Theo Gia phả Lương Cao Hương và Lương Hội Triều thì khi người Mông Cổ diệt nhà Tống, cai trị Trung Quốc (tương ứng giai đoạn đầu nhà Trần của Đại Việt) là thời kỳ mà họ Lương từ Bắc quốc chạy sang Đại Việt cư ngụ.
Cuối Thiên niên kỷ thứ Nhất, sau khi nhà Đường (唐朝, tángcháo; 18/ 6 /618 – 4/6/907) đổ, Trung Quốc lại rơi vào kỳ phân rã với “Ngũ đại thập quốc” (五代十國, 907-960). Đến năm 960 Triệu Khuông Dẫn (趙匡胤, tức Tống Thái Tổ 宋太祖) được nhà Hậu Chu 後周 trao ngôi mở ra nhà Tống (宋朝, Song; 960-1127), Trung Quốc tái thống nhất. Triều đại này từng cho quân xâm lược Đại Việt. Nhưng bị Lê Đại Hành (黎大行; 941 – 1005) đánh tan năm 981 bằng thắng lợi vang dội của trận Bạch Đằng, Chi Lăng. Đặc biệt dưới thời Lý, danh tướng Lý Thường Kiệt (李常傑 tên thật là Ngô Tuấn[1], 1019–1105) sai làm Phạt Tống lộ bố văn 罚宋路佈文, tiến sang đánh úp 3 châu nhà Tống (cuối 1075-đầu 1076), phá Tống trong trận Như Nguyệt nổi tiếng (Xuân Hè 1076). Đây cũng là thời kỳ mà Đại Tống có rất nhiều mối đe doạ từ biên giới phía bắc bởi người Khất Đan (Khiết Đan, 契丹) từ nhà Liêu 遼朝, người Đảng Hạng từ triều Tây Hạ 西夏 và người Nữ Chân 女真 từ nhà Kim 金朝 dẫn đến nhà Tống bị chia rẽ và suy yếu.
Trong khi đó, trên thảo nguyên phương Bắc, năm 1206 đại hội quý tộc Khurintai trên bờ sông Ôdôn đã tôn Thiết Mộc Chân (铁木真, Тэмyyжин, Témoudjine, 1155/1162/1167-1227) họ Bột Nhi Chỉ Cân (Боржигин, Borjigin, 孛儿只斤) làm Thành Cát Tư Hãn (成吉思汗, Чингис Хаан, Tringit Khan nghĩa là ''vua vĩ đại''). Quốc gia Mông Cổ 蒙古 thống nhất, một nhà nước quân sự tập quyền chuyên chế ra đời.
Sau khi Quý Do (Guyúc) chết (1248), năm 1251 Mông Kha (Mangu, Mông Ke) lên làm Đại Hãn, tiếp tục các cuộc viễn chinh xâm lược. Đồng thời với cuộc viễn chinh sang châu Âu và Trung Á, Mông Kha cử em là Khubilai, tức Hốt Tất Liệt (Kublai Khan, Khubilai Khan, 忽必烈, 1215–1294) tổ chức cuộc chiến vào miền Nam Trung Quốc nhưng nửa chừng phải về vì Mông Kha mất. Hốt Tất Liệt lên ngôi năm 1259, trở thành Hãn thứ năm của Mông Cổ và năm 1271 lập ra triều Nguyên (元朝, Yuan Dynasty; tiếng Mông Cổ: Dai Ön Yeke Mongghul Ulus, 1271 - 1368).
Ngày 19/3/1279, trong trận hải chiến cuối cùng (Nhai Sơn hải chiến 崖山海戰) tại vịnh Quảng Ðông 廣東 ở đồng bằng sông Châu Giang 珠江三角洲, Hốt Tất Liệt đã đánh bại nhà Nam Tống (南宋, 1127-1279). Khi đó Thừa tướng Lục Tú Phu cõng vua nhỏ 9 tuổi là Tống Đế Bính 宋帝昺 (em Hoàng đế Đoan Tông Triệu Thị 端宗趙昰) nhảy xuống biển để cùng tử tiết. Toàn chiếm trung nguyên, Hốt Tất Liệt xưng là Hoàng đế thống trị toàn Trung Quốc mà sử ta gọi họ là Nguyên Mông (元蒙, Yuanmeng), một trong hai triều đại không phải người Hán cai trị Trung Quốc. Gươm giáo, máu lửa, tài cưỡi ngựa, tính dã man và đầu óc bành trướng của quý tộc Mông Cổ đã tạo nên một đế chế rộng lớn từ bờ Thái Bình Dương đến bên kia Hắc Hải chưa từng có trong lịch sử thế giới. Đội quân vô địch này chỉ bị chặn ở Đại Việt (1257,1284 và 1287 bởi nhà Trần), Cao Ly (Korea, 1231, gắn với chiến công của hoàng tử Đại Việt Lý Long Tường) và Ai Cập và Syria (1260, bởi tài chỉ huy của tướng Baibars thuộc triều đại Mameluk).
Tương ứng giai đoạn đổi triều này của bên Tầu thì bên Đại Việt 大越 cũng có sự đổi ngôi từ họ Lý sang họ Trần.
Như thế dòng họ Lương tránh loạn từ Bắc quốc sang đúng lúc nước Nam cũng "đổi ngôi". Phải chăng bối cảnh đó đã góp phần tạo ra những đặc trưng dòng họ sau này?
Nước Đại Việt thời Lý-Trần là một quốc gia dân tộc độc lập có chủ quyền. Lãnh thổ Đại Việt về đại thể là vùng Bắc Bộ và một phần Trung Bộ ngày nay. Phía đông có biển và các hải đảo; phía bắc tuy còn có những động mà sự ràng buộc của triều đình chưa chặt chẽ những đã xác định chủ quyền chung biên giới với Trung Quốc ở vùng Lưỡng Quảng (Quảng Đông và Quảng Tây), lúc đó thuộc nhà Tống và nhà Nguyên; Tây Bắc giáp với vương quốc Nam Chiếu (Đại Lý) ở vùng Vân Nam; phía tây giáp lãnh thổ các bộ tộc Lão Qua, Chân Lạp; phía nam đã qua Hoành Sơn kéo xuống đến Thạch Hãn (Quảng Trị) sau tới Thu Bồn (Quảng Nam) giáp vương quốc Chăm Pa (Chiêm Thành).
Trả lờiXóa