Tranh sưu tầm |
“Trường sinh bất tử” (H: 長生不死, A: The immortality, P: L'immortalité) hay chí ít cũng đạt “Tuổi
hạc” (H: 鶴岁, A: The
age of crane, P: L'âge de la grue)
là ước mơ của đa số mọi người trong mọi thời đại. Nhưng điều đó là không tưởng,
như người xưa đã biết: “Bách tuế vi kỳ” (H: 百歲為期, A: Hundred years are the limit of life, P: Cent ans sont la limite de la vie), nghĩa
là con người sống một trăm năm là kỳ hạn. Song tuổi thọ càng được kéo dài bao
nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Sách báo đã phản ánh nhiều người, nhiều gia đình, gia
tộc, nhiều vùng có tuổi thọ trung bình cao và ngược lại. Nguyên nhân nào dẫn
đến tình trạng đó và muốn sống lâu cần có bí quyết gì?
I. Tuổi thọ các bậc “tột đỉnh
quyền lực” nước nhà:
Chữ viết xuất hiện sau sự xuất hiện của
tiếng nói, mà trong dân gian thì không được chép lại hay việc ghi chép không thành hệ thống. Do vậy tư
liệu phản ánh về tuổi thọ trung thành nhất là tư liệu phản ánh tuổi thọ của các
bậc Vua, Chúa (H: 君主, A: Monarch,
P: Monarque). Trên đỉnh cao quyền
lực, tột đỉnh vinh quang, ai cũng lo “Tổn thọ” (H: 損壽, A: To shorten the life, P: Abréger la vie) Do vậy đấng Quân vương
ăn gì, uống gì, sinh hoạt ra sao, ngày giờ sinh, mất đều được quan Ngự sử 御史大夫 ghi chép và được bảo quản cẩn thận trong cơ mật 御史臺 do đó càng tin
tưởng.
Tìm trong lịch sử, nhiều công trình
nghiên cứu đã phản ánh: tuổi thọ trung bình của các vua chúa Anh tính từ 1000 đến
1600 là 48 tuổi; của vua Trung Quốc tính từ thời Tần Thủy Hoàng (秦始皇, 259
- 210 tCn) là dưới 40 tuổi. Còn ở Việt Nam, tính từ thời Ngô Quyền (吳權, 898
- 944) con số này là 44,6 tuổi.
Trong các đấng
quân vương nước Việt người thọ cao nhất là Nguyễn Hoàng (阮潢,1525
– 1613), thọ 88 tuổi. Ông chính là người tiên phong trong công cuộc “Nam
tiến” mở rộng bờ cõi đất nước xuống phía Nam, mở đầu cho việc hùng cứ phương Nam
của 9 chúa (主阮, 1558-1777), tạo tiền đề
cho việc thành lập vương triều nhà Nguyễn với 13 vua (帝阮, 1802-1945) của dòng họ Nguyễn Gia Miêu. Nhưng người
ở ngôi lâu nhất lại là Lý Nhân Tông (李仁宗,1066 – 1127) với 55 năm (1072- 1127), hưởng thọ 61
tuổi.
Các đáng quân
vương mất, chữ gọi là băng 崩, thì ngoài những
nguyên nhân do già yếu, bệnh tật, chết trận còn có nguyên nhân do tranh chấp
ngai vàng. Trong cuộc chiến Cung đình đó nhiều ông vua bị giết, đầu độc, ép chết.
Cho nên lịch sử Đại Việt từng có ông vua chỉ ngồi trên Ngai vàng có 3 ngày chưa
kịp đặt niên hiệu, như:
- Lê Trung Tông (黎中宗, 983
– 1005) nhà Tiền Lê (前黎朝, 980-1009) thì bị em là Lê Long Đĩnh (黎龍鋌,986
– 1009) sai người trèo tường lẻn vào cung hãm hại để giành ngôi, báo hiệu
cáo chung triều đại do Lê Hoàn (黎桓, 941 – 1005) mở đầu.
- Dục Đức (育德, 1852 – 1883) lên ngôi
theo di chiếu của Tự Đức (嗣德,1829 – 1883) nhưng hai phụ chính đại thần 輔政大臣 là Nguyễn Văn
Tường (阮文祥, 1824-1886) và Tôn Thất Thuyết (尊室説,1839 – 1913) không ưa, dâng sớ lên Hoàng
thái hậu Từ Dụ (慈裕皇太后,1810-1902) phế đi, bắt giam ở Dục Đức Đường, rồi
Thái Y Viện, và cuối cùng là ngục Thừa Thiên, bỏ đói cho đến chết. Sau đó đưa Nguyễn Phúc Hồng Dật (阮福洪佚, 1847-1883) lên ngôi, tức
vua Hiệp Hòa 協和. Nhưng cũng được vài tháng lại bị các quan Phụ chính giết, đưa Nguyễn
Phúc Ưng Đăng (阮福膺登, 1869 – 1884) lên làm vua tức Kiến Phúc 建福.
