[XEM GIA PHẢ][ PHẢ KÝ ][ THỦY TỔ ][PHẢ ĐỒ ][ TỘC ƯỚC ][ HƯƠNG HỎA ][TƯỞNG NIỆM][ THÔNG BÁO GIỖ]

Kính lạy các đấng Thần linh, Tiên Tổ và các bậc phụ thờ theo Tiên Tổ :
Phù hộ, Ban phúc, Chăm sóc cho GIA TỘC ngày càng phát triển; luôn An khang Thịnh vượng, Phúc khánh lâu bền
và Phù hộ, Chỉ giáo cho hậu sinh hoàn thành BỔN PHẬN cũng như TÂM NGUYỆN của mình
-*-
Trong nhiều bài viết có chứa các ký tự Tượng hình (chữ Hán, chữ Nôm).
Nếu không được hỗ trợ với Font đủ, bạn có thể sẽ chỉ nhìn thấy các ký hiệu lạ.


01 tháng 2 2010

Về ngày giỗ 18 tháng Chạp

Người Việt ta vốn hiếu kính với tổ tiên và cho rằng “sự tử như sự sinh” nên rất coi trọng việc kỉ niệm ngày mất của tiền nhân. Việc này được gọi là Chính kị hay Kị nhật và thực hiện theo nguyên tắc “Ngũ đại mai thần chủ” và “Chiêu mục”.

Nguyên lý này xuất phát từ nhận thức “Thiên địa tuần hoàn chung nhi phục thủy” và cứ qua 5 đời là Cụ Tổ các đời trước đã đầu thai vào kiếp khác. Nên trong gia đình khi có người chết thuộc đời thứ 5 thì bài vị Cụ Tổ 5 đời được chôn đi và Vong linh Cụ đó được rước phối thờ cùng các bậc tiền nhân đời trước nữa, gọi là Tống giỗ. Như vậy, mỗi người chỉ cúng các bậc : Bố, Ông, Cụ, Kỵ còn các đời xa hơn sẽ dồn vào ngày Giỗ Tổ hay “Chạp Tổ” hết.

Việc cúng giỗ thường thực hiện tại nhà trưởng nam hoặc người lập tự và thực hiện đúng kỉ niệm ngày mất. Trường hợp không có Nam kế sẽ theo nguyên tắc “vô tử dụng tôn”, “vô nam dụng nữ” để việc thờ cúng không rơi vào cảnh “hương lạnh khói tàn” tủi vong hồn người quá cố. Xưa kia còn có buổi Tiên thường hay Cáo giỗ là nghi lễ thực hiện từ chiều hôm trước ngày Chính giỗ và chỉ thực hiện trong dịp giỗ trọng (giỗ ông, bà, cha, mẹ, chồng, vợ). Trong ngày đó làm lễ xin phép với Thổ công cho phép hương hồn người cúng giỗ về phối hưởng và cho vong hồn nội, ngoại gia tiên về cùng dự giỗ. Đồng thời ra mộ người được hưởng giỗ xin phép Thổ địa cho phép và mời vong hồn vị này về phối hưởng kết hợp dọn dẹp mộ. Đây cũng là lúc những người phải góp giỗ (trai thứ, gái, cháu thứ, cháu ngoại) đem đồ lễ đến gửi giỗ. Trường hợp con cháu ở xa không thể về dự giỗ tiến hành Giỗ vọng. Ngày trước, từ lúc làm nghi thức cáo giỗ đến ngày hôm sau lúc nào trên ban thờ cũng phải thắp hương.

Thực hiện các quy tắc trên, đến nay hàng năm vào 17/9 âm tôi vẫn tiến hành giỗ Cụ Nội tôi là Lương Đức Trinh, thường được gọi là “Trinh bé”, để phân biệt với “Chinh lớn” tức cụ Giáo Chinh 征 là con bà cả và giỗ cụ Lương Đức Quýnh (anh ruột ông Nội tôi, khuyết tự) vào ngày 04/Giêng.

Vì sinh kế, con cháu, kể cả trong cùng chi phái, không thể quanh nơi Tổ gốc lại bận nhiều việc nên các năm thứ 5, 15, 25... gọi là giỗ chẵn, năm thứ 10, 20, 30...gọi là giỗ tròn sẽ làm lớn hơn, con cháu đông đủ; các năm khác con cháu ở xa có thể thực hiện nghi thức giỗ vọng hay có thể luân phiên từng nhà, từng khu vực để anh em tiện rõ gia cảnh. Việc lập Bàn thờ Vọng, tiến hành Giỗ Vọng (望拜, tức Vọng bái) vừa đảm bảo giữ được chữ Hiếu 孝 với Tổ Tông và lại giữ được chữ Đễ 悌 với anh em. Việc này cần được thống nhất trong Tộc họ, và phải giỗ trước ngày Trưởng Nam làm giỗ chính.

Ông Ngoại tôi là Phạm Văn Nhạc (范文樂, 1888-1936) thuộc đời thứ 10 dòng Trưởng ngành hai họ Phạm cốc Tràng, kị 14/Chạp và Cụ bà Đào Thị Thẩn (1885-1947), người làng Hạ, Kị 18/Chạp. Việc cúng giỗ do các anh tôi ở quê (Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng) thực hiện. Trong 5 anh có 3 anh đã vào Lâm Đồng còn các anh làm ăn ngoài thành phố nhưng rất chăm lo việc này lại có Trưởng ngành là Hướng khá thông thạo lễ nghĩa, nhà sát nhà Tổ, 3 bà còn cả nên việc cúng giỗ khá chu toàn.

