Tổng Cao Mật trên Bản đồ Đồng Khánh, LĐM sưu tầm và phiên âm) |
Ngày mai, 18 tháng Chạp là chính kị bà
Ngoại tôi là cụ Đào Thị Thẩn (1885-1947).
Cụ người họ Đào làng Hạ, bởi thế nên tuy lấy chồng là Cốc, mộ cụ ông đặt tại
nghĩa trang làng Cốc nhưng mộ cụ bà lại đặt ở bên Hạ. Mộ này do Dì tôi xây, đặt
gần một ngôi mộ Tổ của ngành Út Lương tộc và đã được các anh tôi ở quê xây lại, khắc bia vào năm 2006 (Bính Tuất) cùng dịp chỉnh trang phần mộ
Phạm tộc.
Nhân dịp này nhớ lại 5 điểm liên quan đến Bà:
1. Tên
gọi xã tôi là Chiến Thắng mới được đặt từ từ 05/10/1950 để ghi nhớ chiến công kết hợp nhân
mối trong hàng ngũ địch với lực lượng tiến công từ ngoài vào[1]
trong trận diệt Đồn Khuể đêm 25/9/1949 (đồn này biên chế 6 lính Pháp, 28
lính ngụy).
Trước đó gồm 2 xã mới thành lập tháng 6/1945 với ranh giới là con đường từ Kiến An qua Bến Khuể sang Tiên Lãng: xã Cảnh Hưng (gồm: Mông Tràng Hạ, Phương Lạp, Tôn Lộc và Cốc
Tràng) và xã Kim Lĩnh Thượng (gồm: Kim
Côn, Côn Lĩnh, Mông Tràng Thượng).
Trước 1945
vùng này thuộc tổng Cao Mật. Khi đó
tổng Cao Mật 高密 thuộc huyện An Lão 安老[2], tỉnh Kiến An 建安 (thành lập 02/1906)[3] và gồm 7
thôn, xã (cũ) ven bờ Tả sông Văn Úc, tính từ thượng lưu xuống là: Kim Côn 今崑, Côn Lĩnh 崑嶺, Mông Tràng Thượng 蒙場上, Hương Lạp 香粒, Mông Tràng Hạ 蒙場下, Cốc Tràng 谷場, Tôn Lộc 尊祿 và Cao Mật 高密[4].
Quá trình bồi lấp
phù sa từ thời kỳ hậu Canh tân (Pliestocéne
更新世) sau đó là
gắn với quá trình lấn biển, lấp các ô trũng, đầm lầy; cải tạo các bãi lăn, sú,
vẹt qua nhiều thế kỷ của lớp lớp cư dân nối nhau đã tạo cho nơi đây thành những bãi phẳng xen đầm sâu, lạch rộng! Cũng vì vậy, trong và ngoài đê còn nhiều chỗ trũng, nhiều bãi bơn,
con lạch; nhiều bãi lăn, lác, sú vẹt rậm rạp chưa được cải tạo thành đồng ruộng, làng xóm. Cái tên Cao Mật 高密 mà trong đó “密” có nghĩa là rậm rạp, liền kín đã
phần nào chứng tỏ điều đó.
Đến 20/7/1954 miền Bắc được giải phóng nhưng vì nằm trong khu tập kết 300
ngày nên quân Pháp vẫn chiếm đóng, đến ngày 28/4/1955 QĐNDVN vượt Văn Úc tiếp quản huyện
An Lão, tx Kiến An thì Chiến Thắng mới được giải phóng.
Sau nhiều lần nhập, tách và lấp, lấn các đầm, bãi lầy tới nay xã gồm 7
thôn: Cốc Tràng, Tôn Lộc, Phương Hạ, Mông Thượng, Côn Lĩnh, Kim Côn, Tân Thắng
(lập 19/5/1995), xóm Mới và khu dân cư Bến Khuể (người tứ xứ, ngay sát bờ sông Văn Úc).
