[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


08 tháng 6 2012

Nơi dòng Văn Úc quê hương đổ ra biển

Qua Văn Úc ở hạ lưu nối Tân Trào (Kiến Thụy) với Hùng Thắng (Tiên Lãng) có phà Dương Áo 陽襖. Tại ngã tư thủy bộ này, chính quyền xưa đã lập Văn Úc tả đồn 文郁左臋, Văn Úc hữu đồn 文郁右臋. Xuôi thêm ta lại gặp sông Đa Độ. Con sông này từ Văn Úc (đoạn Bát Trang) vòng lượn khúc khuỷu lên phía Bắc rồi như nặng tình với sông “mẹ” nó lại quay Nam đổ vào Văn Úc ở nơi giáp xã Ngũ Đoan và Đoàn Xá của huyện Kiến Thụy (có cống Cổ Tiểu).
Nằm giữa hai cửa sông Lạch Tray và sông Văn Úc, bán đảo Đồ Sơn vươn ra biển đông tới 5 km, tạo nơi danh thắng nổi tiếng. Bãi biển này chia làm 3 khu mỗi khu đều có bãi tắm và đồi núi, rừng cây yên tĩnh. Do cửa sông có dạng hình phễu với các đảo cát ngầm trước cửa sông, ngăn cản một phần cường độ của sóng, mặt khác mũi Đồ Sơn cũng góp phần che chắn, nên rừng ngập mặn khá phát triển. Quần xã cây ngập mặn gồm những loài ưa nước lợ, trong đó ưu thế nhất là bần chua phân bố ở vùng cửa sông (Kiến Thụy, Tiên Lãng), cây cao 5-10m. Dưới tán của bần là sú và ô rô, tạo thành tầng cây bụi; một số nơi có xen lẫn hai loài hoặc phát triển thành từng đám. Trong những năm gần dây do phát triển đầm tôm nên các rừng bần cũng bị phá nhiều và thu hẹp diện tích.
Cửa Văn Úc ở phía Nam xã Đại Hợp (Kiến Thụy) và bắc xã Vinh Quang (Tiên Lãng) đổ ra cửa biển Đại Bàng 大旁. Do ở vị trí thiết yếu nên  cửa Văn Úc đã từng ghi dấu ấn trong những cuộc trường chinh kháng chiến của dân Việt.
Đáng kể nhất là nơi đây gắn với sự tích và chiến công của quan Phụ chính Ngô Lý Tín 吳履信 hiện còn dấu tích thờ phụng ở Đền Gắm (ở thôn Cẩm Khê, xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng).
Ngô Lý Tín sinh ngày 20 tháng 1 năm Bính Ngọ (丙午, 1126) ở trang Vĩnh Đồng 永同, lộ Khoái Châu 快州 (nay thuộc tỉnh Hưng Yên) có cha là Ngô Huy Hiếu và mẹ là Đào Thị Phúc. Năm 12 tuổi, Ngô Lý Tín được cha mẹ cho theo học một thầy đồ nổi tiếng ở Kính Chủ, Hải Dương. Nhờ có tư chất thông minh, lại chăm chỉ, nên thầy rất quý trò. “Thấy dạy không biết chán, trò học không biết mỏi”. Năm 18 tuổi cha mẹ lần lượt qua đời. Lúc bấy giờ trời làm hạn hán, lúa cháy đồng, quan quân nhiễu nhương, trộm cắp nổi lên, đời sống dân quê vô cùng cực khổ. Sau khi mãn tang cha mẹ, Ngô Lý Tín rời quê hương tìm về trang Cẩm Khê 錦溪, huyện Bình Hà 平河, trấn Hải Dương 海洋 (nay là thôn Cẩm Khê, xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng), bên bờ sông Văn Úc, mở trường dạy học, đồng thời luyện tập võ nghệ. Chỉ sau một thời gian, danh tiếng của ông đã nổi tiếng khắp vùng. Dưới thời Lý Anh Tông (李英宗, 1138-1175), trong nước rối loạn, lại có giặc ngoại xâm lấn chiếm biên thuỳ, nhà vua xuống chiếu cầu hiền. Ngô Lý Tín chiêu tập binh sĩ, riêng trang Cẩm Khê có 30 tuấn kiệt, kéo thẳng lên Bàng Châu xin yết kiến Lý Anh Tông. Vua mừng rỡ giao trọng trách cho Ngô Lý Tín.
