[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


29 tháng 8 2024

MỘT TẤM GƯƠNG TIÊU BIỂU, CÂY ĐẠI THỤ NGÀNH Y

(Có sử dụng ảnh và tư liệu của Bác sĩ Nguyễn Vân Sáu, nguyên Chánh Văn phòng HVQY, trong những ngày chuẩn bị Hội Khóa 69 ĐHQY tại Đảo Ngọc và thăm quan K9)

Thầy tôi, Giáo sư Bác sĩ Đỗ Xuân Hợp sinh ngày 8 tháng 7 năm 1906, mất ngày 17 tháng 12 năm 1985; là một thầy thuốc, một tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam (phong thiếu tướng năm 1985); Giáo sư là Đại biểu Quốc hội từ khoá II đến khóa VII; Uỷ viên Thường vụ Quốc hội khoá IV, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Y tế xã hội của Quốc hội khoá VI; Uỷ viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khoá III, Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội khoá IV, Uỷ viên Liên minh Quốc hội thế giới của Việt Nam; Uỷ viên Trung ương Đảng Xã hội Việt Nam (sáng lập), Bí thư Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Xã hội Việt Nam Thành phố Hà Nội; Giáo sư là Anh hùng LLVTND.

 Ông là con thứ năm của cụ Đỗ Xuân Đạt - một gia đình nghèo có truyền thống hiếu học và yêu nước ở  phố Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Khi cụ Lương Văn Can cùng những chí sĩ yêu nước lập ra trường Đông Kinh Nghĩa Thục thì cụ Đạt dù không ra dạy, nhưng vẫn bí mật giúp đỡ tài chính cho trường.

Ngay từ nhỏ, cụ Đỗ Xuân Hợp đã nổi tiếng là cậu học trò giỏi nhất trường. Khi đậu ưu kỳ thi Tiểu học thì phần thưởng là những cuốn sách đã được ông chất đầy trong một tủ lớn! Sau này theo học trường Bưởi, ông cũng là học sinh giỏi, chăm chỉ và khiêm tốn giúp bạn học kém hơn mình. Mỗi tháng được nhận học bổng 8 đồng, ông dùng để nuôi hai em tiếp tục ăn học như mình.

Tốt nghiệp trung học với bằng Thành chung loại Uu, ông theo học trường Cao đẳng y dược Đông Dương (médecin indochinois) đến năm 1929.

Lúc này tình yêu đến với ông. Người yêu là bà Nguyễn Thị Thịnh - một nữ sinh trường Sư Phạm Hà Nội. Khi nên duyên thì người vợ đã cùng chồng lên đường nhận nhiệm sở. Là Y sĩ, Đỗ Xuân Hợp được phân công về nơi rừng thiêng nước độc ở Bắc Hà (Lào Cai) và gắn bó với nơi heo hút này 3 năm liền (1929-1932).

Trở về Hà Nội, ông theo học trường Y khoa Đông Dương. Nếu Bác sĩ Hồ Đắc Di là người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp bác sĩ phẫu thuật tại Pháp thì Đỗ Xuân Hợp là người đầu tiên trợ giảng và hướng dẫn cho sinh viên thực tập trong khoa phẫu thuật của trường Y khoa Đông Dương. Từ năm 1934, y sĩ Đỗ Xuân Hợp bắt đầu làm việc với tư cách là trợ lý giải phẫu cho GS Pierre Huard, Giám đốc Viện Giải phẫu, Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội.

Năm 1942, ông cùng với thầy giáo của mình - GS Pierre Huard hoàn thành và cho xuất bản cuốn sách tiếng Pháp Morphologie humaine et anatomie artistique (Hình thái học nhân thể và giải phẫu học nghệ thuật). Ngay sau khi ra đời, cuốn sách đã tạo ra một tiếng vang lớn trên các diễn đàn y học thế giới lúc bấy giờ. Cuốn sách trở thành tài liệu tham khảo cơ bản, gối đầu giường cho nhiều nhà nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khác nhau như y học, mỹ thuật, nhân chủng học, khảo cổ học...

