[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


02 tháng 9 2011

Lời Tổng kết cuộc Hội thảo khoa học về Trạng Lường

Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: Lương Thị Huyền Thương)
Hội thảo khoa học nhân dịp Kỷ niệm 570 năm ngày sinh Trạng nguyên Lương Thế Vinh (1441-2011) đã được tổ chức trọng thể tại Văn miếu-Quốc tử giám Hà Nội. Nhận ủy quyền của tôi, Lương Thị Huyền Thương cùng chồng đến dự và đã kịp thời đưa tin, ảnh lên Blog mình. Sáng nay, tôi vừa nhận email anh Lương Đức Kỳ, chủ Gia trang Lèn Dặm kèm bài Tổng kết Hội thảo của Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam GS NGND VS Phan Huy Lê. Sau đây là nguyên văn bài do anh Kỳ gửi:
BẢN TỔNG KẾT HỘI THẢO:
“TRẠNG NGUYÊN LƯƠNG THẾ VINH – THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP”
DO HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ VIỆT NAM và
BAN LIÊN LẠC HỌ LƯƠNG VIỆT NAM PHỐI HỢP TỔ CHỨC
NHÂN KỶ NIÊM 570 NĂM NGÀY SINH CỦA NGÀI (1441 – 2011)
Tại VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM HÀ NỘI – ngày 28/8/2011
GS NGND VS PHAN HUY LÊ
CHỦ TỊCH HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ VIỆT NAM
Nhân dịp kỷ niệm 570 năm, ngày sinh trang nguyên Lương Thế Vinh (1441- 2011), Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Ban Liên lạc họ Lương Việt Nam phối hợp tổ chức cuộc hội thảo “Trạng nguyên Lương Thế Vinh - Thân thế và sự nghiêp”. Để chuẩn bị cho cuộc hôi thảo hôm nay Ban tổ chức dã nhận được 16 bản tham luận do các nhà khoa học có nghiên cứu sâu về lịch sử gửi tới, có 11 bản đã đăng trong phụ trương của Tạp chí Xưa & Nay. Tại hội thảo này chúng ta đã nghe 6 bản tham luận được trình bày, như vậy do điều kiện thời gian, một số bản tham luận đã không trình bày tại hội thảo, rất mong các nhà khoa học thông cảm.
Gs Phan Huy Lê (Ảnh lấy từ trang Website của Họ Lương)
Tại cuộc hội thảo này chúng ta đã nghe các tham luận không những nói về Thân thế và Sự nghiệp của Trang nguyên Lương Thế Vinh mà còn nói về quê hương của Trạng Lường và nhất là nói về truyền thống của Trạng Lường đã được phat huy như thế nào trong dòng họ, trong quê hương và nhất là trong hậu duệ của họ Lương.
Theo tôi, tất cả những điều đó là rất cần thiết và chứng minh thêm cơ sở nào đã sản sinh ra Lương thế Vinh, những di sản của Lương Thế Vinh đã được kế thừa và phát huy như thế nào? Nhưng trong bài tổng kết này cho phép tôi được tập trung vào các chủ đề của chúng ta, tức là “Thân thế và sự nghiệp của Lương Thế Vinh”.
Qua 6 bản báo cáo đã trình bày và qua các bản báo cáo đã gửi tới mà tôi đã đọc kỹ tất cả, thì phải nói rằng đang có một số vấn đề tồn nghi. Đứng về góc độ khoa học mà nói, những vấn đề đó không thể giải quyết ngay trong cuộc hội thảo này, nhưng chúng tôi cũng nhắc lại để các nhà khoa học và những bạn nào quan tâm đến Lương Thế Vinh tập trung nghiên cứu và phát hiện thêm.
Trước hết, là về ngày mất của Lương Thế Vinh. Đến bây giờ chúng ta sử dụng một tài liệu được nhiều người chấp nhận là năm sinh của Lương Thế Vinh là năm 1441, mất vào năm 1496, nhưng cũng có một số gia phả ghi rằng ông mất vào năm 1487, thậm chí còn kéo dài đến tận năm 1535, điều này cần phải nghiên cứu và chứng minh thêm. Nhưng chúng ta chấp nhận bài điếu của Vua Lê Thánh Tông khi ông mất năm 1496, thì rõ ràng rằng Lương Thế Vinh phải mất trước Lê Thánh Tông.. Vua Lê Thánh Tông mất thì sử sách đã ghi chép rất rõ ràng – Năm 1497. Tôi nghĩ rằng cái niên đại 1487 và 1535 đối chiếu với lịch sử là không hợp lý. Nhưng chúng ta cũng cần xác minh thêm.
