Cuối năm, bận tối ngày nhưng thỉnh thoảng lại được các chị, các em, các cháu...”tranh thủ ý kiến” việc nọ việc kia mà chủ yếu là việc “xem ngày”.
Chợt giật mình hỏi: tại sao bây giờ làm gì cũng phải “xem ngày” nhỉ? Đôi nào cưới cũng xem ngày, chọn giờ, ai làm nhà cũng “nhờ thầy” hẳn hoi,…Sao nhiều đám vẫn bỏ nhau, nhiều nhà vẫn cháy và mây mây khác nữa!
Lại nữa, lệ xem ngày, lựa giờ có từ khi nào? Nó có cơ sở khoa học không? Liệu có thể “tự xem” hay “minh xác” lại lời thầy đã phán không?.
Tập hợp những tư liệu in thành sách, có trên mạng đã đọc được, có kiểm nghiệm tí chút về các quy ước ngày tốt xấu và phương pháp chọn ngày, chép lại ra đây để nhớ, hiểu thêm chút ít về lệ tục dân gian.
1. Những vấn đề chung về lệ xem ngày:
Thiên nhiên tạo ra con người và muôn vật và cho ta nước uống, thức ăn, không khí, ánh sáng, ...để ta tồn tại, phát triển và duy trì nòi giống. Nhưng bao nhiêu tai hoạ dồn dập đe doạ cuộc sống con người: hạn hán, bão lụt, sấm sét, giông tố, dịch bệnh, thú dữ... cũng do thiên nhiên đưa tới.
Khi xã hội có giai cấp thì thân phận từng người khác nhau. Không giải thích nổi, họ đành quy mọi mối vào tạo hoá. Do bản năng sinh tồn, con người phải tìm cách duy trì và phát triển nòi giống, vươn lên làm chủ muôn vật trên trái đất. Nhu cầu được thu hái sản phẩm, ăn no, mặc ấm, được ở, đi lại bình yên, chống đỡ được bệnh tật tai hoạ là những nhu cầu cơ bản thuộc bản năng sinh vật.
Tâm lý chung của xã hội: tìm điều lành tránh điều dữ, xuất phát chung của các loại hình tôn giáo, các loại hình bói toán và các thuật chọn ngày giờ lành dữ.
Không phải mọi người đều tin rằng yếu tố quyết định sự thành bại là do chọn ngày chọn giờ. Có người cho đó là điều nhảm nhí, nhưng chiều theo tâm lý chung của nhiều người trong gia đình họ hàng, xét thấy chẳng có hại gì, nên cũng chọn ngày chọn giờ. Đối với một người trong một năm, năm năm, làm sao tránh khỏi rủi ro bất ngờ, huống gì đối với cả nhà, cả họ.
Hễ khi ai đó xảy ra tai nạn, họ đổ lỗi cho người chủ sự báng bổ, không chịu chọn ngày, chọn hướng.
1.2. Sự may rủi không đồng nhất:
Chọn ngày, giờ là một tục lệ biểu hiện sự thành kính, thận trọng, nghiêm trang, không tuỳ tiện, không cẩu thả trước, trong và sau khi tiến hành một công trình, do đó dễ được sự đồng tình của những người có liên quan, đối tác.
Nhưng theo nhiều tài liệu thì không có ngày nào hoàn toàn tốt hay xấu cho mọi người, mọi việc, mọi địa phương và với mỗi cách tính sẽ cho kết quả khác nhau. Thực tế, trên chiến trường, thời điểm ta thắng thì địch thua, trên thương trường anh mất của thì người khác được của. Trời mưa lợi cho việc đồng áng ruộng vườn thì bất lợi cho việc xây nhà hay đi đường... Như vậy ngày tốt ngày xấu còn tuỳ thuộc từng người, từng việc, từng hướng, từng vùng.
