[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


06 tháng 12 2012

Quan niệm “Trung dung” và “Ngũ thường” thời @

Gần đây, nhiều người cho rằng tư tưởng “Tam đức” là của Khổng Tử (孔子, còn gọi là Khổng Phu Tử 孔夫子, 551 – 479 tCn); “Tứ đức” của Mạnh Tử (孟子, 372 –289 tCn hay 385 –303/302 tCn) và “Ngũ thường” của Đổng Trọng Thư (董仲舒, 179 - 104 tCn) mà quên đi một tác gia thời Đông Hán (漢朝, 203 tCn –220) là Ban Bưu 班彪 tự Thúc Bì 叔皮 (3-54) hay một tác phẩm khuyết danh là “Tăng quảng hiền văn” 増廣賢文 cùng những người trước nữa. Thấy chủ đề hay hay lại nhân lúc rảnh việc ở nhà bồng cháu tôi bổ sung thêm tư liệu, sửa lại bài viết cũ (6/2011) và đăng ở đây.
Mấy ngày nghỉ, trời nóng bạn bè Hà Nội lên Sa Pa chơi, nhân lúc “trà dư tửu hậu” lạm bàn về “đạo làm quan” thời nay nghe mà sốt cả ruột! Nhiều “cuộc vận động” rầm rộ được phát động, triển khai song xem ra hiệu quả thực chưa như mong muốn. Thử xem lại cổ nhân xưa nói gì về việc này.
Chúng ta đang sống trong thời đại @, mọi mối quan hệ và chuẩn mực theo thời mới và được quy định bởi Hiến pháp, pháp luật, Điều lệ, Điều lệnh, định hướng tư tưởng và vô vàn các văn bản ràng buộc khác cùng những chuẩn mực ứng xử đặc thù mỗi ngành. Nhưng những gì cổ nhân đúc kết, chắt lọc và nêu ra phải đâu đã lỗi thời hết. Có điều người Việt xưa nói gì về việc này chúng ta không thể biết được bởi khi đó người Việt chưa có chữ viết hoặc có nhưng tài liệu đã bị ngoại bang lấy đi hết rồi. Lại phải nghiên cứu những tư tưởng đó từ sách của Tầu. Nhưng những sách đó bản thân chẳng có nguyên bản, đọc qua sự nghiên cứu, đưa lại của người khác. Chả hiểu tổng hợp lại có đúng không? và kiến bình như vậy có gì sai quấy?
1. Từ Chấp trung tới Trung dung:
Thời sơ sử, khi vua Nghiêu (帝堯, 2337 tCn–2258 tCn) truyền ngôi cho Thuấn , đã dặn rằng: “Doãn chấp quyết trung”, tức là phải giữ tâm mình cho tinh thuần và chuyên nhất thì mới có thể theo đúng được đạo Trung. 47 năm sau, khi truyền ngôi cho vua Hạ Võ (,2205–2198 tCn) Thuấn Đế 帝舜 lại dặn: “Nhân tâm duy nguy, Đạo tâm duy vi, duy tinh duy nhất, doãn chấp quyết trung” nghĩa là: Cái tâm của người thì hiểm nghèo, cái tâm của đạo thì kín nhiệm, phải giữ cái tâm của mình cho tinh thuần và chuyên nhất, thì mới giữ được đạo Trung. Như vậy, vua Thuấn muốn cho vua Vũ hiểu rõ hơn, mới thêm vào đoạn đầu, nhấn mạnh thêm chữ “Tâm” để giữ được đạo Trung. Từ đó, đời nầy qua đời khác, chủ nghĩa “Chấp trung” 執中 ấy được dùng làm chuẩn mực cho mọi hoạt động.
