[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


23 tháng 2 2021

GIA ĐÌNH TÔI, NGÀY NÀY 42 NĂM TRƯỚC

1.     CHIẾN TRANH VÀ CHUYỆN “CHẠY TẦU”

Tết Kỷ Sửu (28, 29, 30/01/1979) năm ấy tôi không ngược Lào Cai mà đi Nho Tống (Phú Minh, Phú Xuyên, Hà Sơn Bình) chơi tại nhà bạn học hồi cấp 2 là Phùng Thế Hùng (từ Thái Lan về nước năm 1962). Một số người đến chúc Tết ngỡ tôi sắp là rể mới của gia đình!

Hết Tết về trường ĐHQY, nhưng không phải là học ngay mà sáng Mồng 4 (31/01/1979) Khóa 69 chúng tôi lên Lục Nam, Hà Bắc (giáp tỉnh biên giới Lạng Sơn) lao động. Trời rét cắt da. Tuy là “sinh viên trường thuốc” nhưng do đã ít nhất 5 năm rèn luyện trong môi trường quân đội, nên chúng tôi khai mương, phục hoang ruộng cũ rất hăng say và hiệu quả. Đất mấy quả đồi quanh lũng khá cằn và còn dấu tích của những hầm mỏ khai thác Vàng của người Nhật, người Pháp chủ trì cách đây mấy chục năm vẫn còn. Chúng tôi trọ trong nhà dân, họ rất nghèo, đông con và tốt bụng. Tôi thường đan lát giúp gia chủ và kèm học cho mấy em nên một số công việc dân vận khác như gánh nước, bửa củi,...được...miễn!

 Thứ Bẩy ngày 17/2 (21 tháng Giêng âm lịch) chúng tôi được lệnh trở về trường. Dọc đường thấy các đơn vị bộ đội chưa có biểu hiện nâng cấp báo động, tăng pháo vẫn trùm bạt kín. Nhưng tới trường, qua hệ thống truyền thanh thì biết: Chiến tranh biên giới 北部边界战争 đã nổ ra !. Tôi nghĩ nhà mình cách biên giới Việt-Trung tới 36 Km chắc quân “Tầu”  khó đánh đến nơi !

Sau này mới biết mình dự đoán sai và không chỉ riêng tôi sai!. Hồi ấy, quân dân ta biết chắc Trung Quốc sẽ gây hấn nhưng chắc chắn không nắm rõ về thời điểm và quy mô! Chính bố tôi và các em kể rằng có cán bộ Tuyên giáo hôm trước còn nói “có nhử kẹo TQ cũng không đánh!” và gia đình không hề nhận được lệnh sơ tán, tản cư như “hồi 9 năm”.

 Đến ngày 18, 19/02/1979, thấy một số người dân trên Bản Phiệt, Bản Cầm sơ tán đi qua nói: Trung Quốc đông lắm, đã luồn sang ém sẵn từ trước, mờ sáng bắc cầu phao vượt sông Nậm Thi cùng lúc pháo bắn như vãi thóc sang đất ta... dân Đội An Phong (Đội 7 HTX Hải Phong) bắt đầu hoang mang!. Khi đó, sau khi vượt sông Nậm Thi, tàn phá Tx Lào Cai, vào Mường Khương tàn phá nông trường Thanh Bình, một cánh quân bành trướng đã tràn xuống đất Bảo Thắng theo dọc đường 7 (chứ không phải cắt rừng đi theo chỉ dẫn của thám báo hay sơn cước).

Hồi đó, An Phong đã chuyển thành Đội 7 của HTX Nông nghiệp Hải Phong và năm 1978 được mùa, gia đình tôi thu hoạch nhiều lúa nương. Cô ruột tôi, từ Sơn Hải sang đi “mót” được khá nhiều thóc nương, thóc mộ!

