Thời gian đưa
chúng ta ngày càng xa Tổ tiên, xa nơi phát tích nên ký ức, hiểu biết về tiền
nhân, quá khứ ngày mờ nhạt, thậm chí quên lãng hay sai lệch. Người có Hiếu, có Tâm đều biết “thận chung truy viễn” 慎終追遠 và đau đáu một nỗi niềm:
Ai người dẫn nhập khai cơ ?,
Từ đâu đưa đến ?,
bao giờ ?, tại sao ?
Khơi dòng, mở đất
thế nào?
Nên chi, nên
nhánh công lao ai bì!
Sinh thời, phụ thân tôi từng kể: “Các cụ xưa truyền rằng: dòng họ ta vốn con
cháu Cụ Thượng Lương Đắc Bằng từ Thanh Hóa ra. Nhưng vì sợ họa truy diệt nên
chỉ truyền miệng mà không ghi chép lại!”. Khi trưởng thành tôi từng tự đặt
câu hỏi: quê tôi ở xã Chiến Thắng, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng sao không
phải khởi nguồn từ các bậc tiên liệt họ Lương quanh vùng như: Lương Nhữ Học[1] ở Hải Dương, Lương Thế
Vinh[2] ở Nam Định mà lại có cội
nguồn từ họ Lương tận Thanh Hóa? Liệu các Cụ có “tam sao thất bản” không? Đem
câu hỏi này hỏi nhiều người, lục tìm nhiều tư liệu vẫn chưa tìm được lời giải
đáp.
Từ
đất Tổ, việc di cư hình thành các chi phái theo dọc chiều dài lịch sử, tỏa ra
nhiều nơi, lại thêm việc đổi họ tên, danh phận khá phổ biến nên việc tìm về
nguồn cội với thủy tổ, viễn tổ; việc kết nối các chi phái trong dòng họ hết sức
khó khăn. Muốn làm được việc đó phải biết được, nắm chắc môn Lịch sử,
Địa-Lịch sử... Song địa danh, địa giới luôn thay đổi, các sự kiện lại ghi chép
rời rạc, tản mát, đôi khi mâu thuẫn nhau; Gia phả mất (do Thủy 水,
Hỏa 火, Đạo 盜, Tặc 賊, bởi nguyên nhân từ chính bản thân nội tộc) hay thiếu hoàn
chỉnh; người chép, người phiên âm, người dịch Gia phả[3] theo nhiều mốc thời gian,
bằng nhiều cách với những trình độ, nhận thức khác nhau nên khi đọc rất khó
hình dung, nhất là với lớp trẻ.
Tiếc rằng môn Địa - Lịch sử tôi không
được học; bản thân lơ mơ về Hán Nôm lại xa quê gần 50 năm, từ lúc 9 tuổi; cha
thì đã mất hơn 10 năm, anh em chẳng ai biết gì hơn. Tới khi gặp gỡ với các vị trong Ban Liên lạc
họ Lương Việt Nam, nhất là khi được các bậc cao niên, đồng niên tin tưởng gửi,
cung cấp nhiều thông tin, nhiều bản Gia phả họ Lương ở các miền trong đó có họ
Lương Cao Hương, họ
Lường Phủ làng Hội Triều, họ
Lương làng Luật Ngoại, họ
Lương ở Tiên Lãng và họ Lương
làng Cao Mật...tôi được tiếp
xúc nhiều thông tin. Nghiên cứu kỹ thấy có nhiều tư liệu và ý kiến phân tích có
tính lịch sử, logic mà phối kiểm với các tài liệu khác có thể lần tìm được cội
nguồn của dòng, phái nhà tôi. Đây là những nấc họ gốc mà theo truyền
ngôn là phân nhánh ra dòng họ Lương ở tổng Cao Mật, huyện An Lão xưa mà nay là
xã Chiến Thắng, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng đã được 11 đời.
Với Tâm nguyện của mình, tôi cố gắng tìm,
chắt lọc tư liệu trong các trang sách, báo in, trên các trang mạng ...ở tủ sách
gia đình hay đã tải về máy cùng một số sách, trang mạng về lịch sử, địa lý…ở
Thư viện, tìm gặp những người nắm được thông tin, cùng sở nguyện… để hiểu, hình
dung lại gần sự thực nhất chặng đường tổ tiên tôi từ Thanh Hóa ra Tiên Lãng,
rồi sang Cao Mật và tiếp tỏa đi nơi khác cùng những kiến giải của mình về chặng
đường đó.
