[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


25 tháng 12 2010

Việc hình thành TỘC DANH

Khởi đầu là việc hình thành "Tính" , sau đến "Thị" rồi "Tộc" thì mỗi “Họ” (chữ thuần Việt) có một tên gọi, được gọi ra, chép lại, lan truyền mà chữ gi là "Tộc danh" để khẳng định những người trong một gia tộc là cùng từ một Cụ Tổ mà ngày nay hầu hết là con theo họ cha, cha theo họ ông.... Nhưng tại sao người lại mang họ Lương, người thì họ Đặng, họ Phạm...lại có người mang họ kép như Đặng Trần; rồi anh em con chú con bác ruột lại mang họ khác nhau thì ngay từ khi lớn lên rồi tôi vẫn chưa hiểu mà cũng chẳng biết hỏi ai!

Khi bắt tay vào soạn Gia phả dòng họ, buộc phải nghiên cứu tôi mới rõ rằng: do nhiều nguyên nhân mà phần lớn các họ của người Kinh đều có tộc danh từ các họ bên Tầu và khi viết ra chữ Hán là như nhau. Do vậy, dù có yêu nước đến mấy, cao lòng tự tôn đến đâu vẫn buộc phải dựa vào tư liệu từ Bắc quốc.

Đa phần tộc danh của người Hán (mà người Việt bị ảnh hưởng) được hình thành, xuất hiện từ thời nhà Chu và sau này qua thời gian đã được bổ sung thêm nhiều. Đến thời @ nay chuyện theo cách thức truyền thống (nhất là ở hải ngoại.). Nhưng nhìn chung không nhiều, không thành trào lưu và ít khi truyền lại thế hệ con cháu. Từ những tư liệu đã được tiếp xúc và nắm bắt được cho thấy tộc danh “Lương” / của tôi, hay “Đặng” / của bà Nội tôi, “Phạm” / của Mẹ và Vợ tôi đều có quá trình hình thành rất phong phú. Đây là những tộc danh có nguồn gốc từ Hoa Hạ nhưng không phải cả dòng họ tôi, họ bà, họ mẹ, họ vợ tôi và những người mang họ này ở Việt Nam có nguồn gốc từ bên kia dãy Phân Mao (分茅嶺, Fenmao ling, nơi mà theo truyền thuyết thì có cột đồng Mã Viện trồng từ thủa tàn sát đẫm máu cuộc Khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, năm 43) mà chỉ có tộc danh viết bằng chữ Hán 汉字 và đọc theo âm Hán Việt là giống với tộc danh tương ứng của người Hán thôi.

Nhìn chung lại, ngoại trừ việc “con theo họ cha, mẹ” thì một “Tộc danh”, tức tên chỉ dòng họ thường được hình thành bởi một số nguyên do sau:

1. Lấy tên thị tộc là họ:

Dĩ tính danh vi thị 以姓名为氏: Khi chuyển từ chế độ mẫu hệ 母权制氏族sang phụ hệ tên thị tộc được chuyển thành họ của tôn thất nhà Chu, Khương con cháu vua Thần Nông, Tự , Diêu con cháu vua Thuấn.

Tương tự nhóm này có họ Di của nhóm Bách Việt, Doãn chỉ người Hung Nô.

2. Lấy tên nước làm họ:

Trường hợp Dĩ quốc danh vi thị 以國名為氏 : khởi từ việc người Hán vượt sông Hoàng Hà, Hiên Viên 炎帝 chiến thắng Si Vưu 蚩尤 trong trận Trác Lộc 涿鹿 được tôn làm Hoàng Đế 黃帝và mỗi thị tộc chiếm một chỗ do tộc trưởng cai quản, gọi là ông Hậu. Các xứ nhỏ ấy có rất nhiều nên gọi là Vạn Bang và sau này trở thành các chư hầu. Các ông Hậu chọn người lãnh đạo chung gọi là Nguyên Hậu và sau này trở thành Vương, tức vua.

