[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


24 tháng 11 2011

Bài thơ "HẠ THẬP KỲ" ca ngợi công đức Tổ

Công đức của Tổ được chép trong Gia phả của các ngành kèm theo bài Vịnh Hạ Thập kì (咏賀拾祺, tức bài thơ ghi lại những việc hay) của người con thứ 5 Đệ Nhất Đại tổ là Lương Công Thiệu 梁公劭.
Hiện tại, theo tôi được tiếp xúc thì trong dòng họ Lương gốc Chiến Thắng có 2 bản chép Bài thơ nói về Công Đức Tổ. Đó là bài Hạ Thập kì (賀拾祺, tức bài thơ ghi lại những việc hay). Cả hai bản đều ghi tên tác giả là người con thứ 5 của Đệ Nhất Đại tổ và là Tổ Chi thứ Tư là Lương Công Thiệu. Nhưng có những điểm khác biệt giữa hai tài liệu về hoàn cảnh ra đời và một số câu chữ của bài thơ:
2.1.Về xuất xứ bài thơ:
- Gia phả Chi thứ Hai do các bác tôi là Lương Đức Bình 梁德平, Lương Đức Chiểu 梁德沼 soạn 19/3/1997 (phiên âm và dịch nghĩa của phụ thân tôi để lại) có chép: Bài thơ viết ra nhằm ca ngợi công đức Thượng Tổ tỉ là Cụ Lương Công Cảnh 梁公景. Chuyện rằng: Thân phụ Tổ tỉ Lương Thị Còi  𣔞 (Ngỗi, hiệu Diệu Cần 妙勤) quê ở Quan Bồ 關蒲, Tiên Minh 先明 (Tiên Lãng nay) là một quan binh. Tổ thường được cử đi đánh dẹp những cuộc nổi loạn khắp nơi thời kỳ đó (thế kỷ XVIII) và lập được nhiều chiến tích. Một lần, vào ngày Rằm tháng Giêng (năm ?) trước khi xuống thuyền trên sông Văn Úc, Người dặn: Nếu Cụ không về thì nhớ ngày này làm ngày Giỗ và lần ấy cụ bị trận vong. Sau họ lấy ngày này để Chạp tổ. Bài Hạ Thập kỳ là Cụ Đồ Thiệu viết để ca ngợi công đức Ngoại Tổ.
- Trong bản Gia phả Lương Hoàn (bản phiên âm Lương Hoàn An cung cấp) , nguyên văn như sau: “Gia Long Lục niên Đinh Mão, công nhất thí bất đệ, Bát niên Kỷ Tỵ sung vi bản tổng, tổng trưởng. Thập nhất niên đặc cách. Minh Mệnh thất niên Mậu Tuất, Minh Mệnh Nam Định minh giám nhân danh Ba Vành tác loạn, Công phụng phái củ, tập thôn hào ứng phó, phỉ bình". Công hữu thi hạ thập cơ quan vân. Thơ như sau:...”
Tạm dịch: vào năm Gia Long thứ 6 (Đinh Mão, 1807) cụ đi thi nhưng không đỗ, hai năm sau được bổ làm Chánh Tổng. Đến năm Gia Long thứ 11 (1812) thì được đặc cách. Vào năm Minh Mạng thứ 7 (Đinh Dậu, 1827) theo lệnh vua tập hợp dân chúng quanh vùng (hương binh) cùng quan quân đánh dẹp cuộc Ba Vành tác loạn ở Nam Định. Loạn tan, cụ về dạy học và có viết bài thơ này.
2.2. Về nội dung :

Bài chép trong Gia phả ngành Hai
Bài chép trong Gia phả ngành Ba
Thành rồng vâng lĩnh ấn Nguyên nhung,
Đây đó vang lừng tiếng nhạc Ông.
Đuốc quý sáng loà doanh Tả nhuệ ,
Hương tào thơm nức cõi Đông Dương.
Mưa nhuần Bẩy huyện lòng dân thoả,
Sóng bật ba vầng mát lòng trung.
Rạng núi Đồ Sơn công hãy tạc,
Thư son khoán sắt  biết bao cùng.
Thành rồng tự lĩnh ấn Nguyên nhung,
Đâu đấy vang lừng quắc thước Ông.
Kiếm quý sáng loà doanh Tả nhuệ,
Hương tào thơm lức cõi Đông ngung.
Mưa nhuần Bẩy huyện lòng dân thoả,
Sóng dập ba vành mặt nước trong.