Đồng thời, ngày tốt, ngày xấu còn tuỳ thuộc vào quan niệm của từng người. Ví dụ mất của là điều không may, nhưng để an ủi người mất của, người ta bảo đó là điều may vì “của đi thay người”. Ngày Nguyệt kỵ tức mồng năm, mười bốn, hai ba, ta cho là ngày xấu, kỵ kiêng xuất hành. Nhưng tránh được ngày nguyệt kỵ lại đến ngày tam nương (13 tam nương, 14 nguyệt kỵ, 22 tam nương, 23 nguyệt kỵ), nếu có việc cần kíp thì sao? Nên có thuyết cho rằng Nguyệt kị là ba ngày tốt nhất trong cả tháng. Bởi vậy, ngày xưa vua chúa chọn ba ngày đó đi du ngoạn. Vua chúa đi đâu cũng có binh lính dẹp đường, tiền hô hậu ủng. Dân chúng không được nhìn mặt vua chúa, phải cúi rạp hai bên vệ đường, chờ cho xa giá đi qua mới được đứng dậy. Muốn được việc, đành phải tìm đường khác đi cho nhanh, đỡ mất thì giờ, nhiều khi phải bỏ việc quay trở về. Dần dần, trở thành phong tục tránh 3 ngày mồng 5, mười bốn hăm ba của từng tháng. Ngày tốt đối với kẻ cao sang, nhưng trở thành ngày xấu của dân thường.Có nhiều cho rằng: ngày xấu thiên hạ kiêng không xuất hành, thì đối với mình càng tốt, vì ngoài đường đỡ chen chúc nhau, xe tàu rộng chỗ, đỡ tai nạn giao thông.
Khi đã chọn được ngày tốt đối với từng việc, theo thuật chiêm tinh, còn phải đối chiếu ngày đó có hợp với bản mệnh của người chủ sự hay không? Cụ thể, phải xem ngày đó thuộc hàng can, hàng chi nào? Có tương xung, tương khắc,tương hình, tương hại với bản mệnh can, chi của người chủ sự hay không?
Thuật chiêm tinh đúng hay sai, luận thuyết mình tuân theo đáng tin cậy hay không, chỉ có những người đi sâu nghiên cứu mới xác định được, tuy rằng “vô sư, vô sách, quỷ thần bất trách”, nhưng có vẫn còn hơn không, nếu sai sót gì đổ lỗi cho thầy, đã có thầy mang tội, người chủ sự đỡ lo.
Việc chọn ngày đã có từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế 三皇五帝 bên Trung Quốc nhưng đơn giản hơn.
Cụ Phan Kế Bính (潘繼炳, 1875 – 1921) đã nhận xét: Ðến đời sau các nhà âm dương thuật số mỗi ngày mới bày thêm ra ngày tốt, ngày sao xấu, ngày này nên là việc nọ, ngày kia nên làm việc kia. Hết ngày rồi lại có giờ sinh, giờ hợp, giờ xung, giờ khắc, động làm việc gì cũng phải xem ngày, kén giờ, thực là một việc phiền toái quá. Ðã đành làm việc gì cũng nên cẩn thận, mà chọn từng ngày, kén từng giờ mà phí câu nệ khó chịu. Mà xét cho kỹ thì có ích gì đâu, chẳng qua việc thành hay bại cốt do ở người chớ có quan hệ gì ngày tốt hay ngày xấu. Nếu cứ chọn ngày giờ mà nên việc thì không cần gì phải dùng đến sức người nữa hay sao?
Từ lịch sử xa xưa, ta đã có lịch và qua đó suy luận ra ta cũng đã có thuật chọn ngày. Kể cả khi tiếp thu thuật chiêm tinh Trung Quốc, ta cũng không tiếp thu toàn bộ, nhất là trong dân gian các tục kiêng cữ có nhiều chỗ khác nhau.