Sau thời nhà Hạ (,2205–1767 tCn), nhà Thương (, 1766–1122 tCn) đến đầu đời nhà Chu (,Zhou, 1122–256 tCn), số chư hầu có trên 1000 có tên riêng, tự trị, chỉ gắn kết lỏng lẻo với nhà Chu. Đến thời Đông Chu (東周, 772 tCn), số chư hầu còn lại độ 100. Nhưng chỉ có khoảng hai chục nước là đáng kể như: Tề , Lỗ , Tấn , Tống , Trịnh , Ngô , Việt , Tần , Sở , Vệ , Hàn , Triệu , Ngụy , Yến , Trần , Thái , Tào , Hồ , Hứa . Sau đến Chiến Quốc (戰國時代, khoảng thế kỷ 5 tCn- 221 tCn) còn bảy nước lớn (戰國七雄 Chiến Quốc thất hùng) hình thành từ sự suy yếu của nhà Chu, gồm: Tề , Sở , Yên , Hàn , Triệu , Nguỵ và Tần .

Như vậy, hàng trăm tiểu quốc đã biến mất và dòng họ đứng đầu một Vương quốc đó đã lấy tên nước đặt tộc danh. Hàng loạt tộc danh ra đời từ tên nước.

3. Dùng tên các tiểu quốc cổ làm họ:

Dĩ cổ quốc danh vi tính 以古国名为姓Thời Tam Đại có nhiều tiểu quốc cổ sau con cháu lấy làm họ. Nguyễn thị 阮氏, là một tiểu quốc thời nhà Thương 商代tại Kỳ Sơn 岐山, Vị Thủy 渭水 (nay là Kính Thuỷ, Sơn Tây 涇川山西). Con cháu lấy tên nước 阮國 làm tên họ 阮族. Nhân đây nói luôn thành ngữ: “Nam Nguyễn Bắc Nguyễn南阮北阮 là nói chuyện đời Tấn. Thủa đó, có Nguyễn Tịch阮籍 và Nguyễn Hàm阮咸 cùng cư ngụ tại Đạo Nam道南. Những người trong họ Nguyễn còn lại cư ngụ tại Đạo Bắc道北đều thuộc quận Trần Lưu陳留 (nay thuộc Khai Phong, Hà Nam開封河南). Người họ Nguyễn ở bắc thì giầu mà tại nam lại nghèo. Sau này mới thành chuyện “tuy ở chung một chỗ, nhưng có kẻ giàu kẻ nghèo trong một giòng họ”. Thế mới biết chuyện đất cát, tộc dòng mới chỉ là “cần” nhưng chưa “đủ”!.

Vào thời Chu Bình Vương (周平王, 770 tCn-720 tCn) một hậu duệ của Tần Trọng (秦仲, đứng đầu Tần công quốc, 854 tCn-822 tCn) là có công thảo phạt Tây Nhung 西戎 được nhà Chu nhường đất Lương Sơn, Hạ Dương 夏陽梁山 (nay là Hàn Thành, Thiểm Tây, 陜西省韓城縣南) Đến thời Xuân Thu (春秋時代, 722 tCn-481 tCn) nước Lương mất vào Tần quốc 秦國 bởi Tần Mục Công (秦穆公, 659 tCn-621 tCn). Họ Lương ra đời từ tên nước vào năm 641 tCn.

Đời nhà Thương 商朝, Vũ Đinh Vương 武丁王 phong cho tộc Mạn cai quản nước Đặng 鄧國. Vào năm 648 tCn Sở Văn Vương 楚文王 diệt nước Đặng. Sau này con cháu tộc Mạn lấy tên nước cũ làm tên họ, họ Đặng .

Cùng nhóm này có việc lấy tên triều đại làm tên họ, như: Hạ, Thương , Thang, Ân , Chu , Tần , Hán , Ngô , Tấn , Đường , …

4. Lấy tên ấp được phong làm họ:

Với Dĩ phong ấp danh vi thị 以封邑名為氏 thì con cháu lấy tên đất Tổ được phong làm tên chỉ họ.

Ví dụ: con cháu người được Chu Vũ Vương 周武王 phong đất Triệu thành 赵城 lấy tên ấp phong làm thành họ Triệu hay họ Ông , họ Hình là con cháu của con thứ Chu Chiêu Vương bởi được vua cha phong đất Ông 翁地, đất Hình 邢国. Hay như Hạng Tịch tức Hạng Vũ có tổ tiên làm tướng nước Sở, được vua nước Sở phong cho ở đất Hạng nên đã nhận họ Hạng .

Sở Văn Vương cho Lưu Phú đất huyện Hồng tại Sơn Tây để cai trị và phong cho ông tước Hầu nên gọi là Hồng Hầu 鸿侯. Hiện nay, con cháu còn cư ngụ tại đây và nhận tên Hồng 鸿làm tên họ.