Trỏ núi Đồ Sơn công hãy tạc,
Thư son khoán sắt biết bao cùng.
Cùng một tác giả nhưng ở 2 bản Gia phả của cùng một dòng tộc mà khác nhau ở 15 tiếng có lẽ do cách đọc chữ Nôm khác nhau mà ra. Trước kia tôi đã từng thấy bản chép của thân phụ tôi, nhưng không rõ chữ Nôm hay chữ Hán, sau ngày cha mất, tôi về tìm không ra bản chép tay ấy. Trong buổi thoái trào của chữ Nho thì trình độ Hán học của ông, cha, bác, chú tôi không cao; trình độ tân học cao nhất chỉ là Sơ học yếu lược (Primaire Élémentaire); kiến thức lịch sử, địa lý hạn chế... nên việc phiên âm, dịch khó chính xác cũng dễ hiểu. Nay cả 2 bản đều là phiên âm ra quốc ngữ (có cả chữ sai chính tả) không có bản chữ Hán (hay Nôm) nên càng khó xác luận.
2.3. Chú giải, nhận xét :
Trước khi phục tác 复作 lại bài thơ, tôi thấy cần tìm hiểu một vài từ cổ, bàn luận về một số từ đã thống nhất hoặc còn dị biệt giữa hai bản :
- Về Đề bài: theo suy luận của tôi: toàn gia phả viết bằng chữ Hán, còn bài thơ là viết bằng chữ Nôm. Cụ thể đoạn trước bài thơ thì phần chữ Hán có thể thế này: 第四支祖梁公紹有詩賀拾祺詩云 (Đệ tứ chi tổ Lương Công Thiệu hữu thi Hạ thập kỳ. Thi vân) tiếp là bài thơ bằng chữ Nôm. Trong đó “詩云”, đọc là “thi vân” tức “thơ rằng” nhưng chắc do “tam sao thất bản” phiên âm “vân” thành ra “Vịnh! Do vậy thành “Vịnh Hạ Thập kỳ”, nguyên bản chắc chỉ là “Hạ Thập kỳ” 賀拾祺.
- Câu 1 : Chép “vâng lĩnh” 邦彾 đúng hơn “tự lĩnh” 叙彾.
Ấn” tức con dấu. Phép nhà Thanh định, ấn của các quan thân vương 亲王 trở lên gọi là bảo” , từ quận vương 郡王 trở xuống gọi là ấn” , của các quan nhỏ gọi là kiêm kí” 鈐記, của các quan khâm sai gọi là quan phòng” 關防, của người thường dùng gọi là đồ chương” 圖章 hay là tư ấn” 私印.
 “Ấn Nguyên nhung” có lẽ là dùng ước lệ theo lối viết thơ cổ hoặc chỉ việc đứng đầu hương binh 鄕兵正營 trong vùng được huy động cùng quan quân dẹp loạn, chứ nếu Ngoại Tổ làm tới chức Nguyên Nhung 總戎 thì trong sử sách ắt nêu.
- Câu 2 : Chép tiếng nhạc đúng nghĩa, mạch thơ hơn quắc thước.
- Câu 3: chữ “doanh Tả nhuệ” không được hiểu là ca ngợi chiến công “vùng trái sông Nhuệ”, vì như vậy không hợp địa-lịch sử quê tôi. Theo tôi, chữ đó đúng là 營左銳  với nghĩa là “cánh quân bên tả lợi hại” nghĩa là “xứng danh  tâm phúc, sắc sảo như cách tay trái của Chủ tướng”. Dịch thơ “Danh tướng giỏi”.
- Câu 4: chữ “Hương tào”: nếu “Hương” là thôn, làng thì “tào” là danh từ riêng nhưng tôi tìm mãi trong khu vực không có làng, xã nào tên Nôm là “Tào”. Do vậy tôi cho rằng “hương” là hương thơm và “tào” là nổi danh . Về sau tôi được biết: Ngày xưa có chức quan lo Vận tải đường nước gọi là “Tào vận ty” 漕運 nên “Hương tào” là hương thơm từ các đoàn thuyền trên sông biển. Điều này hợp quy luật thơ vì nó đối với “Đuốc quý” hay “Kiếm quý” ở câu trên và logic với “thơm nức cõi” liền sau đó. Bản Lương Hoàn chép “lức” là do viết ngọng chữ “n/l”.
