[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


19 tháng 4 2011

Bảng nhãn Lương Đắc Bằng

Thế kỷ 15 xuất hiện một nhân vật nổi tiếng thần đồng, đỗ cao, làm quan thanh liêm, từng có những tư tưởng canh tân lớn, đào tạo ra nhân tài cho đất nước, lo trước chuyện tiến thân của con...được nhiều chi họ lương Việt Nam suy tôn là Thủy tổ. Đó là Bảng nhãn Lương Đắc Bằng.
Trong Gia phả Lương Cao Hương và Lương Hội Triều có chép lời truyền rằng: khi người Mông Cổ diệt nhà Tống, cai trị Trung Quốc, một số quan lại nhà Tống chạy sang Việt Nam, trong số đó có hai anh em nhà họ Lương[1] ở tỉnh Chiết Giang 浙江 nam du và sang Đại Việt sinh sống, lập nghiệp.
Theo đó, người anh định cư ở làng Cao Hương huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, là tổ của Trạng nguyên[2] Lương Thế Vinh (梁世榮, 1441 – 1495). Còn người em vào Thanh Hóa, đến đời thứ ba, thì lập ấp ở làng Hội Triều huyện Hoằng Hóa, là tổ của Bảng nhãn Lương Đắc Bằng (梁得朋, 1472 – 1516). Từ đây xuất phát ra nhiều chi phái, trong đó theo truyền ngôn thì có nhánh sang Tiên Lãng, từ đó lại có nhánh sang Cao Mật bên An Lão. Đây chính là nhánh nhà tôi, để 2/1964 tiếp tục lập một chi phái nữa ở tận vùng biên: Lào Cai!
Dựa theo mục 12 giới thiệu sơ lược về họ Lường Phủ làng Hội Triều, mục 16 giới thiệu về họ Lương làng Luật Ngoại trong cuốn "GIỚI THIỆU SƠ LƯỢC VỀ 30 HỌ LƯƠNG"  do Lương Phương Hậu và Hoàng Đình Khảm sưu tầm, biên soạn vào tháng 4 năm 2011 và Phổ ký họ Lương xã Thuận An, tổng Hành Thiện, phủ Xuân trường, tỉnh Nam Định do cụ Lương Hữu Văn soạn,  Lương Ngọc Châu  sao, bổ sung  năm Quý Mùi 1943, Họ Lương Hội triều Bổn đường gia phổ do Đệ tam phái, Thứ chi soạn tháng chín năm Quý Tỵ 1893 cùng các tư liệu lịch sử đã in thành sách hay trên mạng Internet thì:
1. Tổ tiên Lương Đắc Bằng:
Theo Phổ ký họ Lương xã Thuận An, tổng Hành Thiện, phủ Xuân trường, tỉnh Nam Định  thì: Thỉ tổ Lương Thế Nghệ - Lương Thế Triệu - Lương Thế Vinh - Trinh Túc tự Thế Cốc và Thế Khôi tự Chiêu Trưng - Con Chiêu Trưng là Thế Khải khởi dòng Lương Hội Triều - Đắc Bằng. Như thế Lương Đắc Bằng (đời thứ 6) là đích tôn của Hoan Châu Đô đốc Chiêu Trưng.
Trong Họ Lương Hội triều Bổn đường gia phổ thì thế thứ là: Thỉ tổ khảo: Hiệu: Mộ đô phủ quân - Lương Đại Đồng - Lương Nhữ Hốt - Lương Thế Vĩnh – Lương Tiệm Giác - Lương Danh Luật - Lương Tông Huệ - Lương Hay - Lương Đắc Bằng. Theo đó ông nội Lương Đắc Bằng (đời thứ 9) lại là Lương Tông Huệ.
Còn theo Giới thiệu sơ lược về họ Lương làng Luật Ngoại (Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định) thì thế thứ là:  Lương Văn Trường - Lương Phong Lộc – Lương Thế Vinh và người con thứ hai của Thái tổ là Lương Phong Phú có con cháu là: Lương Phong Thái – Lương Dung – Lương Đắc Bằng. Như thế ông nội Lương Đắc Bằng (đời thứ 5) lại là Lương Phong Thái.
Như vậy người sinh ra Mộ đô phủ quân, Lương Thế Nghệ (Ngại), Lương Văn Trường là ai thì chưa tìm thấy tài liệu nào đề cập đủ để kê cứu ngược lên được. Do vậy chưa thể xác định được người từ Chiết Giang sang lánh nạn tại Hội Triều là ai, từ năm nào và vì sao lại chọn đất này mà không phải nơi khác?
2. Lương Đắc Bằng (梁得朋, 1477 – 1526)[3]:
Tên khi nhỏ là Tử Ngạn (Ngạn Ích) theo học ở cha. Mới 8 tuổi khi đi chơi ở Lam Sơn, qua bến đò Từ Minh, gặp một vị Sư, đã cùng nhau làm thơ, khiến vị Sư kia rất khâm phục. Năm 12 tuổi, theo lời cha dặn đã thọ nghiệp Trạng nguyên Lương Thế Vinh ở Cao Hương.
