[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


20 tháng 10 2011

Cuối năm ôn lại chuyện "Cải táng"

Tranh Dân gian ST
Người theo đạo Phật hay không theo tôn giáo nào ở miền Bắc, sau khi thân nhân mất thường địa táng (hung táng), sau ba năm đoạn tang rồi hoặc một vài năm nữa thì con cái lo việc Cải táng (改葬đổi cách chôn) sau đó tiến hành Cát táng (吉葬là hình thức mai táng hài cốt sau khi cải táng) trái với việc chôn lúc mới chết là “hung táng” 凶葬. Dân gian gọi việc này là “bốc mộ”. Ngày nay, nhiều ý kiến muốn bỏ tục này nhưng xem ra khó bởi trong dòng họ, gia đình quanh năm, lâu dài thế nào chả “có chuyện” khi ấy nếu đổ cho việc chưa “xây được mộ tròn” cho tiền nhân thì ai chịu? Và ngày càng có xu hướng “long trọng” hơn và ngoài việc xem ngày, chọn giờ thì việc tìm đất, đặt hướng và chọn mầu gạch cũng rất được chú trọng.

1. Một số thuật ngữ cổ liên quan:

- “Khải toàn” 凱旋: Cải táng, bốc mộ. 
- “Lập bi” 立碑: Lập bia cho mộ. 
- “Động thổ” 动土: Chỉ việc sửa chữa, đào đất khởi công xây dựng cho nhà ở hoặc một công trình. Đây là chỉ việc xây dựng Dương trạch, khác với Phá thổ chỉ loại mai táng thuộc về Âm trạch.
- “Phá thổ” 破土: Công việc phá hay đào đất để chôn cất, xây, và đắp mộ. Chỉ về công việc cho âm trạch, khác với “động thổ” ở dương trạch. (Nên tiến hành vào ngày có các sao: Minh phệ, Minh phệ đối; Kỵ các này có sao: Nguyệt kiến, Thổ phủ, Kiếp sát, Tai sát, Nguyệt sát, Nguyệt hình, Nguyệt yếm, Ngũ mộ, Thổ phù, Tứ phế, Địa nang, Phục nhật, Trùng nhật). 
- “Tu phần” 修坟: Tu sửa phần mộ và cũng có thể táng thêm người mới chết vào một huyệt của người chết trước, gọi là “Hợp táng” 祫喪
- “Tạ thổ” 謝土: Lễ tạ thổ thần sau khi hoàn thành công việc kiến trúc, cơ sở; nghi lễ cử hành cúng tế này còn gọi là Điền lễ. Sau khi hoàn thành phần mộ và cử hành cúng tế còn gọi là Hoàn phần 完坟
- “Tế mộ” 祭土: Việc cúng tế phần mộ, cử hành nghi thức khi đắp xong phần mộ, hoặc là việc tảo mộ trước và sau Thanh minh.