Từ tháng 7 năm 1883 đến tháng 7 năm 1884 có tới 3 vua bị giết thì làm
sao thọ được!
Những vị vua yểu
thọ nhất là: Lê Gia Tông (黎嘉宗,1661-1675), hưởng dương 14 tuổi; vua Kiến Phúc hưởng
dương 15 tuổi; vua Lê Túc Tông (黎肅宗, 1488– 1504) hưởng dương
16 tuổi.
Người nổi tiếng sung
mãn với giai thoại 壹夜六交生五子 “nhất dạ lục giao
sinh ngũ tử” là Minh Mạng (明命, 1791 – 1841). Ngoài bà phi 佐天仁皇后 Hồ Thị Hoa (胡氏華, 1790-1807,
mẹ vua Thiệu Trị), Minh Mạng còn có hàng trăm bà phi, tần khác nữa,
trong đó 40 bà có con với vua, tổng cộng được 78 hoàng tử và 64 hoàng nữ. Vua ở
ngôi 21 năm (1820- 1841), thọ 49 tuổi, ở mức trung bình.
Nguyễn Phúc Chu (阮福淍, 1675
– 1725) là ông chúa có nhiều con nhất: 146 con, trong đó có 38 con trai;
quá đông con nên ông ta không sao nhớ hết tên, đứa nào vào chào, phải xưng tên,
xưng tuổi. Ông thọ 51 tuổi và có câu thơ: “Mình tuổi thọ ít, nhưng phúc
nhiều….”.
Chưa bàn đến vấn đề ăn uống, chỉ với dẫn
liệu trên đủ thấy lắm vợ, nhiều con thường thọ ít, dù người có sức khỏe phi
phàm, được bồi bổ, chăm sóc sức khỏe chu đáo như Minh Mạng (thọ 49 tuổi)!
Nhưng điều đó không đúng với một Hoàng đế nổi tiếng của Trung Quốc thời quân chủ bên Trung Quốc. Đó là Càn Long (乾隆, 1711-1799), cháu Khang Hy (康熙, 1654 - 1722), con Ung Chính (雍正, 1678- 1735), cha Gia Khánh (嘉慶, 1760-1820) là vị Hoàng đế thứ sáu của
nhà Thanh. Ông cũng được
nhiều người Việt Nam
biết đến bởi những bộ phim dã sử khai thác từ cuộc đời ông. Về đường vợ con:
Càn Long có 49 vợ, gồm 3 Hoàng hậu 皇后, 5 Hoàng Quý phi 皇貴妃, 5 Quý phi 貴妃, 6 Phi 妃, 6 Tần 嬪, 9 Quý nhân 貴人 và 5 Thường tại 常在. Ông có 17 Hoàng tử 皇子(A
Ca 阿哥), 10 Hoàng nữ 皇女 (Cách Cách 格格).
II. Bí quyết sống lâu của Càn
Long:
Năm 1793 một đặc phái viên của Hoàng gia Anh khi đến Trung Hoa yết
kiến Càn Long vô cùng kinh ngạc, sửng sốt, đã ghi vào nhật ký công tác như sau:
“Hoàng đế Càn Long oai phong lẫm liệt,
tinh thần sung mãn, khiêm nhường, hiếu khách. Tính tình bình dị, gần gũi với
mọi người. Có ai ngờ một vị hoàng đế đã vào tuổi 83 mà lại vô cùng minh mẫn,
tráng kiện. Thoạt trông chúng ta chỉ đoán ngài ở tuổi 60”. Trên thực tế Càn
Long có đến ngót 50 phi tần và 27 con, việc triều chính bộn bề được xử lý hanh
thông nhưng vẫn sống đến 89 tuổi (sinh: 25/9/1711 mất 07/02/1799).
Bí quyết để có
thể lực sung mãn, sống thọ của Càn Long là phát triển từ “養生四訣” (dưỡng sinh tứ
quyết) của Trang Tử (莊子, ~365–290 tCn) với 8 chữ : 清靜 (Thanh tĩnh), 少私 (Thiểu tư), 寡慾 (Quả dục), 樂觀 (Lạc quan)” thành phương châm 16 chữ: “吐纳肺腑,活动筋骨,十常四勿,适时进补”(Thổ nạp phế phủ, Hoạt động cân cốt, Thập
thường tứ vật, Thích thời tiến bổ).
1. Khẩu quyết thứ Nhất 口诀一:Thổ nạp phế phù “吐纳肺腑”
Hàng ngày dậy sớm lúc rạng sáng, ra chỗ không khí thoáng đãng trong
lành, hít sâu đưa O2 vào và thở hết khí cặn CO2 ở trong
người ra ngoài làm quá trình trao đổi khí, dưỡng chất đến các tế bào được hiệu
quả, thúc đẩy cho thân, tâm đều được mạnh mẽ.
