[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


14 tháng 10 2023

Một vài hiểu biết về HUYỆN BẢO THẮNG

Bảo Thắng là một huyện nằm ở trung tâm tỉnh Lào Cai, giáp với hầu hết các đơn vị hành chính cấp huyện khác trong tỉnh (trừ 2 huyện Bát Xát và Si Ma Cai).

Vùng nay là đất Bảo Thắng là ở vị trí có chữ THỦY VĨ cuối bản đồ cổ (lấy trên MXH)

Tìm trong lịch sử

Địa danh Bảo Thắng có từ thời xưa (保勝關, Bảo Thắng quan) và địa danh này dùng để chỉ vùng cửa khẩu của Đại Việt thông sang Trung Quốc cổ. Khởi đầu lịch sử chép rằng vùng đất này thuộc Đăng Châu 登州, đến đời Trần (陳朝, 1226-1400) là Thủy Vĩ  水尾 sau đó thuộc vào châu Quy Hóa 歸化. Lợi dụng sự suy yếu của Đại Việt, trong các năm 1688 và 1690 các Thổ ty Khai Hóa, Mông Tự (Vân Nam nhà Thanh) đã chiếm một số thôn, động của châu Thủy Vĩ. Nhà Lê (黎中興朝, 1533-1789) đòi nhiều lần nhưng quân Thanh (,1636 - 1912) không trả.

Cuối thế kỷ XIX thuộc châu Thủy Vĩ, phủ Quy Hóa, trấn Hưng Hóa 水尾州化府興化鎭. Khi đó Bảo Thắng bao gồm cả một phần Tf Lào Cai sau này (Khu vực cửa khẩu và các phường: Phố Mới, Vạn Hoà, Nam Cường, Thống Nhất, Pom Hán, Soi Lần; các xã Cam Đường, Tả Phời, Hợp Thành). Thời ấy, thổ phỉ và nạn cướp bóc hoành hành mạnh nên vua Tự Đức (嗣德,1829 – 1883, trị vì từ 1847) phải nhờ quân Thanh vào cùng tiễu phỉ. Sau đó nhà Nguyễn còn dùng dư Đảng của phong trào Thái Bình Thiên Quốc (太平天國, 1851-1864 ) là Lưu Vĩnh Phúc (劉永福, 1837—1917) cai trị và thu thuế vùng Bảo Thắng[1].

Năm 1905, Pháp lấy phần đất của châu Thuỷ Vỹ bên hữu ngạn sông Hồng sáp nhập vào Chiêu Tấn (昭晉, tục gọi Mường Thu có 14 động do tù trưởng Đèo Chính Dân là Phụ đạo, nay là vùng Bát Xát, Sa Pa của Lào Cai) vẫn lấy tên là châu Thuỷ Vỹ 水尾. Từ đó địa danh Chiêu Tấn không còn. Phần đất của châu Thuỷ Vỹ bên tả ngạn sông Hồng được tách ra lập thành châu Bảo Thắng, ổn định đến khi lập tỉnh Lào Cai.

Từ 7/1907 châu Bảo Thắng 保勝 khi đó là biên giới cửa ngõ của tỉnh Lào Cai, có diện tích tự nhiên 69.155ha, dân số 100.577 người cư ngụ trong 11 xã, phố trại và 30 làng, bản, phố: Lào Cai 老街, Phố Mới 鋪買, Trại Mới 寨買, Soi Mười 𤐝𨒒, Sơn Mãn 山滿, Giang Đông 江東, Cánh Chín 𦑃𠃩, Thái Niên 太年, Phố Lu 富瀘, Xuân Quang 春光, Phong Niên 豐年. Còn châu Thuỷ Vĩ 水尾 có 4 xã là xã Nhạc Sơn 樂山 (16 thôn bản) xã Xuân Giao 春胶 (14 thôn bản); xã Cam Đường 甘堂 (137 thôn, bản) xã Gia Phú 加富 (16 thôn bản) với tổng số 83 thôn bản.

Ngày 9/03/1944, thống sứ Bắc Kỳ ban hành nghị định bãi bỏ châu Thuỷ Vĩ, châu Bảo Thắng, thành lập phủ Thuỷ Vĩ, phủ Bảo Thắng, 3 châu Bát Xát, Sa Pa, Bắc Hà và khu đô thị Lào Cai.