Hồi đầu thế kỷ 20, khi được tiếp xúc với văn minh Tây phương, nhiều nhà tri thức tân tiến đã lên tiếng công kích các thói hư tật xấu, đã loại bỏ được nhiều hủ tục lỗi thời, trong đó tục chọn ngày cũng đã giảm nhẹ và có phần cải tiến, không nhất mọi việc đều chọn ngày, chọn hướng như thời xưa.
Sau Cách mạng tháng 8/1945, tiếp đến 30 năm kháng chiến, sách hướng dẫn mất dần, số người biết chữ Hán ngày càng ít. Hơn nữa toàn dân mải lo “diệt thù cứu nước”, lo cái ăn cái mặc mấy ai quan tâm đến việc chọn ngày, chọn giờ. Đồng thời cũng chẳng có điều kiện mà “chọn”: nhận lệnh thì lên đường; mọi sinh hoạt thường nhật chuyển về đêm, tại nơi sơ tán; trai gái yêu nhau, hai gia đình bằng lòng, thấy ngày nào thuận tiện thì hẹn nhau cưới; nhà cháy, cầu sập thì dựng lại; muốn biết ngày nắng, ngày mưa thì nghe dự báo thời tiết; chết thì chôn không để quá 24 giờ...đâu kể gì ngày giờ Hoàng đạo, Hắc đạo, Trùng phục, Trùng tang, Trực khai, Trực bế. Mọi thứ đều an ủi bằng câu: ”vô sư, vô sách, quỷ thần bất trách”, ai làm trái đi sẽ bị xa lánh, lên án.
Song dù vậy, tục chọn ngày chọn giờ vẫn âm ỉ lan truyền trong dân gian. Mặc dầu quần chúng mấy ai biết: ngày nào là ngày “Thiên ân”, ngày nào là ngày “sát chủ”, nhưng những câu nói cửa miệng vẫn có thế dùng làm cơ sở lý luận chọn ngày chọn giờ. Thí dụ: Tâm lý chung thích chọn ngày chẵn, tránh ngày lẻ, tránh ngày Sóc (mồng 1), ngày Nguyệt tận (cuối tháng)...và nó được đúc kết trở thành ca dao, tục ngữ lưu truyền trong dân gian.
Từ sau 1975, nhất là trong những năm gần đây, tập quán chọn ngày, chọn giờ lại rộ lên. Ngoài những tư liệu thời xưa còn rải rác lưu truyền ở các địa phương, còn nhiều sách vở từ Thái Lan, từ Đài Loan, Hồng Kông và các nước Đông Nam Á khác tràn vào; thầy cũ cộng thêm thầy mới, tự nhiên hình thành tầng lớp “thuật sĩ” chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp đủ các dạng và ngày càng có đất phát triển!.
Ngày nay, một chuyện ngược đời khá phổ biến là các bác sĩ, kỹ sư có bằng “Cao cấp lý luận” hẳn hoi khi gặp việc lại đi hỏi “thầy” lớp 4, chẳng biết một chữ Hán, tiếng Việt thì viết và nói sai tùm lum! Hay như tôi có mấy anh bạn học cùng lớp 2 ở Sơn Hải (thuộc Bảo Thắng, Lào Cai) hồi nhỏ học kém, bài thuộc lòng ngắn tũn cũng chẳng thuộc, toán thì luôn sai thế mà bỗng dưng được “ăn lộc Thánh”, thành thầy và khách tới lui tấp nập, xây được nhà, sắm được xe !.
Tôi đã từng lý giải và tìm hiểu về phép đo thời gian.
1.4. Việc chọn ngày dưới ánh sáng khoa học:
Từ xưa và đến nay nước ta vẫn chưa thoát khỏi nền nông nghiệp lạc hậu. Cái ăn, cái mặc, nơi ở thuộc bản năng sinh sống của con người. Vì vậy, lịch pháp và thiên văn học cổ đại Phương Đông rất chú trọng đến thời tiết. Đặc biệt lịch tiết khí, lịch mặt trăng là loại lịch độc đáo chủ yếu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp nên gọi là Nông lịch. Do vậy tâm lý tìm ra ngày tháng tốt lành theo Âm lịch (thực chất là Âm Dương lịch) là phổ biến và tồn tại lâu dài.