Do vậy mỗi nội dung sẽ gồm: Địa dư chí
các vùng đất liên quan; Những lời truyền tụng; Những nội dung có trong các Gia
phả; Phân tích dưới góc nhìn lịch sử; Bàn luận. Những chi tiết đó khi soạn được
tương đối hoàn chỉnh tôi sẽ gửi cho các vị Trưởng họ liên quan mà tôi biết địa
chỉ đồng thời lần lượt đưa lên Blog dòng họ thành 7 phần với nhiều bài khác
nhau. Trong đó:
Phần Mở
đầu gồm đôi trang dẫn luận và bổ túc kiến thức, tìm hiểu cội nguồn những
vấn đề liên quan.
Phần Nội
dung gồm 5 mục:
Mục 1 là thuật việc anh em họ Lương từ Chiết Giang sang Việt cư ngụ ở Cao Hương và ở Hội
Triều hồi Thế kỷ XIV.
Mục 2 tìm hiểu về Thủy tổ Lương Đắc Bằng và con cháu.
Mục 3 tìm hiểu chuyện một nhánh từ Hội Triều ra Tiên Lãng tránh
họa hồi Thế kỷ XVI.
Mục 4 tìm hiểu việc từ Tiên Lãng một phân nhánh sang An Lão kiếm kế sinh nhai hồi Thế kỷ
XVIII. Riêng chuyện từ An Lão lên
phát triển KT, VH ở Lào Cai theo điều động của nhà nước vào tháng 02/1964 đã
và sẽ được viết riêng
Mục 5 vài lời kiểm ngẫm và nhắn gửi quan
viên họ, gửi lại cháu con.
Cuối là Phụ lục gồm những bài văn Cúng, Khấn, bài Thơ liên quan.
Như vậy, chuyên khảo này sẽ khá dài và
phải đầu tư nhiều công sức, cần nhiều tư liệu, ý kiến thảo luận, phản hồi ở
nhiều chi phái, nhiều nơi trong và ngoài họ. Vì nhằm dùng riêng cho bản thân và
gia tộc nên không ghi chú nguồn tham khảo cụ thể và những từ, chữ nước ngoài
đặt kèm có tác dụng để nhớ, tiện tra cứu.
Trong dịp Giỗ Tổ Nhâm Thìn 2012 đã in,
trình trước Nhà Tổ và gửi đại diện các chi, một vài người quan tâm đọc. Sau đó,
tôi nhận được nhiều ý kiến phản hồi và thu thập thêm nhiều thông tin mới. Trên
cơ sở đó tôi đã chắt lọc, bổ sung thêm
đề mục, tư liệu, chi tiết; sắp xếp lại bố cục thành cuốn chuyên khảo này.
Từ đây sẽ đưa dần các bài có trong đề mục ở đây trong Blog này. Một số nội dung đã được đưa lên trước nhưng nay có bổ sung chỉnh sửa nên sẽ gỡ bài cũ đi.
Rất mong được Quan viên họ và những ai quan tâm hưởng ứng, suy ngẫm, phản biện và bổ sung, góp ý, chỉnh sửa hay cung
cấp tư liệu để giúp tôi hoàn thành tâm nguyện của mình, di huấn của phụ thân.
[1]
Thám hoa 梁汝鵠 (tự: Tường Phủ, hiệu: Hồng Châu; 1420
- 1501), từng giữ chức Thị lang, Trung thư lệnh và Đô ngự sử đời Lê Thái
Tôn. Ông còn là nhà văn, ông tổ nghề khắc ván in Việt Nam. Người huyện Trường Tân, trấn
Hải Dương (nay là xã Tân Hưng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương)
[2]
Trạng nguyên 梁世榮 (tự Cảnh Nghị hiệu: Thuỵ Hiên; 1440 - ?), nhà thơ, nhà
văn hoá Việt Nam.
Người làng Cao Hương, huyện Thiên Bản, trấn Sơn Nam Hạ (nay là thôn Cao
Phương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) nổi tiếng thần đồng, từng giữ các chức: Trực học sĩ viện Hàn lâm, Thị
thư, Chưởng viện sự, là sái phu trong Hội Tao đàn, là tác giả của nhiều
sách về tôn giáo, nghệ thuật, toán học..
[3]
Viết bởi chữ Hán cổ chen nhiều chữ Nôm lại càng khó cho hậu sinh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!