[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


16 tháng 12 2010

Quá trình HÌNH THÀNH "HỌ"

Hồi cha tôi còn sống, mỗi dịp cũng giỗ nghe người khấn “Kính cáo cùng Tổ Tiên và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ của Lương Tộc...” tôi hiểu rằng “Lương tộc” có nghĩa là “họ Lương” nhưng không biết sao con người lại có họ, sinh ra họ từ bao giờ và để làm gì?

1. Đặt vấn đề:
 1.1. Những năm học tại Đại học Quân y, khi học về Sinh vật tôi biết để phân loại sinh vật, các nhà khoa học phân theo các cấp là: Giới (Regnum) > Ngành (Phylum) > Lớp (Classis) > Bộ (Ordo) > Họ (Familia) > Giống (với động vật) hay Chi (với thực vật) và Loài (Species). Ví như: con vật thân thuộc với người Việt là con trâu thuộc họ Trâu bò (Bovidae); cây Lúa, thứ lương thực chính của ta thuộc chi lúa Oryza với hai loài lúa châu Á (Oryza sativa), lúa châu Phi (Oryza glaberrima) và nằm trong họ Poaceae còn cây Thuốc phiện gieo rắc bao tang thương cho nhân loại thì thuộc họ Anh túc (Papaveraceae). Con người là Homo sapiens thuộc họ Hominidae, chi Homo, loài động vật có vú H. sapiens. Nhưng những “họ” đấy là do con người đặt ra để phân loại chúng không như “họ” trong “họ và tên” của người!
Như vậy, “Họ” trong phân loại sinh học được ghi bằng tiếng Latinh là “familia/familiae”, tiếng Hán là chỉ một cấp, hay một đơn vị phân loại ở cấp này và danh pháp chính thức phụ thuộc vào quy tắc danh pháp nào được áp dụng thuộc phạm vi nghiên cứu của “Sinh vật học” 生物学 còn “Họ” là một phần trong tên gọi đầy đủ của một người để chỉ ra rằng người đó thuộc về dòng họ nào thuộc phạm trù “Nhân danh học” 人名学.
Quá trình hình thành “Họ” (, tộc) rất dài và “chữ chỉ tên họ” (, tộc danh) chắc chắn phải có sau khi đã có chữ viết, có nhà nước và quá trình đó diễn ra rất dài, cùng với sự phát triển của xã hội loài người, của chữ viết.
1.2. Thời kỳ đồ đá cũ là thời kỳ xuất hiện người kiểu hiện đại cũng là thời kỳ bắt đầu hình thành các chủng tộc do những điều kiện thiên nhiên của cuộc sống của con người trong thời đại nguyên thuỷ và do sự cư trú phân tán của họ trên trái đất tạo nên. Thời gian dài sau đó, do yêu cầu phát triển của sức sản xuất, bầy người nguyên thủy được thay thế bằng tổ chức xã hội chặt chẽ hơn, ổn định hơn: tổ chức công xã thị tộc 氏族公社 ra đời. Công xã thị tộc là là hình thức cộng đồng xã hội đầu tiên trong lịch sử loài người, bao gồm tập hợp một số người cùng chung huyết thống, sống thành từng gia đình, gồm lớp cha mẹ và con cái, anh chị em ruột thịt và có ràng buộc về kinh tế (quan hệ sản xuất). Nhiều thị tộc hay bào tộc thân thuộc có chung một tên gọi, có vùng cư trú riêng. có quan hệ dòng máu xa gần hợp thành một bộ lạc 组成. Song khi đó chưa có chữ viết và chưa có họ.
1.3. Theo lịch sử Trung Quốc, việc đặt họ tên bắt đầu từ năm 2852 tCn, khi vua Phục Hi 宓羲, sơ kỳ Tam Hoàng Ngũ Đế (三皇五帝, 2852 tCn - 2205 tCn) buộc dân chúng phải có một “gia tính” hay “tộc tính” để dễ phân biệt các hệ phái gia đình và định phép tắc hôn nhân. Khi chữ Hán (漢字, Giáp Cốt Tự, 甲骨字 được phát minh bởi Thương Hiệt 倉頡 nhưng dấu tích khảo cổ chắc chắn nhất là dưới thời nhà Thương, , 1766 tCn–1122 tCn) thì họ tên người được biên chép lại. Qua đó cho thấy rõ quá trình từ “tính” đến “Thị” rồi “Tính-Thị hợp nhất” 姓氏.
