viện thị giảng, Nhập thị kinh diên, làm tư vấn ở Sùng Văn quán, giữ chức Sái phu (sửa chữa và bình phẩm thơ văn) trong hội Tao Đàn của vua Lê Thánh Tông. Hội Tao Đàn có 28 người Lương Thế Vinh giữ chức vụ phê bình sửa chữa các bài văn thơ trong hội.

Lương Thế Vinh để lại 2 bài phú bằng chữ Hán, soạn nhiều bài ký các bia Tiến sỹ ở Văn Miếu, soạn bài ký chùa Diên Hựu (tức chùa Một cột ở Thăng Long).

Lương thế Vinh còn có những công trình về âm nhạc như bộ Đồng Văn chuyên hợp xướng và bộ Nhã nhạc chuyên hòa tấu bằng nhạc khí, dùng trong quốc lễ và triều hội. Tác phẩm Hý phường phả lục của ông là tác phẩm lí luận đầu tiên về nghệ thuật sân khấu chèo ở nước ta.

Cuối đời, Lương thế Vinh về trí sĩ ở quê nhà và soạn cuốn “Thích điển giáo khoa Phật kinh thập giới”, chú giải hai tác phẩm “Nam tông tự pháp đồ” và “Thiền môn giáo khoa” của sơ Thường Chiếu đời Lý .

6. Bài thi đình của Lương Thế Vinh

Nguồn gốc: Tú tài Trần Văn Tước người làng Cao Phương, xã Liên bảo, huyện Vụ Bản chép. Con là cụ Trần Văn Phu ở số nhà 70 phố Cầu Gỗ Hà Nội chép tặng lại đền thờ Lương Thế Vinh. Hiện ông thủ từ Nguyễn Văn Huyên người làng Cao Phương giữ.

Người dịch: Bùi Văn Tam .
Hiệu đính: Cụ Nguyễn Ước.