Khi đó, phủ Bảo Thắng gồm 17 xã, làng: Nhạc Sơn, Cam Đường, Gia Phú, Xuân Giao, Pha Long, Mường Khương, Bản Lầu, Phong Niên, Xuân Quang, Phố Mới, Trại Mới, Soi Mười, Sơn Mãn, Cánh Chín, Giang Đông, Thái Niên, Phố Lu. Lỵ sở của phủ đặt tại Lào Cai.

Từ 1944 mới gọi là huyện Bảo Thắng gồm cả phần bên hữu ngạn sông Hồng  (Sơn Hà, Sơn Hải, Phú Nhuận, Xuân Giao, Gia Phú, Tằng Loỏng ngày nay) và bên tả ngạn sông Hồng (Phố Lu, Trì Quang, Xuân Quang, Phong Niên, Phong Hải, xã Bản Cầm, xã Bản Phiệt, xã Thái Niên nay)[2].Tuy địa giới đã điều chỉnh nhiều lần nhưng địa danh “Bảo Thắng” thì giữ nguyên suốt mấy chục năm và nó cũng không hàm ý chỉ vùng cửa khẩu với Trung Quốc nữa và việc qua lại 2 bên bờ sông là nhờ những con đò ngang chứ chưa bắc cầu như sau này.

Trong kháng chiến (1946-1954), sau khi tái chiếm Lào Cai (tháng 11/1947), thực hiện chính sách “chia để trị”, Pháp đã lấy sông Hồng làm ranh giới, thành lập 2 “tỉnh” là: Phong Thổ nằm trong “xứ Thái tự trị” bên hữu ngạn và “tỉnh” Lào Cai trong “xứ Nùng tự trị” bên tả ngạn, khi đó Bảo Thắng chia đôi về 2 “tỉnh”. Về phía Cách mạng, đây là huyện đầu tiên giành chính quyền từ tay Nhật (8/1945) và từ căn cứ ở Đồng Hầm, Cam Đường phong trào diệt ác, phá tề lan nhanh xuống Xuân Giao và sang bên tả ngạn (Phong Niên) không theo “địa giới” tỉnh do Pháp lập.

 Trong phong trào chung, Bảo Thắng là huyện thành lập Đảng bộ đầu tiên của tỉnh (15/10/1948).

Trong kháng chiến, thị trấn Phố Lu có đồn Pháp xây khá kiên cố sau chiến dịch Sông Thao (19/5 - 18/7/1949). Đồn này ở vị trí yết hầu án ngữ cửa ngõ Lào Cai. Đồn do Vallet Olivie làm đồn trưởng. Châu uý Nông Du Trang (người xã Phong Niên) chỉ huy lực lượng Bảo an, được Trưởng Ty CA Lào Cai là Trần Long gặp gỡ và giác ngộ.

Trong Chiến dịch Lao-Hà (28/2-20/4/1949) cơ sở này dược bàn giao cho quân đội sử dụng. Đại đội 684 dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Quang Sơn đã thống nhất kế hoạch nhổ đồn Phố Lu với LLCA và cơ sở Nông Du Trang. Lúc 4 giờ kém 15’ ngày 05/3/1949, khi loa gọi hàng vừa vang lên, Châu uý cùng 2 người lính thân tín đã bắn chết Đồn trưởng sau đó tập hợp 43 lính Bảo an mang toàn bộ vũ khí nộp. Việc diệt Đồn Phố Lu đã tạo điều kiện chiến dịch Lao-Hà toàn thắng. Trong Chiến dịch Lê Hồng Phong (LHP1 từ 7 tháng 2 đến ngày 7 tháng 3 năm 1950 còn CD LHP 2 từ ngày 16 tháng 9 đến ngày 14 tháng 10 năm 1950 còn gọi là Chiến dịch Biên giới), Bộ Chỉ huy đã chọn đồn này làm điểm khởi hoả (ngày 08/02) bằng chính những khẩu súng ĐKZ vừa được chế tạo tại xưởng quân khí Trần Đại Nghĩa ở Việt Bắc. Trong trận đó, 2 đại đội bị tiêu diệt, một máy bay bị hạ khiến binh lính trong đồn phải hàng và ngày 13 tháng 2 năm 1950 Phố Lu, tiếp là Xuân Quang, Gia Phú...được giải phóng; các khu du kích ở Phong Niên, Bản Lầu hoạt động mạnh. Khu du kích tả ngạn sông Hồng đã đánh trả các đợt càn quét của đối phương hồi 5-8/1950, âm mưu lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt của Pháp bị phá vỡ. Do có những khu căn cứ du kích hoạt động mạnh và vững nên trong kháng chiến Bảo Thắng thực sự trở thành cái nôi của phong trào Cách mạng trong hậu địch ở Lào Cai. Việc đó dẫn đến kết cục là ngày 13/02/1950 Phố Lu cũng như toàn huyện được giải phóng. Từ đó Phố Lu được chọn làm huyện lị của Bảo Thắng. Do có những khu căn cứ du kích hoạt động mạnh và vững nên trong kháng chiến Bảo Thắng thực sự “trở thành cái nôi của phong trào Cách mạng trong hậu địch ở Lào Cai”. Đây là cú “hích”, tạo đà cho toàn tỉnh Lào Cai hoàn toàn được giải phóng vào ngày 01/11/1950.

