Giáo sư Tiến sĩ Lương Phương Hậu |
Hôm nay, chúng ta kỷ niệm ngày sinh trạng nguyên Lương Thế Vinh.
Theo những lời bình của thiên hạ, thì Lương Thế Vinh của chúng ta có khá nhiều cái nhất :
- Là trạng nguyên tài hoa, có danh vọng bậc nhất, như lời Lê Quý Đôn nhận xét trong "Đại Việt sử ký tòan thư".
- Là trạng nguyên đa tài nhất trong tất cả các vị trạng nguyên của nước ta từ năm 1247 đến 1736 (Theo đánh giá của tác giả cuốn Danh nhân Hà Nội và cuốn "46 vị Trạng Nguyên Việt Nam" , NXB Quân Đội Nhân Dân, 2009);
- Là nhà tóan học lỗi lạc đầu tiên của đất nước, người soạn giáo trình Toán học đầu tiên ở Việt Nam, như giới Tóan học Việt Nam nhận định.
- Là một cận thần thân tín nhất, một cố vấn tâm phúc nhất của Lê Thánh Tông, vị vua sinh và mất đều sau cụ Trạng đúng 1 năm. Với sự cố vấn tòan diện của Lương Thế Vinh, vị Hoàng đế này đã có 1 sự nghiệp vẻ vang, gắn liền với giai đoạn cường thịnh của Việt Nam nửa cuối thế kỷ 15, là người khởi xướng bộ luật Hồng Đức nổi tiếng về trình độ văn minh cao của đất nước. Vì vậy, khi nghe tin Lương Thế Vinh qua đời, Lê Thánh Tông đã phải đau xót thốt lên:
... Khí thiên đã lại thu sơn nhạc,
Danh lạ còn truyền để quốc gia,
Khuất ngón tay than tài cái thế,
Lấy ai làm Trạng nước Nam ta.
Vua nói "...Lấy ai làm trạng nước Nam ta!" tức là vua đã công nhận Lương Thế Vinh là ông trạng xuất săc nhất !
Lương Thế Vinh là biểu tượng bất tử của họ Lương.
Dòng họ Lương chúng ta đã sinh ra Thế Vinh, chứ Ngài không từ trên trời rơi xuống. Cho dù ngài có thiên tư tài mạo bẩm sinh, nhưng nếu không có ông nội Lương Thế Nghệ giỏi cầm kỳ thi họa; không có cha Lương Thế Triệu là người nhân nghĩa, một đời tu thân tích đức; không có bà con và lũ trẻ làng Hương đùm bọc nhiều lần thoát khỏi sự rủ rê rắp tâm hãm hại của lũ mẹ mìn bất nhân; không có thầy giáo Giải Nguyên Lương Hay, vốn là người em họ, có con mắt tinh tường đào tạo và chiếu cố đặc biệt...thì làm sao có trạng nguyên LươngThế Vinh lỗi lạc như thế? Nhưng đổi lại, cũng chính đứa con xuất sắc Lương Thế Vinh đã làm rạng rỡ cho dòng họ Lương Việt Nam, đã nâng cao tầm vóc của một họ Lương vốn thấp bé, bị che khuất trong đám đông.
Lương Thế Vinh, bằng các phẩm chất và sự nghiệp của mình, ngài đã hoàn thiện và nâng cao thêm các truyền thống vốn có trước đó hàng ngàn năm của dòng họ.
- Về truyền thống yêu nước, đấu tranh vì nền độc lập của dân tộc.
Thực ra, đây là truyền thống chung của toàn dân tộc ta, không riêng gì của một dòng họ nào. Đây cũng là sự nghiệp của tòan dân ở mọi tầng lớp xã hội, không riêng cho một giai tầng nào. Nhưng đối với họ Lương, trong truyền thống này vẫn có một mầu sắc riêng. Đó là ngọn cờ tiên phong của các thành phần lớp trên, có học thức cao; đó là những gia tộc binh nghiệp qua nhiều thời đại; đó còn là những cặp cha con, anh em, vợ chồng trong một gia đình đều có công lớn với đất nước.