17 thế kỷ sau, Khổng Tử (孔子, còn gọi là Khổng Phu Tử 孔夫子, 551 tCn – 479 tCn) luận giải cho rõ thêm và nối thêm chữ “dung” vào thành ra: “Trung dung” (H: 中庸, A: The middle-of-road, the mean-in-action, P: Le juste milieu, le milieu constant). Đây là kết quả tích luỹ của ông sau bao năm vất vả, đi khắp mọi nơi mới đúc kết ra được thuyết “Chính danh định phận” 正名定分 nhằm ổn định thiên hạ. Khi danh phận đã định thì địa vị của mỗi người, trên dưới có trật tự, trách nhiệm và quyền hành phân minh, trên lấy lễ mà khiến dưới, dưới lấy lòng kính mà thi hành mọi việc ắt thắng lợi 名不正則言不順, 言不順則萬物不成. Về sau, một người cháu nội Khổng Tử là Khổng Cấp (孔伋, 483 tCn - 402 tCn) tự Tử Tư 子思, trên cơ sở một thiên trong Kinh Lễ 禮記 soạn ra quyển Trung dung. Cuốn 中庸 này là một trong bốn cuốn của bộ Tứ Thư 四書 (ba quyển còn lại là Đại Học 大學, Luận Ngữ 論語, Mạnh Tử 孟子). 
Về mặt ngữ nghĩa: Chữ này thuộc bộ “Cổn”丨部, được viết bởi chữ “cổn” và “Khẩu” (从口丨,上下通); đọc theo “trắc cung thiết” 陟弓切, tức “trung”; mang nghĩa  là ở giữa, chỉ vào bộ vị trong vật thể, ở khoảng giữa hai bên, cái Tâm ngay không lệch vẹo, là đường chính trong thiên hạ.  Chữ thuộc bộ “Dụng” 用部, được viết bởi chữ “dụng” , chữ “canh” (从用从庚) có âm là “dư phong thiết’ 余封切, tức “dong”; nghĩa là dung dưỡng, giữ mãi không thay đổi.
Như vậy, Trung dung lấy sự cân bằng và ổn định làm cốt yếu. Muốn đạt Trung dung, xã hội phải có luân thường (H: 倫常, A: The constant and natural law, P: La loi constante et naturelle) gồm những phép tắc đạo đức trong cư xử ở đời được qui định không thay đổi mà mọi người có bổn phận phải gìn giữ và tuân theo. Nó gồm: Ngũ luân và Ngũ thường.
2. Ngũ luân có còn giá trị?
Khái niệm Ngũ Luân (H: 五倫, A: Five cardinal relationships, P: Cinq relations cardinales) được đề cập lần đầu trong sách của Khổng Tử, thế kỷ thứ bốn trước Công nguyên.
Theo đó Ngũ luân là năm nhóm quan hệ có bổn phận đối đãi theo đạo thường của mỗi người với xã hội và gia đình. Đó là:  Phụ tử có tình thân  父子有親, Quân thần có nghĩa 君臣有義, Vợ chồng có phân biệt 夫婦有別, Lớn nhỏ có trật tự 長幼有序, Bằng hữu có tín thành 朋友有信. Năm nhóm nhưng chính là mười thành phần, trong đó ai nấy đều có bổn phận thích ứng riêng. Do vậy thực ra là Thập nghĩa , gồm 5 mối quan hệ:
 (1). Quân minh - Thần trung 君明臣忠: “Quân” là Vua, người làm chủ cả một nước; “Thần” là bầy tôi, tức các quan ở trong nước có vua. Trong quan hệ này thì: làm vua phải sáng suốt, bầy tôi phải trung thành và ngược lại có vua sáng mới có tôi trung. Đấy là cái “Nghĩa” của đạo quân-thần. Song Mạnh Tử (孟子, 372 tCn–289 tCn hay 385 tCn–303/302 tCn) cũng từng nói: Dân là quí, nước nhà là kế đó, vua là nhẹ. Do đó, “Quân” ở đây không chỉ là Vua mà cần được hiểu là tượng trưng cho dân tộc, cho sự độc lập của quốc gia và phải trung với quốc gia dân tộc, chứ không phải trung thành mù quáng theo một ông vua hay dòng họ nhà vua. Trung với hôn quân vô đạo là ngu trung, là mù quáng. Đồng thời tư tưởng “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” 君使臣死, 臣不死不忠, tức “Vua xử tôi chết, tôi phải chết” là lỗi thời là bất công. Sống, phục vụ theo con đường đã chon nhưng người quân tử cũng phải thức thời, đi theo xu hướng thời đại vì lợi ích Tổ quốc. Chính tư tưởng tiến bộ này mà những xử thế của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm trong thời tranh chấp Lê-Mạc-Trịnh còn lưu danh mãi.