2. Nguyên do tục lệ:

Từ đời thượng cổ, một khi có người chết, nếu là “địa táng” thì thân nhân cứ để thế đem chôn, không áo quan cũng không lập phần mộ. Khi xã hội loài người có tổ chức nhà nước cũng là lúc mà con cháu nhận ra rằng đối với ông bà cha mẹ trong việc mai táng cẩu thả như thế là thiếu bổn phận, mới chế ra quan, quách để chôn cất dần hình thành nhiều lệ tục.
Theo cổ truyền, trong tang ma, an táng, cải táng bao gồm 12 phần việc quan trọng: - Phá thổ (Phá, đào đất để chôn cất, xây, đắp mộ) - Nhập liễm (Liệm xác) - Di cữu (Chuyển linh cữu, áo quan ra khỏi nhà hoặc nơi quàn) - An táng (Cử hành lễ chôn xuống đất) - Khải toản (Cải táng, cải cát, bốc mộ) - Tu phần (Tu sửa phần mộ, cũng có thể xem chung với việc táng thêm người mới chết vào một huyệt của người chết trước “Hợp táng”) - Khai sinh phần (Người còn sống làm mộ trước cho mình) - Hợp thọ mộc (Người còn sống đóng áo quan trước cho mình) - Tiến Thọ phù (Dâng bùa Thọ gồm 8 chữ, phóng dâng ra hư không khi làm sinh phần) - Lập bia (Dựng bia mộ, hoặc bia tưởng niệm) - Tảo xá vu (Quét dọn nhà cửa, đây là công việc trừ linh) - Thành - Trừ phục (Mặc và bỏ áo tang).
Nhiều người nghiên cứu cho rằng: trước thời Bắc thuộc dân Văn Lang (tiền thân của nước ta) chưa có tục cải táng. Trong thời kỳ nước ta bị các triều đại bên Trung Quốc cai trị (北屬時代,207 tCn- 938),  nhiều quan lại và thương lái chính quốc sang trị nhậm hoặc làm ăn ở phương Nam bị chết, liêu thuộc hoặc con cháu đã mai táng tại đất Việt. Sau này, con cháu về nước hoặc từ cố hương tìm sang muốn đưa hài cốt về quê nhà để tiện bề hương khói nên sinh ra tục “cải táng”.
Về sau thành lệ và người Việt (ở miền Bắc ngày nay) học theo và thành phong tục. Việc này mau chóng được phổ biến bởi:
- Vì nhà nghèo, khi cha mẹ mất, không tiền lo liệu, lại thời gian gấp gáp nên tang chủ mua tạm một cỗ ván đóng bằng gỗ không tốt để mai táng về sau rất sợ ván hư nát thì hại đến di hài;
- Nơi đặt mộ lúc mới chôn cũng chưa kịp chọn kỹ, sau chỗ đất ấy nhiều mối kiến, ngập nước, hay sạt mộ, hoặc buộc phải chuyển do nhà chức trách yêu cầu thì cải táng;
- Thấy chỗ mả vô cớ mà sụt đất hoặc cây cối ở trên mả tự nhiên khô héo, haytrong nhà có kẻ dâm loạn điên cuồng, hoặc có người đau ốm triền miên, hoặc liên tục gặp gia biến...cho là “động mả”, tại đất nên cần cải táng;
- Có những người muốn cầu công danh phú quý, nhờ thầy địa lý tìm chỗ cát địa mà cải táng. Lại có người thầy nhà khác phát đạt, đem mả nhà mình táng gần vào chỗ mả nhà kia, để cầu được hưởng dư huệ.

3. Thời gian thực hiện:

Thông thường sau khi chôn được 3 năm. Nhưng cũng tùy khí hậu khu vực, vị trí đất chôn, thực tế các mộ quanh đó đã cải mà quyết định. Tiến hành sớm quá, da, thịt chưa tiêu hết, khi bốc rất thương tâm. Ngược lại để lâu quá xương cốt mối xông hết gia chủ lại thêm lo. Ví dụ: ở Bắc Hà, Sa Pa do khí lạnh nên có người chôn 7 năm khi cải phần mềm vẫn chưa tiêu hết hoặc tuy cùng ở Phố Lu, Bảo Thắng nhưng nghĩa địa Đồi Tên lửa (qua Bệnh viên về phía Nhò) cũng phải 6,7 năm mới bốc mộ được trong khi nghĩa trang khác cách đó 2 km chỉ 3 năm là sạch. Như Bố tôi mất từ tháng 1/1997 đến đầu năm 2001 (cuối Canh Thìn) định cải táng song lo phạm tuổi Trưởng và út nam và nhiều ý ra vào nên để lại, đến ngày 20 tháng 12 năm 2001, tức là ngày mồng 6 tháng mười một 初六日 十一月大, hay ngày Đinh Tỵ, tháng Canh Tý 6  năm Tân Tỵ  辛巳年庚大月己午日 (tức gần 5 năm) tiến hành cải táng.
Chọn ngày: Thường vào dịp cuối năm vì khi đó thời tiết khô ráo. Nhưng phải trước 23 tháng Chạp bởi sau đó Thần Táo lên Thiên đình rồi, minh có làm lễ cũng không ai chứng giám cho, kêu không thấu, cầu chẳng được nên không thực hiện.
 Sau đó phải tìm ngày. Điều quan trọng nhất trong ngày giờ này là tránh các ngày mà có các sao sau chiếu Thiên cương, Thọ tử, Đại hao, Tử khí, Quan phù (xấu trong mọi việc lớn), Băng tiêu ngoạ giải (kiêng làm nhà và mọi việc lớn), Thổ cấm (kiêng động thổ), Trùng tang, Trùng phục (kỵ hôn nhân, mai táng, cải táng).
Ngày nay Lịch Vạn sự, các phần mềm tính sẵn nhiều. Có thể dựa vào đó để tra, tránh các ngày: Trực bình, Thu, Nguyệt kiến, Nguyệt phá, Thổ phủ, Kiếp sát, Tai sát, Nguyệt sát, Nguyệt hình, Nguyệt yếm, Tứ phế, Ngũ mộ, Phục nhật, Trùng nhật.
Nếu không tính được và tránh để anh em, họ mạc bàn ra tính vào tốt nhất là nên nhờ thầy, mà thầy bây giờ ở đâu mà chẳng có.

