Tiên Minh trongĐôồng Kánh điịa dư chí (Phiên âm của tôi) |
Gần đây “Tiên Lãng” khá nổi danh bởi sự kiện cưỡng chế nhà trông đầm nuôi tôm của anh Đoàn Văn Vươn ở xã Vinh Quang. Nhưng với tôi huyện này là một nơi mà Tổ tiên tôi từng dừng chân trước khi có một nhánh sang An Lão và Vinh Quang (xã Thái Bình xưa) cũng có một nhánh họ Lương khá đông.
1. Vùng đất đón Bình minh trước nhất.
Tiên Lãng là vùng đất cổ có địa danh trên 700 năm. Thời Lý, Trần vùng đất này và Thanh Hà (thuộc Hải Dương) ngày nay có tên là Xứ Bàng La 旁罗处. Thế kỷ XIV đổi thành huyện Bình Hà 平河 thuộc châu Nam Sách 南索. Vào năm Quang Thuận thứ nhất (光順元年,1460) Lê Thánh Tông đã tách thành hai huyện Tân Minh 新明縣 và Bình Hà (nay là Thanh Hà) thuộc Phủ Nam Sách. Năm 1600 do kiêng húy Vua Lê Kính Tông (黎敬宗, 1588 – 1619) là Duy Tân 維新 nên Tân Minh đổi thành Tiên Minh 先明縣 thuộc trấn Hải Dương 海陽鎭. Năm 1884 do phạm húy Vua Hàm Nghi (咸宜, 1871-1943) là Nguyễn Phúc Minh 阮福明 (Ưng Lịch) nên đổi thành Tiên Lãng 先朗. Năm 1893 tách khỏi Phủ Nam Sách tỉnh Hải Dương 海陽省 nhập vào tỉnh Hải Phòng 海防省. Tỉnh này từ ngày 05/8/1902 đổi thành Phủ Liễn đến 17/02/1906 đổi ra tỉnh Kiến An 建安. Từ sau 27/10/1962 Kiến An hợp nhất với Hải Phòng và từ đó Tiên Lãng là huyện ngoại thành của Hải Phòng.
Thời Đồng Khánh (同 慶, 1886-1888) huyện có 12 tổng với 93 xã thôn. Trong đó có những địa phương liên quan nhiều đến chi phái họ Lương Cao Mật (Chiến Thắng nay) là: tổng Phú Kê 富 鷄 (nay là thị trấn Tiên Lãng) có 7 xã (là: Trung Lăng 中陵, Dư Đông 余東, Cựu Đôi, Triều Đông, La Cầu 羅梂, Phác Xuyên); tổng Dương Áo 陽襖 (nay là xã Hùng Thắng) có 9 xã (là: Xuân Úc 春郁, Vân Úc, Kỳ Úc, Thúy Niểu, Văn Úc 文郁, Văn Đông, Dương Áo, Lao Chử 牢渚, Lao Khê); tổng Hà Đới 河帶 có 5 xã (Hà Đới, Kim Đới, Ngọc Động, Lai Phương Thượng, Cương Nha); tổng Kênh Thanh 涇涼 (nay là xã Cấp Tiến) có 6 xã (Đăng Lai 登來, Kênh Thanh, Phú Xuân, Thái Lai, Hào Nhuế, Lai Phương Hạ và 2 thôn là Yên Sơn, Quan Bồ 關蒲).
