[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


30 tháng 11 2023

MỘT THOÁNG QUÊ HƯƠNG

Dù từ sau 01/7/2024, khi Luật Căn cước (gồm 7 chương 46 điều) có hiệu lực và “quê quán” đổi thành “nơi đăng ký khai sinh” thì “quê”, “quê hương” mãi vẫn là nhưng từ, nơi thân thiết và đằm thắm bao kỷ niệm!

quê hương của mỗi người có khác nhau trên thực tế cũng như trong cách hiểu suy cho cùng thì đó là “nơi chúng ta được sinh ra, nơi chứa đựng những ký ức tuổi thơ và những ngày tháng tuổi thơ của mỗi người”.

Theo “Từ điển tiếng Việt” thì: “Quê” hay “Quê hương” là:

Danh từ chỉ “Nơi gia đình, họ hàng làm ăn, sinh sống từ nhiều đời, có tình cảm gắn bó thân thiết với mình” hay chỉ “Nông thôn, nơi có đồng ruộng, làng xóm”. Nó cũng là “Nơi đầu tiên sản sinh ra cái gì để từ đó phổ biến rộng ra đến những nơi khác

Tính từ chỉ vật, sự vật gì đó “Có vẻ mộc mạc, thô kệch, không tinh tế, thanh lịch”.

Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo vùng nước lợ bên Tả hạ lưu sông Văn Úc. Nơi đây có cánh đồng lúa mướt xanh với hình đàn cò trắng tung bay, những bãi cói, con bơn, con đê ven sông,...

Từ khi theo gia đình lên “khai hoang” tại Lào Cai, tháng 2/1964, do học hành, công tác và cả kinh phí nữa với lại ở đó tôi cũng chẳng còn ai thuộc diện chú, bác, cô hay anh em ruột, anh em họ 3 đời,... nên tôi rất ít về quê. (Bố tôi không có anh họ 2 đời bởi ông bác tôi khiếm t, b và chú ruột tôi rời quê khi anh em tôi còn chưa lập gia thất còn chị gái bố tôi cũng lên LC từ 1962 ở bên Sơn Hải, ch lớn hơn mất từ 1946 khi tắt hương tắt cả khói !”).

Sau này, khi đã trưởng thành, đặc biệt sau khi phụ thân tôi từ giã cõi đời vào 01/1997, thay người trong việc họ, tôi năng về quê hơn, nhất là các dịp trước khi con Trai, con Gái tôi đi thi hay “xây dựng gia đình”, song cũng chỉ là “ngắn ngày” kiểu “chuồn chuồn đạp nước” !

Trước hết, thấy quê có nhiều đổi thay rất mừng: đường xá rộng rãi, thoáng đãng và cứng rắn hơn; nhà cửa xây cất đàng hoàng to cao hơn; nhiều nhà đã có bếp ga, bếp từ, bếp điện, công trình vệ sinh hiện đại,….Nhất là đã có điện, nước máy trong sinh hoạt chứ không tối tăm đèn dầu, tanh mùi nước lợ như xưa,…

Song, lại có những thứ mai một, gây nhiều tiếc nuối.

Ví như: tìm mãi cũng chẳng thấy hương, vị, sắc và màu của quê xưa! Đặc biệt “hàng duối yểm” quanh khu gia tộc, những búi tre, con đường làng gập ghềnh bước chân trâu,…chẳng thấy! Giếng đầu làng với những bụi dứa dại, cây Bàng ngay góc sân đình,…đâu chẳng thấy! Ngôi đình tổ chảng, nơi tôi học Vỡ thình năm ấy chỉ còn là những ngôi nhà khang trang của bác, của anh, em tôi!

Những ruộng Cói xanh rì, bãi Rươi đông đúc,…đặc trưng của quê hương nước lợ cũng chẳng ai biết, thấy nữa! Ngôi Chùa “rủ bóng thâm nghiêm” đầu hai làng đã mất dạng, thay vào đó là chủa Hưng Long ngạo nghễ, to lớn phía rìa làng hợp nhất nhưng ít bóng các già!

Những trai tráng, trung niên trong làng thưa vắng hẳn bởi họ đã đi làm giầy da,…ngoài Kiến An, Hải Phòng.…

Tại khu vực Quán Hương và ven lộ 354 nhiều quán nhậu mọc lên không khác gì các thị tứ tôi đã biết. Có hôm tận 9, 10 giờ sáng  đi qua vẫn thấy đông các em, các cháu tôi ngồi nhâm nhi, gật gù, tranh nhau phán! Nhưng vào quán hỏi những “đặc sản” vùng quê (như Rươi) thì cả chủ quán lẫn thực khách cứ ngỡ tôi từ “trên trời” xuống!

Ghé từng nhà, hỏi về những “kỷ vật, chuyện xưa” lớp cao tuổi từng biết đã “về với Tổ tiên” gần hết, lớp còn tỉnh thì ngơ ngác, các cháu thì chả biết gì nên kể cả ký ức cũng hụt hẫng. Chỉ giọng nói với những “đặc âm” thì khó trộn lẫn!

Làng quê tôi đã đổi thay và giàu lên theo hướng công, thương nghiệp nhưng sao niềm vui chưa trọn vẹn!

Nhớ lại bài thơ TÌNH QUÊ tôi viết Ngày 29/10/2009 thăm quê sau khi đưa con gái về nhà chồng ở Thái Bình. Trích, chép lại như một lời kết luận:

Những khi trèo núi, vượt đèo

Nhớ về bơn nổi, sớm chiều thả trâu.

Dãy tre, bụi chuối, hàng cau,

Mùa rươi, bãi cói, giàn trầu, bờ đê.

*

Nao nao bến Khuể[1]  trưa hè,

Con phà[2] chầm chậm sang bờ huyện Tiên[3].

