![]() |
Vị trí làng Hương quê tôi trên bản đồ thời Đồng Khánh |
Cho đến nay, dù đã mang tên Phương Hạ từ 1966 nhưng những người cao
tuổi và những người xa quê đều gọi làng tôi là làng Hương. Sinh thời phụ thân
tôi bảo làng ta vốn xưa tên chữ là Hương Lạp, sau đổi thành Phương Lạp.
Quá
trình hình thành làng và sự đổi địa danh này do đâu và từ bao giờ chắc chẳng mấy
ai tường.
1. Thời điểm đổi “Hương” sang
“Phương”:
Quá trình hình thành vùng đất quê tôi nằm trong sự hình thành đồng
bằng Bắc Bộ từ thời kỳ hậu Canh tân (Pliestocéne 更新世) đồng thời gắn với quá trình lấn biển, bồi lấp các ô trũng, các đầm
lầy do phù sa các con sông bồi đắp chưa kín qua nhiều thế kỷ của lớp lớp cư dân
khác nhau. Đất khai canh đến đâu, con người dựng nhà, lập trại tới đó kèm theo
là tụ hội dân cư. Khi vùng đất đó đủ rộng, dân cư đủ đông là khi các đơn vị
hành chính mới được thiết lập. Hiện tại chưa tìm thấy tư liệu thành văn nào nói
về quá trình hình thành thôn xã quê tôi cũng như việc định danh vùng đất ấy.
Nhưng chắc cũng xa xưa lắm rồi và gần đồng thời với vùng đất phát tích của nhà
Mạc (莫朝, 1527-
1592) ở Cổ Trai 古齋 phía hạ
lưu Văn Úc!
Tên Nôm nơi sinh tôi là làng Hương 廊香, với chữ “Hương” 香 trong “Hơi thơm” chứ không
phải “Hương” 鄕 trong “Làng, Quê hương”. Địa
danh chính thức còn lưu lại là Hương Lạp 香粒, rồi Phương Lạp 芳粒 nhưng đổi
từ bao giờ cũng như 2 văn bản liền nhau về thời gian mà dùng 2 địa danh khác
nhau để chỉ làng tôi đều chưa thấy ai nói đến. Trong kho tư liệu Hán Nôm tìm thấy
2 sách quan trọng, đáng tin cậy phản ánh vấn đề đổi địa danh này:
Đồng Khánh địa dư
chí 同慶地輿誌 (do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn năm 1886 ;
Ngô Đức Thọ, Nguyễn Văn Nguyên,
Philippe Papin, Phan Văn Các, Lê Việt Nga, Dương Thị The...biên tập, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội,
2003) chép lại địa danh làng, xã, tổng, huyện, phủ, tỉnh của 25
tỉnh từ Cao Bằng đến Bình Thuận cuối thế kỷ XIX. Tập này, trong Quyển Thượng tại trang 144 (chữ
Việt), tờ 35a trang 224 (chữ Hán)
mục huyện An Lão 安老縣, tỉnh Hải
Dương 海陽省 và tờ bản
đồ A.537/7,f°38+,47×34cm ở tổng thứ 8 Cao Mật 高密總 có 8 xã, thôn; trong đó có thôn Hương Lạp 香粒村. Nhớ rằng, theo lệ cũ thôn 村 nào có trên 10 dòng họ sinh sống được
gọi là xã 社 và ở thời nhà Đinh: trên xã
là giáp 甲; các thời Lê-Nguyễn trên xã
là tổng 總; từ sau 8/1945 xã trực thuộc
thẳng huyện nên chắc khi đó làng tôi chỉ có dưới 10 họ!
Địa danh và tài liệu
lưu trữ về làng xã Bắc Kỳ (của Vũ Thị Minh Hương, Nguyễn Văn Nguyên,
Philippe Papin, NXB VHTT, Hà Nội 1999) chép địa danh làng, xã, tổng, huyện,
tỉnh ở Bắc Kỳ đầu thế kỷ XX. Sách này ở phần chép
về huyện An Lão, tỉnh Kiến An tại trang 453 liệt kê 8 xã, thôn của tổng Cao Mật cơ bản giống như ở Đồng
Khánh địa dư chí nhưng thôn thứ 6 là Phương Lạp 芳粒.
Như vậy việc đổi thành tố đầu trong địa danh này xuất hiện từ những
thập niên cuối cùng của thế kỷ XIX, sau khi bộ “Đồng Khánh địa dư chí” đã hoàn
thành.
2. Nguyên do đổi “Hương” sang
“Phương”:
Thời quân chủ việc đổi địa danh thường là do phép Kỵ húy 避諱. Đây là phép kiêng húy khi viết hay
đọc trại một từ nào đó do bị kiêng kị trong ngôn ngữ văn tự xã hội. Lệnh kiêng
húy do vua ban ra để giữ vẻ uy nghi của ngai vàng, kẻ nào phạm húy sẽ bị tru di
tam tộc. Có nhiều loại húy: quốc húy (gồm
chính húy và thường húy), gia tộc kính húy, Thánh nhân húy và dân gian húy.
