Đại Việt hồi 1306 (ST) |
Trong tiến trình xác lập, giữ vững chủ quyền vùng đất Lào Cai này từng thấm bao mồ hôi, xương máu của bao thế hệ quân dân Văn Lang, Đại Việt. Nhưng mang dấu ấn quan trọng nhất và được ghi chép cụ thể nhất là từ thời Lý.
Khi thay nhà Tiền Lê, nhà Lý (李氏, 1009-1225) dời đô ra Đại La (1010) và rất quan tâm đến cương vực Vương quốc, có ý muốn mở rộng, khẳng định chủ quyền tại những vùng đất mà xưa nay còn chưa phân định rõ và việc quản lí toàn bộ đất đai vùng Giao Chỉ xưa được chặt chẽ hơn.
Trong khi họ Lý đang củng cố Vương quyền và vùng núi Tây Bắc là các huyện thuộc Man Châu vẫn được triều đình các bên cai trị một cách lỏng lẻo thì vào năm Thuận Thiên thứ năm (1014) Man tướng vùng Hạc Thác (thuộc nước Đại Lý 大李) là Dương Trưởng Huê và Đoàn Kính Chí đem 20 vạn quân vào cướp đất nước ta ở thượng du đặt doanh trại gọi là trại Ngũ Hoa. Vị Vua khai quốc Lý Thái Tổ (李太祖, 1010-1028) sai con là Dực Thánh Vương đi đánh dẹp, thắng trận giết được hàng vạn quân giặc và bắt được rất nhiều người ngựa. Bình định xong miền Thượng du, nhà Lý sát nhập luôn khu vực nà vào Đại Việt.
Song do điều kiện giao thông khi đó nên các vùng núi, triều đình Trung ương không đặt các quan Triết trấn hay Trấn thủ ở các miền sơn cước hay các miền lân cận thượng du nên chưa thể quản lý chặt chẽ được mà vẫn phải dựa vào các thổ ty người bản địa. Do năm cả quyền cai trị và binh bị nên các Châu mục và Tù trưởng có quyền hành quá rộng, họ dễ sinh phản nghịch. Thời này, xảy ra việc cha con Nùng Tồn Phúc 穠存福 làm loạn, li khai ở vùng núi phiá Bắc (1038), triều đình đã đánh dẹp, con trai Tồn Phúc chạy thoát. Sau đó Lý Thái Tông (李太宗,1028-1054) đã bắt được rồi tha Nùng Trí Cao (1041) nhưng Trí Cao 穠智高 lại quay ra phản trắc chạy sang cầu quan lại nhà Tống (1048) nên sau này dân gian có câu:
Mở mang, mang chạy lên rừng,
Ta hay mang chạy, ta đừng mở mang.
Tệ hại hơn, Trí Cao và các tù trưởng vùng núi đã cấu kết với quan lại nhà Tống 宋氏 đem một số châu, động vùng núi phía Bắc, Tây Bắc dâng cho Tống triều và Đại Lý 大李. Tống nhận đất, đổi tên các động này, nhập vào địa đồ Bắc quốc.
Trong cuộc Nam chinh 1077, thực hiện chiếu của Tống Thần Tông: “Sau khi bình được Giao Châu, sẽ đặt châu, huyện như nội địa”, Quách Quỳ, Triệu Tiết đã chiếm giữ châu Quảng Nguyên (đổi ra Thuận Châu) và các động Vật Ác (đổi thành Thuận An, 順安) và Vật Dương (đổi thành Quy Hoá, 歸化). Mặc dù bị Lý Thường Kiệt 李常傑 đánh đại bại trên phòng tuyến Như Nguyệt 如月, Quách Quỳ phải rời bỏ Trung Châu nhưng không chịu rút khỏi các châu, động đã chiếm ở phía Bắc.
Từ 1078-1086 nhà Lý 6 lần cử sứ giả (Đào Tông Nguyên, Lê Văn Thịnh) đòi lại những châu, động mà quân Tống chiếm giữ (Thuận An- 1062; Quảng Nguyên-1078, Vật Dương, Vật Ác-1081...) hay phân chia lại địa giới (Vĩnh Bình-1083, 1084). Nhưng vua Tống chỉ trả cho 6 huyện và 2 động còn một số động vẫn bị giữ lại, trong đó có Quy Hoá. Việc này một viên cai trị nhà Tống là Hùng Bảng đã có sớ tâu về triều: “Năm Gia Hữu (1057) Nùng Tông Đản đem các động Vật Ác dâng nộp, vua ban tên Thuận An 順安. Đời Trị Bình (1064) Nùng Trí Hội đem động Vật Dương nộp, vua ban tên là châu Quy Hoá 歸化. Trả lời Vua Lý Nhân Tông trong lần đòi đất lần thứ 6 (4/1087), trong Chiếu trả lời đề ngày 22/8/Mậu Thìn (1088), vua Tống Thần Tông đã trịnh thượng xảo biện: “…thủ lĩnh An Nam nhận nhầm vương thổ, tiên đế lại sai quan biện chính chia cõi...Trẫm vâng theo lời dạy của Tiên đế, cốt làm sao cho bờ cõi yên vui…gián chiếu xuống nhiều lần, giảng cực rõ ràng. Các đất Vật Dương, Vật Ác không thể đem bàn trở lại được nữa…”.