Chợ Thái[4] nhộn nhịp mọi phiên,

Nghĩa trang trầm mặc bóng nghiêng kênh đào[5].

Cống Hầu[6] cá lội lao xao,

Sáo diều năm ấy thổi vào nhớ thương.

Chùa Lộc[7] trầm mặc mõ buông,

Nhà thờ An Thọ[8] tiếng chuông đổ dồn?

*

Thăm quê lòng dạ bồn chồn,

Đâu cây đa cũ, đâu hồn quán Hương?.

Mắt Rồng ngầu đục ao Tròn[9],

Giếng làng, bậc đá chẳng còn dấu xưa.

Ngôi đình gắn với tuổi thơ,

Giờ đây người nhớ, người lờ mờ quên!

Chùa làng ẩn bóng thâm nghiêm,

Nay trụ sở mọc thênh thang 3 tầng!

Lối xưa phân cách hai làng,

Nay chung nhập một, gốc bàng lãng quên.

Miếu thần, Mả Khách thân quen,

Và hàng Duối yểm[10] có còn nữa đâu !.

Biết rằng bãi bể nương dâu,

Mà sao lòng vẫn lưu sầu vấn vương.

*

Dấu chân in mọi nẻo đường,

Thân thương vẫn nhớ Hạ Hương quê nhà.

-Lương Đức Mến, đầu Đông Quý Mão 2023-



[1] Theo các bậc cao nhiên thì việc qua lại sông Văn Úc trước tiên là những con đò vì vậy đoạn mà đường liên huyện An Lão, Tiên Lãng 354 vắt qua đê Tả  Văn Úc thành vùng có dân cư ngụ và gọi là “Bến Khuể”

[2] Đã thay bằng cây cầu hiện đại khánh thành ngày 06/10/2020

[3] Tức huyện Tiên Lãng, bên kia sông Văn Úc.

[4] Chợ lớn thuộc xã Mỹ Đức, nay nằm 2 bên đường 354, đưới đười Cao tốc Hải Phòng-Hà Nội.

[5] Con kênh đào từ năm nào tôi chưa khảo cứu được nhưng nay bé tí, Nghĩa trang liệt sĩ vẫn còn nguyên bởi khuôn viên chắc chắn. Còn mộ phần của cha ông, tổ tiên người dân trong xã (chủ yếu là thôn Phương Hạ) chôn ở 3 bên Nghĩa trang (trừ mặt trước trông ra đường cái đi Bến Khuể) thì ngày càng phình to, trang nghiêm hơn nhưng không kém phần lòe loẹt hơn.

[6] Trên địa bàn xã Chiến Thắng đê Tả Văn Úc dài 5km, có 4 cống mà Cống Hầu là cống thứ 2 ngang Mông Tràng Thượng, 4 trạm bơm điện, 2 hệ thống mương chính  dẫn nước vào đồng. 

Ở vùng đồng bằng, không đồi núi, ít chỗ chơi thì sườn đê, mặt đê gắn với trẻ chăn trâu bởi thú thả diều, chọi cỏ gà.

[7] Chùa này đã được công nhận là di tích  bởi Quyết định số 3025 /QĐ - UB ngày 30 / 10 / 2001 của UBND thành phố Hải Phòng, được trùng tu nhưng chưa xong và thôn này từ 2021 đã nhập với Cốc Tràng thành Cốc Lộc.

[8] Nhà thờ làng Văn Khê, thuộc xã An Thọ (Đại Phương Lang cũ) là nhà thờ lớn trong vùng.

[9] Khi Tam Tổ sinh nam tử (Cụ Hinh) có thày địa lí đi qua coi thế đất và phán rằng: Gia trang Cụ Lý đặt trên đầu rồng, với 2 mắt rồng là ao tròn và ao trước nhà thờ Tổ, do đó cụ tuy giầu, đông con (4 nam) nhưng có nguy cơ tuyệt tự, con cháu dễ vào vòng lao lý, cần phải trấn yểm. Đầu tiên là cần trồng đủ 100 bụi duối dọc phía mi mắt rồng, khi nào cố bà sinh đủ 4 nam thầy sẽ sang giải bùa tiếp thì con cháu mới hưng vượng được. Các bụi duối đã được Cụ Lý cho trồng dọc đường qua giữa xóm.

Mấy năm sau có người bán thuốc đột tử phía sau nhà, quan về thẩm tra và làm khó dễ mãi. Gia đình phải chịu mai táng xác đó tại vùng đất giữa 2 ao “mắt rồng”.Về sau có lập Miếu thờ mả Khách, trồng hàng duối để chấn yểm. Nhưng nay chỉ còn Miếu trong vườn Trưởng tộc còn mả Khách và hàng duối không còn dấu tích và lớp trẻ cũng không hay biết chuyện này.  

[10] Đúng dịp Tổ Tỉ sinh nam tử thứ tư (cụ Thành) thì có 2 thày trò người Tầu sang buộc ngựa ở gốc duối to. Lúc này Cụ Hanh đã là phó Tổng và vừa cưới bà bé. Tổ không có nhà, Bà cả không tiếp vì cho đó là khách nhờ vả việc quan, sai con dâu ra nói là cụ Tổng đi vắng. Có bà hai mời nước, lén tiếp. Người khách trước khi bỏ đi có nguyền là: con gái cụ Tổng nói năng chỏng lỏn (thực ra đó là con dâu) nên đời sau gái sẽ khổ. Thương tình bà hai, người ấy đã nói gì đó với bà cố hai rồi bỏ đi. Khi Tổ về nghe chuyện, biết thày Tầu sang giải bùa theo hẹn, cho người tìm nhưng không thấy, cụ buồn ốm rồi mất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!