[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


05 tháng 10 2011

Về lại Lào Cai

Lào Cai và Yên Bái lúc mới chia tỉnh
Tách tỉnh là sự mong đợi của nhiều người, nhưng lại là nỗi lo của nhiều người vì sợ phải đi khai hoang. Đảng uỷ họp, Chi uỷ hội ý, ra Nghị quyết, nêu tiêu chí, lấy tinh thần xung phòng, lập danh sách chính, danh sách dự phòng...nhưng “thảo dân” thì để ngoài tai hết, tự bàn, tự tìm hướng đi phù hợp là chính!

Một “Chiến dịch” chạy đua được ngấm ngầm khởi động từ đầu tháng 8/1991! Những người gốc gác Yên Bái, Nghĩa Lộ hay miền xuôi xin ở lại đã đành, người vốn gốc cán bộ Lào Cai, cha mẹ còn trên đó cũng tìm cách khỏi ra đi. Phần ngại khổ cũng có nhưng nhiều người vẫn tin vào câu Sấm: “Thằng Tây nó cút, thằng Tầu nó sang” nên "lẩn", không muốn lên sống nơi biên giới! Thôi thì đủ mánh, vận dụng đủ mối quan hệ để cốt sao được “ở lại”[1]! Năm xưa “nhập tỉnh” lo mất ghế (nhất là cấp Trưởng!) nay “chia ra” có những người háo hức bởi thiếu cán bộ hi vọng kiếm tí chức, đưa vợ con ở quê vào biên chế dễ hơn. Vì vậy khối anh nghiễm nhiên được cất nhắc mà chẳng hề qua “quy hoạch” gì. Thậm chí có cán bộ thuộc diện dư dôi “bỗng dưng” được đề bạt “phụ trách” đưa anh em đi, rồi cắt “Q” mấy hồi, sau lại còn thăng tiến nữa !
Với tôi, đi ở đều được, bố mẹ hai bên, anh em ruột thịt đều ở Bảo Thắng nên đi là thuận, chả cần ai làm công tác “tư tưởng” cả. Có điều hồi đó vợ tôi đang theo học chuyên tu tại Hà Nội, nhà chỉ có 3 bố con: con gái vừa hết lớp 2, con trai chuẩn bị vào lớp 1 lại chưa rõ nơi ăn ở ra sao nên hơi lo.
Cuối tháng 8, vợ tôi nghỉ học đưa 2 cháu lên Phong Niên ở với bố mẹ tôi, liên hệ học tại trường cấp 1 xã nhà. Vốn ở thị xã từ lọt lòng nay về bản rừng cũng lắm nỗi gian nan: điện không, đường hẹp, gập ghềnh ! Chúng tôi phải đưa cả loạt truyện cùng sách vở lên cho các cháu học. Đồng thời đưa cả xe đạp để cô Lý đưa hai cháu đi học (cách nhà 4 km). Khi lên đến Lào Cai (đầu tháng 10) về thăm nhà, gặp các thầy cô giáo ai cũng nói: mau mà đưa các cháu lên thị xã chứ lực học các cháu như vậy học ở đây nó “phí” đi ! Nghe mà xót ! Nhưng trách ai, tôi cũng từng học những năm cấp 1, 2 tại đây mà hồi đó còn gian khổ hơn nhiều nhưng vẫn đạt học sinh giởi cấp tỉnh, cấp quốc gia rồi đi Đại học đó thôi !
Bên cạnh chuyện đi, ở lại còn chuyện chia tài sản nữa. Tuy tỉnh, trung ương đều xác định: ưu tiên cho tỉnh chuyển đi nhưng mọi sự đâu có dễ. Kiểm kê, định giá, rồi chia ra. Đơn vị nào cấp Trưởng cũ đi thì đỡ, đơn vị nào cấp Phó mà ngược thì đồ mang đi có người gọi là “ngang của bố thí” ! Có đơn vị đã “không nhìn mặt nhau” ! Nơi cho tiền ăn dọc đường, nơi anh em tự đóng góp ! Bởi chẳng có quy định nào và mỗi đơn vị một hoàn cảnh!