“....Thần cúi đầu xin đọc:
Sách thánh nói: Nhà nước ta đặt quan chức, lớn nhỏ cùng mối, trong ngoài nối nhau. Bàn việc cơ mật có Mội mật viện. Giữ các miền có Ngũ đạo quan. Xử kiện tụng có Ngũ hình viện. Chức củ sát có Ngự sử đài, nắm lễ nhạc có Lễ nghi viện. Đào tạo nhân tài có trường học của nước của lộ. Coi giữ kho tàng xây dựng có Nội thị tỉnh. Giữ các nơi xa có các quan phủ, lộ, trấn, huyện. Nắm phép quân có quan các vệ. Những chức việc đó đều vì dân mà ra vậy.
Thế mà, mọi việc làm chưa tốt, hình ngục vẫn phạm, kỷ cương chưa vững, lễ nhạc chưa hưng thịnh, nhân tài chưa nhiều, của cải chưa giàu, hàng hóa chưa lưu thông, đạo đức chưa nhuần thấm, quân dân còn oán trách, tệ xấu chưa trừ, việc tốt chưa thấy. Cớ sao?
Thần xin trình bày:
Trời dựng hoàng gia, lấy đức làm đầu. Thái Tổ Cao hoàng đế với trí dũng trời cho dẹp loạn ở đời, cứu muôn dân khỏi cảnh chết chóc, diệt trừ được chinh chiến mọi nơi. Trong buổi đầu dựng nứoc, thiết lập quan chế, rường mối rõ ràng, lớn nhỏ trong ngoài cùng một hệ thống, đều không ngoài vì dân mà dựng nên. Nói đến việc xếp đặt các quan cai trị lại cũng đều vì dân mà làm vậy.
Hơn nữa, đến đời Hoàng đế Thái Tông nối ngôi, thì quan chế lại càng rõ ràng. Tiếp đến, đời Hoàng đế Nhân Tông thì quan chế càng hoàn bị. Theo như kinh Thi nói: không thiếu không quên, đều làm như sách cũ; kinh dịch nói: Đại nhân kế thừa cái sáng mà tỏa ra khắp bốn phương, đều là như vậy đó.
Nay.
Bệ hạ nối nghiệp thiên thánh, xây dựng mở mang, thường khuyên quần thần làm hết chức trách, cần dùng người phải vì việc chung mà đưa lên, vỗ lớn thành giàu, làm rõ công chính là ở thời này vậy.
Thế mà bệ hạ vẫn lo là trị chưa được, còn muốn trị sâu sắc hơn, còn mong trị cấp thiết hơn.
Tấm lòng bệ hạ như vậy, khiến thần tuy bất tài, cũng không dám dấu giếm gì, xin dựa án tâu rằng:
Việc yên hay loạn là do các quan. Từ đó suy ra việc sửa mình hay không của các quan há chẳng liên quan đến việc yên hay loạn đó sao?
Theo thần, thì thời nay, cho rằng cả trăm quan đều không làm hết chức trách là không đúng nhưng nói rằng cả trăm quan đều làm hết chức trách thì cũng không đúng. Tại sao nói như vậy? Như Nội mật viện nắm các việc quan trọng nhà vua đã giao cho các tể thần trong coi, lại còn thêm các văn quan để giữ việc, thì các vị này không có cớ gì mà không làm, nhưng trong đó quả không có sai sót hay sao?
Lại như Ngũ đạo quan coi giữ các miền trong nước, bệ hạ đã căn dặn từng người lấy đạo lý để mà trị, lại cử người liêm khiết chăm chỉ làm chuyện đó. Trong họ tất có kẻ có tài, nhưng liệu họ có đều là những người làm hết chức trách hay không?
Do đó mọi việc chưa thể làm tốt hết được. Đến như việc hình luật, hình luật phải rõ ràng, đã rõ ràng thì không thay đổi được, đó là điều quan trọng của hình quan có thể biết được. Nay trong những người giữ việc ngũ hình, có ai tài giỏi như Thích Chi, Đới Trụ đời trước chưa? Cho nên hình ngục tất còn nhiều, còn có nhiều người sai phạm. Như trên núi có thú dữ thì không ai dám hái rau. Triều đình có quan lại chính trực tất gian tà không thể phạm được. Đó là điều quan trọng mà Giám quan có thể biết. Nay làm việc ở đài Gián cũng có người như vậy, cũng hiền tài như Trương Cương, Phạm Bằng, tất kỷ cương không thể không vững vàng. Việc cai trị yên dân trước phải có lễ, thay đổi phong tục, trước phải có nhạc, lễ nhạc là việc lớn vậy. Triều đình ta nắm giữ lễ nhạc vốn thuộc về Lễ nghi viện, việc này làm ở triều đình rất hay, đáng tiếc là chưa thực hành xuống tận dân quê. Việc giáo dục đào tạo người tài là do các trường của nước, của lộ, nhưng việc dạy chỉ chú ý đến văn nghệ, cái đáng lo là chưa dạy về đức hạnh. Lại nói đến việc làm giàu của cải, cũng chưa đến nơi đến chốn (Vua phê là đúng). Hàng hoá chưa lưu thông là do cấm lệnh chưa thi hành đầy đủ, chính là trách nhiệm của Nội thị tỉnh. Thần còn nghe các bậc tiên nho nói rằng: Người cầm lệnh là tướng soái của dân, phải