Thứ hai, có một điều được nhiều người quan tâm hơn là trong các tác phẩm của Lương Thế Vinh để lại cho chúng ta hôm nay chỉ là một bộ phận rất nhỏ. Một danh nhân văn hoá như vậy, một tài năng trác kiệt như vậy, nhưng số tác phẩm còn di tồn hôm nay là quá ít. Chúng ta biết chắc chắn là có bài “Văn sách thi Đình” của Ông, có hai bài Phú, có hai hay ba bài thơ xướng hoạ với Lê Thánh Tông, có một số bài ký và có cuốn “Toán pháp đại thành” đó là những tác phẩm còn để lại . Đứng về những văn bản di tồn dĩ nhiên cần phải nghiên cứu thêm, nhưng nói chung chúng ta phải chấp nhận, thì rõ ràng rằng khối lượng những tác phẩm còn lại đó chưa tương xứng với tài năng của Trạng nguyên Lương Thế Vinh. Đó là vấn đề đặt ra cho chúng ta cần thu thập thêm, nghiên cứu thêm.
Có hai vấn đề tôi thấy cần gợi ý với các bạn, nhất là các tác giả nghiên cứu thêm :
Một là, như gợi ý của PGS Tạ Ngọc Liễn và gợi ý của TS PGS Đinh Khắc Thuân, rõ ràng chúng ta có thể tìm hiểu thêm. Trong đó theo tôi được biết Lương Thế Vinh được Lê Thánh Tông rất tin cậy, giao phó cho phụ trách soạn thảo các văn bản ngoại giao để giao thiệp với Nhà Minh. Tất cả những cái đó trong bộ Hoàng Minh sử lục hay còn gọi là Minh ước lục mà gần đây được công bố một phần. Đối chiếu lịch sử của ta với bộ Hoàng Minh thực lục thì có thể bổ sung thêm rằng : Nếu không phải là toàn bộ là do Lương Thế Vinh thay mặt cho nhà Lê soạn thảo các văn bản giao thiệp với nhà Minh thì ít nhất cũng là những nội dung cơ bản các văn kiện của nhà Lê giao thiệp với nhà Minh do Lương Thế Vinh chuẩn bị.
Thứ hai, có một tác phẩm mà người nêu lên là nhà sử học Bùi Văn Tam đó là cuốn Hý Trường Phả Lục có chú dẫn của Hội lịch sử Việt Nam, đoạn này chính tôi viết, mà đến nay tôi vẫn băn khoăn. “Hý trường phả lục” đứng về mặt sân khấu mà nói một quyển sách rất hay. Bản khắc in năm 1501 và đến năm 1969 nhà nghiên cứu sân khấu Hà Văn Cầu đã tìm thấy cuốn sách ấy ở Thái Bình, đã đưa cho tôi và nhà sử học Trần Quốc Vượng xem, tôi có ghi lại trong sách của tôi và tóm tắt lại một số đoạn trong cuốn sách đó. Thì phải nói rằng đây là cuốn sách rất hay, rất có giá trị, mà ghi rõ Lương Thế Vinh soạn.. Đây là cuốn sách đầu tiên ghi lại lịch sử sân khấu Việt Nam. Có người gọi là hát Chèo, nhưng theo tôi gọi là Chèo thì hơi sớm, ghi lại những nghệ sỹ nổi tiếng từ thời Đinh đến thời Lê. Ghi lại một số nguyên tắc cơ bản về thanh, sắc, về biểu diễn của nghệ thuật sân khấu Việt Nam thời bấy giờ. Nhưng mà sau đó rất lâu, sau chiến tranh trở về thì cuốn sách hoàn toàn mất tích bây giờ Hà Văn Cầu cũng không tìm thấy ở đâu và cũng không biết lý do gì mất tích. Đây cũng là vấn đề đặt ra cho chúng ta, những người quan tâm đến di sản Hán nôm của chúng ta, vì nếu mà chúng ta khẳng định được.
“Hý Trường phả lục”, cuốn sách đã được khắc in ở thế kỷ 16 và tác giả là Lương Thế Vinh thì chúng ta bổ sung vào kho tàng tài năng cống hiến của Lương Thế Vinh về phương diện nghệ thuật sân khấu.
