[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


17 tháng 10 2012

12 bà Mụ với việc làm Lễ đầy tháng

Trong đời người, ai cũng từng dính đến “Mụ”: nào “mụ đỡ”, “cúng mụ”, “tuổi mụ”. Nhưng xem ra hầu hết chưa mấy tận tường. Sau đây là ý hiểu và cách tiến hành của người chủ trang này.

1. Tìm hiểu từ nguyên:
  “Mụ” là từ Nôm, mượn chữ “mỗ” cũng có âm là “mụ” trong Hán tự để ký âm. Với chức năng Danh từ chỉ người, trong tiếng Việt nó có các nghĩa như sau:
- Từ chỉ hàng cháu trai cháu gái của vua trong triều đình nhà Nguyễn.
- Người đàn bà đã có tuổi. Ví dụ trong Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du có câu:    𩇢𣎏姥綉婆  (Lầu xanh có mụ Tú bà).
- Nữ thần 神女 hay Tiên nương 仙孃 đã nặn ra hình đứa trẻ và trông nom nó.
- Tuổi tính theo âm lịch. Cổ nhân tính tuổi một người là tính từ khi thụ thai (9 tháng 10 ngày). Do vậy tuổi mụ, hay tuổi ta được tính: năm DL hiện tại - năm sinh theo DL + 1. Cũng vì vậy nên trong dân gian có tục “Cúng mụ”.
- Người đàn bà chuyên đỡ đẻ ở nông thôn xưa khi chưa có nhà Hộ sinh, Bệnh viện.
Bà Mụ”, gọi nôm na là Mẹ sinh, theo quan niệm dân gian, là những tiên nương phụ trách vấn đề sinh đẻ, được người dân tại một số vùng miền châu Á, trong đó có Việt Nam.
2. Sự tích Bà Mụ:
Tục thờ cúng 12 bà Mụ là tín ngưỡng khởi từ Trung Hoa. Theo truyền thuyết, tục này có từ lâu đời và đã từng được giải nghĩa trong tác phẩm Phong thần diễn nghĩa 封神演義 của Hứa Trọng Lâm (許仲琳, thế kỷ XVI) hoặc của  Lục Tây Tinh (陸西星, thế kỷ XVII). Theo đó, Khương Tử Nha[1] phụng chỉ Ngọc Đế phong cho ba vị tiên đảo là Vân Tiêu 雲霄, Quỳnh Tiêu  瓊霄, Bích Tiêu 碧霄 môn đồ của Quy Linh Thánh Mẫu 皈靈聖母 là “Cảm ứng tùy thế tiên cô chính thần” 感應隨世仙姑正神, nắm giữ “hỗn nguyên kim đẩu” 混元金斗 quản việc sinh sản cuõi nhân gian 掌管人世間生產之事. Đời người trước sau đều chuyển kiếp từ cái “kim đẩu” này bất kể đó là người phàm , thánh , chư hầu 諸侯, thiên tử 天子; dù là quý , tiện , hiền , ngu . Ba vị này gọi chung là “Dĩ thượng tam gia” 以上三姑, “Chính thị khanh Tam Cô nương chi thần” 正是坑三姑娘之神, gọi tắt là “Tam Cô” 三位女仙, hay “Chú Sinh Nương Nương” 註生娘娘. Đây chính là Thụ Tử Thần (授子神,thần ban con), và có 12 bà chị 婆姊 gọi là “Thập nhị thư bà” 十二姐婆 hay “Thập nhị bảo mẫu” 十二保母. Trong tranh cổ Thập nhị thư bà với những tư thế khác nhau, tượng hình người phụ nữ bồng con, dắt con, cho con bú v.v.
Theo tín ngưỡng dân gian người Việt: đứa trẻ được sinh ra là do các vị Đại Tiên (Bà chúa Đầu thai) và Tiên Mụ mà trực tiếp là 12 bộ Tiên Nương (12 bà Mụ) nặn ra ban cho.