2. Quá trình hình thành “họ”:
2.1. Trong thời thượng cổ 上古時代,dưới chế độ mẫu hệ (母系制度, khoảng từ 6.000 đến 4.000 năm tCn) mà chế độ hôn nhân là ngoại tộc quần hôn (một tốp những người nam cùng lứa tuổi của thị tộc này được đưa đến thị tộc khác làm chồng của cả một tốp người nữ cùng lứa) thì con đẻ ra không biết bố, mà chỉ sống với mẹ (chỉ tri kì mẫu nhi bất tri kì phụ, 只知其母而不知其父). Khi ấy loài người chưa có họ, chỉ có tên. Để phân biệt những đứa con, rồi cháu từ một bà mẹ sinh ra, xuất hiện “Tính” , mà khởi đầu là: “Cơ” , “Tự” , “Quy” , “Diêu” 姚,“Khương” và “Doanh” [1] mà các chữ chỉ tính danh đều có bộ thủ “nữ” . Sau này, khi hình thành “họ”, trong Hán tự cổ nhân đã tạo ra chữ Tính bằng cách ghép chữ “Nữ” với chữ “Sinh” . Chữ “” này ký hiệu nói rõ một gia tộc đã sản sinh ra một con người nào đó và được giải thích trong “Thuyết văn giải tự” 說文解字 của Hứa Thuận (許慎, khoảng 58-147) là “Nhân sinh dĩ vi tính, tòng nữ sinh” 人生以爲姓從女生. Vậy “tính” là chỉ những người từ một bà mẹ sinh ra.
2.2. Từ cuối thời kỳ đồ đồng bước sang thời kỳ đồ sắt diễn ra sự phân công xã hội lớn lần thứ hai giữa nông nghiệp và thủ công nghiệp. Khi đó xã hội thị tộc mẫu hệ phát triển sang xã hội phụ hệ 父系制度, chế độ hôn nhân càng chặt chẽ hơn - hôn nhân đối ngẫu. Nhưng thời kỳ ấy cũng chưa có họ. Quá trình hình thành gia đình một vợ một chồng lại gắn liền với quá trình phát sinh chế độ tư hữu, với quá trình phân hoá xã hội thành giai cấp. Tới khi, tại nơi phát tích nước Trung Hoa cổ, tộc Hiên Viên 炎帝 người Hoa Hạ 华夏 chiến thắng Si Vưu 蚩尤 của người Mông trên sông Hoàng Hà 黄河, trong trận Trác Lộc 涿鹿, được tôn làm Hoàng Đế 黃帝[2] thì con cháu các tộc ngày một sinh ra nhiều hơn, đã biết đích xác bố đẻ và khi trưởng thành, lập gia đình rồi độc lập thành những chi phái riêng, mỗi chi phái có ký hiệu riêng của mình[3], mầm mống “họ” ra đời!. Đó là Thị . Như vậy, nếu như Tính bắt nguồn từ xã hội mẫu hệ thì Thị lại là sản phẩm của xã hội phụ hệ. Sau khi ra đời xã hội có giai cấp, thì Thị chẳng những là ký hiệu phân nhánh của Tính, mà còn là tiêu chí minh chứng địa vị thân phận nòi giống của người đàn ông. Do vậy, nhu cầu đặt ra Thị là để “quý công đức, tiện kỷ lực” hoặc là lấy chức quan là “họ”, hoặc lấy nghề nghiệp làm “họ”…
“Thị danh” chính là tên gọi bộ lạc 部落 hoặc tên người đứng đầu 首领 bộ lạc đó nhằm phân biệt các thị tộc với nhau. Đồng thời, chế độ vương quyền được thành thì hệ thống “thị” chỉ tên thị tộc, cha truyền con nối và chỉ lưu truyền trong hoàng tộc. Do vậy, trong giới quý tộc vừa có Tính vừa có Thị, dân giã thì chỉ có tính. Khi ấy, con của bậc vương giả thì gọi là vương tử, cháu gọi là vương tôn, con của chư hầu thì gọi là công tử, con của công tử là công tôn.... Từ đó phát xuất  “bá” hoặc 百姓 “bách tính”: Tính biệt hôn nhân, Thị biệt quý tiện 姓别婚姻氏别贵贱 , đàn ông xưng “thị” phân biệt sang hèn (quý tộc hữu thị, bần dân hữu danh vô thị), đàn bà xưng “tính” để phân biệt hôn nhân (đồng tính bất năng thông hôn 同姓不能通婚).