Ngay trong năm đó, ông có công trình nghiên cứu khoa học đầu tiên về lĩnh vực giải phẫu. Cùng năm 1944, ông bảo vệ thành công luận án bác sĩ y khoa “Recherches sur le système osseux des Annamites” (Nghiên cứu bộ xương của người Việt Nam), trở thành bác sĩ chuyên khoa Giải phẫu học đầu tiên của nước ta. Tính từ 1942 đến năm 1944, ông công bố 88 công trình trên các tạp chí, chuyên san y học của Pháp.

1932-1945, ông là Giảng viên Trường Y dược Đông Dương.

Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nghe theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ, ông đã hăng say đem khả năng chuyên môn cống hiến cho cách mạng, tích cực tham gia hoạt động của các tổ chức xã hội: ngày 27/3/1946 Bác sĩ Đỗ Xuân Hợp làm Chủ tịch cơ quan Cứu tế xã hội Bắc bộ, kiêm chức Giám đốc Nha Cứu tế Trung ương, Bộ Xã hội. Ngày 28 tháng 6 năm 1946, Bác sĩ Đỗ Xuân Hợp xin từ chức Giám đốc Nha Cứu tế Trung ương, được chấp thuận vào ngày 14 tháng 9 năm 1946 (thay thế là Nguyễn Hữu Viên, Chánh Văn phòng Bộ Xã hội từ 27/3/1946) và ông được bầu là Chủ tịch Hội Cứu đói toàn quốc, Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến khu phố Chợ Hôm, Chủ tịch Hội Hồng thập tự,...

Khi toàn quốc kháng chiến nổ ra thì Bác sĩ Đỗ Xuân Hợp bỏ lại sau lưng căn Biệt thự số 69 phố Trần Xuân Soạn ở Hà Nội, bỏ lại những tiện nghi vật chất để lên đường tòng quân vì Tổ quốc (bấy giờ ông đang giảng dạy ở Đại Học Y khoa, chữa bệnh ở bệnh viện Phủ Doãn và còn có cả phòng mạch tư ở phố Chợ Hôm).

  Tập sách “Giải phẫu tứ chi và Thực hành y khoa” được xuất bản năm 1952 tại Việt Bắc (bằng tiếng Việt in trên giấy dó ở chiến khu) là tài liệu chính giảng dạy trong các trường Y mà còn là cẩm nang quý báu cho cán bộ quân y tham khảo để phục vụ thương binh ngay tại chiến trường. Với tác phẩm này, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi và Chính phủ tặng Huân chương Kháng chiến Hạng ba.

Khi Hòa bình lập lại, Giáo sư, ngoài việc giảng dạy, nghiên cứu còn từng bước hoàn chỉnh, bổ sung, viết mới thành một bộ sách giải phẫu, bao gồm 4 cuốn: Giải phẫu đại cương, giải phẫu đầu mặt cổ, Giải phẫu thực dụng ngoại khoa tứ chi, Giải phẫu ngực, Giải phẫu bụng và chúng được nhiều lần tái bản. Đây là những cuốn sách “gối đầu giường” của SVYK. Đó là một trong những cống hiến để Bác sĩ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và kỹ thuật đợt đầu tiên (Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I do Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký quyết định số 991 KT/CTN ngày 10/9/1996  trao cho 33 công trình, cụm công trình khoa học công nghệ và 44 cụm tác phẩm thuộc lĩnh vực Văn học – Nghệ thuật trong đó: Khoa học y - dược 13 giải).

Thầy cũng là người có công “Việt hóa” các từ Y khoa, đưa tiếng Việt vào giảng dạy trong các trường Đại học…

Tính từ năm 1934 đến năm 1985, tức là từ khi bắt tay vào nghiên cứu khoa học đến khi rời cõi tạm, GS Đỗ Xuân Hợp đã công bố 125 công trình về nhân trắc học và hình thái học người Việt Nam.

Ông còn là một trong những người sáng lập ra Đảng Xã hội Việt Nam và ở trong Ban chấp hành Trung ương Đảng Xã hội từ năm 1946-1985. Trên lĩnh vực chuyên môn, GS Đỗ Xuân Hợp là người sáng lập ra Hội Hình thái học Việt Nam (27/10/1967) và giữ chức Chủ tịch kiêm Tổng biên tập của tờ báo Hình thái học liên tục trong 18 năm liền.

