[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


13 tháng 6 2012

Phụ lưu và dấu ấn bên bờ dòng Văn Úc quê hương


 Sông Văn Úc có chiều dài khoảng 57 km, làm ranh giới giữa các huyện Thanh Hà, Hải Dương với An Lão, Hải Phòng; giữa huyện An Lão và huyện Tiên Lãng, huyện Kiến Thụy và huyện Tiên Lãng thuộc Hải Phòng. Là một chi lưu của sông Thái Bình nhưng bản thân Văn Úc cũng có nhiều nhánh chia nước với sông Thái Bình và các sông khác để ra biển Đông.

Đầu tiên phải kể đến Lạch Tray. Con sông này dài 43 km, rộng trung bình 120 m, sâu trung bình 4 m, tốc độ dòng chảy trung bình 0,7 m/s. Là một nhánh của sông Kinh Thầy từ ngã ba Kênh Đồng. Trong địa phận huyện An Lão sông này khởi từ nơi giáp xã Liên Hòa, huyện Kim Thành tỉnh Hải Dương với xã Bát Trang của An Lão chảy qua phía bắc Núi Voi đến Quán Trữ gặp sông Tam Bạc chẩy từ sông Cấm sang rồi làm ranh giới giữa Kiến An và Hải An với Dương Kinh rồi đổ ra cửa Lạch Tray (địa phận phường Tràng Cát, quận Hải An).
Tiếp đến là sông Đa Độ (vì có nhiều bến đò sang ngang) hay còn gọi là Cửu Biều bởi nó uốn 9 khúc. Sông này tách ra từ Văn Úc ở nơi giáp ranh giữa xã Bát Tràng (cống Đại Thuỳ) với xã Quang Trung, phía dưới nơi xuất phát của Lạch Tray, chạy phía Nam Núi Voi, qua thị trấn An Lão rồi tiếp uốn 9 khúc thành ranh giới Kiến An-An Lão vào Dương Kinh lại trở ra dòng sông mẹ Văn Úc ở cống Cổ Tiêu. Trên đường vòng lại Văn Úc đến ngã ba các xã Tân Viên, Tân Dân, Mỹ Đức nó nhận thêm nước của sông Ba La.  Con sông Ba La này cũng khởi từ Văn Úc tại nơi giáp ranh Tân Thắng (thuộc Chiến Thắng) với Đại Điền (của Tân Viên) là một sông nhỏ và hồi bé tôi đã có lần theo bố và bác Nhỡ qua sông sang nhà cô Nguyễn ở làng Sẽ.
Các nhánh phía hữu ngạn, trên đất Tiên Lãng là các nhánh sông nhỏ và kênh nối thông và chia nước với hạ lưu sông Thái Bình.
Dọc 2 bên sông là con đê đắp từ lâu đời. Đây là công trình thuỷ công xây dựng dọc theo bờ sông tương tự đập đất về mặt xây dựng. Nó có tác dụng ngăn nước, để bảo vệ vùng đất thấp ven sông  lũ lụt, thuỷ triều, sóng bão, nối công trình thuỷ công dâng nước của đầu mối với bờ. Trên địa bàn xã Chiến Thắng quê tôi đê dài 5km, có 4 cống qua, 4 trạm bơm điện, 2 hệ thống mương chính là mương Thống Nhất và mương Kim Cao dẫn nước vào đồng. Ở vùng đồng bằng, không đồi núi, ít chỗ chơi thì sườn đê, mặt đê gắn với chúng tôi tuổi chăn trâu bởi thú thả diều, chọi cỏ gà. Đê còn là huyết mạch giao thông quan trọng nối liền các vùng ven sông. Phía ngoài đê là bãi qua một đoạn sông ăn vào nông là bơn. Nhưng khi thủy triều lên thì bơn chỉ còn lờ mờ ngọn cây sú vẹt. Bên trong đê là ruộng đồng của xã tôi. Tuổi thơ tôi gắn với đê Văn Úc bởi những lần thả trâu và đưa trâu lên Kim Côn để bố cày vỡ ruộng những năm 1962-1964.