Khi Pháp thành lập tỉnh Kiến An (建安, 1906) thì Tiên Lãng có 13 tổng: Đại Công 大公 (gồm các xã: Đại Công, Châm Khê, Tiên Cựu, Giang Khẩu, Lâm Cao, Xuân Cát, Để Xuyên, An Mỗ, Sa Trung, Đống Tảo), Kinh Khê 荊溪(gồm các xã: Kinh Khê, Mỹ Khê, Cẩm Lạ, Ngân Bồng, Ngân Cầu, Phương La, Tất Cầu, Phú Cơ, Cổ Dụy), Phú Kê 富鷄 (gồm các xã: Phú Kê, Cựu Đôi, Phác Xuyên, Triều Đông, Dư Đông, La Cầu, Trung Lăng), Kỳ Vĩ 奇偉 (gồm các xã: Kỳ Vĩ, Lật Khê, Lật Dương, Chính Nghi, Khôi Vỹ, Trà Đông), Duyên Lão 延老 (gồm các xã: Duyên Lão, Tự Tiên, Tiên Lãng, Đông Ninh, Phương Đôi, Đông Côn, Tình Xuyên, Khánh Lai, Xa Vỹ), Cẩm Khê 錦溪 (gồm các xã: Cẩm Khê, Mỹ Lộ, Lộc Trù, Đốc Hành, Đốc Hậu, Lộ Đông, Bằng Viên, lệ Cẩm, Sơn Đông), Dương Áo 陽襖 (gồm các xã: Dương Áo, Lao Chữ, Lao Khê, Văn Úc, Vân Đông, Thái Bình, Thái Hòa), Xuân Úc 春郁 (gồm các xã: Xuân Úc, Thúy Niểu, Bạch Xa, Kỳ Úc, Vân Đô, Trung Nghĩa), Ninh Duy 寜維 (gồm các xã: Ninh Duy, An Dụ, An Tử Thượng), Hà Đái 河帶 (gồm các xã: Hà Đái, Kim Đái, Ngọc Động, Đồng Cống, Kim Quan, Cương Nha, Lai Phượng Thượng), Tử Đôi 紫堆 (gồm các xã: Tử Đôi, Vân Đôi, Tử Lạc, Đông Xuyên, Tiên Đôi Nội, Tiên Đôi Ngoại, Xuân Lai, Xuân Hòa, Xuân Quang, Hộ Tứ, Nhân Vực), Kinh Lương 涇涼 (gồm các xã: Kinh Lương, Quan Bồ, Phú Xuân, Thái Lai, Hào Nhuế, Lai Phương Hạ, Phương Lai), Hán Nam 漢南 (gồm các xã: Hán Nam, Tuân Lương, Tuân Lương Nội, An Tử Hạ, An Thạch, Thạch Hào, Bắc Phong, Nam Phong, Thanh Trà, Trì Hào, Thanh Trì).
Đến nay Tiên Lãng là huyện ở phía Tây Nam của Hải Phòng. Tây và Tây Nam giáp huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng), Đông Bắc giáp Tứ Kỳ và Thanh Hà (Hải Dương), Bắc giáp An Lão và Kiến Thụy (thuộc Hải Phòng, qua sông Văn Úc), Đông trông ra vịnh Bắc Bộ, phía Đông Nam giáp Thái Thụy (thuộc Thái Bình, qua sông Thái Bình) ứng với câu: “Đầu Mè, đuôi Úc, giữa khúc Lục Đăng”. Huyện rộng 189 km² gồm thị trấn Tiên Lãng và 22 xã: Đại Thắng, Tiên Cường, Tự Cường, Tiên Tiến, Quyết Tiến, Khởi Nghĩa, Tiên Thanh, Cấp Tiến, Kiến Thiết, Đoàn Lập, Bạch Đằng, Quang Phục, Toàn Thắng, Tiên Thắng, Tiên Minh, Bắc Hưng, Nam Hưng, Hùng Thắng, Tây Hưng, Đông Hưng, Tiên Hưng, Vinh Quang.