Triết học phương Đông xưa, từng quan niệm “Con người là một Tiểu vũ trụ”. Quan niệm đó càng tỏ ra xác đáng trước những khám phá của khoa học thời đại. Các nhà vật lý, y sinh học và nhiều ngành khoa học đã phát hiện ngày một nhiều những Nhịp Điệu có chu kỳ khác nhau diến ra trên trái đất nói chung và trong cơ thể con người nói riêng liên quan đến yếu tố thời gian. Đồng thời, mọi biến đổi từ vũ trụ mà trực tiếp là mặt trời, mặt trăng đếu tức khắc được truyền dẫn và tác động đến mỗi sinh vật trên trái đất (trong đó có con người), mọi trạng thái sự sống cùng mọi “nhịp điệu sự sống” đều được quyết định chủ yếu ở đây.
Ngoài ra, theo thuyết “Thiên nhân tương ứng” tuỳ thuộc vào tính chất của các ngôi sao ngự trị trái đất trong ngày giờ đó, những sao có sẵn trong thiên văn học cổ đại, nhưng cũng có nhiều ngôi sao ước lệ, tuỳ theo tính chất và quy luật vận hành mà đặt tên..
Như vậy, xưa nay, trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng; có gia đình riêng ắt phải làm nhà, rồi sinh con, cho con đi học; khi tạ thế con cháu phải thực hiện việc chôn cất, rồi cải táng...đó là quy luật. Có những cuộc hôn nhân bền vững hạnh phúc, có những ngôi nhà đem lại may mắn, có phần mộ tiền nhân không hại gì cho hậu thế nhưng cũng không ít cuộc hôn nhân đổ vỡ, căn nhà, mảnh đất “xui xẻo”.... Điều đó phụ thuộc vào nhiều điều kiện, nhiều yếu tố. Do đó việc chọn ngày, kén giờ kể cũng không thừa. Nhưng đừng quá mù quáng mà rơi vào mê tín dị đoan, nhỡ hết việc. Đồng thời cũng phải tính đến yếu tố phù hợp với thời đại, điều kiện công tác và hoàn cảnh gia đình, họ mạc.
Theo tôi phương pháp dựa vào quan hệ “Sinh-Khắc” của Âm dương, Ngũ hành, Bát quái, chuyển vận của Cửu tinh là có lý hơn vì nó phù hợp với khoa học hiện đại. Còn các lý thuyết về Nhị thập bát Tú, 12 chỉ Trực hay Lục diệu, Cửu tinh thiên về mê tín.
Việc chọn ngày tốt, tránh ngày xấu từ lâu đã trở thành truyền thống văn hoá của các dân tộc Đông phương. Nhưng phương pháp chọn ngày tốt, tránh ngày xấu cho đến tận bây giờ vẫn còn gây tranh cãi. Bởi vì nguyên lý và thực tại nào để có những ngày được coi là tốt hay xấu vẫn còn là những điều bí ẩn cần tiếp tục khám phá. Các thuật sĩ làm nghề bói toán và chọn ngày chọn giờ đều có tên gọi chung là các nhà chiêm tinh hay âm dương học. Nhưng bói toán và chọn ngày thuộc hai giai đoạn, hai lĩnh vực tư duy khác nhau của con người.
Con người muốn biết tương lai thân phận mình ra sao, sắp tới vận hạn rủi may thế nào, họ không nắm được quy luật thiên nhiên và xã hội, họ chỉ biết dựa vào thuật bói toán. Bói toán khi chưa có chủ định, chưa có phương hướng, chưa biết vận hội ra sao, việc làm thành bại thế nào.