Đoạn bờ sông giữa xã tôi là khu vực Bến Khuể. Con phà Khuể nối An Lão với Tiên Lãng trên tỉnh lộ 354 ngày xưa còn gọi là phà “khổ”. Nơi đây, 11h30 đêm tháng 7/1978 một cơn bão ma đi qua làm lật đò đã cướp đi 20 thi thể trong lúc dòng sông đang chảy mạnh ra biển, ngày hôm sau người ta chỉ tìm thấy xác con đò nát và một thi thể ở trong rừng đước. Nay Cầu Khuể to lớn[1] đã thay thế bến phà đi vào lịch sử. Cầu được đặt tại vị trí cách bến phà Khuể 72 m về phía thượng lưu, nơi dòng sông rộng hơn 700 m và sâu hơn 10m và được khánh thành vào sáng 6/10/2010, đúng vào dịp cả nước đang kỷ niệm trọng thể 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. 
Ngay đầu cầu phía Chiến Thắng và dọc đê có 4 Lô cốt (phiên âm từ tiếng Pháp: blockhaus, gốc là một từ tiếng Đức) là công trình quân sự do Pháp xây dựng kiểu nửa nổi, nửa chìm có lợi dụng sườn đê để che chắn. Lô cốt này được đổ bê tông dầy, 4 phía có lỗ châu mai để bắn ra nhiều phía, có nhiều ngách làm nơi nghỉ ngơi cho quân sĩ và sau này là chỗ chúng tôi ẩn nấp chơi trận giả khi chăn trâu. Những Lô cốt này làm thành hệ thống Đồn Khuể án ngữ con đường sông từ Hải Dương ra biển, con đường bộ từ Kiến An sang Tiên Lãng.
Hai Lô cốt Pháp xây hai bên đường 354, nằm ngay trên rìa đê (nay là đầu đường lên cầu Khuể), rất kiên cố. Giữa cuộc kháng chiến chống Pháp, đêm 25/9/1949 đồn Khuể bị dịêt. Đây là trận để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong việc gây nhân mối trong hàng ngũ địch kết hợp thành công với lực lượng tiến công từ ngoài vào và có công lao đóng góp của bố (người cùng cán bộ xã thảo và đưa thư vào cho nhân mối) và chú thím tôi (khi ấy chèo đò trên sông Khuể). Để ghi nhớ trận binh biến đó và phù hợp với hoàn cảnh mới, Cảnh Hưng và Kim Lĩnh Thượng nhập lại mang tên mới: Chiến Thắng (từ 05/10/1950)[2] giáp với An Thọ.
 Do là vùng nước lợ nên nơi đây có khá nhiều Rươi và Cói. Rươi (Tylorhynchus sinensis), loài giun đốt, lớp Giun nhiều tơ (Polychaeta), sống ở vùng cửa sông nước lợ, ven biển vịnh Bắc Bộ. Mùa rươi được gói trong câu: “tháng Chín Đôi mươi, tháng Mười Mồng Năm”. Ngày nhỏ ở quê nhiều lần tôi đã đi vớt rươi khi đi thả trâu mà gặp. Nhưng những năm lớn lên có dịp về quê thấy rươi ít hẳn.
Bơn bãi ngoài đê quê tôi thủa xưa có trồng cói, tuy không nổi danh như Kim Sơn (Ninh Bình), Tiền Hải (Thái Bình) và Nga Sơn (Thanh Hóa). Đây là cây thân mềm thuộc nhóm thực vật trong họ Cói (Cyperaceae), thuộc chi Cyperus (cùng các loài lác, cú) với hai loài chủ yếu là cói bông trắng (Cyperus tegetiformis, là giống Cói quê tôi) và cói bông nâu (Cyperus corymbosus). Ngày tôi còn ở quê, người dân quê tôi chủ yếu trồng cói vào tháng 5-6 khi bắt đầu có nước lũ, độ mặn giảm và thu vào vụ mùa (tháng 7-8), ít thấy cói vụ chiêm (tháng 2-3). Người ta cắt cói về phơi khô dùng lợp nhà. Ngoài ra có chẻ mỏng, phơi khô rồi đem dệt chiếu chứ không thấy làm ra các sản phẩm khác. Hình như bây giờ không còn nhà nào lợp cói nữa.