(2). Phụ từ - Tử hiếu 父慈子孝: “Phụ” là Cha, cha là chủ cả một nhà, cho nên lại gọi là “phủ quân” 府君; “Tử” là  Con, kể cả trai và gái. Câu này có nghĩa là cha hiền từ, con hiếu thảo. Quan hệ Cha-Con cốt ở chữ “Thân” . Đạo làm cha mẹ thì phải hết lòng thương yêu, chăm sóc dạy dỗ con cái cho nên người và làm gương tốt cho con. Phận làm con phải biết công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ mà lo đền đáp. Thuở nhỏ phải nghe lời dạy bảo của cha mẹ, khi lớn lên phải lo cấp dưỡng cha mẹ. Hiếu là nết đứng đầu trăm hạnh, hiếu cảm đến Trời thì gió mưa hòa thuận, hiếu cảm đến đất thì muôn vật tốt tươi, hiếu cảm đến người thì phúc lộc thịnh vượng.  Cha hiền sinh con thảo, con hiếu cha mẹ vinh. Đạo nghĩa này bây giờ vẫn vậy. Tư tưởng “Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu” 父使子 , 子不亡不孝, tức “Cha xử con chết, con phải chết” không chấp nhận được nhưng con cái cãi lời cha mẹ cũng không được.
(3). Phu nghĩa - Phụ thính : “Phu” là từ chỉ đàn ông cũng dùng chỉ chồng; “Phụ” chỉ đàn bà nói chung và cũng có nghĩa là vợ. Trong đạo 夫婦 vợ chồng thì: chồng có nghĩa, là trụ cột gia đình; vợ kính trọng thuỷ chung với chồng. Đạo vợ chồng cốt ở chữ “Thuận” . Người chồng thường giữ vai trò trọng yếu trong gia đình, làm việc sinh lợi để nuôi sống vợ con, xây dựng gia đình. Do đó, vợ phải nhường chồng quyền sắp đặt và quyết định các công việc nhưng cần giúp ý kiến cho chồng và giúp chồng làm nên sự nghiệp, không đơn giản chỉ: “Phu xướng phụ tuỳ” (H:夫唱婦隨, A: The husband begins, the wife follows, P: Le mari commence, la femme suit). Có như vậy mới thực là “Phu quí phụ vinh” 夫貴婦榮, là chồng làm quan, vợ được vinh hiển. Ngày nay người vợ đã có vị trí nhất định trong xã hội, lại đang phấn đấu bình đẳng giới nên tư tưởng “Phu xướng phụ tùy”, Chồng nói ra, vợ buộc phải theo không còn được xã hội thừa nhận như một lẽ đương nhiên.
(4). Huynh lương - Đệ đễ 兄良弟悌: anh phải tốt, em cần nhường, giữa đạo bề bậc trên dưới. Đó chính là ý nghĩa của “Huynh đệ như thủ túc” (H: 兄弟如手足, A: Brothers are like hands and feet, P: Frères sont semblables bras et jambes).Trang Tử có nói rằng: Chân tay đứt lìa thì khó nối lại được. Còn nỗi đau nào hơn ảnh huynh đệ tương tàn. Trong đó vai trò của Trưởng nam rất quan trọng trong việc giữ nền nếp gia đình, củng cố quan hệ anh em. Còn sự lăng loàn của các nàng dâu, thói đôi mách của các cô gái lại có tác dụng phá vỡ mối quan hệ này.