Diện tích gần 883 ha, dân số hơn 6.000 người (1490 hộ).
Chiến Thắng là xã xa nhất nằm phía Đông
Nam của huyện An Lão: Bắc giáp Mĩ Đức (qua
đầm); Đông giáp An Thọ; Nam, Tây Nam giáp sông Văn Úc (với có
5,25km đê và 4 cống, bên kia sông là
địa phận TT Tiên Lãng; các xã Quang Phục, Quyết Tiến, Tân Tiến, Tự Dương của
huyện Tiên Lãng), Tây Bắc giáp xã Tân Viên (qua sông Ba La).
Nằm trên trục
đường sang huyện bạn, cạnh con sông lớn nhưng Chiến Thắng là một xã khó khăn, không có đặc sản, thế mạnh[5], di tích danh lam nổi trội. Trước kia, vốn là xã chậm
phát triển[6] sau này nhờ sự đột phá, Chiến Thắng đã có tiến bộ vượt bậc.
Đặc biệt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi… tạo sự đi lên, hình thành
nhiều mô hình điểm sáng đi đầu được nhân ra diện rộng ở An Lão như: Xây dựng đường
giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, xây dựng hệ thống điện phục vụ sản
xuất và đời sống, đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc giữ gìn
trật tự xã hội, chăm lo sự nghiệp giáo dục và đào tạo với mô hình quỹ khuyến học....
Các mặt kinh tế-xã hội của xã đã thay đổi và năm 2000 đã được Nhà nước tặng
Huân chương Lao động hạng Nhì. Đến 2016, trong phong trào “Toàn dân chung sức
xây dựng nông thôn mới” xã hoàn thành 13/19 tiêu chí.
- Quê cụ Đào
Thị Thẩn là Mông
Tràng Hạ nên
trước đây tôi từng băn khoăn về cái tên không mấy hay này (蒙場下 = khoảng đất tăm tối bên dưới) nhưng sau này tôi biết tên là 鸏場下 (nơi con
Mòng đỗ xuống). Trong đó, cổ nhân mượn Hán tự “mông” 蒙 chỉ âm đọc
và chữ “điểu” 鳥 chỉ loài để ký âm tên chim “Mòng”
鸏. Làng này
do các bậc tiên liệt họ Nguyễn 阮, họ Mai 梅, sau là các cụ tổ họ Lương 梁, Đặng 鄧, Đàm Xuân 譚春, Đào Đăng 陶登...lập nên. Tôi chưa rõ bà Ngoại tôi thuộc họ Đào nào. Đến
năm 1966 làng này nhập với làng Phượng Lạp[8]
quê tôi thành ra thôn Phương Hạ.
- Quê Ngoại tôi là Cốc
Tràng, một làng cuối của xã theo dọc sông Văn Úc, cách làng Hương chừng
1,5 Km qua làng Hạ và một cánh đồng. Trước kia tôi cứ nghĩ là địa danh này có
nghĩa là “sân phơi lúa” 谷場 sau này được
một vị cao niên nói tên làng có nghĩa là “bãi chim Cốc đậu”. Các cụ đã mượn âm
“cốc” của chữ “谷” cùng với chữ
“điểu” (鳥) chỉ loài chim
để
đặt tên làng 鵒場. Những năm 1960 từng
nhập với Tôn Lộc 尊祿 gọi là Cốc Lộc(¡) sau lại tách ra.
Đây là thôn có từ xa xưa
và nằm phía Đông Nam của xã. Cư dân ở đây gồm 17 họ nhưng đa phần là họ Phạm.
So mặt bằng chung thì làng Cốc khá giả hơn và có cả người đi Lương lẫn người
theo Đạo.