Khi Ngạn Ích trưởng thành cũng là thời mà vào năm Hồng Đức thứ 15 (洪德苐十五年,1484), Bộ Lễ trình và được vị vua Trung hưng 中興 là Lê Thánh Tông (黎聖宗思誠, 1460-1497) chuẩn tấu đem danh hiệu Trạng nguyên 狀元, Bảng nhãn 榜眼, Thám hoa lang 探花郎 làm thành Tiến sĩ cập đệ 進士及第, người đỗ Phụ bảng đổi gọi là đồng Tiến sĩ xuất thân 同進士出身[4]. Đồng thời nhà vua sai Phụng trực đại phu Hàn lâm viện Thừa chỉ Đông các Đại học sĩ 奉直大夫翰林院承旨東閣大學士 Thân Nhân Trung 申仁忠[5] soạn,  mấy bậc kỳ tài khác viết chữ, khắc văn bia tiến sĩ đặt tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đó là bia ghi danh những Tiến sĩ đầu tiên khoa thi Nhâm Tuất 1442 大寶三年壬戌科進士題名記. Cũng chính tại văn bia này đã có câu nổi tiếng: “…Hiền tài là nguyên khí của quốc gia...” 贤材國家之元气 và có tên người họ Lương đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ là Lương Như Hộc (梁如鵠, ?-?)[6].
Năm 1494 trong kỳ thi Hương 乡试/秋闈 Lương Ngạn Ích đỗ đầu, tức Giải nguyên 解元. Ngày 09 tháng 4 năm Cảnh Thống thứ hai (景統苐二年, Kỷ Mùi, 1499) đời vua Lê Hiến Tông (黎憲宗, 1498-1504) khi Lương Ngạn Ích thi Hội 會試 (春闈會試)[7] kinh nghĩa, thơ phú đều đậu đầu. Bắc quân Đô đốc phủ Tả Đô đốc Hoa Lâm hầu Trịnh Tốn và Lại bộ Thượng thư Trần Cận làm Đề điệu[8]; Hình bộ Thượng thư Đinh Bô Cương làm Giám thí; Đông các học sĩ Nguyễn Bảo, Hàn làm viện thị giảng Tham chưởng hàn lâm viện sự Lê Ngạn Tuấn làm Độc quyển đã lấy ba người là Đỗ Lý Khiêm, Lương Ngạn Ích, Nguyễn Khắc Kiệm đỗ Đệ Nhất giáp tiến sĩ cập đệ 第一甲三名賜進士及第; Hoàng Trưng, Nguyễn Hằng… người đỗ Đệ Nhị giáp tiến sĩ xuất thân; Trần Bá Lương, Lê Tự …đỗ Đệ Tam giáp tiến sĩ xuất thân, tất cả 55 người. Việc truyền loa xướng danh diễn ra tại điện Kính Thiên, bảng vàng treo cửa Đông Hoa được thực hiện vào ngày 16.
Ngày 10 tháng 7 năm đó, khi vào sân Rồng đối đáp 賜對于廷, tức thi Đình 殿试, vua hỏi về nhân tài, vương chính với đề 五王帐Ngũ Vương trướng[9] Lương Ngạn Ích được ưu hạng. Nhưng  theo ý hoàng hậu thì Trạng nguyên 狀元 phải là người trọng trấn, vì ông mới 22 tuổi nên vua hạ bảng cho đỗ Đệ Nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ Nhị danh 第一甲進士及第第二名 (tức Bảng nhản 榜眼), lấy Đỗ Lý Khiêm[10] đậu Trạng nguyên. Hiến Tông Hoàng đế cho tên ông là Đắc Bằng, thuỵ Đạm Hiên tiên sinh. Vua Hiến Tông  có ngự chế tặng hai vị Tiến sĩ đệ nhất giáp (Đắc Bằng, Lý Khiêm) 2 bài thơ.
Lương Đắc Bằng được bổ nhiệm làm Hàn lâm học sĩ 翰林學士, từng cùng các đại nho: Đông các học sĩ Nguyễn Nhân Thiếp, Lê Ngạn Tuấn, Lê Mậu Thưởng, Nguyễn Xung Xác, Hàn lâm viện thị thư Nguyễn Tôn Miệt, Đông các hiệu thư Đặng Tòng Củ, Đặng Minh Khiêm, Hàn lâm viện hiệu lý Nguyễn Viên, Vũ Châu, Hiệu thảo Nguyễn Mẫn hoạ lại bài thơ ngự chế: 觀架亭中秋玩月 Quan Giá đình trung thu ngoạn nguyệt[11] 15 vần của Vua vào Rằm tháng Tám năm Cảnh Thống thứ 2 (Canh Thân, 1500). Được vua yêu, Đắc Bằng lĩnh chức Tả thị lang Bộ Lễ 禮部侍郎 (như Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin-Giáo dục nay), sau làm Tả thị lang Bộ Lại 吏部侍郎 (như Thứ trưởng Bộ Nội vụ nay) và có nhiều đóng góp và công cuộc phát triển văn hóa, cất nhắc quan lại của triều đại.