Đặc biệt Quốc húy dưới thời các vua Nguyễn,
khá phức tạp, được nâng lên thành Quốc luật, làm thay đổi một phần ngôn ngữ.
Chính vì vậy nhiều người học rất giỏi nhưng bài thi bị phạm húy nên nhiều lần
“lều chõng” vẫn chẳng có tên trên Bảng Vàng.
Như trên đã nói việc đổi từ “Hương” sang “Phương” xẩy ra khoảng
1860-1890 nên phải là kị húy chữ “Hương” là tên một thành viên trong Hoàng tộc
dưới triều Tự Đức (嗣德, 1829 – 1883). Tìm trong lịch sử thấy có
tên bà Học phi 学妃 Nguyễn Thị
Hương 阮氏香, người
Vĩnh Long và là một trong số các phi tần của Vua Tự Đức. Nguyễn Phúc Hồng Nhậm 阮福洪任 hay còn có tên Nguyễn Phúc Thì 阮福蒔 là vị vua có thời gian trị vì lâu
dài nhất của nhà Nguyễn nhưng lúc bé bị
bệnh đậu mùa không có con nên nhận ba người cháu làm con nuôi. Trong đó có Nguyễn
Phúc Ưng Đăng (阮福膺登, 1869 – 1884) là con thứ ba của Kiên Thái
vương Nguyễn Phúc Hồng Cai mà sau này, khi lên ngôi (ngày 02/12/1883) là Hoàng đế Kiến Phúc 建福, tại vị được 8 tháng. Chính Học phi
được Tự Đức giao nuôi Hoàng tử Ưng Đăng khi mới 2 tuổi. Khi phế bỏ Hiệp Hòa (協和, làm Vua 3 ngày), Phụ chính đại thần 輔政大臣 Nguyễn Văn Tường (阮文祥, 1824-1886) và Tôn Thất Thuyết (尊室説, 1839 – 1913) đã cho người đến Khiêm Cung (謙宮, lăng Tự Đức 嗣德陵) đón Ưng
Đăng về lập làm vua thì bà Hương cũng được thơm lây, theo vua vào cung. Nhưng
sau bị mang tiếng là dâm loàn, tư thông với quan Phụ chính và danh tiếng của bà
cũng như cái chết của 3 vị vua trẻ sau Tự Đức mãi vẫn là “Thâm cung bí sử”!
Dù thế nào, Học phi vẫn là vợ của một ông Vua hiếu thuận, tài năng
là Tự Đức (嗣德, 1829 – 1883) mà tên bà là “Hương” nên
các địa danh có từ này phải đổi thành “Phương” theo hướng giữ lại nghĩa. Tuy đều
có nghĩa là “thơm” nhưng “Phương” 芳 là mùi thơm của “cỏ chi”, chứ không phải mùi thơm của hoa, lúa gạo
nói chung như “Hương” 香 song do “phạm húy” nên phải
đổi. Đấy là do tôi luận ra vậy chứ chưa tìm thấy văn bản của triều Nguyễn quy định
việc này.
Cùng dịp này trong phủ Kiến Thụy các xã có chữ Hương phải đổi là
Phương, như Hương Đường 香塘 thành
Phương Đường 芳塘, Trà
Hương 茶香 thành Trà
Phương 茶芳, Hương La
香羅 thành Phương La 芳羅, Hương Lung 香笼 thành Phương Lung 芳笼…Đồng thời quê hương Trạng Lường
Lương Thế Vinh (梁世榮,1440
- ?), xã Cao Hương 高芗 tổng Hào Kiệt 豪傑, huyện Vụ Bản 務本, tỉnh Nam Định 南定 đổi thành xã Cao Phương 高芳 (nay là thôn Cao Phương, tục gọi làng Hương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản)....
Nhưng riêng Lai Phương Thượng 來芳上, Lai
Phương Hạ 來芳下, Phương
Đôi 芳 của huyện Tiên Minh 先明 (nay là Tiên Lãng) không thuộc trường hợp này. Thành tố “Phương” 芳 trong các địa danh trên nguyên là “Hoa”
華 (华), năm 1841 kiêng tên mẹ Vua Thiệu Trị (紹治, trị vì 1841-1847) là Tá Thiên Nhân Hoàng hậu 佐天仁皇后 Hồ Thị Hoa (胡氏華, 1790-1807, vợ của Hoàng đế Minh Mạng) mà đổi ra “Phương” cùng cảnh
với việc đổi tên tỉnh Thanh Hoa = Thanh Hóa, chợ Đông Hoa = chợ Đông Ba, cầu
Hoa = cầu Bông ...