Khác với thuật bói toán, khi người chủ sự muốn chọn ngày chọn giờ, tức là họ đã có chủ định, đã chuẩn bị sẵn cơ sở vật chất, hay ít ra cũng đã có dự án phác thảo, duy còn phân vân “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” 謀事在人成事在天. Do đó con người đặt khẳng định nội lực của mình, họ chỉ muốn tiến hành trong thời cơ nào thuận lẽ trời, dễ đi đến thành công, tránh được tai hoạ. Mặt khác, người xưa có câu: “Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân” 皇天不負道心人, điều tốt, xấu với mỗi người, mỗi việc, mỗi nơi đều có khác, cho dù có chọn được ngày tốt. Cổ nhân còn dạy: “Thuận thiên giả tổn, nghịch thiên giả vong” 順天者存,逆天者亡- thuận theo ý Trời, theo quy luật tự nhiên thì mọi việc đều tốt lành nghịch với lẽ trời thì mọi việc bất lợit. Mà ý Trời thì bao giờ cũng hướng tới sự hoàn thiện cái tâm, cái đức ở mỗi người. Sự thành công trong đường đời như có nguyên lý “Thiên Nhân hợp nhất” 天人合壹. Mà việc chọn ngày tốt để tiến hành công việc chỉ là một yếu tố.
2. Cách chọn ngày:
* Cơ sở vật chất:
- Xem ngày, chọn giờ phải cần đến phép đo thời gian, cần đến Lịch mà Lịch thì phải đặt theo vị trí địa lý của khu vực, tức là theo múi giờ. Do vậy phải dựa vào Lịch Việt.
- Năm, tháng, ngày, giờ sinh (Tứ trụ) của mỗi người là cố định và theo dân gian nó chi phối tính cách của người đó (gọi là Trương khí). Như vậy Bát tự sinh hàm chứa nhiều thông tin về bản thân, về hoàn cảnh sống, về những thăng trầm của cuộc đời; nó cung cấp nhiều dữ kiện, có thể suy luận và tìm ra những nguyên tắc tiến hành và thực hiện hay chọn lựa, sắp xếp cho phù hợp.
* Tùy nghi mà chọn:
- Nội sự (việc tế tự cưới xin) cần êm ái, hoà nhã thì dụng nhu (các ngày âm Can như Ất, Đinh, Kỷ, Tân, Quý); ngoại sự (đánh dẹp, giao thiệp...) cần cứng cáp mạnh mẽ thì dụng cương (ngày dương Can như Giáp, Bính, Mậu, Canh, Nhâm).
- Cưới xin nên tìm ngày Thiên Đức, Nguyệt Đức, kỵ ngày Trực Phá, Trực Nguy.
- Làm nhà nên tìm ngày thiên ân. Thiên Hỷ, kỵ ngày Thiên Hoả, Địa Hoả và ngày Kim Lâu.
- Xuất hành nên tìm ngày Lộc mã, Hoàng Đạo, kỵ ngày Trực Phá, Trực Bế.
- An táng nên tìm ngày Thiên Hỷ, Thiên Đức, kỵ ngày Tử Khí Quan Phù…
* Việc kén giờ: lấy thời điểm lúc mới bắt đầu như lúc mới
xuất hành, lúc mới ra ngõ đi cưới, lúc mới dựng nhà, lúc hạ huyệt… Thường đều
kén lấy giờ hoàng đạo.
* Thủa xưa có đến 85 việc cần xem ngày chia thành 7 nhóm là:
- Cúng tế quỷ thần gồm 10 mục chính,
- Các công việc có liên quan tới tu sửa, làm mới các kiến trúc gồm 26 việc,
- Các công việc trong sinh hoạt bao gồm 8 việc,
- Các công việc trong hôn nhân bao gồm 8 việc,
- Các việc dùng trong Công Thương bao gồm 11 việc,
- Các công việc đồng ruộng và chăn nuôi bao gồm 10 việc,
- Các công việc về tang ma, an táng, cải táng bao gồm 12 việc.