Theo Quyết định số 150/QĐ-BNV ngày 16/9/1991 của Bộ Nội vụ thì bộ máy của CA tỉnh Lào Cai có 20 phòng ban và lãnh đạo Công an tỉnh Lào Cai gồm:  Giám đốc Giàng Seo Dín (nguyên PGĐ, Chỉ huy trưởng BCHAN Công an HLS) ; các Phó Giám đốc Bùi Anh Xuân (nguyên PGĐ, Chỉ huy trưởng BCHSC Công an HLS), Hoàng Minh Ngọc (nguyên Phó Ban Chỉ huy AN Công an HLS) và Hoàng Công Tế (nguyên Trưởng Công an thị xã Lào Cai). BCHCSND ngoài đ/c Hoàng Công Tế có đ/c Đỗ Thành Đồng (Trưởng phòng CSGT) và đ/c Lê Oánh (Trưởng phòng CSHSKT). Nhưng các BCH không có thực quyền và năm sau Bộ bỏ.
Giám đốc Công an tỉnh Hoàng Liên Sơn, Đại tá Hoàng Tuyển quyết định PC21 thuộc BCHCS với Trưởng phòng là Đại úy Lương Đức Mến (Trưởng phòng PC21 HLS, QĐ số 21 do kí ngày 21/9/1991) và có 6 CBCS (QĐ số 36 kí ngày 10/9/1991)Nguyễn Văn Quý (PY), Đinh Công Nghĩa (KTHS), Nguyễn Đức Quang, Lê Văn Giang, Nguyễn Viết Tú, Nguyễn Văn Thành (HL và SD CNV). Nhưng thực lên Lào Cai chỉ có 4 người còn các đ/c HLSDCNV, trừ Quang vẫn ở lại Yên Bái[2]
Ngày 6/10 phòng rời Yên Bái đến tối tới nơi. Cả dụng cụ nhà tôi, một ít của Quang và phương tiện của phòng vừa một xe tải. Thị xã tỉnh lị không còn chỗ ở, các cơ quan ở rải rác 3 nơi: Phố Lu, Tằng Loỏng, Cam Đường. Lực lượng CA cũng chia ra tập kết ở nhiều nơi. Riêng LLCSND được sắp xếp tại khu Cung ứng Mỏ Aptite ở Cam Đường[3]. Khu này có 01 dãy nhà kho, 3 dãy nhà làm việc đều xây cấp 4.
PC23 (Ngô Văn Vấn làm Trưởng phòng), PC16 (Trưởng phòng là Vũ Quang Vinh)ở dãy nhà kho; PC12 (Tràn Đạt Hồ là Trưởng phòng), PC21 ở dãy phía ngang, PC14-15 (Trưởng phòng là Lê Oánh), PC13 (Phụ trách phòng là Bùi Khuể), PC26 (Đỗ Thành Đồng làm Trưởng phòng) ở dãy phía trước còn 2 dãy sau giành cho bếp ăn và mấy hộ tập thể. Trại Tam giam do anh Phạm Toan làm Giám thị vẫn đóng quân ở yên Bái. Mỗi tháng đơn vị được cấp 10 lít xăng nhưng xuống tận Tằng Loỏng lấy khi quay về coi như gần hết !
Trừ mấy gia đình đầy đủ (Lưu-Liệu, Quang-Tỉnh, Cảnh-Nghiệp) còn lại những hộ chỉ có mấy bố con còn mẹ ở Yên Bái hay Phố Lu, Tằng Loỏng hầu như đều báo cơm bếp tập thể. Kể cũng vui ! Nhớ nhất là nước máy ở đây: nhiều cặn lắng vô cùng, chỉ hai tuần là phích bám đầy đá vôi !