2.3. Thời Chiến Quốc (戰國時代, 475-221 tCn), quan lại và dân chúng mỗi tiểu quốc lấy tên đất làm tên họ 以邑名为氏. Đồng thời, nền kinh tế nông nghiệp phát triển, vai trò người đàn ông trở nên quan trọng và đặc biệt đã có chế độ “tông pháp” 宗法制度 nên thị chiếm ưu thế và bắt đầu trở thành tên họ.
2.4. Đến khi Tần Thủy Hoàng (秦始皇, 259-210 tCn) thâu tóm 6 nước, thống nhất trung nguyên (221 tCn), quyền lực các tiểu quốc không còn, kinh tế phát triển, con người bắt đầu định canh, định cư, và nhu cầu kế thừa tài sản trở nên quan trọng, thì hai hệ thống tínhthị trở nên đồng nhất. Đặc biệt từ sau khi Hán Cao Tổ 漢高祖 Lưu Bang 劉邦 diệt nhà Tần lên làm vua (206 tCn) trở đi, chế độ quân chủ tập quyền cao, thống nhất gọi là “Tính Thị” 姓氏 và lúc này tính hay thị cũng chỉ có nghĩa là tên họ. Khi đó mỗi tộc danh biểu thị cá nhân thuộc về một gia tộc 家族 theo huyết thống 血缘, từ Tổ tiên kéo dài đến cháu con gọi là “Tông tộc” 宗族.
 Tập tục này tồn tại ở Trung nguyên từ sau Tần-Hán đến tận ngày nay và ảnh hưởng sang cả Việt Nam ta. Môn khoa học nghiên cứu về vấn đề này được gọi là “Nhân danh học”人名学.
Không cần hiểu sâu về quá trình hình thành Tính-Thị-Tộc, đa số người Việt đều biết đến bốn từ chỉ họ: Tính (Con cháu gọi là “tử tính” 子姓, thứ dân gọi là “bách tính” 百姓; Thị , Tộc (con cháu cùng một liêu thuộc với nhau: Từ cha, con đến cháu là ba dòng là”tam tộc” 三族; Từ ông cao tổ đến cháu huyền tôn gọi là chín dòng là “cửu tộc” 九族) và Họ . Trong đó, “họ” là từ Nôm, còn ba từ kia là Hán Việt. Do có từ Nôm chỉ họ nên chứng tỏ người Việt có họ từ rất lâu, nếu không sẽ phải dùng thuần Hán (tộc, tính, thị).
3. Ý nghĩa của “Họ” và “”tộc danh”:
3.1. “Họ” sinh ra để khẳng định những người cùng từ một ông Tổ , hình thành các tông tộc 宗族, đó là một phần trong tên gọi đầy đủ của một người để chỉ ra rằng người đó thuộc về dòng họ 姓氏 nào và con cái có chung tộc danh theo cha. Nhưng tông tộc chỉ thực sự được xem xét khi chế độ tông pháp ra đời với ảnh hưởng của Nho giáo và lấy quan hệ huyết thống làm cơ sở. Chế độ này tôn sùng tổ tiên, dựa vào quan hệ huyết thống để phân biệt tôn ti, thân sơ, quy định quyền lợi và nghĩa vụ cho các cá nhân trong một dòng tộc 同宗.
Dòng họ là một hiện tượng lịch sử xã hội có tính phổ quát toàn nhân loại ở mọi thời đại. So với nhiều hình thức liên kết khác như: cư trú (khu phố, làng xóm…), lợi ích (giai cấp, phường hội…), lý tưởng (tôn giáo, đảng phái…)… thì liên kết dòng họ (theo nhóm huyết thống) là hình thức tập họp sớm, có vai trò chi phối cá nhân ở nhiều lĩnh vực, mức độ khác nhau.