Rồi có một vấn đề nữa của một số người nêu lên, đây cũng thực sự là một vấn đề không ai không suy nghĩ: Lương Thế Vinh tài năng như vậy, Lê Thánh Tông là một vị minh quân, cũng rất tài năng, văn vó kiêm toàn, rất trọng dụng nhân tài. Nhưng mà hình như mối quan hệ giữa Lương Thế Vinh và vị Hoàng Đế này không phải là mật thiết lắm, ít nhất là không sử dụng đúng tài năng của ông như chúng ta đã biết. Nếu căn cứ vào văn thư thì chức cao nhất của Ông là Hàn Lâm viện Thị thư. Và Chưởng (không phải là Trưởng) Chưởng là nắm Hàn lâm viện Sử Kiêm Sùng Lâm quán Phú lâm Cục. Đó là những cơ quan văn hoá giáo dục của triều đình, Ông chỉ hoạt động trong lĩnh vực này thôi. Rồi có một lần Ông làm độc quyển trong một kỳ thi, và theo GS Nguyễn Minh Tường thì hàm của ông chỉ có Chánh ngũ phẩm, thì chỉ có chức và phẩm hàm này thì chưa tương xứng với tài năng thực của Ông. Tôi xin nói thêm, trong danh sách “Nhị thập bát tú” của Hội Tao Đàn, danh sách đầu tiên được chép trong toàn thư không có tên của Lương Thế Vinh trong 28 vị này. Lương Thế Vinh được bổ sung sau đó và Phan Huy Chú có chép với cương vị là Sái phu. Sái phu theo nghĩa đen là quét dọn, nhưng chúng ta hiểu ở đây, hiểu theo kiểu hiện đại hoá thì gần như là thư ký của hội Tao Đàn này. Có Đại Nguyên soái là người đứng đầu của hội, có 2 phó Nguyên soái là Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận, sau đó là Sái phu và các thành viên khác của Hội Tao Đàn này. Như vậy là Cụ được bổ sung vào Hội Tao đàn của nhà Vua, có mấy bài xướng, hoạ của nhà Vua. Vấn đề đặt ra ở đây, một tài năng xuất chúng như vậy, mà không phải là ông vua của thời Quân chủ suy vong, một ông Vua ở thời Quân chủ thịnh đạt, một tài năng mà không ai có thể phủ nhận được là văn vó kiêm toàn, một vị minh Quân như vậy mà lại không sử dụng hết tài năng của Lương Thế Vinh thì đây là cả một vấn đề đặt ra cần phải nghiên cứu thêm. Nhưng theo tôi cần phải hiểu được có lẽ thuộc về tính cách của hai nhân vật này: Lương Thế Vinh là người rất tài hoa mà cũng rất là tự trào rất khôi hài theo tính cách của văn hoá dân gian, còn Lê Thánh Tôn là một vị Vua ở cương vị tối cao và không bao giờ chia sẻ quyền lực cho ai, một con người cực kỳ quyết đoán thì rõ ràng Lê thánh Tông đánh giá tài năng của Lương Thế Vinh rất cao, một câu thơ khi Lương Thế Vinh mất, Lê Thánh Tông đã thốt lên như thế chứng tỏ sự đánh giá rất cao của nhà vua trước cái mất của Lương Thế Vinh như để lại một khoảng trống cho nước Nam này - “Lấy ai làm Trạng nước Nam ta”. Đánh giá như thế là tột đỉnh rồi. Theo tôi Lê Thánh Tông đánh giá cực cao tài năng của Lương Thế Vinh, sử dụng ông có mức độ trong những lĩnh vực sở trường yêu cầu, nhưng ở đây có sự không gặp gỡ giữa cá tính và phong cách của hai nhân vật.Theo tôi nghĩ là như vậy. Về phương diện này nhà sử học thế kỷ XV Ngô Sỹ Liên có một lời bình luận rất là hay (tôi diễn đạt bằng ý) là : Giữa hiền tài và các vị Đế Vương xưa nay gặp nhau rất khó, vì các vị hiền tài muốn thi thố tài năng của mình, nhưng theo cái ý của mình, còn các vị Đế Vương đầy quyền lực, muốn sử dụng các bậc hiền tài theo ý của mình. Đó là cái khó gặp nhau của những người nắm quyền lực và những tri thức nắm tài năng của đất nước . Cái này không phải riêng trường hợp của Lương Thế Vinh và Lê Thánh Tông mà gần như là xuyên suốt cả lịch sử đông tây nam, bắc, kim cổ và theo tôi cho đến hiện bây giờ. Thì đó là một vấn đề mà tôi nghĩ chúng ta cần nghiên cứu thêm.
