[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


05 tháng 10 2009

Quốc lộ 70

Quốc lộ 70 liên quan mật thiết với sự hình thành và phát triển phái Lương Đức ở Lào Cai. Xuất phát điểm 5 hộ ở An Phong (km 36) dần nên mấy chục hộ sinh sống từ điểm cuối của con đường trên thành phố biên giới kéo xuống tới km 47. Con đường chiến lược này có một quá trình hình thành, phát triển, thay tên khá lý thú.

1. Lược sử đường bộ Việt Nam:

Thời Hùng Vương, phương tiện giao thông thủy là chủ đạo và đã in đậm nét trong sinh hoạt và đời sống nhân dân, trở thành đề tài nghệ thuật trang trí, thể hiện thành hoa văn trên mặt trống đồng.

Sử sách cũng cho biết: Mở đầu thiên niên kỷ thứ nhất, thời
Hai Bà Trưng (40 - 43) đường đi lối lại trong toàn bộ lãnh thổ Nam ViệtÂu Lạc cũ đã được thiết lập thông thương.

Dưới thời
phong kiến tự chủ, các tuyến giao thông mới được hình thành theo kiểu đường mòn, chỉ có người đi bộ và đi ngựa qua lại. Phương tiện đi lại thông thường là cáng hoặc kiệu, hành lý đều do phu khuân vác trên vai. Việc vận chuyển của một hành khách có hành lý thường phải đi thành đoàn. Việc vận chuyển thư từ, công văn khó khăn, chậm và bấp bênh, do một tổ chức gọi là trạm dịch đảm nhận.

Từ năm Quý Mùi 1043,
Lý Thái Tôn 李太宗; 1000 – 1054) đã cho phân chia các đường quan lộ ra từng cung , mỗi cung có đặt một nhà trạm gọi là cung dịch hay là trạm dịch, để chạy công văn. Nhà trạm chuyên coi việc chạy công văn, giấy tờ từ kinh thành ra các tỉnh, lại cùng làm nơi nghỉ chân, thay ngựa, thay phu của các quan chức sai đi các việc. Mỗi cung đường dài chừng 20 cây số. Hồ Quý Ly (胡季犛; còn có tên là Lê Quý Ly 黎季犛; 1336–1407) đã mở rộng thêm đường cái quan để thuận tiện việc giao thông liên lạc qua các nhà trạm.

Đến tận
thời Nguyễn các tuyến đường vẫn còn khá khó khăn. Trên một số đoạn mới có xe kéo và ô-tô loại nhẹ chạy được.

Sau khi
đánh chiếm nước ta, thực dân Pháp triển khai các chương trình đầu tư xây dựng, trước hết là xây dựng giao thông vận tải. Công việc xây dựng mạng lưới đường sắt được mở đầu bằng tuyến Sài Gòn - Mỹ Tho, đưa vào sử dụng ngày 20-7-1885, đến năm 1936 thì tuyến đường sắt xuyên Việt được nối liền. Hệ thống đường ô-tô bắt đầu xây dựng từ năm 1912 với 19 "đường thuộc địa" trên cả ba nước Đông Dương với chiều dài tổng cộng 9.166 km, hoàn thành năm 1925.

Trong những năm tiếp theo và trong 2 cuộc kháng chiến (1945-
1975) mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt đã lan tỏa đến trung tâm các huyện. Đặc biệt từ sau 1986 hệ thống đường sá phát triển nhanh mạnh và đến 2009 các xã và hầu hết các thôn đã có đường ô tô đến trung tâm.

2. Lịch sử Quốc lộ 70:

Theo “Kiến văn tiểu lục”
[1] của nhà bác học Lê Quý Đôn (黎貴惇, 1726 - 1784) thì nguyên đây là con đường mòn cổ mà từ thế kỉ XIII, quân Nguyên – Mông đã theo tuyến này từ Đại Lý (大理, Dàlǐ, 937-1274) tấn công xuống Đại Việt cùng với đường thủy theo Nguyên Giang 元江, tức sông Tây Đạo xưa mà nay là sông Hồng.