Đang khi đó, triều Lê đã có dấu hiệu đi xuống. Khởi đầu là việc Lê Uy Mục (黎威穆, 1488 – 1509, húy là Lê Tuấn 黎濬) ăn chơi vô độ, ham rượu chè, gái đẹp, tàn bạo giết hại nhiều người vô tội. Vì vậy Phó sứ thần Trung Quốc là Hứa Thiên Tích mới gọi là vua quỷ 鬼王. Thêm vào đó, bọn hoạn quan thọc vào chính sự, kẻ ngoại thích (Khương Chủng, Nguyễn Bá Tuấn) mặc sức chuyên quyền, pháp lệnh phiền hà, kỷ cương rối loạn, nông tang tiêu tàn mất nghiệp, phong tục ngày một suy đồi, người trong nước điêu linh, dân không chịu đựng nổi.
Trong bối cảnh đó, tháng 11 Kỷ Tỵ 1509,  ông được Giản Tu công Óanh 簡修公瀠 (trá xưng là Cẩm Giang Vương) thăng là Lại Bộ Thương thư, sai viết hịch dụ đại thần và các quan tố cáo Đoan Khánh Uy Mục và kêu gọi mọi người khởi binh đánh Uy Mục. Là người thức thời, đặt chữ Trung đúng chỗ, ông đã chấp bút viết với những lời lẽ sâu sắc, chắt chẽ: "Bạo chúa Lê Tuấn, phận con thứ hèn kém, làm nhơ bẩn nghiệp lớn, lần lữa mới gần 5 năm mà tội ác đã đủ muôn khoé. Giết hại người cốt nhục, dìm hãm các thần liêu. Bọn ngoại thích được tin dùng mà phường đuôi chó ngang ngược làm bậy, người cứng cỏi bị ruồng bỏ mà kẻ đầu cá ẩn nấp nẻo xa. Quan tước đã hết rồi vẫn thưởng tràn không ngớt, dân chúng đã cùng khốn còn vơ vét chẳng thôi. Vét thuế khoá từng cân lạng, tiêu tiền của như đất bùn, bạo ngược ngang với Tần Chính. Đãi bề tôi như chó ngựa, coi dân chúng tựa cỏ rác ngạo mạn quá cả Nguỵ Oanh. Huống chi lại xây cung thất to, làm vườn hoa rộng. Xua dân đi trồng cây, giẫm theo vết xe đổ chất gò Hoa Cương đời Tống; lấp biển xây cung điện, nối gót thói u mê xây cung A Phòng nhà Tần. Công trình thổ mộc xây lên rồi thay đổi, thay đổi rồi xây lên, dân Hải Dương, Kinh Bắc mệt mỏi, lao đao; tông thất xa hoa, kiêu căng lại ngang ngược, ngang ngược lại kiêu căng, cõi tứ tuyên phiên trấn xôn xao, rối loạn. Cư dân nhức óc, cả nước đau lòng".

Giản Tu công Oánh và những người theo thân vương đã trá xưng Cẩm Giang vương, kéo lá cờ chiêu an, tiến quân đến sát Đông Kinh. Thất thế, Uy Mục chạy ra phường Nhật Chiêu (nay là Nhật Tân, Hà Nội) rồi bị bắt, trói ở cửa Lộc (Lệ) Cảnh và đã uống thuốc độc tự tử. Kinh thành yên, Lương Đắc Bằng cùng Lê Quảng Thọ và các đại thần tôn Giản Tu công tự Oánh là Hoàng đế tức vua Tương Dực. Lên ngôi, Oánh giáng nhà vua làm Mẫu Lệ Công 閔勵公, ân xá trong nước, đổi niên hiệu là Hồng Thuận ( , 1509-1516). Tháng Giêng năm sau, Tương Dực luận công ban thưởng cho những người ứng nghĩa: “lấy Nghĩa quận công Nguyễn Văn Lang làm Nghĩa quốc công; gia phong Thiệu quận công Lê Quảng Độ là Thiệu quốc công, Lượng quốc công Lê Phụ làm Thượng quốc công, Uy quận công Lê Bá Lân làm Uy quốc công, Hộ bộ thượng thư Trịnh Duy Đại làm Văn quận công, Điện tiền tô kiểm điểm Thuỵ Dương hầu Trịnh Hựu làm Thọ quận công, Phò mã đô  uý Lê Mậu Chiêu làm Diên quận công; con Văn Lang là Nguyễn Hoằng Dụ làm Yên Hoà hầu; Trịnh Duy Sản làm Mỹ Huệ hầu; Tổng binh thiêm sự Thanh Hoa Nguyễn Bá Tuấn (đổi tên là Bá Thuyên) làm Lễ bộ thượng thư, Do Lễ bá; Thừa tuyên sứ Thanh Hoa Lê Tung làm Lại bộ thượng thư, Đôn Thư bá; Tham chính Thanh Hoa Nguyễn Thì Ung làm ngự sử đài đô ngự sử Lương Văn bá; Đàm Thận Huy làm Hình bộ thượng thư; Hàn lâm viện thị độc tham chưởng Hàn lâm viện sự Lương Đắc Bằng làm Lại bộ tả thị lang.