GS Đỗ Xuân Hợp là Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và không đứng trong hàng ngũ của Đảng như chính Bác Hồ nắm tay người bác sĩ chân tình: “Chú Hợp là người cộng sản không ở trong Đảng”.

 Riêng với Quân y:

 - Năm 1950-1960, ông là Viện trưởng Viện Quân y Liên Khu X (đóng ở Quế Trạo); Hiệu trưởng kiêm Chủ nhiệm Bộ môn giải phẫu Trường Quân y sĩ Việt Bắc, Trường Sĩ quan quân y (được thành lập ở cánh rừng Liễn Sơn, xã Hồng Hoa, huyện Tam Dương tỉnh Vĩnh Phú); Bác sĩ Đỗ Xuân Hợp nhận thêm nhiệm vụ Chủ nhiệm Bộ môn giải phẫu Đại học Y khoa Hà Nội do Bác sĩ Hồ Đắc Di làm hiệu trưởng ban đầu (1954-1985). Ngoài sách về Giải phẫu đã dẫn ở trên còn có thể kể đến những tác phẩm y học ông viết trong thời gian chống Pháp như Triệu chứng học, Dược học, Thực hành bệnh viện...

-Đầu năm 1950, Bác sĩ thôi giữ chức Viện trưởng Viện Quân y liên khu X và được cử làm Trưởng phòng Huấn luyện Cục Quân y. Ông cho thành lập Ban Tu thư và Ấn loát tài liệu, giáo trình của Cục.

 - Năm 1951, bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ lúc bấy giờ đang là Hiệu trưởng Trường Quân y sĩ được cử sang Liên Xô học bổ túc chuyên môn, bác sĩ Đỗ Xuân Hợp được cử làm Hiệu trưởng nhà trường. Bắt đầu từ đây cho tới lúc nghỉ hưu (năm 1978) gần 30 năm, ông gắn bó với sự nghiệp đào tạo của trường Quân y sĩ (1951-1957), rồi Trường Sĩ quan quân y (1957-1962), Viện Nghiên cứu Y học quân sự (1962 – 1966), Trường Đại học Quân y (1966 – 1981) và sau nhiều lần đổi tên, ngày nay là Học viện Quân y. Thầy là Hiệu trưởng trường này từ tháng 01/1951 đén tháng 3 năm 1979. Đây là quãng thời gian khóa DH9 chúng tôi học (1974-1981), là khoá đầu tiên có SV là CAND học bên trường thuộc BQP. Khóa chúng tôi ngày đó mang mật danh 69 ĐHQY có khá nhiều kỷ niệm, ấn tượng với Giáo sư. Khi chúng tôi nhập trường, giáo sư là Hiệu trưởng và là người giảng bài học đầu tiên về “Chính trị” và “Giải phẫu” tại Hội trường lớn cho sinh viên toàn Khóa! Chính vì vậy, trong cuốn KỶ YẾU BÁC SĨ QUÂN Y DÀI HẠN 9 HỌC VIỆN QUÂN Y vừa ra mắt 3/2020 có hẳn 1 trang (T16) viết về Thầy với bức ảnh thầy mặc quân phục “gặp gỡ các Dược sĩ, Bác sĩ trước khi lên đường nhận nhiệm vụ”!

Trước đó chúng tôi đều từng nghe danh, được thụ giảng và ngưỡng mộ GsBs Đỗ Xuân Hợp. Cụ không chỉ là một cây đại thụ của ngành y Việt Nam và cũng là cây đại thụ của ngành Giải phẫu học Việt Nam mà còn là cây đại thụ, người thầy của bao thế hệ Bs Quân y. Vì vậy ngay từ 1955, cùng với 10 nhà Y, Dược xuất sắc, bác sĩ Đỗ Xuân Hợp được phong hàm Giáo sư đợt đầu tiên của Việt Nam.

