[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


22 tháng 2 2021

Năm Sửu KỂ CHUYỆN TRÂU

Chuyện này không liên quan đến việc chú ruột tôi tuổi Ất Sửu (1925), con ông tuổi Tân Sửu 1961 và con trai tôi tuổi Ất Sửu 1985 cũng chả liên quan đến ngữ nghĩa của Sửu-Ngưu bởi việc đó đã đề cập ở đây rồi!

Mà nó là chuyện con Trâu bằng xương bằng thị hẳn hoi có liên quan đến Đại gia đình tôi!

 Số là, gia đình tôi từ Hải Phòng lên khai hoang trên Lào Cai từ tháng 2/1964 và theo nghề nông nên gia đình khá mật thiết với con trâu, mặc dù chỉ là “trâu hợp tác”!.

Ngày dưới quê, tôi đã biết chăn trâu (của HTX giao cho gia đình, được tính thêm điểm, từ điểm tính ra thóc) và mỗi sáng, mùa cày bừa thường tờ mờ đất đã đánh trâu lên Kim Côn rồi mới về đi học. Có lần, vừa cưỡi trâu vừa ngủ, khi chui qua cây tre rủ ra đường, suýt bị quét rơi xuống đất. Hôm không đi học, trâu nghỉ cầy bừa, theo chúng bạn tôi thả trâu ăn ở ngoài đê Văn Úc, chúng tôi quét vôi ký hiệu riêng để biết trâu nhà. Thủy triều lên, bơn ngoài sông và bãi chân đê ngập nước, chỉ nhận qua hình dáng, ký hiệu mới biết đâu là trâu nhà mình. Khi đưa trâu về nhà, trên đường 354 (nối Kiến An, qua An Lão, phà Khuể sang Tiên Lãng), nếu gặp các thầy, cô giáo là chúng tôi tụt từ lưng trâu xuống đất chào nghiêm chỉnh. Nhưng muốn trèo lên phải dắt tới cột mốc km gần cổng Nghĩa trang hay nhờ người mới leo lên lưng trâu được. Nhiều bạn dám trèo lên từ sừng nhưng tôi nhát, không dám! Chính con trâu đã gắn tuổi lau nhau chúng tôi với con đê bên tả sông Văn Úc với trò “đánh trận giả” trong các Lô cốt ở chân đê, “chọi gà” bằng cỏ gà ở triền đê,…!

Dưới quê Hải Phòng, chỉ thấy trâu có mầu da, lông đen và chả con nào đeo mõ, đeo chuông. Lần đầu thấy trâu trắng, trâu đeo mõ là vào tháng 2/1964 khi cùng gia đình lên khai hoang tại Lào Cai!

Lên Lào Cai, cũng có năm gia đình nhận nuôi trâu. Lớn lên, tôi đã biết lấy gỗ phía sau nhà làm thành cái chuồng trâu khá lớn (cột góc bằng gỗ Soi chanh) cạnh đường từ xóm An Phong vào sâu trong xóm mấy nhà người Dao ở  Xuân Đâu (Xuân Quang) mà nền chuồng trâu ấy bây giờ đã thành ao! Hồi đó, từ 1977 gia đình nhận nuôi một con trâu cái khá hiền, thuần thục việc cày bừa nhưng vì không có xi măng nên nền đất bị trâu dẵm thành hố sâu!

Sau cuộc chiến 2/1979 khi trở lại Lào Cai, con trâu cái vẫn được nhà tôi chăn. Bởi vậy có con trâu đực to, sứt mũi, cổ bè, có thể là trâu khai thác của lâm trường đi lạc, ngày đi lang thang, đêm lại chui vào chuồng cùng con trâu của nhà tôi. Con trâu đực ngày đi ăn phá cả lúa của dân, mọi người tố cáo “trâu của ông Thân phá lúa”, Bố tôi bực lắm!. Tối về gia đình mới bắt nhốt và làm giàm, tức cặp tre cứng buộc từ cái mũi sứt vòng qua sừng để lấy chỗ xỏ thừng dắt trâu. Từ đó việc dắt, điều khiển nó dễ hơn và HTX giao cho gia đình chăm, được 10 kg thóc. Gia đình giao Út Luận, còn con trâu cái giao lại cho hộ khác ngoài đường QL70 bây giờ chăn!

Vốn là con trâu bướng (trâu sứt nào cũng vậy), trâu đực mới này chỉ nghe lời Út nhà tôi, lại cầy bừa kém nên các thợ cầy trong Đội rất ngán!

