Điền quốc (滇國, 278 tCn-115) là Vương quốc cổ ở vùng Tây Nam Trung Quốc ngày nay với cương vực quanh hồ Điền Trì 滇池. Có người cho rằng cư dân vùng này thuộc nhóm Điền Việt 越民 sau này giới sử học gọi họ là Điền tộc 滇族. Vương quốc này xuất hiện thời Chiến quốc 戰國 và diệt vong bởi nhà Đông Hán 東漢. Sự ra đời cũng như diệt vong của nó ẩn chứa nhiều kỳ bí.
Thời cổ, quanh vùng hồ Điền Trì là địa bàn cư trú của các bộ lạc tổ tiên của người Di 彝族 ngày nay. Dưới thời Chiến Quốc (戰國時代/战国时代; Zhànguó Shídài, TK 5 tCn-221 tCn), vào năm 278 tCn Sở[1] Tương Trang (楚将庄, 298 tCn ─263 tCn)sai viên tướng Sung Kiều (Trang Giao hay Trang Kiệu, Trang Kiểu 庄跤/庄峤/庄蹻), mang quân từ thượng nguồn sông Dương Tử đến khu vực Điền Trì. Năm 279 tCn, Trang Kiểu phụng mệnh Nam chinh, qua Ba Thục (蜀漢, vùng Tứ Xuyên nay) vượt Kiềm Trung 黔中…tiến đánh Thả Lan (且兰, nay là Phúc Tuyền 福泉 thuộc Quý Châu 贵州 ), thu phục Dạ Lang (夜郎, nay là Đồng Tử 桐梓, Quý Châu 贵州), thẳng đến Điền Trì (滇池, nay là Côn Minh 昆明, Vân Nam 云南 ). Khi hoàn tất việc bình định các vùng quanh đó, Trang Kiểu đã báo tiệp về cho nước và đặt vùng này thuộc Sở, mang tên Vu Quận 巫郡, Kiềm Trung quận 黔中郡.
Nhưng khi đó, vào năm 223 tCn Tần Quốc Công 秦国攻 sau khi diệt Ba Quốc 巴國 và Thục Quốc 蜀國, sai Vương Tiễn (王翦, 303–214 tCn) đánh Sở, bắt sống vua Sở là Mị Phụ Sô (熊負芻, 227 tCn-223 tCn). Vì thế, quận Kiềm Trung bị mất và Trang Kiểu không có đường về.
Ở lại Điền Trì, Trang Kiểu lấy vùng đất mà mình thu phục được lập riêng một nước lấy quốc hiệu là Điền Việt 滇國, tự lập làm Điền Vương 滇國王, hiệu Trang Vương 庄王 . Ông và những người kế nghiệp ông đã mang tới vùng này ảnh hưởng của người Hán cả trên phương diện dân cư và văn hóa. Nhưng lịch sử thời kỳ này còn nhiều điều chưa rõ.
Kết quả khảo cổ chứng minh rằng Điền Quốc có cương vực khá rộng:đông giáp Lục Lương 陆良,tây đến An Ninh 安宁, bắc tới Chiêu Thông 昭通, Hội Trạch 会泽, nam đến Nguyên Giang 元江, Tân Bình 新平, Cá Cựu 个旧. Chiều dài nam bắc 4-500 dặm, đông tây rộng hơn 200 dặm。Như vậy Điền Việt giáp với nước Tây Âu (hay Âu Việt 甌越) và nước Âu Lạc 甌貉國 của Thục Phán 安陽王蜀泮, tiền thân của Đại Việt 大越 sau này.
Năm 221 tCn, Tần Thủy Hoàng (秦始皇, Qin Shihuang, 221 tCn-210 tCn) thống nhất Trung Quốc và mở rộng quyền lực xuống phía nam, thiết lập. các châu 州 và huyện 縣 tại đông bắc Vân Nam. Đường giao thông đang có tại Tứ Xuyên đã được mở rộng về phía nam tới gần Khúc Tĩnh 曲靖 ngày nay, ở miền đông Vân Nam - được gọi là “Ngũ xích đạo” (五尺道, đường 5 thước), nối thông với nước Thục 蜀. Khi nhà Tần suy, Điền Quốc hồi phục.