* Nay chỉ những sự kiện lớn của đời người hay những công việc có thể phải làm trong ngày của một người (Cầu tự, cầu con; Xuất hành đi xa; Nộp đơn, hồ sơ; Nhập học; Đính hôn; Ăn hỏi; Cưới gả; Khởi công xây dựng; Đổ cột, đổ mái; Khai trương cửa hàng cửa hiệu; Lập hợp đồng, ký kết hợp đồng đối tác; Mở kho xuất tiền; Nhận chức vụ mới; Nhập trạch (ngày làm lễ vào nhà mới); An táng; Cải táng; Cúng tế) thì việc xem tuổi, tính ngày, chọn giờ mới đặt ra. Điều đó rất quan trọng nhằm cho cuộc sống tốt đẹp, mọi sự hanh thông, gia đình hưng vượng. Điều đó chỉ không đúng với người theo Thiên Chúa giáo, bởi tất cả họ đều chọn Chủ nhật.
2.2. Các bước trong chọn ngày chọn giờ:
- Trước hết xác định tính chất công việc, phạm vi thời gian có thể bắt đầu và thời gian phải hoàn thành,
- Xem lịch: Ngày âm, ngày dương, ngày tuần lễ, ngày can chi, ngày tiết khí,
- Căn cứ theo ngày âm lịch xem có phạm tam nương, nguyệt kỵ, nguyệt tận và ngày sóc hay ngày dương công kỵ hay không?
- Xem ngày can chi biết được ngày can chi trong tháng dự định tiến hành công việc có những sao gì tốt (Đại cát, Tiẻu cát), sao gì xấu (Đại hung, Tiểu hung)để biết tính chất và mức độ tốt xấu với từng việc mà cân nhắc quyết định.
- Xem ngày đó thuộc trực gì, sao Hoàng đạo hay Hắc đạo để cân nhắc thêm.
- Ngày tháng đó có xung khắc với gia chủ hay không.
- Loại bỏ những ngày được coi là xấu trong (-) các tư liệu sưu tầm được.
- Tập hợp càng nhiều càng tốt những tư liệu qui ước chọn ngày tốt (+) còn lưu truyền mà mình biết sau đó chọn ngày tốt nhất (nhiều +, ít - nhất).
- Nên chọn ngày có nhiều các sao Đại cát càng tốt, và tốt nhất không có sao Đại hung. Trong trường hợp không có Đại cát và Đại hung thì xem xét các sao Tiểu cát và Tiểu hung rồi chọn ngày có sao Tiểu cát nhiều hơn. Cứ cho rằng 1 sao Đạt cát sẽ hoá giải được 1 sao Đại hung; 1 sao Tiểu cát sẽ hoá giải 1 sao Tiểu hung. Một số việc trọng đại như cưới hỏi, làm nhà thì nên chọn 1 ngày mà không có sao nào là Đại hung.
- Khi đã chọn được ngày tốt (chỉ tương đối) trước khi xác định lại phải xem ngày đó có hợp với bản mệnh của người chủ sự hay không? (đối chiếu ngày tháng năm can chi với tuổi của chủ sự thuộc hành gì, có tương khắc, tương hình, tương hại hay tương sinh tương hoà tương hợp).
- Khi công việc khẩn trương không thể để lỡ thời cơ thì phải vận dụng phép quyền biến, nếu gấp gáp không chọn được ngày tốt, thì ta chọn ngày gần đó đỡ xấu hơn, nếu không chọn được ngày tốt thì ta chọn giờ tốt để khởi sự, nếu không nữa, hãy chọn hướng tốt theo nguyên lý khắc chế.
- Xem ngày xong nếu muốn chắc chắn hơn thi chọn giờ khởi sự, ngày xấu đã có giờ tốt, chỉ chọn giờ Hoàng Đạo, tránh giờ Hắc đạo là được.
