Có lần, đang ăn trong quán RTC chợt thấy bàn bên mấy khách Trung Quốc rất rôm rả kể chuyện về Việt Nam, về Lào Cai cho bạn rượu nghe. Còn mấy đối tác người Việt nói về nước mình, quê hương mình còn được nhưng bàn chuyện về đất nước, con người, lịch sử vùng đất bên kia sông Hồng thì xem ra nghèo vốn quá!.
Nghĩ vùng đất đó đã và sẽ liên quan nhiều đến bản thân, gia đình, dòng họ thêm lòng tự ái nổi lên liền lao vào “ngâm” cứu và thấy khối điều bổ ích, cần chép lại để nhớ và cho anh em, bạn bè, con cháu lúc rảnh, khi cần đọc cho biết!.
1. Khái quát về cư dân vùng Tây Nam Trung Hoa:
Vào thời kỳ đồ đá mới, đã có sự định cư của con người trong khu vực hồ Điền Trì 滇池 mà ngày nay nằm ở phía tây nam thành phố Côn Minh 昆明, tỉnh Vân Nam 云南, Trung Quốc. Đó là “Người Nguyên Mưu” 元谋人, hóa thạch của người đứng thẳng (直立人, Homo erectus) mà những người xây dựng đường sắt đã khai quật được trong thập niên 1960. Những người nguyên thủy này sử dụng các công cụ bằng đá và đã xây dựng được các công trình đơn giản bằng gỗ.
Hậu duệ của nhóm cư dân này được người Hán gọi là những nhóm Tây Di 西夷, Nam Man 南蠻 và Bách Việt[1].
Về sau đây là nơi cư ngụ của một vài bộ lạc của người Bạch[2] sinh sống bằng nông nghiệp trong các vùng đất màu mỡ xung quanh hồ Nhĩ Hải (洱海, Erhai lake, là một hồ trên núi cao ở miền tây nam Trung Quốc, trong địa phận tỉnh Vân Nam, cách Côn Minh khoảng 265 km trông giống như một cái tai). Cùng với Bạch còn có người Di[3] 夷, người Hồi[4], người Hmong (苗,描,猫, Mèo), người Nùng. Những tộc này, cũng như những tộc khác ở bờ nam Trường Giang (長江, Cháng Jiāng còn gọi là sông Dương tử 扬子江) không thuộc tộc Hoa Hạ 華夏 vốn gốc Thiểm Tây 陝西, Sơn Tây 山西, Sơn Đông 山東, Hồ Bắc 湖北, Hồ Nam 湖南...bên kia sông.
Đây cũng là vùng đất khá đặc biệt, nơi hai con sông lớn là Trường Giang (長江 hay sông Dương Tử 扬子, bắt nguồn từ Thanh Hải 青海 chẩy xuống đã vào địa phận Vân Nam rồi mới khi quặt Đông qua Tứ Xuyên 四川 để ra biển) và Mê Công (湄公 hay Lan Thương 瀾滄, cũng xuất phát từ vùng núi cao tỉnh Thanh Hải, băng qua Tây Tạng rồi chảy theo suốt chiều dài Vân Nam xuống phía Nam) tiến sát lại với nhau, địa hình rất hiểm trở cách biệt nhau, nên tồn tại nhiều tộc người độc lập. Sự độc lập tương đối này tới thời Ngũ Đại được phát triển thành Quốc gia.
Đồng thời đây là vùng mà những tộc người từ phương Bắc thiên di xuống gặp và lai với người gốc Nam Đảo lên, tạo ra rất nhiều tộc người, ví dụ ngày nay như người Thái[5], người Hmông.... Những bộ tộc bản địa ấy tập hợp sinh sống quanh vùng hồ Điền Trì (滇池, nay là trung tâm Vân Nam) các sử gia sau này gọi là Điền tộc 滇族.
Quá trình mở rộng đất đai của người Hán gặp phải sự kháng cự mãnh liệt của người bản xứ do vậy lịch sử của các tộc người phi Hán này rất hào hùng và cũng nhiều trang đẫm máu và nước mắt. Khi yếu thế, những tộc người ở đây đã thiên di xuống phía Nam thành nhiều đợt. Do vậy cư dân vùng Tây Bắc Việt Nam, vùng Bắc Lào, Thái Lan, Miến Điện ngày nay có khá nhiều nhóm có nguồn gốc từ Vân Nam di cư xuống.
Vùng đất giáp ranh Lào Cai này, từ khi lập quốc đã từng qua nhiều thể chế (tiểu quốc, Vương quốc độc lập, tự trị) và có liên quan mật thiết với vùng đất “nơi con sông Hồng chẩy vào đất Việt” từ thủa các Vua Hùng và xuyên suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước của Đại Việt. Ngược dòng thời gian thấy rõ thời kỳ vùng Vân Nam là nước Nam Chiếu (南诏, 738 – 902) và nước Đại Lý (大理国, 937 – 1253) là có liên quan mật thiết hơn cả đến lịch sử cai trị của chính quyền trung ương với các châu Thủy Vĩ, Chiêu Tấn (tức vùng Lào Cai nay) mà lịch sử còn ghi chép lại.