(5). Bằng hữu hữu tín 朋友有信: “Bằng” là bè bạn; “Hữu” là  cùng lòng cùng chí chơi với nhau, khác với “hữu” là có. Trong mối quan hệ này, bạn bè tin cậy, giúp đỡ nhau cả trong lúc cam go lẫn khi sung túc. Nhưng muốn tin nhau cũng có nguyên tắc của nó, trong đó có việc kẻ lớn giang tay che chở giúp đỡ, kẻ nhỏ vâng thuận theo 長惠幼順.
Như thế, Khổng Tử cho Ngũ luân là Ngũ Đạt đạo , tức là năm con đường vĩnh hằng, không thay đổi. Còn Mạnh Tử không nói Ngũ luân, mà nói Nhân luân, tức là đạo cư xử của con người, nhưng chung quy lại vẫn từ Ngũ luân mà phát triển rộng ra. Các quan hệ ngũ luân được coi là tốt đẹp khi nó có hai chiều bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.
Lạ một điều là không hiểu sao trong Ngũ luân không thấy đề cập mối quan hệ Thầy-Trò? Hay nó được lồng trong mối quan hệ Cha-Con?
Nói gì thì nói cần nhớ rằng chính Khổng giáo dạy con người thành đạt phải là người: Chính Tâm , Tu thân , Tề Gia , Trị quốc , Bình thiên hạ chứ đâu có áp đặt như thuyết giáo của các Nho gia từ đời Tống về sau. Nếu mọi người cố gắng trau dồi tâm thân, cố gắng đem trật tự và hòa bình vào tâm thân mình, vào gia đình mình, vào quốc gia mình, và vào thế giới mình thì cuộc đời này đẹp biết bao.
Mạnh Tử không nói Ngũ luân, mà nói Nhân luân (H: 人倫, A: The moral laws, P: Les lois morales), tức là những phép tắc ở đời mà con người phải tuân theo để giữ cho nhân cách và phẩm giá được cao trọng. Đó chính là đạo cư xử của con người, gồm:
•  Vua tôi có đạo nghĩa. 
•  Cha con có tình thân. 
•  Chồng vợ phân chia nhiệm vụ: phu ngoại, thê nội. 
•  Lớn tuổi nhỏ tuổi có trật tự. 
•  Bạn bè có trung tín. 
3. Ngũ thường truyền thống và hiện đại:
Do ảnh hưởng của Nho giáo mà người Việt không mấy ai chưa nghe đến “Tam cương[1] Ngũ thường” (H: 三綱 - 五常, A: Three principal social bonds - Five cardinal virtues, P: Trois liens sociaux principaux - Cinq vertus cardinales), “Tam tòng[2] Tứ đức[3]” (H: 三從 - 四德, A: Three womanly subjections - Four womanly virtues, P: Trois sujétions de la femme - Quatre vertus). Trong đó “Ngũ thường” là tư tưởng nguyên thuỷ chủ yếu là tu nhân tích đức, nó bình đẳng từ bậc Chí tôn ngôi cao đến thần dân trăm họ, lấy chữ “Nhân” để làm chuẩn mực cho mọi sinh hoạt chính trị và an sinh xã hội.
Trải qua hơn 2000 năm các tư tưởng trọng dân của tiền nhân đã bị những người cầm quyền “quên” hoặc cố che đậy, xóa lấp đi, phục vụ mưu đồ riêng. Chính Mạnh Tử cũng từng nói: 民為貴君為輕 Dân vi quý, quân vi khinh. Chế độ chính trị quân chủ đặt trên căn bản của Pháp gia còn Nho giáo chỉ được dùng trong việc giáo dục và huấn luyện những người sẽ được tuyển chọn làm quan. Chính Pháp gia chủ trương tôn quân triệt để, đã gán ghép chủ trương đó cho Nho giáo. Vì thế mới có “Tam cương”, “Tam tòng” từ đời Hán (漢朝, 206 tCn. - 220 sCn) và được phát huy cao dưới triều Tống (宋朝, 960-1127). Do vậy vô tình tư tưởng tiến bộ thời khởi lập trở thành trói buộc số đông, trói buộc người có địa vị thấp, trói buộc người phụ nữ. Chỉ còn “Ngũ thường” là giữ nguyên chân giá trị và sẽ còn phát huy tốt trong tương lai.
