Từ lâu trong họ đã lưu truyền rằng khởi nguồn nhiều dòng họ Lương
Việt Nam (trong đó có họ Lương ở Xứ Đông,
tức Hải Phòng nay) là từ Tổ Thượng ở 2 nơi thuộc xứ Sơn Nam và xứ Thanh từ
thế kỷ XIV. Tại Sơn Nam đó là: Ứng Long
phủ 應龍府, Hiển Khánh huyện 顯慶县, Hào Kiệt tổng 豪傑总, Cao Tra xã 高茬社 (nay là thôn Cao Phương, xã
Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Tại xứ Thanh là: Thanh Hóa trấn 清化, Hà Trung phủ 河中府, Cổ Ðằng
giáp 古籐甲, Bái Cầu tổng 沛梂总, Phượng
Lịch trang 鳳嚦庄 (nay là thôn Hội Triều, xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa)
Đây là những
vùng đất “địa linh nhân kiệt” 地灵人傑, đóng góp nhiều nhân tài vật lực cho công cuộc dựng, giữ và xây dựng
đất nước của dân tộc Việt. Nhiều di tích lịch sử, danh nhân vùng này được người
đời ngưỡng mộ, nhà nước công nhận đã chứng minh điều đó.
Để tìm về các địa
danh này cần biết nhà Trần chia các đơn vị hành chính dưới trung ương là: 9 Lộ 路
(Đông Đô, Bắc Giang, Lạng Giang, Lạng
Sơn, Long Hưng, Khoái Châu, Hoàng Giang, Hải Đông, Tam Giang), 4 Phủ 府
(Kiến Xương, Kiến Hưng, Tân Hưng, Thiên
Trường), 7 Trấn 鎭 (Thiên
Quan, Quảng Oai, Thiên Hưng,Thanh Đô, Vọng Giang, Tân Bình, Thuận Hóa). Đơn
vị hành chính bên dưới là Châu 州, dưới Châu là Huyện 縣;dưới
nữa là: Tổng 总, Xã 社 đến Làng 廊,
Thôn 村,
Xóm ��, Giáp 甲, Phường 坊, Động 峒,
Giáp 硤,
Sách 柵,
Bản 本,
Trại 赛.
1. Sơn Nam
đắc địa lắm anh tài:
1.1. Sơn Nam là địa danh cũ có từ thời Lê (後黎朝, 1428 - 1788). Nguyên vùng này thời thuộc
Tần về quận Nam Hải, Đường đổi là Giao Châu. Khi giành độc lập, thời Đinh, Lê đặt
là đạo hoặc lộ, phủ. Thời Trần gồm các lộ: Thiên Trường, Kiến Xương, Ứng Thiên,
Lý Nhân, Tân Hưng, Khoái Phủ, Trường An, Long Hưng, Đại Hoàng, An Tiêm và đặt
Thừa tuyên Thiên Trườngcó thủ phủ tại Vị Hoàng (Nam Định) thống hạt các phủ
huyện. Đến thời Hậu Lê khi định bản đồ đặt là Thừa tuyên Sơn Nam và thủ phủ
chuyển về Vân Sàng (Ninh Bình) làm
phên dậu che chắn cho quê hương Lam Sơn nhà Lê. Trấn Sơn Nam bao gồm 11
phủ, có 42 huyện. Trong đó có Phủ Nghĩa Hưng (nay thuộc tỉnh Nam
Định) quản lĩnh 4 huyện: Đại An, Vọng Doanh, Thiên Bản và Ý Yên. Năm Cảnh
Hưng thứ hai (景興,1741) Lê Hiển Tông chia ra 3 lộ: Sơn Nam
Thượng, Sơn Nam Hạ và lộ Thanh Hoa Ngoại. Thời Tây Sơn, đổi lộ thành trấn, xứ
Sơn Nam
được chia ra Sơn Nam Hạ, Sơn Nam Thượng.
Nay vùng này gồm phần đất của các tỉnh phía nam đồng bằng Bắc bộ
như: Hà Nam, Ninh Bình, Nam
Định, Thái Bình và một phần các tỉnh Hưng Yên, Hà Nội (5 huyện phía nam). Mà khởi nguồn một số dòng họ Lương (hậu duệ Trạng Lường Lương Thế Vinh) tại
vùng đất mà nay là Cao Phương, Liên Bảo, Vụ Bản, Nam
Định.