Tất nhiên khi xem phải xem tới nơi tới chốn dẫu không tìm được “Cát” cũng phải tính được “Hung” để tránh. Các phương pháp thường dùng là: Sinh-Khắc theo Can Chi, Chọn sao dựa bảng Nhị thập bát Tú, Chọn ngày giờ dựa vào 12 thần Hoàng đạo, Hắc đạo, theo 12 chỉ Trực, Phương pháp Lục diệu...Những ngày gọi là “tốt”, “xấu” trong từng tháng, hàng năm gọi là Trạch Cát.Nhưng điều quan trọng nhất là trước tiên cần tính ngày, tháng, năm xấu để tránh sau đó tính tới ngày, tháng, năm đẹp để chọn trong số những ngày đó nếu ngày nào phù hợp được tất cả các tiêu chí (theo Âm dương Ngũ hành, Bát quái, Nhị thập bát Tú, Nạp âm) sẽ được chọn. Nếu không chọn được “Cát nhật” thì lấy những ngày không xấu. Tất nhiên không bao giờ đạt độ chính xác tuyệt đối, hơn nữa đây lại là kinh nghiệm chủ yếu do người Trung Hoa đúc kết truyền sang nên do đó chỉ nên coi là yếu tố tham khảo.
3. Vĩ thanh:
Việc xem ngày đó thuộc sao gì, khá phức tạp và đã được chép lại một phần trên trang này.
Mới tạm tìm hiểu và chép lại thế mà đã quá dài. Thế mới biết việc chọn ngày đâu phải dễ, nếu theo đúng quy trình chọn ngày cho một việc phải mất hàng ngày công! Vậy khi gấp gáp thì sao. Chắc “thầy” chỉ xem mỗi mục!. Lại tùy thầy xem sách gì, sách Tầu, sách Ta, sách Đài và dùng Lịch gì nữa! Nhớ rằng ta ở múi giời +7 nên nếu đưa sách và áp vào lịch Tầu vào sẽ sai khác khá lớn!
Ngay trên quê hương của thuật chiêm bói” việc quy đổi giờ cũng sai lạc rất nhiều. Bởi như ta biết, mọi múi giờ trên Trái Đất đều lấy tương đối so với giờ UTC (xấp xỉ bằng giờ GMT trong lịch sử) là giờ tại kinh tuyến số 0, đi qua Đài thiên văn Hoàng gia Greenwich (Luân Đôn, nước Anh) được quy ước nằm trên kinh tuyến số 0, vĩ độ 51,28,38N (Bắc xích đạo). Nhưng ranh giới múi giờ phải chia theo biên giới quốc gia nên nhiều quốc gia, nhất là những nước rộng lớn về chiều ngang trên thế giới có hơn một múi giờ. Ở đây, Trung Quốc trải ngang 4 múi giờ: +5, +6, +7, +8 nhưng họ lấy múi giờ đi qua thủ đô Bắc Kinh (+8) làm chuẩn nên những vùng phía cực Tây sớm hơn Thủ đô 3 giờ vẫn tính theo giờ này thì dù cho thầy Tầu chính hiệu cao tay đến đâu tính cũng sai lệch rất nhiều! Sang ta (khác kinh độ, vĩ độ nơi viết sách) lại càng không chính xác! Tin sao được!
Ngay từ Thế Kỷ XVIII có nhà Nho đã viết: “Phúc hay Hoạ đâu bởi Ngày; Lịch đặt ra sao cầu được Phúc; Yên hay Nguy chẳng tại Đất, Bụng mọi người cứ vững là Yên”.
Dù sao, việc xem ngày, kén giờ khi tiến hành những công việc trọng đai chưa thể bỏ ngay được! Nên để tiện tra cứu, dựa vào tài liệu do Thiên Y thực hiện bằng Javascript tôi đã lập một Bảng riêng sử dụng trong Gia tộc. Nhưng xem ra việc tra cũng không đơn giản gì. Hãy cứ vững chí mà tiến hành, mọi việc ắt hanh thông.
(Biên soạn từ nhiều nguồn tham khảo, để biết)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!