Do có vấn đề kế vị, thừa kế... cho nên sự phân biệt dòng đích , dòng thứ , đại tông 大宗, tiểu tông 小宗, trực hệ 直系, bàng hệ 旁系...là hết sức cần thiết, nhất là với xã hội đa thê.
“Họ” (tộc)[4] theo nghĩa gốc[5] có liên hệ với nhà và dưới chế độ phong kiến, nối kết con người với đất ruộng: một mái nhà, một gia đình, một họ.. Khi đó, Họ là họ bộ tộc, đó là lý do người Anh và Pháp gọi là "patronym(e)" (họ người cha) để phân biệt với "nom de famille / family name" (tên gia đình). Họ và tên của một người định vị trí của cá nhân người đó trong xã hội, xác định cá thể trong một toàn thể. “Họ” là để phân biệt huyết thống, cho ta thấy nguồn gốc ông cha..., “tên” để phân biệt người này với người khác giữ những người cùng họ.
Theo cách hiểu phổ thông của dân gian, tên họ là thành phần đứng đầu của tên, và nếu định nghĩa theo chức năng thì tên họ là tên để chỉ một gia tộc phụ hệ gồm những người cùng liên hệ huyết thống xa gần với nhau. Trong thực tế, thường dùng hai từ Tộc và Thị để viết gia phả, ví dụ: Nguyễn Phước tộc Lược biên, Lương tộc gia phả, Lê Tộc, Lê thị Gia phả; còn chữ Tính thường đi chung với tính danh, bách tính. Như vậy, với Việt ngữ, Tính, Thị, Tộc có nghĩa giống như Anh ngữ dùng các từ: Surname, Last name, Family name để chỉ tên họ.
3.2. Đa phần tộc danh của người Hán (mà người Việt bị ảnh hưởng) được hình thành từ thời nhà Chu (, 1122–256 tCn) và dần được bổ sung.  Các chữ chỉ tộc danh có khi có một ý nghĩa ngữ nguyên nhất định (hoặc tượng vật, hoặc cây cỏ, hoặc cầm thú, hoặc vùng đất, sự kiện hay nghề nghiệp).  Thời @ chuyện đó vẫn tiếp diễn, đôi khi không còn theo cách thức truyền thống nhưng không nhiều, không thành trào lưu và ít khi truyền lại thế hệ con cháu.
3.3. Do thay đổi của lịch sử, với người Việt, chữ chỉ tộc danh từ Hán tự 漢字 sang chữ Nôm 字喃 rồi chuyển thành quốc ngữ (Latin) như hiện nay. Do vậy ngữ nguyên gốc bị lãng quên hay sai lệch đi nên khó và cũng không cần thiết tầm nguyên ý nghĩa ban sơ của chữ ấy. Nhưng chú ý rằng, chữ giản thể 簡體字 mới xuất hiện (1964) nên khi ký âm tộc danh, xác định Ngũ hành của chữ chỉ tộc danh (để đặt tên cho con, dự đoán vận số…) phải dùng chữ phồn thể (繁體字, có từ 1600 tCn-1020 tCn).
Từ những tư liệu đã được tiếp xúc và nắm bắt được cho thấy tộc danh “Lương” / của tôi, hay “Đặng” / của bà Nội tôi, “Phạm” / của Mẹ và Vợ tôi đều có quá trình hình thành rất phong phú. Nói vậy không phải những người này có nguồn gốc từ bên kia dãy Phân Mao 分茅嶺[6] mà chỉ có tộc danh viết bằng chữ Hán 汉字 giống nhau thôi.. Nhưng tại sao người lại mang họ Lương, người họ Đặng, họ Phạm...lại có người mang họ kép như Đặng Trần, Nguyễn Phúc...; các họ Lương/Lường, Vũ/Võ, Hoàng/Huỳnh...rồi con chú con bác ruột lại mang họ khác nhau... là vấn đề lý thú nhưng không thuộc phạm vi chuyên khảo này.