Đội quân do ông chỉ huy đánh đâu thắng đấy, quét sạch giặc ngoại bang ra khỏi đất nước. Năm Nhâm Dần (壬寅, 1182), khi đắp đàn phong tướng, Lý Cao Tông (李高宗, 1176-1210) lấy Ngô Lý Tín làm Thượng tướng quân 上将軍, lĩnh quân thuỷ bộ đi tuần bắt trộm cướp và ông lại lập công.
Năm sau, Quý Mão (癸卯, 1183) Cao Tông lệnh Tín Công làm Đốc tướng 督将 chinh phạt ngoại xâm ở biên giới phía Tây 哀牢. Toàn thắng hồi triều, Công được thăng Thái phó 太傅, tới năm Mậu Thân (戊申, 1188), khi Thái sư Đỗ Thuận An 太師 杜安頤 mất, Thái phó Ngô Lý Tín được cử làm Phụ chính 輔政. Thế là từ một người xuất thân bình dân, do tài năng và đức độ ông đã ngồi ở vị trí cao nhất của triều Lý.
Tháng 7 năm Canh Tuất (庚戌, 1190), quan Phụ chính Ngô Lý Tín cùng gia nhân trên một đoàn thuyền trở về thăm lại trang Cẩm Khê. Nhưng thật bất ngờ, gặp cơn bão lớn, thuyền bị sóng dữ đánh đắm và dòng sông quê hương đã đưa xác ông về đúng bãi sông này thì dừng lại [1]! Nhân dân thương tiếc đưa ông lên bãi chôn cất. Từ ngôi mộ ông nằm, một gò đất nổi lên, đó chính là nơi vua Lý Cao Tông  sai người đem 500 lạng vàng và 1.000 lạng bạc cho bản trang xây linh từ phụng thờ trên nền sinh phần của ông và miễn sưu thuế phu dịch cho bản trang để lập đền thờ.
Từ ngày đó khúc sông yên ổn, nhiều thuyền bè qua đây lên đều cầu đảo xin sự bình yên đều được linh ứng. Đền là một công trình kiến trúc cổ do nhân dân làng Cẩm Khê xưa xây dựng lên. Là một trong năm ngôi đình, đền thuộc “ngũ linh từ” 五領祠[2] của huyện Tiên Lãng, đền Gắm được xây dựng trên chính mảnh đất mà Tín Công đã cắm đất làm nhà, mở trường dạy học, dùi mài kinh sử, rèn luyện binh thư, võ nghệ và nổi danh khắp vùng. Tuy là nơi thờ vọng nhưng đền Gắm có phần mộ của Tín Công thuộc hậu cung của đền.
Theo quan niệm của người dân địa phương, chính nét khu biệt này là cội nguồn của sự linh thiêng cho nên ngay từ xa xưa nhân dân nơi đây đã lưu truyền câu ca: “Thứ nhất đền Bì, thứ nhì đền Gắm”. Hơn 800 năm đã qua, đền Gắm đã được nhiều lần tu sửa trùng tu và ngày 8 tháng 8 năm 1992 được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Đền Gắm xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Hội làng Cẩm Khê mở trong 7 ngày từ 16 đến 22 tháng Giêng hàng năm. Trước kia hội thường diễn ra ở đình làng. Làng tổ chức tế lễ ở đền Gắm, sau đó rước thần vị về đình làm lễ nhập tịch. Bên cạnh những nghi lễ trang nghiêm, ngày hội còn nhiều trò vui như đánh đu, đấu vật, thu hút đông đảo khách thập phương về tham quan.
Năm 1285, đại quân Nguyên tràn sang xâm lược nước ta lần thứ 2 (cuối tháng 1 đến cuối tháng 5 năm 1285 dương lịch). Ban đầu thế giặc mạnh, Thăng Long rồi tuyến sông Hồng núng thế. Tình cảnh đó buộc Vua Trần Nhân Tông 陳仁宗, 1258 – 1308)[3] 仁宗皇帝諱昑 và Thượng Hoàng Trần Thánh Tông (陳聖宗, 1240 – 1290) bỏ thuyền đi bộ đến Thuỷ Chú ( , vùng Yên Hưng, Quảng Ninh nay). Đến ngày 07/4/1285, khi cánh quân Nguyên phía Nam đi qua Thanh Hóa, hai Vua dùng thuyền ra sông Nam Triệu (南趙江, từ ngã ba xã Vũ Yên, huyện Thủy Nguyên chảy ra biển) vượt biển Đại Bàng (大旁海, vùng biển ngoài cửa sông Văn Úc) vào Thanh Hoá. ngầm lấy thuyền nhỏ đến Tam Trĩ Nguyên, sau đó ra sông Nam Triệu , ra đến cửa sông này (thuộc huyện thủy Đường 水棠), vượt biển vào Thanh Hoá 清化.  Toa Đô  唆都元帥 và Ô Mã Nhi 烏馬兒 được cử dẫn quân vào Thanh Hóa truy đuổi vua Trần, nhưng không tìm thấy mục tiêu.