+ Điển hình nhất là gia đình của Trạng nguyên Lương Thế Vinh.Cuộc đời 32 năm đứng đầu hàn lâm viện, Lương Thế Vinh luôn là người tận tụy với công việc, lo từ cái bàn tính gẩy đến quốc gia đại sự, người vạch ra và chấp bút các sách lược ngoại giao đối phó với các áp lực thiếu thiện chí của các lân bang. Lương Thế Vinh có hai con trai, Lương Thế Hộc và Lương Thế Khôi, đều là những dũng tướng của triều Lê, có những chiến công hiển hách, hy sinh cho sự tồn vong của sơn hà xã tắc, lúc mất đều được phong thượng đẳng phúc thần.
+ Độc đáo nhất là gia đình Bảng nhãn Lương Đắc Bằng- Lương Hữu Khánh. Cha là công thần thời Lê Hiến Tông, làm thượng thư bộ Lại, con là nhân vật trọng yếu của triều đình nhà Lê, làm đến thượng thư bộ Binh, có công khôi phục và lập nên nhà Lê Trung Hưng. Cũng nhờ có Lương Hữu Khánh cất nhắc mà anh em Lương Văn Chánh, Lương Công Nghĩa... có cơ hội lập công lớn cho đất nước là hoàn thiện dần bản đồ hình chữ S bên biển Đông như nước Việt Nam ngày nay.
+ Hai cha con Lương Văn Can - Lương Ngọc Quyến cũng là một cặp văn võ toàn tài. Tâm huyết cụ cử Can với đất nước thì đã được sử sách nói nhiều. Khí phách chiến đấu của Lương Ngọc Quyến trong khởi nghĩa Thái Nguyên đã được cụ Phan Bội Châu ca ngợi như sau :"Thân không đầy bẩy thước mà lòng mạnh bằng muôn người. Tuổi không quá bốn mươi mà tinh thần suốt muôn thuở. Người như thế lại không khó lắm ru ! Lương Lập Nham gần như thế đấy ."
+ Cũng với môtip cha văn, con võ đó, trong thời kỳ hoạt động cách mạng ở thế kỷ XX, chúng ta cũng có những gia đình như vậy. Điển hình là 2 cha con Lương Văn Thăng - Lương Văn Tụy, người Lũ Phong, Nho Quan, Ninh Bình, cùng làng với "nữ tướng Việt Minh" Lương Thị Hà. Lương Văn Thăng, một đảng viên cộng sản đầu tiên của tỉnh Ninh Bình, một "cụ tú làng Quỳnh" tiếng tăm lừng lẫy. Con trai Lương Văn Tụy, 15 tuổi đã bước vào hoạt động cách mạng.Năm 1929, chính quyền cách mạng quyết định cắm cờ búa liềm trên núi Non Nước. Lương Văn Tụy đã được giao nhiệm vụ lịch sử này. Sau sự kiện cắm cờ Đảng, ngày 18 tháng 11 năm 1929, quân Pháp bắt anh đưa về nhà lao Ninh Bình giam giữ, rồi bị đưa đi Côn Đảo. Năm 1932, anh cùng một số đồng đội khác vượt biển về đất liền, bị gió to, tất cả đều hy sinh. Năm ấy anh vừa tròn 18 tuổi.
Nhân dân Ninh Bình đã xây dựng tượng đài Lương Văn Tụy trên đỉnh núi Non Nước. Tên tuổi của người thanh niên cộng sản này cũng được đặt cho một trường trung học và một đường phố ở thành phố Ninh Bình, bên cạnh một đường phố mang tên cha.
- Về truyền thống hiếu học.