3b. Thời gian cải táng theo quy định của pháp luật:

THÔNG TƯ Số: 02/2009/TT-BYT ngày 26 tháng 5 năm 2009 của Bộ Y tế hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng và hỏa táng quy định :
Tuỳ theo điều kiện chất đất, phong tục tập quán và tín ngưỡng của từng vùng mà thời gian cải táng có thể khác nhau nhưng thời gian từ khi chôn đến khi cải táng không dưới 36 tháng.
Di chuyển thi hài, hài cốt trong trường hợp giải tỏa nghĩa trang mà chưa đủ thời gian cải táng theo quy định:
a) Khi đào hết lớp đất trên nắp quan tài, tiến hành phun dung dịch hoá chất diệt khuẩn thuộc danh mục các hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế đã được đăng ký lưu hành như dung dịch Cloramin B nồng độ 5% lên mặt trên quan tài, sau 30 phút mới được mở nắp quan tài.
Trường hợp thi hài chưa phân huỷ hết, phải chuyển thi hài sang quan tài khác. Việc xử lý thi hài và môi trường xung quanh được tiến hành như việc khâm liệm đối với người chết đã có hiện tượng thối rữa quy định tại Khoản 2 Mục III của Thông tư này.
Trường hợp thi hài đã phân huỷ hết thì tiến hành cải táng như các trường hợp thông thường để di chuyển hài cốt đi nơi khác.
b) Ngay sau khi di chuyển thi hài hoặc hài cốt đi nơi khác phải phun dung dịch hoá chất diệt khuẩn thuộc danh mục các hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế đã được đăng ký lưu hành như dung dịch Cloramin B nồng độ 5% hoặc rắc một lớp vôi bột xuống huyệt mộ.

4. Đất, Hướng :