Với cấp hàm Thiếu tướng, Danh hiệu cao quý AHLLVTND (năm 1985) nên Cụ cũng là một trong những người có cấp hàm cao, vị trí quan trong trong ngành Quan y nhưng lại là người không có tên trong danh sách đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông là Phó Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam từ khi thành lập; sáng lập viên và là Chủ tịch Hội Hình thái học Việt Nam (1965-1985)

 Ngoài ra, Giáo sư còn được giải thưởng Testut của Viện Hàn lâm Y học Pháp năm 1949 về cuốn sách mà ông và thầy Pierre Huard viết từ năm 1942 (một giải thưởng lớn về y học của Pháp cũng như của ngành giải phẫu quốc tế mà ông là người Việt đầu tiên, người thứ 10 trên thế giới được nhận nhưng cũng chính ông lại từ chối việc đến Paris nhận giải thưởng Testut cùng với số tiền thưởng 32000 USD để ở lại phục vụ kháng chiến. Hơn 30 năm sau (1980) GS Tôn Thất Tùng là người Việt Nam thứ 2 đồng thời là người thứ 10 trên thế giới được nhận giải thưởng cao quý này. Sau này, khi Tổng thống Pháp Francois Mitterrand sang thăm Việt Nam có gặp vợ cố Bác sĩ Đỗ Xuân Hợp. Trong trò chuyện thân mật, bà có nhắc đến chuyện này, điều chúng ta không ngờ là chỉ thời gian sau, Viện hàn lâm y học Pháp đã gửi đến cho gia đình cố bác sĩ tấm bằng này).

  Trong nước, Giáo sư còn nhận được nhiều phần thưởng: Anh hùng LLVTND,  Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập hạng nhì; Hai Huân chương Quân công hạng nhất; Huân chương Quân công hạng ba; Huân chương Chiến thắng hạng nhất; Huân chương Chiến công hạng nhất, hạng ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất; Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba; Huy chương Quân kỳ Quyết thắng.

Nhưng chính tôi, 1 thành viên của K9 HVQY, sau này mới biết, người thầy của mình từng 3 năm (1929-1932) làm việc rất có uy tín tại một huyện miền núi ở Lào Cai quê tôi, huyện Bắc Hà khi mới là Y sĩ!

Bài viết sau đây trích từ bài “Giáo sư ĐỖ XUÂN HỢP, VỊ ANH HÙNG QUÂN Y NGOÀI ĐẢNG’ đăng trên http://khampha.vn/.

*

Xuất thân trong một gia đình trí thức ở Hà Nội và chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền giáo dục Nho học nhưng Đỗ Xuân Hợp lại sớm chịu tác động của Tây học. Tốt nghiệp Y sĩ Đông Dương năm 1929 được chính quyền Pháp phân công làm Quan Đốc tại Bắc Hà, Lào Cai.

Công việc thường ngày của ông là buổi sáng khám chữa bệnh cho các bệnh nhân là sĩ quan và binh lính người Pháp, buổi chiều dành cho nhân dân sở tại. Cũng có khi ông làm việc ở đồn binh của Pháp.

Không những nhận được cảm tình của binh lính Pháp, Quan đốc Đỗ Xuân Hợp cũng được người dân yêu mến, tin tưởng. Quan đốc khám bệnh cho người dân tộc thiểu số không lấy tiền, thường chỉ lấy tiền thuốc, có nhiều trường hợp bệnh nhân không có tiền ông lại phải bỏ tiền túi ra cho, hoặc phát thuốc miễn phí.

Cuộc sống ở Bắc Hà tưởng chừng rất bình yên, vị Quan đốc cũng không nghĩ đến việc sẽ thay đổi nơi làm việc vì điều kiện sinh hoạt ở đây rất tốt, tình cảm nhân dân và chính quyền dành cho ông cũng rất trọng vọng thì một biến cố bất ngờ xảy ra. Tháng 2-1932, một nhóm cướp nổ súng tấn công vào cơ sở y tế nơi Quan Đốc Đỗ Xuân Hợp làm việc và cướp đi rất nhiều thứ. May mắn lắm vợ chồng ông mới trốn thoát được lưỡi hái của tử thần. Kể từ đó, ông nhen nhóm ý định xin về Hà Nội để làm việc. Ông bàn bạc với vợ đăng ký học hàm thụ từ xa để thi lấy bằng tú tài toàn phần.

