[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


14 tháng 12 2010

Ý NGHĨA của Gia phả

Một cuốn Gia phả soạn cẩn thận, đúng thông lệ, chính xác...sẽ có nhiều ý nghĩa quan trọng không chỉ cho Gia tộc mà cho cả làng xã đất nước.

Khi dòng tộc chưa có Gia phả thì mọi chuyện về tổ tiên, truyền thống dòng họ, về từng người, sự việc… chỉ dựa vào ký ức và truyền ngôn rất dễ “tam sao thất bản”, dẫn đến dứt hẳn. Dòng họ không có phả, gọi là dòng họ khuyết phả và con cháu trong họ không thể hình dung được để mà phát huy đúng truyền thống tích tụ của tiền nhân trong dòng tộc; khi được thụ hưởng, thừa kế về vật chất (đất đai, nhà cửa) hoặc về tinh thần (tài năng, ngành nghề, bí truyền…) cũng không hiểu được những thứ mình được thừa hưởng đó do đâu và từ đâu đến do vậy khó bền vững, phát huy được.

1. Khi đã có Gia phả được soạn thảo công phu, xác thực và được giữ cẩn trọng, cập nhật thường xuyên thì sự việc diễn ra trong quá khứ sẽ được lưu giữ chính xác, bền vững và lan truyền xa rộng.

2. Trước hết Gia phả cuốn sách đặc biệt làm tăng lòng hiếu kính, biết ơn của hậu thế với tiền nhân, tăng tình thân giữa các thành viên trong họ mạc. Do vậy có sức lôi cuốn, có sức cảm hóa mạnh mẽ các lớp cháu con. Dòng họ có phả lại được khai thác tốt con cháu sẽ tự tin, tự hào về truyền thống tốt đẹp của dòng họ mình để củng cố niềm tin, vững bước đi lên cũng như đất nước có “Sử thư” thì cương vực sẽ được giữ vững, cơ đồ phát triển mạnh:

皇图巩固國有史書 Hoàng đồ củng cố, Quốc hữu Sử thư,
祖德流徽家存譜志 Tổ đức lưu huy, Gia tồn Phả chí !

3. Gia phả giúp người ta nhớ ngày giỗ của tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Sau đó, là cho con cháu biết nguồn gốc gia tộc từ đâu đến đâu, họ hàng trên dưới xa gần ra sao. Nhờ có gia phả mà con cháu các đời sau mới hiểu ngọn ngành, tông chỉ nhà mình. Ngày nay, với công nghệ hiện đại, có thể ứng dụng việc xét nghiệm gen ADN để nhận họ. Song đó chỉ đơn thuần về mặt kỹ thuật sinh học, nó không thể xác định được quan hệ trên dưới, xa gần…, tức không thể thay Gia phả. được. Người xưa quan niệm: trong một nhà một họ mà gốc rễ không tường tận, thì trong con cháu thường xảy ra những chuyện có hại cho gia đạo. Có gia phả, con cháu sẽ nắm chắc ngày giỗ ông bà, không cưới gả với người trong họ, nắm rõ thứ thế để trong giao tiếp, cư sử. Đó là một phong tục hay của người Việt.

4. Gia phả không chỉ quan tâm đến nguồn gốc, giỗ Tết, mà nó còn chứa đựng nhiều nghĩa lý sâu xa, khuyên răn việc thiện, việc nghĩa ở đời, nhờ vậy mà trong họ giữ được tình hoà hiếu lâu dài. Gia phả cung cấp tư liệu về tổ chức Hội đồng Gia tộc, các Tiểu ban, sinh hoạt dòng họ, về Từ đường, phần mộ, nghi lễ cúng bái, các bài văn Cúng, văn Tế. Gia đình là nơi thường ngày những người cùng chung máu mủ quây quần sum họp. Nhưng trong phạm vi gia đình, sợi dây thân ái đó chỉ có thể duy trì trong một giới hạn nhất định rồi tự nó sẽ phai nhạt dần khi những người trong gia đình ấy bắt đầu phân tán ra nhiều ngành. Số người trong gia đình càng đông thì con cháu không thể nào biết hết được dòng họ xa gần từ các đời trước. Do đó, chỉ có cách chép gia phả mới giúp con cháu nhớ hết tất cả mọi người đã sinh ra trước họ và đã chết trước họ bao nhiêu đời. Bởi vậy, gia phả là sợi dây liên lạc vô hình nhưng hữu hiệu nhất để cố kết hết thảy con cháu của một dòng họ lại với nhau. Mối tương quan này quan hệ đến con cháu ở hiện tại, mà còn quan hệ cả đến tương lai nữa.