Gần 2 tháng sau khi rút về Thanh Hóa, quân Trần từ đó phản công ngược ra Bắc. Dọc theo sông Hồng, quân Đại Việt lần lượt giành thắng lợi tại cửa Hàm Tử (nay ở Khoái Châu, Hưng Yên), bến Chương Dương (nay ở Thượng Phúc, thuộc Thường Tín, Hà Nội), giải phóng Thăng Long. Cửa Văn Úc trở thành điểm đưa Vua Trần thoát thế gọng kìm và đón trở lại phản công theo khí thế Đông A (東阿=). Ba năm sau, cũng tại cửa sông này, trong cuộc kháng chiến lần thứ ba, quân dân Đại Việt đánh chìm 300 chiến thuyền của quân xâm lược. Trận đánh ngày 13/02/1288 này, được chính sử nhà Nguyên, bộ “Nguyên sử” ghi chép và gọi tên là trận Tháp Sơn 塔山.
Thời hiện đại, năm 1953, giặc Pháp mở trận càn Claude tấn công khu du kích Tiên Lãng, quân Pháp cũng đã từng đổ bộ lên bãi sông này, nhưng chúng không dám xâm phạm ngôi đền. Sau 23 ngày tấn công, giặc Pháp đã phải rút quân Trận chống càn nổi tiếng thắng lợi ngày 21 tháng 8 năm 1953 đã đi vào lịch sử của Tiên Lãng. Thời chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, tất cả bọn biệt kích, người nhái từ biển vào đây hòng phá hoại các cơ sở của ta, nhưng chúng đều bị quân dân ta bắt gọn.
Thăm vùng cửa sông Văn Úc, ngoài việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp và nhớ về quá khứ lịch sử oai hùng, ta có thể thưởng thức những đặc sản nổi tiếng từ xưa. Trước hết đó là món chuột đồng ở Tú Đôi (Kiến Quốc, Kiến Thụy) đã đi vào câu ca: “Kiến Quốc anh hùng nuôi chuột đỏ, khoai lang bóc vỏ nhắm với chuột con”. Nhưng nói đến cửa biển phải nói đến cá Mòi. Loài cá pilchard hay sardine này thuộc họ cá Trích (Clupeidae), mỗi năm có 2 vụ: vụ Xuân và vụ Thu. Để được thưởng thức món này đòi hỏi phải hế biến khá công phu: cắt ngang một lát vừa tầm ở phía dưới mang rồi moi mật, ruột ra, dùng tay móc mang cá, và tiện khía những đường nhỏ quanh sườn cá, đảm bảo mật không vỡ, trứng còn nguyên, mình cá sạch vảy. Sau đó ướp gia vị, bọt canh, gừng. Từ cá mòi có thể nấu thành nhiều món ăn ngon như kho, rán hoặc làm chả hay nướng trên than hoa rồi rán vàng.
Một loài cá quý hiếm, đã đưa vào “Sách Đỏ” là Cá sủ vàng kép. Loài Otolithoides biauritus này là loại cá trong họ Percidae thuộc bộ  cá Vược (Perciformes, còn gọi là Percomorphi hay Acanthopteri) sinh sống ở biển, đến mùa đẻ (tháng 1 - 4 và 9 - 10 âm lịch) mới vào các vùng cửa sông nước lợ cặp đôi và đẻ. Cá con ngược lên vùng nước ngọt sâu trong đất liền sống và sau khoảng 1 - 2 năm (khi đã đạt trọng lượng lớn hơn 10kg) sẽ dần tìm ra biển. Bởi thế nên hồi còn ở quê tôi đã từng thấy người ta chở một con cá Sủ to cỡ chúng tôi trên xe Xích lô. Thực ra thì thịt cá này ăn không ra gì nên dân gian gọi nó là “cá củ chuối” ý nói ăn chán như ăn củ chuối, thứ “đặc sản” những năm đói xa xưa!. Tuy nhiên bộ lòng của nó lại ăn ngon hơn dạ dày, bong bóng cá bởi giòn nhưng lại dai dai. Những năm gần đây do Trung Quốc mua bóng cá này làm chỉ khâu tự tiêu, dùng trong các cuộc vi phẫu phức tạp (mổ tim, phổi, thận…) nên giá cá này rất cao. Vì vậy ngư dân ven biển thường ví loài cá sủ vàng như những “cục vàng biết bơi”. Cầu mong loài cá này đừng tuyệt chủng trên sông Văn!