3. Tổ khai sáng Phạm tộc
Cốc Tràng, họ Mẹ tôi là cụ Phạm Đình Khanh[9] 范廷牼. Cụ là hậu duệ đời thứ 16,
17 của Phạm Ngũ Lão (范五老, 1255-1320)[10] và là người
con thứ tư của Thượng tổ Phạm Công Quý 范公貴. Cụ từ Đường Hào sang lập nghiệp ở Cốc
Tràng, Cao Mật năm Bính Thân, 1716. Cụ mất ngày 09 tháng Giêng năm Cảnh Hưng
thứ nhất (Canh Thân, 1740). Đời sau suy tôn là Cụ Tổ họ Phạm
ở đây 范皋密肇祖[11]. Xuân Canh Dần 2010 tiến hành Giỗ Tổ lần thứ 270 có đủ Tế, Lễ.
Dịp Giỗ Tổ lần thứ
275, Ất Mùi 2015, dòng họ đón danh hiệu “Dòng họ Văn hóa”.
4. Chuyện
về Bà Ngoại:
Ngày còn nhỏ, ở quê
tôi cũng đã mấy lần theo bố mẹ vào Cốc giỗ bà còn từ khi lên Lào Cai chưa về dự
giỗ lần nào.
Mẹ và Dì tôi tổ chức
giỗ vọng tại nhà Phúc con Dì. Nhưng chuyện về Bà, Mẹ, Dì tôi chẳng nhớ nhiều
nên tôi cũng không biết mấy về Cụ. Chỉ biết rằng Cụ chịu khó, có ruộng cho cấy
rẽ, đủ sức nuôi các Cậu tôi (quê tôi anh Mẹ gọi là “cậu”) học hành tử tế.
Chiếu từ Đệ Nhất đại Tổ xuống thì chồng Cụ là Cụ ông Phạm Văn Nhạc
(范文樂, 1888-1936) thuộc đời thứ 10: 1. Đình Khanh - 2. Đình Uân - 3. Đức Khôi -
4. Đức Hoành - 5. Đức Nghiệp - 6. Đức Toàn - 7. Huy Siêu (thứ hai trong 4 Nam) - 8. Huy Triệu (con cả trong 4 Nam) - 9. Huy Thiều
(Nam duy nhất trong 3 người con)
- 10. Văn Nhạc (là út trong 3 trai, 2 gái).
Như thế thuộc dòng trưởng ngành 2. Gia đình vào diện khá giả, kị 14/Chạp. Việc
chuyển tên lót Công-Đình-Đức-Huy-Văn từ xưa không thấy ghi lại lý dovà chưa
thấy ai kể cho nghe.
Tương truyền nhà ở vào thế đất “nghịch” nên
phải rước ông Bạch Hổ và Hắc Hổ[12]
về thờ phụng.
Ngày Giỗ của Ông Bà Ngoại với ngày mất của
Cha tôi: Bố tôi sức yếu, ở xuôi ốm luôn, lên Lào Cai có khá hơn. Năm 1980 có
trận ốm (Viêm cầu thận) tưởng đã mất,
nhưng rồi qua được. Trong năm 1996, người hay đau yếu. Nhưng cuối năm lại khoẻ,
giục vợ và em vợ về quê giỗ Ông Bà Ngoại tôi (14 và 18/Chạp). Mẹ và Dì tôi vừa đi hôm 10/Chạp thì thì tối
20/1/1997 (12/Chạp) người đột ngột
mệt nặng. Khi con cái tới nhà (21 giờ)
người còn nhận ra nhưng không nói được. Hàng xóm, con cháu có mặt đủ cả. Cấp
cứu hồi lâu, đến nửa đêm người có vẻ tỉnh ra, bà con ra về. Gần 2 giờ sáng bắt
đầu vào hấp hối, cấp cứu tích cực nhưng không có hiệu quả. Ngưòi tắt thở lúc 2
giờ 5 phút sáng ngày Thứ Ba 21/01/1997 (tức
là ngày 13 tháng Chạp năm Bính Tí).