Sau đó đến thời
nhà Hậu Lê có khai thác thêm. Di chỉ được phát hiện năm 1992 tại Bắc Ngầm (km 38 đường Quốc lộ 70), gồm tám công cụ: hai chiếc rìu lưỡi ngang có nhiều vết đẽo nhỏ cẩn thận, bốn chiếc rìu lưỡi dọc và hai chiếc mũi nhọn được chế tạo từ những viên cuội hình bầu dục, một hòn cuội to lạ được ghè ba mặt. Xung quanh viên cuội này còn tìm được 21 mảnh tước. Tất cả có niên đại thuộc văn hoá khảo cổ học Sơn Vi đã minh chứng rằng nơi dọc tuyến này đã có người khai phá từ xã xưa.

Đây cũng là con đường chuyển quân, khí giới và lương thực trong
kháng chiến chống Pháp, nối liền Yên Bái với Lào Cai và được gọi là Quốc lộ 4. Khi Pháp tái chiếm toàn bộ Lào Cai (2/1948), Phong Niên (khi ấy kéo dài từ Km 17, Ải Dõng đến Km 38. Bắc Ngầm)[2] trở thành khu du kích có các tổ chức vũ trang hoạt động mạnh mẽ. Sau khi huyện uỷ Bảo Thắng được thành lập (15/10/1948) huyện uỷ đã phân công Nguyễn Đức Thắng sau là Nguyễn Tất phụ trách địa bàn tuyến đường 4 và nơi đây từng là nơi dừng chân của các cơ quan tỉnh, huyện khi bị tấn công mạnh (12/1949), là địa bàn hoạt động của Đại đội Thăng Bình (C670). Trong Chiến dịch Lao Hà (01/3-20/4/1949) một Tiểu đoàn của Trung đoàn 165 do Sơn Tùng chỉ huy đã lấy Phong Niên làm bàn đạp, theo đường QL4 tiến vào bao vây Tx Lào Cai. Sau đó, ngày 10/7/1949 trên đường này, tại địa phận Cốc Sâm, bộ đội C946 đã phục kích diệt 4 lính Pháp, 2 lính nguỵ. Từ đó hoạt động võ trang ở Phong Niên phát triển mạnh, phân tán lực lượng địch. Khu căn cứ này vững vàng sau cả trận càn khốc liệt 7,8/1950 và cùng quân dân cả tỉnh phối hợp với bộ đội chủ lực đánh địch, giải phóng hoàn toàn Lào Cai trong đợt hai Chiến dịch Lê Hồng Phong (9-11/1950).

Sau hoà bình, năm 1957, cùng với việc khôi phục và xây dựng các tuyến đường bộ Lào Cai - Bát Xát, Lào Cai - Mường Khương, Lào Cai đã khôi phục nâng cấp tuyến Phố Lu - Bắc Hà trong đó có đoạn ngã ba Bắc Ngầm đến ngã ba đi Bắc Hà nay thuộc về đường 70
[3].