Đối với một số họ chỉ có ở người Trung, hay ngược lại có họ chỉ có ở người Việt (Nam Trung bộ trở vào và vùng Tây Nguyên) không có cách viết giản thể tương ứng hoặc ghi theo lối pinyin (phiên âm) bằng chữ Latin thì nó không giống với cách đọc họ người Việt tương ứng.
4. Vấn đề họ của người Việt:
4.1. Việt Nam thời sơ sử:
Chúng ta đều biết theo truyền thuyết và dã sử thì tiền thân nước ta khởi từ thời Hồng Bàng 鴻龐. Đó là thời kỳ bắt đầu từ năm 2879 tCn vua Kinh Dương Vương 涇陽王, với quốc hiệu Xích Quỷ 赤鬼 và kết thúc vào năm 258 tCn thời Thục Phán 蜀泮. Cương vực vương quốc của Kinh Dương rộng lớn, phía bắc tới sông Dương Tử (cả vùng hồ Động Đình), phía nam tới nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía đông là Đông Hải (một phần của Thái Bình Dương), phía tây là Ba Thục (Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày nay). Vua Xích Quỉ là Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình Hồ quân (còn có tên là Thần Long) là Long nữ đẻ ra Sùng Lãm 崇纜, nối ngôi làm vua, xưng là Lạc Long Quân 貉龍君:
Trứng rồng lại nở ra rồng,
Liu điu lại nở ra dòng lui điu.
Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai (con của Đế Nghi), tên là Âu Cơ 甌姬, đẻ một lần trăm người con trai. Một hôm, Lạc Long Quân bảo Âu Cơ rằng: “Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó”. Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về miền biển (có bản chép là về Nam Hải), phong con trưởng làm Hùng Vương 雄王. Phong sử có câu:
Chàng về thiếp một theo mây,
Con thơ để lại chốn này ai nuôi ?
Từ Lạc Long Quân về sau, nước Xích Quỉ được chia ra thành những nước nhỏ, gọi là Bách Việt 百越. Đầu thời kỳ đồ đồng, người Việt gồm khoảng 15 nhóm Lạc Việt 貉越  khác nhau sống trên vùng núi miền Bắc và miền châu thổ sông Hồng trong nhà nước sơ khai Văn Lang (文郎, 2876 tCn - 258 tCn) và hơn 12 nhóm Âu Việt 甌越 sống ở vùng Đông Bắc. Đến năm 257 tCn Thục Phán 蜀泮 hợp nhất Lạc Việt của Hùng Vương với Âu Việt của mình thành nước Âu Lạc (甌貉, 257 tCn - 207 tCn) và đây chính là tiền thân trực tiếp của Đại Việt 大越  sau này và Việt Nam ngày nay. Nhưng thủa đó người Việt chưa có họ. Các tộc danh mà sử Việt nói đến là dùng để chỉ cả một bộ tộc, không nhất thiết có quan hệ huyết thống gốc và các Anh hùng dân tộc như Hai Bà Trưng (徵側徵貳) cùng các Nữ tướng của bà, hay Danh thần như Tản Viên Sơn Thánh Nguyễn Tuấn 阮俊 mà người Việt đang thờ đủ cả họ, tên do các nhà Nho sau này thêm họ vào! Do vậy, nếu thấy trong Thần phả, Bia đá tại các Đền, Miếu ghi tên các Thần mà thấy có họ trùng với chữ chỉ họ mình cũng chớ cho rằng họ ta đã có từ thời đó và vị Thần ấy là Thuỷ tổ của họ mình[7]!
4.2. Họ của người Việt ngày nay có thể bắt nguồn từ trong thời Bắc thuộc lần thứ nhất (北屬時代, 207 tCn-939) do ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa. Cụ thể là khi Sĩ Nhiếp (, 187-226) do nhà Đông Hán (東漢, 25-220) phái sang làm Thái thú 太狩 cai trị nước ta khi đó gọi là Giao Chỉ b交趾步. Ông này mang rất nhiều ảnh hưởng Khổng giáo (do Khổng Tử Khâu 孔子邱 sáng lập 551 tCn), đưa chữ, khuôn phép vào thực hiện ở nước ta, cải Giao Chỉ 交趾 thành Giao Châu (交州, 203) và đưa thành tố “họ” vào tên đầy đủ của người Việt.