Năm 1964 gia đình tôi lên Lào Cai khai hoang, sau đó Dì ruột tôi đến 1970 cũng lên đó. Do vậy tại An Phong có 2 chị em con cụ Nhạc-Thẩn. Khi còn khỏe mẹ và dì tôi vẫn về luôn dự giỗ, đặc biệt là dì còn khỏe nên năng về hơn. Chính vào dịp đầu năm 1997 (tháng Chạp Bính Tý) hai bà về quê dự giỗ thì bố tôi lâm bệnh trọng và ngưòi tắt thở lúc 2 giờ 5 phút sáng ngày Thứ Ba 21/01/1997 (tức là ngày 13 tháng Chạp năm Bính Tí). Mặc dù ngay 3 giờ sáng tôi đã ra Bưu điện Bắc ngầm gọi cho chị Mọn (cháu nội cụ Nhạc) tôi ở Kiến An báo tin.Nhưng Mẹ và Dì tôi lại chơi ở Bến Khuể, chị không tìm thấy. Không thể chờ, tôi quyết định mai táng Bố vào chiều 14/Chạp. Bản thân tôi cũng về dự cúng 14/Chạp vào năm 2006 dịp anh Bình (trưởng Nam) từ Lâm Đồng ra cúng ông và xây mộ cho bố. Mấy năm nay yếu nên Dì tôi cũng không về được, hai bà thống nhất giỗ vọng trên Lào Cai và thực hiện tại nhà Ngô Văn Phúc (con dì tôi). Việc giỗ cụ ông bởi liền sát sau ngày giỗ bố tôi nên mẹ tôi thường bảo các em làm 1 mâm đưa sang nhà Phúc để khấn vọng tưởng nhớ các cụ. Còn giỗ ngày 18/Chạp đúng dịp cuối năm nên chỉ 2 bà và mấy anh em gần đó đến được.

Năm nay, hôm giỗ bố tôi (13 tháng Chạp) Ngô Văn Phúc nói sẽ mở rộng, tiến hành vào Chủ Nhật (31/01/2010 tức 17/Chạp) và bảo anh em tôi về. Nhưng thứ Bẩy con tôi Hải Thương đi công tác, tôi phải trực bởi có lãnh đạo lên chúc Tết và 1 chuyên án ma túy các TS đang âm thầm ém bắt đối tượng còn vợ tôi và cháu Huệ khó thể đèo nhau được. Do vậy gia đình tôi không ai về dự được. Đành cáo lỗi và thắp hương tại nhà.

Mặt khác còn vài lấn cấn nữa mà tôi muốn trung hòa, giảm bớt những điều khó nói hay rơi vào cảnh “kính chẳng bõ phiền” không đáng có. Nếu việc giỗ vọng thực hiện tại nhà Ngô Văn Phúc thường kỳ thì ngoài việc giỗ các cụ bên họ Phạm thì cũng cần giỗ vọng bên họ Ngô mới trọn vẹn, mặt khác cụ mất năm 1947 thì năm nay cũng chẳng phải giỗ chẵn hay giõ tròn gì. Mặt khác giỗ của cụ Phạm Văn Tuệ (Hà Nam, Kị 06/10) thì mẹ, các chị và em tôi tiến hành không đều nên vợ chồng tôi theo cũng không đều.

Ai cũng từng cúng giỗ nhưng hiểu cho thấu đáo ý nghĩ, nghi thức của nó chắc gì đều chuẩn cả. Liệu có người nào hiểu cho nỗi lăn tăn này! Tốt nhất, mình biết thì mình cần tự tìm cách thực thi cho thích hợp, đẹp đôi đường, mọi nhẽ. Tôi luôn ghi nhớ lời căn dặn của bố tôi và nhớ lời cổ nhân: "Tâm động quỷ thân tri"!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tôn trọng cộng đồng, Hiếu kính Tổ Tông, Thương yêu đồng loại, Chăm sóc hậu nhân!

Cám ơn bạn đến thăm nhà


Vui nào cũng có lúc dừng,
Chia tay bạn nhé, nhớ đừng quên nhau.
Mượn "Lốc" ta nối nhịp cầu,
Cho xa xích lại, để TRẦU gặp CAU.


Mọi thông tin góp ý, bổ sung, đề nghị sửa trao đổi trực tiếp hay gửi về:
Sáng lập, Thiết kế và Quản trị : LƯƠNG ĐỨC MẾN
(Đời thứ Bẩy dòng Lương Đức gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng - Thế hệ thứ Hai phái Lào Cai)
ĐT: 0913 089 230 - E-mail: luongducmen@gmail.com
SN: 328 đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Kính mong quan viên họ và người có Tâm, có Trí chỉ bảo, góp ý thêm về nội dung và cách trình bày
Bạn có thể đăng Nhận xét dưới mỗi bài với "Ẩn danh".
Còn muốn đăng nhận xét có để lại thông tin cá nhân thì cần đăng kí tài khoản tại Gmail .
Chúc bạn luôn Vui vẻ, Hạnh phúc, May mắn và Thành đạt!