Từ “Đông Dương” 東洋 vốn là chỉ Đông bộ Á châu (Nhật Bản 日本), nhưng về sau cũng dùng để gọi xứ Indochina (Việt Nam, Lào, Campuchia) thuộc Pháp 法屬印度支那 thành lập 17/10/1887: Liên bang Đông Dương (H: 東洋聯邦,P: Union Indochinoise, A: French Indochina). Trong các năm 1804, 1808 sách báo Pháp đã dùng từ này chỉ các nước Indo-Chine hay vương quốc Tonquin, Cochinchine, Lào nhưng chưa phổ biến. Do vậy, dùng “Đông Dương” chỉ sự kiện trước 1887 lại đặt nó liên quan đến cuộc khởi nghĩa Nguyễn Hữu Cầu (1741-1751), thơ do Cụ Đồ Thiệu (1769-1833) viết trước đó mấy chục năm thì không có lý. Dùng “đông ngung 东隅 chỉ “nơi mặt trời mọc, giống như “hải ngung海隅 với nghĩa “ngoài góc bể có lý hơn. Đồng thời tiếp sau lại có câu “Sóng dập ba vành” gắn với cuộc khởi nghĩa Phan Bá Vành (1821-1827) thất bại vào 3/1827, đúng là năm Đinh Hợi Minh Mạng thứ 7 như Gia phả Lương Hoàn chép “Minh Mệnh thất niên Mậu Tuất..phỉ bình” (năm Minh Mạng thứ 7 Mậu Tuất (?), loạn tan). Bởi thế, chép như bản của Lương Hoàn chính xác hơn ?
- Câu 5: “Bẩy huyện”: phủ Kinh Môn cuối Lê-đầu Nguyễn gồm 7 huyện (Nghi Dương, An Dương, Kim Thành, An Lão, Đông Triều, Giáp Sơn, Thủy Đường). Năm Minh Mạng 18 (1837) tách 4 huyện lập phủ Kiến Thuỵ nên Kinh Môn thời Đồng Khánh chỉ còn 3 huyện. Song dân gian vẫn quen gọi vùng là này là vùng “thất huyện” 七縣,nổi tiếng là “đất nghịch”.
- Câu 6: Chép như bản Lương Hoàn đúng luật thơ và logic hơn nhưng thay “dập”  bằng “bặt”  hợp hơn.
- Câu 7: “Rạng” và “Trỏ” là động từ, đều không hợp, phải là chữ “Rặng”; “hãy” không hợp logic mà phải là “vẫn” hay “mãi”  .
- Câu 8: “Thư son khoán sắt”  (書朱券鐵, Thư chu khoán thiết): chữ viết bằng son, khế ước chế bằng sắt, tỏ ý “Thư khế” 書契  bền vững, được lưu truyền dài lâu.
2.4. Thử phục tác:
Dù chưa thống nhất vài điểm như trên, song bài thơ là có thực, do cụ Đồ Thiệu viết. Bài thơ đã nói lên công đức của tiền nhân khi chỉ huy hương binh gìn giữ bình yên làng xóm và công đức ấy được nhân dân quanh vùng ngưỡng mộ, biết ơn, con cháu nhớ ghi, truyền tụng.
Trên cơ sở đối chiếu 2 bản và căn cứ vào lịch sử giai đoạn này, tôi cho rằng bài Hạ thập kỳ do Cụ Đồ Thiệu (梁公劭, 1769 -1833) viết bằng chữ Nôm trong thời gian dạy học tại quê nhà sau khi theo lệnh vua tập hợp dân chúng quanh vùng cùng quan quân đánh dẹp cuộc “Ba Vành tác loạn”[1] trở về[2]. Từ chuyện đời mình, liên tưởng đến Ngoại Tổ mà Cụ đã viết bài này ca ngợi công đức Ngoại Tổ. Cụ Thiệu là cháu cụ Cảnh, hay chữ, dạy học nên bài thơ đó được chép lại, con cháu nhớ và lưu truyền. Chính vì viết về Thượng Tổ nên trong Gia phả Ngành Hai cũng chép bài này.
Bản phục tác của ông Hoàng Đình Khảm
Theo đề nghị của tôi, ông Hoàng Đình Khảm (một cháu ngoại họ Lương Hội Triều, giỏi chữ Hán)  đã “sửa lại vài chữ, chép lại toàn bài như bên”:
Từ lập luận trên, qua góp ý chỉ bảo của một số bậc túc nho (thư Điện tử hay trực tiếp) tôi tiến hành phục tác bài thơ của Cụ Đồ Thiệu và qua nhiều lần chỉnh sửa tôi hình dung bài thơ Ca ngợi Tổ như sau:
賀拾祺: Hạ thập kỳ
城蠬邦彾印元戎
Thành rồng vâng lĩnh ấn nguyên nhung,
低𣔧㘇㖫㗂樂翁
Đây đó vang lừng tiếng nhạc ông.
