300 năm qua, cùng với sự thay đổi về chính trị, quân sự, kinh tế thì hệ thống tổ chức phân cấp hành chính Việt Nam thay đổi nhiều lần, địa giới, địa danh các đơn vị hành chính có liên quan đến Lương Đức tộc cũng lắm đổi thay gây không ít khó khăn cho quá trình tục biên Gia phả, truy tầm nguồn cội.
Việc phân cấp hành chính theo chiều dọc là tiện cho việc quản lý của nhà nước trung ương nên nó thay đổi theo lịch sử; các cấp hành chính nhiều lần tách nhập, thêm, bớt, thay đổi tên gọi và lại diễn ra trong những khoảng thời gian khác nhau, nhiều cấp hành chính, địa danh đã đi vào quá khứ. Nhìn chung, từ trước 8/1945 các cấp hành chính nước ta có: Đạo 道, Lộ 路, Trấn 鎭, Xứ 処, Thừa tuyên, Khu 區, Kỳ, Tỉnh 省, Quận 郡, Phủ 府, Châu 州, Mường , Huyện 縣, Hương 鄕, Tổng 總, Giáp 郲, Xã 社 đến Làng 廊, Chạ 藉, Thôn 村, Động 峒, Sách 柵, Bản 本, Xóm , Trại 赛.
Ngày nay, có cấp hành chính cũ vần tồn tại như cấp tỉnh, huyện, xã, thôn; còn một số cấp hành chính chỉ còn trong lịch sử, ngay cấp Đội và HTX nông nghiệp những năm 1960-1986 cũng không còn tồn tại.
1. Làng là đơn vị tụ cư cổ truyền ở nông thôn người Việt, tương đương với sóc (của người Khơ Me), bản (của dân tộc thiểu số phía bắc), buôn (Trường Sơn - Tây Nguyên). Việc hình thành làng sơm là do nhu cầu đối phó với thiên nhiên (đảm bảo tính thời vụ trong việc trồng cấy, giúp nhau khi bão lũ…); đối phó với môi trường xã hội (chống trộm, cướp, ...)
Đây chính là một kết cấu cư trú, kinh tế, xã hội, văn hoá đa dạng, một trong 3 khâu quan trọng của cấu trúc xã hội truyền thống, nối liền nhà với nước. Làng xuất hiện rất sớm, từ thời Hùng Vương dựng nước, gọi là chạ, trải qua một lịch sử phát triển và biến đổi lâu dài. Lúc đầu có thể là nơi cư trú của một dòng họ do vậy mới có những tên làng như: Phạm Xá 范舍, Đặng Xá 鄧舍, Nguyễn Xá 阮舍, Đỗ Xá 杜舍...Về sau, có nhiều dòng họ cùng cư trú, trong đó thường có 2 - 3 dòng họ lớn. Trong làng có 2 mối quan hệ huyết thống và quan hệ láng giềng. Cơ sở kinh tế chung của làng là ruộng công, nhất là đối với Miền Trung và Miền Bắc là nơi mà quá trình tư hữu hoá ruộng đất diễn ra không mạnh mẽ như ở Miền Nam. Số ruộng công được định kì chia cho các suất đinh để canh tác.
Cho đến trước 1945, dưới làng có phe, trên có tổng, rồi huyện. Làng có 2 bộ máy điều hành: bộ máy hành chính gồm lí dịch; bộ máy tự quản gồm tiên chỉ, thứ chỉ, kì mục. Bên cạnh việc thi hành luật pháp của nhà nước, làng có lệ làng, có hương ước và khoán ước; giữa một số làng như ở Miền Bắc có tục kết chạ. Làng còn giữ một số yếu tố dân chủ, thô sơ thể hiện trong bầu cử, bãi miễn các chức vụ lí dịch và bộ máy tự quản. Mỗi làng có đình thờ thành hoàng, thường là người có công chống giặc ngoại xâm hay có công chiêu dân lập ấp, hoặc là các vị tổ sư các ngành nghề thủ công. Bên cạnh đó có chùa thờ Phật, văn chỉ hay đền thờ Khổng Tử, nhà thờ đạo Thiên Chúa. Làng có những sinh hoạt văn hoá cộng đồng, thể hiện trong các lễ hội, các trò chơi dân gian. Làng có văn hoá xóm làng, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc. Hình ảnh “Cây đa, bến nước, sân đình, luỹ tre, hàng cau, cổng làng” là quen thuộc hầu hết các làng ở Bắc bộ.