5. Con
của Cụ: Các Cụ sinh
nuôi đến trưởng thành 2 trai (Kiểm, Kiển) và 3 gái (Uyển,
Ương, Tương). Trong đó có:
Phạm Văn Kiểm (范文檢, 1908-1991),
kị ngày 16/6 có 2 bà và là thân phụ của Phạm Công Bình sinh ngày 5/01/1959. Tốt
nghiệp Khoa Kinh tế tổ chức vận tải Ô tô, trường Đại học Giao Thông Vận Tải năm
1983. Vào nhận công tác tại Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng, đến 2004 chuyển về
là Phó Giám đốc Trường Kỹ thuật Đà Lạt. Gia đình ở Khu 4 thành phố Đà Lạt, tỉnh
Lâm Đồng. Vợ là ; được 1 gái (Phạm Thị
Bảo Trâm) và 1 trai (Phạm Công Khang).
Phạm Văn Kiển (范文繭, 1918-1997),
kị ngày 22/6, nổi tiếng học giỏi và hay chữ. Ông bà sinh 4 gái (Khiên, Nhiên, Nhiễn, Nhiện) sau sinh
tiếp 4 trai (Triển, Lãm, Lạm, Hởi).
Không có ai xây dựng gia đình và lập
nghiệp tại làng (Triển, Lãm ở Hải Phòng,
Lạm, Hởi ở Đắk Lắk). Trong đó
P,V.Lãm làm doanh nghiệp ở Hải Phong kinh tế khá hơn cả.
Phạm Thị Uyển 范氏婉[13]
Sinh năm năm Khải định thứ 9 (Giáp Tí-1924) là Mẹ đẻ tôi. Hiện ở An
Phong, Phong Niên, Bảo Thắng, Lào Cai.
Phạm Thị Ương (范氏央, 1927-198?)
lấy chồng ở Văn Khê (An Thọ), cách
làng Cốc 1, 5 Km qua một cánh đồng. Ông bà đều mất do bệnh tật khi các con còn
nhỏ. Có 2 gái, 3 trai (Loan, Ruệ, Sen, Chuân, Chi).
Phạm Thị Tương 范氏襄 sinh năm Tân
Mùi, 1931. Bà lấy chồng họ Ngô làng Kim Trâm, Mỹ Đức, An Lão. Sinh ra Ngô T.
Lai, N.V. Quí, N.T. Hoà, N.V. Phúc.
Tháng 6/1974 đưa Lai, Hoà, Phúc lên An Phong, Phong Niên, còn Quí ở với
bố tại Sen Hồ (Bắc Giang).
Ngô Văn Phúc có vợ là Vũ Thị Toan (em ruột Vũ Văn Hoàn[14],
GVMG dạy tại xã), sinh một trai (Đức),
1 gái (Phượng). Từ Bí thư Đoàn xã,
năm 2003 kết nạp Đảng, 2004 trúng HĐND xã và là Phó Chủ tịch UBND xã Phong
Niên. Từ 2015 là Chủ tịch UBND xã, đến
2017 là Bí thư Đảng ủy xã Phong Niên.
-Ngoại tôn: Lương Đức Mến, cẩn bút ngày Tiên thường của Bà-
[1] Theo tinh thần Nghị
quyết ngày 27/10/1948 của Liên tỉnh uỷ Hải-Kiến. Trận này có công đóng góp của bố (người cùng cán bộ xã thảo
và đưa thư vào cho nhân mối) và chú thím tôi (khi ấy chèo đò trên sông Úc).
[2] Địa danh An Lão (安老=bình yên lâu dài) là vùng đất cổ thuộc huyện Câu Lậu 苟漏/笱屚/句屚 của quận
Giao Chỉ 交趾 thời thuộc Hán (北屬時代, 207
tCn-938); trở thành huyện từ thời nhà Trần (gồm đất đai của An Lão, Kiến Thuỵ, Kiến An và Đồ Sơn hiện nay)
thuộc châu Đông Triều 東潮, phủ Tân
Hưng 新興.
