[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


26 tháng 12 2018

Việc ĐI PHÚNG VIẾNG

1. Chữ và nghĩa:
 Phúng: trong “phúng điếu” là chữ (U+8CF5). Chữ này có bộ “bối” (nguyên nghĩa là con sò, ngày xưa dùng vỏ sò làm tiền tiêu, cho nên những chữ nói về của cải phần nhiều có chữ ở bên, nghĩa là “tiền tài”, những đồ quý báu gọi là “bảo bối” 寶貝) và chữ “mạo” (nghĩa là che, trùm đậy). Như thế nghĩa nguyên thủy của chữ “phúng” là “đem tiền bạc hay phẩm vật, áo xống tới cúng người chết để che đắp thi hài; ý là tặng cho người chết, giúp tiền của cho nhà hiếu làm ma chay”.
Nhưng hiện nay, từ này được hiểu theo tuỳ văn cảnh:
- Đem Vàng mã và giúp phương tiện đưa di hài ra nơi chôn cất đúng là “phúng” ,  giúp quần áo gọi là “tùy” ;
- Còn đem lễ vật, tiền bạc tới giúp tang chủ đúng ra phải gọi là “phụ” tới cúng người chết, dùng xe ngựa giúp gia chủ chôn người chết. Đáng buồn nay chỉ chú trọng tới nghĩa này!
Điếu: trong “phúng điếu” là chữ (U+4F04), chữ hội ý, gồm chữ “nhân” ( tức người) và cung (, cái cung). Điều này khởi từ việc từ xưa người chết không được chôn, để nơi hoang vắng và dùng cây che lại. Khi đó  nhà hiếu và những người đi viếng thường mang theo cung tên để canh giữ, không cho dã thú ăn xác kẻ chết, gọi là “điếu tang” 弔喪. Nên nghĩa nguyên thủy của chữ này là “viếng thăm, đến viếng người chết và hỏi thăm những sự không may của những người thân thích của kẻ chết”.
Gộp lại, “phúng điếu” (H: 賵弔, A: To make a visit of condolence with offering gifts; P: Faire une visite de condoléance avec offrandes) là đem tiền bạc hay phẩm vật (hương, đèn, bánh, trái, hoa, trướng, liễn, tiền....) đến cúng người chết để tỏ lòng thương tiếc và thăm hỏi, chia buồn, trợ giúp cùng tang quyến khi có việc tang居喪. Đây chính là xuất phát từ tư tưởng: “Nhất gia hữu sự bá gia ưu” 一家有事百家忧, nghĩa là “một nhà có việc, thì trăm nhà đều chung lo”. Nhưng không được đem đồ mặn (lợn, gà quay, thịt luộc,...) tới cúng tế người chết, trừ một số dân tộc, gia tộc có quy định khác.
Để việc phúng viếng được tốt và chu đáo, ban Lễ tang治喪委員會bố trí rạp, bàn ghế và trầu, thuốc, nước cho khách chờ. Thỉnh thoảng đọc tiểu sử, lai lịch người quá cố và thời gian biểu lễ truy điệu, lễ an táng cho mọi người đều biết. Có bàn đăng ký các đoàn viếng, sắp xếp lịch trước sau; có người xếp vòng hoa, các câu đối, bức trướng phúng. Mặt khác cũng nên kê sẵn một bàn đủ phong bì không, bút và cả người viết hộ những ai không biết chữ. Đồng thời gia đình cử người châm hương trước để đưa cho khách viếng và dúi hương vào nước khi bát hương quá chật phòng hỏa hoạn.
2. Lễ và đồ lễ viếng:
Người Việt ta có quan niệm rất nhân văn: “Nghĩa tử nghĩa tận” nên dù lúc trước có từ mặt nhau, khi chết vẫn đến thắp cho nhau nén nhang, vái một vái tiễn biệt. Khách đến viếng tang và chia buồn chữ gọi là Điếu khách (H: 弔客, A: Visitor of condolences, P: Visiteur de condoléances) cần có lễ vật, thái độ, cách ứng xử phù hợp với phong tục và gia đình tang chủ.
- Lễ phúng viếng thường là trầu cau, trà rượu, hương, vàng tiền, hoa quả và nay thường có phong bì[1] đựng tiền[2] đi kèm. Số tiền phúng điếu là tuỳ tâm, tuỳ khả năng người đi viếng và mối thâm giao với tang chủ. Riêng rượu và trái cây do mỗi người sắm một thứ nên gia chủ rất khó sử dụng, gây lãng phí! Nay nhiều tang chủ chuẩn bị vài đĩa quả, rượu để khách đặt phong bì mang vào cho long trọng.