theo đường đúng mà dẫn dắt dân. Cầm lệnh tốt hay không là có làm cho dân được an nhàn hay không? Do đó người cầm lệnh không thể không là nguời như vậy. Theo thần thời nay đương cầm lệnh, các quan ờ phủ lộ trấn huyện, người làm hết chức trác thì ít, mà người làm không hết chức trách thì nhiều. Lấy việc giáo hóa mà nói, cũng chỉ mới xử án, mở khoa thi là cùng còn nói việc chăm dóc dân, thờ phụng người có công thì cũng làm trên sổ sách. Con hiếu cháu hiền, nghĩa phu tiết phụ triều đình phải quan tâm. Số đáng biểu dương hỏi được mấy người? Mẹ goá con côi không thể tự sinh sống, triều đìng phải giúp đỡ, nghe đâu không đến một vài người. Người trông coi việc này đã mấy ai làm tròn trách nhiệm. (Vua phê là đúng) Kinh Dịch lại viết: “Sư trinh đại nhân cát”. Lại viết: Người cầm đầu ra quân, tất phải nắm được quy luật chiến tranh, không thể không là người như vậy được. Thần lại nghĩ: Người có quyền thế, nắm giữ việc quân, xứng chức thì ít, không xứng chức thì nhiều. Tiếng là quan võ mà thông hiểu vũ lược được mấy người? Chức là quân quan mà kẻ am hiểu viêc quân được là bao? Thu thuếu nặng, là việc triều đình cấm mà sao vẫn thu lạm tiền nuôi quân. Nuôi nấng tử tuất là bản ý triều đình mà mấy ai được hưởng? Những người nắm việc quân này nào đã mấy người làm tròn chức trách. Đạo đức chưa nhuần thấm, quân dân còn oán giận, điều đó không thể tránh được. Cũng do đó điều xấu chưa trừ diệt mà điều tốt cũng không thấy hết được?
Thần cúi đầu xin đọc:
Thánh sách viết: Điều trọng yếu để cai trị, không ngoài sự hiểu rõ đạo thánh, chính nhân tâm, trừ dị đoan, nắm quan chức, bỏ tệ xấu, làm việc tốt, làm được những việc đó, tất phải có chước thuật của nó. Sĩ đại phu thông hiểu việc xưa nay, phải đem hiểu biết của mình viết thành sách để nhà vua xem.
Ôi!
Điều mà bệ hạ quan tâm đến đó không chỉ may mắn cho chính đạo mà cũng là may mắn lớn cho thiên hạ. Theo đạo thánh, không thể không sáng suốt, lòng người không thể không ngay thẳng, thì tà thuyết ắt phải bị trừ diệt, đó là điều quan trọng để trị vậy. Rõ ràng sự sáng suốt của đạo thánh, sự ngay thẳng của lòng người, chính là cái gốc để trừ diệt tà thuyết. Cần dùng nhân văn để giáo hoa thiên hạ, sự sáng suốt của đạo thánh chính là chỗ đó. Đạo thánh đã sáng suốt tất lý sẽ rõ ràng, mọi người đều hiểu. Lòng người đã ngay thẳng tất phân biệt được đúng sai, thì còn lo gì tai họa của đạo Phật Lão. Hàn Tử nói: người phải trở về bản chất con gười, phải đốt sách đi, phải nơi ở cũ, lấy đạo lý để làm sáng tỏ cái đạo của vua trước. Mạnh Tử viết: người quân tử phải trở về con đường chính, đường đi đã chính, tất dân sẽ hưng thịnh sẽ không sai phạm nữa, đó là điều phải làm. Đến ngay việc trị quan, không thể không cải cách, mà việc tốt tất phải làm, đều là những phương sách trị nước vậy. Mà việc nắm vững chính sự, nắm chắc các quan lại chính là cái gốc để trừ tệ xấu, làm điều tốt. Cần phải khảo tích, xem rõ đúng sai, việc nắm chắc các quan chức là như vậy. Chước thuật cần có chính là ở chỗ bệ hạ cùng triều đình phải đồng tâm nhất thể vậy (Vua phê: Việc trị nước không hết một câu này).
Kinh Dịch nói: Đầu óc sáng suốt, chân tay lanh lẹn mọi việc đều tốt đẹp, đó là nói về nhất thể vậy.
Thần mong muốn rằng:
Trên thì bệ hạ, dưới thì các quan trong triều đình như kinh Dịch nói trên dưới tất phải cùng một chí, như kinh Thư nói đầu óc chân tay tất phải cùng một thể. Vua thì không ngại tự sửa mình bầy tôi cũng không ngại tự sửa mình, thì chính sự sẽ được tốt đẹp, nhân dân đều thấm nhuầu đạo đức, còn lo gì không có cách để làm ngay thẳng lòng người trừ diệt tà thuyết, còn lo gì không có cách nắm vững các quan, trừ tệ xấu.
Ý kiến của thần là như vậy. Thần không biết lời nói có sai có ngông cuồng không nếu là lời nói của kẻ ngông cuồng, cũng xin thánh nhân chọn lựa.
Thần cúi đầu mong muốn:
Bệ hạ chọn được những điều cần chọn thì kẻ hạ thần vô cùng may mắn!
Thần kính cẩn xin dâng.