Chuyện về họ Đỗ: Lưu Luy vốn thuộc dòng Đế Nghiêu (帝堯, 2337 tCn – 2258 tCn) thời Ngũ đế 三皇五帝, 2852 tCn - 2205 tCn) lập ra tiểu quốc Đường (nay là vùng Sơn Tây, TQ) và người ta thường gọi là Đường Đỗ Thị 唐杜氏. Vào triều đại nhà Chu 周朝, Chu Thành Vương (成王, 1042 tCn-1021 tCn) chiếm nước Đường, cho em là Thúc Ngu làm vua. Một người cháu Lưu Luy được cấp đất Đỗ Thành ở Tây An tỉnh Thiểm Tây và được phong tước Đỗ Bá 杜伯. Do vậy, con cháu nhận tên Đỗ làm tên họ

5. Lấy tên chư hầu hay quý tộc làm họ:

Dĩ hầu quân chủ, quý tộc đích tự vi thị 侯君主贵族的字为氏đấy là khởi nguồn các họ: Cơ , Dậu , Kì , Kỷ , Đằng , Nhậm , Tuân , Uy, Hy , Cật , Huyên và tiếp là Đổng , Bành , Ngốc , Vân , Tào , Châm , Mị hay Tự , Tử , Phong , Doanh , Kì , Thiên , Tào , Khương , Yển , Quy , Mạn , Hùng , Ngỗi, Tất , Duẫn .

6. Lấy tước hiệu cao quý của Tổ tiên đặt họ:

Dĩ tước hiệu danh vi thị 以削效名為氏. Dạng này có các họ: Vương , Hoàng , Công , Hầu , Bá , Tử , Nam

7. Lấy tên quan làm họ:

Đấy là khi Dĩ quan danh vi thị 以官名為氏 bởi thời Chiến quốc 春秋战国时, triều đình có 5 chức quan khởi đầu bằng chữ Tư: Tư Mã 司马, Tư Đồ 司徒, Tư Không 司空, Tư Sĩ 司士, Tư Khấu 司寇. Tư Mã Nhương Thư giữ chức Tư Mã nên lấy họ là Tư Mã.

Lại có quan Chúc có nhiệm vụ: cầu nguyện cho dân được hạnh phúc, và làm lịch, định ngày, xem sao trời để đoán cát hung; quan Sử 使 (Đại Sử, Tiểu Sử, Tả Sử, Hữu Sử, Nội Sử, Ngoại Sử) coi việc nhân sự. Chúc và Sử là hai chức vụ quan trọng, ai giữ chức vụ ấy được cha truyền con nối. Do vậy, chức quan Chúc và Sử biến thành tên họ của các thế gêh con cháu các vị quan này.

Họ Quan do tên chức quan canh gác cung điện nhà Chu. Quan Chí Cơ, giữ chức Đại Phu nước Ngu, là người đầu tiên nhận họ Quan. Dòng họ Quan tập trung nhiều ở tỉnh Sơn Tây là nơi ngày xưa có nước Ngu.

Cùng nhóm này có các họ: Lai , Tịch , Gián , Khố , Thương , Quân, Trù .

8. Lấy danh hiệu cao quý Tổ phụ làm họ:

Khi Dĩ quý tộc đích tự vi thị 以贵族的字为氏, như con cháu Kỳ vương phụ 其王父 lấy họ Kỳ . .

9. Lấy tên tự của Tổ tiên là họ:

Đây là kiểu: Dĩ tổ bối đích tự vi tính 以祖辈的字为姓。Như Trịnh Quốc công 郑国公tự Tử Du 子游 con cháu đặt họ Du còn con cháu Lỗ Hiếu công 鲁孝公 tự Tử Tang 子臧 nên mang họ Tang . cháu thứ Chu Bình vương 周平王 tự Lâm Khai 林开, hậu duệ đặt họ Lâm ; Tống Đới công 宋戴公tự Hoàng Phụ 皇父 hậu duệ đặt họ này sau cải là Hoàng Phủ 皇甫

10. Nhận tên của danh nhân làm họ:

Mô phảng danh nhân 模仿名人: người sáng lập họ Dư là ông Do Dư làm quan đời Tần, con cháu nhân tên Dư làm tên họ. Nhóm này có họ Ngũ , Kim , Thang , Kha , Cao , Liên , Lộ .

