[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


16 tháng 4 2011

Họ Lương của tôi có tự bao giờ?

Dù có lòng tự tôn cao đến đâu chúng ta vẫn phải thừa nhận một thực tế lịch sử là: phần lớn các họ của người Kinh Việt Nam đều có tộc danh từ các họ bên Tầu và khi viết ra chữ Hán là như nhau. Họ Lương nhà tôi cũng không ngoại lệ và theo truyền ngôn thì cội nguồn từ Chiết Giang bên Bắc quốc.

Nước ta từng qua hơn một nghìn năm Bắc thuộc 北屬時代. Trong thời gian đó, mưu đồ của các triều đại phong kiến phương Bắc không phải chỉ dừng lại ở chỗ thủ tiêu chủ quyền quốc gia, chia nước ta thành các quận, huyện, bóc lột nhân dân, vơ vét của cả, mà còn tiến tới đồng hóa dân tộc Việt, sát nhập đất đai vào Trung Quốc cho di dân Hán sang ở lẫn với dân Việt, lấy vợ Việt (nhiều nhất từ TK thứ III trở đi). Đây cũng là thời kỳ mà nền văn minh Trung Quốc, chữ nho 漢字, đạo Khổng (do Khổng Tử Khâu 孔子邱 sáng lập 551 tCn) và tục đặt “Họ” (để khẳng định những người cùng từ một ông Tổ sinh ra) du nhập vào Việt Nam.
Do vậy, khi soạn Gia phả dòng họ đã từng đặt giả thiết cho rằng, trừ những người mà quan lại gán họ cho để quản lý thì họ Lương Việt Nam có lẽ là hậu duệ của những quan lại, thổ tù thuộc Bách Việt vùng Hoa Nam [1] do bất mãn hay chống đối Hán triều phải di cư xuống hay các quan cai trị đã lấy vợ người Việt, định cư ở Đại Việt [2]. Nhớ rằng khái niệm quốc gia, quốc giới trước kia chưa rõ ràng và cũng chưa có “Luật Cư trú”, “Luật Quốc tịch”, “Sổ Hộ khẩu” như ngày nay và quan hệ với lân bang chưa có Hòa ước Westphalia (1648, các nước có chủ quyền tối cao trong vùng lãnh thổ của mình, và do đó là ngang nhau trên trường quốc tế)
 Ngược dòng thời gian chúng ta thấy ngay hồi đầu Công nguyên đã có các nhân vật mang họ Lương được ghi lại trong chính sử liên quan đến nước ta. Đó là: Lương Long vào năm 178-181 từng lãnh đạo dân vùng này đứng lên chống Hán triều; là Lương Thạc 梁硕, người từng dành quyền và tự lĩnh chức Thứ sử Giao Châu vào năm Mậu Dần (318) thời Đông Tấn (東晉, 317-420). Họ thất bại trên chính trường nhưng hậu duệ của họ phải đâu đã tuyệt diệt?
Theo Gia phả Lương Cao Hương và Lương Hội Triều thì: tương truyền, vào thế kỷ thứ 14, khi người Mông Cổ (元朝, 1271-1368) diệt nhà Tống (宋朝, 960-1279), cai trị Trung Quốc, một số quan lại nhà Tống chạy sang Việt Nam, trong số đó có hai anh em nhà họ Lương[3] ở tỉnh Chiết Giang[4] 浙江 nam du và sang Đại Việt sinh sống, lập nghiệp.
Điều này phù hợp với truyền ngôn hay lời chép trong Gia phả của nhiều chi phái. Đồng thời đúng với tấm biển ghi trong đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh ở làng Cao Hương: “Bản chi bách thế tương truyền văn phái Chiết Giang lai[5] dịch nghĩa: Tương truyền chi họ ta đến từ văn phái tỉnh Chiết Giang
Điều đó cũng có nghĩa là một số dòng họ Lương khác trên đất Việt không cùng chung Thủy tổ với hai dòng này. Bởi lịch sử còn ghi nhiều người làm quan thời Lý, Trần, trước khi họ Lương khai cơ ở Cao Hương và Hội Triều. Ví dụ Lương Nguyên Bưu 梁元厖 làm tới chức Hành khiển thời Trần là người gốc Tuyên Quang, tiên tổ là Thế Sung làm Toát Thông Vương kiêm phụ đạo ở triều Lý. Lại có Lương Nhậm Văn 梁任文 làm tới  Thái sư  hay Lương Mậu Tài 梁茂才 giữ chức Ngoại lang thời Lý Thái Tôn (1028-1054). Thời Trần tại Lạng Sơn có Lương Uất là trấn thủ châu Lạng Giang đã có công cấp báo tình hình quân Nguyên (8/1282) về triều....
Người anh định cư ở làng Cao Hương[6] huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, là tổ của trạng nguyên Lương Thế Vinh (梁世榮, 1441 – 1495). Các chi phái của ngành này nay có mặt trên mọi miền nhưng không liên quan đến dòng Lương Đức ở Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng nên tôi không đi sâu tìm hiểu.
Còn người em vào Thanh Hóa, đến đời thứ ba, thì lập ấp ở làng Hội Triều huyện Hoằng Hóa, là tổ của bảng nhãn Lương Đắc Bằng (梁得朋, 1472 – 1516). Từ đây xuất phát ra nhiều chi phái, trong đó theo truyền ngôn thì có nhánh sang Tiên Lãng, từ đó lại có nhánh vượt sông Văn Úc sang Cao Mật bên An Lão. Đây chính là nhánh nhà tôi, để 2/1964 tiếp tục lập một chi phái nữa ở tận vùng biên: Lào Cai!  Tôi sẽ tập trung tìm tư liệu và nghiên cứu về con, cháu cụ Bảng nhãn để hầu tìm ra được Tổ tiên của dòng họ nhà mình.