2. Khẩu quyết thứ 口诀二:Hoạt động cân cốt “活动筋骨”
Chú trọng rèn luyện thân thể bằng lao động, thể dục, thể thao, bơi
lội để tăng cường năng lực chống chọi bệnh tật. Quanh năm ngày tháng phải kiên
trì vận động cơ thể đều đặn kết hợp với việc đọc sách, làm thơ và các thú tiêu
khiển tích cực. Bản thân Càn Long rất hay đi du lịch, làm thơ…
3. Khẩu quyết thứ ba 口诀三:
Thập thường tứ vật “十常四勿”:
3.1. Bốn điều kiêng kỵ 四勿:
3.1. 1.
Thực vật ngôn 食勿言: khi ăn không
nói chuyện, phòng ngừa hóc, nghẹn; tập trung nhai kỹ.
3.1.2.
Ngọa vật ngữ 卧勿语: khi nằm không
chuyện trò để tránh suy nghĩ và sẽ tạo
ra giấc ngủ sâu.
3.1.3. Ẩm
vật tuý 饮勿醉: uống rượu vừa
sức, không được say tránh hại cho gan và não bộ.
3.1.4. Sắc
vật mê 色勿迷: không mê đắm
đàn bà và tình dục thái quá nhằm bảo vệ năng lượng.
3.2.
Mười bộ phận cơ thể phải vận động và tập luyện thường xuyên:
3.2.1. Xỉ thường khấu 齿常叩: hai hàm răng đánh vào nhau thành
tiếng. Cách này giúp răng bền chắc, tránh các bệnh nha khoa, răng khó rụng, góp
phần làm tăng lưu thông máu lên não.
3.2.2. Tân thường yết 津常咽: nước bọt giúp điều hoà dịch vị, tăng khả năng hấp thụ thức
ăn, tránh viêm loét dạ dày và các bệnh đường tiêu hoá.
3.2.3. Nhĩ thường đạn 耳常弹: hai bàn tay
áp vào hai tai, vỗ nhẹ liên hồi; hoặc hai ngón tay đút vào hai lỗ tai rồi rút
mạnh ra, cứ thế liên tiếp nhiều lần. Động tác này giúp tránh trạng thái chùng
màng nhĩ khi có tuổi, tai vẫn thính khi già.
3.2.4. Tị thường nhu 鼻常揉: hai bàn tay xát nóng, vuốt hai bên
mũi nhiều lần, có thể phòng cảm mạo, viêm mũi.
3.2.5. Tình thường vận 睛常运: ngưng mắt nhìn xa, đảo nhãn cầu
nhiều lần, tiếp đến lại ngưng mắt chăm chú, rồi lại đảo nhãn cầu. Động tác này
giúp tăng thị lực, phòng các chứng hoa mắt.
3.2.6. Diện thường tha 面常搓: hai bàn tay xoa vào nhau cho nóng
rồi xoa mặt nhiều lần, giúp tăng lưu thông huyết dịch ở mặt, tránh hoặc giảm
nếp nhăn, phòng các bệnh da mặt.
3.2.7. Túc thường ma 足常摩: xoa vuốt chân từ bàn chân tới đùi, có
thể làm giảm tình trạng đọng máu, phòng được nhiễm lạnh cơ thể từ chân, nên
tránh được các bệnh ở chân cũng như chứng mất ngủ…
3.28. .Chi thường thân 肢常伸: tứ chi co vào duỗi ra nhiều lần,
khí huyết toàn thân lưu thông, phòng được các chứng thiểu năng tuần hoàn não cũng
như các chứng về mạch.
3.2.9. Phúc thường lữ 腹常旅: dùng bàn tay xoa trên vùng bụng,
giúp dạ dày, ruột được vận động nhẹ, tăng khả năng tiêu hoá, ăn ngon miệng,
phòng được các chứng chướng bụng, bí trung tiện…
3.2.10. Giang thường đề 肛常提: mỗi ngày dành vài lần tập trung
tinh thần làm co duỗi hậu môn, có thể phòng được viêm tuyến tiền liệt cũng như
các bệnh đi lỏng mãn tính.
4. Khẩu quyết thứ tư 口诀四: Thích thời tiến
bổ “适时进补”:
Việc cung cấp năng lượng qua thức ăn, chất bổ cần kịp thời nhưng sao
cho hài hòa giữa con người và thiên nhiên, giữa cá nhân và cộng đồng theo từng
thời điểm trong ngày, từng mùa trong năm, từng thời đại. Chú ý ăn nhiều rau,
hoa quả, không hút thuốc như Càn Long.
Xem ra chẳng quá khó nhưng đòi hỏi phải có nghị lực và kiên trì tập
luyện, tránh mọi cám giỗ nhất thời.
-
Lương Đức Mến (BS từ nhiều nguồn TK)-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!