11. Dùng từ ngữ tôn kính làm tên họ:

Như với các họ: Tôn , Quân , Ông , Phủ , Phụ , Quản , Thúc , Công , Phúc v.v…

12. Lấy thứ bậc làm họ

Dĩ thứ đệ vi thị 以次第为氏: Anh em một nhà đưa ra quy ước: cả ghi là Bá hay Mạnh , thứ gọi là Trọng , tiếp là Thúc , Quý con cháu các vị này sau lấy đó làm họ.

13. Dùng thần thoại đặt họ:

Dĩ thần thoại danh vi tính 以神话名为姓 có họ Long , Lang , Điểu .

14. Lấy tên nghề nghiệp đặt họ:

Dĩ kĩ nghệ vi thị以技艺为氏, n các họ: Vu hành nghề đồng cốt cầu cúng cho người , Bốc chỉ người coi bói, Đào làm nghề gốm, Tượng cho người thợ mộc, Đồ là nghề giết mổ, Ngư với người đánh cá bắt cá, Tiều cho người kiếm củi, Canh với người làm ruộng, Mục với nghề chăn nuôi.

15. Dùng tên nơi cư trú làm họ:

Dĩ trú địa chi danh vi thị 以住地之名為氏nên người ở Diêu Khư 姚墟lấy họ Diêu hay trong thời Xuân thu họ tộc của Tề Quốc công 齐国公 sống tại Đông Quách 东郭, Nam Quách 南郭, Tây Quách 西郭, Bắc Quách 北郭 lấy các chữ này làm họ;Trịnh đại phu 郑大夫ở Tây Môn 西门 lấy họ Tây Môn

Hác là tên một làng đời Hán và đã trở thành tên họ. Chuyện rằng vào đời Tấn có anh em nhà họ Vương với 2 nàng dâu là Chung thị, và Hác thị ăn ở rất hòa thuận nên khi khen cách ăn ở của hai chị em dâu, người ta thường nói: “Chung Hác!”. Đây được coi là giai thoại đẹp của họ Hác.

Dương Kiên được cho ở đất Tùy, sau đó nhận tên Tùy làm tên họ và khi lên ngôi vua xưng là Tùy Văn Đế 隋文帝.

Nhóm này có thể kể đến các họ: Khâu , Môn , Hương , Lư , Lý , Dã , Quan ...

16. Lấy tên đất hoang làm tên họ:

Dĩ hoang địa vi thị 以荒名为氏là vào thời Xuân Thu–Chiến Quốc nhà vua lấy đất hoang để phong cho một người sai người đó chiêu mộ dân chúng khai hoang lập ấp và cư dân lấy tên đất làm tên họ. Loại tên họ này, khi viết Hán tự, đều có bộ ấp đi kèm, như: họ Nguyễn, Trần, Đặng, Đào, Hàm, Thiệu, Châu, Quách, Uất (阮陳陶鄧邯邵郰郭郁).

17. Lấy tên thành làm tên họ. Ngày xưa các vua chúa xây thành quách để cư dân ở, chống ngoại xâm và dân cư đã lấy tên thành làm tên họ, như: Phùng, Thôi, Bảo, Dương, Bạch Mã, Mao, Miêu, Bình.

18. Lấy tên dịch đình làm tên họ:

Dĩ hương, đình chi danh vi thị 以乡, 亭之名为氏bởi khi xưa vào đời Hán, cứ 10 dặm đất được gọi là một đình, có người đình trưởng giữ gìn an ninh. Trên đường giao thông qua địa phương đó, dựng một trạm gọi là dịch đình cho hành khách nghỉ chân. Cư dân ở đó, nhận tên dịch đình làm tên họ. Ví dụ: các họ: Bùi , Lục , Diêm , Âu , Dương

19. Lấy phương hướng làm tên họ:

Các họ như Đông , Tây 西, Nam , Bắc . Ví dụ: Tề Thần nối ngôi Tề Trang Công, cư ngụ phía đông của cung điện nhà Chu nên dân chúng đã chọn tên họ Đông Cung 東宮 để tưởng nhớ vị vua này.