Đã có quá nhiều truyện kể về tinh thần ham học hỏi, đức tính chịu khó tìm tòi và cách học thông minh có hiệu quả cao của Lương Thế Vinh, cả nước đều biết. Tinh thần đó và cách học đó đã được tôn vinh xứng đáng trong Khoa thi Quý Mùi 1463, có tới 4.400 cử nhân dự. Vua Lê Thánh Tông tự tay ra đề thi với đề văn sách hỏi về "đạo trị nước của các bậc đế vương". kết quả chọn được 44 tiến sĩ và Lương Thế Vinh đỗ đầu (trạng nguyên). Bài của Lương Thế Vinh được vua Lê Thánh Tông phê "Quyển này không hổ danh là một bài đối sách.Văn càng đọc càng thấy thích thú", còn các khảo quan thì đánh giá : "Quyển này có học thức, xứng đáng đỗ đầu".
Thời nào họ Lương cũng có người đậu đạt cao, khoa danh nổi tiếng. Là một dòng họ nhỏ, nhưng họ Lương qua các triều đại phong kiến đã có 22 tiến sĩ (trong đó có 1 Trạng Nguyên, 1 Bảng nhãn, 1 Thám hoa), vào thời Trần-Lê; có 34 Cử nhân (trong đó có hơn một chục người là Giải Nguyên, Á Nguyên) dưới triều Nguyễn. Đặc biệt, họ Lương có nhiều gia đình khoa bảng nổi tiếng, trước đây như gia đình cụ Lương Đại Đồng ở Hội Triều, 5-6 đời liên tục có các bậc đại khoa, gần đây có gia đình cụ Lương Văn Can ở Nhị Khê, Thường Tín, Hà Nội từ một gia đình nghèo trở thành một gia đình khoa bảng nổi tiếng. Lương văn Can viết về gia đình mình như sau : " Song đường ta tính tình ngay thẳng, trung hiếu, đôn hậu. Cư xử trong gia đình nhã nhặn, vui vẻ nhưng rất nghiêm cẩn. Giáo dục các con cốt ở sự cần mẫn, chăm chỉ và có ý chí học hành. Gia đình bố mẹ ta tài sản ở hàng trung lưu. Bố mẹ thường "cầm ruộng" để cung cấp học phí cho các con. Các cụ thường nói: "Để cho con vàng bạc đầy rương, chẳng bằng để cho con một kinh học hành". Hai anh em Văn Can, Ngọc Lâm, con cả Trúc Đàm đều đỗ cử nhân triều Nguyễn, Lương Ngọc Quyến và Lương Nhị Khanh đều đỗ đạt, thành danh ở Nhật Bản, Trung Quốc, cháu ngoại là GS.TSKH. Nguyễn Đông Anh, hiện là viện trưởng viện Cơ học Việt Nam. Dòng họ Lương ở Bùi Xá, Đức Thọ, Hà Tĩnh; dòng họ Lương làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, đều là những đất học nổi tiếng miền Trung.
Ngày nay, theo con số thống kê sơ bộ, Họ Lương ta có 9 giáo sư, hơn 20 phó giáo sư, trên 50 tiến sĩ, hàng trăm thạc sĩ các ngành. Học sinh, sinh viên có nhiều thủ khoa họ Lương.
Nhiều dòng họ liên tục được công nhận là dòng họ hiếu học cấp huyện, cấp thành phố, như dòng họ Lương Vinh Quang, Tiên Lãng, Hải Phòng; họ Lương Cao Đồng Bắc Giang; họ Lương Qúy Khê, xã Cẩm Hoàng, huyện Cẩm Gìang, tỉnh Hải Dương v.v...