Như vậy, thời Tương Dực, ông làm Thượng thư Bộ Lại 吏部尚書 (như Bộ trưởng Nội vụ nay), tước Đôn trung bá.
Nhưng về sau Lê Tương Dực (黎襄翼, 1495 – 1516) lại đi theo vết xe đổ đời trước, cho xây Cửu Trùng Đài, đóng chiến thuyền bắt con gái khỏa thân chèo chơi ở Hồ Tây, giết chết 15 vương công,gian dâm với các cung nhân của triều trước… Vì vậy lòng người oán thán và dân chúng gọi là vua lợn 豬王. Trước tình cảnh đó Lương Đắc Bằng hết lòng can gián, Tương Dực biếm ông xuống Lại bộ Tả thị lang. Ông nhân mẹ mất xin về cư tang. Đến tháng 10 năm Hồng thuận thứ 2 (Canh Ngọ, 1510), được Lê Tương Dực triệu về triều phục chức Lại bộ Thượng thư kiêm Học sĩ Đông các coi sóc tòa Kinh Diên (nơi Vua đọc sách). Thấy tình hình đất nước trong cảnh rối ren, giặc bên ngoài chưa yên, quyền thần đánh, chém giết nhau, chốn Kinh sư đẫm máu, cái điềm vận nước ngày một suy đã xuất hiện, ông không nhận chức mà nhân đó Lương Đắc Bằng đã dâng bài sách “Trị Bình” 14 mục lên vua Lê Tương Dực.
Mở đầu Trị bình thập tứ sách 治平十四冊, Lương Đắc Bằng chỉ rõ “Thánh quân ngày xưa không cho thiên hạ thịnh trị mà quên lòng răn ngừa; hiền thần ngày xưa không thấy vui thành công mà quên lòng can gián. Vì thế thời Ngu Thuấn đã thịnh trị mà Bá Ích vẫn can vua: “Chớ ham nhàn rỗi, chớ đắm vui chơi, không trễ không lười, để công việc quốc gia bê trễ”. Đế Thuấn nghe lời mà ngăn ngừa những việc đáng răn, do đó đã trở thành bậc thánh lớn. Đời Văn Hán Đế (179-163 tCn) dân đã giàu có đông đúc rồi mà Giả Nghị vẫn dâng kế sách nói rằng đất nước đang ở trong tình trạng “để lửa gần củi” Văn Đế nghe lời can này mà lo nghĩ việc đáng lo, do đó nên bậc vua hiền”.
Lương Đắc Bằng chỉ rõ tình hình đất nước từ khi vua lên ngôi: “Khí hòa thuận chưa điều tiết, việc binh đao chưa dẹp yên, triều cương chưa cất nhấc, quân chính chưa sửa sang, tai dị thường xuất hiện, đạo trời chưa được thuận, đạo đất chưa được yên, kẻ gian phi lén phát, bọn nghịch tặc manh lòng, lòng người chưa yên ổn...”.
Từ tình hình thực tế của đất nước, của bản triều, Lương Đắc Bằng đã dâng lên vua 14 kế sách như sau:
1. Hết lòng răn sợ để dập tắt biến cố tai dị.
2. Dốc lòng làm điều hiếu thảo để khuyến khích lòng trung hậu.
3. Xa bỏ con hát, sắc đẹp để giữ vững căn bản lòng người.
4. Trừ bỏ gian nịnh để nguồn gốc phong hóa được trong sạch.
5. Dè sẻn trong việc ban đặt quan chức để cẩn thận việc khuyên răn.
6. Công bằng trong việc bổ dụng để trong sạch đường làm quan.
7. Tiết độ trong việc dùng tiền tài để khuyến khích thói kiệm phác.
8. Khen thưởng người tiết nghĩa để trọng đạo cương thường.
9. Cấm ăn của đút để trừ bỏ thói tham ô.
10. Sửa võ bị để nước mạnh thế chống giữ.
11. Lựa chọn người can ngăn ở Ngự sử đài để cổ vũ chí khí người mạnh dạn dám nói lời ngay thẳng.
12. Giảm nhẹ việc lực dịch để nuôi dưỡng sức dân.
13. Ban hành pháp luật đúng đắn để thống nhất tâm chí bốn phương.
14. Cẩn thận pháp độ để mở đời thịnh trị thái bình”.
Với tất cả tài trí, tâm huyết của mình, Lương Đắc Bằng đã khái quát được tất cả các việc cần làm để ổn định triều chính, ổn định xã tắc, quan tâm đến dân tình. Tuy kế sách trên không thể thực hiện đầy đủ do hạn chế của thời cuộc, song lịch sử vẫn ghi nhận Lương Đắc Bằng là một nhà cải cách xuất sắc gần hồi thế kỷ XVI. Những đề xuất của Lương Đắc Bằng mà ngày nay suy ngẫm ta vẫn thấy nhiều điều còn mang tính thời sự nóng hổi. Vua xem khen nhưng không dùng.
Đến năm Hồng Thuận thứ 3 (Tân Mùi, 1511), Hoàng đế Minh Chính Đức  sai Trạm Nhược Thuỷ Hàn Lâm viện biên tu làm Chánh sứ, Hình khoa cấp sự trung, làm phó sứ, mang sách thư phong nhà vua tước An Nam quốc vương và ban cho một cỗ mũ bì biền, một cặp áo thường phục. Sau khi Hi Tăng đã yết kiến nhà vua rồi, ra bảo với Nhược Thủy rằng: "Quốc vương dung mạo đẹp nhưng lệch mình, tính đa dâm, trông như tướng con lợn, chả bao lâu nữa sẽ bị loạn vong"[12]. Khi sứ thần ra về, nhà vua tiễn đưa hành lý khá hậu, nhưng họ đều không nhận.
 Vua Tương Dực triệu ông làm Lạn sứ, tiếp sứ bộ thiên triều. Ông phụng chỉ làm ngự chế thi để tiễn đoàn sứ bộ. Tại dịch quán ở Lạng Sơn, Trạm, Phan đưa cho ông một tập 100 bài thơ, bảo ông hoạ lại. Chỉ một đêm, sáng hôm sau ông đã họa xong. Hai sứ bộ khen là kỳ tài. Khi qua ải, sứ bộ còn tặng ông một áo bông, một mũ thanh chiên để biểu tấm lòng. Trạm, Phan về đến Trung quốc đem thơ xướng hoạ khi đi sứ Việt Nam đi in. Đến đời Hồng võ, sắc phụng kê An Nam hào kiệt 12 người, ông đứng thứ nhì.
Đến năm Hồng thuận thứ 4 (1512) vua Tương Dực ngày càng hoang dâm, nghe lời siểm nịnh, Ông hết sức can gián không được. Ông nói “ tôi thà chịu chết vì chức vụ, không  chịu chết dưới loạn quân”. Ông bị bọn quyền thần dùng gạch đá đả thương nặng, nhờ có Đại thần Văn Quân, Công Trinh, Duy Nhạc và rể là Tự Khanh Ngô Văn Dũ  thỉnh thầy thuốc chữa trị cả tháng mới phục hồi được. Ông có làm tập “Vịnh  sử” kể từ thánh quân, hiền thần, trung thần cho đến hôn quân, gian thần... hơn 20 quyển; lại làm quyển “Cung trung bửu huấn”, “thập quy” để răn dạy, mong đem lại thuần đức cho vua, nhưng trên chẳng dụng. Nhận thấy dù đem hết tâm sức ra giúp nước cũng không thể vãn hồi được tình thế[13].
Khi cáo quan về nhà, Lương Đắc Bằng  mở trường dạy học và nghiên cứu lý số. Nguyên khi làm quan, Cụ thường được vua cử đi sứ Trung Hoa và làm tròn sứ mệnh ngoại giao và trong một dịp đi sứ, cụ có mang về bộ Thái Ất Thần Kinh để tham khảo. Cụ rất thanh liêm và trọng đạo đức, dù làm quan mà gia cảnh rất nghèo, con phải đi gặt thuê để sống. Vừa dạy học, Cụ vừa tiếp tục nghiên cứu cuốn sách trên cho nên tinh nghề lý số, việc gì cũng tính biết được trước. Nghe tiếng và mến mộ Cụ nên Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585, người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, nay là xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, ngoại thành Hải Phòng) tìm vào Thanh Hóa theo học. Nhận thấy Nguyễn Bỉnh Khiêm tính tình khoáng đạt và thích lý số, nên Cụ truyền dạy và trao cho toàn bộ Thái Ất Thần Kinh. Sau này cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm đỗ Trạng nguyên 狀元, làm quan đến chức Lại bộ Thượng Thư 吏部尚書, tước Trình Quốc Công, người đời thường gọi là Trạng Trình, cụ có truyền lại cuốn “sấm Trạng Trình” 程讖 tiên đoán việc đời sau.