Ngày nay các địa phương đều đã có nghĩa trang. Do đó việc hung táng hay cát táng đều được thực hiện tại đây. Mọi lý thuyết về Long huyệt khó thể áp dụng được một cách chi tiết và nếu lo lắng hay mê tín quá sẽ rối thêm, nhỡ việc, trái quy tắc văn minh hiện đại, đôi khi mất đoàn kết xóm thôn.. Hơn nữa, tính linh ứng của kiểu đất bởi “Thiên trợ táng” 天助葬 sẽ hơn hẳn “Nhân tự táng” 人自葬” và Cát địa âm trạch” đâu phải ai cũng tìm được mà còn do “cơ duyên” nữa và dù có rồi thì việc “phát” của con cháu còn do gặp “Thời” và tuỳ “Nhân” nữa. Song để cho an tâm, vững lòng toàn gia nên tìm ngày để “tránh Hung phùng Cát” 掙凶逢吉 và có thể thực hiện được.
Tìm đất, chọn hướng: ban đầu cổ nhân chú ý cả việc chọn đất làm nhà (dương cơ), dựng chùa...và đặt mả (âm phần) và cho rằng ”Nhất dương thắng Thập âm”. Nhưng về sau dương cơ chỉ cốt lấy hướng còn âm phần (nơi an táng của người thân) thì được quan tâm đến cả vị trí, thế đất, hình thù đám đất và hướng.
Địa điểm lý tưởng cho nơi đặt mộ là có thế đất vuông vức, lưng chừng quả đồi giống hình chiếc ghế bành, quanh có Tứ quý 四貴che chở: phía sau có Hậu chẩm 後枕là tựa vào Rùa đen (玄龜Huyền Quy, thuộc Thủy), trước mặt có Minh đường là Phượng hoàng đỏ (朱雀Chu tước, thuộc Hỏa) thấp hơn như cái ghế để chân, bên trái có Rồng xanh (青龍Thanh Long, thuộc Mộc) nằm cao hơn, bên phải có Hổ trắng (白虎Bạch Hổ, thuộc Kim) cần thấp hơn bên trái. Xa hơn về phía sau có tầng tầng lớp núi cao dần, phía trước có dòng nước chẩy quanh co coi như huyết mạch của đất. Như vậy địa điểm đặt một lành là phải có đủ “Long (chân), Huyệt (đích), Sa (bao), Thủy (bọc)” và tránh những đám đất méo mó, trước rộng, sau hẹp; đất có Bạch Hổ cao hơn Thanh Long hay trực đơn, thoát khí; Minh đường xung xạ, trực khuynh...
Đặc biệt chú ý chớ có mải mê tìm đất tốt bởi tốt với nhà này, chưa hẳn tốt với mình vì “Nhất Phúc, Nhì Mệnh, Tam Phong thủy” mà! Đồng thời chớ có tin thấy bói rằng “Mộ Tổ nhà X bị Mộ Tổ nhà Y trực chiếu” hay “cản” mà đang tâm tìm cách yểm bùa, đào, xê dịch mộ nguời hay tìm cách “khắc chế”, “đấu Phong thủy” theo luật Ngũ Hành (như đắp núi chế hồ, trồng cây hạn đồi, dùng rào sắt khắc rào tre...). Bởi “mình phụ ngươì là họa, nguời phụ mình là phúc” nên làm vậy chỉ hại thêm. Đó còn chưa nói đến việc “thầy” thấp tay không trị được tà ma hay bản thân thầy “hai mang” càng nguy!. Hơn nữa, tất cả  việc xem chỉ là yếu tố “Tâm linh”, để cháu con yên tâm hoàn tất việc báo hiếu chứ”Xương người chết sao cầu được Phúc”!. Cốt ở con cháu “Tâm thành tất linh ứng心誠必靈應, “Tiên tích Đức, hậu tầm Long先積德後尋龍 và xưa nay “Đức năng thắng số德攮勝數 cũng nhiều.
Nhớ lời thầy và tuân theo căn dặn của thân phụ khi còn sống, chúng tôi đã chấp hành theo nguyên tắc đó, Bố tôi tuổi Quý Hợi, mệnh Khôn - Thổ khi hung táng vào Thứ Tư 22/01/1997 (tức là ngày 14 tháng Chạp năm Bính Tí) do ông Kiên (người gốc Tiên Lãng, ở Xuân Quang) đặt mộ hướng Tây Bắc thuộc hướng Diên niên. Ngôi mộ này phía sau có Hậu chẩm là tựa vào Rùa đen (Huyền Quy) là dãy đồi nhà anh Mão; trước mặt có Minh đường là Phượng hoàng đỏ thấp hơn như cái ghế để chân là quả đồi thuộc Cốc Sâm; bên trái có Rồng xanh (tả Thanh Long) là dãy đồi hồi nhà ông Sơn nằm cao hơn; bên phải có Hổ trắng (hữu Bạch Hổ) là dãy đồi thấp kế tiếp núi Cốc Sâm. Xa hơn có dòng nước chẩy và con đường vào xóm coi như huyết mạch của đất. Đến khi thực hiện việc cải táng di hài thân phụ, tôi giao cho chú Luân chọn một điểm tại Nghĩa trang km36 thôn An Phong xã Phong Niên và làm việc với Thôn, Xã về việc cấp đất. Sau anh em đã kiểm tra lại, thấy thoáng đáng, đủ thực hiện được nguyên tắc “chiêu mục”, tiện đường.
Hướng mộ là hướng mà khi người nằm dưới đó ngồi dậy nhìn thấy. Theo nguyên tắc ”trần sao âm vậy” việc chọn hướng cần dựa vào mệnh người nằm dưới mộ và tránh hướng Tuyệt mệnh, Hoa hại. Khi nhờ cụ Luận (ở Duyên Hải, thị xã Lào Cai) tính, Cụ nói đặt hướng Tây (khi ngồi dậy nhìn thấy mặt trời lặn), có nghĩa là đầu quay hướng Đông. Theo Thuật Phong Thuỷ thì đây là hướng Mão  là hướng thành công và phồn vinh. Tôi đã thực hiện đúng vì khi tự nghiên cứu thấy đó là hướng Thiên y, hơi chệch lên Bắc sẽ là Diên niên, ghé xuống Nam sẽ là Phúc đức đều là hướng lành với tuổi Cha.
Trường hợp các gia đình quy tập mộ người thân trong một khu thì việc xác định hướng là theo mệnh của người gia trưởng, những thành viên khác sắp xếp theo thứ tự ”Tả chiêu hữu mục” 左昭右穆: các đời lẻ về bên tay Trái - hướng Đông, đời chẵn về bên Phải-hướng Tây. Trong bàn đồ thờ Cửu Huyền Thất Tổ cũng sắp xếp Bài vị hay ảnh theo nguyên tắc này. Dịp sang cát thân phụ tôi, gia đình thống nhất đưa mộ bà Nội tôi (mất ngày 22/12/1982, cải táng năm 1986, đặt ngay cạnh mỏm đá, gần giữa cửa nhà gia đình tôi trong xóm) ra. Vì qui tập nên phải theo cùng hướng với mộ thân phụ tôi, đặt ở bên tay Trái mộ này.
Dù đã tìm được Cát địa nhưng nếu chôn nhầm ngày thì coi như “đem thi thể vứt đi” chứ đâu phải mai táng nên hậu quả khôn lường. Do vậy việc tính ngày giờ trong chôn cất (hung táng) và khi cải mộ (cát táng) rất quan trọng. Chưa biết hiệu quả thế nào nhưng cứ để cho lòng người vững là tốt.