2. Về chữ Hán chỉ địa danh “Tiên Lãng”:
Theo Đồng Khánh địa dư chí 同慶地輿誌 do Ngô Đức Thọ, Nguyễn Văn Nguyên, Philippe Papin, Phan Văn Các, Lê Việt Nga, Dương Thị The...biên tập, Nhà xuất bản Thế Giới, Hà Nội, 2003 ...thì địa danh Tiên Minh cổ nhân đã viết là 先明縣. Tức là dùng chữ 先 (nghĩa là đón ánh sáng đầu tiên) chứ không dùng chữ 仙 (nghĩa là Đạo sĩ đón ánh sáng). Còn cuốn Địa danh và tài liệu lưu trữ về làng xã Bắc Kỳ của Vũ Thị Minh Hương, Nguyễn Văn Nguyên, Philippe Papin, NXB VHTT, Hà Nội 1999 thì viết địa danh Tiên Lãng là 先朗 (với nghĩa đón ánh sáng trước nhất). Như vậy thành tố “Tiên” là “trước” không phải là “Nàng Tiên” hay “Đạo sĩ ” 仙. Còn “Lãng” là “ánh sáng” chứ không phải sóng gió như chữ 浪. Các ý nói nơi đây là “đầu sóng ngọn gió” 先浪 chắc là mới nẩy sinh sau “Vụ Đoàn Văn Vươn”!
3. Khởi thủy xã Vinh Quang:
Theo thần tích Di tích lịch sử văn hoá đình Thái Bình (Đình Đông), cụ tổ họ Lương vùng này là Lương Đắc Phúc đã từ làng Lao Chữ đến làng Đông Trên vào khoảng 1848 – 1884 đời Tự Đức, cùng một số các cụ tổ các dòng họ khác ra vùng ven biển quai đê lấn biển, khẩn dân lập ấp. Như vậy là gần như cùng thời với khi cụ Nguyễn Công Trứ (阮公著, 1778 – 1858) chiêu mộ dân nghèo, đắp đê lấn biển, lập ấp, khai sinh các huyện Kim Sơn (thuộc tỉnh Ninh Bình ngày nay), Tiền Hải (thuộc tỉnh Thái Bình ngày nay) vào những năm cuối thập niên 1820.
Khi đã ổn định dân cư, các cụ đã cùng nhau thảo đơn cho cụ Tổ họ Nguyễn vào Huế xin được lập xã Thái Bình. Vua Tự Đức đã có chiếu chỉ phê chuẩn vùng đất mới khai khẩn lập thành xã Thái Bình (太平, thuộc tổng Dương Áo 陽襖) được hoạch định như sau:
Đông bể Đồ Sơn
Bắc liên Kiến Thuỵ
Nam vọng Lỗ Trường
Tây giáp Lao Chữ - Lao Khê
Ngòi thông tự thử Thông Câu
Dân phong biệt chiếm Thái Bình
Xã Thái Bình ngày ấy nay là xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Thành phố Hải Phòng. Cụ tổ họ Nguyễn được nhân dân tôn là thành hoàng. Các cụ tổ họ Lương, họ Đỗ, họ Vũ được dân tôn là Tiên Khẩn, được tôn thờ ở đình Thái Bình. Đình này đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Thành phố.
-Lương Đức Mến, BS từ nhiều nguồn TK-
Các địa danh ghi bằng chữ Hán trên bản đồ huyện Tiên Minh:
Trả lờiXóa先明縣蒞: huyện lị Tiên Minh;
Các Tổng: 寧維總: Nịnh Duy, 河帯總: Hà Đới, 涇清總: Kinh Thanh, 漢南總: Hán Nam, 紫堆總: Tử Đôi, 竒偉總: Kì Vĩ , 延老總: Diên Lão, 陽燠總: Dương Úc, 錦溪總: Cẩm Khê, 富鶏總: Phú Kê, 荊溪總: Kinh Khê, 大公總: Đại Công;
Các cửa sông: 文郁海口: Văn Úc, 太平海口: Thái Bình, 虎芒江, 錦羅三岐, 貴皐三岐, 雷潭;
Nơi thờ tự: 戸口並定神祠: Phiên (?) Khẩu tịnh định thần, 文祠: Văn từ, 陳尊室祠: Trần Tôn Thất từ, 海龍王神祠: Hải Long Vương thần từ, 荊山神祠: Kinh Sơn thần từ, 陳仁尊(庙): Trần Nhân Tông (miếu), 呉官領祠: Ngô Quan Lĩnh từ.