1.2. Nam Định 南定省 là một tỉnh thuộc vùng duyên hải Bắc
Bộ 南临北部湾 mà thời Bắc thuộc là đất Tống
Châu, quân Giao Chỉ. Trong đầu thời phong kiến tự chủ nhà Đinh đặt làm đạo, nhà
Tiền Lê, nhà Lý gọi là lộ (nhưng chưa rõ
tên gì). Đời Trần là lộ Thiên Trường và lộ Long Hưng. Thời lệ Minh (1407-1427) thuộc về 3 phủ: Trấn Man, Phụng
Hóa, Kiến Bình. Khi Lê Thái Tổ hưng nghiệp đặt làm Nam đạo. Năm 1469 Lê Thánh Tông đặt
Thiên Trường Thừa tuyên sau đổi là Sơn Nam Thừa tuyên gồm 9 phủ và tỉnh Nam Định
nay tương ứng với 5 phủ (Nghĩa Hưng,
Thiên Trường, Tiên Hưng, Kiến Xương, Thái Bình). Đời Mạc lấy Kiến Xương,
Thái Bình cho lệ vào trấn Hải Dương. Đến thời Quang Hưng (光興,1578-1599) nhà Lê lại chia ra như cũ. Năm Cảnh Hưng thứ Hai (景興第二年,1741) Lê Hiển Tông chia Sơn Nam ra thành 2 trấn và Nam Định thuộc về
Sơn Nam Hạ. Đến năm Minh Mạng thứ Ba (明命第三年,1822) đổi thành trấn
Nam Định. Bẩy năm sau lập thêm huyện mới Tiền Hải. Khi tiến hành cải cách hành
chính vào năm 1932, nhà Nguyễn lấy 3 huyện: Hưng Nhân, Diên Hà, Thần Khê cho thuộc
Hưng Yên phần còn lại lập tỉnh Nam Định. Năm sau đặt thêm huyện Chân Ninh (tách từ Nam Chân ra). Đến đời Đồng Khánh
Nam Định có 4 phủ, 18 huyện quản 141 tổng với 834 xa, 85 thôn, 36 trang, 32 trại,
22 lý, 59 ấp, 11 giáp, 5 phường, 1 tuần, 1 sở. Trong đó phủ Nghĩa Hưng 義興分府 kiêm lý huyện Đại Ân và thống hạt
huyện Vụ Bản 務本縣.
1.3. Vụ Bản nguyên thời
Lý-Trần là huyện Hiển Khánh 顯 慶
thuộc phủ Ứng Long 應龍; thời
thuộc Minh đổi là Yên Bản 安本 thuộc phủ
Kiến Bình. Năm Quang Thuận thứ 10 (光順第十年, 1469) Lê Thánh Tông
cho đổi thành huyện Thiên Bản 天本縣 thuộc phủ
Nghĩa Hưng 義興府. Do
tránh chữ “thiên” thuộc diện các tử tôn kính nên vào năm Tự Đức thứ 6 (嗣德第六年,1853) đổi thành Vụ Bản 務本縣 và giữ nguyên danh xưng đó đến nay.
1.4. Thời
Đồng Khánh (同慶,1886-1888) Vụ Bản có 10 tổng gồm 88 xã,
thôn, trang, trại, phường. Trong đó tổng
Hào Kiệt (豪傑, 6 xã) có xã Cao Tra 高茬 (sau đổi Cao Hương 高芗) mà nay
chính là thôn Cao Phương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản. Đây là nơi hiện có nhà Tổ,
thờ cụ Trạng Lương Thế Vinh.
2. Vùng đất Thanh Hóa phát Đế vương:
2.1. Thanh Hóa 清化 là tỉnh cực Bắc miền Trung 中北沿海地區, cách thủ đô Hà Nội khoảng
150 km về phía Nam và cách thành phố Hồ Chí Minh 1.560km về hướng Bắc. Đây là một
tỉnh lớn của Việt Nam, đứng thứ 5 về diện tích và thứ 3 về dân số trong số các
đơn vị hành chính trực thuộc trung ương, cũng là một trong những địa điểm sinh
sống đầu tiên của người Việt đồng thời là tỉnh có số lần tách nhập ít nhất Việt
Nam. Chính từ vùng núi, trung du Thanh Hóa, người Việt cổ di cư xuống vùng đồng
bằng ven biển, di cư ra vùng châu thổ sông Hồng mới hình thành để trị thủy,
khai thác đồng bằng mầu mỡ. Do vậy việc nhiều dòng họ khởi Thủy tổ ở Thanh Hóa
không có gì lạ. Những chi phái họ Lương xuất phát từ Bảng nhãn Lương Đắc Bằng
có chung gốc từ Hội Triều, Hoằng Phong, Hoằng Hóa, Thánh Hóa.