Chắc do đồng đất quê tôi sử dụng hóa chất nhiều và rươi, cói cũng chẳng còn bởi các bãi bơn đã liền với bờ đê bởi quá trình đổ đất lẫn sông.
Vào khoảng thế kỷ XV, XVI vùng đất quanh khu Bến Khuể ngày nay, do cách không xa cửa biển là mấy nên là bãi bồi, đầy vũng trũng, sú vẹt. Khi nhà Mạc (莫朝, 1527-1592) lập kinh đô ở Nghi Dương (nay là quận Kinh Dương) đưa tre từ Thanh Hoá men bờ biển vào cửa Văn Úc ngược lên, tập hợp dân đóng kè, quai đê lấn biển, nắn sông, lập nên làng ấp, trong đó có các làng vùng Cao Mật. Lâu dần, dân khai phá bồi đắp thành đồng lúa. Nhưng vẫn còn hoang thưa lắm. Trong và ngoài đê còn nhiều chỗ trũng phù sa chưa bồi lấp đầy, nhiều bãi lăn, lác, sú vẹt chưa được cải tạo thành ruộng[3]. Đồng thời có nhiều ruộng đã được cầy cấy rồi bỏ hoang do nạn cướp, lũ lụt. Vị trí khu vực lại cận sông, gần đường cái quan trở thành địa chỉ tốt để người dân quanh vùng đến khai phá ruộng, chài lưới, sinh nhai. Cư dân ngày thêm đông, lập ra tổng Cao Mật 高密.
Trong tổng có xã Kim Côn 今崑 là nơi cư ngụ của cụ Phạm Công Tài 范公財 hiệu Thanh Thiên, là cụ Tổ dòng họ Phạm Văn vùng này. Hiện nay, sau bao thăng trầm của lịch sử, phả tộc của dòng họ đã bị thất truyền. Nhưng họ Phạm Kim Côn vẫn là một họ lớn ở xã Chiến Thắng. Phó Bí thư huyện An Lão hiện nay Phạm Đoàn Hưng, người làng Kim Côn, xã Chiến Thắng xuất thân từ ngành Sư phạm là hậu duệ của dòng này[4]. Chị gái bố tôi làm dâu họ này nhưng mất sớm, chưa con. Các anh chị nổi danh (có thương binh Phạm Văn Kỷ, Giám đốc Công ty TNHH Duyên Hà) ở Bến Khuể là con bà hai khi bác Ký tục huyền.
Nằm giữa tổng là Phương Lạp 方粒 (năm 1861 đổi từ Hương Lạp mà thành, sau đó từ 1966 nhập với Mông Tràng Hạ 蒙場下 thành  Phương Hạ), nơi vào thế kỷ XVIII Thượng tổ nhà tôi là Lương Công Trạch 梁公澤上祖 một gánh “bên nồi, bên contừ Đăng Lai 登來, Tiên Minh 先明, Hải Dương 海洋 (sau cải là Phương Lai 芳來, Tiên Lãng, Hải Phòng) vượt Văn Úc sang tìm nơi đất mới khai hoang; dựng lên dòng họ Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão ngày nay.
Sông Văn còn gắn với dòng họ tôi bởi những truyền ngôn về ngày giỗ và nghi thức giỗ Tổ. Nguyên Nội Tổ họ tôi là Lương Công Nghệ 梁公羿 mất ngày 19 tháng 5 năm (?), được con cháu suy tôn là Đệ Nhất Đại Tổ họ Lương ở Cao Mật và tưởng niệm bằng nhiều hình thức để ghi nhớ và tri ân vị Tổ khai sinh ra dòng họ. Nhưng tháng 5 đúng vào dịp thu Chiêm, cấy Mùa bận rộn của nhà nông nên khó tập trung đông đủ. Trong họ truyền rằng: Tổ thường được cử đi dẹp giặc, bình những cuộc nổi loạn khắp nơi thờ kỳ đó (thế kỷ XVIII) và lập được nhiều chiến tích. Một lần, vào ngày Rằm tháng Giêng (năm ?) trước khi xuống thuyền trên sông Văn Úc, Người dặn: Nếu Cụ không về thì nhớ ngày này làm ngày Giỗ. Và lần ấy cụ bị trận vong. Hơn nữa theo nguyên tắc “Ngũ Đại mai Thần chủ五代埋唇主 thì 5 đời tống giỗ và đều dồn vào “Chạp” hết, không nhất thiết phải cúng vào ngày kị. Do đó sau này quan viên họ đã lấy ngày Tổ xuống thuyên trên sông Văn Úc ra đi đánh trận[5] không về (Rằm tháng Giêng) là ngày Chạp Tổ[6]. Việc đó vừa linh thiêng tưởng niệm người có công, vừa đúng tháng hội hè, ít ảnh hưởng đến việc sản xuất của cháu con.