Lương Thế Vinh”

Như vậy, trong bài làm của mình, Lương thế Vinh đã trình bày đường lối chính sách của các bậc vua chúa xưa nay, mạnh dạn khen chê, thẳng thừng phê phán, nêu điều hay đáng học, vạch điều dở cần tránh, để xây dựng và bảo vệ đất nước, làm cho dân ấm no hạnh phúc.

Vua phê: “Quyển này rõ ràng không hổ danh là một bài đối sách, văn càng đọc càng thích thú”.

Khảo quan phụng phê: “Quyển này có học thức, xứng đáng đậu đầu”.

Các quan đọc quyển: Nguyễn Như Đỗ, Nguyễn Phục, Đào Tuấn, Nguyễn Vĩnh Tích, Nguyễn Bá Ký.

Và nhà vua đã cho Lương thế Vinh đậu Trạng nguyên, đứng đầu 44 vị Tiến sĩ.

7. Đánh giá của hậu thế:

Lương Thế Vinh qua đời ngày 26/8/1496 (Bính Thìn) cách đây nửa thiên niên kỷ. Cũng năm đó Lê Thánh Tông đã làm thơ nôm điếu Trạng, hết lời ca ngợi và thương tiếc: “Khuất ngón tay khen tài cái thế, Lấy ai làm Trạng nước Nam ta”. Lời ca ấy của vị Vua hiền đã qua 5 thế kỷ, ngày nay vẫn còn nguyên giá trị với Trạng nguyên Lương Thế Vinh. Sự nghiệp của Trạng nguyên Lương Thế Vinh thật là rực rỡ “Tài hoa danh vọng vượt bậc”. Lương Thế Vinh được vua ban sắc “Thượng Đẳng Phúc Thần”, hàm Đại Vương và nhân dân trong làng Cao Hương quý mến suy tôn là Phúc thần làng, giữ gìn phần mộ tại khu Mả Trạng .

Lương Đắc Bằng 梁得朋 (1472 - 1522), cháu họ của Trạng Lường, khi đến thăm nhà thờ Lương Thế Vinh ở Vụ Bản (Nam Định) tự hào về dòng họ Lương nhà mình đã đề câu đối để lại:
Trạng nguyên tổ, bảng nhãn tôn, Lương tộc danh đằng lưỡng quốc,
Đô đốc tiền, thượng thư hậu, quốc triều vị liệt tam công.

Tiến sĩ Hà Nhiệm Đại (1526-1595) đời nhà Mạc đã làm thơ vịnh Trạng, trong đó có 2 câu đánh giá:

Tài danh lừng lẫy vượt quần hiền,
Khoái trá văn chương miệng vẫn truyền.

Nhà Bác học Lê Quý Đôn (黎貴惇, 1726 – 1784) khen Lương Thế Vinh là người “tài hoa danh vọng bậc nhất”, nhất là lĩnh vực Toán học, đến nay người ta còn gọi là “Trạng Lường”.

Nhà toán học Phan Huy Ôn (1754-1786, nhà sử học, nhà toán học thời Hậu Lê) đã tôn vinh Trạng Lường trong quyển “Chỉ minh lập thành toán pháp” với những dòng nhận định chính xác:

Việt Nam sinh thánh trị trường
Nam Sơn, Thiên Bản, Cao Hương sinh hiền
Đĩnh sinh Lương thị trạng nguyên
Quán thông lục nghệ, Nam thiên văn tài
Soạn chương cửu thuật tính lai
Nhân thu tiết yếu bình, sai giản, trường
Cửu, bát, thất, lục, cửu chương
Tứ, tam, nhị, nhất hợp phương tính bài
Trứ minh cứ tiện kê khai
Xử kỳ toán sĩ, thuật lai sở cầu…

Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến (1835-1909) khi đến thăm viếng đền Trạng đã để lại một bài thơ đánh giá một cách chuẩn xác sâu sắc về cuộc đời và sự nghiệp, tính cách và tâm hồn Lương Thế Vinh trong đó có 2 câu:
Vượt lạch lên mây trí khác vời
Núi Nam Sao Đẩu một Người thôi.

Bức hoành phi 天下知名 “Thiên hạ tri danh” đặt ở chính đường đền thờ Lương Thế Vinh nói lên điều đó.