Thời Bắc thuộc nơi đây là đất quận Cửu Chân 九眞郡 sau đổi là đạo Ái Châu 愛州. Sơ kỳ phong kiến tự chủ gọi là quận
Ái Châu Cửu Chân 愛州九眞郡. Đầu thời
Lý (李朝, 1009 - 1225) gọi là trại Ái Châu 愛州寨, về sau vào năm Hội tường Đại khánh 2 (會祥大慶第二年, 1111) gọi là Phủ Thanh Hóa 清化府.
Năm 1242 vua Trần Thái Tông đổi 24 phủ đời Lý thành 12 lộ, trong
đó có Thanh Hóa phủ lộ 清化路. Năm Quang Thái thứ 10 (光泰第十年, 1397) đời Trần Thuận
Tông khi dời đô về Tây Đô đổi làm trấn Thanh Ðô 清都鎭. Trấn
Thanh Ðô lúc này gồm 7 huyện và 3 châu (mỗi
châu có 4 huyện). Trong đó, 7 huyện là: Cổ Ðằng, Cổ Hoằng, Ðông Sơn, Cổ
Lôi, Vĩnh Ninh, Yên Ðịnh và Lương Giang. 3 châu là: châu Thanh Hóa (gồm huyện Nga Lạc, huyện Tế Giang, huyện Yên
Lạc, huyện Lỗi Giang); châu Ái (gồm
huyện Hà Trung, huyện Thống Bình, huyện Tống Giang, huyện Chi Nga) và châu
Cửu Chân (gồm huyện Cổ Chiến, huyện Kết
Thuế, huyện Duyên Giác, huyện Nông Cống). Năm 1430, Hồ Hán Thương đổi phủ
Thanh Hóa thành phủ Thiên Xương 天昌府 gồm cả Cửu Chân, Ái Châu
là Kinh Kỳ tam phủ gọi là “Tây Ðô" 西鎭 (Thăng Long khi đó gọi là Đông Đô).
Thời thuộc Minh, trấn Thanh Ðô đổi thành phủ Thanh Hóa và lãnh 4
châu là Cửu Chân, Ái Châu, Thanh Hóa, Quỳ Châu và 11 huyện (là Yên Ðịnh, Nông Cống, Vĩnh Ninh, Tống
Giang, Cổ Ðằng, Nga Lạc, Lương Giang, Lỗi Giang, Ðông Sơn, Yên Lạc, Cổ Lôi)
và đặt thêm hai huyện: Lôi Dương, Thụy Nguyên.
Sau khi khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, vào năm Thuận Thiên thứ nhất
(順天元年, 1428) Lê Thái Tổ chia nước làm 5 đạo, Thanh Hóa thuộc Hải Tây đạo 海西道, đến năm Quang Thuận thứ 7 (光順第七年,1466) Lê Thánh Tông đặt Thừa Tuyên Thanh Hóa 清化丞宣 (6 phủ, 22 huyện, 4 châu) và 3 năm sau đổi thành Thừa Tuyên Thanh
Hoa 清華丞宣, tên Thanh Hoa có từ đây. Thanh
Hoa Thừa Tuyên thời nhà Lê gọi là Thanh Hoa Ngoại trấn 清華外鎭 lãnh 6 phủ, 16 huyện và 4 châu và
đất đai khi đó gồm phần đất tỉnh Thanh Hóa ngày nay và tỉnh Ninh Bình (thời kỳ đó là phủ Trường Yên, trực thuộc)
và tỉnh Hủa Phăn (Sầm Nưa) của Lào (thời kỳ đó gọi là châu Sầm). Đầu thời
Nguyễn, hai phủ Trường Yên, Thiên Quan gọi là Thanh Hoa Nội trấn 清華内鎭. Năm Gia Long thứ nhất (嘉隆元年,1802), gọi là trấn Thanh Hóa 清化鎭. Năm
Minh Mệnh thứ 12 (明命,1831), đổi trấn thành tỉnh 省. Do
tránh húy Hoàng Thái Hậu mẹ vua Thiệu Trị là Hồ Thị Hoa (胡氏華,1791-1807) nên từ năm Thiệu Trị thứ nhất (紹治元年, 1841) gọi là tỉnh Thanh Hóa 清化省.
Hồi đầu thế kỷ XIX tỉnh Thanh Hóa có 5 phủ gồm 16 huyện, 3 châu và
3 châu Kimi (羈縻, cai trị lỏng lẻo,
duy trì để cho không đến nỗi tuyệt hẳn) quản
128 tổng, 2008 xã, thôn, trang, trại, sở, giáp, lăng, tộc, vạn, phường, ấp, động,
man, mường. Trong đó có huyện Hoằng Hóa (cùng
với Mỹ Lộc, Hậu Lộc) do phủ Hà Trung thống hạt (phủ này còn kiêm lý hai huyện là Tống Sơn và Nga Sơn).