Ngày 19/02/1979, khi thấy có bộ đội bỏ chốt chạy về xuôi, ghé qua, các gia đình ở Đội 7 chúng tôi tự quyết định sơ tán vào sâu nội địa, ưu tiên người già, trẻ em đi trước. Mấy hộ cùng An Lão lên năm 1964 đi bộ theo đường Hữu nghị 7 (nay là Quốc lộ 70) về Xuân Quang. Trời cuối tháng tối như mực, từ Ngã ba Bắc Ngầm về dưới, ngày đó ven đường thưa nhà dân, có nhiều cây to, đường càng tối. Ban đầu còn đốt đuốc, sau đó hết đuốc, tất cả lầm lũi, mò mẫm đi. Khi đó gia đình tôi có bà, bố mẹ và các em tôi là Thường, Thức, Luân, Lý, Luận nhưng Thức và Luân mấy hôm sau mới đi. Tôi đang ở Đại học Quân y, Thuộc ở Trung cấp Y tế Hoàng Liên Sơn. Trước khi rời đi, Thức và Luân khuân thóc cất vào trong hầm đào phía sau nhà và còn viết chữ ở tấm gỗ chèn cửa có mìn! Chính vì vậy mà khi trở lại và giữa tháng 3/1979, mặc dù nhà bị cháy nhưng gia đình tôi vẫn có cái ăn!

Trên đường đoàn người bồng bế xuôi gặp vài chiếc xe Zin của bộ đội chạy ngược chiều. Gần nửa đêm mới đến km 45 thuộc thôn Thái Vô, các gia đình nghỉ tại nhà của mấy bà vợ anh họ tôi là Thiếp. Anh là người tháo vát, đào hoa, khá nhiệt tình với bà con họ mạc và cùng làng xã dưới xuôi lên năm xưa, ngày nào cũng rảo qua nắm tình hình 3 điểm là 3 ngôi nhà của 3 bà vợ anh mà có người bà con trên Phong Niên về tá túc.

Lũ trẻ con em tôi được dịp đi xa khỏi An Phong đã “thám thính” xung quanh, tắm, nghịch cát ở bờ suối, xem trận địa pháo phản lực 12 nòng H12 ven đường.

Ở đó được 2 ngày, nghe đồn người Mán nơi đây nổi lên theo địch, những người khỏe mạnh chạy sâu vào phía trong, ngược 1 quả đồi rất cao, dốc đứng. Bà nội tôi (năm đó ngót 90, bà mất 22/12/1982) và bác Nhỡ (gọi bà tôi bằng cô ruột, nguyên chiến sĩ Công an ngày đầu giữ chính quyền tại Thái Bình ròi về quê Hải Phòng, khi lập HTX An Phong là Phó Chủ nhiệm, rồi làm Phó Chủ tịch xã ngay từ những ngày đầu gian khó có công suốt những ngày đầu và cả quá trình sau đó, mất 1982) nói già rồi, không chạy được, ở lại, chết thì chết.  Một sự trùng hợp: bà và bác là 2 cô cháu đều mất 3 năm sau “ngày đánh Tầu” và cả 2 đám tang đó tôi đều không có mặt, mặc dù khi đó tôi công tác ngay tại tỉnh lị Hoàng Liên Sơn là thị xã Yên Bái!

“Chạy loạn” đến lưng chừng đồi, mọi người từ An Phong xuống Thái Vô đều mệt, dừng nghỉ. Lúc đó có tin đồn phía bên kia đồi cũng có bọn “nổi loạn”, mọi người quyết định không “chạy” nữa mà quay ra phía đường cái. Lũ em tôi sắp tuổi trưởng thành tự trang bị vũ khí thô sơ, chuẩn bị “chiến đấu”. Nhưng rồi sau mới hay việc “nổi loạn” chỉ là tin đồn!.

Thức, Luân cùng một số người lớn bạo gan trở ngược lên Phong Niên, Phong Hải và qua bộ đội trở về, gia đình đã biết rằng quân PLA đã tiến đến đóng chiếm Phong Hải.

Đây cũng là thời điểm xe “biển đỏ” chở quân, chở lương thực, thực phẩm, vũ khí lên phía trên và khi xuôi lại đi không. Gia đình tôi và gia đình Dì ruột tôi hỏi và được đi nhờ một xe xuôi theo Hữu nghị 7. Xe dừng ở Phố Ràng, các em tôi là Thường và Lai trốn quay lại để tham gia cùng dân quân xã đánh bọn Tàu. Bộ đội trên xe còn cho mỗi gia đình 1 bao bột mì. Các anh nhận nhiệm vụ mới lại ngược lên hướng Lào Cai còn gia đình chúng tôi liên hệ nhờ xe khác tiếp tục về Hà Nội. Sau, tình hình rát quá, Thường và Lai cũng rút theo gia đình về Hà Nội.