Riêng PC21: gia đình và phòng làm việc của Trưởng phòng, giao ban đơn vị đều trong 01 gian cạnh Hội trường, sau phải nới thêm buồng và gian bếp; Quý, Nghĩa, Lư sau thêm Phong, Hiền, Huỳnh ở và làm việc chung trong 02 gian; buồng ảnh ngăn tạm cạnh kho của Hồ sơ. Chật thế mà cũng triển khai đủ các phần việc : Khám nghiệm, Giám định, làm ảnh cho cả CA tỉnh...
Tháng 11/1991, sắp xếp tương đối ổn định tôi về đón 2 con lên vào học trường điemẻ của Lào Cai ngày đó ngay cạnh nơi tập kết của khối CSND. 3 bố con vừa ở vừa làm việc 1 gian, các chú khác trong phòng ở 1 gian.
Sang năm 1992, tỉnh có chủ trương cấp đất cho CBCNV lên Lào Cai công tác. Nghe chủ trương rất mừng, Công an tỉnh lập hẳn một ban do Nguyễn Xuân Ngoại phụ trách lo việc này với quy định có thứ tự ưu tiên rõ ràng. Nhưng thực tế không hẳn như vậy. Lại một “chiến dịch” nữa được khởi động, người người chạy, ngành ngành cùng chạy. Khối người “phất” lên từ việc này !
Hồi ấy đường phố chưa hình thành, chỗ đang san, chỗ đồi cao, nơi vực sâu, mịt mờ bụi đất. Vị trí các tuyến phố mới đang nằm trên giấy và mơ hồ quanh trục chính Hoàng Liên (khi đó gọi là “đường cao tốc”) và mấy phố quanh khu Cốc Lếu. Ngày ấy việc cấp đất bị “chồng” nhiều và rất lắm “chủ cũ” bỗng dưng từ mãi tf Hồ Chí Minh, Hà Nội, Yên Bái...lên nhận là đất cha ông ở từ trước 1979...Nên nhiều người tuy được cấp đất đấy nhưng không giải phóng được, không kham nổi tiền đòi bồi thường công khai phá, hoa mầu đành bỏ đi “xin” mảnh khác !
Vì không có tiền, chẳng mơ đất Cốc Lếu giành cho hộ buôn bán nên “tiêu chuẩn” chọn đất của tôi là: ít san, ít lấp, hướng Đông, gần cơ quan. Tìm mãi được mảnh nguyên là nhà trẻ Liên cơ cũ. Tôi nhờ xe và lái xe của anh Hoàng Công Tế (Phó Giám đốc) xuống Phố Lu và nhà Ngoại cùng sang Sở Xây dựng. Ngày ấy SXD đóng ở gần TTYT huyện Bảo Thắng và là cơ quan được tỉnh giao cho việc “cắm” đất cho nhân dân ở thị xã. Anh Phan Doãn Thanh (PGĐ) phụ trách là chỗ quen biết từ lâu, vợ người Phố Lu cùng học với tôi lại là chị gái em dâu tôi nên cũng dễ trình bày và được như ý. Khảo sát đó chỉ là nền bếp và lán trại của những người đang làm đường Hoàng Liên, nghĩ đền bù cũng đơn giản. Tôi sang nói với Trinh vẽ cho 4,5m chứ 4 m như ban đầu thì không làm nhà được. Từ đó cứ 2 ngày lại phải chui vào trong bụi ngược từ Cung ứng lên kiểm tra đất nếu không mất như chơi bởi xẩy ra rồi.
Chỉ có mấy ngày bận họp mà hôm lên đo nhận đất nảy ra đó là nhà của chị gái chủ đất (Lương Văn Xanh) và xuất trình giấy cấp đất từ 1989 của UBND xã Đồng Tuyển. Điều này xem ra hợp lý bởi từ 1990 trở về trước toàn bộ Tx Lào Cai là xã Đông Tuyển thuộc Tx Cam Đường và Xã có quyền giao đất.  Nguy cơ “mất đất” !