Nhưng sự tích 12 Bà Mụ hay 12 vị nữ thần này chưa rõ và có nhiều thuyết khác nhau:
- Sau khi tạo ra tạo hóa, kiến thiết vũ trụ xong, Thượng đế bèn nghĩ tới sáng tạo ra vạn vật. Trước hết Ngài dùng chất đục cặn còn sót lại trong trời đất, mà nặn ra đủ giống vật, từ những con to lớn như quả núi, những con biết bay, biết sống dưới nước, trong đất, trong làn không khí. Những con vật to lớn, nhỏ đủ cả; khôn ngoan cũng có con ngu ngốc, có vật linh, mà cũng có con vật nặng nề. Xong vạn vật rồi Ngài lấy khí trong, chất tinh túy nhất nặn ra một giống vật công phu hơn. Đó là con người. Việc này được giao phó cho 12 bà Mụ mỗi Bà Mụ lo một việc: người nắn tai, người nắn mắt, người nắn tứ chi, người dạy trẻ cười, người dạy trẻ nói. Vì thế mà khôn hơn vạn vật.
- Có thuyết nói khi tạo ra vũ trụ thì số lượng Thần, người và vạn vật đều có hạn. Người đến khi chết thì thành Thần, trở lại làm người hay thành vật … Tùy theo sự sắp đặt của các Thần bên cạnh Thượng Đế mà 12 bà mụ thì làm việc nắn lại hình người cho ai đó khi được đầu thai trở lại làm người. Mỗi người nắn một bộ phận trong cơ thể và dạy cả cười , chọc cả khóc cho các chú bé lúc còn nhỏ …
- Ở vùng đất phương Nam lại có quan niệm cho rằng 12 Bà Mụ là 12 vị luân phiên nhau lo việc thai sản trong 12 năm, tính theo “thập nhị chi” - tức theo 12 con giáp.
3. Danh sách 12 bà M trong sinh nở giáo dưỡng, bao gồm:
1. Mụ bà Trần Tứ Nương coi việc sinh đẻ (注生 chú sinh);
2. Mụ bà Vạn Tứ Nương coi việc thai nghén (注胎 chú thai);
3. Mụ bà Lâm Cửu Nương coi việc thụ thai (取胎 thủ thai);
4. Mụ bà Lưu Thất Nương coi việc nặn hình hài nam, nữ cho đứa bé (注男女 chú nam nữ);
5. Mụ bà Lâm Nhất Nương coi việc chăm sóc bào thai (安胎 an thai);
6. Mụ bà Lý Đại Nương coi việc chuyển dạ (转生 chuyển sinh);
7. Mụ bà Hứa Đại Nương coi việc khai hoa nở nhụy (護产 hộ sản);
8. Mụ bà Cao Tứ Nương coi việc ở cữ (養生 dưỡng sinh);
9. Mụ bà Tăng Ngũ Nương coi việc chăm sóc trẻ sơ sinh (保送 bảo tống);
10. Mụ bà Mã Ngũ Nương coi việc ẵm bồng con trẻ (送子 tống tử);
11. Mụ bà Trúc Ngũ Nương coi việc giữ trẻ (保子 bảo tử);
12. Mụ bà Nguyễn Tam Nương coi việc chứng kiến và giám sát việc sinh đẻ (監生 giám sinh).
Theo sách Đài Bắc thị tuế thời ký, tại Từ Hựu Cung Sơn ở Đài Bắc lại phối tự cung phụng tới 13 bà mẹ sinh, thêm một bà Đỗ Ngọc Nương chuyên đỡ đẻ (接生 tiếp sinh).
4. Ý nghĩa tục cúng đầy tháng:
Tháng đầu sau khi em bé được sinh ra cũng là giai đoạn ở cữ của mẹ bé. Do đó khi kết thúc tháng đầu cũng là sự kết thúc của giai đoạn khó khăn nhất không chỉ đối với bé mà với cả bà mẹ thời hậu sản. Đầy tháng là thời điểm đứa trẻ được vừa tròn một tháng sau sinh, qua thời điểm đó, bé đã thoát được hết hai phần ba của những rủi ro trong năm tuổi đầu tiên của cuộc đời.
Trong tháng đầu sau sinh, thời xưa và cả hiện nay trong dân gian tồn tại nhiều tục kiêng cữ, như không được ra khỏi nhà và tránh tiếp xúc với người khác, ăn uống kiêng khem đủ thứ. Do đó ngày đầy tháng cũng là ngày đầu tiên gia đình trình với bà con họ hàng, làng xóm, bè bạn về một thành viên mới trong gia đình. Từ đó làng xóm, họ mạc chứng nhận về sự tồn tại của một con người, để được nâng niu, chúc tụng, để cộng đồng có trách nhiệm giúp đỡ, cưu mang, che chở.