5. Nghiền ngẫm kỹ Gia phả sẽ thu hoạch được rất nhiều tri thức bổ ích, có tác dụng tới cả nghiên cứu lịch sử nước nhà, bởi lịch sử quốc gia chính là lịch sử của nhiều gia đình, dòng họ đúc kết lại. Bởi trong Gia phả thường chép những tri thức về các mặt sinh hoạt xã hội, phong tục tập quán, những sự kiện lịch sử, những thay đổi về địa giới, địa danh làng xã mà nhiều khi không được ghi chép trong chính sử. Đó là những bí quyết nghề; di ngôn, di cảo, gương tốt, bài học...của tiền nhân, những người hi sinh vì dân vì nước, người có công với quê hương làng xã... Chính những nhân vật có tên tuổi lưu danh trong sử sách là nhờ vào gia phả của gia đình, họ được lưu truyền tới các thế hệ mai sau. Nhưng do gia phả có ghi thêm, chi tiết những sự việc liên quan đến dòng họ nhiều hơn là quốc gia; yếu tố “sử” có ít hơn trong phả song trong sử, đặc biệt truyện Danh nhân thì hàm chứa nhiều yếu tố “phả”.

6. Gia phả cũng là sử liệu quan trọng để tìm hiểu về số lượng, cơ cấu nhân khẩu, tốc độ và nguyên nhân tăng giảm dân số, cấu thành xã hội nghề nghiệp, tình trạng hôn nhân, trình độ văn hóa, tuổi thọ v.v.. của nhân khẩu trong gia tộc qua các thời kì. Ví như tục “đổi dâu” giữa các họ lớn (Lương - Đặng) ở quê tôi...

7. Nghiên cứu phần viết về cụ Tổ từ đâu đến, con cháu ra đi lập nên chi phái ở những vùng khác nhau...sẽ hiểu được các cuộc di dân trong thời gian đó. Ví dụ như họ Lương khởi từ Tiên Lãng sang Cao Mật, thuộc An Lão vào năm đói kém mất mùa (giữa thế kỷ XVIII) đến nay đã có tới con cháu đời thứ 13. Từ cái gốc mới này, năm 1954 di cư vào Nam hẳn một nhánh, rồi đến những năm 1960-1970 đi khai hoang tại Lào Cai lập nên phái nhà tôi. Tiếp đó sau 1975 nhiều hộ vào Nam, ở thành phố Hồ Chí Minh, Tây Nguyên lập ra phái trong đó. Đặc biệt gần đây các con cháu tôi sau khi học hành xong nhiều cháu ở lại Hà Nội lập nghiệp tại đó và như vậy mai ngày sẽ có phái nữa đi ngược lại chiều mà gia đình tôi đã đi khai hoang năm 1964. Trong Gia phả tôi chép kĩ bối cảnh ra đi, Dư địa chí nơi đến và quan hệ với bà con người bản địa, về công cuộc khai hoang phục hoá vùng đất mới...


8. Khi thu thập tư liệu và soạn Gia phả tôi mới thấy dòng họ tôi có khá nhiều điểm trùng hợp qua các đời, các chi, phái. Điều này tôi đã chép kỹ trong lời cuối cuối Gia phả. Có lẽ dựa vào đó mà dự đoán gì được chăng?


Chính vì ý nghĩa sâu xa đó của Gia phả mà người xưa coi “Gia phả là gia bảo”. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân (chủ quan và khách quan) có những điều ghi chép trong Gia phả không đúng, nhầm lẫn hoặc quá sự thực ... nên khi sử dụng phải có sự đối chiếu, cân nhắc, sàng lọc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!