Bây giờ tôi trở lại vấn đề quan trọng bậc nhất hôm nay. Qua các bài tham luận, qua các bài nghiên cứu của các nhà khoa học, chúng ta nhìn nhận về Lương Thế Vinh như thế nào cho thoả đáng.
Trước hết, Lương Thế Vinh là một trí tuệ lớn mà phát lộ sớm. Cái mà gọi là thần đồng, mà còn được thần thoại hoá là tiên đồng của Thượng Đế gửi xuống nữa kia. Có biết bao nhiêu giai thoại về trí tuệ phát triển sớm của Lương Thế Vinh. Đời Trần có Nguyễn Trung Ngãi, đời Lê có Lương Thế Vinh là thuộc loại thần đồng này. Điều quan trong là tài năng của vị thần đồng này được phát huy để lại cho đất nước một sự nghiệp lớn, một di sản lớn. Lương Thế Vinh đỗ Trạng nguyên khi mới 23 tuổi, đó là một trường hợp hiếm hoi đặc biệt, nhưng mà qua bài Văn Sách đó và qua thời giam tham chiếu của ông và nhất là đối với các vị quan ở địa phương thì đây là một nhà chính trị có tư tưởng và đạo lý rất đáng trân trọng . Đó là một nhà chính trị hoạt động trong thời thịnh trị của chế độ phong kiến, nhưng mà đòi hỏi rất cao ở Nhà Vua, đặc biệt là đòi hỏi rất cao ở đội ngũ quan lại. Ông kịch liệt phản đối tham quan ô lại và đòi tố cáo, trừng phạt các loại tham quan ô lại như vậy. Đòi không những là Nhà Vua và các quan lại phải luôn sửa mình. Tinh thần chính trị của Lương Thế Vinh là muốn những người tham gia triều chính phải làm hết chức trách của mình với tài năng và phẩm chất của mình. để xây dựng đất nước, đẻ phò Vua nhưng mà đưa lại lợi ích cho nhân dân. Đó là tư tưởng chính trị rất cao cả trong thời thịnh trị của chế độ Quân chủ.
Ông là một nhà ngoại giao. Trước hết chuyện đi sứ cần phải xác minh thêm. Nhưng mà những điều sử sách đã chép, Ông là người ở trong Viện Hàn lâm đặc trách soạn thảo các văn kiện ngoại giao với Nhà Minh. Như PGS Tạ ngọc Liễn đã nói: Soạn thảo các văn kiện này cực kỳ là khó, không những đòi hỏi có văn chương hay, phải có mưu trí, phải có tài năng ngoại giao, để làm thế nào giữ thể diện của mình không mất mặt với Thiên Triều nhưng đáp ứng đầy đủ những vấn đề đặt ra trong cuộc tranh chấp giữa ta và nhà Minh thời ấy.
Ông là nhà văn, nhà thơ lớn. Tôi nghĩ rằng ông là nhà văn lớn thì khẳng định rồi. Chính ông để lại bài Văn sách, hai bài phú, hai bài ký nhưng cũng để lại một số bài thơ tuy không nhiều lắm.Qua các tác phẩm này toát lên tài năng của ông. Nhất là bài Phú, đó là đỉnh cao của Phú Việt Nam.
Ông là nhà Toán học, và nếu như Hý trường phả lục là của ông thì ông thực sự còn là nhà lý luận về nghệ thuật sân khấu.
Qua đây ta thấy rõ ràng Lương Thế Vinh là một tài năng lớn rất đa diện, nó bao quát toàn bộ lịch sử của nền học thuật đất nước ở thế kỷ XV . Mà một nhà văn, nhà thơ, nhà chính trị, nhà ngoại giao kiêm nhà toán học thì điều đó cực kỳ hiếm hoi.
Thế kỷ XV ta có hai nhà Toán học, bên cạnh Lương Thế Vinh còn có Vũ Hữu, mong các nhà Toán học nghiên cứu kỹ hơn các tác phẩm này. Tôi đã đọc Toán pháp đại thành của Lương Thế Vinh, tôi không hiểu nổi được, toán học sơ cấp như ta bây giờ thì dễ dàng. Nhưng ông vận dụng vào đo đạc ruông đất là chính. Vẽ những hình thù đủ thứ nhưng ông đều đưa ra các công thức để tính toán. Trong đó (xin nhà Toán học Văn Như Cương lưu ý cho) – Ông có công thức tính diện tích hình tròn mà không có số Pi . Tôi không biết ông dùng cách gì để tính diện tích hình tròn mà không dùng số pi, cái đó cần nghiên cứu và khám phá thêm, để chúng ta đánh giá trình độ toán học của Lương Thế Vinh, phản ánh trình độ toán học chung của đất nước trong cái bình diện chung của Toán học thế giới thời bấy giờ.