Lãnh đạo Đội báo lên hợp tác, ông  Ruyện lúc đó làm Giao liên, nhà ở Đội ngoài vào xem và thống nhất báo lên trên đề nghị thanh loại. Sau một thời gian, anh Mùa (cũng người Đội ngoài) vào truyền đạt ý kiến lãnh đạo HTX đổi con nghé đực cho một  đơn vị bộ đội. Thực chất đây là lợi dụng cơ chế lỏng lẻo “kiểm đếm đầu vật” và sự “phá rào” những năm đó, bộ đội mang con nghé đực vào giao cho gia đình và mang con trâu sứt đi. Con trâu sứt này được giết mổ trong khu hồ Ông Câu ở Cốc Sâm chia cho đơn vị bộ đội phần lớn, phần ít hơn chia cho HTX tiến hành liên hoan Đại hội. Riêng Đội An Phong được nhận cái đầu, lọc ra chia nhau!.

Con nghé đực này khi về nhà tôi, đã “được” xỏ mũi, tức là chủ nhân trước đó đã dùng dùi nung đỏ xiên qua cái huyệt ngăn hai bên lỗ mũi và xỏ vào đó một đoạn dây mây, đợi vết thủng lành người ta đã lắp một cái “sẹo” bằng gỗ và xỏ dây thừng xuyên qua đó. Tuy con nghé không còn “vô thừng, vô sẹo nữa nhưng cũng chưa trở thành con trâu và vẫn chưa thuần, chẳng biết cày bừa, nghe hiệu lệnh gì nên phần vì thương con trâu sứt, phần vì bực con nghé không biết nghe lời, Út nhà tôi đánh nghé nhiều bận!

Dù sao, vẫn phải chăn và phát huy tác dụng “trâu phục vụ con người”. Thức và Luân đã thực hiện việc vực nghé cày, bừa và quá trình đó làm gãy mấy cái cày do Thức tự đẽo! Mấy ông thợ cày trong Đội cũng ngán khi được điều cày, bừa với con này. Dần nó cũng thuần và tỏ ra thích hợp với việc kéo gỗ! Út nhà tôi từng kể có lần đang cưỡi con trâu được HTX điều đổi về đó  trên đường, gặp con trâu trắng nhà ông Soát, chúng xông vào đánh nhau, Út bị gã từ xuống đất, bị trâu giẫm lên cả người. May mà lúc đó chúng đã quần nhau xuống ruộng, đất bùn mềm...

Bố tôi vốn có “số làm nhà”: Ban đầu, 1964 gia đình tôi ở chỗ phía sau nhà Đặng Thái Sơn bây giờ; năm 1966 chuyển ra khu “mỏm đá” là căn nhà bằng gỗ 3 gian lợp tranh do chú ruột tôi làm thợ cả; bộ khung căn nhà này cho Dì tôi khi Dì tôi và các em lên Lào Cai năm 1974. Năm 1973, khi tôi ôn thi Cấp 3, ôn thi vào Đại học thì bố tôi bắt đầu san nền bên chân đồi đối diện (khu nhà Lương Đức Thuộc bây giờ). Căn nhà đó khá to mà khi chuẩn bị cất nóc có con gà mái nhẩy lên làm gẫy rui cái và sau đó bị cháy trong cuộc chiến 2/1979. May mà trước hôm  chạy Tầu, trong một lần  trà lá với bộ đội đóng tại nhà, Thức thấy đông người đã quăng mấy hòm ra ngoài cho rộng chỗ, một trong các hòm đó có đựng BẰNG TỐT NGHIỆP CẤP 3 của tôi và Thuộc. Nhà cháy, mấy hòm đựng tài liệu đó không cháy và Bằng của anh em tôi chỉ văn ra, bị mối xông chứ không hủy hết. Khi Thuộc quay về, thấy đã tiện tay nhặt đem cất và điều đó đã giúp anh em tôi thêm  ngẩng cao đầu trong cuộc kiểm tra Bằng gắt gao năm 1995!

Sau cuộc chiến 2/1979, vài năm sau gia đình tôi bắt tay vào khai thác gỗ làm nhà. Do vậy những năm 1981, 1982, 1983 con nghé này (đã thành trâu tơ) rất phát huy tác dụng và đóng góp nhiều công lớn.