- Việc phúng điếu bằng vòng hoa là do người Việt ảnh hưởng của văn hoá phương Tây làm cho đám ma thêm phần ấm cúng, long trọng, đồng thời chứng tỏ tấm lòng thành của người đi viếng, hy vọng người chết được “mát lòng” trước sự quan tâm chu đáo của nhiều người. Nhưng nếu nhiều vòng hoa quá, rất khó cho gia chủ lại lãng phí!. Do vậy, đa phần các đám tang ở thành phố Ban tổ chức Tang lễ đều thông báo không nhận vòng hoa. Đối với các đoàn viếng đông người, quan trọng Ban tổ chức có vòng hoa luân phiên đảm bảo trang trọng mà tiết kiệm.
Vòng hoa ngày nay chỉ được cái vẻ ngoài “hoành tráng” còn lại đồ giả (hoa nhựa, ninol), đồ phế thải (cái đế “xốp”) cả. Thế mà có đám con cháu sắm vòng hoa “kính viếng” ông bà, cha mẹ ! Rõ là rởm đời bởi đây là nỗi buồn là của mình đâu chia sẻ cho ai! Nếu có lẵng hoa, tràng hoa đặt trên quan tài phân biệt hẳn với những vòng hoa của khách thì lại là chuyện khác!.
-  Việc đem các bức trướng đến viếng đã thành phong tục và nét đẹp từ lâu của người Việt. Về từ nguyên, “Trướng” (U+5E5B) là “một tấm vải hoặc tấm lụa lớn chỉ viết ba hoặc bốn chữ theo chiều dọc để mừng hay viếng”. Theo cổ truyền, mầu đỏ, màu vàng, màu hồng, dùng trong các dịp chúc tụng, khao lão, mừng vui…để tặng cho cá nhân, gia đình hay các phái đoàn, các đoàn thể. Trong lễ tang chỉ có thể dùng mầu trắng, mầu xanh, mầu đen, mầu tím...
Chữ thường dùng trên bức trướng viếng là: “Thắp nén hương thơm lòng tưởng nhớ/Vô cùng thương tiếc lúc tiễn đưa”, văn chương hơn là : “Bóng hạc xe mây về cõi Phật/ Để lại trần gian phúc cháu con”. Khi con cháu thân tộc phúng tang dùng trướng mầu trắng viết chữ màu đen, màu xanh nước biển còn nếu là người quen thường dùng màu xanh, màu vàng viết chữ đen, chữ trắng. Thím ruột tôi, Lưu Thị Bính mất thứ Tư ngày 15/6/1988 (02/5 Mậu Thân), Cô ruột tôi, Lương Thị Thị mất Chủ nhật 9/02/1992 (06/Giêng Nhâm Thân) tôi đều xé vải phin trắng khổ 0,80x1,5 lấy bẹ chuối chấm mực viết chữ, câu đối cho gia tộc và bà con nhờ.
Nhưng trong thời hiện đại các bức trướng đúng nghĩa, có dòng chữ câu đối phân ưu (hiếu chủ), viếng (người chết) hay, cảm động, hợp cảnh, hợp người vắng dần rồi mất hẳn[3]. Thay vào đó là tại các cửa hàng, trướng điếu đều dùng vải mầu đỏ, mầu vàng rực rỡ, in thêu loè loẹt[4] hoặc có hình Phật bà quan âm trong khi người mất không phải là Phật tử, có khi còn là tín đồ Công giáo![5]; nội dung người, tổ chức đi viếng, đối tượng viếng được in thẳng trên nền vải hay viết trên giấy rồi dán vào[6]. Người đi mua, đi đặt không tường, kẻ bán, kẻ in cũng chẳng hướng dẫn nên nhiều đám có những bức trướng rất phản cảm[7]….
3. Người đến viếng:
- Trong mọi trường hợp, người đi viếng tang phải vái lạy[8] (Điếu giả tất bái 弔者必拜), đặc biệt khi vong linh là bạn hữu hay là người lớn hơn mình. Khi đến tang trường cần theo sự hướng dẫn của Ban Tang lễ, có đăng ký và khi Ban Tổ chức xướng danh mới vào. Lúc viếng phải đến trước bàn vong đặt lễ, thắp hương. Khi đi theo đoàn đông chỉ đại diện phát biểu ngắn gọn và câu được lặp lại nhiều nhất là “Nghe tin cụ...là... hai năm mươi về già, chúng cháu ở....là... có nén hương thơm đến kính viếng hương hồn cụ và chia buồn cùng gia đình”. Sau khi nhận 1 nén hương đã thắp của người hộ tang mỗi người chỉ cắm 1 nén hương vái rồi trở ra tang trường uống nước. Trường hợp thật thân thuộc hãy nhờ Đoàn Nhạc hiếu “ca kèn”.