Trong khi đó, từ nơi lao động ở Lục Nam (Hà Bắc), K69 chúng tôi trở về trường (từ chiều muộn 17/02/1979) và suốt tuần đó, chiều chiều tôi đạp xe ra Ga Hàng cỏ thấy đồng bào lũ lượt bồng bế nhau về quê, gặp nhiều người quen nhưng chưa thấy người Đội 7, tôi rất sốt ruột!. Thương nhất là đồng bào người Tầy, người Nùng trên gần biên giới cũng lên tầu nhưng khi xuống ga thì chẳng biết đi đâu nên sau đó lại quay ngược !.

Đúng hôm Chủ nhật (24/2/1979) tôi đi Phú Xuyên chơi thì gia đình xuống tới Hà Nội, bố vào Trường không gặp tôi, lại ra Ga ngay. Tối về, nghe anh Bé cùng A11B1 kể lại tôi đạp xe ra ga Hàng Cỏ, tìm được và gặp đủ cả nhà.

Khi đó tôi mới biết: nếu không có cuộc chiến chắc Thuộc-Nghị đã chuẩn bị cưới. Chẳng hiểu thế nào mà mẹ tôi cho vào thúng gánh cả hòn đá mài (cỡ hòn gạch đỏ) chạy bộ nhiều đoạn xuống tận đây. Còn các em nhỏ của tôi mang theo nhiều vỏ đạn! Tại Hàng Cỏ, cả nhà ngồi ở hành lang nhà ga, các em tôi tò mò tản ra xung quanh, theo đường Nam Bộ (Lê Duẩn) đến tham quan Rạp Xiếc Trung ương gần Vườn hoa Thống nhất, Bến xe Kim Mã,....

Chia tay gia đình, tôi trở về Trường kịp giờ điểm danh tối. Về sau mới biết, đêm đó, bọn trộm Hà Thành đã kịp khoắng và cuỗm đi nhiều thứ của gia đình mà có lẽ đáng giá nhất là cái đài bán dẫn và... 1 chiếc lốp xe đạp (bốc thăm được mua trong một lần phân phối) !

 Ngay đêm ấy gia đình đi tầu về quê ở Hải Phòng còn thím tôi, vì có 2 con trai đang tại ngũ nên lấn cấn mãi và là một trong những người “sơ tán” khỏi Phố Ràng sau rốt và về tá túc tại gia đình ông Biển ở Nam Cường, Yên Bái. Ông chính là bố đẻ Lê Đăng Biên (bộ đội đóng quân tại một nhà trong Đội) mà sau này là con rể Thím tôi (chồng Lương Thị Vinh). Chú tôi đã mất ngày 07-6 năm Đinh Tị ( sáng thứ Sáu, ngày 22/7/1977) vì bệnh Đái tháo đường, LT Dưỡng đã lấy chồng ra ở riêng, LT Sinh dạy học trên SMC, LĐ Tràng và LĐ Quang tại ngũ, ở nhà chỉ còn Thím và Vinh. Nhưng chắc gia đình bà Minh (ông Hổ) ở xóm ngoài rời An Phong sau hay tá túc đâu đó nên mãi 17/3/1979, trước khi đi thực tập Vòng 2 tại QYV 175 ở tf Hồ Chí Minh, tôi được tranh thủ ghé về quê Hải Phòng thăm gia đình mới gặp họ trên tầu cùng về quê!.

Với các em tôi: Thường và Thức lần đầu trở lại quê sau 15 năm theo bố mẹ lên khai hoang (2/1964-02/1979) còn Luân, Lý, Luận đẻ trên Lào Cai nên đây là lần đầu tiên biết cảnh vật quê hương nước lợ “núi Voi, sông Úc”.

Một số chuyện tiếp sau việc “tản cư” lần ấy sẽ được viết vào dịp khác.

-Lương Đức Mến, 23/02/2021-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!