燭貴𠓇𤍶營左銳
Đuốc quý sáng loà doanh tả nhuệ,
香漕𦹳㘃𡎝東隅
Hương tào thơm nức cõi đông ngung.
𩄎潤𠤩縣𢚸民𢚶
Mưa nhuần bẩy huyện lòng dân thoả,
𠀧㮠𩈘渃𤁘
Sóng bặt ba vành mặt nước trong.
𡻔𡶀圖山功吻
Rặng núi Đồ Sơn công vẫn tạc,
書𣘈券𨫊別包窮
Thư son khoán sắt biết bao cùng.
Không có bản gốc nên tôi phải dựa vào những điều đã biết, dùng máy tính mầy mò tự tạo ra một số chữ thiếu trong nhu liệu. Có điều nhiều máy tính không được hỗ trợ mã Unicode để hiện chữ Nôm nên không hiển thị được khi đưa lên mạng, sao sang máy khác nên tôi đã phải ảnh hoá và in trên nền bản đồ Phủ[3] Kiến Thuỵ[4] 建瑞府 thời Đồng Khánh (同慶, 1864 – 1889) ở Bìa 4 chuyên luận này. 
Nếu tìm được bản gốc hay bản sao có chữ Hán, Nôm sẽ giải quyết được nhiều vấn đề trong đó có việc xác định năm mất của Nội Tổ để định ra cấp giỗ hàng năm.
Cổ ngữ có câu “Nhân sinh bách tuế vi kỳ” 人生百歲爲祇, nghĩa là “mỗi con người ta sống lâu chừng trăm tuổi”. Đấy là nói về thể xác còn danh tiếng, di sản để lại sẽ tồn tại mãi trong con cháu, bà con quê hương. Theo thời gian, nếu không được lưu giữ tốt sẽ thất truyền hay sai lệch nên hậu thế phải biết trân trọng lưu giữ, truy tìm những gì tiền nhân tạo lập, để lại để học tập, phát huy…Riêng tôi, mong rằng sẽ có câu đối này ở từ đường để tri ân Tổ:
功在香村名在譜
(Công tại Hương thôn, danh tại phả;)
福留孙子德留民
(Phúc lưu tôn tử, đức lưu dân.).




[1] Chỉ cuộc khởi nghĩa Phan Bá Vành (1821-1827) nổ ra tại vùng này năm  Đinh Dậu, 1827
[2] Nhưng nói Cụ Đồ viết để ôn chuyện mình lại không phù hợp với truyền ngôn về Tổ được Thuỷ táng ngay sau trận đánh hoặc đời sau đã gắn việc Cụ Thiệu mất tại Vĩnh Bảo ngày 08/2 năm Minh Mệnh 14 (Quý Tị, 1833) trong khi được cử đi đánh dẹp cuộc khởi nghĩa của Lê Duy Lương (? - 1833) nổ ra tại Vĩnh Bảo. Hơn nữa các Cụ nhà Nho xưa không bao giờ viết thơ tự ca ngợi mình và như thế không lý gì ngành Hai cũng lưu chép.
[3] Nguyên nghĩa “phủ” là “tên gọi của từng phương đất đã chia” sau dùng chỉ một đơn vị hành chính thời phong kiến tại tại Đông Á và người đứng đầu quản lý một phủ là quan Tri phủ 知府. Đơn vị phủ và chức quan này đã được đặt ra từ thời Đường, chính thức trong quan chế từ thời Tống. Ở Việt Nam “Phủ” là khu vực hành chính dưới cấp “Lộ” thời Lý (李朝, 1009 - 1225), Hậu Lê (後黎朝, 1428 - 1788) và dưới cấp “Tỉnh” thời Minh Mạng (明命, 1820-1840), nó có khi tương đương cấp huyện nhưng có vị trí quan trọng hơn hoặc quản lý cấp huyện và từ  1898 bỏ cấp này mặc dù có nơi vẫn gọi là phủ. Ngày 25/01/1948, Sắc lệnh số 148/SL “Bãi bỏ các danh từ phủ, châu, quận. Cấp trên cấp xã và cấp dưới cấp tỉnh nhất loạt gọi là cấp huyện”. Từ đó không còn cấp “phủ” nữa.