- Khi đi thăm hỏi nhà có người chết đang làm đám tang thì nên mặc đồ tối mầu, phải tỏ ra buồn rầu thương tiếc (Điếu tang tất hữu ai 弔喪必有哀), phải có thái độ trang nghiêm, không được cười đùa ồn ào, nói chuyện um sùm. Nếu là hàng xóm hoặc bạn bè con cháu mà đi lẻ nên vào thẳng bàn vong đặt lễ và viếng không cần giới thiệu và phát biểu[9]
- Một số lưu ý khác: Không cười đùa, nói lớn (kể cả khóc), không chụp ảnh đám viếng, tự sướng rồi đăng lên mạng…; Không nên bật nhạc hay để chuông điện thoại to khi ở đám viếng, không nên đưa điện thoại cho trẻ nhỏ chơi tránh để chúng bấm linh tinh mà phát ra tiếng ồn gây phiền hà cho không khí đám viếng.
- Những người kiêng đi viếng đám ma để đảm bảo an toàn sức khỏe, trong đó có người già, phụ nữ có thai, trẻ nhỏ và người đang bị ốm.
Đáng buồn là ngày càng có nhiều người khi đi viếng đám ma mà mặc áo quần loè loẹt, áo hở nách, váy ngắn...Có người nói sai trầm trọng khi chia buồn (nhắc tên "xếp" trong khi bố ổng mất, phán như ở đám cưới,...). Vái thì vái lấy lệ hoặc vái lia lịa. Viếng xong rồi gặp bạn nói huyên thuyên, cười đùa xả láng !.
-Lương Đức Mến, BS dùng trong gia tộc-




[1] Thường thì gia đình đã kê sẵn một bàn đủ phong bì không, bút và cả người viết hộ những ai không biết chữ.
[2] Số tiền đặt trong phong bì và số phong bì không hẳn quyết định bởi đạo đức, đóng góp của người quá cố mà phụ thuộc vào vị thế các người con của họ!
Có kẻ phúng điếu nhiều tiền một cách bất thường trong khi quan hệ không thân thiết lắm với người đã khuất nhưng có quan hệ phụ thuộc vào người còn sống nhân dịp tang ma “hối lộ” để nhờ vả, cầu cạnh. Nhiều gia đình hiếu chủ anh em bất hoà về cách xử lý tiền viếng thu được hay lo “trả nợ” nhưng cũng đã có nhiều tấm gương tốt khi gia đình hiếu chủ đã dùng số tiền phúng điếu đó đi làm việc thiện.
[3] Khi thân phụ tôi mất Thứ Ba 21/01/1997 (tức là ngày 13/Chạp, Bính Tí) toàn là trướng in.
[4] Nội dung là những công thức có sẵn như: 西天极樂“Tây thiên cực lạc”, 仙景嫻遊 “Tiên cảnh nhàn du”, 天秋永別 “Thiên thu vĩnh biệt”...
[5] Đạo Phật du nhập trước tiên và có ảnh hưởng hàng ngàn năm nay rồi nên có thể chấp nhận được!
[6] Với nội dung sát thực: “Vô cùng thương tiếc…” tên đơn vị, đoàn thể và gia đình ông bà…Kính viếng hương hộ Cụ....Hưởng thọ.....tuổi!
[7] Mang bức có câu: 福如東海夀比南山 “Phúc như Đông hải. Thọ tỷ Nam sơn!” của Chúc Thọ viếng đám ma , bạn bè cơ quan con mang bức trướng in chữ có nội dung viếng của thông gia!!
[8] Khi này, người mất nằm trong quan tài thì chỉ lạy 2 lạy và vái 2 vái. Nếu gia chủ theo Phật và để bàn thờ Phật trước hương án có di ảnh người mấy thì khách viếng thờ Phật 3 lạy 2 vái, sau đó vái 2 vái cho người đã khuất.
Nếu khi đến thắp hương cho người quá cố (đã được an táng rồi) thì lại lạy 4 lạy và vái 3 vái.
- Thế lạy của nam: đứng thẳng nghiêm trang, chắp hai tay trước ngực và giơ cao lên ngang trán, cúi xuống, đưa hai bàn tay xuống gần mặt đất thì xòe ra đặt nằm úp xuống, đồng thời gối bên trái quì trc gối bên phải quì sau và cúi sát đầu xuống gần hai bàn tay.
-Thế lạy nữ: Ngồi trệt đất, để hai cẳng chân vắt chéo về phía bên trái, bàn chân phải ngửa lên để ở phía dưới đùi trái. Chắp hai bàn tay lại để trước ngực rồi đưa cao lên ngang với tầm trán, giữ tay ở thế đó mà cúi đầu xuống cho tới khi đầu gần chạm mặt đất thì đưa hai bàn tay đang chắp đặt nằm úp xuống đất và để đầu lên 2 bàn tay.
[9] Cũng có nơi dù là hàng xóm, đi 1-2 người cũng vào bàn đăng ký lấy một tấm “các” cầm kèm mấy nghìn đưa cho “MC” để được đưa lên loa giới thiệu mời vào. Khi hỏi  họ giải thích làm thế  để cho người chết biết !.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!