Do đó, cùng với Núi Voi, sông Văn Úc gắn với quê hương và dòng tộc là vậy. Thật là :
象山德基門戶詩禮憑舊蔭 ;
郁江人脈亭皆芝玉惹莘香:
Đọc : Tượng sơn đức cơ môn hộ thi lễ bằng cựu ấm;
Úc giang nhân mạch đình giai chi ngọc nhạ tân hương.
Nghĩa: “Núi Voi xây nền đức, gia tộc dòng dõi bởi nhờ ơn đời trước ;
  Sông Úc tạo nguồn nhân, cả nhà giỏi tài vì sức gắng lớp sau”.
Lại truyền rằng : “Tử vu ha tặc trận vong. Hậu hữu linh dị, mỗi phùng tật dịch thiết đàn phụng sự đắc an”. Tạm dịch: “Sau khi tử trận, Cụ rất linh thiêng, con cháu ai có tật bệnh bày hương án cầu xin sẽ qua khỏi”. Cũng vì thế mà ngày giỗ của cụ được chọn làm ngày Chạp Tổ. Khi thịnh vượng, có ruộng họ (嗣田, Tự điền, 忌田 Kỵ điền) nên tổ chức Giỗ rất to, được quan viên họ coi trọng và nhiệt tâm, có lần còn mời cả phường trò về hát diễn cho con cháu xem. Trước đó ngày 14 là ngày Yết Tổ, làm quần áo, thuyền giấy đặt vào nong nia. Khi tế lễ xong rước ra bến Khuể thả xuống sông Văn Úc trôi ra bể, hôm sau mới làm Giỗ Tổ chính thức.
Xuôi ra cửa biển 1,5 km nữa là địa phận thôn Cốc Tràng (谷場, bãi chim Cốc), giáp Cao Mật thuộc xã An Thọ. Chính nơi đây cụ Phạm Đình Khanh[7] 范廷牼, hậu duệ đời thứ 16, 17 của Phạm Ngũ Lão (范五老, 1255-1320) và là người con thứ tư của Thượng tổ Phạm Công Quý 范公貴 từ Đường Hào 唐豪[8] sang lập nghiệp vào năm Bính Thân, 1716. Cụ mất ngày 09 tháng Giêng năm Cảnh Hưng thứ nhất (Canh Thân, 1740). Đời sau suy tôn là Cụ Tổ họ Phạm ở đây 范谷場肇祖.Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão nhiệm kỳ 2010-2015 là Phạm Duy Đảm người Cốc Tràng nhưng không thuộc dòng họ cụ Phạm Đình Khanh.
Liền với Chiến Thắng là An Thọ, quê hương của Hoàng giáp Lê Khắc Cẩn 黎克謹黃甲. Ông người làng Hạnh Thị 杏市 tổng Đại Phương Lang 大芳榔, huyện An Lão 安老, phủ Kiến Thụy 建瑞, tỉnh Hải Dương 海陽 (nay là thôn Hạnh Thị, xã An Thọ, huyện An Lão). Xuất thân trong một gia đình nghèo nhưng có chí học hành, từng đỗ đầu khoa hương, hội và đỗ thứ nhì thi đình, đạt Đệ nhị Giáp tiến sĩ hay còn gọi là Hoàng Giáp trong  khoa Nhâm Tuất, 1862. Ông được bổ làm quan, đảm nhiệm nhiều chức vụ dưới triều Tự Đức (黎克謹, 1833-1874): làm việc ở Viện Tập hiền, Tòa Kinh diên, sau đó mới chuyển đi làm Tri phủ, Án sát, rồi Bố chính. Ông là người luôn luôn đứng về phe chủ chiến, chống lại bọn thực dân Pháp. Ông là người có tài văn học, trước tác để lại nhiều. Hiện Đền thờ ông đã trùng tu rất to đẹp, đàng hoàng tại quê hương.