Gaần đây trêê "Nhất Chi Mai" Hiện nay nhiều trường học, đường phố ở các địa phương mang tên Trạng và có cả một giải thưởng mang tên Lương Thế Vinh giành cho học sinh PTTH. Lăng mộ và đền thờ của Ông đặt tại xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa của nước nhà.
-Lương Đức Mến (ST và BS)-


-Chú giải-

[1] Dựa trên các bài viết trên mạng và các cuốn Lịch sử Việt Nam và Phả ký họ Lương.
[2] Đoạn này chép theo: Họ Lương Hội Triều. Theo đó, trong khi dạy học trò, thấy Lương Thế Vinh (Cao Hương) thông minh, ông gọi và bảo: Anh có tài đức, sau sẽ nên người, con ta trưởng thành anh hảy dạy dỗ nó. Sau quả nhiên Thế Vinh đậu Trạng nguyên. Năm 12 tuổi, LĐB theo lời cha dặn đã thọ nghiệp nơi họ Lương ở Cao Hương.
[3] Nguyễn Đức Trinh (阮德貞, 1439-1472) người làng An Giới huyện Thanh Lâm (nay thuộc xã An Sơn huyện Thanh Hà tỉnh Hải Dương). Ông giữ chức Phó Đô Ngự sử và được cử đi sứ (năm 1471) sang nhà Minh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng chức Thượng thư.
[4] Quách Đình Bảo (郭廷寶, 1444-?) người làng Phúc Khê huyện Thanh Lan (nay thuộc xã Thái Phúc huyện Thái Thụy tỉnh Thái Bình). Ông giữ các chức quan, như Thượng thư Bộ Lại, Thượng thư Bộ Hình kiêm Đô Ngự sử, Thượng thư Bộ Lễ và được cử đi sứ (năm 1740) sang nhà Minh (Trung Quốc)
[5] Chính sử chép: trong 49 vị trạng nguyên của Việt Nam, có ba người được xưng tặng là "Lưỡng quốc Trạng nguyên", đó là: Mạc Đĩnh Chi triều vua Trần Anh Tông , Nguyễn Trực triều vua Lê Thái TôngNguyễn Đăng Đạo triều vua Lê Hy Tông không thấy ghi Lương Thế Vinh?
[6] Năm 1476 được phong Bình tây Đô đốc đại tướng quân cùng em là Thế Khôi Đô đốc Hoan châu làm phụng mạng đánh Chiêm Thành, lấy Gia Định, Khánh Hoà. Đến tháng 5 quân Xiêm La tấn công, ông bị bại ở Nam Điền, chiêu linh về quê gốc Cao Hương. Dân xã lập từ phụng tự, hằng năm ngày 6 tháng giêng rước tế, ngày 19 tháng 5 chính kỵ, các triều đình gia phong "Thượng đẳng tôn thần".
[7] Trong lần Nam chinh 1476 nói trên khi bị giặc vây bốn mặt, chính tướng Thế Côi cử em là phó tướng Thế Khôi về triều xin binh cứu viện nhưng ông về đến Hoan châu vui chơi ca hát. Khi Chính tướng đại chiến phá giặc về triều đến Hoan châu, Đông Thành, Hạnh Lâm thấy Phó tướng vui chơi ca hát, Chính tướng giết Phó tướng rồi quăng xác xuống sông. Khi xác trôi đến Triều Khẩu, có người con thứ (con bà hai) tên là Thế Khải (lúc đó 17 tuổi) theo đến nơi thấy mối trùm đùn lấp thây thành mồ. Người nơi ấy lập từ phụng thờ. Quốc triều gia phong "Thượng đẳng phước thần". Con cháu Thế Khải lưu cư tại nơi đó và lapạ nên dòng họ Lương làng Hội Triều, Hoằng hoá, tỉnh Thanh Hoá danh tiếng.
