Vào thế kỷ XVI, cụ Lương Đắc Cam (hậu duệ của cụ Lương Đắc Bằng) nhằm tránh họa truy diệt của nhà Mạc đã từ Thanh Hóa ra xứ Đông nương nhờ cụ Trạng Trình rồi lập nghiệp ở huyện Tiên Minh, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương (nay là huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng) sinh ra dòng họ Lương ở đây. Do vậy cần biết về dư địa chí vùng đất này thủa đó.
Thanh Hoa và Tứ Trấn |
Vùng đất ven biển phía
Đông miền Duyên hải Bắc Bộ cách nay khoảng
từ 1vạn đến 6-7 nghìn năm từng là vùng ngập nước, có rừng xen kẽ những dải đất
cao, được hình thành cách đây khoảng 70 triệu năm do
phù sa bồi đắp mà thành. Thủa đó, trong đợt tạo sơn cuối cùng, vỏ trái đất vặn
mình, đứt gẫy, tạo nên sông Cối (Song-Koï
tức sông Hồng, 紅河) và thung lũng của nó. Các cuộc khai quật khảo cổ học đã cho thấy
cách ngày nay khoảng 10.000 - 30.000 năm trước vùng này đã có cuộc sống của con
người và họ đã biết sử dụng công cụ thô sơ bằng đá cuội, nhiều lớp văn hoá nối
tiếp nhau, hình thành một chuỗi dây lịch sử liên tục từ đầu Thời đại đồ đồng (青铜时代, 3500
tCn - 500 tCn) đến đầu
Thời đại đồ sắt (铁器时代, từ 1500 tCn) trên chặng đường 20 thế kỷ trước Công nguyên, minh chứng cho thời kỳ phát triển của văn hóa Đông Sơn[1] ở núi Voi - Xuân Sơn. Những nhóm cư dân đầu tiên của vùng châu thổ sông Hồng là từ các vùng đồi núi[2] xuống vùng đồng bằng khai hoá
đất để trồng trọt. Họ đã tạo ra một hệ thống đê điều để chế ngự sông Hồng. Nhiều
cụm dân cư hình thành, nối tiếp nhau quai đê lấn biển, thau chua, rửa mặn tạo
thành đồng ruộng, lập nên xóm làng. Quá trình lao động không ngừng để chế ngự,
chống lũ, lụt, bão, hạn hán, xây dựng đê điều, đào kênh phục vụ cho việc trồng lúa
đã tạo nên một sản phẩm đặc biệt là văn minh lúa nước và văn hoá làng xã.
Đồng thời, dù dưới thời nào,
miền Duyên hải Bắc Bộ cũng là nơi cung cấp nhiều nhân tài, vật lực cho công
cuộc dựng nước, giữ nước và kiến thiết của Việt Nam. Trong “Dư địa chí” 輿地誌, Nguyễn Trãi 阮豸đã đánh giá
“đây là trấn thứ nhất trong bốn kinh trấn
và là phên giậu phía đông của kinh thành Thăng Long”. Nhiều Danh thắng, Di
tịch lịch sử, Danh nhân vùng này đã được nhà nước công nhận và nhân dân ngưỡng
mộ chứng minh cho điều đó. Thật là vùng đất “Địa linh” đúng là: “Địa linh sinh
nhân kiệt” 地靈生人傑 nhưng
cổ nhân cũng dạy: “Tiên tích Đức, hậu tầm Long” 先積德後尋龍 nên sự phấn đấu cá nhân rất quan trọng.
Về phân cấp hành chính, do tư
liệu về Địa-Lịch sử của ta tản mát nên chưa khảo cứu được vùng Duyên hải thời
Bắc thuộc và buổi đầu độc lập cụ thể ra sao. Chỉ biết thành tố “Đông” 東 chỉ vùng này được xuất hiện
lần đầu dưới triều Lý (李朝, 1009 - 1225): lộ Hải Đông 海東. Khi sắp giành lại nước từ nhà Minh (明,1368 - 1644), Bình Định Vương Lê Lợi 平定王黎利
đã chia cả nước
ban đầu thành 4 đạo, đến năm 1428 Lê Thái tổ (黎太祖, 1428-1433)
chia thành 5 đạo, trong đó vùng Hải Dương, Hải
Phòng, Quảng Ninh nay thuộc Đông đạo. Dưới đạo là trấn, lộ, huyện, châu và cấp
cơ sở là xã. Năm 1466 vua Lê Thánh Tông chia cả nước thành 12 đạo thừa tuyên,
đổi trấn thành châu, đổi lộ thành phủ sau lại đổi thừa tuyên thành xứ. Quy mô
và diện tích các thừa tuyên/xứ tương đương với 2,3 tỉnh hiện nay. Trong đó vùng
bắc duyên hải thuộc Thừa tuyên Nam Sách (năm 1469 đổi thành Hải Dương)
còn vùng Tây bắc là Thừa tuyên Hưng Hóa.