 Đến ngày 6 tháng 4 năm Hồng thuận thứ 7 (1516), Trịnh Duy Sản 原郡公鄭惟產 vì khuyên vua, trái ý bị phạt tượng, nên đã cùng Lê Quảng Độ đang đêm đem 3000 lính Kim ngô qua cửa Bắc thần, giết vua ở cửa Nam Huân trước điện Bảo Khánh, giáng làm Linh Ẩn vương 靈隱王. Khi đó triều đình chạy tán loạn, không ai dám đến. Chỉ một mình ông đến khóc và làm lễ chôn cất.
Cũng năm đó Trần Cảo 陳高 dấy quân ở chùa Quỳnh Lâm, chiếm cứ các huyện Thủy Đường và Đông Triều thuộc Hải Dương, tự xưng là vua “Đế Thích giáng sinh” rồi kéo về vây hãm kinh thành. Lương Đắc bằng thống lĩnh các dinh đem quân đánh Trần Cảo thu phục kinh thành, cùng các quần thần lập Lê Y 黎椅, 黎譓 lên làm vua. Dưới thời Lê Chiêu Tông (黎昭宗, 1506 – 1526) ông làm Ngự Dinh Tổng ký lục, nội Tri Kinh Diên, ngoại tham triều chính, thiên hạ có cơ phục hưng. Nhưng vào tháng 12 năm 1526, Chiêu Tông bị Mạc Đăng Dung (莫登庸莫太祖, 1483 ? – 1541) giết tại phường Đông Hà và đưa Lê Xuân 椿 lên làm vua, tức Lê Cung Hoàng (黎恭皇, 1507 – 1527). Song đó chỉ là con bài nên sau khi Chiêu Tông bị giết, Đăng Dung tính chuyện cướp ngôi nhà Lê, giả cách lui về quê ở Cổ Trai (Hải Phòng) nhưng thực tế vẫn nắm triều đình. Triều Lê Sơ (黎初,1428-1527) đến hồi mạt.
Đúng dịp đó, ngày 5 tháng 7 năm Bính Tuất vào thời Lê Cung Hoàng (1522-1527) ông bị bệnh nặng mất, thọ 59 tuổi. Biết tin dữ đó, thiên hạ đều tiếc, Đô Ngự sử Đỗ Cang khóc rằng: “Triết nhân sao nỡ chết, nước mắt còn huyết vây”. Lúc ấy kinh sư bị loạn không có ván gỗ, vua mới cho gỗ cấm trong cung làm quan tài, đưa về quê nhà ở Hội Triều mai táng. Nhà Lê Trung hưng (1533-1789) luận ông trung nghĩa hơn người, đức vọng cái thế, tặng ông: Thái bảo đôn trung Văn phái hầu, thuỵ Đạm Hiên tiên sinh. Năm Quý Dậu dời chôn ở Tây trì Khái xứ, Tý Sơn Ngọ Hướng.
Về tiểu sử Lương Đắc Bằng, nghiên cứu kỹ thấy có sự không nhất quán về năm sinh, năm mất cũng như công trạng của ông. Cụ thể:
Theo “Giới thiệu sơ lược về họ Lường Phủ làng Hội Triều” thì Lương Đắc Bằng sinh năm 1472, năm 12 tuổi thì cha mất và theo lời cha dặn, ông ra Cao Phương học trạng nguyên Lương Thế Vinh. Năm 24 tuổi đậu giải Nguyên. Năm 28 tuổi đậu Bảng nhãn khoa Kỷ Mùi (1499) đời Lê Cảnh Thống. dịp này vua ban tên mới là Lương Đắc Bằng.
Ông mất ngày 5 tháng 7 năm Bính Tý (1516) tại quê nhà
Còn “Họ Lương Hội triều Bổn đường gia phổ” lại chép về lương Đắc Bằng hơi khác: Năm 22 tuổi đậu Giải nguyên, Năm Kỷ Mùi (1499) niên hiệu Cảnh thống vua Lê Hiến Tông, thi Hội đậu Tiến sĩ...., nhưng khi vào chầu tạ ơn vua, theo ý hoàng hậu trì Trạng nguyên phải là người trọng trấn, vì ông mới 22 tuổi nên vua mới khiến hạ bảng cho  đậu Bảng nhãn, lấy ông Đỗ lý Khiêm ở xã Ngoại lãng huyện Thơ trì đậu Trạng nguyên...
Đến năm Bính Tý (1516) Trần Cảo giết Trịnh Duy Sản đem quân hãm kinh thành. Ông thống lãnh các dinh đem quân đánh Trần Cảo thu phục kinh thành, cùng các quần thần lập vua Chiêu tông. Trong những năm Quang Thiện (1516- 1522) Ông khiến các tướng truy bắt đảng giặc, Trần tướng, Hà Phi Cao bắt được Lê Quảng Độ tướng của Trần Cảo, đóng cũi giải về kinh sư. Lúc này ông làm Ngự Dinh Tổng ký lục, nội Tri kinh diên, ngoại tham triều chính, thiên hạ có cơ phục hưng, nhưng ngày 5 tháng 7 ông bị bệnh nặng mất 59 tuổi, thiên hạ đều tiếc.