Về mặt ngữ nghĩa thì Ngũ thường (H: 五常, A: Five cardinal virtues, P: Cinq vertus cardinales) gồm có: ngũ là năm, tên số đếm; thường là hằng có. Vậy “ngũ thường” 五常 nghĩa là năm đạo thường của người lúc nào cũng phải có không thể thiếu được trong khi ở đời. Năm điều đó là  “nhân,  nghĩa, lễ, trí, tín” 仁義禮智信.
Thời @ các quan điểm của Nho giáo về Ngũ thường vẫn còn giá trị nhưng cần được hiểu rộng và phù hợp hơn. Theo đó:
(1) Nhân : là lòng thương người mến vật để cái ghét không có chỗ chen vào. Cổ nhân từng nói 仁者人也,義者宜也 nhân ấy là đạo làm người, nghĩa ấy là sự làm phải vậy. Lòng Nhân  là căn bản của đạo làm người, giữ luôn được lòng Nhân thì lúc nào ta cũng được là cái đạo lý làm người, thái độ đối với đồng loại và muôn vật, phải thế mới gọi là người. Người có nhân là có tình thương, là làm những gì mà mình muốn người khác làm cho mình mà không cầu lợi, danh riêng cho mình. Luôn giữ được lòng Nhân, làm được nhiều việc thiện lúc nào ta cũng được an vui, hạnh phúc
(2) Nghĩa : nghĩa đen là thích hợp, sự phải chăng, lẽ phải, đàng hoàng định liệu sự vật hợp với lẽ phải, là cư xử theo lẽ phải (đạo lý); hành động thích hợp với đạo Nhân, vì nghĩa, làm việc không có ý riêng về mình, đối lập với nó là lợi. Nghĩa phải đi liền với Nhân, có Nhân mà không có Nghĩa thì đạo đức thiếu hình thức, còn có Nghĩa mà thiếu Nhân thì đạo đức thiếu tinh thần.
(3) Lễ : là phép tắc tốt đẹp trong xử thế; là mực  thước để đo  lường  tư  tưởng, hành động trong khi xử thế. Nó thể hiện sự tôn nghiêm trật tự và hòa hợp trong ý nghĩ và việc làm. Sự tôn trọng, hòa nhã trong khi cư xử với mọi người, mở rộng ra là việc tuân thủ các quy tắc, nguyên tắc đạo đức xã hội và pháp luật theo khuôn mẫu tiên tiến (từ quan, hôn, tang, tế cho đến dự hội họp, học hành, xem văn nghệ, đi đứng nói năng…). Nó thể hiện sự tôn nghiêm trật tự và hòa hợp trong ý nghĩ và việc làm. Muốn có lòng Nhân, muốn trở về với Nghĩa thì phải học Lễ để hành sự cho đúng. Nhưng nhớ rằng 禮輕仁義重 (lễ khinh nhân nghĩa trọng), tức cốt yếu ở “Nghĩa”, “Nhân”, bởi 仁義値千金 “nhân nghĩa trị thiên kim” mà!.  
(4) Trí : Khôn, là năng lực hiểu biết, trái với chữ “ngu” , hiểu thấu sự lý, nhiều mưu kế tài khéo, luôn khôn ngoan, sáng suốt, phân biệt đúng và sai, sáng và tối. Biết tiên liệu, tính toán để hành động hợp đạo lý. Khi cái Trí hiểu biết rõ ràng thì biết được điều Nhân, làm nhiều việc Nghĩa, hành động đúng Lễ, tránh được sai lầm.