Từ năm 1966 Trung Quôc cử 1 Quân đoàn bộ đội hậu cần dưới danh nghĩa Công nhân Quốc phòng sang giúp Lào Cai xây dựng 4 tuyến đường mà ta đang làm dở phải rút sang Bắc Cạn xây dựng đường vào ATK của Trung ương. Tuyến Lào Cai đi tới
Phố Ràng đoạn tu bổ, nâng cấp, đoạn mở mới. CNQP và các trận địa pháo đóng quân trên đường vào thôn, lẫn trong khu sản xuất của dân, thường cử người vào biếu muối, dầu hoả, xà phòng là những thứ nhu yếu phẩm khan hiếm hồi đó, kèm theo là trước tác, huy hiệu Mao Trạch Đông 毛澤東 và hoạ báo TQ tuyên truyền về Cách mạng văn hóa 文化大革命, về Người cầm lái vĩ đại 伟大舵手, về “Chủ nghĩa xét lại hiện đại của LTK”, về người kế tục Lâm Bưu, rồi lại “Phê Lâm, đả Khổng”... Học sinh, thiếu nhi được dạy bài ca ngợi tình hữu nghị Việt Nam-Trung Hoa, ca ngợi Mao Chủ tịch bằng tiếng Việt hay bằng tiếng Hoa. Ngoài ra còn được xem Phim TQ (Kinh kịch: Bạch Mao Nữ, Một mình đánh núi Uy Hổ, Tài liệu: về CMVH, Film Nguyễn Văn Trỗi …), nhưng không có thuyết minh bởi cấp Tiểu đoàn mới có phiên dịch. Lần đầu tiên người dân trong vùng được thấy những chiếc xe ủi, máy gạt hoặc những chiếc xe Giải phóng phải buộc thêm xích vào bánh để chống trơn khi kéo xe ngoạm đất, được xem Xiếc, được sử dụng thuốc ôm đầu khá hiệu nghiệm. QGPND Trung Quốc sang giúp Việt Nam làm đường đóng dọc 2 bên Quốc lộ và có những ảnh hưởng nhất định đến bộ mặt của xã[4]. Chính QGPNDTQ còn để lại đây 1 Nghĩa trang bên trái km 35+500 và một số khu lán trại sau trở thành nhà ở của dân, kho, chuồng trại của HTX. Con đường được mang tên đường Hữu nghị 7.

Trong cuộc chiến
2/1979 diễn ra dọc tuyến và có điểm rất ác liệt, một cánh quân TQ theo dọc đường 7 đã tràn qua Bản Phiệt, Bản Cầm, Phong Hải, Phong Niên (22/02) đến Km 38. Khi đó, đại bộ phận nhân dân sơ tán (người khai hoang về quê, dân bản địa rút về tuyến sau), số ở lại chủ yếu người vùng cao, già yếu. LLVT địa phương phối hợp với bộ đội chủ lực đã góp phần tiêu hao nhiều sinh lực đối phương. Một trong những trận thắng lớn của quân dân Lào Cai trong cuộc chiến này diễn ra tại Km 37, trận ấy các chiến sĩ C30 đã tập kích vào khu vực tập kết của đối phương diệt 400 tên, bắn cháy 7 ô tô.

Sau cuộc chiến, đổi tên thành Quốc lộ 70. Đây là một tuyến giao thông đường bộ cấp quốc gia nối các
tỉnh vùng Tây Bắc Việt NamPhú Thọ, Yên Bái và Lào Cai với nhau. Tuyến đường dài gần 190 km chạy bên bờ tả ngạn sông Hồng từ ngã ba thị trấn Đoan Hùng (thuộc Phú Thọ) đến ngã ba Bản Phiệt (thuộc tỉnh Lào Cai) Đoạn qua địa bàn Yên Bái (Lục Yên, Yên Bình) dài 90 km; qua địa bàn Lào Cai (các huyện Bảo Yên, Bảo Thắngthành phố Lào Cai) dài 79 km.

Khi chạy qua địa bàn tỉnh Lào Cai nó giao cắt với Quốc lộ 279
[5] tại Phố Ràng (Bảo Yên), từ ngã ba Bắc Ngầm (thuộc xã Xuân Quang, Bảo Thắng) có 1 nhánh chạy ra thị trấn Phố Lu (Bảo Thắng), qua sông Hồng ngược lên thành phố Lào Cai thành Quốc lộ 4E. Cách đó 1 km là con đường lên Bắc Hà, Si Ma Cai. Ngược lên đến km 36 là tỉnh lộ 154, con đường chiến lược nối thông 3 huyện Bảo Thắng, Mường Khương, Bắc Hà. Đường này do lực lượng TNXP tỉnh Thuận Hải (sáp nhập 2/1976 giữa Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Tuy; đến 1991 lại tách ra thành Ninh Thuận và Bình Thuận), kết nghĩa với Hoàng Liên Sơn cùng quân dân HLS mở từ sau 2/1979. Đến 9/1983 UBND tỉnh Hoàng Liên Sơn huy động dân công và thanh niên các huyện tuyến sau lên mở rộng và nâng cấp.
Từ ngã ba Bản Phiệt nó hợp với Quốc lộ 4D xuất phát từ Cửa khẩu Sín Tẻn thuộc huyện
Mường Khương chạy ra rồi thành hình vòng cung lên Sa Pa, Tam Đường, tới thị xã Lai Châu.

