[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


12 tháng 7 2023

Thấm câu AI ƠI BƯNG BÁT CƠM ĐẦY

Nhớ hồi còn nhỏ, khi còn ở nhà, muốn có Gạo nấu Cơm, từ hạt Thóc, ít nhất phải qua mấy bước sơ lược như sau:

1. Đầu tiên, phơi Thóc cho khô, rồi rê, quạt sạch, cất trong Cót, mỗi lần ăn lấy Mủng xúc đổ ra Thúng bưng/khiêng đi “xay, giã”;

 2. Cho thóc vào Cối Xay (do chú tôi đóng bằng tre đan, đất nện, dăm gỗ Dẻ,...), xay ra Trấu và Gạo thô (tức mới tách vỏ trấu  còn vỏ cám vẫn bám vào hạt gạo);

 3. Dùng cái Sàng, sàng và dùng cái Mẹt sảygằn tách Trấu và gạo thô riêng ra bên trong cái Nia;

  4. Sau đó, cho gạo thô vào Cối Giã giận bằng chân và Cối này do Bố tôi đóng bằng thân cây có cắm ngang vào thân một đoạn gỗ nhỏ hơn tạo thành cái “mỏ” (chày)  và đầu mỏ thường gắn mấy mảnh kim loại hay đóng đinh để tăng ma sát và cho lâu mòn. Thi thoảng phải đảo gạo dưới cối lên trên để giã cho đều. Sau này có thời em Thức, em Luân tôi có làm Cối thậm thình bằng sức nước suối (cho thẳng Thóc vào cối, đôi khi là cả “cum” lúa nương vào);

 5. Khi bốc gạo thổi “phù phù” bay cám đi thấy hạt gạo trắng (càng trắng càng tốt) là đã giã xong, xúc gạo ra, dùng cái Giần (lỗ nhỏ hơn cái Sàng) vừa lắc vừa xoay để tách gạo và cám; (gạo người ăn, cám dùng cho lợn);

  6. Cuối cùng, dùng cái Sàng tách gạo và Tấm (hạt gạo bị vỡ làm 5-7), mày, Trấu đã giã, Sạn to...

7. Cho gạo vào thùng để người ăn dần, cám để thùng riêng giành cho Nhợn!

Nhưng do thóc phơi trên sân đất, lẫn nhiều đá, sỏi nhỏ, sàng không hết nên bao giờ khi Vo gạo vẫn phải Đãi, nhặt sạn! Đây là công đoạn ngại nhất trong quá trình “tiền nấu cơm” !

 Việc Xay, Giã do anh em tôi chia nhau, việc Sàng, Giần, Xẩy, Gằn thường do mẹ tôi làm và mẹ tôilàm rất khéo, khá “chụm”! Những Nong, Nia, Dần, Sàng  do bố tôi đan bằng Tre  Giang (có lóng Đôi, lóng Dần, lóng Nia,…riêng) và người làm rất đẹp, đặc biệt là khi cạp bằng Tre Nứa, nức bằng Mây (hai việc mà đến nay tôi vẫn chưa làm được bao giờ).

Việc xay, giã, giần, sàng,...tức là quá trình từ hạt “thóc” làm ra thành sản phẩm chính là “gạo” (giành cho người) và các phụ phẩm là “cám” (để chăn nuôi) và “trấu” (đun hay rấm) được coi là công việc “phụ”, thường làm “tranh thủ” khi tối muộn hay trưa nắng ở dưới bếp, đầu nhà, gian phụ,...chẳng khi nào ở gian chính! Nhà đông miệng ăn nên tốn gạo và vì thể, người đảm trách những việc này chả bao giờ “thất nghiệp”!

 Ngày trước, mọi người chỉ ăn gạo đã giã, xát bỏ vỏ cám; còn gạo thô mới qua xay tách vỏ trấu chỉ áp dụng với gạo Nếp, dùng để “nấu rượu”!

Những vật dụng kể trên, trước 1995 nhà tôi khá đầy đủ nhưng mấy năm gần đây nó “biến” đâu sạch, đặc biệt từ sau khi phụ thân tôi mất vào lúc 2 giờ 5 phút sáng thứ Ba ngày 21/01/1997 (tức là 13 tháng Chạp năm Bính Tí) ! Rá, Rổ giờ hầu như toàn bằng nhựa; Thúng, Xảo mất dạng; Nia, Mẹt còn đấy nhưng đã rách, được Mẹ tôi “dặm” lại vụng về bằng cả nan tre và những mảnh vải vá, khá lộ!

 Ngày nay, thay vì gạo trắng thì “Gạo lứt” (là loại gạo chỉ xay bỏ vỏ trấu, chưa được xát bỏ lớp cám gạo) lại được giới nhà giầu mới nổi ưa chuộng bởi  cho rằng loại gạo này giàu dinh dưỡng đặc biệt là các nguyên tố vi lượng ! Nhưng chú ý rằng, dùng thường xuyên gạo lứt còn gây phản tác dụng bởi nó khó tiêu, ảnh hưởng tới dạ dày, dễ gây táo bón.

Bên cạnh đó, lũ trẻ nhà này đâu biết “công đoạn” từ thóc ra cơm! Thậm chí chúng không phân biệt đâu là cái Cối Xay, Cối giã’ đâu là cái Dần, cái Sàng; đâu cái Nong, đâu cái Mẹt; đâu là cái Rá, cái Rổ,…Có chăng chỉ còn trong Bảo tàng, mà lại có khi giới thiệu sai, đầy thổ ngữ!

Nghĩ mãi mà vẫn chả lý giải đầy đủ được các từ xay, sàng, giã, giần, sảy, gằn, hắt,...trong quy trình làm ra hạt gạo và cái quy trình” lược kể trên chắc gì đã đủ, đúng!

Tự dưng nhớ câu ca dao:

“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,

Ăn gạo nhớ kẻ đâm, xay, giần, sàng”.

Rồi câu đã nằm lòng:

“Ai ơi bưng bát cơm đầy,

Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”

(Ảnh đầu bài sưu tầm trên MXH sau đó đổ mầu để tránh VPBQ vì không rõ tác giả).

-Lương Đức Mến, Hè 2023-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!