(5) Tín : Giữ đúng,  không sai lời hẹn, đáng tin cậy. Chữ tín vốn nằm trong 4 điều trên, sau này được tách ra để thành Ngũ thường. Tín là thước đo, là sự phản ánh 4 giá trị trên, nó thể hiện phẩm chất đạo đức của con người. Nhưng niềm tin phải có căn cứ, phải có Trí, đặt đúng chỗ, biết vị tha…Mặt khác, nời nói phải đi đôi với việc làm. Phải giữ chữ Tín và quí trọng lời mình nói ra. Nhất ngôn ký xuất , tứ mã nan truy nghĩa là: một lời nói ra, xe tứ mã khó đuổi theo kịp. Chữ  Tín rất quan trọng, nó thể  hiện phẩm chất  đạo đức của con người mình. Cổ nhân từng tổng kết 人而無信,不知其可也 (Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả dã), rồi 人無信,不立 (Nhân vô  tín bất lập), nghĩa  là: người không có chữ Tín thì không làm nên được việc gì.
Tóm lại, đạo làm người của nam giới gồm hai phần trọng yếu là: Tam cương (Trung, Hiếu, Nghĩa) và Ngũ thường (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín). Tất cả gồm 8 chữ, nếu làm trọn vẹn được một chữ  thì  đủ đạt Thần vị, như những bề  tôi trung với vua, liều thân với nước, được vua phong Thần, đưa về các làng xã làm Thần Hoàng  神皇, ủng hộ dân chúng và được hưởng cúng tế; nếu làm trọn vẹn  được hai chữ  thì  được  phong Thánh . Đó là trường hợp Quan Vũ (關羽, 162? - 220, cũng được gọi là Quan công 關公, tự là Vân Trường 雲長, Trường Sinh 長生), một vị tướng thời kỳ cuối nhà Đông Hán (漢朝, 203 tCn –220) vào thời Tam Quốc (三國, 220-280) ở Trung Quốc được trọn vẹn hai chữ Trung và Nghĩa, nên hiển Thánh[4].
Mỗi người đều phát huy mặt tích cực của các yếu tố cấu thành “Ngũ thường” và xã hội thực hành đúng đạo “Ngũ luân” sẽ tạo ra một xã hội lành mạnh, của cải nhiều, con người sống hạnh phúc, an vui. Đấy là xã hội “cực lạc” dưới trần gian. Nhưng có lẽ còn phải phân sđấu dài.
Ngày nay, trải qua bao thăng trầm, biến đổi những chuẩn mực đạo đức của lễ giáo thời quân chủ đã không còn thích hợp. Người ta không thể thực hiện nghĩa vụ cấp trên mà không đòi hỏi quyền lợi. Quan hệ giữa lãnh đạo và nhân viên, quan hệ giữa cha mẹ và con cái; giữa vợ và chồng… được dân chủ hoá tối đa. Tuy nhiên, người Việt Nam ta vẫn trọng tình, trọng nghĩa, vẫn nặng lòng nhớ ơn. Đồng thời, vào buổi cơ chế thị trường chưa hoàn thiện này mà rèn, giữ được “Ngũ thường”, tạo ra môi trường có “Ngũ luân” kể ra không dễ chút nào!
Hãy cùng động viên giúp đỡ nhau trong cuộc sống, phát huy những truyền thống tốt đẹp, nhân văn, xây dựng “Gia đình Văn hoá”, hưởng ứng phong trào “Ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”, đừng 不以我為德,反以我為仇 (Bất dĩ ngã vi đức, phản dĩ ngã vi cừu) “lấy oán trả ân”, cùng nhau xây dựng cuộc sống mới ở từng khu vực để có nhiều “Dòng họ Văn hoá”, “Làng Văn hoá”, “Khu phố Văn hoá”, “Cơ quan, Đơn vị Văn hoá”.
Làm người có Nghĩa, có Nhân,
Luôn giữ chữ Tín, Lễ khuôn chấp hành.
Lại thêm rèn Trí thông minh,
Xây dựng Ngũ đạo, việc thành khó chi.