Các Quốc lộ 4E, 4D đọan qua thành phố là đường Hoàng Liên, một trục chính của thị xã Lào Cai trước 2003.

Khởi đầu 5 hộ Lương tộc lập nghiệp ở An Phong (km 36 + 100 rẽ vào 1 km) sau đó một số hộ chuyển xuống km 45 và sau này phát triển nhiều, cư trú ở ngay km 36, km 45, 47 và đoạn cuối ở thành phố.

Như vậy Quốc lộ 70 là con đường lớn, có lịch sử lâu đời chứng kiến bao thăng trầm của vùng Tây Bắc và sự khởi phát của dòng Lương Đức Lào Cai. Năm 2009 đã hoàn thành việc nâng cấp đạt tiêu chuẩn cấp 4. Khi Đại lộ Xuyên Á nối Hà Nội với Lào Cai sang Côn Minh chưa có thì đây là huyết mạch đường bộ chính nối Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai với hà Nội, Hải Phòng.

-*-

[1] Gồm 12 quyển, hoàn thành năm 1777, là tập bút ký nói về lịch sử và văn hóa Việt Nam từ đời Trần đến đời Lê. Ông còn đề cập tới nhiều lĩnh vực thuộc chế độ các vương triều Lý, Trần, từ thành quách núi sông, đường xá, thuế má, phong tục tập quán, sản vật, mỏ đồng, mỏ bạc và cách khai thác cho tới các lĩnh vực thơ văn, sách vở...
[2] Đến năm 1966 Bộ trưởng Bộ Nội vụ có Quyết định số 307/QĐ-NV ngày 20 tháng 9 năm 1966 tách Phong Niên thành 2 xã Phong Niên (8 thôn, bản) và xã Phong Hải (7 thôn, bản) với ranh giới tại Km 30+600, là đường phân thủy giữa lưu vực sông Hồng và lưu vực sông Chẩy.
[3] Ngày đó đoạn cầu Bắc Ngầm chưa có mà đi bên kia suối Phong ra đến Nậm Mòn để lên Bảo Nhai.
[4] Chính vì vậy mà ngày đó lứa chúng tôi đang học lớp 3, 4 ngày đó đã thuộc lòng bài hát ca ngợi mối tình Việt Hoa: "Việt Nam Trung Hoa sơn liên sơn, giang liên giang, cộng lâm Đông Hải ngã môn hữu nghị tượng triều dương..." (越南中花山联山,江联江, 共临東海们友誼像朝扬), tức "Việt Nam Trung Hoa núi liền núi sông liền sông, chung một Biển Đông mối tình hữu nghị giống như rạng đông"...
[5] Quốc lộ 279 là tuyến đường huyết mạch liên tỉnh nối các tỉnh miền núi phía Bắc là Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Sơn LaĐiện Biên với nhau. Điểm đầu của Quốc lộ 279 tại ngã ba Giếng Đáy giao với Quốc lộ 18 thuộc địa phận thành phố Hạ Long. Điểm cuối tại cửa khẩu Tây Trang (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên). Toàn tuyên dài hơn 600 km, dài thứ tư trong các quốc lộ ở Việt Nam sau Quốc lộ 1A, Quốc lộ 14Quốc lộ 15.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!