Vùng ven cửa sông này có một chi họ Lương. Theo Gia phả họ Lương Vinh Quang và Thần tích Di tích lịch sử văn hoá đình Thái Bình (Đình Đông), cụ tổ họ Lương vùng này là Lương Đắc Phúc đã từ làng Lao Chữ đến làng Đông Trên vào khoảng 1848 – 1884 đời Tự Đức, cùng một số các cụ tổ các dòng họ khác ra vùng ven biển quai đê lấn biển, khẩn dân lập ấp. Như vậy là gần như cùng thời với khi cụ Nguyễn Công Trứ  (阮公著, 1778 – 1858) chiêu mộ dân nghèo, đắp đê lấn biển, lập ấp, khai sinh các huyện Kim Sơn (thuộc tỉnh Ninh Bình ngày nay), Tiền Hải (thuộc tỉnh Thái Bình ngày nay) vào những năm cuối thập niên 1820.
Khi đã ổn định dân cư, các cụ đã cùng nhau thảo đơn cho cụ Tổ họ Nguyễn vào Huế xin được lập xã Thái Bình. Vua Tự Đức đã có chiếu chỉ phê chuẩn vùng đất mới khai khẩn lập thành xã Thái Bình (太平, thuộc tổng Dương Áo 陽襖). Xã Thái Bình ngày ấy nay là xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Cụ tổ họ Nguyễn được nhân dân tôn là Thành hoàng làng. Các cụ tổ họ Lương, họ Đỗ, họ Vũ được dân tôn là Tiên Khẩn, thờ ở đình Thái Bình. Đình này đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Thành phố.
Cũng như các dòng họ bạn sinh sống trên mảnh đất ven biển, điểm cuối của sông Văn Úc đổ ra biển Đông, bà con họ Lương ở đây sống dựa vào nghề bán nông bán ngư, nhưng ngư là chính và có nhiều đóng góp cho công cuộc khai hoang, lấn biển, xây dựng và bảo vệ nơi cửa biển này.
Thời gian gần đây, Vinh Quang nổi danh và lại gắn vào ý nghĩa chỉ tên huyện. Đã có người đổi chữ “先朗” (“đón ánh sáng đầu tiên”)  ra “先浪” (“nơi đầu sóng ngọn gió”) bởi vụ cưỡng chế đất đai và phá căn nhà trông đầm nuôi tôm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn vào sáng 05 tháng 01 năm 2012!
Vụ việc đã lôi cuốn bao người, bao cơ quan, các ngành, các cấp vào cuộc, tốn bao giáy mực. Nhưng nơi đây cuộc sống vẫn nhộn nhịp, vẫn ấm áp tình người. Trong 3 ngày (09, 10, 11/01/2012), Đại lễ cầu siêu do Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Công ty Vận tải Biển Việt Nam (Vinalines) tổ chức để tưởng niệm cho những thuyền viên trên tàu Vinalines Queen gặp nạn tại Biển Đông ngày 25/12/2011 đã diễn ra tại Chùa Thắng  Phúc – Trung tâm Văn hóa tâm linh Phật giáo huyện Tiên Lãng, Hải Phòng.

[1] Sau khi ông mất, Cao Tông dùng em vợ là Đàm Dĩ Mông , vốn là người không có học làm Thái phó nên việc triều chính càng suy sút dẫn đến loạn Quách Bốc. Đó là mầm mống cho việc “đảo chính Cung đình” vào năm 1225 của Trần Thủ Độ, kết thúc triều Lý (李朝, 1009 – 1225) mở ra triều Trần (陳朝, 1226 – 1400).
[2] Gồm: đền Bì Tử Đôi, đền Bì Vân Đôi (đền Tử Đôi và đền Vân Đôi đều nằm bên đầm Bì thuộc xã Đoàn Lập nên đều có tên gọi là đền Bì), đền Gắm (xã Toàn Thắng), đền Hà Đới (xã Tiên Thanh) và đền Để Xuyên (xã Đại Thắng).
[3] Ông ở ngôi 15 năm (1278 – 1293) và làm Thái Thượng hoàng 15 năm. Ông là người đã thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, lấy pháp hiệu là Đầu đà Hoàng giác Điếu ngự. Ông được sử sách ca ngợi là một trong những vị vua anh minh nhất trong lịch sử Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!