Sau đó Bảo Thắng cùng cả tỉnh phá âm mưu gây phỉ của Pháp-Mĩ, bắt nhiều toán biệt kích, gián điệp; tiến hành xây dựng chế độ dân chủ nhân dân. Thời kỳ này, huyện có 15 xã : Vạn Hoà, Cam Đường, Nam Cường, Tân Tiến, Gia Phú, Hợp Thành, Lê Lợi, Bình Đẳng, Phú Nhuận, Phong Niên, Thái Niên, Xuân Quang, Phố Lu, Sơn Hà, Quang Trung.

Từ sau 1955, nhất là giai đoạn 1960 - 1975, một số xã được tách ra lập thị xã Cam Đường (xã Cam Đường, Hợp Thành, Tả Phời và các thôn Cốc Xa, Lùng Thắng, Xóm Mới, Đồng Hồ, Tùng Tung của xã Nam Cường); có thôn nhập vào thị xã Lào Cai (Vạn Hoà); một số xã đổi tên (Lê Lợi, Bình Đẳng, Quang Trung) hay lập mới (Sơn Hải, Phong Hải) nên địa danh, địa giới có sự thay đổi. Thời kỳ nay, quân dân Bảo Thắng đã bắt gọn toán Biết kích nhẩy dù xuống xã Phú Nhuận vào ngày 04/6/1964 với toán trưởng là Triệu Trung, còn tên toán phó là Nông Đức Vũ.

Đây là thời kỳ mà Bảo Thắng đã góp nhiều công sức, máu xương và thực sự là một trong những huyện đi đầu của tỉnh Lào Cai về mọi mặt. Cũng bởi là huyện vùng thấp, cửa ngõ của tỉnh (khi đó Bảo Yên, Văn Bàn còn thuộc tỉnh Yên Bái) nên Bảo Thắng là nơi đồng bào Kiến An-Hải Phòng lên khai hoang “đậu lại” nhiều nhất (từ 1961) lập nên các HTX khai hoang độc lập hay xen kẽ ở Sơn Hà (1965 mới tách ra Sơn Hà, Sơn Hải), Phú Nhuận, Phố Lu, Phong Niên (1966 tách thành Phong Niên, Phong Hải), Xuân Quang,…[3].

Trong thời kỳ này, tôi rời Phong Niên ra Phố Lu học Cấp 3 rồi đi xuôi học chuyên nghiệp. Theo nghiệp nghiên bút mãi rồi công tác tại Hà Nội, Yên Bái, đến 10/1991 mới quay lại nơi mình sống, đi học 10 năm thơ bé, 1964-1973[4]. Thuở ấy, chúng tôi được tuyên truyền rằng Lào Cai như một con bướm khổng lồ luôn vỗ cánh bay xa, bay cao với thân mình là cương vực thị xã và huỵện Bảo Thắng còn 4 cánh kia là các địa giới các huyện Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà, Bát Xát và Sa Pa. Do vậy, Bảo Thắng tự hào lắm!

Sau năm 1976, huyện Bảo Thắng thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn, bao gồm 16 xã: Cam Đường, Gia Phú, Hợp Thành, Nam Cường, Phố Lu, Phong Hải, Phong Niên, Phú Nhuận, Sơn Hà, Sơn Hải, Tả Phời, Tằng Loỏng, Thái Niên, Trì Quang, Xuân Giao và Xuân Quang. Ngày 23 tháng 2 năm 1977, chuyển xã Phong Hải thành thị trấn nông trường Phong Hải.

