Cây Vải Tổ (Ảnh ST) |
Hầu hết các con sông lớn đều bắt nguồn từ vùng núi cao. Riêng sông
Văn Úc bắt nguồn ở đồng bằng, không xa nơi nó đổ ra biển là mấy. Nơi bắt đầu
sông Văn là đoạn giao nhau sông Gùa và sông Rạng (còn có tên gọi là ngã ba Cửa Dưa) thuộc địa phận xã Thanh Xuân (khu Hà Nam huyện huyện Thanh Hà, Hải Dương)[1].
Vùng này, từ thời Trần trở
về trước là là xứ
Bàng La 旁罗处. Thế kỷ XIV đổi thành huyện Bình Hà 平河 thuộc châu Nam Sách 南索. Vào năm Quang Thuận thứ nhất (光順元年,1460) Lê
Thánh Tông đã tách thành hai huyện Tân Minh (新明縣, nay là Tiên Lãng) và
Bình Hà (平河, nay
là Thanh Hà) thuộc Phủ Nam Sách. Đến đời
Tuyên Tông Mạc Phúc Nguyên (莫福元, 1547-1561) vì kiêng huý Mạc Bình 莫平, ông nội
Mạc Đăng Dung 莫登庸, nên đổi thành Thanh Hà 清河. Tên gọi
Thanh Hà giữ nguyên từ đó tới nay (trừ
giai đoạn sáp nhập với huyện Nam
Sách để thành huyện Nam
Thanh).
Vùng này được bao bọc xung quanh bởi các con sông trong hệ thống
sông Thái Bình và sông Hồng (phía bắc là
sông Rạng, phía Nam
là sông Văn Úc, phía Tây là sông Thái Bình). Thời xa xưa nơi đây còn ngập lụt
lâu đàn phù sa các con sông đó bồi đắp, con người thau chua, rửa mặn tạo nên
vùng quê trù phú, có thổ nhưỡng đặc biệt. Do ảnh hưởng của thuỷ triều, một phần
trong nước tưới của Thanh Hà chịu ảnh hưởng của nước biển từ sông Văn Úc đổ
vào. Bởi vậy, tại các cửa cống có chứa hàm lượng các cation Na+, K+, Mg++ khá
cao và giảm dần khi đi sâu vào nội địa. Chính đặc điểm đó tạo ra cho nơi đây có
một đặc sản nổi tiếng. Đó là vải Thiều Thanh Hà.
Cây vải, còn gọi là lệ chi 荔枝 (tên khoa học là Nephelium
litch hay Litchisinensis) là loài duy nhất trong chi Litchi thuộc họ Bồ hòn
(Sapindaceae). Đây là loài cây ăn ăn
quả quý thân gỗ. Quả chín ăn ngon, bổ, đặc biệt là bổ não, có tác dụng chữa bệnh
đường ruột vì vậy người Quảng Đông cho rằng ăn một quả vải bằng giữ ba ngọn đuốc
trong người (一啖荔枝三把火, nhất đạm lệ chi tam bả hỏa). Trồng vải còn là nguồn cung cấp nhiều mật tốt cho nghề nuôi ong
và cho gỗ tốt. Vải khô, vải hộp là hàng xuất khẩu có giá trị...
Tương truyền cây vải thiều được chuyển ra trồng từ miền Châu Hoan
(Thanh Hóa) ra có mặt ở vùng này từ
thời Mai Hắc Đế (梅黑帝, ?–722). Nhưng có tài liệu viết rằng cây
vải thiều có nguồn gốc Trung Quốc do ông Hoàng Văn Cơm thôn Thuý Lâm, xã Thanh
Sơn, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đem về cách nay khoảng 150 năm. Do đặc điểm
thổ nhưỡng nên cây vải gặp đất hợp phát triển và hình thành nên hương vị riêng,
độc đáo.
Cây vải được trồng phổ biến ở tất cả các huyện của tỉnh Hải Dương
sau này di thực lên huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Nhưng tập trung nhiều và
ngon nổi tiếng nhất vẫn là ở Thanh Hà.
[1] Sông Rạng hay sông Lai Vu, còn có tên khác là sông
Tường Vu là một phân lưu trong hệ thống sông Thái Bình nó tách khỏi sông Kinh
Thầy gần với cửa sông Kinh Môn với chiều dài khoảng 26 km. Phần thượng lưu có
hướng Bắc-Nam qua ranh giới giữa hai huyện Nam Sách và Kim Thành, sau đó theo
hướng Tây Bắc-Đông Nam rồi lại Bắc-Nam qua ranh giới hai huyện Kim Thành và
Thanh Hà. Đến cuối địa phận Thanh Hà, nó hội lưu với sông Gùa của hệ thống Thái
Bình để tạo thành sông Văn Úc tại ngã ba Cửa Dưa, cuối huyện Thanh Hà.
Chuyện Mai Thúc Loan gánh vải sang Tầu cống để thỏa ý thích của Dương Quý Phi rõ là vô lý và nó xưa như trái đất rồi!
Trả lờiXóa