Những tâm sự của vị Quan đốc lúc bấy giờ được vợ - bà Nguyễn Thị Thịnh ghi lại trong hồi ký sau này: “Bây giờ chỉ có cách học, học thêm rồi chờ thời. Trước kia nhà anh nghèo, không có tiền sang Pháp học. Bây giờ có tiền rồi, anh sẽ học thêm, học hàm thụ ở trường đại học hàm thụ Pháp ở Paris. Em sẽ cùng học với anh, hai chúng mình thi đua nhau cho vui, học một mình buồn lắm”.

Được sự động viên của vợ và có chút tiền do chính quyền bảo hộ bồi thường sau vụ cướp, vị Quan đốc trẻ tuổi gửi điện sang Pháp mua các tài liệu cần thiết để hai vợ chồng cùng ôn thi tú tài. Những năm 1930, dưới thời thuộc Pháp, những ai không có điều kiện học trực tiếp thì có thể học hàm thụ từ xa thông qua con đường bưu điện. Sau nửa tháng gửi điện sang Paris, Đỗ Xuân Hợp đã nhận được đầy đủ tài liệu hướng dẫn học.

Đỗ Xuân Hợp cùng vợ dành thời gian, tập trung ôn luyện. “Chúng tôi học rất nghiêm chỉnh. Sáng anh lên đồn sớm hơn để trưa về sớm hơn, chiều ở nhà học, góp ý kiến với nhau làm bài. Đều đều hàng tuần chúng tôi gửi bài sang Paris chấm (gửi mở như các tài liệu in, rẻ tiền hơn là gửi kín) và đều đều nhận được những bài làm trước của mình đã được chấm, có điểm, có phê phán tỉ mỉ, kèm theo các bài mẫu hướng dẫn cách làm hoàn hảo”.

Ít lâu sau, có thông báo tuyển trợ lý giải phẫu cho trường Đại học Y ở Hà Nội. Đó là thời cơ để ông về Hà Nội công tác và cũng là ngã rẽ quan trọng bậc nhất trong cuộc đời. Đó là động lực giúp Đỗ Xuân Hợp cố gắng học tập, không quản khó khăn. Bà Thịnh ghi lại: “Việc học của anh vất vả quá: vừa đi làm, vừa học thi tú tài, vừa học thi giải phẫu. Anh học cả chiều, cả tối”.

Sau gần một năm miệt mài với sách vở, cuối năm 1932, hai vợ chồng trở về Hà Nội để thi tuyển. Bấy giờ, toàn Đông Dương có 5 người dự thi, trong đó có 2 người Pháp mà chỉ tiêu thì chỉ lấy có 1. Đỗ Xuân Hợp đỗ đầu và là người duy nhất được nhận vào vị trí trợ lý giải phẫu cho GS Pierre Huard - Giám đốc Viện Giải phẫu, Hiệu trưởng trường Y khoa Đông Dương.

Sau khi thi đỗ, vợ chồng ông từ biệt Bắc Hà trở về Hà Nội bắt đầu một chương mới trong sự nghiệp. Công việc trợ lý cho GS Pierre Huard diễn ra vào các buổi chiều, còn buổi sáng Đỗ Xuân Hợp lên Bệnh viện Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Việt - Đức) làm trợ lý cho GS Solier (người Pháp) về chuyên khoa Tai - Mũi - Họng. Vào buổi tối, ông vẫn tiếp tục học tập theo chương trình hàm thụ ở Pháp để chờ đến kỳ thi tú tài sẽ diễn ra vào mùa hè năm 1933. Do có chứng nhận của trường đại học hàm thụ Pháp ở Paris, Đỗ Xuân Hợp và vợ được dự thi tự do và đỗ trong kỳ thi tú tài năm ấy.

-         Lương Đức Mến, BS từ nhiều nguồn TK-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!