 Trong cuộc chiến 02/1979 Bảo Thắng bị tàn phá nặng nề nhưng cũng là địa bàn tiêu hao nhiều sinh lực đối phương ở Bản Phiệt, Bến Đền, Phong Niên, Phố Lu.

Những năm 1976-1991, khi tỉnh lị Hoàng Liên Sơn (1976-1991) chuyển về Tx Yên Bái (8/1978), Tx Lào Cai cũ bỏ hoang (“Lào Cai mất đất, Cam Đường mất tên”) thì Bảo Thắng trở thành trung tâm của các huyện phiá Bắc tỉnh; TT Phố Lu thành nơi xả hơi của bọn làm ăn phi pháp, cán bộ, bộ đội biến chất lắm tiền ở Mường Khương, Bắc Hà và điểm dừng chân trên đường từ xuôi lên tỉnh Lai Châu. Đồng thời còn nổi tiếng, ví như Hồng Công vì đây là điểm trung chuyển hàng nhập lâụ mua từ các “chợ âm dương” ở biên giới về (máy khâu, vải, phích, pin, nước hoa, dép…) và ma tuý từ xuôi lên, từ Nghĩa Lộ, Lai Châu qua lén lút đưa sang Trung Quốc. Từ cuối 1981 chuyển về công tác tại HLS (đóng quân tại thị xã YB) nên tôi hiểu và thấm điều đó.

Thời gian ấy, 2 xã Nam Cường và Cam Đường được sáp nhập về thị xã Lào Cai. Huyện Bảo Thắng còn lại thị trấn nông trường Phong Hải và 13 xã: Gia Phú, Hợp Thành, Phố Lu, Phong Niên, Phú Nhuận, Sơn Hà, Sơn Hải, Tả Phời, Tằng Loỏng, Thái Niên, Trì Quang, Xuân Giao, Xuân Quang.

Ngày 13 tháng 3 năm 1979, thành lập thị trấn Phố Lu, thị trấn huyện lỵ huyện Bảo Thắng trên cơ sở một phần diện tích và dân số của xã Phố Lu.

Ngày 26 tháng 2 năm 1980, hai xã Bản Cầm và Bản Phiệt thuộc huyện Mường Khương, tiểu khu Lào Cai và xã Vạn Hòa thuộc thị xã Lào Cai được chuyển về huyện Bảo Thắng quản lý. Huyện Bảo Thắng có thị trấn Phố Lu, thị trấn nông trường Phong Hải, tiểu khu Lào Cai và 16 xã: Bản Cầm, Bản Phiệt, Gia Phú, Hợp Thành, Phố Lu, Phong Niên, Phú Nhuận, Sơn Hà, Sơn Hải, Tả Phời, Tằng Loỏng, Thái Niên, Trì Quang, Vạn Hòa, Xuân Giao, Xuân Quang.

Ngày 11 tháng 1 năm 1986, thành lập thị trấn Tằng Loỏng trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của xã Tằng Loỏng.

Ngày 13 tháng 1 năm 1986, chuyển hai xã Tả Phời và Hợp Thành của huyện Bảo Thắng về thị xã Lào Cai quản lý.

Sau ngày tỉnh Lào Cai được tái lập (10/1991), Phố Lu và Tằng Loỏng trở thành nơi tập kết của một số cơ quan tỉnh nhưng từ đến 1993 trở di về sau, khi các cơ quan đầu não của tỉnh chuyển lên tỉnh lị (giáp biên) thì Phố Lu chỉ còn là thị trấn huyện lị Bảo Thắng.

Ngày 11 tháng 2 năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 896/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Lào Cai. Theo đó: Điều chỉnh 33,09 km² diện tích tự nhiên và 7.142 người thuộc 15 thôn của xã Gia Phú vào thành phố Lào Cai;  Sáp nhập xã Phố Lu vào thị trấn Phố Lu; Điều chỉnh 2,50 km² diện tích tự nhiên và 2.288 người của xã Xuân Giao vào thị trấn Tằng Loỏng.