20. Nhân sự việc đặt họ:

Dĩ sự vi thị 以事邑為氏 là ví như chuyện về tộc Phạm: Khi Vũ Vương 武王 giết vua Trụ cướp được ngôi nhà Thương (, 1766–1122 tCn), có một ông quan nhà Thương không chịu thần phục nhà Chu (, Zhou, 1122–256 tCn). Ông nói : “Bất thực Chu cốc” (不食周穀, không thèm ăn gạo nhà Chu), rồi ông cùng gia nhân kéo nhau lên một nơi núi cao rừng sâu, lấy gỗ rừng làm nhà cửa và phát hoang trồng trọt để lấy lương thực nuôi sống gia đình. Bên cạnh chỗ phát hoang trồng trọt của gia đình ông lúc bấy giờ có một con sông gọi là Sông Dĩ cạn khô. Sau khi phát hoang trồng trọt và khơi nguồn nước từ núi cao để trồng trọt và sinh hoạt thì Sông Dĩ có đầy nước. Nhìn dòng sông đầy nước, ông nói: “Dĩ Hữu Thuỷ” (已有水, Sông Dĩ đã có nước), rồi lấy 3 chấm thuỷ đặt cạnh chữ Dĩ trên có bộ thảo , gọi là chữ Phạm để đặt tên cho dòng họ của mình tách ra sinh sống tại đây. Từ đó Trung Quốc có một tộc người lấy tên họ Phạm. Bởi vậy ở Từ đường nếu viết 已有水 thì cũng có nghĩa như: 范族祠堂 “Phạm Tộc Từ Đường”.

21. Cải họ theo lệnh triều đình:

- Phục Tính sở cải 复姓所改: Theo “Ngụy thư quan thị chí” (魏書官氏志, wèi shu guan shì zhì) thì vào thời Bắc Ngụy, vua Hiếu Văn Đế Nguyên Hoành (孝文帝元宏, 471-499) ra nhiều sắc lệnh cải cách xã hội, đẩy mạnh qúa trình Hán hoá 漢化 đối với người tộc Tiên Ti 鮮卑族 (xian bì zú) trong đó có việc tự đổi họ Thác Bạt 拓拔氏 ra họ Nguyên và lệnh bắt đổi họ ba chữ Bạt Liệt Lan 拔列蘭 (bá liè lán) của người Tiên Ti thành họ đơn, một chữ Lương theo kiểu người Hán.

- Nhân tị húy cải tính 因避讳改姓: Hán Minh đế 汉明帝 tên huý là Trang nên họ này phải đổi ra họ Nghiêm .

- Nhân mỗ chủng cải tính 因某种改姓chính Minh Thành Tổ明成祖 Chu Lệ 朱棣 soán ngôi Minh Huệ Đế, xưng Văn Đế tịnh đương liễu hoàng đế 文帝并当了皇帝 là nhờ quân “Tĩnh nạn” (靖难 tức quân ngăn ngừa tai họa với nhà vua). Để ghi công người xuất sắc nhất trong cuộc đảo chính mà Chu Lệ đã đổi Thái giám Mã Tam Bảo 馬三寶từ họ Mã sang họ “Trịnh” . Đó chính là nhân vật Trịnh Hòa (鄭和, 1371–1433) là nhà hàng hải và nhà thám hiểm người Trung Quốc nổi tiếng sau này

- Dĩ công ban Tính 以功颁姓: Lấy tên vua ban làm tên họ. Việc này khởi từ chuyện Vua chúa có tục ban tên cho các công thần và dân chúng coi đó là một ân điển nên chọn tên vua ban làm tên họ: Ví dụ Thanh Thành Công được vua Thái Tổ nhà Minh 明太祖là Chu Nguyên Chương (朱元璋, 1328–1398) ban cho tên Chu, nên ông này đổi tên thành Chu Thành Công. Vua Đường Cao Tôn ban tên Lý cho ông Dự Úc, nên ông đổi tên là Lý Nguyên.

Chữ chỉ tộc danh vốn xuất phát từ nhiều nguồn, do tiền nhân chọn, đặt. Trong đó có chữ có nghĩa, có ý nghĩa hay, chữ không mang ý nghĩa gì hoặc chữ mang ý nghĩa không đẹp. Đồng thời những người chung tộc danh chưa chắc đã chung Thuỷ tổ và ngược lại tuy khác tộc danh lại cùng Thuỷ tổ! Các trường hợp biến âm, hay dịch âm, như: Hoàng-Huỳnh, Lù-Lục, Vàng-Vương ...không mấy liên quan đến liên gia của Lương Đức tộc trên Lào Cai nên chưa tập trung tìm hiểu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!