Có nhiều loại hình làng: thuần nông, thủ công, làng buôn, vạn chài, ... Do thời gian và điều kiện hình thành không giống nhau, cho nên làng Miền Nam, làng Miền Bắc và làng Miền Trung không hoàn toàn như nhau.
Vì làng được tổ chức sớm và khá chặt chẽ nên người Việt thường nói làng với nước đi đôi với nhau. Các hệ thống trung gian như huyện, tỉnh không có vai trò quan trọng như thế. Bên cạnh một số yếu tố tích cực (tính cộng đồng, một số nét dân chủ, văn hoá xóm làng...) còn có những nét tiêu cực (ý thức hệ phong kiến, tôn ti trật tự nặng nề; sự bất bình đẳng tài sản; phân biệt nam nữ, chính cư, ngụ cư; phe giáp dòng họ, duy trì hủ tục...). Trong thời kỳ cai trị nước ta, người Pháp có tiến hành một số cuộc cải lương hương chính: năm 1921 bãi bỏ Hội đồng kỳ dịch và thay thế vào đó là Hội đồng tộc biểu, còn gọi là Hội đồng hương chính nhưng không mang lại kết quả và 6 năm sau phải cho lập lại Hội đồng kỳ mục và đến năm 1941 một hội đồng duy nhất được lập ra: Hội đồng kỳ hào. Sau Cách mạng tháng Tám, làng xã thay đổi dần, từng bước hoàn thiện theo thể chế chính trị mới.
Tên làng thường là tên Nôm. Ví dụ làng tôi là làng Hương 廊香, tên chữ là Phương Hạ 方粒, quê ngoại tôi là làng Cốc 廊谷, chữ là Cốc Tràng 谷場…Đặc biệt rất nhiều vùng có tên làng giống nhau, đó là các tên chỉ phương hướng, như: làng Thượng 上, Hạ 下, Đông 東, Đoài 兌…
2. Thôn là điểm tụ cư của người Việt ở vùng nông thôn, Miền Nam gọi là ấp. Có nơi, có thời thôn là làng, hay là một phần của làng. Thời phong kiến, từ thế kỉ 15 về sau, thường vài ba thôn hợp lại thành một xã, cũng có khi thôn lớn là xã. Cũng như “làng” chỉ có ở miền xuôi, miền núi không có khái niệm “thôn”.
Thôn dưới xã, gồm một số xóm, nhưng cũng có nơi, như xã Chính Lý, huyện Lý Nhân quê vợ tôi, dưới xã vừa có thôn, lại vừa có xóm (xóm ở trường hợp này là ngang thôn) nên địa chỉ quê vợ tôi là xóm 8 xã Chính Lý. Còn thôn Phương Hạ của tôi lại chia ra bên Hương, bên Hạ, xóm trong, xóm ngoài, xóm chùa, xóm trại.
Cư dân trong thôn thường có 2 mối quan hệ: quan hệ láng giềng và quan hệ họ hàng. Thôn là công xã nông thôn hay còn gọi là công xã láng giềng, hoặc một bộ phận của công xã láng giềng. Thôn có hương ước, có tín ngưỡng, thờ Thành hoàng ở đình. Hiện nay trong hệ thống hành chính mới của Việt Nam, cấp cuối cùng là xã. Những làng họp lại thành xã đều được gọi là thôn. Trong quy chế thôn hiện tại thì đó là điểm tụ cư dưới xã, có tính chất tự quản. Dân bầu ra trưởng thôn và một số người giúp việc để điều hành công việc của thôn.