[8] Tôi soạn phần này theo Phổ ký họ Lương do cụ Lương Hữu Văn soạn năm Bảo Đại thứ 18 (1943) và Cửu phẫm Lương Ngọc Châu phụng sao. Theo đó thì Lương Đắc Bằng (1472 - 1522) gọi Lương Thế Vinh (1442-1496) bằng Cụ. Điều này cần xem lại bởi Lương Thế Vinh còn là thày dạy của Lương Đắc Bằng (năm LĐB 12 tuổi) và thời gian lại quá gần nhau. Hơn nữa trong Họ Lương Hội Triều do Đệ tam phái, Thứ chi (?) soạn tháng chín năm Quý Tỵ 1893 thì Cụ LĐB là Lương Danh Luật (không phải lương Thế Vinh), bố là Lương Hay (không phải Lương Thế Khải), ông là Lương Tông Huệ (không phải Lương Thế Khôi). Phải chăng Lương Đắc Bằng là cháu gọi Lương Thế Vinh bằng bác hay chú chứ không trực hệ.
[9] Ngày nay, cách tính chiều cao của cây mà Lương Thế Vinh đã áp dụng, chắc chắn các bạn học sinh chúng ta không lấy gì làm lạ. Nhưng cách đây gần 5 thế kỉ, khi ở châu Âu số người hiểu được định lí Pitago về cạnh tam giác vuông a2 + b2 = c2 chỉ mới đếm trên đầu ngón tay, thì việc Lương Thế Vinh tìm ra được tỉ lệ chiều cao của cây và chiều cao của chiếc gậy bằng tỉ lệ bóng của chúng trên mặt đất, là một sáng tạo, thể hiện nước ta ở thế kỉ XV đã có nhà toán học đầy tài năng.
[10] Khuất Nguyên - nhà thơ nổi tiếng, một vị trung thần nước Sở - do can ngăn vua Hoài Vương không được, đã uất ức ôm đá gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn. Hôm ấy đúng ngày mồng Năm tháng Năm. Thương tiếc người trung nghĩa, mỗi năm cứ đến ngày đó, dân Trung Quốc xưa làm bánh, quấn chỉ ngũ sắc bên ngoài (chủ ý khiến cá sợ, khỏi đớp mất) rồi bơi thuyền ra giữa sông ném bánh xuống cúng Khuất Nguyên.
[11] Năm Kỷ Mùi (1499) niên hiệu Cảnh thống đời Lê Hiến Tông, Lương Đắc Bằng thi Hội đậu Tiến sĩ, kinh nghĩa, thơ phú đều đậu đầu, khi vào đình thí vua hỏi về nhân tài, vương chính lại đứng đầu. Đến khi vào chầu tạ ơn vua, theo ý hoàng hậu thì Trạng nguyên phải là người trọng trấn, lại vì ông mới 22 tuổi nên vua mới hạ cho đậu Bảng nhãn, lấy ông Đỗ Lý Khiêm ở xã Ngoại Lãng huyện Thư Trì làm Trạng nguyên.
[12] Ngày nay một học sinh THCS cũng giải được theo cách giải hiện đại. Gọi số gà trống là x, vậy số gà mái là 3x, và số gà con là 15x. Theo đầu bài ta có: x + 3x + 15x = 171. Dễ dàng cho kết quả x= 171/9=9. Từ đó cho đáp số có 9 gà trống, 27 gà mái và 135 gà con.

2 nhận xét:

  1. Theo ông Hoàng Đình Khảm:
    ....
    - Câu trên: ông ( Lương thế Vinh ) là trạng nguyên, cháu ( Lương Đắc Bằng ) là bảng nhãn, họ Lương vang danh hai nước ( Việt Nam và Trung Quốc ).
    + Câu dưới: Người trước ( Lương thế Khôi ) làm đô đốc, người sau ( Lương hữu Khánh ) làm thượng thư, trong triều đình đều ở ngôi vị tam công.
    ...theo tộc phả họ Lương Hội Triều..., vậy thì làm sao bảng nhãn Lương Đắc Bằng có thể biết trước hàng mấy chục năm, từ khi con mình ( Lương hữu Khánh ) chưa được sinh ra, rằng sau này sẽ làm thượng thư mà ghi vào câu đối.
    ...

    Trả lờiXóa
  2. Bài này viết từ 2009 nên có những chi tiết chưa chuản. Ví dụ câu "Trạng nguyên tổ, bảng nhãn tôn,..." gán cho Bảng nhãn Lương Đắc Bằng!

    Trả lờiXóa

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!