Tới thế kỷ 13 vùng Tây Nam Trung thổ giáp Lào Cai nay mới trực thuộc chính quyền trung ương, trở thành tỉnh Vân Nam. Cũng từ đó quan hệ giữa Lào Cai (khi đó là đất Đăng Châu 登州 sau là huyện Thủy Vĩ 水 thuộc phủ Quy Hoá 歸化) với Vân Nam phụ thuộc nhiều vào mối quan hệ bang giao giữa chính quyền trung ương hai quốc gia.
2. Lịch sử vùng Vân Nam từng qua các phân kỳ lớn như sau:
1. Đầu tiên, sau sơ sử là Vương quốc Điền Việt (滇国, 278 tCn –115).
2. Trong thời thuộc Hán 汉朝治滇历史 từng mang tên các quận: Ích châu 益州郡, Vĩnh Xương 永昌郡. Có lúc lại hợp với Ai Lao 哀牢 hoặc xưng tiểu quốc Bạch Tử 白子国, Kiến Trữ 建宁国.
3. Thời Tam quốc 三国六朝治滇历史 là đất Châu Trữ 宁州.
4. Sau đó Thị tộc Thoán 爨氏 làm chủ tới thế kỷ VIII.
5. Khi nhà Tùy, nhà Đường cai trị 隋唐治滇历史 vùng này đặt là châu Nam Ninh 南宁州, châu Diêu 姚州.
6. Gặp lúc nhà Đường yếu, nhiều nơi đã ly khai tạo ra 6 tiểu quốc mà lịch sử gọi là Lục chiếu (六诏, 649 –794).
7. Một “chiếu” mạnh, thôn tính các “chiếu” khác lập nước Nam Chiếu (南诏, còn gọi là Nam Giao, 738 – 902). Đây là thời kỳ mà Vương triều vùng Vân Nam hùng mạnh kiêm tính cả đất Lào Cai và nhiều lần tấn công xuống tận thành Đại La (Hà Nội nay).
8. Nam Chiếu suy, hình thành “Hậu tam triều” (后三朝, 902 –937), gồm: Đại Trường Hòa (大长和, 902 – 927), Đại Thiên Hưng (大天兴, 928 – 929), Đại Nghĩa Trữ (大义宁, 929 – 937).
9. Giữa thế kỷ X, thủ lĩnh bộ tộc người Bạch là Đoàn Tư Bình 段思平 nắm quyền, lập ra Vương quốc Đại Lý (大理国, 937 – 1253) có gián đoạn bởi Đại Trung (大中, 1094 - 1095).
10. Đến thế kỷ XIII, Đại Lý bị quân Nguyên đánh bại. Thời Mông Nguyên cai trị (蒙元治滇历史, 1253 – 1382) có lúc cát cứ thành Vương quốc Lương 梁王国 nhưng chủ yếu là hưởng quy chế Đại Lý tổng quản phủ (大理总管府, 1257–1382) sau thành tỉnh Vân Nam 云南等处行中书省. Cái tên Vân Nam có từ đây.
11. Khi nhà Nguyên đổ, dưới thời Minh (明治滇历史, 1382 – 1661) là chế độ Thổ ty 云南土司 hay Thừa tuyên bố chánh sử ti 云南承宣布政使司.
12. Dưới triều Thanh (清治滇历史, 1661 – 1912) cũng hưởng quy chế Thổ ti và có thời gian ly khai bởi Đỗ Văn Tú (杜文秀政权, 1856 – 1873).
13. Thời Trung Hoa Dân quốc (中华民国治滇历史, 1912 – 1949) và thời nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (中华人民共和国治滇历史, 1949 trở đi) thì Vân Nam chính thức là một tỉnh của Trung Quốc 云南省.
Nước Trung Hoa bao la vốn đã lắm chuyện kỳ bí và vùng Vân Nam còn nhiều bí hiểm hơn bởi những lớp mờ sương khói của tư liệu lịch sử. Nhưng đây là vùng đất đặc biệt là hấp dẫn với khách du lịch bởi cảnh quan kỳ thú, phong tục độc đáo và những trang tiểu thuyết kiếm hiệp lôi cuốn của Kim Dung.
[1] Bách Việt 百粵, còn viết là 百越, gồm: Âu Việt 甌越 ở Chiết Giang 浙江, Mân Việt 閩越 ở Phúc Kiến 福建, Dương Việt 陽越 ở Giang Tây 江西, Nam Việt 南越 ở Quảng Đông 廣東, Lạc Việt 駱越 ở nước ta ngày nay.