Những làng, thôn đình bị phá đi hoặc không có đình thì từ 2005 trở lại đã xây “Nhà Văn hoá” sau đổi là “Nhà Sinh hoạt cộng đồng”. Tuy nay các làng được gọi thống nhất là thôn song có điều lạ là khi được xét tặng lại đề “Làng văn hoá”.
3. Bản là điểm quần cư, đơn vị dân cư, một đơn vị hành chính cấp cơ sở của nhiều dân tộc ít người ở miền Bắc, tương đương với làng hay xóm của người Kinh. Số dân trong các bản không đồng đều, thường chỉ tập trung vài ba trăm người với mấy chục nóc nhà và ở rải rác cách nhau vài kilômét, có khi hàng chục kilômét. B có ranh giới lãnh thổ được xác định rõ ràng, ở đó có nơi cư trú, canh tác, bãi chăn thả súc vật, rừng, sông suối, nghĩa địa, vv. Trong bản, thường có một họ gốc, họ lớn. Quan hệ giữa các cư dân trong bản chủ yếu là quan hệ láng giềng. Trước đây, đứng đầu là trưởng bản, điều hành công việc, theo tập quán và tinh thần cộng đồng. Nay, bản là một đơn vị hành chính làng xã Việt Nam, gọi thống nhất là “thôn”.
4. Xã là đơn vị hành chính cấp cơ sở ở các vùng nông thôn, ngoại thành, ngoại thị Việt Nam, gồm nhiều thôn, làng, bản, buôn, ấp, xóm hợp thành. Dân cư trong xã thường có một số dòng họ cùng chung sống lâu đời. Từ thời kì đất Giao Châu còn thuộc nhà Đường cai trị đã hình thành cấp xã. Cấp xã tồn tại lâu dài trong lịch sử (thời kì nhà Đinh, trên xã là giáp; các thời kì sau này, trên xã là tổng, phủ, huyện, vv.) . Mỗi xã gồm một số thôn, làng hoặc có xã chỉ gồm 1 thôn. Ví như 7 thôn thuộc xã Chiến Thắng, huyện An Lão quê tôi nay trước kia là 7 xã, đến tháng 6/1946 dồn thành 2 xã : Cảnh Hưng (gồm: Mông Tràng Hạ, Phương Lạp, Tôn Lộc và Cốc Tràng) và Kim Lĩnh Thượng (gồm: Cao Mật, Kim Côn, Côn Lĩnh, Mông Tràng Thượng).
Bộ máy lãnh đạo và quản lí ở cấp xã gồm có hội đồng kì mục, ra đời từ thời Trần, tồn tại đến các thời Lê, Nguyễn do Xã quan 社官 đứng đầu, đến 1467 thay bằng Xã trưởng 社長. Sau những cải cách hương chính của người Pháp (từ đầu đến giữa thế kỉ 20), hội đồng kì mục đổi tên là hội đồng tộc biểu, nhưng về sau chính quyền thực dân phải trả lại tên cũ là hội đồng kì mục, ở Nam Bộ là hội đồng hương chính. Hội đồng là cơ quan quyết nghị, với nhiệm kì 3 năm hoặc 6 năm. Kì dịch gồm có các xã quan, xã trưởng (thời Lê) hoặc lí trưởng, các phó lí, trương tuần, cai vạn, thủ quỹ, thủ lộ, hộ lại. Kì dịch là những người chấp hành của hội đồng kì mục, hội đồng tộc biểu, vv. Các kì dịch có thời kì do quan trên bổ nhiệm (đầu nhà Trần), đến triều Lê (thế kỉ thứ 15) do xã tự chọn, quan đầu hạt duyệt y, Bộ Lại cấp bằng; trong thời kì Pháp thuộc, các kì dịch do dân bầu, nhưng phải được đại diện Chính phủ bảo hộ phê chuẩn.
Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay, xã là đơn vị hành chính cấp cơ sở ở nông thôn trong hệ thống các cấp hành chính của Việt Nam nó tương đương với cấp phường ở các thị xã, thành phố. Hệ thống chính trị ở xã có đảng uỷ (hoặc chi uỷ), hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân (có thời kì gọi là ủy ban hành chính, ủy ban kháng chiến hành chính), mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Chính quyền cấp xã là nơi trực tiếp tổ chức chỉ đạo nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và mọi mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên. Theo Niên giám thống kê 2004 của Tổng cục Thống kê (bản tóm tắt), đến cuối 2004, cả nước có 9.012 xã; 1.181 phường và 583 thị trấn tương đương cấp xã.
Trên miền núi trên cấp bản, trại ngày xưa là “động”. Năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) nhà Nguyễn mới đổi các động 峒 thành xã 社, và cử quan cai trị tại các vùng núi. Khi đó, nơi gia đình tôi lên khai hoang từ 2/1964 từ động Hạo Niên 暠年峒 đổi thành xã Phong Niên (豐年= năm được mùa).
5. Tổng là đơn vị hành chính trung gian giữa huyện và xã - được duy trì trong hệ thống hành chính của các triều đại phong kiến Việt Nam từ cuối nhà Lê đến cuối nhà Nguyễn. Tuy nhiên, tổng xuất hiện từ khi nào và nguồn gốc của nó từ đâu, thì đến nay vẫn còn là câu hỏi chưa có lời đáp thỏa đáng. Trong khi hầu hết các đơn vị hành chính khác được sử dụng trong các triều đại phong kiến Việt Nam như đạo, lộ, phủ, huyện, xã... có nguồn gốc từ Trung Quốc, thì tổng hoàn toàn là đơn vị hành chính được thiết lập ở Việt Nam. Nhưng cũng không phải là do nhà nước phong kiến thời Lê hay Mạc đưa xuống mà chính là sản phẩm của làng xã do nhu cầu mở rộng và phát triển của làng xã. Từ chỗ xuất hiện rải rác ở một vài nơi, đến xuất hiện rộng rãi phổ biến ở mọi địa phương và cuối cùng nhà nước ở các triều đại sau này mới thừa nhận và đặt nó trong hệ thống hành chính của quốc gia. Vì lẽ đó mà trong các bộ quốc sử hay trong các bộ địa chí của các triều đại phong kiến Việt Nam, tổng chỉ mới có mặt tại đó từ những năm cuối thời Lê và trong các niên hiệu triều Nguyễn mà thôi. Đứng đầu là Chánh tổng (正總, cai tổng) có Phó chánh tổng 副總 giúp việc.
Như xã Chiến Thắng quê tôi xưa chính là tổng Cao Mật 高密總, gồm 7 xã (Cao Mật, Kim Côn, Côn Lĩnh, Mông Tràng Thượng, Mông Tràng Hạ, Phương Lạp, Tôn Lộc và Cốc Tràng 高密, 今崑, 崑嶺, 蒙場上, 蒙場下, 方粒, 尊祿, 谷場) và thuộc huyện An Lão.
6. Huyện: đơn vị quản lí hành chính ở Việt Nam. Thế kỉ 2 tCn nhà Hán xâm chiếm Nam Việt, đặt thành quận huyện. Âu Lạc cũ trong đất Nam Việt có 3 quận, gồm 22 huyện. Từ đó về sau trải qua nhiều triều đại cho đến ngày nay, cấp huyện vẫn được duy trì nhưng địa giới thì huyện ngày nay có diện tích bé hơn nhiều.
Thời Lê Sơ, huyện là cấp ở giữa xã và phủ. Từ thế kỉ 15 về sau, có thêm cấp tổng phụ thuộc vào huyện, làm trung gian giữa huyện và xã. Ví như quê tôi từng là xã Phương Lạp 方粒社 thuộc tổng Cao Mật 高密總, huyện An Lão 安老縣, phủ Kiến Thuỵ 建瑞府 của tỉnh Hải Dương 海洋省(thành lập 1831).