Họ Lương không chỉ lo việc học cho họ mình mà còn lo việc học cho cả thiên hạ. Các bậc trưởng thượng ngày xưa như Lương Hay, Lương Thế Vinh, Lương Đắc Bằng đều là các thầy giáo tiếng tăm lừng lẫy trong cả nước, môn sinh từ nhiều miền, nhiều xứ đến theo học. Lương Văn Can sáng lập ra và làm hiệu trưởng trường Đông Kinh nghĩa thục năm 1907, để làm cuộc cách mạng về văn hóa, đồng thời tuyên truyền lòng yêu nước, tinh thần chống Pháp trong dân chúng Việt Nam.Ngày nay, chúng ta có GS.TSKH.Nhà giáo nhân dân Lương Xuân Quỳ và nhiều nhà giáo ưu tú khác, nhiều hiệu trưởng trường Đại học, trung học. Trong cả nước, có hàng trăm trường mang tên các danh nhân họ Lương. PGS.TS. Lương Ngọc Tỏan, nguyên thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào Tạo, hiện là Phó chủ tịch Trung ương Hội khuyến học Việt Nam.
- Về truyền thống phát triển khoa học - Công nghệ, mở mang kinh tế:
Trong lúc hầu hết các bậc đại khoa chỉ chú tâm vào văn chương, chữ nghĩa, "thi thiên, phú bách, văn sách năm mươi" thì các ông trạng, ông nghè, ông cử...họ Lương lại sớm dấn thân vào các lĩnh vực khoa học - công nghệ, vì nhận thức được rằng chỉ có khoa học- công nghệ mới mang lại lợi ích thật sự cho đời, tư tưởng đó sau này Ăng ghen đã chỉ rõ: " Các nhà triết học chỉ tìm cách mô tả thế giới, nhưng vấn đề là ở chỗ cải tạo thế giới".
+ Lương Như Hộc đỗ thám hoa khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442 - đời Lê Thái Tông), là người có công truyền lại nghề khắc bản gỗ in cho dân làng Liễu Tràng, Hồng Lục, được tôn xưng là "ông tổ nghề khắc ván in". Ông là người họ Lương đầu tiên đi tiên phong cho truyền thống này.
+ Lương Thế Vinh là người viết "Đại thành toán pháp",cuốn giáo trình toán học đầu tiên của nước ta hơn 500 năm nay vẫn còn sử dụng, vì ông nghĩ rằng "thần cơ diệu tóan vạn niên sư". Ông còn nổi tiếng hơn về thuật đo đạc điền địa để được vinh danh là "Trạng Lường". Lương Thế Vinh còn giữ chức Cấp sự trung khoa công, chuyên khảo sát việc tạo tác các công trình như cung điện, đền đài, thành quách, đường sá, đê điều... Ngoài ra, Lương Thế Vinh còn có nhiều công lao trong mở mang kinh tế, ví như dạy dân làng Hương làm nghề thuốc bắc, thuốc nam chữa bệnh cứu người; mở nhiều chợ để trao đổi hàng hóa.
+ Lương Quy Chính, Thượng thư bộ Hộ, kiêm quản Viện Đô sát, sung Cơ mật viện đại thần, sung Khâm sai đại thần, tại Kinh đô Huế. Về hưu ở tuổi 70, Lương Quy Chính đi vào làm thủy lợi, nạo vét sông cũ, đào thêm sông mới, biến ruộng chiêm khô mùa trũng thành cánh đồng hai vụ, khiến dân trọng vọng và truyền tụng công lao đến ngày nay.
+ Lương Văn Can, lãnh tụ của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục nổi tiếng, còn được coi là người thầy của doanh thương Việt Nam vì ông là người đầu tiên viết sách bàn về buôn bán và cách làm giàu.
Hơn trăm năm trước ông từng viết : "Đương thời buổi thế giới cạnh tranh này, các nước phú cường không đâu là chẳng đua tài, thi sức, ở trong thương trường. Văn minh càng tiến bộ, buôn bán càng thịnh đạt. Việc buôn bán thịnh suy có quan hệ đến quốc dân thịnh suy như thế, ta há nên coi thường xem khinh sao được!" Có thể nói, những đóng góp của ông đã đặt những viên gạch đầu tiên cho phong trào chấn hưng kinh tế, chủ trương phát triển thương nghiệp nước nhà.