Vua Lý Nhân Tông viết thư gửi cho vua nhà Tống đòi những vùng đất mà quân Tống còn chiếm đóng sau trận chiến 1076-1077 đã viết: “Mặc dầu những đất ấy nhỏ bé nhưng vẫn khiến lòng tôi đau xót luôn luôn nghĩ đến cả trong giấc mộng.”. Đồng thời, để giữ vững chủ quyền và răn đe nhà Tống, vận dụng tư tưởng “Tiên phát chế nhân”, Lý triều đã nhiều lần cất binh sang tận đất Tống thảo phạt (1022, 1059, 1060) đặc biệt là trận tấn công của Lý Thường Kiệt làm cỏ châu Khâm, Liêm, Ung vào 12/1075, 01/1076. Chiến thắng oanh liệt sau lại dùng Biện sĩ bàn hòa để kết thúc chiến tranh. Phương châm vừa đánh vừa đàm của lịch sử quân sự Việt Nam thời quân chủ được thực hiện rõ và thành công nhất dưới triều Lý. Về phía Đông, năm 1171, 1172, Lý Anh Tông đích thân đi “tuần tra các hải đảo ngoài biển ở địa giới các phiên bang Nam, Bắc, tìm hiểu đường đí, vẽ bản đồ và ghi chép phong vật”.
Tại một số châu động, tuy bị buộc ép vào địa đồ Tống triều nhưng nhân dân các dân tộc trong vùng vẫn ý thức mình là người Việt và cùng chiến đấu để trở về với ngôi nhà Đại Việt.
Trên hướng Tây Bắc, năm 1159, nhân khi nước Đại Lý suy yếu, vua Lý Anh Tông 李英宗 và Tô Hiến Thành 蘇憲誠 đã tiến hành thu phục vùng đất của các tù trưởng dân tộc thiểu số ở bắc Yên Bái, nam Lào Cai vào lãnh thổ Đại Việt. Trong 12 lộ 路, 6 phủ 府, 25 châu 州 mà Lý Thánh Tông (李聖宗,1054-1072) định ra khi đổi quốc hiệu là Đại Việt 大越 chép ở Toàn thư 全書 thì châu Chân Đăng 眞灯州 (hay đạo Lâm Tây 林西道) có đất Lào Cai nay.
Từ đó vùng đất Lào Cai ngày nay chính thức và vĩnh viễn thuộc về đất Việt để sau đó, những thế kỷ sau lập nên 2 chiến thắng lẫy lừng trên vùng biên ải:
- Vào tháng 8 Đinh Tỵ Nguyên Phong (丁巳元豐,tức tháng 9/1257), được tin quân Mông chuẩn bị tấn công nước ta, Trại chủ Quy Hóa là Hà Khất đã cho người cấp báo về kinh. Đây là cơ sở quan trọng góp phần để quân dân thời Trần đã 3 lần đánh tan đội quân xâm lược hùng mạnh nhất thế giới hồi bấy giờ. Công trạng ấy và đóng góp của các tù trưởng, thổ hào, dân binh Quy Hoá trong việc chặn đánh quân xâm lược khi tiến sang hay khi rút về được chép trong Trung hưng thực lục 中興實錄.
- Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh (1418-1427), nhận rõ vị trí xung yếu của vùng Tây Bắc nên từ tháng 9/1426, Lê Lợi đã cho một đạo quân gồm 3.000 quân và 1 voi chiến do Phạm Văn Xảo 范文巧 chỉ huy đã tiến quân lên vùng Gia Hưng, Quy Hoá, Đà Giang vừa giải phóng đất đai, vừa uy hiếp phiá Tây Bắc Đông Quan lại vừa ngăn chặn viện binh từ Vân Nam sang. Tiếp theo, “Mùa Hạ tháng 4 Vua sai phòng ngự sứ Trần Ban đôn đốc tu sửa ải Lê Hoa (犁花, tức vùng Tf Lào Cai nay)”. Tháng 10/1427, sau khi đánh bại giặc Minh ở Xương Giang, Phạm Văn Xảo chủ trại Quy Hóa cùng Lê Khả 黎可,Lê Trung, Lê Khuyển từ ải Lê Hoa đã tung quân ra phá giặc ở ngòi Nước Lạnh và Đan Xá. Trong trận này ta đã chém hơn một vạn thủ cấp, bắt sống hơn nghìn tên, nghìn ngựa, còn quân giặc chết đuối không kể xiết; Mộc Thạch phải một mình một ngựa tháo chạy. Quân ta lập công lớn, thúc đẩy cuộc chiến đến toàn thắng. Trận này, trong Bình Ngô Đại cáo 平吳大誥, đã được Nguyễn Trãi nhắc đến cả về phương châm tác chiến cũng như tầm vóc và ý nghĩa của chiến thắng Lê Hoa.
Như vậy, sau Lý Thái Tổ (1009–1028), Lý Thái Tông (1028-1054), Lý Thánh Tông (1054-1072) có nhiều công lao trong việc định đô (Thăng Long, 1010), đặt quốc hiệu (Đại Việt từ tháng 10 âm lịch năm 1054 khi vua Lý Thánh Tông lên ngôi), sửa sang chính sự, mở khoa thi đầu tiên (02/1075), đánh tan quân Tống (1076), đòi đất nhà Tống lấn, giao hảo tốt với các nước, được vua Tống chính thức phong Vương ( An Nam Quốc vương cho Lý Anh Tông vào năm 1164) thu phục được các tù trưởng thiểu số, thực hiện bước Nam tiến đầu tiên (1069) …nước Đại Cồ Việt trở thành Đại Việt tuần tự vững bước đi lên, tạo tiền để các thế hệ sau đánh thắng giặc Minh, Nguyên xâm lược.
Vương triều Lý có công với Lào Cai như vậy và chiến thắng Lê Hoa lừng lẫy thế nhưng đáng tiếc trên vùng đất “ngã ba sông biên giới” này mới có đền Thượng thờ Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo còn nơi ghi công Lý triều và tưởng nhớ chiến thắng ải Lê Hoa chưa thấy có! Rõ ràng là hậu thế chưa công bằng với lịch sử!
Lỗi này chưa biết thuộc về ai?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!