Quan chức đứng đầu huyện vào thời Trần đến đầu Lê Sơ là Chuyển vận sứ 轉運使, từ thời Lê Thánh Tông (1460 - 97) về sau là Tri huyện 知縣 . Một số phạm vi lãnh thổ các huyện thời Lê Nguyễn đến nay vẫn được duy trì.
Sau 8/1945, cấp phủ và tổng bị xoá bỏ. Huyện là một đơn vị hành chính, là một cấp quản lí hành chính của Nhà nước Việt Nam, trực thuộc cấp tỉnh và cấp thành phố trực thuộc trung ương; được xác định bởi địa giới nhất định. Đơn vị hành chính tương đương với huyện là thị xã, quận và thành phố trực thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện). Mỗi huyện bao gồm một số xã, thị trấn và thị tứ.
Tổ chức bộ máy chính quyền cấp huyện được lập ra thông qua việc bầu cử hội đồng nhân dân cấp huyện theo định kì. Chính quyền cấp huyện bao gồm hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, toà án nhân dân. Chính quyền cấp huyện hoạt động theo cơ chế do Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định; có trách nhiệm bảo đảm thi hành nghiêm chỉnh Hiến pháp và pháp luật ở địa phương; đề ra và tổ chức thực hiện các kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách, về quốc phòng - an ninh ở địa phương, về biện pháp ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân ở địa phương, hoàn thành mọi nhiệm vụ cấp trên giao cho, làm tròn nghĩa vụ đối với Nhà nước. Hiện nay các đơn vị hành chính cấp huyện của Việt Nam bao gồm các thành phố (trực thuộc tỉnh), thị xã, quận và huyện gồm 697 đơn vị
Trên miền núi, cấp huyện được dùng muộn, nó thay cho phủ, châu trước đó. Ví dụ: với vùng đất Lào Cai, địa danh Bảo Thắng có từ thời xưa (保勝關, Bảo Thắng quan). Cuối thế kỷ XIX thuộc châu Thủy Vĩ, phủ Quy Hóa, trấn Hưng Hóa (水尾州光化府興化鎭). Khi đó Bảo Thắng bao gồm cả một phần Tf Lào Cai sau này (Khu vực cửa khẩu và các phường: Phố Mới, Vạn Hoà, Nam Cường, Thống Nhất, Pom Hán, Soi Lần; các xã Cam Đường, Tả Phời, Hợp Thành). Đến ngày 9-3-1944, thống sứ Bắc Kỳ ban hành nghị định bãi bỏ châu Thuỷ Vĩ, châu Bảo Thắng, thành lập phủ Thuỷ Vĩ, phủ Bảo Thắng, 3 châu Bát Xát, Sa Pa, Bắc Hà và khu đô thị Lào Cai. Phủ Bảo Thắng sau gọi là huyện.
7. Tỉnh: là đơn vị hành chính trên cấp huyện, phủ được Minh Mạng lần đấu chia cả nước thành 31 đơn vị hành chính cấp tỉnh gồm 30 tỉnh và phủ Thừa Thiên, trực tiếp dưới cấp trung ương (triều đình) vào năm 1831-1832. Dưới tỉnh là phủ, huyện và trước kia tuỳ thời mà nó là đơn vị dưới cấp kỳ, xứ, khu ngày nay đó là đơn vị dưới cấp trung ương. Thời thuộc Pháp, các tỉnh, thành phố thuộc địa (Hải Phòng) do người Pháp trực tiếp cai trị (Tòa Đốc lý), các tỉnh Bảo hộ (Kiến An) vẫn duy trì bộ máy vua quan phong kiến cai trị bên cạnh Tòa Công sứ do người Pháp nắm quyền. Trong tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc. Hiện nay Việt Nam có tỉnh.