Để tiện cho việc quản lý, cai trị (theo dõi hộ khẩu, nhân khẩu, quân dịch, thu thuế), ông ta sử dụng những họ đã có sẵn ở Trung Quốc đặt cho người Việt. Bên cạnh đó, do chính sách “dĩ Man chế Man” 以蠻制蠻 của các Thái thú nên có một lớp người Việt học chữ Hán, làm việc với quan nhà Hán (lang đạo, thổ ty, tù trưởng, chức dịch…) đã nhiễm và bắt chước văn hoá Hoa Hạ. Khi đó những người này đã lấy họ có sẵn bên Bắc quốc đặt cho dòng họ mình theo ý của người chung một ông tổ hay ý chỉ vẽ của người học cao để gọi họ của mình. Lúc đầu tiếp xúc với văn hoá Hoa Hạ cũng chưa có chữ Nôm 字喃 nên chữ chỉ tên họ được ghi bằng chữ Hán 漢字 và đều giống chữ ghi họ tương ứng của người Tầu. Song đó phải là chữ dạng Phồn thể 繁體 và người Việt đọc theo âm Hán Việt từ thời nhà Đường (唐朝, 618–907) trở về trước.  
Nhưng điều đó không có nghĩa người Việt ta đều là hậu duệ của “Bách Việt”[8] Trung Quốc, mà là người bản địa ở miền núi trung du Bắc bộ, Thanh Nghệ, ven biển miền Trung, Tây Nguyên và Nam bộ. Nhưng do “mượn” tộc danh có sẵn bên chính quốc áp vào nên phần lớn các họ của người Kinh đều có tộc danh từ các họ bên Tầu và khi viết ra chữ Hán là như nhau. Do vậy, có yêu nước đến mấy, cao lòng tự tôn đến đâu vẫn buộc phải dựa vào tư liệu từ Bắc quốc. Song khác người Trung Quốc là trong giao tiếp thì người Việt ít nhắc đến họ mà chỉ gọi tên và không theo kiểu: Phạm lão gia, Đặng Thủ trưởng, Lương Bác sĩ...như người Hoa!
Khi đã có “họ” xuất hiện nhu cầu định tộc danh, rồi xuất hiện các họ mới do nhiều nguyên nhân, việc cải họ...được bàn ở dịp khác.
Nói gì thì nói muốn tìm hiểu về việc hình thành “họ” và “chữ chỉ tên họ” thì với Việt Nam cách hữu hiệu nhất vẫn là nghiên cứu về việc này bên Trung Quốc và xem ảnh hưởng của nó tới người Việt (Kinh) thế nào.
-Lương Đức Mến (BT từ nhiều nguồn TK)-


[1] Tộc danh “Lương” của dòng họ tôi có khởi thuỷ từ thị tộc mang tính “Doanh” mà ra.
[2] Chữ hoàng ở đây chỉ sắc vàng, gọi nôm na là ông Vua Vàng, khác với hoàng trong Hoàng đế 皇帝 là tên gọi cho vua Trung Quốc kể từ thời nhà Tần
[3] Mà dấu tích còn lại vẫn thấy ở một số tộc có một vật thờ riêng.
[4] Thuộc bộ “phương , có 11 nét (金方), mã UniCode: U+65CF hành “Kim” , tính “Cát” .
[5] Tự điển Thiều Chiểu viết :  = Loài, dòng dõi, con cháu cùng một liêu thuộc với nhau gọi là "tộc". Từ cha, con đến cháu là ba dòng ("tam tộc" 三族). Từ ông cao tổ đến cháu huyền gọi là chín dòng ("cửu tộc" 九族).