[4]  Thời cuối Lê trong trấn Hải Dương 海陽鎭 có phủ Kinh Môn 荊門 là 1 trong 4 phủ của xứ Đông, gồm 7 huyện nên gọi đây là “vùng Thất huyện” 七縣. Bẩy huyện là: Giáp Sơn (峡山 nay là Kinh Môn thuộc Hải Dương), Đông Triều (東潮 huyện Đông Triều và thành phố Uông Bí hiện nay), An Lão (安老 nay là An Lão thuộc Hải Phòng), Nghi Dương (宜陽 Kiến Thụy thuộc Hải Phòng hiện nay), Kim Thành (金城 nay là Kim Thành thuộc Hải Dương), Thuỷ Đường (水堂 Thủy Nguyên thuộc Hải Phòng hiện nay), An Dương (安陽 huyện An Dương và quận Hải An thuộc Hải Phòng hiện nay).
Vào năm Minh Mạng 明命 thứ 18 (1837) tách  4 huyện là An Lão 安老, Nghi Dương 宜陽, Kim Thành 金城, An Dương 安陽 lập phủ Kiến Thuỵ 建瑞 nên Kinh Môn chỉ còn 3 huyện. Cả 2 phủ này đều thuộc tỉnh Hải Dương 海陽省 (một trong Bắc Kỳ thập tam tỉnh, 北圻十三省) nay là các quận, huyện của 3 tỉnh. Từ 11/9/1887 Kiến Thụy thuộc tỉnh Hải Phòng. Năm 1898 chế độ thực dân bỏ cấp phủ, đến đầu thế kỷ XX tuy gọi là phủ nhưng Kinh Môn trên thực tế chỉ là huyện Giáp Sơn và Kiến Thụy chỉ là huyện Nghi Dương. Sau đó do đổi tên nên từ  05/8/1902 thuộc tỉnh Phù Liễn và từ 17/2/1906 thuộc tỉnh Kiến An 建安.
Theo bản đồ thời Đồng Khánh tôi dùng làm nền in bài thơ thì phủ Kiến Thuỵ:
Tổ chức hành chính:
1. Kiêm lý 兼理 2 huyện là:
- Nghi Dương 宜陽 với 12 tổng: Phúc Hải 腹海, Đồng Khê 凍溪, Nghi Dương 宜陽, Cổ Trai 古齋, Trà Hương 茶香, Đại  Trà 大茶, Tiểu Trà 小茶, Sâm Linh 参苓, Đại Lộc 大祿, Nãi Sơn 乃山, Đồ Sơn 塗山, Lão Lễ 老豊);
- An Lão 安老 với 10 tổng: An Luận 安論, Phương Chử 芳渚, Câu Thượng 勾上, Đại Hoàng 大黄, Phù Lưu 芙畱, Văn Đẩu 文斗, Biều Đa 裒多, Cao Mật 高密, Đại Phương Lang 大芳榔, Văn Hòa 文和.
2. Thống hạt 統轄 2 huyện là:
- Kim Thành 金城 với 11 tổng: Lai Vu 莱蕪, Phù Tái 扶載, Cam Đường 甘棠, Phí Gia 費家, Đâu Kiên 兜堅, Du Viên 楡園, Nại Xuyên 柰川, Ngọ Dương 午陽, Hà Nhuận 河潤, Bất Nạo 不撓, Quan Trang 觀莊;
- An Dương 安陽 với 9 tổng: Điều Yêu 條夭, Văn Cú 文句,Trung Hành 中行, An Dương 安陽, Đông Khê 東溪, Gia Viên 椰園, Chân Cát 真葛, Lang Sâm 琅琛, Hạ Giả 下叚.
Các núi:  Áng 益山, Phướn 幡山, Voi 象山, Tiên Hội 仙會山, Đẩu 斗山, Yên Ngựa 馬鞍山, Cò 鶩山, Dương 陽山, Trà  茶山, Đối 對山, Đồ 塗山, Đào lĩnh 桃嶺.
Các Cửa khẩu: Văn Úc 文郁海口, Hoà Trinh 禾貞海口, Do 猶海口, Nam Triệu 南趙海口,
Các con sông: Hổ Mang 虎芒江, Trạm Bạc 湛泊江, Cấm 禁江, Chín Bầu 九裒, Bái 拜江, Nông Tam kỳ 農三岐.
Các bến đò: Cổ Pháp 古法渡, Cẩm La 錦羅渡.
Đầu mối hàng hoá, giao thông:  Trạm Đông Khê 東溪站, Hải Phòng 海防, Thương Chính  商政, Ninh Hải Nhất 寧海一, Ninh Hải Nhị 寧海二.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!