[1] Với tổng mức đầu tư 441 tỷ đồng cho 2 hạng mục (vốn ngân sách thành phố và trái phiếu Chính phủ) cầu Khuể dài 1.298m, trong đó, cầu dài 787m, rộng 11m, cho 2 làn xe cơ giới và 2 lề cho người đi bộ. Kết cấu dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực và dầm Super-T; khổ thông thuyền cao 10m, rộng 80m, đường dẫn hai đầu cầu 511m, rộng 12m, vận tốc thiết kế 80km/giờ.
[2] Trước 1945 dưới huyện là tổng thì khu vực gần Bến Khuể là đất đai của  tổng Đại Phương Lang 大芳榔tổng Cao Mật 高密總2 tổng liên quan nhiều đến dòng họ Lương ở An Lão.
Từ tháng 6/1946, 7 xã thuộc tổng Cao Mật cũ được chính quyền mới nhập thành 2 xã: Cảnh Hưng (gồm: Mông Tràng Hạ, Phương Lạp, Tôn Lộc và Cốc Tràng) và Kim Lĩnh Thượng (gồm: Cao Mật, Kim Côn, Côn Lĩnh, Mông Tràng Thượng).
[3] Địa danh Cao Mật (高密= Bãi đất cao, rậm rạp, liền kín) và tên dòng sông (文郁 = sông quanh co ven bờ cây cối sum sê, um tùm, rậm rạp) đã chỉ rõ điều đó.
[4] Trong VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA ẤT MÙI NIÊN HIỆU HỒNG ĐỨC NĂM THỨ 6 (1475) do Đông các Hiệu thư Mẫn sự Tá lang Lê Ngạn Tuấn 黎彥俊 soạn, Cẩn sự lang Trung thư giám Chính tự Thái Thúc Liêm 太蘇叔 viết chữ chân,  Mậu lâm lang Kim quang môn Đãi chiếu Tô Ngại 蘇礙 viết chữ triện; được  dựng ngày 15 tháng 8 niên hiệu Hồng Đức thứ 15 (洪德十五年, 1484) thì khoa đó “Qua bốn trường, lấy trúng cách được 43 người”. Trong đó danh sách 27 người  đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân có ĐOÀN MẬU 段懋  người huyện An Lão phủ Kinh Môn. Ông này được người dịch chú thích là Đoàn Mậu (?-?) người xã Kim Côi huyện An Lão (nay thuộc xã Chiến Thắng huyện An Lão Tp. Hải Phòng). Ông giữ các chức quan, như Thượng thư Bộ Hộ, Tri Chiêu văn quán, Tú lâm cục, tước Cẩm Lễ nam. Như vậy chưa rõ Đoàn Mậu đó có phải  Phạm Đoàn Mậu, hậu duệ cụ Phạm Công Tài không?.
[5] Tôi đoán chứng Người xuôi thuyền ra cửa bể Kiến Thuỵ để ngược lên phía Đồ Sơn thời đó có nhiều “phản loạn” và phải chăng có liên quan đến các cuộc khởi nghĩa của nông dân hay những “thảo khấu” vùng cửa sông ngày đó.
[6] Hai điểm trùng hợp: -Ngày Giỗ Tổ chung (Rằm tháng Giêng) và Tổ Ngành 3 (19/2) đều không phải ngày kị của Nội Tổ, -Ngày Giỗ Tổ (Rằm tháng Giêng) và ngày Kị ông Nội tôi (29-Giêng) chỉ là ngày tưởng nhớ khi Người rời nhà ra đi,cả 2 cụ đều “Thuỷ táng”.
[7] Không hiểu có liên quan gì đến Phạm Đình Trọng (1714 - 1754), danh tướng  thời Lê, cũng quê: Hải Dương từng chỉ huy quan quân đánh dẹp khởi nghĩa Nguyễn Hữu Cầu tại vùng duyên hải Bắc bộ không ?
[8] Nay thuộc huyện Ân Thi, Hưng Yên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!