Ngày 04/4/1969 An Lão nhập với
Kiến Thuỵ thành An Thuỵ rồi 11 năm sau, 16 xã cũ của An Lão nhập vào thị xã
Kiến An thành huyện Kiến An bởi Quyết định số 71/QĐ-CP ngày 05/3/1980 của HĐCP
lập huyện An Thuỵ, Đồ Sơn và Kiến An. Đến 8/8/1988 tái lập huyện An Lão theo Quyết
định số 100/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng. Khi Kiến An, Đồ Sơn nâng thành Quận,
lập quận mới Dương Kinh thì một số thôn, xã của An Lão được cắt về đó và cương
vực 疆域 của huyện thu hẹp lại.
[3] Sau hòa bình, Sắc lệnh số 92/SL của Chính phủ VNDCCH ngày
24/11/1958 đưa Vĩnh Bảo từ Hải Dương về Kiến An. Hoàn thành khôi phục kinh tế
sau chiến tranh, ngày 27/10/1962, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá II đã có Nghị
quyết hợp nhất Hải Phòng- Kiến An thành thành phố Hải Phòng và 01/01/1963 việc
hợp nhất hoàn thành.
[4] Riêng thôn này sau 1945 cắt về xã An Thọ. Xã này gồm đất
đai của tổng Đại Phương Lang 大芳榔, với 7 xã, thôn là: Đại Phương Lang, Trung Thanh Lang 中青榔, Thạch Lựu 石榴, Tiên Cầm 仙琴, Hạnh Thị 杏市, Văn Khê 文溪, Đồng Lung 同淹, thôn Kê 村筓.
[5] Thực ra nơi đây là vùng nước lợ nên có khá
nhiều Rươi và Cói. Rươi (Tylorhynchus
sinensis), loài giun đốt, lớp Giun nhiều tơ (Polychaeta), sống ở vùng cửa sông nước lợ, ven biển vịnh Bắc Bộ.
Mùa rươi được gói trong câu: “tháng Chín Đôi mươi, tháng Mười Mồng Năm”. Ngày
nhỏ ở quê nhiều lần tôi đã đi vớt rươi khi đi thả trâu mà gặp. Nhưng những năm
lớn lên có dịp về quê thấy rươi ít hẳn và chẳng có “thương hiệu” gì!.
Bơn bãi ngoài đê
quê tôi thủa xưa có trồng cói, tuy không nổi danh như Kim Sơn (Ninh Bình), Tiền Hải (Thái Bình) và Nga Sơn (Thanh Hóa). Đây là cây thân mềm thuộc
nhóm thực vật trong họ Cói (Cyperaceae),
thuộc chi Cyperus (cùng các loài lác, cú)
với hai loài chủ yếu là cói bông trắng (Cyperus
tegetiformis, là giống Cói quê tôi) và cói bông nâu (Cyperus corymbosus). Ngày tôi còn ở quê, người dân quê tôi chủ yếu
trồng cói vào tháng 5-6 khi bắt đầu có nước lũ, độ mặn giảm và thu vào vụ mùa (tháng 7-8), ít thấy cói vụ chiêm (tháng 2-3). Người ta cắt cói về phơi khô
dùng lợp nhà. Ngoài ra có chẻ mỏng, phơi khô rồi đem dệt chiếu chứ không thấy
làm ra các sản phẩm hàng hóa như các nơi khác. Hình như bây giờ không còn nhà
nào lợp cói nữa.
Chắc do đồng đất
quê tôi sử dụng hóa chất nhiều và rươi, cói cũng chẳng còn bởi các bãi bơn đã
liền với bờ đê bởi quá trình đổ đất lẫn sông.