Theo suy đoán của tôi:
Như ta đã biết danh hiệu Giải nguyên là giành cho người đỗ đầu kỳ thi Hương. Mà kỳ thi sơ khởi này thường tổ chức vào mùa Thu các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu. Ai đỗ thi Hương thì mùa Xuân năm sau  (Sửu, Thìn, Mùi, Tuất) mới được dự thi kỳ thi Hội, giành danh hiệu Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa. Do vậy nếu Lương Đắc Bằng thi Hội khoa Kỷ Mùi 1499 thì ông phải dự kỳ thi Hương năm trước tức năm Mậu Ngọ 1498. Như thế không có chuyện 24 tuổi đỗ Giải nguyên, 28 tuổi đỗ Bảng nhãn hoặc 22 tuổi cùng đỗ cả 2 kỳ được!
Do vậy có thể Lương Đắc Bằng sinh năm 1477, năm 21 tuổi đỗ Giải nguyên, năm 22 tuổi đỗ Bảng nhãn. Ông mất năm Bính Tuất 1526, chứ không phải Bính Tý 1516.
Trước khi mất, Lương Ðắc Bằng dặn lại Nguyễn Bỉnh Khiêm về sau phải trông nom con mình là Lương Hữu Khánh (梁有慶,1517 – 1590). Cụ Trạng đã làm theo lời dặn của thầy mà dạy Lương Hữu Khánh thành tài và về sau còn cưu mang hậu duệ của thầy học là cụ Lương Đắc Cam. Chính cụ Cam là Thủy tổ dòng họ Lương ở Tiên Lãng và An Lão thuộc Hải Phòng nay.
59 tuổi đời, từng nhiều phen giúp mấy Vua giữ lại ngai vàng, can gián Vua, dâng kế sách cải cách, sống cuộc sống thanh liêm, đào tạo nên nhân tài Trạng Trình, tính kế lâu dài cho con sau là Danh thần Hữu Khánh… ông đã để lại cho hậu thế nhiều bài học quý, xứng danh đại diện cho một dòng họ Khoa bảng[14].
Lương Đắc Bằng được một số chi họ suy tôn là Thượng Thủy Tổ dòng họ Lương. Làng Hội Triều có 14 dòng họ  cộng cư chung sống. Làng chia làm 7 xóm: xóm Nghè, xóm Trường, xóm Trung Lương, xóm Quán, xóm Đá, xóm Đình và xóm Sau và họ Lương là dòng họ đến làng Hội Triều đầu tiên. Tiếp theo là họ Trương, họ Lường, họ Hoàng Đình. Đồng thời họ Lương là họ có nhiều vị đỗ đạt nhất và cũng là họ danh giá nhất làng. Họ Lương Hội Triều nổi tiếng với Lương Đắc Bằng, Lương Hữu Khánh, Lương Khiêm Hanh, Lương Đạt đều là Tiến sĩ. Ngày xưa các cụ cho đất Hội Triều là: “Song long đáo hải; Lưỡng phượng trình tường”.



[1] Không biết anh em họ có liên quan đến các danh nhân nhà Tống có tên trong chính sử như: Nữ tướng kháng Kim Lương Hồng Ngọc (梁红玉, 1102-1135, ở vùng Sở Châu, Hoài An, Giang Tô 江苏淮安市楚州区 ngày nay); cha con Trạng nguyên 父子状元 Lương Hạo (梁灏, 963-1004), Lương Cố (梁固, 985 – 1017, ở vùng Đông Bình, Sơn Đông 山东东平 ngày nay) hay không?
[2] Trạng nguyên 狀元: danh hiệu chỉ người đỗ đầu thi Đình 賜對于廷 có từ đời Đường. Sĩ tử về kinh đô dự khoa thi Tiến sĩ đều phải nộp tờ khai gọi là Nhân thân trạng 人身狀, nhân đó gọi người đỗ đầu bảng (thuộc hàng Nhất giáp 第一甲) là Trạng nguyên. Đời Tống có lúc gọi cả 3 người thuộc hàng nhất giáp là Trạng nguyên, từ đời Nguyên về sau chỉ gọi người thứ nhất là Trạng nguyên còn người đỗ thứ nhì là "Bảng nhãn" 榜眼, thứ ba là "Thám hoa" 探花 gọi chung là "đỉnh giáp" 鼎甲.
[3] .Đại Việt sử ký viết cụ mất năm Bính Tuất, 1526 đời Lê Cung Hoàng vào dịp Trần Cảo đã kéo quân uy hiếp kinh thành. Còn có tài liệu nói cụ sinh năm 1472, mất 1516.