5. Xem ngày và chọn giờ:

Điều quan trọng nhất trong ngày giờ mai táng là tránh các ngày mà có các sao sau chiếu Thiên cương, Thọ tử, Đại hao, Tử khí, Quan phù (xấu trong mọi việc lớn), Băng tiêu ngoạ giải (kiêng làm nhà và mọi việc lớn), Thổ cấm (kiêng động thổ), Trùng tang, Trùng phục (kỵ hôn nhân, mai táng, cải táng).
Ngày KIÊNG ĐÀO HUYỆT, MAI TÁNG theo tháng âm lịch:



GIÊNG
HAI
BA
NĂM
SAÚ
BÂỶ
TÁM
CHÍN
MƯỜI
MMỘT
CHẠP
Tị
Mùi
Dần
Dậu
Thìn
Hợi
Ngọ
Sửu
Thân
Mão
Tuất
Tuất
Thìn
Hợi
Tị
Ngọ
Sửu
Mùi
Dần
Thân
Mão
Dậu
Ngọ
Mùi
Thân
Dậu
Tuất
Hợi
Sửu
Dần
Mão
Thìn
Tị
Tị
Sửu
Thân
Mão
Tuất
Hợi
Ngọ
Mùi
Dần
Dậu
Thìn
Hợi
Hợi
Hợi
Dần
Dần
Dần
Tị
Tị
Tị
Thân
Thân
Thân
Giáp
Ất
Mậu
Bính
Đinh
Kỷ
Canh
Tân
Kỷ
Nhâm
Quý
Mậu
Canh
Tân
Kỷ
Nhâm
Quý
Mậu
Giáp
Ất
Kỷ
Bính
Đinh
Mậu