-Lương Đức Mến (ST, BS và BL), những ngày tháng 6/2011
Sửa lại dịp Tự phê bình, phê bình theo NQ4, 12/2012-




[1] Trong Tam Tự Kinh 三字經 viết: 三綱者﹕君臣義﹐父子親﹐夫婦順 (Tam cương giả: Quân thần nghĩa, phụ tử thân, phu phụ thuận). Vậy Tam cương là ba giềng hay ba mối giành cho nam giới, gồm:
君為臣綱 Quân thần cương: trung với vua nhưng là vua hiền nên cao hơn là trung với quốc gia dân tộc, chứ không phải trung thành mù quáng theo một ông vua hay dòng họ nhà vua.
父為子綱 Phụ tử cương: Phải có hiếu, biết nhớ công ơn  sinh  thành dưỡng dục của cha mẹ mà lo đền đáp. Thuở nhỏ phải nghe lời dạy bảo của cha mẹ, khi lớn lên, cha mẹ đã già yếu thì phải lo bảo dưỡng cha mẹ. Ngược lại, cha mẹ  thì phải hết  lòng  thương yêu, chăm sóc dạy dỗ con cái cho nên người và làm gương tốt cho con.
夫為妻綱 Phu thê cương: Phải là thuận hòa trong tình thương yêu chân  thật, dù trong hoàn cảnh khó khăn đến đâu. Ngoài tình thương yêu, còn phải giữ nghĩa với nhau.
Tuy nhiên, trong xã hội phong kiến, những mối quan hệ này được các vua chúa lập ra trên những nguyên tắc “chết người”: vua khiến bầy tôi chết, không chết không trung; cha khiến con chết, con không chết không hiếu; chồng nói ra, vợ phải theo; con gái phải học tam tòng  và tứ đức.
[2] Có nguồn gốc từ Nghi lễ, gồm:
Tại gia tòng phụ  在家從父: người phụ nữ khi còn ở nhà phải theo cha.
Xuất giá tòng phu  出嫁從夫: lúc lấy chồng phải theo chồng.
Phu tử tòng tử 夫死從子: nếu chồng qua đời phải theo con trai.
Quy định tam tòng khiến người phụ nữ khi xuất giá lấy chồng thì hoàn cảnh tốt hay xấu thế nào cũng đã trở thành người nhà chồng, chứ không nương nhờ ai được nữa.
[3] Có nguồn gốc từ  Chu lễ, gồm:
Phụ công 婦功: nữ công, gia chánh phải khéo léo. Tuy nhiên các nghề với phụ nữ ngày xưa chủ yếu chỉ là may, vá, thêu, dệt, bếp núc, buôn bán, với người phụ nữ giỏi thì có thêm cầm kỳ thi họa.
Phụ dung  婦容: dáng người đàn bà phải hòa nhã, gọn gàng, biết tôn trọng hình thức bản thân
Phụ ngôn 婦言: lời ăn tiếng nói khoan thai, dịu dàng, mềm mỏng
phụ hạnh 婦行: Tính nết hiền thảo, trong nhà thì nết na, kính trên nhường dưới, chiều chồng thương con, ăn ở tốt với anh em họ nhà chồng. Ra ngoài thì nhu mì chín chắn, không hợm hĩnh, cay nghiệt
[4] Chiến tích và phẩm chất đạo đức của Ông được đề cao cũng như được thần thánh hóa trong các câu chuyện dân gian, bắt đầu từ thời kỳ nhà Tùy (隋朝, 581-618). Từ đó Ông  được thờ cúng ở nhiều nơi với tượng mặt đỏ, râu dài, tay cầm cây thanh long yển nguyệt và/hoặc cưỡi ngựa xích thố. Tương truyền thanh long đao của ông nặng 82 cân (khoảng 40 kg). Dân gian xem ông như một biểu tượng của tính hào hiệp, trượng nghĩa và tôn xưng Ông là: Quan Thánh đế quân 關聖帝君, Quan Thánh đế 關聖帝, Quan đế quân 關聖帝, Ngũ Văn Xương chi nhất 五文昌之一, Văn hành Thánh đế 文衡聖帝, Hiệp thiên Đại đế 協天大帝…Nhưng các nhà sử học phê phán ông về tính kiêu căng, ngạo mạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!