[4] Trước đó, các khoa thi đời Lý gọi là khoa thi Minh kinh bác học, đời Trần-Hồ gọi là khoa thi Thái học sinh. Lúc đầu chưa đặt các danh hiệu, chỉ chia người thi đỗ làm 3 hạng (Tam giáp三甲). Từ khoa Đinh Mùi Thiên Ứng Chính Bình 16 thứ (天應政平第十六年 , 1247) đời Trần Thái Tông mới đặt dạnh hiệu cho 3 người đỗ cao nhất (thuộc hàng Nhất giáp 第第一甲) là Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa lang (sau gọi gọn là Thám hoa).
[5] Thân Nhân Trung (1419-1499) tự Hậu Phủ , người xã Yên Ninh huyện Yên Dũng (nay thuộc xã Ninh Sơn huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang), đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân năm Kỷ Sửu, niên hiệu Quang Thuận thứ 10 (1469) đời vua Lê Thánh Tông. Ông giữ các chức quan, như Thượng thư Bộ Lại, Chưởng Hàn lâm viện sự kiêm Đông các Đại học sĩ, Nhập nội Phụ chính, Tế tửu Quốc tử giám; là thành viên của Hội Tao Đàn và được vua Lê Thánh Tông phong làm Tao Đàn Phó Nguyên soái.
[6] Ông tự là Tường Phủ , người xã Hồng Liễu huyện Trường Tân (nay là thôn Thanh Liễu xã Tân Hưng huyện Tứ Kỳ tỉnh Hải Dương). Ông làm quan đến chức Đô Ngự sử, hai lần được cử đi sứ sang nhà Minh, được về trí sĩ. Ông có công dạy nghề khắc ván in cho dân Hồng Liễu. Sau khi mất, dân làng tôn thờ ông làm thành hoàng.
[7] Ngày xưa gọi cái nhà để thi khảo là "vi", vì thế nên thi Hương gọi là "Thu vi" 秋闈, thi Hội gọi là “Xuân vi Hội thí" 春闈會試.  Kỳ thi cuối diễn ra tại sân Rồng gọi là “Đình thí” 廷試 .
[8] “Đề điệu” 提調: viên quan đứng đầu chịu trách nhiệm toàn bộ công việc của trường thi. Giúp việc có: “Tuần xước” 巡綽: tuần tra canh gác trong ngoài trường thi; “Thu quyển” 收卷: thu các quyển thi của thí sinh; “Di phong” 彌封: quan rọc phách, niêm phong các quyển thi; “Đằng lục” 謄錄: người sao chép bài thi của thí sinh (ngày trước không chấm bài trên các văn bản chính); “Đối độc”: người đọc soát bản sao so với bản chính.
[9] Nghĩa đen là cái màn của năm thân vương. Theo tích Đường Huyền Tông yêu quý anh em, khi mới lên ngôi, cho làm cái màn rộng, gối dài, chăn to để vua và năm anh em thân vương cùng nằm.
[10] Đỗ Lý Khiêm ( ? - ? ) người xã Dong Lãng, phủ Kiến Xương, trấn Sơn Nam Hạ ( Nay là huyện Vũ Thư , Thái Bình ). Làm quan đến Phó đô Ngự sử. Đi sứ nhà Minh bị mất ở dọc đường.
[11] Đêm trung thu ngắm trăng tại đình Quan Giá. Đình Quan Giá là nơi vua ra xem việc trồng cấy của dân.
[12] Trong gia phả còn chép đoạn như sau để khen Lương Đắc Bằng: “may nước Nam còn có những người như ông, còn khá duy trì”.
[13] Giai đoạn này sử gia Trần Trọng Kim đã mô tả: “Thời bấy giờ vua thì hoang chơi, triều thần thì tuy là có bọn ông Nguyễn Văn Lang 阮 文 郎, ông Lê Tung 黎 嵩, ông Lương Đắc Bằng 梁 得 朋, v.v... nhưng người thì già chết, người thì xin thôi quan về. Vả cũng không có ai là người có thể ngăn giữ được vua và kinh doanh được việc nước, cho nên trong nước giặc giã nổi lên khắp cả mọi nơi…”.
[14] Chế độ thi cử Nho học của Việt Nam học theo Trung Hoa. Thứ tự các kỳ thi là Thi Hương, Thi Hội, Thi Đình, học theo mô hình Trung Hoa, người đỗ được liệt kê tên họ vào cái bảng danh dự nên được gọi là Khoa bảng 科牓

1 nhận xét:

  1. Có mấy vấn đề cần phải khảo cứu thêm nhiều bởi các nguồn thiếu hoặc nếu có lại không thống nhất. Đó là:
    1. Về tổ tiên của cụ Lương Đắc Bằng.
    2. Quan hệ giữa cụ Bảng nhãn và cụ Trạng Lường.
    3. Về hậu duệ (cháu, chắt) của cụ để tìm hiểu về cụ Lương Đắc Cam.
    4. Về năm thi Hương, năm mất của cụ.

    Trả lờiXóa

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!