Xứ Đông hay trấn Hải Đông là một địa danh cổ,
một trấn miền duyên hải Bắc bộ ở phía Đông của Kinh thành Thăng Long xưa. Xứ
Đông có hạt nhân là trấn Hải Đông xưa, nay là thành phố Hải Dương, bao gồm một
vùng rộng lớn ở Đông Bắc đồng bằng sông Hồng, gồm các tỉnh Hải Dương, Hải
Phòng, Quảng Ninh và một phần đất thuộc 2 tỉnh Hưng Yên và Thái Bình.
Khi vua Minh Mạng (明命, Nguyễn Phúc Đảm, 1820-1840), vào năm 1831 lần đầu tiên chia thành
31 đơn vị hành chính cấp tỉnh gồm 30 tỉnh và phủ Thừa Thiên, trực tiếp dưới cấp
trung ương và dưới tỉnh là phủ, huyện, tổng, xã thì Xứ Đông gồm 4 phủ với 18
huyện. Các Phủ huyện là: Phủ
Thượng Hồng (có 3 huyện: Đường Hào: nay
là Mỹ Hào tỉnh Hưng Yên, Đường An: nay là Bình Giang , Cẩm Giàng (Hải Dương);
Phủ Hạ Hồng (có 4 huyện: Gia Phúc: nay là
Gia Lộc , Tứ Kỳ, Thanh Miện tỉnh Hải Dương, Vĩnh Lại: nay là Vĩnh Bảo (Hải
Phòng), Ninh Giang (Hải Dương) và Quỳnh Phụ (Thái Bình); Phủ Nam Sách (có 4 huyện: Thanh Hà, Thanh Lâm: nay là Nam
Sách, Chí Linh (Hải Dương), Tiên Minh: nay là Tiên Lãng (Hải Phòng); Phủ Kinh Môn (có 7 huyện: Giáp Sơn: nội thành Hải Phòng, Đông Triều: thuộc Quảng
Ninh, An Lão: thuộc Hải Phòng, Nghi Dương: nay gồm huyện Kiến Thụy, thị xã Đồ
Sơn và quận Kiến An thuộc Hải Phòng, Kim Thành, Thuỷ Đường: nay là Thủy Nguyên
(Hải Phòng), An Dương: thuộc Hải Phòng).
Trong đó huyện Vĩnh Lại (nay là Vĩnh Bảo)
thuộc phủ Hạ Hồng, huyện Tiên Minh (nay là Tiên Lãng) thuộc phủ Nam
Sách, huyện An Lão và huyện Nghi Dương (nay gồm huyện Kiến Thụy, thị xã Đồ
Sơn và quận Kiến An) thuộc phủ Kinh Môn sau này thuộc đất Hải Phòng.
Ngày nay, trong Xứ Đông, Hải Phòng cùng
với các tỉnh ven biển là Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình nằm trong
vùng Duyên hải Bắc Bộ và theo Quyết định số 865/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban
hành năm 2008 được định hướng trở thành vùng kinh tế tổng hợp quan trọng tầm
quốc gia và quốc tế.
[1] Là nền văn hóa cổ từng tồn tại ở một số
tỉnh miền bắc, bắc trung bộ Việt Nam và ba con sông lớn và chính của đồng bằng
Bắc Bộ (sông Hồng, sông Mã và sông Lam) vào thời kỳ đồ đồng và thời kỳ
đồ sắt sớm.
[2] Vùng Hải Phòng có hai dải núi chính:
- Dải đồi núi từ An Lão đến Đồ Sơn nối tiếp không
liên tục, kéo dài khoảng 30 km có hướng Tây Bắc - Đông Nam gồm các núi: Voi,
phù Liễn, Xuân Sơn, Xuân áng, núi Đối, Đồ Sơn, Hòn Dáu;
-Dải Kỳ Sơn - Tràng Kênh và An Sơn - Núi Đèo gồm
hai nhánh: nhánh An Sơn - Núi đèo cấu tạo chính là đá cát kết có hướng tây bắc
đông nam gồm các núi Phù Lưu, Thanh Lãng, Núi Đèo; nhánh Kỳ Sơn - Trang Kênh có hướng tây tây
bắc - đông đông nam gồm nhiều núi đá vôi, đặc biệt là đá vôi Tràng Kênh là
nguồn nguyên liệu quý của công nghiệp xi măng Hải Phòng. Hiện nay ở đây, xen kẽ
các đồi núi là những đồng bằng nhỏ phân tán với trầm tích cổ từ các đồi núi
trôi xuống và cả trầm tích phù sa hiện đại
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!