2.2. Hoằng Hóa 弘化縣 thời Ðinh - Lê gọi là giáp Cổ
Hoằng 古弘甲; niên hiệu
Thiên tư Gia Thụy (天資嘉瑞, 1186-1201) đời Lý đổi là Cổ Ðằng 古籐甲 đến niên hiệu Hưng Long (興隆,1289-1314) thời Trần đổi là huyện Cổ Đằng 古籐縣; thời nhà Hồ đổi là huyện Cổ Linh 古靈; thời thuộc Minh gọi là huyện Cố Ðằng
古籐縣. Ðến thời Lê Thánh Tông, niên hiệu
Hồng Ðức thứ nhất (洪 德元年,1470) đổi thành huyện Hoằng Hóa 弘化縣 thuộc phủ Hà Trung. Năm Minh Mạng thứ 19 (1838), cắt tổng Lỗ Hương, Dương Sơn và 3 xã của tổng Bút Sơn ở phía
Bắc cùng với tổng Ðại Ly của huyện Hậu Lộc lập huyện mới Mỹ Hóa do huyện Hoằng
Hóa kiêm nhiệm. Đến năm 1924 huyện Mỹ Hóa giải thể, các làng, tổng trên lại nhập
về Hoằng Hóa. Từ đó địa giới Hoằng Hóa ổn định.
2.3. Xã Hội Triều[1]
là 1 trong 27 ấp, thôn, xã của tổng Bái Trạch 沛泽, huyện Hoằng Hóa. Tổng này nguyên trước có tên là Bái Cầu 沛梂 nhưng do “cầu” đồng âm với tên mẹ
Chúa Nguyễn Phúc Thuần là Nguyễn Thị Ngọc Cầu 阮氏玉球 nên năm Tự Đức thứ 14 (嗣德十四年,1861) đổi là Bái Trạch.
Đây chính là nơi cụ Tổ của Lương Đắc Bằng dừng chân lập nghiệp, nay đổi là thôn
Hội Triều, xã Hoằng Phong (một trong 47
xã, 1 thị tứ và 2 thị trấn của huyện Hoằng Hóa).
Ngày xưa các cụ cho đất Hội Triều là:
“Song long đáo hải; Lưỡng phượng trình tường” 双龍到海之奇兩鳳呈翔志異, tức “Đôi Rồng đến
biển, cặp Phượng phô trương”. Làng Hội Triều
có 14 dòng họ, trong đó họ Lương đông (họ
Lường phủ của Lương Đắc Bằng, họ Lường tam chi là hậu duệ của Lương Thế Vinh)
và có nhiều người thành đạt. Hiện nay làng có hơn 500 hộ, với hơn 2100 nhân khẩu
và hàng trăm người hiện đang làm ăn sinh sống ở
khắp nơi trong và ngoài nước.
-Trích trong cuốn "Đi tìm cội nguồn và sự phát triển của dòng họ Lương Đức xã Chiến Thắng, huyện An Lão" đang soạn-
[1] Theo tài liệu của các
ông Lương Ngọc Toản, Lương Viên, Hồng Đình Khảm thì Thần phả làng có ghi: vào thời
nhà Lý (1010 – 1224), khoảng giữa thế
kỷ thứ 12 có một võ tướng tên là Võ Viết Thành, quê ở trang Hồng Xá huyện Đông
Triều, Phủ Kinh Môn, xứ Hồng Châu (nay là
Huyện Đông Triều thuộc tỉnh Quảng Ninh) vâng lệnh nhà vua đi kinh lý, vào
huyện Cổ Đằng, phủ Hà Trung, trấn Thanh Hoa. Ngài thấy nơi đây đất đai màu mỡ,
phong cảnh hữu tình, dân cư thuần hậu, lại là nôi yếu địa của đất nước, nên cho
quân lập đồn trại ở Hữu Vĩnh trang (nay
là khu chùa Chào xã Hoằng Lưu), ngài lấy vợ ở Phượng Lịch trang và mất ở Triều
Hải trang, được triều đình phong Đại Vương Thượng Đẳng Thần. Đến năm Hưng Khánh
nhà Hậu Trần (1407 – 1409), có ông
Lương Nhữ Hốt đến lập ấp ở đây, mới gọi là xã Hội Triều.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!