Gỗ khung làm nhà hầu hết là Giàng giàng khai thác từ những quả đồi giáp Xuân Quang (nơi nay là vườn rừng của Lương Đức Luân vài hộ nữa).

Lúc đầu, con nghé chưa thuần nên khi kéo gỗ phải dắt và các em tôi khá vất vả mới cùng nó đưa những khúc gỗ lớn về nhà!

Các em tôi kể, con  trâu tơ rất khoẻ. Ví dụ,  gỗ trên đồi ông Mỏng (nay do Đạo quản lý) dài 7,7 m đường kính cỡ hơn 30 mấy anh em định bụng cho trâu kéo xuống dưới bằng mới cắt ngắn để xẻ kèo. Khi đóng đinh đỉa, trâu giật bị bung đinh, Thức, Luân đục lỗ “xeo” luồn dây, mắc cho trâu kéo. Khi giục đi, nó lao phăng phăng, qua cả bãi bằng chân đồi, qua mấy đoạn lầy thụt tưởng không đi được mà rồi vẫn kéo về tận sân nhà bây giờ mới đứng lại. Từ những lần sau đó, nó tự kéo các khúc gỗ đã mắc vào về đến sân nhà mà không cần dắt. Khi lôi các khúc gỗ ngâm dưới ao lên nó cũng chỉ “giật” một cái là được rồi kéo về “xếp ngay ngắn” trên sân!

Tốp mấy “thợ tiện” (tiện việc gì làm việc đó) học lỏm nghề thời tại ngũ làm căn nhà này đã xẻ vuông từng cây cho bằng nhau sau lại đẽo thành cột tròn! Do học lỏm, chả được chính quy lắm nên 2 vì giữa do 2 nhóm thợ khác nhau làm vênh kiểu rõ ! Chữ Nho viết trên Câu đầu, Thượng lương là chữ ông Bách ở bên Xuân Quang. Mầu đen chữ và các hoa văn là dùng tuýp mực lăn tay do tôi mang từ Yên Bái lên. Nhưng bước đầu mới chỉ làm xong bộ khung nhà, còn ngưỡng, ván lịa làm sau.

Con trâu này, thời gian sau nhà ông Phận (Đội trưởng) mượn kéo gỗ làm nhà và giữ lại chăn.

Hồi đó, tôi ở dưới Yên Bái, ít ngược về nên không nắm rõ lắm việc dựng căn nhà này. Sau khi thân phụ tôi mất (01/1997) mẹ tôi vẫn ở tại đó, năm 1999 chúng tôi đổi lợp Proximang. Đến hôm tháo dỡ để trùng tu (25/11/2014), thấy hàng chữ Nho viết trên cây đòn nóc (Thượng lương) bị muội khói đen do đốt sưởi rất khó đọc. Mày mò mãi, tôi đọc được là: 歲次壬戌年四月和四日午時立柱上樑大吉 (3 chữ nữa không đọc nổi, Phiên âm: Tuế thứ Nhâm Tuất niên Tứ nguyệt hòa Tứ nhật Ngọ thời lập trụ thượng lương đại cát, Dịch nghĩa: Giờ Ngọ ngày 04 tháng Tư  năm Nhâm Tuất (1982) lắp đặt cây chồng nóc mong cho mọi việc tốt lành). Nhưng năm Nhâm Tuất 1982 nhuận 2 tháng 4 chắc là dựng vào ngày 04 tháng 04 chính, tức thứ Ba 27/4/1982 bởi hôm đó mới là Cát nhật, có sao  Thanh Long hợp với tu trạch, tác sự, tạo trạch còn tháng 04 nhuận, chả ai làm việc lớn !

Ngôi nhà tồn tại từ đó cho đến nay! Riêng bộ cánh cửa và lịa là làm sau và còn thêm 2 chái thành nhà "ba gian hai chái". Nhưng do mối xông, các anh em đi thoát ly, ra ở riêng dần nên 2 trái dỡ đi chỉ còn 3 gian. Qua lần sửa nhỏ năm 2009, đến 2014 chúng tôi chỉ thay gỗ lịa (gỗ gạo) bằng tường gạch bao, mái lợp Proximang bằng tấm Nhôm, nền đất thay bằng lát gạch bông, sơn phủ vì dưới, làm thêm gian khép kín!

Tôi chưa thấy ai kể số phận con trâu ấy kết cục ra sao!

Năm Sửu nhớ, đọc, nghe lại viết ra để suy ngẫm!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!