[6] Lạ một điều: các
xã quanh vùng đều có chợ, đó là chợ Thái ở Mỹ Đức, chợ Đại ở An Thọ, chợ May ở An Thái, chợ Đôi bên Tiên Lãng mà sao Chiến
Thắng (có đường bộ, đường sông) lại
có chợ nhỏ, tạm bợ? Nên nhớ Chợ (H: 市场, A: Market, P: Marché)
là nơi mà diễn ra hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ bằng
tiền tệ hoặc hiện vật; thường nằm ở ngã ba mà phổ biến theo cổ truyền nhất là
ngã ba sông nước. Có chợ thì sản xuất hàng hóa, dịch vụ mới phát triển được. Lạ
quê tôi có đủ điều kiện về hạ tầng giao thông mà chợ lại chẳng nổi danh ?
[7] Ngày trước làng có dưới 10 dòng họ được gọi là thôn 村, trên 10 dòng họ gọi là xã 社 và nhiều thôn xã họp thành tổng 總 (tương đương xã ngày nay).
[8] Làng tôi vốn tên là làng Hương 廊香, với chữ “Hương” 香 trong “Hơi thơm”, tên chữ là là Hương Lạp 香粒. Chắc các cụ xưa kia chọn mỹ từ để đặt tên chứ
không phải do đặc điểm làng xóm bởi từ khi lớn đến nay tôi chưa thấy làng tôi
có đặc sản gì liên quan đến yếu tố “thơm” cả! .Năm 1883, vì húy tên dưỡng
mẫu Vua Kiến Phúc (建福, 1869-1884) là Nguyễn Thị Hương 阮氏香 mới phải đổi ra “Phương” 芳 theo hướng thay chữ chuyển âm nhưng vẫn giữ lại nghĩa. Địa danh
Phương Lạp có từ đó nhưng trong dân gian địa danh “làng Hương”, “quán Hương” vẫn
tồn tại, kể cả từ 1966 nhập với làng Hạ thành Phương Hạ.
[9] Không hiểu có liên quan gì đến Phạm Đình Trọng (1714 - 1754), danh tướng thời Lê, cũng quê: Hải Dương từng chỉ huy
quan quân đánh dẹp khởi nghĩa Nguyễn Hữu Cầu tại vùng duyên hải Bắc bộ không ?
[10] Ông người làng Phù Ủng 扶擁, Đường Hào 唐豪, Hải Dương, một tướng tài và là con rể (chồng Anh Nguyên Quận chúa) của Hưng Đạo
Đại vương Trần Quốc Tuấn. Phạm Ngũ Lão lập công lớn trong hai cuộc kháng chiến
chống quân xâm lược nhà Nguyên (1285 và
1288), bốn lần cất quân đi trừng phạt sự xâm chiếm, quấy nhiễu của quân Ai
Lao, hai lần Nam chinh đánh thắng quân Chiêm Thành. Ông mất ngày 1 tháng 11 năm
1320, hưởng thọ 66 tuổi. Vua Trần Minh Tông nghỉ chầu 3 ngày. Ông được nhân dân
dựng đền thờ ngay trên nền nhà cũ và cũng được phối thờ tại đền thờ Trần Hưng
Đạo ở Kiếp Bạc, Chí Linh, Hải Dương.
[11] Tại Chiến Thắng còn một dòng họ Phạm nữa, chủ yếu ở Kim
Côn với Thuỷ tổ là Phạm Công Tài 范公財. Trong số hậu duệ của dòng này có Tiến sĩ Phạm Đoàn Mậu
khoa Ất Mùi (1475). Chồng của cô ruột
tôi là Phạm Văn Ký (bố các anh Tuy, Kỷ,
Bốn , bố vợ Lương Hoàn An hiện ở Khuể) thuộc dòng này.
[12] Đây là tục xưa khi người Việt còn ở gần
rừng. Thần Hổ được cúng trong ngày Sóc, Vọng hay gia chủ có việc Giõ Tết. Lễ
vật gồm trầu, rượu, thịt, trứng sống. Nhà ông Ngoại tôi đặt tượng bằng đá, chôn
ở cạnh lối đi.
[14] V.V Hoàn là chồng Lương Thị Thường, em ruột tôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!