Sau khi điều chỉnh, huyện Bảo Thắng có diện tích 651,98 km², dân số là 103.262 người, có 3 thị trấn và 11 xã như hiện nay.

Cho đến nay, Bảo Thắng vẫn là huyện trung tâm của tỉnh Lào Cai:

    Phía đông giáp huyện Bắc Hà và huyện Bảo Yên;

    Phía tây giáp thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa và huyện Hà Khẩu thuôc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc (với đường biên giới 7 km là sông Nậm Thi);

    Phía nam giáp huyện Văn Bàn và Bảo Yên;

    Phía bắc giáp huyện Mường Khương.

Huyện Bảo Thắng có diện tích 651,98 km², dân số năm 2019 là 103.262 người, mật độ dân số đạt 158 người/km². Huyện lỵ là thị trấn Phố Lu, cách thành phố Lào Cai khoảng 40 km về hướng đông nam. Trên địa bàn huyện có Quốc lộ 70, quốc lộ 4E, cao tốc Hà Nội - Lào Cai, có đường sắt Côn Minh - Hà Nội, sông Hồng đi qua và đường sắt cùng sông Hồng chia Bảo Thắng thành hai khu rõ là bên Tả ngạn và bên Hữu ngạn. Ngoài ra còn có nhiều tỉnh lộ và đường liên xã, liên thôn nôi các thôn bản với nhau, với đường trục cũng như trung tâm huyện.

Huyện Bảo Thắng có 14 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 3 thị trấn: Phố Lu (huyện lỵ), Nông trường Phong Hải, Tằng Loỏng và 11 xã: Bản Cầm, Bản Phiệt, Gia Phú, Phong Niên, Phú Nhuận, Sơn Hà, Sơn Hải, Thái Niên, Trì Quang, Xuân Giao, Xuân Quang.

Tiếp nối dòng chảy của lịch sử, phát huy hào khí  của huyện anh hùng, kể từ khi Đảng bộ huyện thành lập (15/10/1948 ) đến nay, các thế hệ cán bộ và Nhân dân huyện Bảo Thắng dưới sự lãnh đạo của Đảng đã nêu cao ý chí kiên cường và khát vọng vươn lên, nỗ lực vượt khó để đưa huyện nghèo bứt phá, trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên ở vùng biên cương Lào Cai.

   Hiện nay, Bảo Thắng có 13 thành phần dân tộc cùng cư trú xen kẽ với nhau trong đó đông nhất là dân tộc Kinh, Dao, Tày.

Địa hình Bảo Thắng là một dải thung lũng hẹp chạy dài ven sông Hồng có phía Tây là dải núi thấp của dãy Phan-Xi-Păng – Pú Luông và Đông là của dãy thượng nguồn sông Chảy án ngữ.

Đất đai Bảo Thắng chủ yếu là đất lâm nghiệp. Đất canh tác ít, tập trung ở các thung lũng ven sông, suối còn lại là đất Feralít thuận lợi cho trồng cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả. Từ năm 1995, huyện đã có nông trường Quốc doanh chè Phong Hải với diện tích 300 ha và công suất 10 tấn/ngày, ngày nay đang triển khai nhanh dự án vùng nguyên liệu chè trên 2.000 ha và hình thành cơ sở chế biến 42 tấn/ngày. Bên cạnh địa hình, đất đai thuận lợi Bảo Thắng còn là đầu mối giao thông có đường sông, đường bộ, đường sắt toả đi khắp các khu vực Bắc Nam thuận lợi, thu hút các cư dân khắp mọi miền đến sinh cơ lập nghiệp ngày càng đông đúc hình thành 3 thị trấn sầm uất (Phong Hải, Phố Lu, Tằng Loỏng) với số lượng dân cư đô thị ngày càng tăng và trở thành huyện đông nhất tỉnh có điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế thương mại.

Bản đồ Hành chính huyện Bảo Thắng nay do LĐM PTS

Đặc biệt cùng với thị xã Cam Đường, Bảo Thắng có nhiều mỏ khoáng sản và khu công nghiêp Tằng Loỏng chế biến sản xuất các chất hoá học và phân bón phục vụ sản xuất công nông nghiệp làm giàu cho Tổ quốc, góp phần thay da đổi thịt bộ mặt kinh tế - xã hội địa phương.