Đồng thời, xuất phát từ hình thức tín ngưỡng dân gian về sự tích 12 Bà Mụ đã nói ở trên mang đậm dấu ấn tín ngưỡng thờ Mẫu nên việc tổ chức lễ đầy tháng nhằm tạ ơn các Mụ bà không chỉ nặn ra đứa trẻ, mà còn phù trợ cho “mẹ tròn con vuông”.
5. Nghi thức cúng đầy tháng:
5.1. Mâm Lễ cúng Bà Mụ:
Lễ cúng Mụ gồm 12 lễ nhỏ (cúng 12 bà Mụ) và 1 lễ lớn (cúng bà Mụ Chúa). Lễ vật thông thường bao gồm:
Đồ vàng mã: 12 đôi hài màu xanh, 1 đôi lớn, 7 tờ giấy mầu các loại (sẽ chia làm 12 phần nhỏ và 1 phần lớn).
Trầu cau: 13 miếng trầu têm cánh Phượng, có miếng lớn hơn.
Đồ chơi trẻ em bằng nhựa hoặc sành sứ: Gồm các bộ đồ chơi giống hệt nhau, bộ 12 con giáp.
Động vật: 12 tôm nhỏ, 1 tôm lớn để sống hoặc có thể hấp chín. Hoặc nếu không có con to hơn thì thay bằng 3 con nhỏ. Các con này để vào bát bày cúng và sau khi cúng xong thì đem thả ra ao, hồ phóng sinh.
Phẩm oản, bánh kẹo: Trên ban đặt phẩm và bánh, dưới đặt 12 phần đều nhau và một phần lớn hơn (hoặc nhiều hơn).
Lễ mặn: bao gồm xôi, gà luộc, cơm, canh, món ăn, rượu trắng. Chú ý xôi và cơm ngoài mâm cúng trên ban thờ còn 12 vắt nhỏ, một vắt to đạt ở bàn dưới. Bát canh ở dưới 12 quả trứng chim cút, 1 quả trứng gà, 12 miếng đậu phụ nhỏ, 1 miếng lớn.
Kẹo bánh: Chia thành 12 phần và một phần to hơn (hoặc nhiều hơn).
Hoa: lọ hoa nhiều màu cắm ở ban thờ và 12 bông nhỏ, 1 bông lớn ở ban dưới;
Quả: Ngũ quả bầy ban trên, 12 quả nhỏ và 1 quả lớn ở dưới.
Hương: 3 nén thắp bàn thờ, 12 nén thắp dưới.
Tiền vàng, nước trắng ở ban thờ và dưới.
Đĩa muối, gạo ở ban thờ.
Tiền thật tùy gia cảnh để cho cháu nhưng nên là số lẻ.
5.2. Lễ cúng Ba Đức thầy:
Ba đức thầy bao gồm: Thánh sư 聖师, Tổ sư 组师 và Tiên sư 先师 có chức năng truyền dạy nghề nghiệp (không phải 13 đức thầy). Lễ này gồm con vịt chéo cánh được luộc chín, 3 chén cháo và 1 tô cháo
5.3. Bữa tiệc “đoàn du phạn”:
Tiền thật: Giữ cho bé;
Đồ vàng mã: hoá; Đồ chơi, bánh kẹo: chia cho trẻ hàng xóm;
Các nắm cơm, thức ăn mỗi thứ mẹ ăn một ít và “đấm mồm” cho bé;
Gạo, muối, cháo rải quanh nhà;
Sau lễ cúng Gia tiên, cúng Ba Đức thầy gia đình hạ lễ “thụ lộc” và bổ sung thức ăn nếu có mời khách. Đây là bữa tiệc “đoàn du phạn” (團遊飯,bữa cơm tròn trặn trơn tru). To nhỏ tuỳ gia cảnh.
6. Văn khấn:
6.1. Trước bàn thờ:
- Con lạy chín phương Trời, mười phương Phật;
- Con lạy Ngài Kim niên Đương cai Nhâm Thìn niên Chí đức Tôn thần: Thái Tuế[2] Bành Thái Đại Tướng Quân, ngài Đương niên chi Thần: Sở Vương Hành Khiển, Hỏa Tinh chi Thần, Biểu Tào Phán quan[3];
- Con lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân và Chư vị thần linh cai quản xứ này.