Tôi bỏ sức điều tra và chứng minh được tính bất hợp pháp của “chủ tự nhận” đó (bằng chính nghiệp vụ giám định) là: Giấy đó được viết vào năm 1993[4]! Con dấu cũ (ghi xã Đồng Tuyển, thị xã Lào Cai, tỉnh Hoàng Liên Sơn) đúng ra đã thu hồi khi đổi con dấu mới vào tháng 11/1991 (mang tên xã Đồng Tuyển, thị xã Lào Cai, tỉnh Lào Cai) nhưng con dấu thu hồi là con dấu khắc lại năm 1990, trước đó con dấu của UBND xã được báo mất nhưng sau đã tìm lại được nhưng không được nộp cho cơ quan chức năng mà ông Doãn Văn Đ giữ lại. Vào dịp 1992, 1993 ông đã lục tìm và đem ra đóng “xác nhận” vào nhiều giấy tờ liên quan đến đất, thời gian công tác của nhân dân và cán bộ vùng Đồng Tuyển hồi trước ngày tách tỉnh. Chính vì vậy con dấu “dư dôi” tai hại kia bị thu hồi và ông “Chánh Tổng thời mới” đã bị kỷ luật !.
Do anh Thanh không chấp hành nên UBND thị xã Lào Cai có quyết định cưỡng chế (Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Thắng ký). Để tránh phiền phức không đáng có tôi không nhờ Công an thị xã, công an phường mà nhờ KSQS của tỉnh đội bảo vệ cuộc cưỡng chế. Thấy thế yếu, anh Xanh phải giỡ nhà trả mặt bằng cho tôi. Vì biết anh mất vài trăm chạy tờ giấy dởm đó, tôi đã đền bù “hoa mầu” cho Xanh 1 500 000đ.
Trước đó tôi đã đặt bộ khung nhà với anh Hải làm ở Phong Niên, còn bếp các em cậu làm cho ở Gia Phú. Sau khi đất cát đã hòm hòm, ngày 14/6/1993 (25/4 Quí Dậu) dựng nhà, 14/7 (25/5 QD) chuyển lên ở. Các con vừa kết thúc năm học ở Cam Đường chuyển lên học tại Kim Tân. Tôi vẫn làm việc tại khu Cung Ứng một thời gian nữa mới chuyển lên. Lãnh đạo tỉnh có chủ trương: "dọc đường Hoàng Liên ai đã được cấp đất phải xây", mọi người chấp hành cả, tôi chưa tiền nhưng nói “chệch” ra là: “Chưa được tuổi”! Khi Tx đánh số nhà thì mang số: 328 thuộc tổ 7 (năm 2001 đổi thành Tổ 22) phường Kim Tân. Năm 2001 mới bỏ nhà gỗ xây nhà mới.
(Vì nguyên tắc bảo mật và những lý do riêng nên một số tên người, số hiệu văn bản, mật danh...đã được thay đổi).
-Nhớ ngày mới về Lào Cai-



[1] Nhưng chính những người này sau đó vào năm 1993 thấy Lào Cai dễ thở hơn và chẳng ai “ngã nước” hay bị “TQ bắt” cả nên rục rịch muốn xin lên. Ngày ấy tôi ở cạnh Trưởng phòng XDLL CA tỉnh, Phòng TCHC Sở Giáo dục thấy các anh ấy rất “khổ” vì phải tiếp khách xin lên! Chắc cũng “khổ” như hồi ở Yên Bái tiếp khách xin ở lại!
[2] Khi đó Giang đang đi học. Mấy tháng sau Tú  và 3 năm sau Quí chuyển vùng về YB.
[3] Khối trực thuộc ở Tằng Loỏng, Khối ANND ở Phố Lu, Biên phòng ở Xuân Quang.
[4] Thực ra tôi không hề giám định “tuổi” tài liệu mà bởi tờ giấy anh Thanh đưa ra mới, thắng nếp quá, là loại giấy mới xuất hiện chứ hồi 1989 chưa phổ biến loại giấy này, nói gì đên svùng xã, vùng sâu!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!