[2] Người Bạch 白族, , xưa còn tự xưng “Bạch hòa” 白和, “Bạch tử” 白子, “Bạch ni” 白尼, “? nhân” 僰人; đời Minh gọi là Dân Gia 民家. Người Bạch có thể có nguồn gốc từ: dân bản địa, người Hán di cư, pha trộn các sắc dân được cho là hình thành từ thời Nam Bắc Triều (南北朝,420-589). Tại Ngày nay cư trú nhiều ở các tỉnh: Vân Nam 云南,Quý Châu 贵州,Hồ Nam 湖南 và Hồ Bắc 湖北.
[3] Ngoài tộc danh “Di” 彝族, tùy vùng, phương ngữ, người Trung Quốc còn gọi là “Nặc tô” 诺苏, “Nạp tô” 纳苏,“La vũ” 罗武, “Mễ tát bát” 米撒泼,“Tát ni” 撒尼,“A tây” 阿西,La La 罗罗, ... Theo truyền thuyết thì người Di bắt nguốn từ tộc người Khương cổ 古羌 ở miền Tây Trung Quốc. Người Khương cổ được coi là thủy tổ của các dân tộc Tạng, Nạp Tây và Khương ở Trung Quốc ngày nay. Người Di đã di cư từ vùng đông nam Tây Tạng qua Quý Châu 贵州, Tứ Xuyên 四川 xuống Vân Nam 云南, sớm là chủ nhân vùng quanh hồ Nhĩ Hà. Việt Nam gọi là người Lô Lô (“khỏa khỏa tộc” 倮倮族), sinh sống tại: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai.
[3] Ngoài tộc danh “Di” 彝族, tùy vùng, phương ngữ, người Trung Quốc còn gọi là “Nặc tô” 诺苏, “Nạp tô” 纳苏,“La vũ” 罗武, “Mễ tát bát” 米撒泼,“Tát ni” 撒尼,“A tây” 阿西,La La 罗罗, ... Theo truyền thuyết thì người Di bắt nguốn từ tộc người Khương cổ 古羌 ở miền Tây Trung Quốc. Người Khương cổ được coi là thủy tổ của các dân tộc Tạng, Nạp Tây và Khương ở Trung Quốc ngày nay. Người Di đã di cư từ vùng đông nam Tây Tạng qua Quý Châu 贵州, Tứ Xuyên 四川 xuống Vân Nam 云南, sớm là chủ nhân vùng quanh hồ Nhĩ Hà. Việt Nam gọi là người Lô Lô (“khỏa khỏa tộc” 倮倮族), sinh sống tại: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai.
[4] Người Hồi (回族; Huízú) là một dân tộc thiểu số có hình dáng và văn hóa giống người Hán, nhưng họ theo Hồi giáo (回教 Huíjiào; và vì thế có một số đặc điểm văn hóa riêng. Thí dụ, họ bị cấm không được ăn thịt lợn, loại thịt được ăn nhiều nhất tại Trung Quốc, và họ cũng không ăn thịt chó, ngựa, và uống rượu. Người Hồi xuất thân từ nhiều nguồn gốc. Người Hồi vùng đông nam là hậu duệ của các thương nhân Ả Rập định cư ở Trung Quốc, kết hôn với người Trung Quốc và dần dần bị đồng hóa, chỉ còn giữ lại tôn giáo của mình.Cũng có ý kiến cho rằng một số cộng đồng người Hoa nói tiếng Vân Nam và Bắc Hồi vốn là hậu duệ của những người Mông Cổ, người Thổ Nhĩ Kỳ và một số sắc tộc khác có gốc Trung Á đã chuyển sang đạo Hồi sau khi bị chính quyền các triều đại nhà Minh, nhà Thanh thi hành chính sách Hán hóa.
[5] Người Thái tại Trung Quốc (傣族; Dǎizú) là tên gọi được công nhận chính thức cho một vài nhóm sắc tộc sinh sống trong khu vực Châu tự trị người Thái ở Tây nam Trung Hoa. Nhưng có thể áp dụng mở rộng cho các nhóm tại Lào, Việt Nam, Thái Lan, Myanma khi từ Thái được đặc biệt sử dụng để chỉ Thái Lặc, Shan Trung Hoa hoặc thậm chí các sắc tộc Thái nói chung. Trong các thư tịch cổ bằng chữ Hán thế kỷ 1, người ta gọi người Thái là Điền Việt (滇越), Đạn Hoặc Thiện (掸或擅), Liêu Hoặc Cưu Liêu (僚或鸠僚). Thời kỳ Đường-Tống gọi là Kim Xỉ (金齿), Hắc Xỉ (黑齿), Hoa Man (花蛮), Bạch Y (白衣). Thời kỳ Nguyên-Minh gọi là Bạch Di (白夷), Bách Di (百夷), Bá Di (伯夷).
(Nhân Kỷ niệm ngày tái lập tỉnh Lào Cai)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!