Tất cả các nhà học giả của chúng ta từ Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú cho đến Sứ giả nhà Thanh Chu Sáng đều đánh giá rất cao Lương Thế Vinh. Và ngay cả Lê Thánh Tông tuy rằng không trọng dụng đúng tài năng của ông nhưng mà cũng coi Lương Thế Vinh là một tài năng lớn, và sự ra đi của ông để lại một khoảng trống trong các danh nhân văn hoá của đất nước. Tôi nghĩ rằng câu “Lấy ai làm Trạng nước Nam ta” nói về cái chết của Lương Thế Vinh của Lê Thánh Tông thì đó là cái đánh giá rất cao.
Nhưng mà còn có điều thú vị hơn nữa. Trước khi các vị học giả ngày xưa của chúng ta đánh giá, trước khi hội thảo của chúng ta hôm nay nhìn nhận thì dân gian của chúng ta đã đánh giá từ lâu. Ai về quê hương Cao Phương, hay là đi về các vùng Vụ Bản hoặc dù nơi nào của đất nước thì tên tuổi của Trạng Lường có bao nhiêu câu chuyện huyền thoại rất thú vị. Tôi nghĩ rằng trong văn học Việt Nam, những nhân vật nào có công lớn thì được thần thánh hoá, mà đại diện là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã trở thành Đức Thánh Trần. Thứ hai là các tài năng lớn, các danh nhân văn hoá nhưng cuộc đời có một trục trặc gì đó thì cũng được đối tượng văn học dân gian khai thác và bổ sung thêm nhiều câu chuyền huyền trạng để phản ánh sự nhìn nhận và đánh giá. Phần nhiều đó là sự giải thích của dân gian. Sự đánh giá về Trạng Lường trong dân gian đó là điều có sức sống nhất về sự suy tôn đối với Lương Thế Vinh. Nhưng với chúng ta hôm nay, với tư cách là các nhà khoa học và qua hội thảo này chúng ta cũng cần có sự nhìn nhận và đánh gia đúng mực về Lương Thế Vinh để tôn vinh ông xứng đáng với sự cống hiến và di sản ông để lại cho hôm nay.
Trước hết, Lương Thế Vinh là nhà tài năng lớn, trác kiệt uyên thâm, vừa là một nhà Bác học trên nhiều lĩnh vực, kể cả toán học, vừa tài hoa đa diện (Tôi không muốn dùng từ đa dạng mà là đa diện) trên mọi phương diện, trên rất nhiều lĩnh vực.
Ông là một nhân cách lớn, là một người thanh liêm nhưng rất cương trực không chấp nhận những xấu xa của xã hội mà nhất là chốn khoa trường, đấu tranh chống lại các hủ tục đó. Một con người sống trong chế độ Quân chủ mà thực hiện tư tưởng của kẻ sĩ, của người quân tử thời bấy giờ, tức là phò Vua nhưng mà đưa lại lợi ích cho Quốc gia, cho nhân dân.
Lương Thế Vinh là một nhà Chính trị, nhà Ngoại giao, nhà Thơ, nhà Văn lớn, nhà Toán học có tính chất khai mở và có thể là nhà lý luận về nghệ thuật.
Tóm lại Lương Thế Vinh là một danh nhân văn hoá lớn của đất nước, của dân tộc chúng ta. Lương Thế Vinh xứng đáng có vị trí phù hợp trong đội ngũ các danh nhân mà chúng ta suy tôn. Danh nhân này, tuy hôm nay chúng ta mới có một tổng kết và đề xuất, nhưng từ lâu sử sách đã ghi nhận, từ lâu dân gian đã thừa nhận. Đã đến lúc chúng ta phải phát huy các di sản và những phẩm giá tốt đẹp của danh nhân này trong cuộc sống hôm nay của chúng ta. Và tôi rất vui mừng là hậu duệ đã phát huy được điều đó, những trường mang tên Lương Thế Vinh đã làm được điều đó. Nhưng mà cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa không phải trong lĩnh vực cục bộ như vậy, mà trong con người Việt Nam nói chung, trong cái yêu cầu phục hưng đất nước hôm nay của chúng ta nói chung.
Lương Thế Vinh - Nhân dịp kỷ niệm 570 năm ngày sinh của Trạng Lường xứng đáng là một Danh nhân văn hoá lớn của đất nước Việt Nam, của dân tộc Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!