Năm 122 tCn nhà Hán (漢朝/ 汉朝, 203 tCn–220; nối tiếp sau nhà Tần và trước thời Tam Quốc ở Trung Quốc. Triều đại này được gia tộc họ Lưu thành lập và cai trị) cử Sử Tiết Vương 使节王 kinh lý Điền Quốc, xuống tới Thân Độc (身毒, Ấn Độ nay).
Vào năm 109 tCn Hán Vũ Đế (漢武帝, tức Lưu Triệt 劉徹, 156 tCn– 87 tCn) phái tướng Quách Xương 郭昌 xuống Tây Nam diệt Lao Tẩm 劳浸, Mị Mạc 靡莫, thẳng đến thu phục Điền Quốc, sát nhập vào đất Hán, đổi thành quận Ích Châu 益州 với 24 huyện trực thuộc, nhập vào bản đồ Hán triều. Nơi đặt trụ sở của quận này là huyện Điền Trì (滇池, ngày nay là Tấn Ninh 晋宁).
Tuy chỉ là một quận nhưng Hoàng đế nhà Hán vẫn ban cho những người đứng đầu xứ này ấn tín gọi là “Điền vương chi ấn” 滇王之印 để cai quản vùng đất này theo thể chế ki mi[2] 羈縻. Tịnh Duẫn Hứa Điền vương 并允许滇王 kế tục quản lý thần dân. Theo “Lịch sử Điền Quốc” 滇国史 thì nước này tiếp tục tồn tại đến năm Đông Hán thứ 2 (东汉元初二年, 115) mới hoàn toàn diệt vong.
Một huyện khác được gọi là “Vân Nam” 云南, có lẽ là lần sử dụng đầu tiên của tên gọi này. Để mở rộng quan hệ thương mại mới hình thành với Miến Điện 缅甸 và Ấn Độ 印度, Hán Vũ Đế còn giao cho Đường Mông 唐蒙 nhiệm vụ bảo trì và mở rộng Ngũ xích đạo, đổi tên nó thành “Tây nam Di đạo” 西南夷道.
Trong giai đoạn này, người Hán di cư tới nhiều hơn đem theo văn hóa người Hán tới vùng biên viễn này. Nhưng vùng đất đa sắc tộc này không yên ổn được lâu và sự Hán hóa cũng rất chậm dù sau này nội thuộc nhà Hán (thế kỷ I đến thế kỷ IV) để rồi lại bị tộc Thoán 爨氏 cai trị 4 thế kỷ, sau đó thuộc Đường và tới thời phân tranh bởi Lục Chiếu (六诏, 649 –738) trước khi độc lập trở thành Nam Chiếu (南诏, 738 – 902)...
Chính Nam Chiếu và Vương quốc Đại Lý (大理, 937 – 1253) sau này là những nước từng xâm lẫn, cai quản Thủy Vĩ, Chiêu Tấn (vùng Lào Cai nay) và tiến công cả tới thành Đại La (Hà Nội nay) của nước Việt ta. Còn cổ quốc Điền liên quan tới vùng Lào Cai nay thế nào chưa tìm thấy tư liệu.
[1] Sở 楚 là một vương quốc chư hầu thời Xuân Thu (722-481 tCn) và Chiến Quốc (481 tCn -221 tCn) ở nơi hiện nay là phía nam Trung Quốc. Ban đầu được ban tước “Tử” 子 đến 704 tCn mới xưng Vương 王, theo chế độ Quân chủ, cha truyền con nối, của gia tộc Mị Hùng 芈熊.
[2] Triều đình trung ương gián trị qua các Thổ quan để ràng giữ, duy trì để cho không đến nỗi tuyệt hẳn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!