Tiếp tục truyền thống đó, chúng ta có các chuyên gia đầu ngành về kinh tế thị trường, như GS.TSKH Lương Xuân Quỳ, GS.TS. Lương Trọng Yêm. Ngoải ra, họ Lương chúng ta tự hào có Th.S.Lương Văn Tự, nguyên thứ trưởng bộ Thương Mại, người có công lớn trong hoạt động ngoại giao để đưa Việt Nam vào tổ chức WTO.
+ Thời nay, chúng ta có GS.TS. Lương Định Của, nhà bác học Nông Nghiệp nổi tiếng với những công trình tạo ra giống lúa tốt, năng suất cao. Giáo sư Lương Định Của còn vận dụng những kiến thức về tế bào học và di truyền dục chủng để tạo ra nhiều loại giống cây trồng có hiệu quả như dưa lê, cà chua, khoai lang, dưa hấu không hạt. Ông là người đã tạo ra giống dưa hấu tam bội thể đầu tiên, giống rau muống tứ bội có thân lá to dùng cho chăn nuôi, giống khoai lang năng suất cao.
Thời nay, chúng ta còn có những giáo sư và chuyên gia đầu ngành về công trình sông biển, sáng tạo ra các công nghệ mới để chống sạt lở bờ sông, bảo vệ và tôn tạo bờ biển, xây dựng các bến cảng, luồng tầu lớn cho đất nước. Dọc theo chiều dài các con sông, bờ biển, quý vị có thể bắt gặp các công trình có sự đóng góp không nhỏ của các hậu duệ Trạng Lường.
Nói về truyền thống phát triển khoa học- công nghệ của họ Lương hiện đại không thể không nói đến Lương Văn Triết, người chủ trì thiết kế con tầu không số đầu tiên cho đường mòn Hồ Chí Minh trên biển trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, không thể không nói đến tiến sĩ Lương Bạch Vân, UVTW mặt trận Tổ quốc VN, phó chủ tịch UBMTTQVN-TP HCM, là một chuyên gia hàng đầu về vật liệu hóa cao phân tử; không thể không nói đến TS. Lương Chi Mai, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin, Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam, vừa được trao tặng Giải thưởng Kovaleskaia 2010, vì những đóng góp khoa học xuất sắc trong lĩnh vực nhận dạng chữ và nhận dạng tiếng nói.v.v...
- Về truyền thống sống nhân hậu, thanh liêm, cương trực:
Tiếp nối phẩm chất thanh liêm cương trực của các tiền nhân Lương Nhậm Văn, Lương Thiên Phúc, chàng thanh niên 23 tuổi Lương Thế Vinh trong bài văn sách thi Đình năm 1463 đã khuyên nhà vua ra sức kén chọn người hiền tài, đặt quan chức để "vì dân mà làm việc" và triều đình phải "đồng tâm nhất thể". Ông viết:
"Vua tự sửa mình, bầy tôi tự sửa mình thì chính sự sẽ được tốt đẹp, lê dân đều có đức thì chính được lòng người, trừ được tệ xấu".
..."Nếu trên núi có mãnh thú thì không ai dám hái rau. Triều đình có quan lại chính trực thì kẻ gian tà không thể phạm được".
Chúng ta luôn kính phục và tự hào có Bảng nhãn Lương Đắc Bằng, bất hủ với bản hùng văn " Trị bình thập tứ sách", đến nay đã hơn 400 năm mà tính thời sự vẫn còn nguyên. Nhà thờ cụ ở Hội Triều treo một bức hoành phi với 4 chữ vàng "Đạo Nghĩa, Thanh Liêm", như một tuyên ngôn về phẩm chất của họ Lương Việt Nam.