Duy có Thái Bình, Thanh Hoá là ít có sự biến động về quy mô, cương vực còn tất cả các tỉnh đều từng nhiều lần chia, nhập, tái lập. Ví dụ: Sau khi bình định xong Việt Nam, Pháp cắt các huyện: An Dương, Nghi Dương, An Lão (thuộc phủ Kiến Thuỵ) và một phần huyện Thuỷ Đường (Thuỷ Nguyên) của Hải Dương lập Nha Hải Phòng 海防衙, ngày 11/9/1887 đổi là tỉnh Hải Phòng 海防省. Đến 19/7/1888 Pháp ép Đồng Khánh nhượng Hải Phòng để xây dựng thành phố đến ngày 31/01/1898, toàn quyền Đông Dương tách Tf Hải Phòng ra khỏi tỉnh Hải Phòng, chuyển tỉnh lị về Phủ Liễn. Ngày 05/8/1902 tỉnh Hải Phòng đổi thành tỉnh Phù Liễn cho đến 1906 đổi thành tỉnh Kiến An 建安省. Tháng 8 năm 1902 tỉnh đổi tên thành tỉnh Phù Liễn, ngày 17/ 2/1906 thành tỉnh Kiến An. Tháng 11 năm 1946, chính quyền VNDCCH hợp nhất Kiến An với Hải Phòng thành liên tỉnh Hải-Kiến đến 12/1948 lại tách riêng theo địa danh cũ thành 2 đơn vị hành chính. Ngày 4/3/1950, Kiến An được sáp nhập thêm huyện Thủy Nguyên từ tỉnh Quảng Yên. Ngày 10/5/1955 QĐNDVN tiếp quản huyện An Lão, tx Kiến An; 13/5/1955 tiếp quản thành phố Hải Phòng. Về sau ngày 13/5 được lấy là ngày Kỷ niệm giải phóng Hải Phòng. Sau hoà bình, ngày 26/9/1955, huyện Hải An của Kiến An sáp nhập vào thành phố Hải Phòng. Đến ngày 27/10/1962, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá II đã có Nghị quyết về việc hợp nhất Hải Phòng- Kiến An thành thành phố Hải Phòng. Từ đó địa danh Kiến An có thời chỉ thị xã (từ 1962), cấp huyện (1980),rồi thị xã (1988) sau dùng chỉ quận (1997).
Hiện nay, Tỉnh là đơn vị hành chính ở cấp tương đương với thành phố trực thuộc trung ương, dưới nó là các đơn vị : huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Sau nhiều lần chia tách, nhập lại, hiện nay Việt Nam có 58 tỉnh và 5 thành phố trực thuộc.
8. Cấp hành chính chỉ còn trong lịch sử:
8.1. Thời phong kiến (938 - 1886):
- Đạo 道: dưới thời Đinh, Tiền Lê, tái dùng thời đầu Hậu Lê, bao gồm các trấn, lộ, huyện, châu 州 và cấp cơ sở lễ xã, động 峒 . Khi ấy, Lào Cai thuộc đạo Đà Giang 沱江道, Hải Phòng thuộc Đông đạo 東道. Người đứng đầu mỗi đạo là quan Hành khiển 行遣.
- Lộ 路 thời nhà Lý, Trần cùng với phủ 府, châu 州, do An phủ sứ đứng đầu 安撫使. Hải Phòng khi đó thuộc lộ Hải Đông 海東路.
- Phủ 府 là một đơn vị hành chính được lập ra từ thời Lý, nó tương đương cấp huyện nhưng có vị trí quan trọng hơn và người đứng đầu là Tri phủ 知府. Ví như phủ Quy Hóa quản lĩnh 3 huyện: Trấn Yên, Yên Lập, Văn Chấn và 2 châu: Văn Bàn, Thủy Vĩ (nay thuộc thành phố Lào Cai, các huyện thị Bảo Thắng, Cam Đường,... của tỉnh Lào Cai).
- Châu 州: dưới thời Lý ở miền núi do Phòng ngự sứ 防禦使 đứng đầu. Ngày ấy, Lào Cai là châu Chân Đăng 眞灯州 (hay Đạo Lâm Tây 林西道).