Là vùng đất cổ, Bảo Thắng có nhiều di sản văn hoá lâu đời là các di tích Khảo cổ học đã minh chứng địa bàn cư trú lâu đời của con người Bảo Thắng.

Nối tiếp với văn hoá khảo cổ đó là các di tích lịch sử văn hoá và danh thắng: Bến Đền (Gia Phú) – nơi nghĩa quân Gia Phú phục kích nổ súng bắn chết nhiều tên Pháp ngày 25/3/1886 khi chúng tiến quân đánh chiếm Bảo Thắng để thể hiện tinh thần yêu nước và đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta; căn cứ cách mạng Gia Phú – Xuân Giao – Cam Đường góp phần xây dựng lực lượng, phát động và tổ chức quần chúng đấu tranh vũ trang, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa vũ trang Cam Đường đêm 19/12/1948; đồn Phố Lu – nơi diễn ra cuộc tấn công chiến đấu quyết liệt suốt 5 ngày 6 đêm của bộ đội chủ lực (trung đoàn 102) và quân dân địa phương từ ngày 8/2/1950 – 13/2/1950 mở đầu chiến dịch Lê Hồng Phong màn I; đó là động Tiên đẹp nổi tiếng ở xã Xuân Quang với nhiều cảnh quan tuyệt diệu.

Cũng như nhiều huyện thị khác, các dân tộc Bảo Thắng còn giữ được nhiều lễ hội dân gian đặc sắc như lễ Lập tịch người Dao Họ ở Khe Mụ, lễ Trừ tà đón xuân người Xá Phó làng An Thành (Gia Phú), hội Xuống đồng của đồng bào Tày với sinh hoạt hát then, hát giao duyên trong những đêm xuân.

Kết hợp nhiều tiềm năng kinh tế - xã hôi tổng hợp của địa phương, Bảo Thắng đã và đang tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang sản xuất hàng hoá các loại cây trồng, vât nuôi với những hướng đầu tư khác nhau một cách phù hợp như: mở rộng diện tích trồng mía, cây ăn quả, cây chè, góp phần nâng cao tổng sản phẩm giá trị kinh tế địa phương xây dựng huyện Bảo Thắng ngày một vững mạnh toàn diện. 

Qua 75 năm xây dựng và trưởng thành, từ 02 chi bộ đầu tiên với hơn ba mươi đảng viên, đến nay (10/2023) Đảng bộ huyện Bảo Thắng có 32 tổ chức cơ sở Đảng với gần 5.500 đảng viên sinh hoạt tại 342 chi bộ. Trải qua 28 kỳ đại hội, với mỗi chặng đường cách mạng, Đảng bộ huyện đều đề ra được những nghị quyết sát, đúng với tình hình thực tế của địa phương.

Dấu ấn tạo nên thành công của Đảng bộ và nhân dân huyện Bảo Thắng trong suốt chặng đường 75 năm qua  đó chính là chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhờ có sự đột phá, sáng tạo, linh hoạt trong lãnh đạo chỉ đạo, sự chung sức, đồng lòng của toàn dân, nên đã thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Sau hơn 10  năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Bảo Thắng đã huy động được hàng trăm tỷ đồng cho chương trình xây dựng NTM, trong đó nhân dân hiến gần 800 nghìn m2 đất, và chặt cây cối, hoa màu trên đất  trị giá nhiều tỷ đồng. Ngoài ra nhân dân còn tham gia ủng hộ (kể cả tiền và hiện vật) với tổng giá trị ủng hộ trên 30 tỷ đồng. Đã làm mới và mở rộng được gần 800 km đường giao thông nông thôn và xây dựng nhiều công trình phúc lợi khác. Riêng từ năm 2022 đến nay  toàn huyện đã  mở rộng được gần gần 170 km đường giao thông nông thôn từ 4m lên 7m, góp phần thuận tiện cho việc đi lại giao thương buôn bán của nhân dân địa phương.