Những tấm gương tiêu biểu về truyền thống thanh liêm cương trực của họ Lương gần như đời nào cũng có, nơi nào cũng có. Ông Lương Doãn Lập làm tri phủ Nghĩa Hưng, Tú tài Lương Khắc Gia ở Tào Sơn, Tĩnh Gia, Thanh Hóa, là đại biểu Hội đồng dân biểu Trung kỳ cùng vớí cụ Huỳnh Thúc Kháng đấu tranh cho quyền lợi của dân, mạnh dạn phê phán bọn đế quốc, quan lại Nam triều tăng thuế, sách nhiễu dân.
Nhà hoạt động cách mạng Lương Văn Thăng, quê Lũ Phong, Quỳnh Lưu huyện Nho Quan, Ninh Bình, là một cán bộ lãnh đạo Đảng hoạt động mạnh trong cao trào Cách mạng 1930, 1931 và 1936-1939 ở Ninh Bình. Trong nhà có treo đôi câu đối do ông làm:
"Từ thủa ra đời, chẳng nịnh ai, chẳng hót ai, chẳng luồn cúi ai, cơm vàng mắm mặn, chẳng thèm chung đỉnh những miếng tham ô;
Nay đã tuổi lão, còn ăn khoẻ, còn ngủ khoẻ, còn làm lụng khoẻ, sục đất cày đồi, cùng bạn thanh bần, sánh vai lao động ".
- Về truyền thống khai phá những miền đất mới,
Đây là một truyền thống rất nổi bật của dòng họ chúng ta. Trong lĩnh vực này, có thể dẫn ra khá nhiều đại diện ưu tú ở nhiều thời, nhiều vùng miền. Có thể nói, từ trước đến nay, họ Lương là một đoàn tinh binh trên mặt trận khai phá những miền đất mới.
Nhưng vượt lên tất cả, cây đại thụ khai quốc công thần chính là Phù Quận công Lương Văn Chánh, thành hoàng của các miền đất mới ở Phú Yên, mà ngày 1 tháng 9 sắp đến, chúng ta được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Yên mời về Tuy Hòa dự lễ giỗ 400 năm của ngài. Theo nghiên cứu của chúng tôi, Lương Văn Chánh là hậu duệ gần của Trạng nguyên Lương Thế Vinh, sinh ra ở xã Phượng Lịch, Hoằng Hóa, Thanh Hóa.
- Về truyền thống đoàn kết, gắn bó họ hàng.
Họ Lương Việt Nam chúng ta có câu truyền ngôn bất hủ, mà không dòng họ nào có: "Nam bang Lương tính giai ngã tử tôn". Về xuất xứ của câu nói này, không thể và cũng không cần phải truy nguyên, nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn nghĩ rằng câu nói đó không thể của ai khác ngoài cụ Trạng của chúng ta.
Cuối cùng, tôi muốn nói rằng, thưa các vị, họ ta là một họ nhỏ, nhưng được "thiên hạ cộng tri danh", hoàn toàn có thể sánh vai ngang hàng với các cường tộc khác trong cộng đồng các dòng họ Việt Nam. Để kết thúc bài tham luận, tôi muốn đọc tặng quý vị câu đối trong nhà thờ Lương Thế Vinh:
Trạng nguyên tổ, Bảng nhãn tôn, Lương tộc danh đằng lưỡng quốc;
Đô đốc tiền, Thượng thư hậu, quốc triều vị liệt tam công.
Về câu đối này, còn có những lời bàn về xuất xứ, nhưng chỉ 2 câu đó đã nói lên đầy đủ đặc trưng của dòng họ ta: văn võ toàn tài, đóng góp công lao lớn cho đất nước và tiếng tăm lừng lẫy cả trong nước và trên thế giới.
28/8/2011, GS.TS Lương Phương Hậu(nguồn: http://holuong.org/)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!