- Con lạy bà Chúa thai cùng mười hai bà mụ: Chủ sinh, Chủ thai, Giám sinh, Bảo Tống, Thủ thai, Chuyển sinh, Hộ sản, Chủ nam nữ, Tống tử, An thai, Dưỡng sinh, Bảo tử.
- Con kính lạy Tổ tiên nội ngoại và chư vị Hương linh
Tín chủ con là: Lương Đức Mến, sinh năm 1955, tuổi Ất Mùi cùng vợ, các con hiện cư ngụ tại SN 328 đường Hoàng Liên thuộc địa phận tổ 22 phường Kim Tân, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai kính cáo thưa rằng:
Đích tôn của tín chủ là Lương Đức Hải Nam sinh 3 giờ sáng ngày 17/9/2012, tức là ngày 02 tháng Tám Nhâm Thìn là con của Trưởng nam Lương Đức Hải Thương (SN 1985) và Trưởng tức Phạm Thanh Hoà (SN 1988) đến ngày hôm nay, 17/10/2012, ngày 03/9 Nhâm Thìn vừa đầy tháng,
Vâng theo lễ cũ, Con xin dâng giấy sớ tiền vàng lễ nghi đẳng vật: (…..)
Con lạy các ngày cùng thập nhị hoá bà bác làm chứng giám, chấp lễ, chấp bái, chấp kêu, chấp cầu, chấp tờ vàng cánh sớ phù hộ cho hài đồng của con hay ăn chóng lớn, bốn mùa đều được điều hòa, chóng biết đi biết chạy, biết thưa,  trí tuệ thông minh sáng láng, sau này học hành giỏi giang tấn tới, công thành danh toại, là người có ích cho gia đình, xã hội.
Con cầu xin cho gia đình thịnh vượng, mọi sự hanh thông.
6.2. Bài khấn Nôm:
Cháu con nay được tháng tròn,
Chắp tay con khấn, dâng hương, rượu, trà.
Xin Thần, Phật, Tổ tiên nhà,
Cùng là Thập Nhị Tiên bà cõi trên:
Xin 5 Bà Mụ đầu tiên,
Phù hộ cho bé ngủ ngoan, ăn nhiều.
Lại dạy cho bé những điều:
Nói, cười, chững, đứng, đi…đều sớm nhanh.
Xin 5 Bà Mụ tiếp linh:
Nâng đỡ cho bé thông minh, ngoan hiền.
Xin 2 Bà Mụ tiếp liên,
Mang xấu đổ biển, đem lành đáo lai.
Lại xin Bà Chúa Bào thai,
Chấp kêu, chấp lễ, chấp Bài khấn Nôm.
Độ cho bản mệnh sớm hôm:
Bình an, chóng lớn, giỏi giang mai ngày.

-Lương Đức Mến (BS từ nhiều nguồn tham khảo. Dùng trong gia tộc)-



[1] Tề Thái Công 姜太公, tên thật là Khương Thượng  姜尚, tự là Tử Nha 子牙, nên thường được gọi là Khương Tử Nha  姜仔呀, là khai quốc công thần nhà Chu thế kỷ 12 trước Công nguyên và là vua khai lập nước Tề tồn tại từ thời Tây Chu đến thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc.
[2] Vòng luân phiên các Thái Tuế tinh quân 太歲神是年歲之神 ứng với vòng Lục thập Hoa giáp tính từ Giáp Tý đến Quý Hợi. Khi cầu an năm nào cần khấn đúng tên vị Thái tuế năm đó.
[3] Đây là kíp Thần trực ban năm Nhâm Thìn 2012. Có Mười hai vị Đại vương, mỗi năm một vị cai quản cõi nhân gian là Thập nhị Hành Khiển đại vương, tính theo Thập Nhị Địa Chi 十二地支, bắt đầu là năm Tý, cuối cùng là năm Hợi. Hết năm Hợi cũng quay lại năm Tý với Đại vương Hành Khiển 行譴大王 mười  hai năm về trước. Mỗi Đại vương Hành Khiển đều có một vị Hành Binh 行兵尊神 là quan Võ lo giữ an ninh, trật tự địa phương. Đồng thời còn có một Phán Quan 判官尊神 là Thư ký giúp việc, việc ghi chép công, tội của mọi người, mọi gia đình, mọi thôn xã, mọi quốc gia. Do vậy mỗi năm phải khấn một khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!