    Đến nay, toàn huyện có 81/188 thôn đạt thôn kiểu mẫu. 100% xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 3 xã đạt NTM nâng cao. Đặc biệt nhờ chủ trương sát đúng, hợp lòng dân, biết phát huy sức mạnh đoàn kết trong nhân dân nên những năm qua, phong trào hiến đất, hiến cây, hiến tài sản để mở rộng đường giao thông nông thôn và xây dựng các công trình phúc lợi được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Đã huy động được sự tham gia hưởng ứng của các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân, cán bộ, đảng viên và nhân dân ủng hộ với tổng số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Do vậy, bộ mặt nông thôn của huyện có nhiều khởi sắc. Diện mạo nông thôn ở tất cả các địa phương đã trở nên khang trang, sáng, xanh, sạch, đẹp hơn; Nhiều công trình lớn được đầu tư xây dựng mang chiến lược tầm vóc. Hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng khang trang tạo thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản, kích thích sản xuất phát triển.

Có thể thấy, Bảo Thắng từ một địa phương nghèo nàn, lạc hậu, nhưng đến nay đã bứt phá đi lên trở thành huyện đứng đầu trong các huyện, thị xã của tỉnh Lào Cai. Dấu ấn nổi bật nhất đó là trong nửa nhiệm kỳ (2020-2025)  qua, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Tỉnh uỷ Lào Cai, BCH Đảng bộ huyện Bảo Thắng đã tập trung xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch và nghị quyết chuyên đề, cụ thể hoá các chỉ thị, nghị quyết, các chương trình, đề án, kế hoạch của Tỉnh vào điều kiện thực tế của địa phương. Nhờ xác định đúng tiềm năng, lợi thế để dồn sức thực hiện, nên huyện Bảo Thắng đã có sự đổi thay lớn. Nền kinh tế nông nghiệp có bước tăng trưởng toàn diện, có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Từng bước phát triển, chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá.

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ở Bảo Thắng  đã có những cách làm sáng tạo, đi đầu, tạo đột phá từ nhận thức đến hành động cụ thể. Nghị quyết về "tam nông" như luồng gió mới, khích lệ nông dân Bảo Thắng năng động, đổi mới tư duy trong phát triển sản xuất, thể hiện rõ vai trò chủ thể trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Cũng từ đây, diện mạo nông thôn của Bảo Thắng ngày càng có nhiều đổi thay, khởi sắc, đời sống của nhân dân khu vực nông thôn ngày càng được nâng cao. Huyện xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm của nông nghiệp huyện là: Thu hút đầu tư vào nông nghiệp; Phát triển sản xuất, thâm canh các ngành hàng lợi thế của huyện; Xây dựng các sản phẩm OCOP. Đến nay, huyện đã phát triển 06 sản phẩm hàng hóa đặc trưng của huyện gồm: Bưởi Múc, Na Xuân Quang, Quế, Cá chép lai, Gà vườn đồi, Đào cảnh Xuân Quang. Thu hút, mời gọi các doanh nghiệp như: Công ty quế hồi Việt Nam, Hợp tác xã Tâm Hợi, công ty An Bình...vào triển khai các dự án chế biến sản phẩm nông nghiệp. Toàn huyện hiện có 30 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó 30/30 sản phẩm đều được lên sàn thương mại điện tử.

Đến nay, trong tổng số 24 mục tiêu Nghị quyết Đại hội đã có 9 mục tiêu vượt 100%, 3 mục tiêu đạt 100%, 10 mục tiêu từ 70% trở lên, 2 mục tiêu đạt 50%.

 Về thực hiện các Đề án, Nghị quyết, Kế hoạch trọng tâm giai đoạn 2020-2025: Trong tổng số 161 chỉ tiêu đến nay có 20 chỉ tiêu vượt, 50 chỉ tiêu đạt 100%, 60 chỉ tiêu đạt từ 60-99%; còn 31 chỉ tiêu đạt dưới 50%

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt  trên 14 % (đạt  trên 97 % mục tiêu đại hội). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản từ 17,9% xuống 16,30%, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng từ 38,9% lên 40,10%, tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ từ 43 % lên gần 44%. Giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác đạt 106 triệu đồng (đạt trên 88 % mục tiêu đại hội); Thu nhập bình quân đầu người đạt 64,6 triệu đồng/người/năm (đạt 75% mục tiêu ); Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,37 % (đạt gần 60 % mục tiêu đại hội); Tỷ lệ hộ khá giàu gần 45 % (đạt 90 % mục tiêu). Cơ sở hạ tầng nói chung và hệ thống giao thông được củng cố, nâng cấp, trở thành một trong những huyện có sơ sở hạ tầng tốt nhất trong các huyện, thị xã. Bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều khởi sắc, huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020, 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và Bảo Thắng đang trong quá trình xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.