3. Làng Hương ngày nay:
Từ Hương Lạp sang cuối thế kỷ XIX đổi thành Phương Lạp và đến 1966
nhập với Mông Tràng Hạ (蒙場下, làng Hạ) thành Phương Hạ
nhưng vẫn là làng đó, chúng tôi vẫn gọi là “làng Hương” và danh xưng “Quán
Hương” vẫn tồn tại ngoài văn bản! Con đường đất, ranh giới giữa làng Hương-làng
Hạ nay là con đường liên xóm được đổ beton 混凝土 phẳng phiu, sạch sẽ. Chạy dọc phía Tây Bắc làng, tỉnh lộ 354 đổ beton
nhựa đã được mở rộng, nâng cấp sau khi cầu Khuể hoàn thành (9/2010) và hai bên đường nhà cửa xây cất
khang trong giống như bộ mặt một thị tứ nhỏ. Đầm lầy phía Đông Bắc (giáp chợ Thái, Văn Khê), phía Tây Bắc (giáp Mông Tràng Thượng) và những ao,
vũng sâu phía Đông Nam (giáp cánh đồng
kéo tới chân đê Văn Úc) đã được lấp đầy, thành đất thổ cư cất nhà, xây cửa
hiệu. Nơi Quán Hương xưa đã thành một cái chợ nhỏ với đủ chủng loại hành hóa, dịch
vụ.
Dân làng vẫn truyền nhau về công đầu tiên của các bậc tiên liệt họ
Nguyễn, họ Mai tiếp theo là người họ Lương, họ Đặng…đã đổ bao mồ hôi khai canh
để bây giờ, riêng địa bàn làng Hương cũ có tới trên 10 dòng họ với hơn 60 hộ
sinh tụ. Đây là chưa tính đến những người, những hộ từ đây ra đi lập nghiệp
trên mọi miền đất nước! Từ sau khi nhập với làng Hạ (1966), dân 2 làng (vốn nhiều
gia đình có quan hệ thân tộc) đã sống xen cư, chả rõ ranh giới nên dân
quanh vùng thường gọi là Hương Hạ ngoài danh xưng chính thức. Ngày nay Phương Hạ
là một thôn lớn (hơn 30 dòng họ mà đông
nhất là các họ Lương, Đặng, Đàm Xuân, Đào Đăng…, 200 hộ dân với ngót 900 nhân
khẩu sống trên gần 100 ha đất), nằm sát tỉnh lộ, giữa đường liên thôn vào Cốc
Tràng, Tôn Lộc nên khá nhiều lợi thế. Nhưng nhìn chung vẫn là một thôn nghèo!
4. Tình quê:
(Trích bài viết ngày
29/10/2009 thăm quê sau khi đưa con gái về nhà chồng ở Thái Bình, đã đọc trước
quan viên họ dịp Giỗ Tổ Rằm tháng Giêng Nhâm Thìn)
Làng Hương là
đất sinh tôi,
Chữ tên Phương Lạp, lúa tươi ngát đồng.
Với Mông Tràng Hạ hợp cùng,
Nên thôn Phương Hạ sáng vùng bãi bơn.
…
Thăm quê lòng dạ bồn chồn,
Đâu cây đa cũ, đâu hồn quán Hương?.
Mắt Rồng ngầu đục ao Tròn,
Giếng làng, bậc đá chẳng còn dấu xưa.
Ngôi đình gắn với tuổi thơ,
Giờ đây người nhớ, người lờ mờ quên!
Chùa làng ẩn bóng thâm nghiêm,
Nay trụ sở mọc thênh thang 3 tầng!
Lối xưa phân cách hai làng,
Nay chung nhập một, gốc bàng lãng quên.
Miếu thần, Mả Khách thân quen,
Và hàng Duối yểm có còn nữa đâu !.
Biết rằng bãi bể nương dâu,
Mà sao lòng vẫn lưu sầu vấn vương.
*
Đượm tình máu thịt quê hương,
Đất xưa, Mộ Tổ, Từ đường, người thân.
Về quê vừa thấy thêm gần,
Đi xa lại thấy bần thần nhớ quê.
*
Dẫu rằng địa lợi bốn mùa,
Mà sao tôi thấy vẫn chưa vươn mình.
Vẫn là nếp cũ độc canh,
Nghề phụ không có, thị thành ít ra.
Bung rồi nhưng mới manh nha,
Mong nhiều trái mọng, thơm hoa, đổi đời.
*
Tình quê xin nhắn một lời,
Người người giữ nếp, người người tiến nhanh.
Dẫu đời còn lắm khúc quanh,
Giầu, nghèo vẫn sáng, ấm tình quê hương.
Dấu chân in mọi nẻo đường,
Thân thương vẫn nhớ Hạ Hương quê nhà.
-Lương Đức Mến-
Cứ tưởng đổi từ Hương Lạp sang Phương Lạp là do các cụ ngưỡng mộ lãnh tụ cuộc khởi nghĩa nông dân cuối thời Bắc Tống (宋朝, 960 – 1279). Đó là Phương Lạp (方臘, ?-1121) được đề cập ở cuối truyện Thủy hử 水滸傳 nổi tiếng, từng 凡破六州, 五十二縣,戕平民二百萬 “đánh phá 6 châu 52 huyện, giết hại hai trăm vạn dân thường” .
Trả lờiXóaNăm Kiến Phúc thứ Nhất (建福元年,1833) định lệ kiêng 2 chữ: Đăng 登 là ngự húy tên vua Nguyễn Phúc Ưng Đăng 阮福膺登 và Hương 香 là tên mẹ nuôi vua Nguyễn Thị Hương 阮氏香.
Trả lờiXóa