Ngoài ra, các ngày đại kị động thổ an táng là ngày gặp sao: Thái Tuế, Tuế Phá, Kiếp Sát, Diệt Sát, Tuế Sát, Ngũ Hoàng, Nguyệt Kiến, Nguyệt Phá, Nguyệt Yếm, Tứ Ly, tứ Tuyệt.

6. Kiến trúc:

Chung : Không phô trương cầu kỳ, nhưng không tủn mủn kiểu nhà neo và hoa hoè kiểu trọc phú, cần phù hợp, hài hòa với xung quanh.
Được Mẹ đồng ý, lúc đầu tôi định đưa cả hài cốt vợ chồng Chú Thím Rật-Bính về đây nhưng chị em Dưỡng - Tràng chưa thống nhất được, nên tôi không dám ép, chỉ tính cả phần đất mai kia giành cho mẫu thân.
Phần Lương tộc chi mộ  梁族之墓này có kích thước 4,5 x 3 m được xây tường bao, đầu các ngôi mộ quay hướng Đông (hướng Mão). Mộ Đệ Ngũ Tổ Tỉ 第五祖妣xây mái nhọn trên có gắn Rồng chầu mặt nguyệt, tấm dựng gắn ảnh (chụp 1982). Mộ đệ Lục Đại Tổ 第六代祖mái uốn vòm, tấm dựng gắn ảnh, hai bên có đôi câu đối khắc trên đá của LĐM :
Công cao mở đất lưu hậu thế;
Đức cả rèn con rạng tổ tông.
Chính giữa tường phía sau có bàn thờ với bức hoành phí gồm cả chữ Nho 克昌厥後 (KHẮC XƯƠNG QUYẾT HẬU) và dịch nghĩa: (Thịnh vượng cho đời sau). Sau này, vào ngày 25/12/2009 (tức là ngày 10/11 Kỷ Sửu), có nhà xây mộ xung đối với mộ Cha, tôi đã cho bịt cửa giữa và mở cửa nách để vào mà không làm các động tác “đôi co” hay “đấu phong thủy” như có người từng khuyên!. Tại cửa chính vừa xây kín phía trên ghép bức bằng đá khắc chữ Việt chữ Hán: “LƯƠNG TỘC CHI MỘ (Đệ Ngũ và Đệ Lục đại), 阴德不忘 ÂM ĐỨC BẤT VONG” và hai bên đặt đôi câu đối chữ Việt:
PHÙ HỘ VỮNG BỀN MIÊU DUỆ;
NGUYỆN CẦU VĨNH VIỄN ÂM PHẦN.
Chọn mầu gạch: Xưa kia khi cải sẽ đắp mộ tròn. Sau này xây hình dài hoặc tròn tùy gia chủ nhưng đa phần dài. Hiện nay việc quét vôi các ngôi mộ xây đã giảm, đa phần là ốp gạch. Việc chọn mầu gạch cũng theo nguyên tắc sinh vượng của Ngũ hành, Bát quái. Khi xây mộ phụ thân, tôi chọn gạch ốp là mầu Hồng (sinh vượng cho mệnh Thổ).