[1] Là từ chỉ miền Nam Trung Quốc. Theo truyền thống, vùng đất từ sông Hoài 淮河 và dãy Tần Lĩnh 秦嶺 xuống gọi là Hoa Nam. Cũng có trường hợp phân vùng này thành vùng nằm giữa hai sông Hoàng Hà và Trường Giang gọi là vùng Hoa Trung và vùng phía Nam sông Trường Giang gọi là Hoa Nam hoặc Giang Nam.
[2]Ví như họ Hồ đều là hậu duệ của Trạng nguyên Hồ Hưng Dật 胡興軼. Ông này vốn thuộc tộc Bách Việt ở Chiết Giang sang làm Thái thú Diễn Châu đời Hậu Hán (947-950) rồi định cư ở Nghĩa Đàn, Nghệ An.
Hay như họ Vũ nhiều nơi nhận là hậu duệ của Vũ Hồn (武渾, 804 – 853). Ông vốn là con quan phủ nhà Đường (唐朝, 618-907) tên là Vũ Huy, ở làng Mã Kỳ, huyện Long Khê, phủ Thường Châu, tỉnh Phúc Kiến. Sau khi từ quan Vũ Huy đã đi du ngoạn phương Nam. Khi dừng chân trên đất Giao Châu đã lấy một người thôn nữ tên là Nguyễn Thị Đức tại làng Mạn Nhuế thuộc huyện Thanh Lâm đất Hồng Châu (sau này là tỉnh Hải Dương). Ngày 8 tháng Giêng năm Giáp Thân bà Đức sinh con trai, đặt tên là Vũ Hồn. Vũ Hồn từng giữ chức An Nam Kinh lược sứ 安南经略使.
[3] Không biết anh em họ có liên quan đến các danh nhân nhà Tống có tên trong chính sử như: Nữ tướng kháng Kim Lương Hồng Ngọc (梁红玉, 1102-1135, ở vùng Sở Châu, Hoài An, Giang Tô 江苏淮安市楚州区 ngày nay); cha con Trạng nguyên 父子状元 Lương Hạo (梁灏, 963-1004), Lương Cố (梁固, 985 – 1017, ở vùng Đông Bình, Sơn Đông 山东东平 ngày nay) hay không?
[4] Chiết Giang là một tỉnh ven biển phía đông của Trung Quốc. Tên gọi Chiết Giang lấy theo tên cũ của con sông Tiền Đường chảy qua  tỉnh lị Hàng Châu. Tên gọi tắt của tỉnh này là Chiết. Về địa giới: giáp giới với tỉnh Giang Tô và thành phố Thượng Hải về phía bắc, An Huy và Giang Tây về phía tây và Phúc Kiến về phía nam, phía đông giáp Biển Đông Trung Quốc. Những cư dân nơi này thời cổ được gọi chung là người Việt, như là Đông Việt hay là Âu Việt. Chiết Giang thuộc quyền kiểm soát của Trung Hoa từ thời nhà Tần (秦朝, 221 tCn-206 tCn).
[5] Tôi tạm phỏng đoán là: 本支百世將传文派浙江來.
[6] Cao Hương xưa là Cao Tra, một làng cổ thuộc huyện Thiên Bản, phủ Nghĩa Hưng, trấn Sơn Nam, nay là thôn Cao Phương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

1 nhận xét:

  1. Có ý kiến cho rằng họ Lương đến Hội Triều từ đời Trần Dụ Tông (陳裕宗, 1336 – 1369) tới nay nối tiếp được 25 thế hệ.

    Trả lờiXóa

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!