n tượng nhất là diện mạo giao thông nông thôn, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh ngày càng khang trang, hiện đại. Bên cạnh sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, các hoạt động văn hóa - xã hội, thể dục thể thao và y tế cũng đạt được những kết quả đáng mừng, đáp ứng ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Thành tựu nổi bật nhất trong lĩnh vực văn hóa - xã hội phải kể đến công tác giáo dục và đào tạo đã giành được nhiều kết quả quan trọng, nhiều chỉ tiêu đạt cao. Chất lượng giáo dục, đào tạo, luôn đứng vị trí trong tốp đầu của tỉnh, đã có 58/73 trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ và chăm sóc trẻ em được thực hiện tốt. Các trạm y tế xã, thị trấn được cải tạo, nâng cấp, việc đầu tư trang thiết bị và nhân lực cơ bản đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân. Bệnh viện Đa khoa huyện, các phòng khám đa khoa khu vực được đầu tư trang thiết bị, nguồn nhân lực. Thực hiện tốt việc ứng dụng kỹ thuật mới tiên tiến, hiện đại trong chuẩn đoán và điều trị. Duy trì bền vững 14/14 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. An sinh xã hội được đặc biệt quan tâm; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên. Quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, cải cách hành chính được đẩy mạnh; các mặt công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tư pháp, đối ngoại được tăng cường. Quốc phòng được đảm bảo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Các cợ nổi tiếng, hoạt động tốt là: Chợ Bản Cầm, Chợ Phiên Phong Niên, Chợ Xuân Giao, Chợ xã Phú Nhuận, …

Dấu ấn 75 năm qua là động lực để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện vững tin bước vào chặng đường phát triển mới. Khó khăn, thách thức còn nhiều ở chặng đường phía trước, song với kinh nghiệm lãnh, chỉ đạo của Đảng bộ huyện Bảo Thắng, cùng sự đoàn kết của chính quyền và nhân dân sẽ là sức mạnh tổng hợp để Bảo Thắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Xây dựng Bảo Thắng là đơn vị dẫn đầu trong các huyện, thị xã của tỉnh Lào Cai, huyện NTM nâng cao đầu tiên vùng biên cương Lào Cai vào năm 2025 và trở thành thị xã Bảo Thắng vào năm 2030.

Nhanh thật, đã sắp 60 là công dân của huỵện này (02/1964-02/2024) và đang đón niềm vui mừng kỷ niệm 75 năm thành lập Đảng bộ huyện đầu tiên của tỉnh Lào Cai (15/10/1948-15/10/2023).

-Lương Đức Mến, BS từ nhiều nguồn TK-


[1] Sau này, Lưu Vĩnh Phúc rời bỏ quân Cờ Đen, trở về Trung Quốc phục vụ triều Thanh, trở thành một võ tướng chính quy được người Trung Quốc ca ngợi là một anh hùng dân tộc.

Dư luận Việt Nam đánh giá về ông không thống nhất vì ông đánh thắng Pháp một số trận, nhưng đội quân này cũng nhũng nhiễu cướp phá người dân Việt ở nơi họ càn qua hay đóng quân. Do vậy dân ta, kể cả vùng Lào Cai không ưa nhưng cũng có người muốn vinh danh!

[2] Tả ngạn là phía tay trái con sông nhìn từ Thượng nguồn về còn ngược lại là Hữu ngạn.

[3] Dịp này có 8 hộ, 50 khẩu người Chiến Thắng; 5 gia đình, một số hộ độc thân An Thái với 23 khẩu; 5 gia đình, 20 khẩu ở Mỹ Đức đều thuộc huyện An Lão lên La Cà Bốn thuộc Phong Niên, huyện Bảo Thắng khai hoang lập ra HTX An Phong cùng phái Lương Đức gốc Chiến Thắng ở Lào Cai

[4] Đời tôi gắn nhiều với con số 10: 10 năm ở quê (1955-1964), 10 năm “đốt đuốc tới trường” (1964-1974), 10 năm “hùng học chải bươn” ở Yên Bái (1981-1991); 10 năm “khai hoang lập nghiệp” nơi mình đi học và lớn lên (1992-2002; 10 năm chuẩn bị rời quan trướng (2002-2012),…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!