7. Nghi thức:

Trước hôm cải táng làm lễ cáo từ đường. Ðến hôm cải táng, lại làm lễ khấn thổ công chỗ để mả mới táng.
Khi cải táng phải cất mộ ban đêm hoặc sáng sớm khi Mặt trời chưa mọc, hoặc nếu làm ban ngày thì phải có lán che bởi âm dương cách biệt nên phải kiêng không để mặt trời trực tiếp dọi vào. Nhưng, xuất phát từ kinh nghiệm thực tế, có nhiều trường hợp, gặp đất dưỡng thi, hoặc ba điều tường thuỵ (tức mộ kết phát) không nên cải táng, phải lấp lại ngay. Trong trường hợp thi thể sau nhiều năm vẫn còn nguyên vẹn, nếu để ánh nắng mặt trời trực tiếp dọi vào thì rữa ra ngay và teo lại. Mặt khác buổi sáng hay đêm không khí thường trong lành, ít người tụ tập, đỡ độc hại. Vì vậy, để phòng xa nên kiêng ánh mặt trời, lâu ngày trở thành phong tục chung.
Trước hết khai mả, nhặt lấy xương xếp vào một cái tiếu sành, rẩy nước vang vào rồi che đậy thật kín, không cho ánh sáng mặt trời lọt vào được. Nhà phú quý thì dùng quan quách liệm như khi hung táng đem cải táng sang đất khác. Còn quan tài cũ nát thì bỏ đi, tốt thì đem về dùng hoặc làm cầu, hoặc làm chuồng trâu chuồng ngựa, để trâu ngựa đứng cho khỏi sâu chân. Dân gian tin rằng: Hễ ai đau tức thì lấy mảnh ván thộ (mảnh ván quan tài nát) đốt lên, để gầm giường mà nằm thì khỏi đau tức.
Trong khi cải táng có ba điều là tường thuỵ (tức là mả phát tốt đẹp) mà không cải tángMột là, khi đào đất thấy có con rắn vàng thì cho là long xà khí vật;Hai là, khi mở quan tài ra thấy có dây tơ hồng quấn quýt thì cho là đất kết; Ba là, hơi đất chỗ đó ấm áp, trong huyệt khô ráo không có nước hay là nước đóng giọt lại như sữa đều là tốt. Khi nào gặp như thế thì phải lập tức lấp lại ngay.

7a. Vận chuyển hài cốt:

THÔNG TƯ Số: 02/2009/TT-BYT ngày 26 tháng 5 năm 2009 của Bộ Y tế hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng và hỏa táng quy định:
a) Khi vận chuyển hài cốt phải đựng hài cốt trong các vật dụng kín, không thấm nước.
b) Khi vận chuyển hài cốt qua biên giới phải bọc kín hài cốt trong 2 lớp, lớp trong là vật liệu không thấm nước, lớp ngoài là quách bằng gỗ hoặc bằng sành, sứ.
Khi cải táng di hài thân phụ, theo lời thầy, gia đình tôi tiến hành theo quy trình: ngày 20 tháng 12 năm 2001: 11 giờ 30 khởi móng xây mộ mới, 18 giờ bật ván thiên, 19 giờ tắm rửa xong: xương sạch, vàng đẹp; 20 giờ hạ Tiểu xuống mộ mới. Ngày hôm sau xây tiếp phần trên mặt đất. Đúng trưa ngày 22/12/2001, tức ngày 08 tháng Một năm Tân Tị, kỷ niệm 19 năm ngày Giỗ Nội Tổ mẫu khánh thành. Vẹn mọi đường, vừa trang trọng, vừa đỡ công đi lại của con cháu và khách mời ở xa!
Sau khi hoàn thành việc xây phải gắn bia có ảnh, họ tên, năm sinh, năm mất và có thể có câu đối. Đồng thời nhớ săn sóc mộ phần chu đáo, nhất là dịp Lễ Tết, Thanh minh, Cúng Giỗ...Gia đình tôi mỗi bận có việc lớn, như con cái thi, nhập học, đỗ đạt, gả chống, cưới vợ, lên chức, thăng cấp...ngoài việc yết cáo tại Ban thờ, chúng tôi đều dẫn ra mộ kính cáo với vong linh Bà và Bố tôi.
Tháng 10 năm 2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!