[6] Núi này nay ở động Cổ Sâm, cách Khâm Châu khoảng 3 dặm về phía tây. Tương truyền trên đỉnh núi Phân Mao có thứ cỏ tranh, do ảnh hưởng của khí hậu và địa thế, ngọn cỏ tranh ngả theo hai hướng Bắc và Nam cho nên mới có tên gọi là núi Phân Mao, nghĩa là núi có thứ cỏ chia ra làm hai hướng. Sách sử cổ thường chép từ miền nam núi Ngũ Lĩnh là miền Hoa Nam từng là đất của Bách Việt mà nhà Hán,  Đường đã dần xâm chiếm và đồng hoá thành người Trung Quốc, trừ Lạc Việt! Tương truyền nơi đây có “Cột đồng Mã Viện”.  Năm 1540, Mạc Đăng Dung cắt đất hiến cho nhà Minh nên từ đấy núi Phân Mao thuộc về đồ bản nhà Minh. Trong quá trình đàm phán (1885 - 1895) Pháp (đại diện là Ðại tá Servière sau là Ðại tá Galliéni) -Thanh (đại diện là Tổng lý Ðại thần Thái Hy Bân 蔡希邠) để cắm mốc biên giới An Nam-Đại Thanh, người Pháp đã để tổng Kiến Duyên (4 xã: Kiến Duyên, Ðồng Tâm, Ðồng Tông, Hoành Mô), Bát Trang (8 xã và 1 xóm: Bắc Nham, Thượng Lại, Mông Sơn, Cổ Hoằng, Vũ Khê, Tiêu Sơn, Tuy Lai, Hoằng Mông và xóm Ðông Sơn thuộc xã Tiêu Sơn) cho Trung Quốc, núi Phân Mao thành vào sâu trong nội địa Trung Quốc.
[7] Trong một bài phát biểu đã đăng trên trang Web của Họ Lương, cụ  Lương Vĩnh Khang, UVHĐ Trưởng lão từng cho rằng: thuở các Vua Hùng dựng nước: hai anh em sinh đôi họ Lương là Hộ Tống, Viết Bô, con của Cụ Lương Kỳ Tiên, quê ở Huyện Đường Hào, nay là Thụy Vân, Việt Trì, Phú Thọ là Tướng của vua Hùng thứ 18 cầm quân đánh giặc Tần xâm lược; trải qua thời Hai Bà Trưng dấy binh đánh đuổi quân Tô Định  có hai chị em họ Lương là Lương Kiền, Lương Tấu quê ở Phù Vân Thường tín, lên Hát Môn theo Hai Bà đánh giặc, được phong là Kiền nương Đại vương và Gia Tấu Tướng quân, và cùng tuẫn tiết với Hai Bà... ;”. Theo tôi cần có tư liệu chính văn kiểm chứng.
[8] Bách Việt 百越 là một thuật ngữ lỏng lẻo bao hàm các dân tộc Việt cổ không bị Hán hóa hoặc bị Hán hóa một phần đã từng sống ở vùng đất mà ngày nay thuộc lãnh thổ phía nam Trung Quốc và miền Bắc Việt Nam giữa thiên kỷ I tCn và thiên niên kỷ I. Đây cũng là từ cổ chỉ vùng đất mà các dân tộc này đã sinh sống. Trong tiếng Trung Quốc cổ, các chữ , , thường được dùng thay thế nhau cho nghĩa “Việt”. Có nhiều nhóm người Việt, trong đó có Câu Ngô 句吳, Ư Việt 於越, Dương Việt 揚越, Mân Việt 閩越, Nam Việt 南越, Đông Việt 東越, Sơn Việt 山越, Lạc Việt 雒越 và Âu Việt 甌越, hay còn gọi là Tây Âu - 西甌. Đa số những cái tên này tồn tại được đến các thời đế chế sơ khai.
Vào đầu thời nhà Hán, Bách Việt được chia thành các nhóm, trong đó: Đông Âu (東甌, nay là vùng Ôn Châu, Chiết Giang), Mân Việt (閩越, tỉnh Phúc Kiến ngày nay), Nam Việt (南越, trong địa bàn tỉnh Quảng Đông ngày nay), Tây Âu (西甌, trong vùng ngày nay là miền Tây tỉnh Quảng Đông và miền Nam tỉnh Quảng Tây) của Trung Quốc và  Lạc Việt (雒越, 駱越, 貉越, khu vực miền Bắc Việt Nam ngày nay) là các nhóm chính.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!