- Trấn 鎭 ngang lộ, phủ ở thời Trần, Hậu Lê và tái dùng ở thời Nguyễn do Trấn phủ sứ 鎭撫使 cai quản. Khi ấy, Lào Cai thuộc Thiên Hưng 天興鎭 (sau là Quy Hóa 光化鎭, rồi Hưng Hoá 興化鎭), Hải Phòng thuộc Hải Dương 海陽鎭 .
- Thừa tuyên 承宣 tương tự như trấn, cai quản các châu, phủ ở thời Hậu Lê do Tuyên phủ sứ 宣撫使 đứng đầu. Ở mỗi đạo thừa tuyên, có 3 ty “Đô, Thừa, Hiến” 都承憲 đảm trách từng công việc là Đô tổng binh sứ ty (quân sự ), Hiến sát sứ ty (xử án), Thừa tuyên sứ ty (hành chính). Cuối thế kỉ 18, đổi lại là trấn. Hải Phòng khi đó thuộc thừa tuyên Nam Sách, sau đổi thừa tuyên Hải Dương (海陽承宣, năm 1469 thành Hải Dương 海陽鎭, có 4 phủ 府, 18 huyện 縣), Lào Cai thuộc thừa tuyên Hưng Hóa 興化承宣, có 3 phủ 府, 4 huyện 縣, 17 châu 州.
- Doanh (Dinh) 營 do các chúa Nguyễn và sau là nhà Nguyễn lập ở các tỉnh miền Trung.
- Tổng trấn 綜鎭: Gia Long chia cả nước thành 23 trấn, 4 doanh. Khi ấy vùng Bắc Bộ ngày nay gồm 11 trấn, hợp thành Tổng trấn Bắc thành 北城綜鎭.
- Cấp cơ sở có Giáp 甲 gồm 10 hộ do Giáp thủ 甲守 đứng đầu, 110 hộ lập thành một Lý 里 do Lý trưởng 里長 coi sóc.
8.2. Dưới thời thuộc Pháp (1863-1945):
Kỳ: Khi lập Đông Pháp (Indochine française), người Pháp chia cả nước ra làm 3 kỳ (tương đương với 3 quốc gia) quản lý các tỉnh. Khi đó miền Bắc gọi là Bắc kỳ (Tonkin), là xứ bảo hộ (protectorat) do Thống sứ (Résident supérieur) cai quản. Tỉnh Lào Cai lập 1886-1891, tái lập 1907 từ Đạo quan binh thứ IV (một phần của tỉnh Hưng Hóa cũ); thành phố Hải Phòng lập năm 1888 (năm 1887 là tỉnh Hải Phòng), từ vùng biển Ninh Hải của tỉnh Hải Dương cũ.
8.3. Thời kỳ 1945-1954:
Bộ: Hiến pháp năm 1946 quy định: Nước Việt Nam về phương diện hành chính gồm có ba bộ: Bắc, Trung, Nam. Mỗi bộ chia thành tỉnh, mỗi tỉnh chia thành huyện, mỗi huyện chia thành xã . Miền Bắc là Bắc bộ.
8.4. Từ sau 1954:
Khu tự trị: lập theo Hiến pháp 1959 trên miền Bắc với 2 khu tự trị là: Khu tự trị Tây Bắc (ban đầu gọi là Khu tự trị Thái Mèo) và Khu tự trị Việt Bắc. Khu tự trị Tây Bắc lúc đầu chỉ có các cấp châu (tương đương huyện) và xã, bỏ cấp tỉnh, nhưng đến năm 1963 đã lập lại các tỉnh. Khi đó Hải Phòng là thành phố còn Kiến An và Lào Cai là tỉnh trực thuộc trung ương.
(Tư liệu lấy từ: http://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%C3%A2n_c%E1%BA%A5p_h%C3%A0nh_ch%C3%ADnh_Vi%E1%BB%87t_Nam_th%E1%BB%9Di_phong_ki%E1%BA%BFn và các nguồn khác).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!